Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

07/04/2020

Liệu Mỹ có thể biến khủng hoảng tài chính thành cơ hội ?

Mark Blyth & Eric Lonergan

Một lần nữa, nước Mỹ chứng kiến cuộc khủng hoảng kinh tế mới với sự sụp đổ của các thị trường và người nộp thuế đang cứu trợ những người giàu có. Đã đến lúc Mỹ phải cải tổ khế ước xã hội vô lý này.

83421381

Người biểu tình phản đối sự cứu trợ của chính phủ đối với các ngân hàng trước Sở giao dịch chứng khoán New York, tại thành phố New York vào ngày 24 tháng 10 năm 2008. SPENCER PLATT / GETTY

Trong cơn hoảng loạn do virus SARS-CoV-2 gây ra trên các thị trường tài chính, có hai ý tưởng sai lầm về việc hỗ trợ nền kinh tế trong suy thoái hiện vẫn còn ám ảnh người dân Mỹ. Mặt tốt của cuộc khủng hoảng hiện nay là hai ý tưởng này cuối cùng có thể bị chôn vùi mãi mãi. Và khi đó, Mỹ có thể sử dụng khoảnh khắc hiếm hoi này để suy nghĩ lại một cách căn bản về việc những thị trường này và các gói cứu trợ kéo dài từ năm này đến năm khác, sẽ đem lại lợi ích cho ai trước tiên.

Ý tưởng đầu tiên là khi quyết định mua hoặc bán tài sản của mình, các nhà đầu tư dựa vào lý trí để đưa ra phản ứng trước thông tin nhận được, nghĩa là các thị trường hoạt động hiệu quả là cách tốt nhất để thiết lập cách thức xã hội đưa ra lựa chọn đầu tư. Ý tưởng này bị tình hình thị trường tài chính Mỹ thách thức trong những tuần qua. Các nhà đầu tư hoảng loạn đang đưa ra phản ứng trước tình trạng bất ổn, chứ không phải trước thông tin nhận được. Các ngân hàng trung ương trên khắp thế giới đã can thiệp một cách phù hợp nhằm tìm cách ổn định các thị trường vốn không còn hoạt động hiệu quả.

Ý tưởng thứ hai là cách tốt nhất để đối phó với sự sụt giảm trong chi tiêu của người tiêu dùng và các công ty - như những gì Mỹ đang phải đối mặt do đại dịch Covid-19 gây ra - là khôi phục lòng tin bằng việc cắt giảm ngân sách của chính phủ, còn được gọi là chính sách "thắt lưng buộc bụng". Việc các chính phủ trên thế giới vội vàng công bố các biện pháp chi tiêu khẩn cấp để bù đắp cho tình trạng tê liệt đột ngột và trên quy mô lớn của hoạt động kinh tế cho thấy ý tưởng tồi tệ này cuối cùng cũng đã tắt ngấm.

Nỗ lực ổn định thị trường mới được khởi động gần đây. Ngân hàng dự trữ liên bang Mỹ đã cắt giảm lãi suất xuống mức 0%, bơm tiền để ổn định thanh khoản cho các thị trường tín phiếu Kho bạc và tín dụng thương mại, đồng thời nới lỏng các quy định về thế chấp và yêu cầu dự trữ để các ngân hàng đảm bảo lưu chuyển tiền tệ. Cuộc tranh luận trong quốc hội hiện nay không phải về việc có nên chi hay không, mà về việc chi bao nhiêu - lên tới 1.000 tỷ USD. Cơ quan hành pháp đã cho phép gia hạn nộp thuế quỹ lương 90 ngày và đang lên kế hoạch chuyển tiền trực tiếp cho các hộ gia đình.

Sau khi "khoanh tay đứng nhìn", Ngân hàng trung ương Châu Âu hiện đã công bố kế hoạch giải cứu tài chính gồm chương trình mua trái phiếu trị giá 750 tỷ Euro (800 tỷ USD), nới lỏng những yêu cầu về thế chấp, một chương trình tái cấp vốn mới cho các ngân hàng và mở rộng các chương trình nới lỏng định lượng hiện có. Các chương trình chi tiêu tài chính khác nhau cũng dần xuất hiện. Cho đến nay, phản ứng này phần lớn đã đem lại ấn tượng mạnh mẽ. Nhưng rồi sau đó, tại sao các thị trường vẫn sụp đổ ?

Câu trả lời rõ ràng nhất là phản ứng tài chính không đủ lớn và vẫn còn nhiều việc phải làm. Nhưng có lẽ chúng ta nên quay lại ý tưởng tồi tệ đầu tiên về tính hiệu quả của các thị trường. Liệu những thị trường Mỹ xây dựng nên - mà một lần nữa được cứu trợ bằng tiền đóng thuế, và tiêu tốn phần lớn số tiền tiết kiệm và tiền lương hưu - có thực sự phù hợp với mục đích của chúng ?

Một bằng chứng cho thấy các thị trường đang không làm lợi cho người dân bình thường là các hãng hàng không Mỹ hiện đang yêu cầu một khoản cứu trợ trị giá 50 tỷ USD. Đó cũng chính là các hãng hàng không đã lợi dụng khách hàng trong suốt thập kỷ qua, tính phí rất cao cho các dịch vụ cơ bản và vắt kiệt sức lao động của nhân viên. Sau đó, họ sử dụng gần như toàn bộ dòng tiền tự do để mua lại cổ phiếu của chính mình, đem lại lợi nhuận cho các cổ đông và ban giám đốc trong khi bỏ mặc công ty rơi vào tình trạng dễ bị tổn hại về tài chính. Có chắc lần này cổ đông và đội ngũ quản lý của những công ty đó xứng đáng phải gánh chịu phí tổn ?

Không chỉ có các hãng hàng không chịu thiệt hại. Kể từ năm 2008, tổng nợ của các tập đoàn thế giới đã lên tới khoảng 13.500 tỷ USD do họ kỳ vọng Ngân hàng dự trữ liên bang Mỹ và các ngân hàng trung ương khác duy trì lãi suất ở mức gần bằng hoặc dưới 0% trong dài hạn. Tuy nhiên, thay vì đầu tư số tiền mà họ huy động được vào sản xuất, trong đó có cả việc đào tạo kỹ năng cho nhân viên, họ đã sử dụng phần lớn nguồn tiền để mua lại cổ phiếu của mình và tùy ý làm lợi cho mình. Tại sao phải bận tâm tới khía cạnh kỹ thuật thực sự trong khi kế hoạch tài chính lại dễ dàng đạt được hơn nhiều ? Và giờ đây đống nợ này cũng có thể cần được Ngân hàng dự trữ liên bang, xét cho cùng vẫn do người nộp thuế hỗ trợ, mua lại hoặc đảm bảo.

Kết quả của sự hào phóng và chấp nhận rủi ro quá mức như vậy là toàn bộ hệ thống cực kỳ dễ bị tổn hại trước một cú sốc. Đây là bài học đáng lẽ Mỹ phải rút ra được trong cuộc khủng hoảng tài chính trước đó nhưng họ tiếp tục phạm sai lầm. Tất cả những người dân bình thường mà nền kinh tế thị trường của Mỹ có nghĩa vụ phụng sự đều dễ bị tổn thương. Năm 2016, hầu hết người Mỹ vẫn chưa khôi phục lại mức độ giàu có mà họ từng đạt được vào năm 2007. Gần một nửa người dân Mỹ phải chật vật mới kiếm được 2.000 USD trong một cuộc khủng hoảng, và thậm chí một khoản chi phí 400 USD cũng có thể khiến nhiều người vỡ nợ. Đồng thời, Mỹ đã đưa ra gói cắt giảm thuế trị giá 1.500 tỷ USD, phần lớn số tiền này lại chảy vào túi những người giàu nhất nước Mỹ - cũng là những người sở hữu gần như tất cả các cổ phiếu và trái phiếu hiện đang tăng giá, và là những người sẽ được hưởng lợi nhiều nhất từ các gói cứu trợ.

Hãy dừng lại một chút và tự hỏi xã hội cần gì nhất vào lúc này. Trên thực tế, hãy hỏi một câu hỏi căn bản hơn : Tại sao Mỹ tiếp tục viện trợ và tiếp tay cho một nhóm nhỏ gồm những người trong cuộc sử dụng chính các công ty dễ bị tổn thương, nợ nần chồng chất của mình để tạo ra lợi nhuận cho bản thân và buộc xã hội phải cứu trợ ? Phải chăng Mỹ không nên suy nghĩ lại về khế ước xã hội vô lý này và cải cách các thị trường để chúng không thể làm tổn thương nước Mỹ theo cách đó trong tương lai ?

Xét tới khoảnh khắc rõ ràng này, nước Mỹ nên thừa nhận rằng các chính phủ trên thế giới phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng mà họ có thể biến nó thành cơ hội. Bước đi đầu tiên là Mỹ cần có một chính sách tiền tệ "hậu lãi suất", mà không còn dùng lãi suất làm đòn bẩy chính để tác động đến thị trường. Cụ thể, các ngân hàng trung ương nên trực tiếp tài trợ cho chi tiêu chính phủ và trực tiếp cấp vốn hoặc bảo lãnh tín dụng cho các ngành nghề quan trọng của nền kinh tế.

Với lãi suất gần bằng 0 hoặc âm, các chính phủ có năng lực tài chính lớn nhưng chưa sử dụng đến. Các ngân hàng trung ương có thể làm rõ điều này bằng việc vạch rõ phạm vi chi tiêu có sẵn, hoặc trực tiếp yêu cầu chính phủ chi tiêu. Đối với Ngân hàng dự trữ liên bang Mỹ, bước đi cần thiết là trực tiếp tài trợ cho gói kích thích tài chính bằng cách mua tất cả các trái phiếu do Bộ Tài chính Mỹ phát hành, cũng như công khai bảo lãnh thị trường tín phiếu kho bạc và tín dụng thương mại có thế chấp để đảm bảo tính thanh khoản. Không cần thiết phải bơm thêm tiền để ổn định thanh khoản tạm thời, nhưng cần công khai đảm bảo rằng các nhà đầu tư sẽ được trả tiền.

Các khoản hoàn thuế cho tập đoàn và hỗ trợ trực tiếp cho các hộ gia đình, vốn đang được tiến hành nên được gia hạn trong suốt thời gian khủng hoảng. Sự hỗ trợ về tín dụng và tính thanh khoản như vậy nên nhằm mục tiêu đảm bảo rằng các tập đoàn có thể thanh toán cho tất cả các chủ nợ, và quan trọng nhất là trả lương cho nhân viên của họ. Tốc độ là điều cốt yếu. Hơn nữa, quy trình này nên nằm ngoài hoạt động chính trị mang tính đảng phái. Cả Quốc hội lẫn nhánh hành pháp, ngoại trừ Ngân hàng dự trữ liên bang, đều không nên phát hành ngân phiếu hàng tháng cho người lao động. Khi các điều kiện trở lại bình thường thì sẽ ngừng phát hành ngân phiếu.

Mỹ có thể làm được và nên đi xa hơn.

Điều mà cuộc khủng hoảng này đã phơi bày không chỉ là sự bất cân xứng giữa những người được hưởng lợi từ thị trường tài chính, mà còn là việc người dân thường ở Mỹ hoàn toàn không có sẵn tài sản trong tay khiến họ có thể bị bỏ lại phía sau vào những thời điểm xảy ra khủng hoảng. Đã đến lúc bắt đầu gây dựng lại những tài sản đó, làm cho xã hội Mỹ bớt mong manh hơn và cải tổ thị trường để chúng không còn là tài sản chung, nhưng chỉ mang lại lợi ích cho một nhóm rất nhỏ.

Trước tiên, nhân dịp này hãy thành lập quỹ phúc lợi của công dân Mỹ. Một quỹ như vậy sẽ mua hết tất cả các cổ phiếu giảm giá mạnh trong các thị trường chứng khoán vốn bị các nhà đầu tư hoảng loạn bán tháo. Nó sẽ được tài trợ với chi phí thấp bằng việc phát hành trái phiếu chính phủ với lãi suất gần bằng 0 - những tài sản an toàn mà các nhà đầu tư khao khát trong thời điểm hiện tại. Điều này không chỉ giúp định ra mức giá sàn cho các cổ phiếu, vào khoảng thời gian này quỹ sẽ không trả bất cứ cổ phiếu nào cho khu vực tư nhân khi cuộc khủng hoảng kết thúc. Thay vào đó, quỹ tài sản này sẽ giữ giá các cổ phần trong quỹ ủy thác quốc gia, quản lý cổ phần của nó một cách gián tiếp và độc lập, đồng thời trả cổ phần dài hạn cho những công dân không có tài sản.

Thứ hai, hãy bắt tay vào xử lý các vấn đề cốt lõi tạo ra sự bất bình đẳng và khiến xã hội dễ bị tổn thương - vấn đề nhà ở và sinh viên vay vốn. Việc cung cấp nhà ở gần như độc quyền của khu vực tư nhân kể từ năm 1980 đã khiến việc sở hữu một ngôi nhà vượt quá tầm tay của hầu hết người lao động, đặc biệt là ở khu vực thành thị. Bên cạnh vấn đề này, tiêu dùng của những người trẻ tuổi đang giảm dần do các khoản nợ quá mức cộng với tiền lương thấp, và mức tăng lương thấp ngay cả khi không có bệnh dịch. Việc ra lệnh cho Ngân hàng dự trữ liên bang tiếp quản hồ sơ vay vốn sinh viên, làm lợi cho tầng lớp trung lưu như từng làm với tầng lớp thượng lưu - kết hợp với cam kết xây dựng thêm nhiều nhà ở xã hội hơn trong thập kỷ tới - sẽ thúc đẩy công ăn việc làm trong lĩnh vực xây dựng trong khi phân phối lại của cải từ những chủ nhà giàu có sang những người thuê nhà nghèo khổ, kích thích tiêu dùng nói chung.

Thứ ba, hãy xem xét nghiêm túc việc cải cách các thị trường tài chính để chúng thực sự tạo ra của cải cho tất cả mọi người. Nên cấm hoặc hạn chế việc mua lại để quản lý bảng cân đối kế toán hợp pháp. Khi một công ty như Boeing chi 75% dòng tiền tự do cho việc mua lại cổ phần, thì khả năng dễ bị tổn thất của công ty đó trở thành vấn đề của mọi người. Tương tự như vậy, các tổ chức xếp hạng tín dụng cần sát sao hơn trong vấn đề nợ doanh nghiệp, hạ thấp thứ hạng của các công ty mắc nợ nhiều và loại bỏ những động lực đạt được đòn bẩy tài chính cao hơn bao giờ hết để giảm nguy cơ phải cứu trợ trong tương lai. Và liệu Mỹ có thể suy nghĩ lại về giao dịch chứng khoán bằng thuật toán tần số cao của các quỹ dự phòng và các thể chế tài chính khác hay không ? Với các máy tính hiện đang thực hiện khoảng 40% giao dịch chứng khoán, Mỹ đã tạo ra một vòng phản hồi cuối cùng khi các chương trình này ẩn chứa khả năng biến động rất lớn mà các cơ quan quản lý tiền tệ đang tìm cách bình ổn.

Thứ tư, một lần nữa xem xét nghiêm túc việc chống độc quyền. Sự tập trung thị trường đã trở thành một vấn đề trên khắp phần lớn nền kinh tế, với các công ty lớn tới mức không thể sụp đổ và các công ty gần như độc quyền xuất hiện ở khắp nơi, từ lĩnh vực ngân hàng đến dược phẩm. Và trong khi Mỹ đang lâm vào tình trạng này, một bộ phận của nền kinh tế chắc chắn vẫn sẽ hoạt động tốt trong thời điểm hiện tại là các dịch vụ kỹ thuật số, những công ty hàng đầu trong lĩnh vực này như Google và Facebook có lợi nhuận gần như độc quyền. Hãy bắt đầu bán cho họ dữ liệu mà hiện Mỹ đang cung cấp miễn phí để có thể "có phần" trong sự phát triển của họ, giống như đã làm với các cuộc đấu giá đối với các công ty viễn thông.

Cuối cùng, hãy xử lý vấn đề bảo hiểm y tế. Nếu cuộc khủng hoảng này không thuyết phục được nước Mỹ rằng việc gần 30 triệu người Mỹ không có bảo hiểm không phải là một vấn đề ảnh hưởng đến tất cả mọi người, thì chẳng điều gì có thể làm được việc đó. Dù gọi là "Bảo hiểm y tế cho tất cả mọi người" hay bất kỳ tên gọi nào khác, thì bảo hiểm y tế cơ bản cho mọi công dân Mỹ - loại hình bảo hiểm mà các công ty bảo hiểm tư nhân chủ động tránh cung cấp cho những người gặp vấn đề về sức khỏe - nên là ưu tiên hiển nhiên.

Nói tóm lại, Mỹ và Châu Âu cần làm nhiều việc hơn là can thiệp vào thị trường. Tuy nhiên, họ cần suy tính xa hơn cuộc khủng hoảng hiện tại để khắc phục điểm yếu có thể khiến cuộc khủng hoảng này trở nên nghiêm trọng đến vậy ngay từ đầu. EU và các nước thành viên chẳng còn lý do gì ngoại trừ tuân thủ một cách mù quáng những quy tắc mà rõ ràng không phù hợp với mục đích này. Mỹ thì hoàn toàn không còn lời bào chữa nào. Có trong tay tài sản dự trữ toàn cầu là đồng USD, Mỹ có tất cả sự linh hoạt và nguồn lực để biến cuộc khủng hoảng này thành một cơ hội.

Mark Blyth & Eric Lonergan

Nguyên tác : This Time, Can We Finally Turn a Financial Crisis Into an Opportunity ?, Foreign Policy, 20/03/2020

Minh Anh giới thiệu

Nguồn : Nghiên cứu Biển Đông, 07/04/2020

Mark Blyth là giáo sư kinh tế quốc tế tại Đại học Brown, Eric Lonergan là nhà quản lý quỹ đầu cơ và nhà kinh tế. Bài viết được đăng trên tạp chí Chính sách đi ngoi

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Mark Blyth, Eric Lonergan
Read 481 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)