Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Bóng ma cuộc khủng hoảng 1997 ở Châu Á sẽ chưa tái hiện trong tương lai gần

Hiện nay một số chuyên gia kinh tế quốc tế cho rằng một cuộc khủng hoảng tài chính  đang đến gần khu vực Châu Á. Dấu hiệu đáng kể nhất là đồng nội tệ của các nước Châu Á, trong đó có đồng Việt Nam, đang xuống mức thấp kỷ lục. Đồng yên Nhật và peso của Philippines cũng tương tự.

crisis1

Một hình ảnh khủng hoảng 1997 : một khu phức hợp chung cư và văn phòng ở Băng Cốc bị ngừng xây dựng - Reuters

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ tiếp tục tăng lãi suất  để kiềm chế lạm phát khiến chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Châu Á, trong đó có Việt Nam, rơi vào khủng hoảng, nhất là đối với các nước chủ yếu nhập khẩu nguyên liệu từ nước ngoài để sản xuất vì chi phí nhập khẩu cao. Những điều này làm cho bóng ma của cuộc khủng hoảng tài chính ở Châu Á cách đây 25 năm đang xuất hiện trở lại.

Năm 1997, hỗn loạn khởi đầu từ Thái Lan khi Ngân hàng trung ương nước này cạn kiệt đô la, ngoại tệ mà họ phải dự trữ để giữ cho đồng nội tệ ổn định và trả các khoản vay nước ngoài. Cuộc khủng hoảng nhanh chóng lan sang Hàn Quốc, Indonesia và các quốc gia Châu Á khác vào thời điểm đó khi họ phải vật lộn để hỗ trợ đồng nội tệ đang giảm giá của mình. Các nhà đầu cơ tài chính đã đầu cơ vào khu vực này để kiếm lợi nhuận lớn và thoát ra nhanh chóng.

Để tránh rủi ro tài chính, chính phủ các nước Châu Á đang cố gắng ổn định đồng nội tệ của mình. 

Tại Trung Quốc, đồng nhân dân tệ  giảm xuống mức thấp nhất trong 14 năm qua so với đồng đô la vào ngày 28 tháng 9, bất chấp những nỗ lực của Ngân hàng trung ương nhằm ngăn chặn đà trượt giá sau khi Mỹ tăng lãi suất. Ngân hàng Trung ương Trung Quốc cũng đã thực hiện một loạt các biện pháp để làm chậm quá trình mất giá của đồng tiền nước này. Họ cũng cảnh báo các nhà đầu cơ  không nên đặt cược vào nó. 

Ở Nhật Bản, đồng yên đã giảm  khoảng 25% so với đồng đô la trong năm nay. Ngày 22/9, Nhật Bản cũng tuyên bố nước này sẽ can thiệp  để củng cố đồng tiền của mình. Lần gần nhất mà chính phủ Nhật đưa ra một tuyên bố như vậy là cách đây 24 năm, năm 1998. 

Nằm trong khung cảnh chung đó, Việt Nam có thể cũng bị ảnh hưởng. Thủ tướng Phạm Minh Chính đã kêu gọi  Ngân hàng trung ương hành động. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã tăng lãi suất  toàn phần trăm vào cuối tháng trước. 

RFA phỏng vấn Tiến sĩ Shirai Sayuri , Giáo sư Kinh tế tại Đại học Keio , đồng thời là cựu thành viên Hội đồng chính sách của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản.

RFA : Xin bà cho biết liệu một kịch bản tương tự năm 1997 có tái diễn ở Châu Á hiện nay không ? Tại sao ?

Shirai Sayuri : Tôi nghĩ các nền kinh tế Châu Á hiện nay sẽ không có nguy cơ lớn phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng kiểu Đông Á trước đây. Cuộc khủng hoảng Đông Á năm 1996-98 lây lan từ việc các ngân hàng Châu Á vay ngắn hạn xuyên biên giới từ các ngân hàng phương Tây (Mỹ, Châu Âu và Nhật Bản). Vào thời điểm đó, do quy định tài chính còn nhiều bất cập, các nước Châu Á, bao gồm Thái Lan, Indonesia và Hàn Quốc, đã không giám sát các hoạt động tài chính ngân hàng và không kiểm tra xem dự trữ ngoại hối có đầy đủ không. Kể từ cuộc khủng hoảng Đông Á, họ đã rút ra bài học và bắt đầu thắt chặt các quy định tài chính phù hợp với tiêu chuẩn toàn cầu, vì vậy hệ thống ngân hàng của họ giờ đây an toàn hơn rất nhiều.

Họ cũng nhận ra rằng các công ty trong nước phải đa dạng hóa các nguồn tài chính của mình chứ không chỉ phụ thuộc vào các khoản vay ngân hàng. Vì vậy, họ bắt đầu phát triển thị trường vốn bằng đồng nội tệ. Điều này giúp họ giảm bớt sự phụ thuộc vào việc vay nợ bằng ngoại tệ từ phương Tây.

RFA : Vấn đề lớn nhất trong hệ thống tài chính Châu Á là gì ? Liệu họ có thể vượt qua vấn đề đó trong bối cảnh bất ổn toàn cầu hiện nay không ?

Shirai Sayuri : Một vấn đề mà các quốc gia Châu Á này hiện đang đối mặt là chịu nhiều biến động về dòng vốn liên quan đến danh mục đầu tư (cổ phiếu và trái phiếu). Hiện nay họ đang chứng kiến hiện tượng dòng vốn danh mục đầu tư bị chuyển ra khỏi nước mình. Một phần là do các nhà đầu tư phương Tây đang rút vốn đầu tư khỏi các nền kinh tế mới nổi, và một phần do các nhà đầu tư Châu Á muốn đầu tư vào Mỹ. Nhiều nhà đầu tư Châu Á muốn đầu tư vào Mỹ vì chính sách tiền tệ thắt chặt hơn do FED thực hiện, đồng đô la Mỹ được coi là đồng tiền quốc tế chủ chốt, và chiến lược tháo chạy vốn trong bối cảnh những bất ổn toàn cầu ngày càng gia tăng.

Tuy nhiên, các nền kinh tế Châu Á nhìn chung đang ở tình trạng tốt hơn nhiều so với những năm 1990 vì khu vực ngân hàng của họ hoạt động tốt hơn, họ có nhiều dự trữ ngoại hối hơn. Tuy cán cân tài khoản vãng lai của họ hiện đang xấu đi, nhưng nợ nước ngoài của họ (so với GDP và xuất khẩu) không lớn.

RFA : Việt Nam nói riêng và Châu Á nói chung đã có nhiều dự trữ ngoại hối để phòng ngừa khủng hoảng tài chính. Nhưng hiện tại, đồng USD mạnh đã buộc các nước này phải chi dự trữ ngoại hối để can thiệp. Tức là họ sẽ mất dần ngoại tệ. Họ có thể chịu đựng thử thách này đến mức nào ?

Shirai Sayuri : Châu Á có thể tạm thời trải qua suy thoái do kinh tế Trung Quốc giảm tốc và trong trường hợp Mỹ và Châu Âu phải đối mặt với tăng trưởng âm vào cuối năm nay và năm sau. Nhưng Fed không có khả năng tiếp tục tăng lãi suất quỹ liên bang vượt quá 5% trong năm tới. Lạm phát của Mỹ đang giảm. Giá dầu không còn cao như thời ở trên đỉnh. Một khi Fed ngừng tăng lãi suất trong nửa cuối năm, sức tăng mạnh của đồng đô la có thể sẽ dừng lại. Vì vậy, hiện tại, một số nước Châu Á phải đối mặt với việc tỷ giá hối đoái mất giá mạnh và dẫn đến chi phí cao cho nhập khẩu. Nhưng nền kinh tế Châu Á cũng đang tăng trưởng chậm lại. Nó sẽ không giống như cuộc khủng hoảng Đông Á 1996-98, bị gây ra bởi cuộc khủng hoảng tài khoản vốn lây lan.

Nhìn chung, nền kinh tế Châu Á đang phục hồi và họ đã xử lý đại dịch Covid-19 tương đối tốt. Thâm hụt tài khóa ở Châu Á xấu đi do các phản ứng chính sách đối với đại dịch Covid-19, nhưng tỷ lệ nợ công trên GDP của các quốc gia này không quá cao. Các quốc gia này có tiềm năng tăng trưởng kinh tế cao, vì vậy Châu Á sẽ tiếp tục là động lực tăng trưởng toàn cầu trong dài hạn.

RFA : Đối với trường hợp của Việt Nam, đến cuối tháng 9 năm 2022, dự trữ ngoại hối của Việt Nam vào khoảng 87 tỷ USD. Nếu khủng hoảng xảy ra, liệu nguồn lực này có đủ cho một quốc gia đang phát triển như Việt Nam chống đỡ ? Hệ thống tài chính của Việt Nam hiện nay như thế nào ?

Shirai Sayuri : Hiện tại, Việt Nam đang thâm hụt tài khoản vãng lai và tài khóa. Nhưng tôi không nghĩ Việt Nam sẽ gặp khủng hoảng vì nợ công của nước này vẫn ở mức nhỏ, và tiềm năng tăng trưởng kinh tế cao với sự tăng cường của lĩnh vực sản xuất. Về lâu dài, Việt Nam, một phần của Đông Á, có khả năng sẽ tiếp tục tăng trưởng cao.

Ngoài ra, lạm phát ở Việt Nam tương đối thấp, do đó, Ngân hàng Trung ương không cần phải tăng lãi suất chính sách cao như ở các nền kinh tế mới nổi khác. Đồng Việt Nam mất giá so với đô la Mỹ, nhưng mức giảm giá khoảng 4,4% hàng năm - thấp hơn nhiều so với nhiều nước khác.

RFA xin trân trọng cảm ơn Giáo sư Shirai Sayuri đã chia sẻ cho độc giả chúng tôi cuộc phỏng vấn này.

Nguồn : RFA, 17/10/2022

Additional Info

  • Author Shirai Sayuri, RFA tiếng Việt
Published in Diễn đàn

Một lần nữa, nước Mỹ chứng kiến cuộc khủng hoảng kinh tế mới với sự sụp đổ của các thị trường và người nộp thuế đang cứu trợ những người giàu có. Đã đến lúc Mỹ phải cải tổ khế ước xã hội vô lý này.

83421381

Người biểu tình phản đối sự cứu trợ của chính phủ đối với các ngân hàng trước Sở giao dịch chứng khoán New York, tại thành phố New York vào ngày 24 tháng 10 năm 2008. SPENCER PLATT / GETTY

Trong cơn hoảng loạn do virus SARS-CoV-2 gây ra trên các thị trường tài chính, có hai ý tưởng sai lầm về việc hỗ trợ nền kinh tế trong suy thoái hiện vẫn còn ám ảnh người dân Mỹ. Mặt tốt của cuộc khủng hoảng hiện nay là hai ý tưởng này cuối cùng có thể bị chôn vùi mãi mãi. Và khi đó, Mỹ có thể sử dụng khoảnh khắc hiếm hoi này để suy nghĩ lại một cách căn bản về việc những thị trường này và các gói cứu trợ kéo dài từ năm này đến năm khác, sẽ đem lại lợi ích cho ai trước tiên.

Ý tưởng đầu tiên là khi quyết định mua hoặc bán tài sản của mình, các nhà đầu tư dựa vào lý trí để đưa ra phản ứng trước thông tin nhận được, nghĩa là các thị trường hoạt động hiệu quả là cách tốt nhất để thiết lập cách thức xã hội đưa ra lựa chọn đầu tư. Ý tưởng này bị tình hình thị trường tài chính Mỹ thách thức trong những tuần qua. Các nhà đầu tư hoảng loạn đang đưa ra phản ứng trước tình trạng bất ổn, chứ không phải trước thông tin nhận được. Các ngân hàng trung ương trên khắp thế giới đã can thiệp một cách phù hợp nhằm tìm cách ổn định các thị trường vốn không còn hoạt động hiệu quả.

Ý tưởng thứ hai là cách tốt nhất để đối phó với sự sụt giảm trong chi tiêu của người tiêu dùng và các công ty - như những gì Mỹ đang phải đối mặt do đại dịch Covid-19 gây ra - là khôi phục lòng tin bằng việc cắt giảm ngân sách của chính phủ, còn được gọi là chính sách "thắt lưng buộc bụng". Việc các chính phủ trên thế giới vội vàng công bố các biện pháp chi tiêu khẩn cấp để bù đắp cho tình trạng tê liệt đột ngột và trên quy mô lớn của hoạt động kinh tế cho thấy ý tưởng tồi tệ này cuối cùng cũng đã tắt ngấm.

Nỗ lực ổn định thị trường mới được khởi động gần đây. Ngân hàng dự trữ liên bang Mỹ đã cắt giảm lãi suất xuống mức 0%, bơm tiền để ổn định thanh khoản cho các thị trường tín phiếu Kho bạc và tín dụng thương mại, đồng thời nới lỏng các quy định về thế chấp và yêu cầu dự trữ để các ngân hàng đảm bảo lưu chuyển tiền tệ. Cuộc tranh luận trong quốc hội hiện nay không phải về việc có nên chi hay không, mà về việc chi bao nhiêu - lên tới 1.000 tỷ USD. Cơ quan hành pháp đã cho phép gia hạn nộp thuế quỹ lương 90 ngày và đang lên kế hoạch chuyển tiền trực tiếp cho các hộ gia đình.

Sau khi "khoanh tay đứng nhìn", Ngân hàng trung ương Châu Âu hiện đã công bố kế hoạch giải cứu tài chính gồm chương trình mua trái phiếu trị giá 750 tỷ Euro (800 tỷ USD), nới lỏng những yêu cầu về thế chấp, một chương trình tái cấp vốn mới cho các ngân hàng và mở rộng các chương trình nới lỏng định lượng hiện có. Các chương trình chi tiêu tài chính khác nhau cũng dần xuất hiện. Cho đến nay, phản ứng này phần lớn đã đem lại ấn tượng mạnh mẽ. Nhưng rồi sau đó, tại sao các thị trường vẫn sụp đổ ?

Câu trả lời rõ ràng nhất là phản ứng tài chính không đủ lớn và vẫn còn nhiều việc phải làm. Nhưng có lẽ chúng ta nên quay lại ý tưởng tồi tệ đầu tiên về tính hiệu quả của các thị trường. Liệu những thị trường Mỹ xây dựng nên - mà một lần nữa được cứu trợ bằng tiền đóng thuế, và tiêu tốn phần lớn số tiền tiết kiệm và tiền lương hưu - có thực sự phù hợp với mục đích của chúng ?

Một bằng chứng cho thấy các thị trường đang không làm lợi cho người dân bình thường là các hãng hàng không Mỹ hiện đang yêu cầu một khoản cứu trợ trị giá 50 tỷ USD. Đó cũng chính là các hãng hàng không đã lợi dụng khách hàng trong suốt thập kỷ qua, tính phí rất cao cho các dịch vụ cơ bản và vắt kiệt sức lao động của nhân viên. Sau đó, họ sử dụng gần như toàn bộ dòng tiền tự do để mua lại cổ phiếu của chính mình, đem lại lợi nhuận cho các cổ đông và ban giám đốc trong khi bỏ mặc công ty rơi vào tình trạng dễ bị tổn hại về tài chính. Có chắc lần này cổ đông và đội ngũ quản lý của những công ty đó xứng đáng phải gánh chịu phí tổn ?

Không chỉ có các hãng hàng không chịu thiệt hại. Kể từ năm 2008, tổng nợ của các tập đoàn thế giới đã lên tới khoảng 13.500 tỷ USD do họ kỳ vọng Ngân hàng dự trữ liên bang Mỹ và các ngân hàng trung ương khác duy trì lãi suất ở mức gần bằng hoặc dưới 0% trong dài hạn. Tuy nhiên, thay vì đầu tư số tiền mà họ huy động được vào sản xuất, trong đó có cả việc đào tạo kỹ năng cho nhân viên, họ đã sử dụng phần lớn nguồn tiền để mua lại cổ phiếu của mình và tùy ý làm lợi cho mình. Tại sao phải bận tâm tới khía cạnh kỹ thuật thực sự trong khi kế hoạch tài chính lại dễ dàng đạt được hơn nhiều ? Và giờ đây đống nợ này cũng có thể cần được Ngân hàng dự trữ liên bang, xét cho cùng vẫn do người nộp thuế hỗ trợ, mua lại hoặc đảm bảo.

Kết quả của sự hào phóng và chấp nhận rủi ro quá mức như vậy là toàn bộ hệ thống cực kỳ dễ bị tổn hại trước một cú sốc. Đây là bài học đáng lẽ Mỹ phải rút ra được trong cuộc khủng hoảng tài chính trước đó nhưng họ tiếp tục phạm sai lầm. Tất cả những người dân bình thường mà nền kinh tế thị trường của Mỹ có nghĩa vụ phụng sự đều dễ bị tổn thương. Năm 2016, hầu hết người Mỹ vẫn chưa khôi phục lại mức độ giàu có mà họ từng đạt được vào năm 2007. Gần một nửa người dân Mỹ phải chật vật mới kiếm được 2.000 USD trong một cuộc khủng hoảng, và thậm chí một khoản chi phí 400 USD cũng có thể khiến nhiều người vỡ nợ. Đồng thời, Mỹ đã đưa ra gói cắt giảm thuế trị giá 1.500 tỷ USD, phần lớn số tiền này lại chảy vào túi những người giàu nhất nước Mỹ - cũng là những người sở hữu gần như tất cả các cổ phiếu và trái phiếu hiện đang tăng giá, và là những người sẽ được hưởng lợi nhiều nhất từ các gói cứu trợ.

Hãy dừng lại một chút và tự hỏi xã hội cần gì nhất vào lúc này. Trên thực tế, hãy hỏi một câu hỏi căn bản hơn : Tại sao Mỹ tiếp tục viện trợ và tiếp tay cho một nhóm nhỏ gồm những người trong cuộc sử dụng chính các công ty dễ bị tổn thương, nợ nần chồng chất của mình để tạo ra lợi nhuận cho bản thân và buộc xã hội phải cứu trợ ? Phải chăng Mỹ không nên suy nghĩ lại về khế ước xã hội vô lý này và cải cách các thị trường để chúng không thể làm tổn thương nước Mỹ theo cách đó trong tương lai ?

Xét tới khoảnh khắc rõ ràng này, nước Mỹ nên thừa nhận rằng các chính phủ trên thế giới phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng mà họ có thể biến nó thành cơ hội. Bước đi đầu tiên là Mỹ cần có một chính sách tiền tệ "hậu lãi suất", mà không còn dùng lãi suất làm đòn bẩy chính để tác động đến thị trường. Cụ thể, các ngân hàng trung ương nên trực tiếp tài trợ cho chi tiêu chính phủ và trực tiếp cấp vốn hoặc bảo lãnh tín dụng cho các ngành nghề quan trọng của nền kinh tế.

Với lãi suất gần bằng 0 hoặc âm, các chính phủ có năng lực tài chính lớn nhưng chưa sử dụng đến. Các ngân hàng trung ương có thể làm rõ điều này bằng việc vạch rõ phạm vi chi tiêu có sẵn, hoặc trực tiếp yêu cầu chính phủ chi tiêu. Đối với Ngân hàng dự trữ liên bang Mỹ, bước đi cần thiết là trực tiếp tài trợ cho gói kích thích tài chính bằng cách mua tất cả các trái phiếu do Bộ Tài chính Mỹ phát hành, cũng như công khai bảo lãnh thị trường tín phiếu kho bạc và tín dụng thương mại có thế chấp để đảm bảo tính thanh khoản. Không cần thiết phải bơm thêm tiền để ổn định thanh khoản tạm thời, nhưng cần công khai đảm bảo rằng các nhà đầu tư sẽ được trả tiền.

Các khoản hoàn thuế cho tập đoàn và hỗ trợ trực tiếp cho các hộ gia đình, vốn đang được tiến hành nên được gia hạn trong suốt thời gian khủng hoảng. Sự hỗ trợ về tín dụng và tính thanh khoản như vậy nên nhằm mục tiêu đảm bảo rằng các tập đoàn có thể thanh toán cho tất cả các chủ nợ, và quan trọng nhất là trả lương cho nhân viên của họ. Tốc độ là điều cốt yếu. Hơn nữa, quy trình này nên nằm ngoài hoạt động chính trị mang tính đảng phái. Cả Quốc hội lẫn nhánh hành pháp, ngoại trừ Ngân hàng dự trữ liên bang, đều không nên phát hành ngân phiếu hàng tháng cho người lao động. Khi các điều kiện trở lại bình thường thì sẽ ngừng phát hành ngân phiếu.

Mỹ có thể làm được và nên đi xa hơn.

Điều mà cuộc khủng hoảng này đã phơi bày không chỉ là sự bất cân xứng giữa những người được hưởng lợi từ thị trường tài chính, mà còn là việc người dân thường ở Mỹ hoàn toàn không có sẵn tài sản trong tay khiến họ có thể bị bỏ lại phía sau vào những thời điểm xảy ra khủng hoảng. Đã đến lúc bắt đầu gây dựng lại những tài sản đó, làm cho xã hội Mỹ bớt mong manh hơn và cải tổ thị trường để chúng không còn là tài sản chung, nhưng chỉ mang lại lợi ích cho một nhóm rất nhỏ.

Trước tiên, nhân dịp này hãy thành lập quỹ phúc lợi của công dân Mỹ. Một quỹ như vậy sẽ mua hết tất cả các cổ phiếu giảm giá mạnh trong các thị trường chứng khoán vốn bị các nhà đầu tư hoảng loạn bán tháo. Nó sẽ được tài trợ với chi phí thấp bằng việc phát hành trái phiếu chính phủ với lãi suất gần bằng 0 - những tài sản an toàn mà các nhà đầu tư khao khát trong thời điểm hiện tại. Điều này không chỉ giúp định ra mức giá sàn cho các cổ phiếu, vào khoảng thời gian này quỹ sẽ không trả bất cứ cổ phiếu nào cho khu vực tư nhân khi cuộc khủng hoảng kết thúc. Thay vào đó, quỹ tài sản này sẽ giữ giá các cổ phần trong quỹ ủy thác quốc gia, quản lý cổ phần của nó một cách gián tiếp và độc lập, đồng thời trả cổ phần dài hạn cho những công dân không có tài sản.

Thứ hai, hãy bắt tay vào xử lý các vấn đề cốt lõi tạo ra sự bất bình đẳng và khiến xã hội dễ bị tổn thương - vấn đề nhà ở và sinh viên vay vốn. Việc cung cấp nhà ở gần như độc quyền của khu vực tư nhân kể từ năm 1980 đã khiến việc sở hữu một ngôi nhà vượt quá tầm tay của hầu hết người lao động, đặc biệt là ở khu vực thành thị. Bên cạnh vấn đề này, tiêu dùng của những người trẻ tuổi đang giảm dần do các khoản nợ quá mức cộng với tiền lương thấp, và mức tăng lương thấp ngay cả khi không có bệnh dịch. Việc ra lệnh cho Ngân hàng dự trữ liên bang tiếp quản hồ sơ vay vốn sinh viên, làm lợi cho tầng lớp trung lưu như từng làm với tầng lớp thượng lưu - kết hợp với cam kết xây dựng thêm nhiều nhà ở xã hội hơn trong thập kỷ tới - sẽ thúc đẩy công ăn việc làm trong lĩnh vực xây dựng trong khi phân phối lại của cải từ những chủ nhà giàu có sang những người thuê nhà nghèo khổ, kích thích tiêu dùng nói chung.

Thứ ba, hãy xem xét nghiêm túc việc cải cách các thị trường tài chính để chúng thực sự tạo ra của cải cho tất cả mọi người. Nên cấm hoặc hạn chế việc mua lại để quản lý bảng cân đối kế toán hợp pháp. Khi một công ty như Boeing chi 75% dòng tiền tự do cho việc mua lại cổ phần, thì khả năng dễ bị tổn thất của công ty đó trở thành vấn đề của mọi người. Tương tự như vậy, các tổ chức xếp hạng tín dụng cần sát sao hơn trong vấn đề nợ doanh nghiệp, hạ thấp thứ hạng của các công ty mắc nợ nhiều và loại bỏ những động lực đạt được đòn bẩy tài chính cao hơn bao giờ hết để giảm nguy cơ phải cứu trợ trong tương lai. Và liệu Mỹ có thể suy nghĩ lại về giao dịch chứng khoán bằng thuật toán tần số cao của các quỹ dự phòng và các thể chế tài chính khác hay không ? Với các máy tính hiện đang thực hiện khoảng 40% giao dịch chứng khoán, Mỹ đã tạo ra một vòng phản hồi cuối cùng khi các chương trình này ẩn chứa khả năng biến động rất lớn mà các cơ quan quản lý tiền tệ đang tìm cách bình ổn.

Thứ tư, một lần nữa xem xét nghiêm túc việc chống độc quyền. Sự tập trung thị trường đã trở thành một vấn đề trên khắp phần lớn nền kinh tế, với các công ty lớn tới mức không thể sụp đổ và các công ty gần như độc quyền xuất hiện ở khắp nơi, từ lĩnh vực ngân hàng đến dược phẩm. Và trong khi Mỹ đang lâm vào tình trạng này, một bộ phận của nền kinh tế chắc chắn vẫn sẽ hoạt động tốt trong thời điểm hiện tại là các dịch vụ kỹ thuật số, những công ty hàng đầu trong lĩnh vực này như Google và Facebook có lợi nhuận gần như độc quyền. Hãy bắt đầu bán cho họ dữ liệu mà hiện Mỹ đang cung cấp miễn phí để có thể "có phần" trong sự phát triển của họ, giống như đã làm với các cuộc đấu giá đối với các công ty viễn thông.

Cuối cùng, hãy xử lý vấn đề bảo hiểm y tế. Nếu cuộc khủng hoảng này không thuyết phục được nước Mỹ rằng việc gần 30 triệu người Mỹ không có bảo hiểm không phải là một vấn đề ảnh hưởng đến tất cả mọi người, thì chẳng điều gì có thể làm được việc đó. Dù gọi là "Bảo hiểm y tế cho tất cả mọi người" hay bất kỳ tên gọi nào khác, thì bảo hiểm y tế cơ bản cho mọi công dân Mỹ - loại hình bảo hiểm mà các công ty bảo hiểm tư nhân chủ động tránh cung cấp cho những người gặp vấn đề về sức khỏe - nên là ưu tiên hiển nhiên.

Nói tóm lại, Mỹ và Châu Âu cần làm nhiều việc hơn là can thiệp vào thị trường. Tuy nhiên, họ cần suy tính xa hơn cuộc khủng hoảng hiện tại để khắc phục điểm yếu có thể khiến cuộc khủng hoảng này trở nên nghiêm trọng đến vậy ngay từ đầu. EU và các nước thành viên chẳng còn lý do gì ngoại trừ tuân thủ một cách mù quáng những quy tắc mà rõ ràng không phù hợp với mục đích này. Mỹ thì hoàn toàn không còn lời bào chữa nào. Có trong tay tài sản dự trữ toàn cầu là đồng USD, Mỹ có tất cả sự linh hoạt và nguồn lực để biến cuộc khủng hoảng này thành một cơ hội.

Mark Blyth & Eric Lonergan

Nguyên tác : This Time, Can We Finally Turn a Financial Crisis Into an Opportunity ?, Foreign Policy, 20/03/2020

Minh Anh giới thiệu

Nguồn : Nghiên cứu Biển Đông, 07/04/2020

Mark Blyth là giáo sư kinh tế quốc tế tại Đại học Brown, Eric Lonergan là nhà quản lý quỹ đầu cơ và nhà kinh tế. Bài viết được đăng trên tạp chí Chính sách đi ngoi

Additional Info

  • Author Mark Blyth, Eric Lonergan
Published in Diễn đàn

Một lần nữa, các nhà đầu tư thế giới đang hướng ánh mắt lo lắng về phía Trung Quốc. Và họ có lý do để làm điều đó. Tăng trưởng kinh tế trong quý thứ ba đã giảm xuống còn 6,5%, tốc độ chậm nhất kể từ giai đoạn đỉnh điểm khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2009. Lần đầu tiên số lượng tiêu thụ xe hơi đã giảm trong hơn hai thập niên. Thông báo của Apple vào đầu tháng 1 rằng doanh số iPhone tại Trung Quốc đang chùng xuống đã cảnh báo thế giới về việc một Trung Quốc đang trì trệ sẽ kéo giảm tốc độ tăng trưởng toàn cầu và lợi nhuận của các công ty. 

crisis0

Các nhà đầu tư thế giới đang hướng ánh mắt lo lắng về phía Trung Quốc

Nhưng người Trung Quốc đã nhận thấy điều đó một thời gian trước. Ngay cả sau một đợt tăng giá gần đây, thị trường chứng khoán Thượng Hải vẫn sụt giảm hơn một phần tư so với mức đỉnh năm 2018. Triển vọng cũng không sáng sủa hơn. Thuế quan đối với hàng xuất khẩu của Trung Quốc sang Hoa Kỳ do Tổng thống Donald Trump áp đặt đang bắt đầu gây tổn thương cho các nhà máy của nước này. Một sự sụt giảm mạnh và bất ngờ trong kim ngạch nhập khẩu tháng 12 cho thấy nền kinh tế đang giảm tốc mạnh như thế nào. Điều đó đã khiến Bắc Kinh phải xuống nước và đàm phán với Washington để xoa dịu cuộc xung đột.

Một thỏa thuận thương mại, nếu xảy ra, có thể làm dịu lo lắng cho các nhà đầu tư, và thậm chí có thể giúp kích thích tăng trưởng kinh tế, ít nhất là tạm thời. Nhưng nó sẽ không giúp chấm dứt các tai ương của Trung Quốc. Mặc dù thuế quan là một mối lo lớn, nhưng các vấn đề thực sự lại ăn sâu hơn, tồn tại chính trong cấu trúc tài chính của Trung Quốc.

Điều ít người chú ý là Trung Quốc thực tế đã lâm vào khủng hoảng. 

Không, đó không phải là kiểu sụp đổ sống còn mà Hoa Kỳ đã chứng kiến trong năm 2008 hay cuộc khủng hoảng dữ dội, đáng kinh ngạc mà các con hổ kinh tế Châu Á đã trải qua vào năm 1997. Tuy nhiên, đó là một cuộc khủng hoảng, với các ngân hàng đầm đìa nợ xấu, các công ty phá sản, và nhà nước phải ra tay giải cứu. Do Trung Quốc gọi mô hình chủ nghĩa tư bản nhà nước của mình là "chủ nghĩa xã hội mang đặc sắc Trung Quốc", nên chúng ta hãy cứ gọi đây là một cuộc "khủng hoảng tài chính mang màu sắc Trung Quốc".

Cuộc khủng hoảng này không chỉ đơn thuần là về tốc độ tăng trưởng hiện tại chậm lại. Nó đã diễn ra trong một thời gian và nếu xét các triệu chứng thì nó cũng sẽ không sớm biến mất. Cách cuộc khủng hoảng được (hoặc không được) giải quyết sẽ có tác động sâu rộng lớn hơn nhiều so với việc một vài quý có tốc độ tăng trưởng thấp. Cuộc khủng hoảng này là về tương lai kinh tế của Trung Quốc và liệu nước này có thể quản lý được quá trình chuyển đổi cơ cấu cần thiết để đưa nền kinh tế bước vào hàng ngũ những nền kinh tế tiên tiến nhất thế giới hay không. Và nó cũng sẽ xác định liệu Trung Quốc có thể trở thành một trụ cột tăng trưởng toàn cầu hay là một mối đe dọa đối với sự ổn định tài chính thế giới.

Nhìn bề ngoài, ý kiến ​​cho rằng Trung Quốc đang gặp khủng hoảng nghe có vẻ vô lý. Tăng trưởng đã giảm dần nhưng vẫn tương đối cao nếu bạn tin vào số liệu của chính phủ. Các ngân hàng và công ty chưa rơi vào tình trạng mất khả năng thanh toán trên quy mô lớn. Đồng nhân dân tệ thậm chí đã có dấu hiệu tăng giá trở lại trong những ngày gần đây. Dù sự lo lắng về tình trạng của nền kinh tế đã gia tăng khiến người tiêu dùng Trung Quốc giảm chi tiêu, nhưng tâm trạng ở Trung Quốc vẫn chưa biến thành sự u ám điển hình của các cuộc khủng hoảng tài chính.

Vậy thì sao lại khủng hoảng ? Khủng hoảng kiểu gì ?

Thật vậy, Trung Quốc có thể không bao giờ phải chịu đựng nỗi hoảng loạn kinh hoàng như ở Phố Wall năm 2008. Cuộc khủng hoảng tài chính mang màu sắc Trung Quốc không diễn ra giống như hầu hết các các cuộc khủng hoảng tài chính khác. Thay vì là một vụ nổ bất ngờ phá hủy các ngân hàng và công ăn việc làm, phiên bản khủng hoảng Trung Quốc sẽ kéo dài, diễn ra chậm đến mức khó có thể nhận thấy. Nhưng cuối cùng, phí tổn và hệ quả sẽ tương tự như – và thậm chí còn tồi tệ hơn – cả các cuộc khủng hoảng truyền thống mà chúng ta từng chứng kiến.

Một vài năm trước, một số nhà quan sát Trung Quốc (trong đó có tôi) dự đoán nền kinh tế nước này có thể sụp đổ theo kiểu tương tự như năm 2008. Tất cả các đèn cảnh báo cho thảm họa đã nhấp nháy màu đỏ : bong bóng nhà đất, công suất dư thừa trong các ngành công nghiệp từ thép đến sản xuất tấm pin mặt trời, và đáng lo ngại nhất là sự tích tụ nợ ở mức khổng lồ. Theo Ngân hàng Thanh toán Quốc tế, tổng số nợ so với sản lượng quốc gia đã tăng lên tới mức 253% vào giữa năm 2018, từ mức chỉ 140% một thập niên trước đó. Không nền kinh tế mới nổi nào kể từ những năm 1990 trải qua một quá trình tăng nợ quá mức như vậy mà lại thoát khỏi được một thảm họa tài chính. Trung Quốc sẽ phải thách thức lịch sử nếu muốn tránh được một thảm họa nợ nần.

Chúng ta đã theo dõi và chờ đợi một "khoảnh khắc Lehman Brothers" ở Trung Quốc – và cứ thế chờ đợi thêm. Nó không bao giờ xảy đến. Một số nhà phân tích đã nhận ra rằng nó sẽ không bao giờ xảy ra bởi thực sự Trung Quốc đã lớn tới mức không thể đổ vỡ (too big too fail). Lập luận mới cho rằng chính phủ Trung Quốc có rất nhiều đòn bẩy trong việc kiểm soát các ngân hàng, các tập đoàn lớn và dòng vốn, họ có thể ngăn chặn khủng hoảng theo cách mà một nền kinh tế tự do hơn không thể ngăn chặn. Siêu cường này đã thể hiện điều đó vào năm 2015 sau khi một bong bóng thị trường chứng khoán nổ tung, đi kèm cùng việc quản lý cho vay yếu kém và sự bất lực của bộ máy quan liêu. Tiền chảy ra khỏi đất nước khi đồng nhân dân tệ loạng choạng. Những gì có thể đã khiến các thị trường mới nổi khác sụp đổ đã được giải quyết chỉ bằng một ngày làm việc của các quan chức đầy quyền lực của Trung Quốc. Chính phủ đã tổ chức một gói cứu trợ chứng khoán và kiểm soát dòng vốn. Cuộc khủng hoảng được ngăn chặn.

Cách tiếp cận đó đại diện cho chiến lược tổng thể của Bắc Kinh về vấn đề nợ. Chính phủ – vốn bị ám ảnh về sự ổn định xã hội – không cho phép trái bom phát nổ. Nhưng cuộc khủng hoảng tài chính mang màu sắc Trung Quốc vẫn đang gây ra thiệt hại cho nền kinh tế như bao cuộc khủng hoảng khác.

Như trong bất kỳ cuộc khủng hoảng nợ nào khác, sức khỏe của các ngân hàng Trung Quốc đang bị xói mòn một cách nguy hiểm.

Mặc dù tỉ lệ nợ xấu đạt mức cao nhất trong một thập niên vào cuối năm 2018, nhưng chúng vẫn ở mức dưới 2% tổng dư nợ theo số liệu chính phủ. Hầu như không ai tin vào thống kê này. Charlene Chu, một giám đốc cao cấp của công ty Autonomous Research và là một trong các chuyên gia hàng đầu về rủi ro tín dụng tại Trung Quốc, ước tính rằng mức nợ xấu phải lên tới 24% tổng tín dụng, trị giá khoảng 8,5 nghìn tỷ đô la. Điều đó nghe có vẻ thái quá, nhưng trong cuộc khủng hoảng năm 1997, các khoản nợ xấu ở Indonesia, Hàn Quốc và Thái Lan đã lên tới một phần ba tổng số các khoản vay.

Như thường thấy trong các cuộc khủng hoảng, mức độ thực sự của nợ xấu và thiệt hại có lẽ cao hơn mức mà người ta có thể dự đoán. Trong một nghiên cứu vào tháng 10, S&P Global Ratings lưu ý rằng số nợ của các chính quyền địa phương ở Trung Quốc vẫn còn là một bí ẩn, vì rất nhiều trong số đó được đưa ra ngoài bảng cân đối kế toán. Khoản nợ ngầm đó có thể gấp nhiều lần con số được tiết lộ công khai. S&P gọi nó là "phần nổi của một tảng băng rủi ro tín dụng khổng lồ". Các chính quyền địa phương thường tìm cách chi tiêu vào cơ sở hạ tầng để kích thích tăng trưởng, nhưng với một núi nợ, vai trò đó đang đạt đến mức giới hạn.

Trung Quốc cũng đang đối phó với một đặc điểm khác của một cuộc khủng hoảng tài chính : dòng vốn chảy ra ngoài.

Nhờ sự kiểm soát chặt chẽ, dòng tiền không thể tháo chạy nhanh như nó có thể dưới một chế độ ít mang tính kiểm soát hơn. Nhưng dù sao dòng tiền cũng sẽ chảy ra nước ngoài. Người Trung Quốc đã đứng đầu danh sách người nước ngoài mua nhà đất ở Hoa Kỳ trong sáu năm liên tiếp, theo Hiệp hội Bất động sản Quốc gia. Trong 12 tháng tính đến hết tháng 3 vừa qua, họ đã mua hơn 30 tỷ đô la giá trị nhà đất ở Mỹ. Người Canada chỉ mua một phần ba mức đó ; còn người Anh và người Ấn Độ chỉ mua bằng một phần tư.

Về lý thuyết, cuộc khủng hoảng tài chính theo kiểu Trung Quốc có những "lợi thế" nhất định so với các loại khủng hoảng thông thường. Bằng cách duy trì tăng trưởng và việc làm, Bắc Kinh có thêm thời gian để sửa chữa hệ thống. Các nhà quản lý đang cố gắng dọn dẹp một số vấn đề : Các công ty phá sản đã tăng mạnh vào năm ngoái. Nhưng trong thực tế, chính phủ đang khiến cuộc khủng hoảng kéo dài bằng cách dọn dẹp rác tài chính quá chậm. Những điều cần làm có lẽ là phải đại tu quy mô lớn các doanh nghiệp nhà nước cồng kềnh kém hiệu quả. Nhưng thậm chí tệ hơn, các nhà hoạch định chính sách đang tiếp tục đổ thêm vào đống rác đó. Họ vẫn cố tìm cách đạt được các mục tiêu tăng trưởng vốn không thể đạt được nếu không bơm thêm tín dụng. Trung Quốc là một kẻ nghiện nợ, và giống như bất kỳ con nghiện nào, họ cần thêm liều tín dụng để tiếp tục phát triển. Khi các liều cứu trợ ngắn hạn đó mất đi, nền kinh tế lại bắt đầu chậm lại. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc lại bị lung lay, mất quyết tâm xử lý nợ và lại chích thêm một liều tín dụng mới.

Họ lại đang thử lại cách đó. Phần lớn tăng trưởng chậm lại gần đây là do những nỗ lực của chính phủ nhằm hạn chế nợ. Vì vậy, các nhà hoạch định chính sách, như thường lệ, lại đang mở van tín dụng trở lại. Hồi đầu tháng Một, ngân hàng trung ương đã giảm tỉ lệ dự trữ bắt buộc, cho phép các ngân hàng cho vay nhiều hơn. Chắc chắn điều này sẽ tạo ra thêm nhiều nợ xấu. Theo Dinny McMahon, tác giả cuốn sách "China’s Great Great Wall of Debt", thêm nhiều khoản nợ được tạo ra và các khoản nợ đó được sử dụng để tạo ra tất cả những thứ gây nên vấn đề suốt thập niên qua.

Theo nghĩa đó, chính phủ đang khiến cho cuộc khủng hoảng tài chính mang màu sắc Trung Quốc trở nên tồi tệ hơn một cuộc khủng hoảng tài chính tiêu chuẩn.

Những khoảnh khắc Lehman có thể đáng sợ, nhưng chúng cũng mang tính thanh lọc, một cơ hội cho thị trường đào thải những thực thể yếu kém và tạo không gian cho các thực thể mới và tốt hơn. Bằng cách ngăn chặn điều đó xảy ra, Bắc Kinh lại đang cho phép những thứ cặn bã thối rữa thêm, có khả năng làm tăng chi phí dọn dẹp không thể tránh khỏi sau này.

Cuối cùng, nhà nước sẽ phải can thiệp và giải quyết mớ hỗn độn đó, giống như chính phủ Hoa Kỳ đã phải làm trong năm 2008. Giải cứu hệ thống ngân hàng Trung Quốc có thể sẽ đòi hỏi phải có một Chương trình Cứu trợ Tài sản xấu khổng lồ. Chúng ta có thể hình dung sơ bộ chi phí sẽ lớn như thế nào nếu nhìn lại các cuộc khủng hoảng trong quá khứ. Chính phủ Hàn Quốc đã chi tương đương 31% GDP để cứu hệ thống tài chính của mình sau cuộc khủng hoảng năm 1997. Nếu sử dụng mức đó để tham khảo, chi phí Trung Quốc phải bỏ ra có thể đạt 3,8 nghìn tỷ đô la. Nó có thể còn cao hơn. Indonesia đã phải chi 57% tổng sản phẩm quốc nội cho việc tái cấu trúc sau khủng hoảng năm 1997.

Trong khi đó, nền kinh tế bị đè nặng. Quá nhiều khoản nợ của Trung Quốc đã được tích tụ theo một cách không hiệu quả – các nhà máy không cần thiết, các công ty xác sống mất khả năng thanh toán – và sự phân bổ tài nguyên sai lệch đó đang ăn mòn các động lực tăng trưởng chính. Conference Board – một hiệp hội nghiên cứu có trụ sở tại New York, tính toán rằng mức tăng năng suất của Trung Quốc đã âm từ năm 2012.

Tất cả điều này dẫn đến một vòng xoáy đi xuống. 

Với việc Trung Quốc đã bị chôn vùi trong nợ nần, mỗi nỗ lực kích thích nền kinh tế bằng tín dụng mới lại có tác dụng ngày càng nhỏ hơn. Như công ty nghiên cứu Fathom Consulting đã giải thích trong một nghiên cứu vào tháng 10, mô hình kinh tế cũ của Trung Quốc "đang cho thấy mức lợi nhuận cận biên giảm dần". Có những dấu hiệu cho thấy điều đó đang xảy ra. Mặc dù có nhiều tháng cho vay nới tay nhưng tăng trưởng tín dụng đã không tăng mạnh như các nhà hoạch định chính sách mong muốn. Nỗi lo sợ gia tăng về tình trạng nền kinh tế kết hợp với mức nợ đáng kinh ngạc đang khiến chính phủ gặp khó khăn hơn trong việc dựa vào tín dụng bổ sung để duy trì mức tăng trưởng của Trung Quốc.

Có lẽ sẽ đến một thời điểm mà ngay cả các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc cũng nhận ra rằng núi nợ này nguy hiểm đến mức việc kiểm soát nó phải được ưu tiên hơn so với tăng trưởng. Mặc dù vậy, thật khó để tưởng tượng điều gì có thể đánh thức họ. Lạm phát cao hơn có thể là một yếu tố thay đổi cuộc chơi, vì điều đó sẽ khiến ngân hàng trung ương khó có thể tiếp tục bơm vào số tiền mặt mà hệ thống cần có để duy trì hoạt động. Nhưng điều đó khó có khả năng xảy ra, ít nhất là trong ngắn hạn. Lạm phát giảm mạnh đang làm dấy lên mối lo rằng Trung Quốc có thể bước vào thời kỳ giảm phát, khiến cho núi nợ của nước này thậm chí còn trở nên nặng nề hơn.

Giải pháp thực sự duy nhất, như McMahon lưu ý, là thay đổi mô hình tăng trưởng của nền kinh tế. Các nhà kinh tế và chính sách đã tranh luận về việc Trung Quốc cần phải "cân bằng lại" – chuyển động lực tăng trưởng từ đầu tư sang tiêu dùng. Điều đó không xảy ra đủ nhanh. Mỗi lần chính phủ sử dụng tín dụng để thúc đẩy tăng trưởng, nó lại tạo ra trở ngại cho cải cách hệ thống kinh tế. Theo công ty Fathom Consulting, Bắc Kinh đang "né tránh các thực tế kinh tế của việc tái cân bằng trong khi tích tụ thêm các vấn đề cho tương lai".

Vấn đề cơ bản là các cải cách tự do hóa vốn có thể đưa nền kinh tế đi theo hướng lành mạnh hơn đã biến mất, và không có sự hồi sinh nào cho chúng trong tương lai gần. Ưu tiên hàng đầu của Chủ tịch Tập Cận Bình là áp đặt sự kiểm soát của Đảng Cộng sản lên mọi thứ, vì vậy, ông duy trì chương trình nghị sự kinh tế dựa vào đầu tư và các doanh nghiệp quốc doanh vốn là trung tâm của cuộc khủng hoảng tài chính mang màu sắc Trung Quốc này. Các chính sách công nghiệp mới nhất của ông có thể mang lại các sản phẩm hấp dẫn hơn như robot, vi mạch, xe điện, nhưng chúng có thể tạo ra một mớ hỗn độn cũ : quá nhiều nhà máy, quá nhiều nợ, quá nhiều thứ bỏ đi.

Ngay cả khi cách tiếp cận của Tập khai sinh ra các ngành nghề mới và tăng trưởng kinh tế, điều đó vẫn không nhất thiết giúp giải quyết các tác hại đã được gây ra. Các khoản nợ xấu đã không biến mất một cách thần kỳ. Sự khác biệt thực sự duy nhất giữa một cuộc khủng hoảng tài chính thông thường và một cuộc khủng hoảng tài chính mang màu sắc Trung Quốc là thời gian. Hầu hết các biến động tài chính bình thường sẽ chấm dứt trong mấy tháng ; nhưng khủng hoảng của Trung Quốc có thể kéo dài nhiều năm. Là nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới, Trung Quốc nên là một nguồn hỗ trợ cho nền kinh tế thế giới đang tuột dốc. Nhưng nếu Trung Quốc không giải quyết được cuộc khủng hoảng tài chính của mình thì nó lại là một gánh nặng cho toàn cầu.

Michael Schuman

Nguồn : "Forget the Trade War. China Is Already in Crisis", Bloomberg Businessweek, 17/01/2019.

Lê Hồng Hiệp biên dịch

Nguồn : VNTB, 22/01/2019

Published in Diễn đàn

Một bóng ma đang ám ảnh các thị trường đang lên. Sau Cộng hòa Thổ Nhĩ Kỳ, tuần qua tới lượt Argentina bắt đầu mắc họa khi đồng Peso sụt giá 20% trong có vài ngày và chính quyền phải nâng lãi suất tới mức kỷ lục là 60%, lần thứ tư trong có mấy tháng. Liệu các nền kinh tế đang mở mang có thể trôi vào một cơn khủng hoảng dây chuyền hay không, Diễn đàn Kinh tế sẽ tìm hiểu sau đây.

ARGENTINA-ECONOMY-CRISIS

Biểu ngữ phản đối các cuộc đàm phán của chính phủ với Qũy Tiền Tệ Thế Giới tại Buenos Aires, Argentina hôm 4 tháng 9, 2018 - AFP

Mỹ kim và các nước đang phát triển

Nguyên Lam : Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do và Nguyên Lam xin chào chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa. 

Thưa ông, thị trường ngoại hối của các nước gọi là "đang phát triển" có thể bị chấn động mạnh sau những gì vừa xảy ra tại Turkey rồi Argentina. Vì vậy, kỳ này Nguyên Lam xin đề nghị ông phân tích cho những rủi ro của một vụ khủng hoảng dây chuyền…

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Những gì vừa xảy ra tại Turkey rồi Argentina có thể là dấu hiệu tiên báo một chuỗi tai họa cho các thị trường đang lên. Khởi đầu là cơn chấn động trên thị trường ngoại hối hay hối đoái khi đồng nội tệ bị mất giá nặng so với các ngoại tệ khác, sau đó sẽ còn là nguy cơ lạm phát, suy trầm sản xuất và thất nghiệp gia tăng…

Chúng ta nên trở lại 10 năm trước thì dễ hiểu ra nguyên nhân. Sau vụ khủng hoảng tài chính manh nha từ Âu Châu vào đầu năm 2018 rồi cao điểm là sự sụp đổ của tổ hợp đầu tư Lehman Brothers cùng nhiều doanh nghiệp tài chính và bảo hiểm của Hoa Kỳ ngày 15 tháng Chín năm đó, thế giới bị nạn Tổng suy trầm 2008-2009, với nạn ách tắc tín dụng là khó vay được tiền. Khi ấy, hệ thống ngân hàng trung ương Hoa Kỳ đã hạ lãi suất tới gần số không rồi ào ạt bơm tiền qua biện pháp bất thường học cua Nhật Bản là "nâng mức lưu hoạt có định lượng" hay "quantitative easing". Ngân hàng trung ương Âu Châu và nhiều nước khác cũng áp dụng biện pháp này. Nhờ vậy, tiền nhiều và rẻ đã tràn ra khắp nơi.

Khi tình hình kinh tế Hoa Kỳ đã khả quan hơn, dù chưa hoàn toàn hồi phục sau vụ suy trầm từ tháng 12 năm 2007 tới tháng Bảy 2009, thì giữa năm 2013 Ngân hàng Trung ương Hoa Kỳ đã báo trước việc "vuốt nhọn chính sách tiền tệ", tức là sẽ tăng lãi suất rồi dần dần hút bớt lượng tiền đã bơm ra. Hậu quả là ngày nay đồng Mỹ kim đã lên giá và nội tệ của các nền kinh tế đang lên bị sụt giá.

Nguyên Lam : Xin ông giải thích cho thính giả của chúng ta mối liên hệ giữa đồng tiền của các nước đang phát triển với đồng đô la của Hoa Kỳ và những hậu quả có thể xảy ra.

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Nói chung, khi Mỹ kim lên giá thì nội tệ của các nước đều bị ảnh hưởng, là sụt giá. Nhưng tình hình sẽ khó khăn hơn cho các nước đã vay quá nhiều và bị khiếm hụt cán cân vãng lai. Tình hình trở thành nguy ngập nhất cho các nước vay bằng đô la vì nghĩa vụ trả nợ, từ vốn đến lời, sẽ tốn hơn. Trong số này, gay go nhất là hoàn cảnh của các quốc gia có ít dự trữ ngoại tệ để vượt qua sóng gió vì chênh lệch tỷ giá hay hối suất giữa đồng nội tệ và đô la Mỹ.

Khi giông bão bắt đầu nổi lên thì đồng tiền mất giá làm nghĩa vụ hoàn trái là trả nợ sẽ đắt hơn như tôi vừa trình bày. Khi ấy, các doanh nghiệp phải cắt giảm phí tổn, giới tiêu thụ cũng khó trả nợ, nguy cơ vỡ nợ rồi phá sản dễ lây lan trong nền kinh tế. Hậu quả là kinh tế bị suy trầm, sản xuất đình đọng. Đấy là lúc chính quyền các nước lâm nạn phải có biện pháp ứng phó, như giảm chi, hoặc tăng thuế là việc Argentina vừa làm ngày hôm qua, và ngân hàng trung ương của họ phải nâng lãi suất để tư bản khỏi chạy ra ngoài, lạm phát khỏi tăng vọt và nhất là để giữ giá cho đồng nội tệ của mình. Các biện pháp ứng phó có vẻ cổ điển ấy cũng là liều thuốc đắng, có khi còn là liều thuốc đổ bệnh, vì chính sách kinh tế khắc khổ, nôm na là thắt lưng buộc bụng để trả nợ sẽ gieo họa cho các nước mắc nợ, nhất là nợ bằng đô la khi thấy Mỹ kim quá rẻ trong quá lâu.

Hậu quả lây lan dây chuyền

Nguyên-Lam : Từ mối quan hệ giữa Mỹ kim và đồng tiền của các nước như ông vừa giải thích, thưa ông, có lẽ thính giả của chúng ta muốn biết thêm vì sao các nước đang phát triển lại có thể bị hậu quả lây lan dây chuyền.

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Thế giới có hơn một chục quốc gia đang phát triển có thể gặp rủi ro nhiễm bệnh ấy nếu tự thân đã có nhiều nhược điểm. Đó là mắc nợ nhiều, nhất là nợ bằng đô la, thứ hai là cho vay thả giàn và thổi lên trái bóng đầu cơ trong nước vì thấy tiền nhiều và rẻ, thứ ba là chính quyền lại sung đương tư bản vào các dự án ít giá trị kinh tế mà thừa tác dụng phô trương. Nhược điểm thứ tư là có hệ thống ngân hàng thiếu lành mạnh, thứ năm là ngân sách quốc gia bị bội chi, thứ sáu là cán cân vãng lai bị khiếm hụt, thứ bảy là nợ bằng ngoại tệ ngắn hạn quá cao, tức là khối nợ đáo hạn thanh toán đã cận kề, và thứ tám, khối dự trữ ngoại tệ không đủ dày để đáp ứng yêu cầu cấp cứu.

Sau cùng, ta còn phải thấy vài chứng bệnh nội tại khác : chứng bệnh thứ chín là cơ cấu công nghiệp quá lệch lạc, nền kinh tế quá lệ thuộc vào xuất khẩu, nhất là xuất khẩu thương phẩm là nguyên nhiên vật liệu, thứ mười là cơ chế hành chính suy yếu, bị tham nhũng đục khoét, cuối cùng là lãnh đạo kinh tế và chính trị bất tài. Nếu kể ra hơn một chục tiêu chuẩn như vậy thì ta có thể kết luận rằng không phải mọi nước đang mở mang đều tất nhiên bị khủng hoảng, nhưng có năm sáu quốc gia dễ bị nhất. Sau đó mới là những hậu quả ta gọi là dây chuyền khi các nước giao dịch với nhau trong bối cảnh chung là không có nhiều đô la như trước.

Nguyên Lam : Bước qua phần hai, thưa ông, tình hình vay mượn của các nước đang phát triển trong mươi năm qua là như thế nào mà các thị trường đều sợ một vụ khủng hoảng dây chuyền ?

TURKEY-FOREX-ECONOMY-POLITICS

Đồng Lyra của Thổ Nhĩ Kỳ chạm mức thấp nhất trong lịch sử so với Mỹ kim hôm 23 tháng 5. AFP

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Năm 2007, trước khi có Tổng suy trầm, khối nợ của các nước đang mở mang là tương đương với khoảng 21 ngàn tỷ đô la, qua năm 2017 vừa rồi thì lên tới 63 ngàn tỷ, là gấp ba trong có 10 năm. Nếu so với Tổng sản lượng của họ thì từ 145% GDP khối nợ này lên tới 210% GDP. Bên trong từng nước thì ta hiểu rằng nợ của các doanh nghiệp phi tài chính và các hộ gia đình đều tăng. Trong khối nợ này thì nợ bằng ngoại tệ như đô la Mỹ, Euro của Âu Châu hay đồng Yen Nhật, đã tăng gấp đôi, ngày nay ở khoảng chín ngàn tỷ.

Chừng một chục quốc gia có khối nợ bằng ngoại tệ ở mức 20% tới 50% GDP, như Ấn Độ, Trung Quốc, Indonesia, Malaysia, Nam Phi, Chile, Brazil và vài nước Đông Âu. Đáng ngại hơn cả là khoản nợ sẽ đáo hạn là đến ngày trả trong năm 2019 rồi năm 2020, là khoảng một ngàn tỷ 500 triệu đô la mỗi năm. Nhiều nước thiếu ngoại tệ cho yêu cầu đó thì có thể vỡ nợ.

Nói vắn tắt thì ta thấy có nước cần tiền khi bị thiếu hụt kép, là bội chi ngân sách và thâm thủng cán cân vãng lai, hay kết số trao đổi hàng hóa, dịch vụ và tư bản thuộc số âm. Các nước bị nhược điểm ấy là Turkey, Argentina, rồi Brazil, Ấn Độ, Indonesia, Nam Phi, Ukraine và Liên bang Nga. Tiêu chuẩn thiếu hụt kép đó cũng tăng tại Trung Quốc, Malaysia, Mexico, Chile, Colombia và cả Ba Lan. Nếu kể thêm khả năng thanh toán bằng khối dự trữ ngoại tệ với nợ phải trả trong ngắn hạn thì ta có thêm ba nước dễ lâm họa là Pakistan, Ecuador và Cộng hòa Hungary.

Nguyên Lam : Trong số các nước bị rủi ro kể trên thì số phận Trung Quốc ra sao thưa ông, khi xứ này có khối dự trữ ngoại tệ cao nhất vì tương đương với ba ngàn tỷ đô la ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Xin hiểu là khối ngoại tệ đó không thuộc loại "nhàn rỗi" trong ngoặc kép, nghĩa là nằm trong kho để sử dụng khi cần. Một phần đã được cam kết cho kế hoạch xây dựng Nhất Đới Nhất Lộ. Chừng một phần ba là mua Công khố phiếu Mỹ để kiếm lời trong an toàn nhưng khi bán ra thì tài sản này của họ bị mất giá. Ta cũng không nên quên hiệu ứng của trận thương chiến vừa bùng nổ với Hoa Kỳ với biện pháp mới sẽ được Chính quyền Mỹ thông báo nay mai sau khi tham khảo ý kiến của các doanh nghiệp.

Ngoài ra, người ta đều biết gánh nợ rất lớn của Trung Quốc với thống kê không đáng tin về số nợ xấu, không sinh lời, khó đòi và sẽ mất, nó cao gấp bội so với con số Bắc Kinh thông báo. Với sản lượng kinh tế cứ được khoa trương là hạng nhì thế giới, Trung Quốc thật ra chỉ là một nước đang phát triển với cả chục chứng bệnh như tôi vừa trình bày.

Tương lai

Nguyên Lam : Bây giờ nói thêm về hậu quả của một vụ khủng hoảng có thể thu gọn trong năm sáu nước hay lây lan qua một chục quốc gia, ông lượng định thế nào về tương lai trước mắt ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Hai chục năm trước, vụ khủng hoảng tại Thái vào ngày hai tháng Bảy năm 1997 đã bất ngờ lan khắp Đông Á và dội về Liên bang Nga khiến xứ này vỡ nợ vì thiếu 150 tỷ đô la. Học kinh nghiệm đó, các nước cố gom một khối dự trữ ngoại tệ an toàn hơn và thu hút được giới đầu tư tài chính của bên ngoài qua việc vay nợ. Giới đầu tư quốc tế nhảy vào nhiều nước kiếm lời khi thấy họ rộng rãi vay mượn bằng nội tệ. Nhưng sau đó, các nước lại tích lũy nhiều rủi ro mới như thả nổi đồng bạc, ào ào vay mượn, gây biến động thị trường và dẫn tới nạn tẩu tán tư bản ra ngoài. Bây giờ, giới đầu tư tìm cách rút vốn nhảy ra làm các thị trường tài chính càng sa sút vì tuột giá.

Hậu quả là nạn suy trầm và lạm phát sẽ lan rộng trong các nước đang phát triển và người ta tìm cách bảo vệ tài sản bằng vàng hay đô la làm hai sản phẩm này lên giá. Đã vậy, khi đô la lại tăng giá vì kinh tế Mỹ tăng trưởng mạnh nhất kể từ mười mấy năm nay, tình hình còn khó xử hơn nữa.

Một hậu quả khác của suy trầm là các thương phẩm như dầu khí hay kim loại dễ bị ế ẩm vì số cầu sút giảm, nhưng khố nỗi vì đa số thương phẩm lại yết giá bằng đô la nên thành đắt hơn cho giới tiêu thụ làm nhiều người thêm vất vả trong các nước đang phát triển.

Nguyên Lam : Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do cùng Nguyên Lam xin cảm tạ ông về cuộc phỏng vấn tuần này.

Nguyên Lam thực hiện

Nguồn : RFA, 05/09/2018

Published in Diễn đàn