Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

17/10/2022

Có xảy ra khủng hoảng tài chính ở Châu Á không ?

Shirai Sayuri

Bóng ma cuộc khủng hoảng 1997 ở Châu Á sẽ chưa tái hiện trong tương lai gần

Hiện nay một số chuyên gia kinh tế quốc tế cho rằng một cuộc khủng hoảng tài chính  đang đến gần khu vực Châu Á. Dấu hiệu đáng kể nhất là đồng nội tệ của các nước Châu Á, trong đó có đồng Việt Nam, đang xuống mức thấp kỷ lục. Đồng yên Nhật và peso của Philippines cũng tương tự.

crisis1

Một hình ảnh khủng hoảng 1997 : một khu phức hợp chung cư và văn phòng ở Băng Cốc bị ngừng xây dựng - Reuters

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ tiếp tục tăng lãi suất  để kiềm chế lạm phát khiến chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Châu Á, trong đó có Việt Nam, rơi vào khủng hoảng, nhất là đối với các nước chủ yếu nhập khẩu nguyên liệu từ nước ngoài để sản xuất vì chi phí nhập khẩu cao. Những điều này làm cho bóng ma của cuộc khủng hoảng tài chính ở Châu Á cách đây 25 năm đang xuất hiện trở lại.

Năm 1997, hỗn loạn khởi đầu từ Thái Lan khi Ngân hàng trung ương nước này cạn kiệt đô la, ngoại tệ mà họ phải dự trữ để giữ cho đồng nội tệ ổn định và trả các khoản vay nước ngoài. Cuộc khủng hoảng nhanh chóng lan sang Hàn Quốc, Indonesia và các quốc gia Châu Á khác vào thời điểm đó khi họ phải vật lộn để hỗ trợ đồng nội tệ đang giảm giá của mình. Các nhà đầu cơ tài chính đã đầu cơ vào khu vực này để kiếm lợi nhuận lớn và thoát ra nhanh chóng.

Để tránh rủi ro tài chính, chính phủ các nước Châu Á đang cố gắng ổn định đồng nội tệ của mình. 

Tại Trung Quốc, đồng nhân dân tệ  giảm xuống mức thấp nhất trong 14 năm qua so với đồng đô la vào ngày 28 tháng 9, bất chấp những nỗ lực của Ngân hàng trung ương nhằm ngăn chặn đà trượt giá sau khi Mỹ tăng lãi suất. Ngân hàng Trung ương Trung Quốc cũng đã thực hiện một loạt các biện pháp để làm chậm quá trình mất giá của đồng tiền nước này. Họ cũng cảnh báo các nhà đầu cơ  không nên đặt cược vào nó. 

Ở Nhật Bản, đồng yên đã giảm  khoảng 25% so với đồng đô la trong năm nay. Ngày 22/9, Nhật Bản cũng tuyên bố nước này sẽ can thiệp  để củng cố đồng tiền của mình. Lần gần nhất mà chính phủ Nhật đưa ra một tuyên bố như vậy là cách đây 24 năm, năm 1998. 

Nằm trong khung cảnh chung đó, Việt Nam có thể cũng bị ảnh hưởng. Thủ tướng Phạm Minh Chính đã kêu gọi  Ngân hàng trung ương hành động. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã tăng lãi suất  toàn phần trăm vào cuối tháng trước. 

RFA phỏng vấn Tiến sĩ Shirai Sayuri , Giáo sư Kinh tế tại Đại học Keio , đồng thời là cựu thành viên Hội đồng chính sách của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản.

RFA : Xin bà cho biết liệu một kịch bản tương tự năm 1997 có tái diễn ở Châu Á hiện nay không ? Tại sao ?

Shirai Sayuri : Tôi nghĩ các nền kinh tế Châu Á hiện nay sẽ không có nguy cơ lớn phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng kiểu Đông Á trước đây. Cuộc khủng hoảng Đông Á năm 1996-98 lây lan từ việc các ngân hàng Châu Á vay ngắn hạn xuyên biên giới từ các ngân hàng phương Tây (Mỹ, Châu Âu và Nhật Bản). Vào thời điểm đó, do quy định tài chính còn nhiều bất cập, các nước Châu Á, bao gồm Thái Lan, Indonesia và Hàn Quốc, đã không giám sát các hoạt động tài chính ngân hàng và không kiểm tra xem dự trữ ngoại hối có đầy đủ không. Kể từ cuộc khủng hoảng Đông Á, họ đã rút ra bài học và bắt đầu thắt chặt các quy định tài chính phù hợp với tiêu chuẩn toàn cầu, vì vậy hệ thống ngân hàng của họ giờ đây an toàn hơn rất nhiều.

Họ cũng nhận ra rằng các công ty trong nước phải đa dạng hóa các nguồn tài chính của mình chứ không chỉ phụ thuộc vào các khoản vay ngân hàng. Vì vậy, họ bắt đầu phát triển thị trường vốn bằng đồng nội tệ. Điều này giúp họ giảm bớt sự phụ thuộc vào việc vay nợ bằng ngoại tệ từ phương Tây.

RFA : Vấn đề lớn nhất trong hệ thống tài chính Châu Á là gì ? Liệu họ có thể vượt qua vấn đề đó trong bối cảnh bất ổn toàn cầu hiện nay không ?

Shirai Sayuri : Một vấn đề mà các quốc gia Châu Á này hiện đang đối mặt là chịu nhiều biến động về dòng vốn liên quan đến danh mục đầu tư (cổ phiếu và trái phiếu). Hiện nay họ đang chứng kiến hiện tượng dòng vốn danh mục đầu tư bị chuyển ra khỏi nước mình. Một phần là do các nhà đầu tư phương Tây đang rút vốn đầu tư khỏi các nền kinh tế mới nổi, và một phần do các nhà đầu tư Châu Á muốn đầu tư vào Mỹ. Nhiều nhà đầu tư Châu Á muốn đầu tư vào Mỹ vì chính sách tiền tệ thắt chặt hơn do FED thực hiện, đồng đô la Mỹ được coi là đồng tiền quốc tế chủ chốt, và chiến lược tháo chạy vốn trong bối cảnh những bất ổn toàn cầu ngày càng gia tăng.

Tuy nhiên, các nền kinh tế Châu Á nhìn chung đang ở tình trạng tốt hơn nhiều so với những năm 1990 vì khu vực ngân hàng của họ hoạt động tốt hơn, họ có nhiều dự trữ ngoại hối hơn. Tuy cán cân tài khoản vãng lai của họ hiện đang xấu đi, nhưng nợ nước ngoài của họ (so với GDP và xuất khẩu) không lớn.

RFA : Việt Nam nói riêng và Châu Á nói chung đã có nhiều dự trữ ngoại hối để phòng ngừa khủng hoảng tài chính. Nhưng hiện tại, đồng USD mạnh đã buộc các nước này phải chi dự trữ ngoại hối để can thiệp. Tức là họ sẽ mất dần ngoại tệ. Họ có thể chịu đựng thử thách này đến mức nào ?

Shirai Sayuri : Châu Á có thể tạm thời trải qua suy thoái do kinh tế Trung Quốc giảm tốc và trong trường hợp Mỹ và Châu Âu phải đối mặt với tăng trưởng âm vào cuối năm nay và năm sau. Nhưng Fed không có khả năng tiếp tục tăng lãi suất quỹ liên bang vượt quá 5% trong năm tới. Lạm phát của Mỹ đang giảm. Giá dầu không còn cao như thời ở trên đỉnh. Một khi Fed ngừng tăng lãi suất trong nửa cuối năm, sức tăng mạnh của đồng đô la có thể sẽ dừng lại. Vì vậy, hiện tại, một số nước Châu Á phải đối mặt với việc tỷ giá hối đoái mất giá mạnh và dẫn đến chi phí cao cho nhập khẩu. Nhưng nền kinh tế Châu Á cũng đang tăng trưởng chậm lại. Nó sẽ không giống như cuộc khủng hoảng Đông Á 1996-98, bị gây ra bởi cuộc khủng hoảng tài khoản vốn lây lan.

Nhìn chung, nền kinh tế Châu Á đang phục hồi và họ đã xử lý đại dịch Covid-19 tương đối tốt. Thâm hụt tài khóa ở Châu Á xấu đi do các phản ứng chính sách đối với đại dịch Covid-19, nhưng tỷ lệ nợ công trên GDP của các quốc gia này không quá cao. Các quốc gia này có tiềm năng tăng trưởng kinh tế cao, vì vậy Châu Á sẽ tiếp tục là động lực tăng trưởng toàn cầu trong dài hạn.

RFA : Đối với trường hợp của Việt Nam, đến cuối tháng 9 năm 2022, dự trữ ngoại hối của Việt Nam vào khoảng 87 tỷ USD. Nếu khủng hoảng xảy ra, liệu nguồn lực này có đủ cho một quốc gia đang phát triển như Việt Nam chống đỡ ? Hệ thống tài chính của Việt Nam hiện nay như thế nào ?

Shirai Sayuri : Hiện tại, Việt Nam đang thâm hụt tài khoản vãng lai và tài khóa. Nhưng tôi không nghĩ Việt Nam sẽ gặp khủng hoảng vì nợ công của nước này vẫn ở mức nhỏ, và tiềm năng tăng trưởng kinh tế cao với sự tăng cường của lĩnh vực sản xuất. Về lâu dài, Việt Nam, một phần của Đông Á, có khả năng sẽ tiếp tục tăng trưởng cao.

Ngoài ra, lạm phát ở Việt Nam tương đối thấp, do đó, Ngân hàng Trung ương không cần phải tăng lãi suất chính sách cao như ở các nền kinh tế mới nổi khác. Đồng Việt Nam mất giá so với đô la Mỹ, nhưng mức giảm giá khoảng 4,4% hàng năm - thấp hơn nhiều so với nhiều nước khác.

RFA xin trân trọng cảm ơn Giáo sư Shirai Sayuri đã chia sẻ cho độc giả chúng tôi cuộc phỏng vấn này.

Nguồn : RFA, 17/10/2022

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Shirai Sayuri, RFA tiếng Việt
Read 274 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)