Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Dư luận quốc tế cứ quan tâm đến trận thương chiến giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, chứ hai vấn đề nguy ngập hơn cho nền kinh tế có sản lượng thứ nhì của thế giới mới làm cho lãnh đạo Bắc Kinh mất ngủ. Đó là hiện tượng thiếu nước vì môi sinh bị hủy hoại trong khi núi nợ lại chồng chất ngay trước mắt. Vì các vấn đề này có liên hệ đến trường hợp Việt Nam nên mục Diễn đàn Kinh tế mới phải tìm hiểu.

no1

Biểu đồ hiển thị nợ quốc gia của Trung Quốc đang gia tăng cho đến năm 2020 theo dự báo của IMF - AFP

Hai vấn nạn của Trung Quốc

Nguyên Lam : Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do và Nguyên Lam xin kính chào chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa.

Thưa ông, cuộc chiến tranh thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc - mà ông thường gọi tắt là "thương chiến Mỹ-Hoa" - sẽ gia tăng cường độ và còn kéo dài, nhưng một số công trình nghiên cứu của quốc tế lại nêu ra hai vấn đề khác của Trung Quốc. Do đó Nguyên Lam xin yêu cầu ông trình bày hai vấn đề này cho thính giả của chúng ta.

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Trận thương chiến Mỹ-Hoa là đề tài nóng, nhất là khi lãnh đạo hai nước sẽ gặp nhau tuần tới tại Argentina nhân thượng đỉnh của nhóm G-20. Nhưng lồng trong đó, ta còn nên thấy nhiều vấn đề gay gắt hơn cho giới lãnh đạo của Bắc Kinh và riêng tôi thì chú ý đến hai sự kiện có vẻ trái ngược.

Thứ nhất là ba nền kinh tế có sản lượng đứng đầu thế giới cũng là ba nền kinh tế mắc nợ nhiều nhất. Đó là Hoa Kỳ mắc nợ tới hơn 105% của Tổng sản lượng GDP, Nhật Bản nợ tới 250% GDP và Trung Quốc thì nợ tới 300% GDP mặc dù con số chính thức chỉ có 47,6%. Lý do sai biệt giữa số chính thức và số thật là cách đếm của Bắc Kinh. Họ không tính các khoản nợ trong nội bộ, như của Ngân hàng Nhà nước cho các doanh nghiệp nhà nước và xí nghiệp hương trấn của chính quyền địa phương vay tiền. Tuy nhiên, dù không tính thì khách nợ vẫn phải trả và đây đó nạn vỡ nợ đã xảy ra.

Thứ hai là Trung Quốc không chỉ thiếu đất canh tác vì diện tích khả canh tính theo dân số chỉ bằng một phần ba của bình quân thế giới mà họ còn hủy hoại môi sinh cho nên sẽ thiếu nước trong khi là quốc gia Á Châu có ít nước ngọt nhất.

Nguyên Lam : Ông vừa nêu ra hai vấn đề là nước và nợ của Trung Quốc. Thưa ông, nếu nhìn trên cái trục thời gian thì vấn đề nào là nghiêm trọng nhất ?

Thiếu nợ

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Nói về mức nghiêm trọng trong tương lai trước mắt thì hồ sơ nợ nần của Trung Quốc là một vấn đề lớn, với hậu quả cho các nền kinh tế giao dịch với Bắc Kinh. Nhưng nhìn về ảnh hưởng lâu dài cho cả lục địa Á Châu thì nạn lạm thác - lạm dụng trong khai thác - các tháp nước thiên nhiên trên tầng băng quyển ở quanh Hy Mã Lạp Sơn mới là vấn đề sinh tử vì thiếu nước là chết, cho khoảng một tỷ 800 triệu người.

Nguyên Lam : Nếu vậy, Nguyên Lam xin đề nghị ông trình bày về hồ sơ nợ nần, trước khi ta bước qua vấn đề sinh tử là môi trường sinh sống bị thiếu nước.

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Ngày nay, thế giới bắt đầu thấy ra một sự thật là tốc độ tăng trưởng sản xuất của Trung Quốc không còn cao như xưa mà đang giảm dần. Nhưng, giống tình trạng của 10 năm trước, các công ty giám định trị giá trái phiếu như Standard & Poors’ hay Moody’s vẫn chưa đánh giá cho đúng sự rủi ro của Trung Quốc nên phân lời trái phiếu dài hạn của Bắc Kinh cũng được định giá như của Hoa Kỳ hay Nhật Bản, là điều cực nguy hiểm khi khủng hoảng bùng nổ….

Sở dĩ như vậy là vì nhà nước Bắc Kinh vừa là chủ nợ vừa là khách nợ cho nên mức rủi ro không phân tán ra nhiều thành phần kinh tế mà tập trung vào nhà nước và là sự hiểm tai hay tai họa nguy hiểm cho cả hệ thống. Đã vậy, ngoài sự kiện vừa là chủ nợ và khách nợ, nhà nước Bắc Kinh còn giữ một vai trò thứ ba, là làm luật cho cả khách nợ lẫn chủ nợ. Khi khủng hoảng bùng nổ, thì nhà nước mất nợ và các cơ quan của nhà nước bèn đảo nợ cho nhau.

Nguyên Lam : Xin ông giải thích thêm về hiện tượng ông goi "đảo nợ cho nhau"là gì ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Việt Nam biết khá rõ chuyện này : các cơ quan vỡ nợ của nhà nước được nhà nước cho vay thêm hay kéo dài kỳ hạn hoàn trái để khỏi mang tiếng vỡ nợ hay phá sản. Nhưng hậu quả là nhà nước còn mắc nợ nhiều hơn trước !

Thuần về kinh tế tài chính, khi khách nợ hay con nợ không thể hoàn tất nghĩa vụ hoàn trái và bị vỡ nợ hay phá sản thì chủ nợ, là người cho vay, cũng bị thiệt. Giả dụ như cho vay 100 mà thu về cả vốn lẫn lời chỉ có 70 thì coi như mất 30%. Khi Bắc Kinh tài trợ cho doanh nghiệp của nhà nước và xí nghiệp hương trấn hay chính quyền địa phương của nhà nước trong các nghiệp vụ đầu tư lẫn chi thu ngân sách mà bị lỗ 30% thì cả nền kinh tế quốc dân đều bị ảnh hưởng.

Nguyên Lam : Thưa ông, thính giả của chúng ta có thể thắc mắc là vì sao lại có hiện tượng lạ kỳ đó ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Thưa là ngân hàng của nhà nước tài trợ thẳng cho các doanh nghiệp của nhà nước nên có chức năng thật sự là bao cấp trong hệ thống nhà nước. Ngân hàng của nhà nước cũng tài trợ cho các dự án địa ốc của nhà nước tại địa phương và thổi lên bong bóng đầu cơ mà vẫn cứ tính như đầu tư và gia tăng sản lượng. Đấy là sản lượng ảo mà mắc nợ thật. Dù hai bàn tay nợ nhau thì sau cùng ai đó cũng phải trả và ai đó bị mất nợ, rốt cuộc thì nhà nước vẫn mất tiền. Mươi năm trước, Hy Lạp bị khủng hoảng như vậy vì nhà nước bắt các ngân hàng và quỹ hưu bổng của họ tài trợ cho doanh nghiệp và ngân sách của nhà nước.

Kinh tế của Hy Lạp quá nhỏ, sản lượng hàng năm chỉ có chừng 200 tỷ đô la nên cơ chế Âu Châu còn cứu được, chứ kinh tế Trung Quốc có sản lượng là 13 ngàn tỷ đô la nên bị khủng hoảng thì chẳng ai cứu được mà còn gieo họa cho các bạn hàng quốc tế. Đấy mới là mối nguy thật sự cho một vài năm tới.

Thiếu nước

no2

Tình trạng thiếu nước ở Trung Quốc đã xảy ra từ năm 2007. AFP

Nguyên Lam : Chúng ta bước qua phần hai là chuyện Trung Quốc thiếu nước. Nguyên Lam xin ông trình bày cho hồ sơ nước nôi này của Bắc Kinh, một xứ ông hay gọi là đói ăn, khát dầu và thiếu nước.

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Từ đã lâu, tôi hay nói Trung Quốc là xứ đói ăn, khát dầu và thiếu nước, nhưng khát dầu hay thiếu năng lượng là bài toán chiến lược, chứ nếu đói ăn và thiếu nước thì đấy là chuyện sinh tử, sống chết.

Trên thế giới, lục địa Á Châu đông dân nhất mà cũng thiếu nước nhất so với các lục địa khác. Theo Liên Hiệp Quốc, tính theo đầu người, lượng nước ngọt trên núi, trong sông, dưới giếng hay nhờ mưa thì bình quân của Á Châu chưa bằng phân nửa của thế giới. Trong lục địa này, vẫn tính theo dân số, thì Trung Quốc thiếu nước nhất dù đã chiếm đóng và kiểm soát các đỉnh núi tuyết chung quanh Hy Mã Lạp Sơn, từ Cao nguyên Thanh Tạng tới đất Tây Tạng và vùng phụ cận.

Về đại thể, Bắc Kinh làm chủ phân nửa nguồn nước của Á Châu trên các đỉnh núi tuyết, chỉ thua có Nam Bắc Cực, nhưng họ lại khai thác với sự lãng phí vì tàn phá đỉnh tuyết như các tháp nước của thiên nhiên, làm mất 20% các tháp nước, khiến 10 con sông lớn chảy qua Trung Á như Afghanistan hay Kyrgyzstan tới Nam Á như Ấn Độ và Đông Dương tức là Việt Nam, đang bị cạn dần.

Thế giới cứ báo động về nạn nhiệt hóa địa cầu mà chẳng thấy nhiệt độ tại miền Tây của lãnh thổ Trung Quốc đã tăng ba độ kể từ năm 1950 tới nay, làm các tảng băng tan dần, mất tới 82% kể từ thời đó tới nay. Hậu quả là nước ngọt bị cạn từ thượng nguồn và gây thiên tai cho các nước khác ở chung quanh, như dân ta đã thấy với sông Mekong. Đấy là nhân họa mà cứ tưởng là thiên tai !

Nguyên Lam : Thưa ông, trước hiện tượng hủy hoại môi sinh đó, thế giới văn minh có phản ứng gì không ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Thế giới văn minh thường hơi hèn và các cường quốc hung đồ thì không thèm quan tâm đến khuyến cáo hay phán quyết của quốc tế cho tới khi chính họ gây ra khủng hoảng cho người dân của họ. Gần đây, hai báo cáo của Green Peace East Asia vào tháng trước và của Chinadialoque.net hồi tháng Năm có đề cập tới những vấn đề nguy ngập đó.

Chúng ta nên tham khảo công trình nghiên cứu của Green Peace là tổ chức tranh đấu cho việc bảo vệ môi trường sinh sống thì thấy ra mấy số liệu đáng ngại đó vì họ phúc trình về nhiều mối nguy như đà hủy hoại tảng băng trên rặng Thiên San của Trung Quốc với không ảnh từ vệ tinh. Thí dụ như diện tích của Tảng băng Thiên San số Một bị mất từ 5000 mét vuông vào thời 1962-1986 nay thì mất gấp đôi trong thời kỳ 1964-2018, tổng cộng tới 10.600 mét vuông. Và họ dự đoán rằng với đà này tới cuối thế kỷ 21 thì hai phần ba các tảng băng ấy sẽ tiêu tan. Đấy là chưa nói tới tảng băng trên Kỳ Liên Sơn của tỉnh Cam Túc hay Hạ Long của tỉnh Thanh Hải, v.v…

Do viễn ảnh quá xa và chính sách kiểm duyệt tin tức của Bắc Kinh, các nước chưa có phản ứng cấp bách cần thiết. Nhưng có lẽ lãnh đạo Bắc Kinh thì biết sợ vì là nạn nhân trực tiếp và trước tiên khi lãnh thổ bị thiếu nước cho việc tiêu tưới và canh tác sau khi lấy nước từ sông Dương Tử đưa lên Hoàng Hà ở phương Bắc.

Nguyên Lam : Ngoài cái núi nợ có thể sụp đổ thì các nước có thể làm những gì để đối phó với nguy cơ mất nước như vậy ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Thứ nhất là các nước phải tìm cách giảm dần đà gia tăng nhiệt độ trên toàn cầu, nhưng không chỉ qua hiệp ước mà nhiều nước chẳng tôn trọng.

Thứ hai là phải đòi hỏi Bắc Kinh phối hợp với các nước – tức là tôn trọng các quyết định quốc tế - để không gây thêm nạn băng tan làm hạ nguồn bị cạn nước cho các láng giềng.

Thứ ba là chứng minh tai họa đang cận kề cho Trung Quốc, với hai vụ băng tan xảy ra từ bốn tháng qua, vào tháng Tám và tháng 10, năm 2018.

Đấy là chuyện thời sự trước mắt chứ không là nguy cơ vào cuối thế kỷ 21 !

Nguyên Lam : Nếu vậy thì Trung Quốc không chỉ gây vấn đề cho các lân bang Châu Á mà có thể còn tự chuốc họa vào thân. Ông kết luận thế nào về tình trạng nguy hiểm đó ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Hiện tượng các tầng băng quyển hay "crytosphere" bị hủy hoại đang gia tốc, ngày một nhanh hơn, nên không còn là vấn đề tương lai xa mờ của Trung Quốc. Nếu muốn là quốc gia có trách nhiệm với cộng đồng quốc tế, là với nhân loại, họ phải có kế hoạch xử lý càng sớm càng hay, chưa nói tới trái bom môi sinh là đập Tam Hiệp có thể nổ bất cứ lúc nào. Từ nay đến cái ngày đen tối đó, có lẽ thiên hạ nên tự chuẩn bị cho những kế hoạch cấp cứu tại Á Châu !

Nguyên Lam : Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do cùng Nguyên Lam xin cảm tạ chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa về bài phân tích kỳ này, và xin hẹn quý thính giả vào tuần sau.

Nguyên Lam thực hiện

Nguồn : RFA, 27/11/2018

Published in Diễn đàn
mardi, 20 novembre 2018 15:44

Việt Nam giữa thương chiến

Trong trận thương chiến giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc hiện nay, kinh tế Việt Nam bơi giữa dòng vì có được một số lợi thế mà cũng gặp nhiều trở ngại bất ngờ. Nhưng người ta không nên quên một cường quốc kinh tế đứng hàng thứ ba là Nhật Bản. Diễn đàn Kinh tế sẽ tìm hiểu về hoàn cảnh kỳ lạ đó….

trade1

Không chỉ có thương chiến Hoa-Mỹ mà còn có cả nước Nhật - AFP

Vị trí và chọn lựa của Việt Nam

Nguyên Lam : Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do và Nguyên Lam xin kính chào chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa.

Thưa ông, cuộc chiến tranh thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc - mà ông thường gọi tắt là thương chiến Mỹ-Hoa - sẽ tăng cường độ và kéo dài. Trong hoàn cảnh đó, Việt Nam sẽ được lợi thế vì nhiều doanh nghiệp nước ngoài sẽ đầu tư vào Việt Nam như thị trường thay thế, nhưng cũng có thể gặp vấn đề nếu đấy là doanh nghiệp xuất phát từ Trung Quốc. Đã vậy, dường như là tình hình không chỉ có mâu thuẫn giữa hai nền kinh tế lớn nhất từ hai bờ Thái Bình Dương mà còn có vai trò của Nhật Bản, với sản lượng đứng hàng thứ ba thế giới. Vì vậy, Nguyên Lam xin ông phân tích cục diện này cho thính giả của chúng ta.

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Tôi xin đề nghị là chúng ta cùng nhìn sự thể trong bối cảnh trường kỳ và toàn diện. Việt Nam vừa phê chuẩn Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương, gọi tắt là CPTPP, với 10 quốc gia trong đó có Nhật Bản, Úc, Canada và Malaysia…

Việt Nam cũng sẽ hoàn tất Hiệp định Tự do Thương mại với Liên Hiệp Châu Âu. Vấn đề chính là sau khi ký kết và phê chuẩn thì phải cải cách cơ chế để thực thi các cam kết vì điều ấy thật ra có lợi cho Việt Nam. Chuyện thứ hai, người ta không thể quên vai trò trọng yếu của Nhật Bản trong Hiệp định Đối tác CPTPP và trong những mâu thuẫn muôn mặt với Bắc Kinh. Chúng ta sẽ lần lượt tìm hiểu các chuyện đó mà tôi gọi tắt là "thương chiến Hoa-Mỹ-Nhật" chứ không chí có Mỹ-Hoa.

Nguyên Lam : Trước hết là vị trí và chọn lựa của Việt Nam trong trận "thương chiến Mỹ-Hoa", thưa ông, đâu là lợi thế và đâu là những trở ngại cho Việt Nam ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Từ nhiều năm trước rồi, Trung Quốc hết còn lợi thế là "công xưởng toàn cầu" với nhân công nhiều và rẻ vì mức lương gia tăng và số lao động không còn dồi dào như trước. Vì vậy, giới đầu tư quốc tế đã phải tìm các thị trường khác và đấy là một lợi thế cho Việt Nam nếu biết nhìn xa hơn mức lương thấp của mình mà chú ý tới tay nghề và năng suất của lực lượng lao động.

Chuyện thứ hai và nhìn trong trường kỳ, vì Trung Quốc muốn bước lên trình độ sản xuất cao hơn với giá trị gia tăng lớn hơn nhờ các loại công nghệ tiên tiến, Việt Nam cũng phải sớm nghĩ như vậy, chứ không thể đi sau để tìm cơm thừa canh cặn của xứ láng giềng. Việc các doanh nghiệp quốc tế như Intel hay Samsung đầu tư rất mạnh vào Việt Nam là một cơ hội chuyển giao công nghệ cho kinh tế Việt Nam nếu Hà Nội nhìn ra và nhìn xa hơn lợi thế trước mắt là lương thấp.

Bây giờ, khi thương chiến Mỹ-Hoa bùng nổ - và bùng nổ không chỉ vì hồ sơ thuế khóa hay hạn ngạch – Việt Nam có thể là giải pháp cho giới đầu tư nếu thay cho thị trường Trung Quốc ở các khu vực chế biến. Nhưng Việt Nam sẽ chỉ có lợi nếu có trị giá gia tăng cao hơn và đóng góp vào chu trình cung cấp, cho nên lãnh đạo Việt Nam nên suy nghĩ lại về chiến lược công nghiệp hóa của mình. Ngược lại, nếu tiếp nhận đầu tư của Trung Quốc để sản xuất và xuất khẩu loại hàng rẻ tiền thì kinh tế Việt Nam tiếp tục là vệ tinh của xứ láng giềng để bán nguyên vật liệu của Tầu dưới nhãn Việt Nam cho các thị trường Âu-Mỹ-Nhật.

Nguyên Lam : Ông vừa nêu ra hai vấn đề là, thứ nhất, lãnh đạo Việt Nam nên suy nghĩ lại về chiến lược công nghiệp hóa của mình và thứ hai, kinh tế Việt Nam có thể chỉ là vệ tinh của Trung Quốc để bán hàng của Tầu dưới nhãn hiệu Việt Nam. Nguyên Lam xin đề nghị ông khai triển cho hai ý đó.

trade2

Chính sách công nghiệp hóa của Việt Nam phải tận dụng trí tuệ và năng suất hơn nhân công rẻ. AFP

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Thứ nhất, chiến lược hay chính sách công nghiệp hóa của Việt Nam phải tận dụng trí tuệ và năng suất hơn nhân công rẻ, và từng bước phải đem lại khả năng đóng góp cao hơn cho người Việt Nam, cho cơ sở sản xuất của Việt Nam thay vì chỉ trông cậy và phục vụ giới đầu tư ngoại quốc. Đấy là chuyện của cả chục năm tới, y như bài toán Hàn Quốc cách nay 50 năm.

Thứ hai, khi doanh nghiệp Trung Quốc gặp khó khăn trong trận thương chiến với Mỹ mà chuyển đầu tư của họ vào Việt Nam thì họ gây ra nhiều vấn đề. Một là sẽ trả lương cao để thu vét nhân lực sản xuất làm các doanh nghiệp Việt Nam bị chật vật. Hai là họ ngụy trang hàng Tầu dưới nhãn Việt để bán cho xứ khác thì chính Việt Nam sẽ bị trừng phạt vì chỉ là chi nhánh sản xuất của Trung Quốc. Ba là nếu có viễn ảnh sâu xa, lãnh đạo Việt Nam nên nhân cơ hội mà nhìn ra sự khác biệt giữa hai thứ sản phẩm. Hàng hóa cao cấp như điện tử hay phụ tùng ráp chế xuất phát từ Hoa Kỳ, Nam Hàn hay Nhật sẽ có triển vọng lâu dài và giúp Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng. Còn các loại hàng dệt may, đồ gỗ hay đồ da chỉ đẩy Việt Nam vào vị trí vệ tinh của Tầu vì mua nguyên liệu Trung Quốc và tái chế với trị giá gia tăng thấp để bán hàng cho Tầu.

Vai trò của Nhật Bản

Nguyên Lam : Chúng ta bước qua phần hai, khi ông nói tới vai trò của Nhật Bản. Vì sao ông đề cập tới chuyện này ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Vẫn trong tinh thần là nên nhìn vào bài toán kinh tế một cách toàn diện thay vì cục bộ, và theo viễn ảnh trường kỳ thay vì ngắn hạn thì chúng ta thấy Trung Quốc cần giải quyết các vấn đề an ninh và kinh tế của họ qua hàng loạt sáng kiến, mà điển hình là Con Đường Tơ Lụa Mới hay Nhất Đới Nhất Lộ. Năm năm sau, nhiều quốc gia đã thấy ra dụng tâm đó và nghi ngờ. Các cường quốc kinh tế như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Ấn Độ và Úc thì không chỉ nghi ngờ mà đã có phản ứng. Nhật Bản là xứ nhạy bén nhất trong phản ứng đó…

Nhật không muốn có chiến tranh với Trung Quốc mà vẫn phải canh chừng vì nằm ngay tuyến đầu của mâu thuẫn về an ninh với Bắc Kinh. Sau Thế Chiến II, Nhật Bản từ bỏ chủ trương bành trướng quân sự để bảo vệ và phát triển ảnh hưởng kinh tế của một quốc gia thiếu tài nguyên nên trở thành chủ nợ và chủ đầu tư lớn nhất khu vực Đông Nam Á. Ngày nay, Bắc Kinh lại bành trướng quân sự chẳng khác gì Đế quốc Nhật khi xưa, nên vấn đề không chỉ có quan hệ căng thẳng giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc mà còn có Nhật Bản, và nơi mà Thủ tướng Nhật Shinzo Abe thăm viếng đầu tiên sau khi tái nhậm chức vào năm 2012 chính là Việt Nam.

Nguyên Lam : Nguyên Lam thấy ông đang dẫn về đề tài chính của kỳ này là dường như không chỉ có trận thương chiến giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc mà còn có nước Nhật nữa, xin ông giải thích chuyện này cho thính giả của chúng ta.

Nguyễn-Xuân Nghĩa : - Trung Quốc có sáng kiến Nhất Đới Nhất Lộ với sáu tẩu lang kinh tế trên đất liền và các dòng giao lưu và hải cảng ở ngoài biển như một thể hiện của quyền lực mềm ở ngoài với chủ trương quân sự cứng rắn bên trong. Sáng kiến đó gây ưu lo cho lãnh đạo Nhật Bản về cả an ninh lẫn kinh tế, nhưng thay vì tìm cách ngăn cản hay triệt phá, Nhật lại bọc xuôi và tìm cách hợp tác với các dự án của Bắc Kinh từ bên trong. Khi thăm viếng Trung Quốc vào tháng trước, Thủ tướng Shinzo Abe chào mừng 40 năm tái thiết bang giao với Bắc Kinh, nhắc tới việc Nhật đã viện trợ cho Trung Quốc cho tới gần đây và bày tỏ thiện chí hợp tác với kế hoạch Nhất Đới Nhất Lộ của Bắc Kinh.

Nguyên Lam : Thưa ông, tại vì Nhật Bản là một bạn hàng của Trung Quốc hay vì lý do gì khác nữa ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Tôi thiển nghĩ là vì khá nhiều lý do. Thứ nhất, dù chẳng nói ra, Bắc Kinh cũng thấy hụt hơi vì tốn kém kinh tế, tài chính và ngoại giao cho sáng kiến Nhất Đới Nhất Lộ của mình. Thứ hai, Nhật Bản kê vai tham dự sáng kiến đó vì có khả năng kỹ thuật và tài chính để nắm vững sự việc từ trong chử không còn đứng ngoài tìm cách ngăn chặn. Thứ ba, Nhật cũng muốn nhân cơ hội này mà tranh thủ các đồng minh nhưng không gây e ngại cho họ như Bắc Kinh.

Khi đó, ta cũng nên chú ý đến một sự việc bất ngờ là Nhật Bản và Trung Quốc đều cùng tranh thủ các nước Đông Nam Á khi tài trợ các dự án xây dựng hạ tầng cơ sở trong khu vực. Và ngoại trừ trường hợp Malaysia hay Thái Lan, Nhật mới tài trợ nhiều hơn Trung Quốc cho dự án hạ tầng trong khu vực và nhiều nhất là tại Việt Nam với khoảng 100 tỷ đô la, tính tới đầu năm nay. Trung Quốc thì chỉ tài trợ có chừng 30 tỷ đô la cho Việt Nam mà thôi, vì họ nhắm vào việc khác.

Nguyên Lam : Thính giả của chúng ta có thể ngạc nhiên khi ông nói Nhật Bản đã từng viện trợ cho Trung Quốc và cho các nước Đông Nam Á thì tài trợ nhiều nhất cho các dự án xây dựng hạ tầng cơ sở tại Việt Nam. Ông giải thích thế nào về chuyện này ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Sau khi Đặng Tiểu Bình tiến hành cải cách đúng 40 năm thì Nhật Bản đã viện trợ cho Trung Quốc vẫn còn lạc hậu và sau 30 năm thì mới giới hạn dần loại viện trợ chính thức gọi là ODA, tính ra thì cũng hơn 34 tỷ đô la trong giai đoạn khốn khó của Trung Quốc. Nhật Bản mong là xứ này sẽ trở thành một đối tác có trách nhiệm thay vì là một cừu thù. Nhưng năm 2010 thì sản lượng kinh tế Trung Quốc đã vượt Nhật Bản nhờ dân số đông gấp chục lần nay đã được giải phóng khỏi chế độ tập trung quản lý kinh tế.

Về phần Việt Nam, Nhật Bản là quốc gia đầu tiên vượt ải cấm vận kinh tế của Hoa Kỳ từ năm 1992 và từ đó viện trợ các dự án xây dựng hạ tầng cơ sở cho Việt Nam. Vì yếu tố ý thức hệ, lãnh đạo Việt Nam không muốn công nhận chuyện đó. Bây giờ, tình hình lại đang đổi khác, về cả an ninh lẫn kinh tế, khi Hoa Kỳ và Nhật Bản công khai nói đến việc yểm trợ dự án hạ tầng của các nước trong khu vực Đông Nam Á. Cái khác với kế hoạch Nhất Đới Nhất Lộ của Bắc Kinh là họ phát huy vai trò của tư doanh trong các dự án này. Và ta nên nhìn vào chuyện đó như một lon xăng để khởi động bộ máy tư doanh sau này sẽ tự động vận hành.

Nguyên Lam : Khi đó, thưa ông, chúng ta trở lại bài toán của Việt Nam giữa trận thương chiến. Ông kết luận như thế nào về chuyện này ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Tôi nghĩ đây là cơ hội cho Việt Nam thoát khỏi cái không gian chỉ có hai chiều Nam-Bắc, là Việt Nam và Trung Quốc, mà nhìn ra mục tiêu và chiến lược của các quốc gia khác, trong khi đối chiếu với nhiều khó khăn của nội tình Trung Quốc. Giải pháp kinh tế cho Việt Nam xuất phát từ đó.

Nguyên Lam : Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do cùng Nguyên Lam xin cảm tạ chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa về bài phân tích kỳ này, và xin hẹn quý thính giả vào tuần sau.

Nguyên Lam thực hiện

Nguồn : RFA, 20/11/2018

Published in Diễn đàn

Hoa Kỳ đã hoàn tất cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ tổng thống với kết quả cơ bản là hai đảng Cộng hòa và Dân chủ cùng chia quyền trong Quốc Hội. Điều ấy sẽ ảnh hưởng thế nào đến đường lối chính sách kinh tế của Hoa Kỳ và cách giải quyết các mâu thuẫn về kinh tế quốc tế ? Diễn đàn Kinh tế sẽ tìm hiểu chuyện này.

kinhte1

Biểu tượng của hai đảng Cộng hòa và Dân chủ tại Mỹ AFP

Chính trị Hoa Kỳ và hồ sơ kinh tế

Nguyên Lam : Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do và Nguyên Lam xin kính chào chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa.

Dù chưa có kết quả chính thức thì cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ tổng thống tại Hoa Kỳ cũng đã hoàn tất với việc đảng Cộng hòa tăng cường đa số tại Thượng viện và đảng Dân chủ kiểm soát Hạ viện trong khi Tổng thống Donald Trump cũng tự cho là đã chiến thắng. Nếu vậy thưa ông, cục diện chính trị tại Hoa Kỳ sẽ là gì và ảnh hưởng thế nào đến các hồ sơ kinh tế ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Tôi thiển nghĩ rằng cũng như cuộc bầu cử năm 2016, kết quả là một sự bất ngờ vì cả hai đảng Cộng hòa và Dân chủ đều cho là mình thắng khi phe Cộng hòa củng cố đa số tại Thượng viện và phe Dân chủ giành lại đa số tại Hạ viện. Tổng thống Donald Trump cũng cho rằng mình thắng vì các ứng cử viên vào chức vụ Nghị sĩ và Thống đốc mà ông trực tiếp ủng hộ trong mấy ngày vận động cuối cùng đều thắng và các ứng cử viên dân biểu bên Cộng hòa không muốn ông ủng hộ hoặc có lập trường trái ngược với Tổng thống đều thất cử. Nhìn trên toàn cảnh thì có lẽ cử tri trao quyền cho cả hai đảng tại cả hai viện để có thế cân bằng lực lượng nhưng cũng lại gây hiện tượng gọi là "ách tắc chính trị" và một số chính sách của ông Trump sẽ gặp trở ngại tại Hạ viện.

Riêng về lĩnh vực kinh tế thì tình hình khả quan nhờ sản lượng tăng, thất nghiệp giảm và lợi tức cao hơn có thể là lợi thế cho đảng Cộng hòa đang cầm quyền, nhưng sự thật lại chẳng như vậy. Cả ông Trump và đảng Dân chủ đối lập ít nói đến hồ sơ kinh tế mà chú trọng tới các vấn đề xã hội, như chính sách di dân hay sắc tộc, giới tính hoặc tôn giáo của cử tri. Hiện tượng phân cực với lập trường chính trị cực đoan hơn ở cả hai phía cho thấy Hoa Kỳ đang kịch liệt tranh luận về các giá trị tinh thần hay "bản sắc của quốc gia". Vì vậy, tôi nghĩ rằng sẽ chẳng có thay đổi nhiều về kinh tế, ngoại trừ chính sách thuế khóa.

Nguyên Lam : Khi nạn phân cực gia tăng và quốc hội lại chia quyền giữa hai đảng thì hiện tượng "ách tắc chính trị" mà ông vừa nói tới có thể nào làm nước Mỹ bị tê liệt hay không ? Thí dụ như Hành pháp trong tay đảng Cộng hòa sẽ khó thực hiện các chính sách mà ông Trump đề xướng hay không ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Thật ra, trong nền dân chủ của Hoa Kỳ, Tổng thống không có toàn quyền như người ta, ông ta hay bà ta nghĩ vì phải chia quyền với lưỡng viện Quốc hội, với nền Tư pháp là các tòa án độc lập, trên cùng là Tối cao Pháp viện, với các Thống đốc tiểu bang và một định chế tự trị là Ngân hàng Trung ương. Ông Trump cố mở rộng ảnh hưởng của Hành pháp và trong gần hai năm, thường xuyên về các địa phương vận động thành phần cử tri của mình để gián tiếp tác động vào Quốc hội. Trong một số lãnh vực, ông thành công, nhưng thất bại trong nhiều lãnh vực khác, chưa kể là đảng Dân chủ và truyền thông triệt để chống đối và có tác động vào tâm lý cử tri. Về đối ngoại, ông Trump muốn xóa bỏ trật tự cũ và tăng cường vai trò của Hoa Kỳ mà cũng muốn giảm thiểu phí tổn cho nước Mỹ. Trong lãnh vực đó, ông có thành công mà cũng gặp trở ngại.

Cuộc bầu cử vừa qua cho thấy làn sóng xanh của đảng Dân chủ vào Hạ viện không mạnh như người ta nghĩ lại còn đụng vào bức tường đỏ của phe Cộng hòa tại Thượng viện. Mâu thuẫn khi kiểm phiếu tại các tiểu bang xôi đậu như Florida, Arizona hay Georgia chỉ là tái diễn chuyện phân cực mà thôi. Một đặc tính khác của nền dân chủ Hoa Kỳ là cả hai đảng đều tự chuẩn bị cho viễn ảnh bầu cử năm 2020 sắp tới và chính trường có bị ách tắc thì kinh tế và xã hội vẫn vận hành chứ không bị tê liệt. Đấy là một nghịch lý khác của nước Mỹ.

Chính sách thương mại Mỹ được quan tâm

Nguyên Lam : Chúng ta bước vào chuyện cụ thể làm nhiều quốc gia quan tâm là chính sách thương mại của nước Mỹ sau này, ông dự đoán tình hình sẽ ra sao ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Lập pháp bị chia hai như Quốc hội Khóa 116 sẽ tuyên thệ nhậm chức vào Tháng Giêng tới đây sẽ không chặn được đối sách thương mại của Hành pháp Donald Trump. Lý do thứ nhất là các ứng cử viên Dân chủ đã kịch liệt chống chính sách ngoại thương của ông Trump đều không thắng, tức là cử tri ngấm ngầm ủng hộ chính sách này. Thứ hai và nhìn trong dài hạn thì từ xưa rồi, Quốc hội vẫn cho Hành pháp nhiều quyền hạn về ngoại thương qua việc đàm phán các hiệp ước mậu dịch rồi đệ trình lên Quốc hội để phê chuẩn trọn gói chứ không từng bước thương thuyết dưới sự giám sát của các ủy ban trong Quốc hội.

kinhte2

Biểu đồ hiển thị mức thâm thủng ngân sách, nợ và thanh toán lãi suất vào ngày bầu cử giữa kỳ tại Mỹ AFP

Bây giờ, với đa số tại Hạ viện, đảng Dân chủ có thể hâm nóng nhiều đề nghị cũ là thu hẹp thẩm quyền thương mại của Tổng thống khi áp dụng Khoản 232 của Đạo luật Thương mại Mở rộng năm 1962 theo đó Hành pháp có thể nhân danh an ninh quốc gia mà áp thuế nhập nội hoặc nâng hạn ngạch nhập khẩu. Tuy nhiên các đề nghị ấy của phe Dân chủ nhắm vào Hiệp ước Tự do Thương mại Bắc Mỹ với hai láng giềng là Canada và Mexico gọi là NAFTA và Chính quyền Trump đã khéo hoàn tất vào giờ chót việc cải sửa Hiệp ước này thành một hiệp ước tay ba giữa Hoa Kỳ và hai nước kia, gọi là USMCA.

Năm tới, nhờ đa số tại Hạ viện và làm Chủ tịch Ủy ban Chuẩn chi, đảng Dân chủ sẽ giám sát kỹ lưỡng hơn việc đàm phán thương mại với Liên Hiệp Châu Âu, Nhật Bản hay Vương quốc Anh thống nhất, nhưng qua Thượng viện trong tay đảng Cộng hòa thì chưa chắc phe Dân chủ đã thành công. Chưa kể là tại Thượng viện. các Nghị sĩ Cộng hòa kịch liệt chống đối chính sách thương mại của Tổng thống đều không còn nữa.

Nguyên Lam : Mấy chi tiết rắc rối phức tạp đó có thể làm thính giả của chúng ta phân vân, Nguyên Lam xin đề nghị ông tóm lược lại cho dễ nhớ có được không ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Hoa Kỳ có đạo luật cho Hành pháp tiến hành việc đàm phán thương mại theo thủ tục nhanh gọn, gọi là "Trade Promotion Authority", hay Fast Track. Đàm phán xong thì Chính phủ xin Quốc hội phê chuẩn trọn gói, như chúng ta đã thấy với Hiệp ước Đối tác Xuyên Thái Bình Dương TPP năm 2015. Khi ấy, đa số trong Quốc hội và các ứng cử viên tranh cử Tổng thống đều chống nên Hành pháp Barack Obama không dám đưa qua xin Quốc hội phê chuẩn dù ông Obama đã ráo riết vận động mà không thành và ông Trump đã rút khỏi hiệp ước đó như đã hứa khi tranh cử.

Bây giờ, với đa số tại Hạ viện, đảng Dân chủ có thể đòi Chính quyền Trump chú trọng đến các ưu tiên của đảng trong hiệp ước thương mại, như nâng cao tiêu chuẩn bảo vệ môi sinh và điều kiện lao động. Thật ra, điều ấy không làm thay đổi nhiều chính sách thương mại của nước Mỹ.

Tuy nhiên, riêng với Việt Nam, trong kịch bản của việc đàm phán một Hiệp ước Tự do Thương mại Song phương với Hoa Kỳ sau này, tiêu chuẩn về môi sinh và lao động sẽ được đặc biệt quan tâm. Do đó, Việt Nam nên sớm phê chuẩn và thi hành các cam kết trong Hiệp ước TPP đã cải tiến với 10 quốc gia còn lại về việc bảo vệ môi sinh và về vai trò của các công đoàn độc lập vì điều ấy sẽ có lợi khi thương thuyết với Mỹ sau này.

Chính trị Mỹ và cuộc thương chiến Mỹ-Trung

Nguyên Lam : Trong bối cảnh của trận thương chiến gay gắt giữa Hoa Kỳ với Trung Quốc, cục diện chính trị mới tại Mỹ có làm thay đổi gì không, thưa ông ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Tôi trộm nghĩ là không, như Bắc Kinh sẽ thấy trong đợt đàm phán sắp tới. Lý do là chủ trương cứng rắn của Chính quyền Trump với Trung Quốc - đến độ mỗi tuần lại gây thêm một áp lực mới trên nhiều trận tuyến khác nhau - lại được cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa ủng hộ. Nếu lãnh đạo Bắc Kinh tưởng rằng cuộc bầu cử vừa qua sẽ đem lại lợi thế cho họ thì họ sẽ thất vọng và nên rà soát lại khả năng thẩm định của mình.

- Thứ nhất, suốt năm qua, Quốc hội Khóa 115 đã tăng sức ép với Bắc Kinh về quan hệ thương mại song phương và về đầu tư cùa Trung Quốc vào thị trường Hoa Kỳ. Trong hồ sơ Mỹ-Hoa này, việc chuyển giao hay đánh cắp công nghệ cao cấp và việc Bắc Kinh không tôn trọng luật lệ bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ là mối quan tâm lưỡng đảng. Qua năm tới, Trung Quốc còn gặp nhiều trở ngại mới với Quốc hội Khóa 116 sẽ nhậm chức.

Nguyên Lam : Dường như là trong quan hệ giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, hồ sơ Đài Loan cũng được Quốc hội Mỹ đặc biệt quan tâm, ông nghĩ sao về việc đó ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Xưa nay, Lập pháp Hoa Kỳ thường có lập trường bảo vệ Đài Loan còn dứt khoát hơn Hành pháp. Với Chính quyền Trump đặc biệt quan tâm và ráo riết bênh vực Đài Loan thì lập trường đó được cả hai đảng ủng hộ. Bây giờ, bốn Nghị sĩ nổi tiếng cứng rắn bảo vệ Đài Loan như các ông Marco Rubio, Ed Markey, Robert Mendenez hay Cory Gardner đều có mặt trong Thượng viện Khóa 116 cho nên Bắc Kinh sẽ gặp trở ngại mới khi tranh thủ các nước để cô lập Đài Loan. Chúng ta có dịp kiểm nghiệm chuyện này vào ngày 24 tới đây, khi các lực sĩ Đài Loan tham dự Thế vận hội sẽ có cuộc trưng cầu dân ý để xưng danh là Đài Loan thay vì "Trung Quốc – Đài Loan" như một phần của Trung Quốc.

Nhìn rộng ra ngoài, động thái bành trướng và quân sự hóa vùng biển Đông Nam Á của Bắc Kinh cũng là mối quan ngại của Quốc hội Hoa Kỳ vì quyền lợi an ninh và kinh tế của nước Mỹ trong khu vực chiến lược đó. Quốc hội mới sẽ không cản trở đối sách cứng rắn của Chính quyền Donald Trump mà chỉ kêu gọi ông Trump vận động thêm đồng minh và chẳng lấy rủi ro gây ra xung đột.

Nguyên Lam : Kết thúc chương trình tuần này, ông rút tỉa ra những gì đáng quan tâm nhất sau cuộc bầu cử vừa qua ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Phong cách của ông Trump cứ như lửa đổ thêm dầu và gây tranh luận gay gắt trong thời sự hàng ngày, nhưng chính sách thương mại của ông ta lại có nhiều điểm khả thể. Ông sẽ gặp nhiều trở ngại với Quốc hội mới về chính sách thuế khoá trong nội bộ chứ không bị chống đối nhiều về ngoại thương.

Sau cùng, trong trận chiến mậu dịch về kỹ nghệ ráp chế xe hơi và sản xuất phụ tùng với Âu Châu và Nhật Bản là các nước nằm ngoài hệ thống giao dịch Bắc Mỹ, có khi Chính quyền Trump lại được hậu thuẫn kín đáo của các nghiệp đoàn xưa nay vẫn thiên về đảng Dân chủ vì điều ấy có lợi cho giới lao động Mỹ. Và ngay trong hồ sơ cá biệt này, lãnh đạo Hoa Kỳ thuộc cả hai đảng đều không muốn Trung Quốc trục lợi mà tuồn hàng của mình cho xứ khác bán vào Mỹ.

Nguyên Lam : Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do cùng Nguyên Lam xin cảm tạ chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa về bài phân tích kỳ này, và xin hẹn quý thính giả tuần sau.

Nguyên Lam thực hiện

Nguồn : RFA, 13/11/2018

Published in Diễn đàn
mardi, 06 novembre 2018 20:03

Khoảng cách giàu nghèo : kiến thức

Việc một trí thức của Việt Nam như giáo sư Chu Hảo vừa bị kỷ luật và quyết định ra khỏi đảng Cộng sản mà một giáo sư kinh tế của Đại học Bắc Kinh là ông Trương Duy Nghinh lại công khai phê phán cái gọi là "mô thức Trung Quốc" của lãnh đạo Bắc Kinh khiến chúng ta cần nhìn xa hơn thời sự : Vì sao có các nước giàu và nghèo và tại sao trong một quốc gia lại có người nghèo và người giàu ? Diễn đàn Kinh tế sẽ tìm hiểu chuyện này….

kienthuc1

Phổ biến kiến thức để khai thông dân trí - AFP

Nguồn gốc của nạn bất công

Nguyên Lam :Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do và Nguyên Lam xin chào ông Nguyễn-Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế làm tư vấn cho đài từ năm 1997 tới nay.

Thưa ông, trong chương trình kỳ trước, ông nói đến sự kiện một giáo sư kinh tế thuộc Đại học Bắc Kinh đã nêu vấn đề về "mô thức Trung Quốc" khi giáo sư Chu Hảo tại Việt Nam lại bị đảng Cộng sản kỷ luật vì quảng bá những kiến thức mà chế độ không chấp nhận. Vì vậy, kỳ này, Nguyên Lam xin mở rộng đề tài và hỏi ông vì sao có quốc gia phát triển và trở thành thịnh vượng trong khi có nước vẫn còn nghèo, và tại sao trong một nước lại có một thiểu số giàu có mà đa số người dân vẫn lầm than ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Câu hỏi đó thật ra cũng là vấn đề cơ bản của bộ môn kinh tế chính trị học và kỳ này, chúng ta sẽ cố gắng trình bày được vài ý chính là vì sao có khác biệt về trình độ thịnh vượng giữa các quốc gia hay các thành phần xã hội trong một quốc gia.

Trước hết, tôi kính trọng ông Chu Hảo khi là Giám đốc kiêm Tổng biên tập Nhà xuất bản Tri thức vì đã cho phiên dịch sang Việt ngữ nhiều cuốn sách cơ bản của kiến thức nhân loại. Về chuyện này, tôi nhớ đến một công trình nghiên cứu của Liên Hiệp Quốc từ đã lâu, theo đó, hơn hai chục nước Á rập Hồi giáo có mấy trăm triệu dân - xưa kia từng có nền văn hóa chói lọi trước Âu Châu rất xa – sau này lại dị ứng với kiến thức mới và tụt hậu. Cụ thể là họ cho dịch quá ít sách ngoại quốc, bình quân thì chỉ dịch một cuốn cho một triệu dân. Nếu so với dân số của Tây Ban Nha, không hẳn là giàu nhất Âu Châu, thì một năm xứ này dịch sách ngoại quốc bằng khối Á rập dịch trong ngàn năm ! Bên trong khối Á rập đó, một thiểu số biết ngoại ngữ thì khỏi cần đọc bản dịch, chứ đại đa cố còn lại thì sao ? Vì vậy, thiểu số am hiểu của họ mới ngự trị trên đa số còn lại, nạn bất công khởi đầu từ bất công về kiến thức và học thuật.

Các yếu tố để một quốc gia thịnh vượng

Nguyên Lam : Ông nêu một vấn đề có thể làm thính giả của chúng ta giật mình. Không biết thì phải học và học nước ngoài qua sách dịch thì dịch thuật cũng có đóng góp cho học thuật của quốc gia. Như vậy, phải chăng hạn chế dịch thuật cũng có thể là thu hẹp học thuật, thưa ông ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Đấy là vấn đề mà không là duy nhất, chúng ta sẽ xét sau.

Về thời sự và nhìn qua Bắc Kinh thì ta thất kinh vì trường hợp của giáo sư Trương Duy Nghinh. Sinh năm 1959, ông ta học ở trong nước rồi được ra ngoài du học và hoàn tất bằng tiến sĩ kinh tế tại Đại học Oxford vào năm 1994 dưới sự hướng dẫn của một giáo sư được giải Nobel Kinh tế năm 1996. Về nước, giáo sư Trương Duy Nghinh này lập ra một Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế trong Đại học Bắc Kinh và có cả trăm công trình biên khảo bằng Hoa ngữ lẫn Anh ngữ có nội dung đề cao quy luật tự do kinh tế đến độ được coi là truyền nhân của Giáo sư Friedrich Hayek, người cổ xúy cho quyền tự do cá nhân, ngược với chế độ tập trung quản lý của nhà nước phát xít lẫn cộng sản.

Thế mà Bắc Kinh không trừng phạt giáo sư đó nhưng ông Chu Hảo lại bị kỷ luật vì Nhà xuất bản Tri thức đã dịch loại sách chế độ gọi là "sai trái", trong đó có cuốn cơ bản của Hayek xuất bản từ năm 1994, là "Đường Về Nô Lệ". Nói vắn tắt thì trong cuộc tranh luận về học thuật, Việt Nam lại thua Trung Quốc nữa, và đấy là chuyện đáng lo !

kienthuc2

Giáo sư Chu Hảo. RFA EDIT

Nguyên Lam : Ông vừa nói về học thuật và bảo đấy không là vấn đề duy nhất. Nguyên Lam xin đề nghị ông khai triển từng bước cho thính giả của chúng ta…

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Tôi cho rằng sự thịnh vượng hay giàu có của một tập thể hay cộng đồng dân tộc tùy thuộc trước tiên vào địa dư hình thể, thí dụ như thổ ngơi hay sông ngòi tiêu tưới và lưu thông. Chẳng hạn như lưu vực sông Dương Tử của Trung Quốc và các bến cảng đã góp phần hình thành một nền văn hóa tiên tiến. Bên kia đại dương, Nhật Bản không có lợi thế thiên nhiên ấy vì là quần đảo bị chia cắt bởi vực sâu với những con sông rất ngắn đổ ngay ra biển. Vì vậy, so với Trung Quốc thì Nhật Bản nghèo nàn và lạc hậu hơn trong nhiều ngàn năm, tới giữa thế kỷ 19 thì nước Nhật lại học kiến thức mới từ Âu Châu và Hoa Kỳ và trở thành cường quốc đã khuất phục Trung Quốc.

Chính là vì không có ưu thế thiên nhiên nhưng có ý thức sinh tồn rất cao, Nhật Bản học văn hóa Trung Hoa một cách chọn lọc chứ không "tự Hán hóa", sau đó họ thuần thục kỹ thuật Tây phương để đuổi kịp Tây phương và vượt Trung Quốc.

Nguyên Lam : Như vậy, phải chăng yếu tố thịnh vượng của các nước cũng tùy thuộc vào nền văn hóa, thưa ông ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Một cách lãng mạn thì thời Trung Cổ, văn hóa Nhật với tinh thần "võ sĩ đạo" đầy dũng khí mà khắc khổ cũng hơi giống tinh thần "an bần lạc đạo" của văn hóa Trung Hoa. Nhưng Nhật Bản có thay đổi, Trung Quốc thì không. Khi dám thay đổi thì người ta tìm ra chân lý và kỹ thuật khác để khắc phục các nhược điểm của thiên nhiên. Canh nông của Nhật là một điển hình ban đầu, công nghiệp của họ là chuyện về sau.

Trung Quốc ngày nay cứ oán các nước đã xâm lăng và chinh phục họ mà không tự hỏi vì sao họ bị các dị tộc Liêu, Kim, Mông, Mãn mà họ khinh miệt khuất phục nhiều lần trong lịch sử, từ thời Đại Tống cho tới Đại Thanh ? Sau đó, chính là sự lụn bại của họ vào thời Mãn Thanh mới khiến liệt cường sâu xé. Yếu tố văn hóa có chi phối cách họ nhìn về học thuật của thiên hạ. Mặc cảm tự tôn về văn hóa lại vừa tự ti về kỹ thuật là vấn đề của Trung Quốc trong ngàn năm qua là một tâm lý nghèo nàn. Người Nhật không bị mặc cảm đó nên trở thành giàu có hơn.

Nguyên Lam : Bước qua thời hiện đại và ngày nay thì ông thấy là người ta nên tiếp thu những kinh nghiệm gì khác của các nước ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Nửa thế kỷ trước, khi chúng tôi còn đi học tại Âu Châu thì học thuyết của kinh tế gia John Maynard Keynes được giới ưu tú coi là "chân lý kinh tế", chỉ có thể bị chế độ tập trung quản lý bằng kế hoạch của Liên Xô đào thải mà thôi ! Nghĩ lại cũng thấy buồn cười về kiến thức lạc hậu. Nhưng chính là nhà kinh tế kiêm triết gia Friedrich Hayek đã chỉ ra hướng khác, rồi các học thuyết khoa học hơn sau đấy càng cho thấy là chúng ta phải thường xuyên cập nhật và phổ biến kiến thức về kinh tế, xã hội và văn hóa để người dân có quyền tự do chọn lựa.

Bây giờ khi thấy lý luận của Hayek từ hơn 70 năm trước, vốn đã được các trí thức của nước ta phiên dịch, mà lại bị cấm đoán thì tôi phải nghĩ đến sự tụt hậu về kiến thức và chính trị. Dưới bóng rợp của Bắc Kinh mà tụt hậu như vậy thì có lẽ chế độ muốn diệt trí thức để tự sát tập thể, chứ đừng nói gì đến thịnh vượng, trừ phi cho một thiểu số có quyền nên dễ có tiền !

Khai thông dân trí

Nguyên Lam : Ông vừa nói đến việc cập nhật và phổ biến kiến thức về nhiều mặt để người dân có quyền tự do chọn lựa. Ông có thấy rằng điều đó là khó chăng ? Nguyên Lam nêu câu hỏi này vì nghĩ đến trình độ dân trí.

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Thật ra chúng ta mới chỉ nói đến khác biệt về thịnh vượng giữa các nước chứ chưa nói đến giữa các thành phần xã hội trong cùng một nước. Khác biệt nội bộ ấy là một vấn đề mà dân trí có thể giải thích được phần nào, và việc phổ biến kiến thức cũng là một giải pháp. Nói vắn tắt thì ta hiểu được hai quy luật, thứ nhất về kinh tế thì xây dễ hơn xóa và về văn hóa thì chính sách ngu dân dễ tiến hành hơn việc khai thông dân trí, cho nên bất công xã hội càng dễ xảy ra trong một chế độ độc tài.

Nhìn trong dài hạn về thời gian và mở ra không gian cho mọi quốc gia, tôi trộm nghĩ rằng nền văn hóa nào mà phát huy pháp quyền bình đẳng cho mọi người dân hơn là những quyết định tiện thiện của giới cầm quyền thì sẽ dễ phát triển kinh tế và đem lại thịnh vượng. Thứ hai, cũng thuộc lĩnh vực văn hóa mà lại cực kỳ quan trọng cho kinh tế là khi sự lương thiện được đề cao như một giá trị tinh thần và được áp dụng trong thực tế của đời sống thì quốc gia và xã hội càng dễ phát triển. Các quốc gia bị nạn tham nhũng đục khoét thường không có sự thịnh vượng mà chỉ có nạn bất công xã hội. Khi pháp quyền được phát huy và sự lương thiện là chân lý phổ cập thì quốc gia dễ có phú cường và người dân dễ được hạnh phúc.

Nguyên Lam : Nhìn trên tổng thể thì ông kết luận thế nào về sự thịnh vượng của các quốc gia và của người dân trong một quốc gia ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Kiến thức là yếu tố thăng tiến cho mọi quốc gia và nạn độc quyền chân lý của một chế độ độc tài là sự bần cùng về tư tưởng và nghèo nàn về kinh tế. Địa dư hình thể hay điều kiện thiên nhiên có thể đưa tới hoàn cảnh bất lợi hay thuận tiện, nhưng kiến thức có thể khắc phục được những bất lợi và khuếch trương sự ưu đãi của thiên nhiên nếu chúng ta hiểu rằng kiến thức đó làm giàu cho một loại vốn liếng hay tư bản quan trọng nhất của xã hội, là con người.

Con người ta mới làm thay đổi thiên nhiên và tìm ra giải pháp sản xuất có lợi nhất. Con người ta mới hàn gắn nổi sự tàn phá của chiến tranh để tái thiết xứ sở. Mọi loại kỹ thuật đều có thể bị vượt qua, mọi thứ đất đai bị xoi mòn, và máy móc bị hư hao, chứ con người ta vẫn là loại tư bản có khả năng canh tân và cải tiến liên tục. Tất cả tùy thuộc vào một yếu tố, là con người đó có khả năng học hỏi và có quyền phát huy hay không mà thôi.

Nguyên Lam : Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do cùng Nguyên Lam xin cảm tạ chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa về bài phân tích kỳ này, và xin hẹn quý thính giả tuần sau.

Nguyên Lam thực hiện

Nguồn : RFA, 06/11/2018

Published in Diễn đàn
mardi, 30 octobre 2018 21:41

Mô thức Trung Quốc là gì ?

Khi lãnh đạo Hà Nội làm dư luận phẫn nộ với việc kỷ luật Giáo sư Chu Hảo khiến ông quyết định ra khỏi đảng Cộng sản cùng nhiều trí thức khác thì tại Bắc Kinh, người ta thấy vài biến động đáng chú ý về mô thức phát triển kinh tế của Trung Quốc. Diễn đàn Kinh Tế sẽ tìm hiểu chuyện này….

CHINA-NATIONAL-DAY

Ông Tập Cận Bình là người quyền lực nhất Trung Quốc hiện nay AFP

Diễn biến khác lạ

Nguyên Lam : Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do và Nguyên Lam xin chào chuyên gia kinh tếNguyễn-Xuân Nghĩa.

Thưa ông, việc ban Kiểm tra Trung ương của đảng Cộng sản Việt Nam bất ngờ công bố việc kỷ luật Giáo sư Chu Hảo vì những tội danh kỳ lạ khiến dư luận nhiều nơi phẫn nộ và một số chuyên gia trí thức thuộc các lứa tuổi khác nhau đã quyết định ra khỏi đảng, kể cả ông Chu Hảo vào hôm Thứ Bảy 27. Người ta nói đến một trào lưu định hướng lại tư tưởng chỉ đạo quốc gia trong giai đoạn khó khăn này. Đúng lúc đó, và giữa nhiều khó khăn của lãnh đạo Bắc Kinh, người ta cũng thấy nổi lên một số tiếng nói khác lạ về tương lai của Trung Quốc.

Theo dõi nội tình xứ này từ đã lâu, ông có thể nào trình bày cho thính giả của chúng ta những diễn biến khác lạ đó không ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Trước hết, tôi xin nói về bối cảnh gần xa.

Cuối tháng 11 sẽ có Thượng đỉnh của lãnh đạo nhóm G-20 gồm 20 nền kinh tế lớn nhất địa cầu tại Buenos Aires của Cộng hòa Argentina. Vào dịp này, các nước đều theo dõi cuộc gặp gỡ giữa Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump với Tổng bí thư Tập Cận Bình của Trung Quốc xem trận thương chiến giữa hai nền kinh tế có sản lượng cao nhất thế giới sẽ tăng hay giảm.

Thứ hai, trong tháng 12, Bắc Kinh sẽ kỷ niệm 40 năm Cải cách và Cởi mở của lãnh tụ Đặng Tiểu Bình sau Hội nghị kỳ Ba của Ban chấp hành Trung ương khóa 11, vào cuối năm 1978. Việc cải cách đó mới đưa kinh tế Trung Quốc vào một thời kỳ tăng trưởng ngoạn mục mà nay đang có chỉ dấu tàn lụi. Khi ấy, cuộc tranh luận về cải cách kinh tế hay chính trị tất nhiên xảy ra.

Lần này, ta thấy việc tranh luận tại Bắc Kinh có vẻ công khai, khác hẳn sự bưng bít tại Hà Nội. Tuy nhiên, cũng cần nói thêm rằng những chuyển động về tư tưởng thường xảy ra rất chậm cho tới khi có kết quả bất ngờ…

Nguyên Lam : Kinh tế gia Nguyễn-Xuân Nghĩa có phương pháp dẫn vào chuyện rất hấp dẫn để lôi kéo sự chú ý của chúng ta. Thưa ông, vì sao ông nói cuộc tranh luận tại Bắc Kinh có vẻ công khai hóa ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Chúng ta không quên Tập Cận Bình đã tập trung quyền lực đến tối đa, như là một hoàng đế vĩnh viễn sau Đại hội khóa 19 từ cuối năm ngoái. Quan trọng nhất là ông đưa tư tưởng của mình vào Điều lệ đảng và Hiến pháp như một chân lý chính thức không thể bàn cãi, với dấu hiệu của nạn sùng bái cá nhân như Mao Trạch Đông, trong khi bành trướng sức mạnh của Trung Quốc ra mọi nơi. Vậy mà, khi nhắc đến công lao cải cách và cởi mở của Đặng Tiểu Bình sau 30 năm hoang tưởng của Mao, có người đã nói giọng khác.

Đó là trưởng nam của Đặng Tiểu Bình, ông Đặng Phác Phương, nạn nhân bị tật nguyền vì cuộc Cách Mạng Văn Hóa Vô Sản Vĩ Đại khi bị ném từ cửa sổ xuống đất cách nay 50 năm. Ở tuổi 74, Đặng Phác Phương không chỉ là nhân vật thuộc "Thái tử đảng", là con cháu các đại công thần cộng sản Trung Hoa như Tập Cận Bình, ông còn suy ngẫm nhiều từ những thảm kịch đó và là tiếng nói đáng chú ý. Trong tháng trước, Đặng Phác Phương đã như nhắc nhở tư tưởng của thân phụ trong một bài phát biểu đầy tính thực tiễn của Đặng Tiểu Bình.

Đặng Phác Phương nhắc nhở Tập Cận Bình

Nguyên Lam : Nguyên Lam thấy câu chuyện quả là hấp dẫn như chính ông Đặng Tiểu Bình hiện hồn về nhắc nhở Tập Cận Bình vậy. Thế người con trai của Đặng Tiểu Bình đã nói những gì, thưa ông ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Được bầu làm chủ tịch danh dự của "Liên đoàn những người tật nguyền Trung Hoa", Đặng Phác Phương có bài phát biểu sau ba ngày hội nghị củai liên đoàn đặc biệt này. Đặc biệt vì hôm khai mạc có sự tham dự của bảy Ủy viên Ban Thường vụ Bộ Chính Trị, kể cả Tổng bí thư Tập Cận Bình. Ngày Đặng Phác Phương đọc diễn văn thì bảy vị lãnh đạo đó không có mặt, nhưng ông vẫn có lời kính trọng dành cho lãnh tụ Tập Cận Bình, rồi nói ra sự thật khác.

2222222222222222

Ông Đặng Phác Phương, người nhắc nhở ông Tập Cận Bình về tôn chỉ "thao quang dưỡng hối". AFP

Rằng chỉ có thực tiễn mới kiểm nghiệm được chân lý nên chính quyền phải giữ cái đầu tỉnh táo và biết vị trí của mình trong quan hệ ngoại giao và phô trương quân sự. Ông nhắc đến tôn chỉ "thao quang dưỡng hối" của Đặng Tiểu Bình là nên khiêm nhượng với quốc tế chứ đừng sớm đòi lãnh đạo thiên hạ vì ưu tiên của Trung Quốc ngày nay là giải quyết các vấn đề nan giải ở bên trong.

Đáng chú ý hơn thế, Đặng Phác Phương nhắc lại lượng định của thân phụ rằng "củng cố và phát triển Trung Quốc sẽ cần vài chục thế hệ". Sau nhiều biến động, từ năm 1992, Đặng Tiểu Bình nói mãi tới việc cần "vài chục thế hệ" vì tiến trình phát triển sẽ lâu dài, khó khăn, rắc rối và phức tạp.

Nhưng, Đặng Phác Phương cũng nhấn mạnh hai yếu tố quan trọng, rằng không thể đảo ngược việc cải cách từ 40 năm trước, và rằng Trung Quốc nên có thái độ hợp tác để cùng có lợi trong môi trường quốc tế. Đấy là một phê phán tế nhị chính sách của họ Tập hiện nay.

Nguyên Lam : Câu chuyện quả ly kỳ vì con trai của công trình sư đã tạo ra những thay đổi tại Trung Quốc từ 40 năm qua là Đặng Tiểu Bình lại có vẻ như răn bảo người đang lãnh đạo Bắc Kinh hiện nay. Ông giải thích chuyện này như thế nào ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Tôi trộm nghĩ Tập Cận Bình có triệu chứng vĩ cuồng hay tự mê sau khi tập trung tối đa quyền lực để giải quyết các vấn đề của Trung Quốc mà ông ta gọi là "những mâu thuẫn cơ bản của kỷ nguyên mới" nhưng chẳng xong vì các vấn đề ấy quá lớn. Vì vậy, những người trong cuộc mới lên tiếng.

Với vai vế là con trai đệ nhất công thần và còn hơn Tập Cận Bình trên 10 tuổi, Đặng Phác Phương sợ công lao của thân phụ bị mai một và xứ sở gặp loạn nên có vẻ nhắc nhở rằng trong nền dân chủ tập trung thì cũng nên nhớ đến yếu tố dân chủ và phải kiểm nghiệm chân lý từ thực tiễn. Cái hiện tượng "độc quyền chân lý" của một chế độ toàn trị có thể đang rung chuyển nên từ vài tháng nay họ bắt đầu nói về tư tưởng. Khi đó, ta sẽ nhắc đến biến cố thứ hai cũng vừa mới xảy ra…

Nguyên Lam : Chúng ta bước qua phần hai của chương trình hồi hộp ngày hôm nay, thưa ông biến cố thứ hai đó là gì ?

Ý kiến của kinh tế gia Trương Duy Nghinh

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Trung Quốc có Đại học Bắc Kinh, xưa kia được gọi là Quốc Tử Giám, nay là lò đào tạo nhân tài cho chế độ, còn có uy tín hơn Đại học Thanh Hoa. Hai tuần trước, một giáo sư của Đại học là ông Trương Duy Nghinh (Zhang Weiying), từng là Khoa trưởng Phân khoa Quản trị Quang Hoa của Đại học này có bài tham luận được đưa lên trang nhà của Đại học làm dư luận chú ý.

Sinh năm 1959, đã học trong nước rồi tốt nghiệp tiến sĩ kinh tế tại Đại học Oxford, dưới sự hướng dẫn của một giáo sư kinh tế người Anh, sau này đoạt giải Nobel kinh tế, ông Trương Duy Nghinh chủ trương kinh tế tự do theo trường phái Áo quốc hay "Austrian School", và được giới kinh tế chú ý từ cả chục năm trước.

Bài tiểu luận của ông hôm 14 tháng 10 làm chấn động dư luận vì đả kích mô thức Trung Quốc sẽ tất yếu dẫn tới đối đầu với thế giới Tây phương. Ông cho rằng dùng mô thức này làm cơ sở thẩm định thành tựu kinh tế trong 40 năm qua là sai lầm và nguy hiểm vì dẫn tới mâu thuẫn xung đột. Nói cho dễ hiểu, kinh tế gia này phủ nhận giá trị của mô thức Trung Quốc đang được Bắc Kinh đề cao !

Nguyên Lam : Câu chuyện càng ngày càng lạ vì tại sao một giáo sư kinh tế lại đưa ra một quan điểm trái chiều hay chệch hướng như vậy với tư tưởng của đảng ? Ông nhận xét thế nào về chuyện này ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Thực tế thì cái "mô thức Trung Quốc", mà Việt Nam coi như mẫu mực, dựa trên quyền lực của một đảng, một khu vực quốc doanh to lớn và một chiến lược công nghiệp gọi là sáng suốt nhưng phương hại cho tương lai xứ sở.

Nói cho dễ hiểu, theo luận điểm Tập Cận Bình, thì mô thức gọi là "xã hội chủ nghĩa với màu sắc Trung Hoa" là một tai họa cho Trung Quốc. Giáo sư Trương Duy Nghinh vừa viết như vậy nên mới là điều khá bất thường.

Nguyên Lam : Thuần về kinh tế chính trị học, ông nghĩ sao về luận cứ vừa được một giáo sư kinh tế của Đại học Bắc Kinh đưa ra ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Dưới thời lãnh đạo của Mao Trạch Đông từ năm 1949, Trung Quốc đã trải qua 30 năm suy thoái và khủng hoảng, kể cả Bước Nhảy Vọt Vĩ Đại hay Đại Dược Tiến làm gần 40 triệu người chết đói dù không bị mất mùa, và 10 năm biến động chính trị của các Cách Mạng Văn Hóa Vô Sản Vĩ Đại cho tới khi Mao chết năm 1976. Trung Quốc chỉ bắt đầu có mức tăng trưởng rất cao sau khi họ Đặng cải cách đúng 40 năm trước. Làm sao giải thích hiện tượng đó ? Rồi làm sao giải thích là ngày nay kinh tế Trung Quốc đang có dấu hiệu suy sụp ?

Một là nhờ Đặng Tiểu Bình đã tháo gỡ các rào cản cho sản xuất kinh tế, kể cả chủ nghĩa hoang tưởng và chế độ tập trung quản lý bằng kế hoạch của Mao.

Hai là vì Trung Quốc áp dụng kinh nghiệm của các nước tiên tiến, như Hoa Kỳ, Nhật Bản rồi Nam Hàn là nương theo quy luật thị trường tự do và giảm sự can thiệp chính trị vào kinh tế.

Ba là nhờ Trung Quốc tìm ra mô hình riêng gọi là "xã hội chủ nghĩa với màu sắc Trung Hoa".

Cách giải thích thứ ba trở thành lý luận chính thức của đảng và ngày nay được Tổng bí thư Tập Cận Bình nhấn mạnh. Ông Trương Duy Nghinh thì đả kích cái chân lý giả trá đó.

Nguyên Lam : Ông vừa nói là làm sao giải thích việc kinh tế Trung Quốc đang có dấu hiệu suy sụp, xin ông khai triển thêm cái ý này.

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Khi đà tăng trưởng hết còn là 10% một năm như trong mươi năm đầu, đang giảm dần và nay chỉ còn 6-7% thì cách giải thích nào trong ba luận cứ kể trên là hợp lý nhất ?

Nếu chỉ là nhờ tháo gỡ các rào cản thời Mao thì thời nay chính quyền Bắc Kinh khó làm gì hơn mà phải tìm chiến lược mới, chứ không thể quay về chủ nghĩa Mao. Nếu là do áp dụng quy luật tự do kinh tế như các nước tiên tiến, thì thời nay nên gia tăng mức độ tự do ấy mới có phát triển chứ không thể lui về hướng cũ là gia tăng vai trò quản lý của nhà nước. Và nếu cách giải thích thứ ba về mô thức Trung Quốc, là chân lý của đảng và nhà nước thì người ta chẳng thể làm gì thêm và tương lai Trung Quốc tụt về sau lưng.

Cùng với diễn văn của Đặng Phác Phương, bài phát biểu của kinh tế gia Trương Duy Nghinh cho thấy phần nào cuộc tranh luận về tư tưởng trong tầng lớp lãnh đạo ngày nay tại Trung Quốc. Ta thấy Bắc Kinh không cho phổ biến rộng rãi nhưng cũng chẳng có biện pháp kỷ luật lối phát biểu gọi là chệch hướng đó. Đấy là chi tiết đáng nhớ vì có người công khai hạ bệ "mô thức Trung Quốc" và có người nói là phải khiêm nhường và kiên nhẫn vì sẽ cần vài chục thế hệ nữa thì mới vượt qua những khó khăn hiện nay. So sánh với thái độ của Hà Nội trong vụ Chu Hảo, ta thấy ngay là Việt Nam vẫn còn tụt hậu.

Nguyên Lam : Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do cùng Nguyên Lam xin cảm tạ chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa về bài phân tích ly kỳ của tuần này, và xin hẹn quý thính giả tuần sau.

Nguyên Lam thực hiện

Nguồn : RFA, 30/10/2018

Published in Diễn đàn

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng của đảng Cộng sàn Việt Nam đã chính thức nhận thêm vai trò Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam kề từ ngày 23 tháng 10. Trong vai trò tập trung này, ông có thể đưa kinh tế Việt Nam về đâu khi mâu thuẫn giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc ngày càng gia tăng ? Mục Diễn đàn Kinh tế sẽ tìm hiểu sau đây…

myhoa1

Nền kinh tế Việt Nam sẽ như thế nào trong trận thương chiến của Mỹ-Trung Quốc ? AFP

Bối cảnh của Việt Nam

Nguyên Lam : Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do và Nguyên Lam xin chào chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa.

Việc Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng vừa kiêm nhiệm chức vụ Chủ tịch nước của Việt Nam đã được nhiều người so sánh với trường hợp Tổng bí thư Tập Cận Bình bên Trung Quốc, thưa ông, nếu vậy thì liệu người lãnh đạo mới tại Việt Nam có thể làm được những gì cho kinh tế xứ này trong bối cảnh mâu thuẫn gia tăng giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc ở hai bờ biển Thái Bình Dương ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Tôi cho rằng ông Trọng là người sáng trí khi mượn chữ trong Truyện Kiều của Nguyễn Du khi nàng Kiều thế thốt với Kim Trọng mà nói ngay sau lễ tuyên thệ, rằng ông là "phận mỏng cánh chuồn" ! Ở tuổi 74, già hơn Tập Cận Bình gần 10 năm, ông sẽ mãn nhiệm trong Đại hội đảng khóa tới vào năm 2021, nên chỉ còn vài năm ở tại chức khi Tập Cận Bình đã có hơn năm năm tập trung quyền lực, kể từ cuối năm 2012, mà vẫn chưa thể chuyển hướng kinh tế của Trung Quốc, như đã muốn.

Hoàn cảnh của Việt Nam tất nhiên là khác Trung Quốc và sau khi làm Tổng bí thư từ năm 2011, ông Trọng đã có thể cải hướng kinh tế của Việt Nam mà vẫn chưa xong. Chúng ta phải trở về bối cảnh sâu xa, trước khi nói tới Việt Nam trong những mâu thuẫn gay gắt giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc.

Nguyên Lam : Nếu vậy, Nguyên Lam xin ông trình bày cho bối cảnh sâu xa đó.

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Trung Quốc nay chỉ là một ẩn dụ, là một hình tượng lãng mạn, của một cường quốc kinh tế. Từ những năm 2013, sau khi Tập Cận Bình lên lãnh đạo, họ đã thấy mấy chục năm tăng trưởng hết còn nữa, như nhiều xứ khác sau vài chục năm áp dụng quy luật kinh tế thị trường để hiện đại hóa. Một cách cụ thể, Trung Quốc hết là công xưởng toàn cầu với lợi thế nhân công nhiều và rẻ vì lợi thế đó đã hết do nhân công hiếm hơn và đòi lương cao hơn. Nạn lão hóa dân số là một trong nhiều nguyên nhân. Khi ấy, Trung Quốc phải tìm sách lược mới là nâng trình độ sản xuất với các mặt hàng có giá trị cao hơn. Vào hoàn cảnh đó, giới đầu tư quốc tế đã góp phần cho đà tăng trưởng của kinh tế Trung Quốc sau mấy thập niên phải tìm nơi đầu tư khác và đấy là một cơ hội cho Việt Nam.

Trên diễn đàn này, từ bốn năm năm về trước, tôi có trình bày về cơ hội đó cho Việt Nam, nhưng xứ này vẫn chưa cải sửa cơ chế dưới sự lãnh đạo của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng. Bây giờ, giữa trận thương chiến Mỹ-Hoa, Việt Nam có một cơ hội nữa mà chẳng biết là có kịp chuyển hướng không vì phải cạnh tranh với nhiều quốc gia khác.

Cơ hội bị bỏ lỡ

Nguyên Lam : Xin ông phân tích lại về cơ hội bị bỏ lỡ trong ba bốn năm về trước.

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Khi Trung Quốc hết giữ vị trí công xưởng toàn cầu với loại hàng rẻ nhờ nhân công có lương bổng thấp, nhà đầu tư quốc tế cần tìm ra các thị trường thay thế tại các nước đang hay mới phát triển, thí dụ như Mexico, Peru, Sri Lanka, Bangladesh, Myanmar, Philippines, Thái Lan, Indonesia, Việt Nam, Lào hay Cam Bốt, v.v… Nhưng tiêu chuẩn của giới đầu tư không chỉ có nhân công rẻ mà còn là tay nghề hay năng suất, là hạ tầng cơ sở vật chất lẫn vô hình như môi sinh, luật lệ và đào tạo, trong một chuỗi cung ứng đan kết với nhau.

Việt Nam mới chỉ nhắm vào lợi thế nhân công rẻ và mời chào bằng biện pháp đặc miễn thuế khóa và đất đai nên vẫn tập trung vào sản xuất hàng dệt sợi, may mặc, giày dép và đồ gỗ, mà là loại rẻ tiền. Mối lợi lớn thì giới đầu tư nước ngoài lấy hết còn nhân công của Việt Nam vẫn không thăng tiến về lương bổng và nhất là về kiến năng, kiến thức và khả năng. Việt Nam thiếu một chiến lược công nghiệp hóa lâu dài và linh động để cũng lên tới trình độ sản xuất cao hơn, như dùng công nghệ hiện đại về thông tin, điện toán, điện tử, kỹ nghệ ráp chế xe hơi….

Trong chuỗi sản xuất quốc tế, Việt Nam ở vào trình độ hạ đẳng, nôm na là thấp nhất, và tư doanh của Việt Nam lại còn bị quốc doanh chèn ép. Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng không thể không biết nhược điểm ấy mà tại sao lại chưa làm và nay mới tìm ra cơ hội giữa trận bão thương chiến của thiên hạ trong khi cơ chế kinh tế quốc gia lại tích lũy nhiều vấn đề mới ?

Cơ hội giữa trận thương chiến

Nguyên Lam : Thưa ông, những vấn đề ấy là gì và có thuộc trách nhiệm của Thủ tướng chăng ?

myhoa2

Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam tuyên thệ nhậm chức chủ tịch nước tại Hà Nội ngày 23 tháng 10 năm 2018. AFP

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Nói về trách nhiệm thì ta không quên cái thứ tự đã định chế hóa, là đảng rồi mới tới nhà nước, là Tổng bí thư rồi mới đến Chủ tịch nước và Thủ tướng, Quốc hội, v.v… là các bình phong của nền "dân chủ tập trung".

Về các vấn đề thì kinh tế Việt Nam 1/ quá lệ thuộc vào xuất nhập khẩu ; và 2/ bị nhập siêu là nhập khẩu nhiều hơn xuất khẩu, tai hại nhất là xuất nhập khẩu với Trung Quốc ; 3/ quá lệ thuộc vào đầu tư của nước ngoài, khi nguồn đầu tư ấy lên tới 50% của Tổng sản lượng và đóng góp tới 70% cho xuất khẩu, mà tai hại nhất cũng lại là đầu tư từ Trung Quốc ; 4/ bị bội chi ngân sách quá cao, tới gần 6% Tổng sản lượng và thuế vào quá ít ; và 5/ lại vay mượn quá nhiều.

Căn bản nhất, Việt Nam còn đi đường tắt là cho đầu tư vào lĩnh vực gia cư và địa ốc nên sản sinh rất nhiều đại gia tỷ phú đóng góp rất ít cho sản xuất của cải trên lằn ranh mập mờ của tham ô. Nói về giao dịch thì Việt Nam có lợi thế địa dư là ở bên cạnh Trung Quốc trong việc buôn bán với các nước trên vùng biển Thái Bình Dương, nhưng lợi thế địa dư cũng là một tử điểm về chính trị và đấy là trách nhiệm của đảng.

Nguyên Lam : Bây giờ ta bước qua phần hai, thưa ông, là vị trí kinh tế của Việt Nam trong mâu thuẫn giữa hai nền kinh tế có sản lượng lớn nhất tại hai bờ Thái Bình Dương. Việt Nam có thể làm gì và nên chuyển hướng ra sao ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Việt Nam cần chấn chỉnh lại thất quân bình vĩ mô như vừa nói ở trên.

Bây giờ khi trù tính chiến lược kinh tế trong hoàn cảnh đổi thay rất lớn hiện nay, Việt Nam nên dùng đầu tư nước ngoài làm đòn bẩy cho đầu tư nội địa, cho tư doanh của quốc gia. Yếu tố then chốt là chuyển giao công nghệ, là cho người Việt tiếp nhận và sử dụng kiến năng, kiến thức và khả năng, thì mới bắt kịp các nước lân bang trong vùng Đông Nam Á.

Và công nghệ đó không là thứ phế thải của Trung Quốc. Việc Việt Nam vừa ký kết nhiều hiệp ước tự do thương mại, tổng cộng cho đến nay là 12 hiệp ước, và sẽ thi hành hiệp ước Đối tác Xuyên Thái Bình Dương TPP đã cải tiến và mở rộng với 10 nước khác là một ưu điểm của một xứ chậm tiến nhất trong nhóm 11 quốc gia. Nhưng Việt Nam còn phải thực thi việc cải cách về môi sinh và điều kiện lao động thì mới có thể cạnh tranh thành công trong trường kỳ và hết là một bãi rác của Trung Quốc.

Nguyên Lam : Thưa ông, thế còn với Hoa Kỳ ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Chúng ta có thể nhớ tới kinh nghiệm của Samsung, một tập đoàn tư doanh Nam Hàn, đã đóng góp tới 25% cho xuất cảng của Việt Nam. Nói về Hoa Kỳ thì Việt Nam nên mở rộng việc tiếp nhận đầu tư của doanh nghiệp Mỹ trong nhiều ngành sản xuất sau các trường hợp Intel và Microsoft. Khi tiếp nhận thì nên nghĩ xa hơn doanh lợi mà còn phải chuẩn bị hạ tầng nghiên cứu và áp dụng để dân ta vừa làm vừa học. Nếu không nhìn xa như vậy thì Việt Nam rất khó cạnh tranh với Malaysia, Thái Lan hay Philippines, Indonesia. Việc thực thi những cam kết trong khuôn khổ của Hiệp ước Xuyên Thái Bình Dương đã cải tiến cũng cho Việt Nam lợi thế khi đàm phán một hiệp ước song phương với Mỹ.

Vả lại, ngoài Hoa Kỳ, Việt Nam còn nhiều nguồn đầu tư từ các nước dân chủ tiên tiến như Nhật Bản hay Âu Châu. Khi nhìn chung như vậy, ta nên thấy ra một sự chuyển hướng cần thiết cho Việt Nam là thoát dần khỏi sự lệ thuộc quá nặng vào Trung Quốc mà mở rộng cơ hội hợp tác với các nền kinh tế tiên tiến, vốn dĩ cũng coi trọng nhân quyền và quyền lợi của giới lao động.

Khó khăn của Việt Nam

Nguyên Lam : Nhìn ngược lại thì đâu là những khó khăn của Việt Nam trong hoàn cảnh trớ trêu là nằm giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng được cho là người có quan điểm thân hữu với Bắc Kinh. Cho tới nay, ông chưa làm gì để phủ nhận chuyện đó, lại còn dùng Truyện Kiều để than trong lễ tuyên thệ rằng "Khuôn xanh có biết vuông tròn mà hay". Khuôn xanh là ông trời, vuông tròn là đất ở dưới, trời ở trên, hay nói bóng là ăn ở cho phải đạo. Phải đạo với ai mới là vấn đề !

Chẳng khác gì Trung Quốc, Việt Nam không thể một bước nhảy vọt vào công nghiệp mà phải dọ dẫm học hỏi. Sau quá nhiều thập niên học hỏi từ Trung Quốc với hậu quả gần như sinh tử mà ai ai cũng biết, Việt Nam nên tìm một nếp suy tư khác, thoát khỏi ảnh hưởng của Bắc Kinh về tư tưởng, rồi về chiến lược phát triển kinh tế.

Rút kinh nghiệm của nửa thế kỷ vừa qua, Việt Nam không nên là tiền đồn chống Trung Quốc của bất cứ ai, nhưng cũng chẳng nên là mũi xung kích của Bắc Kinh xuống vùng biển Đông Nam Á. Chi bằng hợp tác với mọi quốc gia trong khu vực và đa dạng hóa giao diện hay diện giao tiếp với các nước, về cả an ninh lẫn kinh tế, trước hết là kinh tế.

Với chức vụ kiêm nhiệm hiện nay, ông Nguyễn Phú Trọng nên nói ra việc chuyển hướng đó và trực tiếp rà soát việc thực thi trong những năm tới. Đấy là một cách thoát Tầu mà giành lại nền độc lập thật ra vẫn chưa hề có từ mấy chục năm nay.

Nguyên Lam : Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do cùng Nguyên Lam xin cảm tạ chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa về bài phân tích những mâu thuẫn của Việt Nam ở giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ.

Nguyên Lam thực hiện

Nguồn : VOA, 23/10/2018

Published in Diễn đàn
mercredi, 10 octobre 2018 20:10

Nhược điểm của Trung Quốc

Trong trận thương chiến đang bùng nổ với Hoa Kỳ, Trung Quốc lại có những nhược điểm nội tại khiến lãnh đạo Bắc Kinh phải nhìn xa hơn biện pháp trả đũa. Những nhược điểm ấy là gì, Diễn đàn Kinh tế sẽ tìm hiểu sau đây...

nhuoc1

Số liệu thị trường chứng khoáng ở Hàng Châu, Chiết Giang, Trung Quốc hôm 19 tháng 6 - AFP

Chặn đứng bành trướng

Nguyên Lam : Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do và Nguyên Lam xin chào chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa.

Thưa ông, cuộc chiến thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc đã bùng nổ và mâu thuẫn giữa hai nước còn trở nên gay gắt hơn như người ta có thể thấy qua cuộc gặp gỡ của hai Ngoại trưởng hôm Thứ Hai mùng tám vừa qua trong khi kinh tế Trung Quốc lại có dấu hiệu đình trệ khiến Bắc Kinh phải ra biện pháp kích thích lần thứ tư nội trong năm nay.

Nếu như vậy, tình hình có thể xoay chuyển như thế nào, thưa ông ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Tôi cho rằng Hoa Kỳ muốn chặn đứng sự bành trướng của Trung Quốc chứ không chỉ có nhu cầu khôi phục khu vực chế biến của mình, và ngược lại Trung Quốc có nhiều nhược điểm lớn trong cơ cấu kinh tế chính trị nên sẽ bị nhiều tổn thất hơn người ta dự đoán trước đây. Nhìn cách khác thì Bắc Kinh có thể chịu đựng nổi nhiều thiệt hại kinh tế vì trận thương chiến nhưng sẽ bị đẩy lui vì những nhược điểm sẵn có trong cơ cấu kinh tế chính trị của họ. Chúng ta nên nhìn ra những nhược điểm ấy trong trường kỳ chứ không chỉ đếm sự tổn thất sẽ có trong vài ba năm sắp tới mặc dù Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế IMF vửa nhận định rằng kinh tế Trung Quốc sẽ bị thiệt hại nhiều hơn kinh tế Hoa Kỳ.

Nguyên Lam : Nói về tổn thất, việc Hoa Kỳ có thể áp thuế nhập nội thêm 10% hay 25% trên một lượng hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc có trị giá tương đương với hơn 500 tỷ đô la, tức là cao hơn số xuất khẩu của Trung Quốc vào thị trường Mỹ, nên tất nhiên là gây khó khăn cho Bắc Kinh. Nhưng dường như ông còn thấy ra nhiều vấn đề khác nữa. Thưa ông, những vấn đề ấy là gì ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Kinh tế Trung Quốc vẫn lệ thuộc nhiều vào xuất khẩu, lên tới 20% của Tổng sản lượng GDP, và dù có tìm ra thị trường khác thay cho thị trường Hoa Kỳ thì cũng bị thất thâu trong nhiều năm tới. Chưa ai có thể tính ra mức thiệt hại một cách chính xác vì mỗi loại hàng hóa lại có sự đàn hồi hay co giãn khác nhau về cung và cầu, nhưng với đà tăng trưởng chỉ còn ở khoảng 6,5% một năm, là chỉ tiêu khó đạt cho năm nay, kinh tế Trung Quốc có thể mất thêm tới 1% của GDP và đấy là thất nghiệp gia tăng lẫn tiêu thụ suy giảm. Bắc Kinh có thể chống đỡ được sự tổn thất ấy, nhưng nhìn về dài thì sẽ không thể vượt nổi những thách đố vốn đã có sẵn ở bên trong.

Những thách đố đối với Bắc Kinh

Nguyên Lam : Nguyên Lam xin đề nghị ông trình bày cho những thách đố Bắc Kinh đang phải đối đầu như ông vừa nói.

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Chúng ta sẽ khởi đi từ địa dư hình thể là yếu tố gần như bất biến là khó thay đổi. Tôi cứ hay nói đến hiện tượng "nhất quốc tam kinh" là một quốc gia có ba nền kinh tế của xứ này. Tại vùng duyên hải ở miền Đông là các tỉnh tương đối trù phú và mở ra thế giới bên ngoài làm dư luận hiểu lầm như sự thịnh vượng của cả nước. Kế đó là các tỉnh bị khóa trong lục địa và khó thông thương với bên ngoài nên còn chậm tiến và kém phát triển. Sau cùng là các vùng phiên trấn do Bắc Kinh lấn chiếm của các sắc tộc khác thành những đặc khu tự trị về hành chính và trại tù khổng lồ. Con Đường Tơ Lụa Mới mà Tổng bí thư Tập Cận Bình đề xướng qua sáng kiến Nhất Đới Nhất Lộ từ năm năm trước, sẽ tốn tiền bạc và thời gian thực hiện để khai thông sự ách tắc này. Nhưng kế hoạch đó chưa thành thì đã gây phản ứng từ nhiều quốc gia như chúng ta đã thấy.

Bây giờ, trận thương chiến bùng nổ sẽ gây thiệt hại cho các tỉnh duyên hải, nặng nhất là Quảng Đông, Giang Tô, Chiết Giang và thành phố Thượng Hải vì khu vực này sống nhờ buôn bán với bên ngoài và xuất khẩu hơn phân nửa số hàng hóa của Trung Quốc cũng là do đầu tư trực tiếp của các doanh nghiệp ngoại quốc vào đây. Khi các nơi trù phú nhất lại là chiến trường của trận đấu mậu dịch thì Bắc Kinh tính sao, có thể làm gì ? Mà đấy không là thách đố duy nhất vì còn các khu vực lạc hậu kia ở bên trong. Lẽ hợp tan trong lịch sử Trung Quốc nằm tại đó.

Khi lên lãnh đạo, Tập Cận Bình thấy ra sự thiếu cân đối và thiếu phối hợp nên thâu tóm quyền lực để trung ương tái phân lợi tức cho các địa phương đói kém. Bây giờ, các tỉnh khá giả vùng duyên hải lại mất nguồn lợi từ bên ngoài thì sẽ nghĩ sao về việc tái phân đó ? Đấy là một bài toán chính trị cho nỗ lực chuyển hướng kinh tế lồng trong việc tranh đoạt quyền lực và giải trừ tham nhũng !

Nguyên Lam : Ông nêu ra thách đố đầu tiên và có lẽ thuộc về trường kỳ vì liên hệ tới địa dư và lịch sử Trung Hoa. Xưa nay, các tỉnh duyên hải đều hướng ra ngoài và cần trung ương yểm trợ để chạy theo kịp thế giới nhưng cũng vì vậy mà tách rời khỏi các tỉnh bên trong. Bây giờ mâu thuẫn âm ỉ đó có thể gia tăng khi khu vực duyên hải lại bị tổn thất nặng trong trận thương chiến với Hoa Kỳ. Ngoài ra, thưa ông, Bắc Kinh còn bị những thách đố nào khác nữa ?

nhuoc2

Các containers đã bốc dỡ của Trung Quốc tại Long Beach hôm 29 tháng 9. AFP

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Chúng ta chưa biết các tỉnh duyên hải phản ứng thế nào với trung ương vì hai bài toán là 1/ chia sẻ lợi tức cho các tỉnh ở trong rồi 2/ bị thiệt vì trận thương chiến Mỹ-Hoa, nhưng hẳn là họ phải có phản ứng và chưa chắc là đã đồng ý rằng chấp nhận tổn thất trong ngắn hạn thì sẽ đạt kết quả khả quan hơn cho cả nước trong dài hạn. Việc Tập Cận Bình ngày càng có chỉ dấu thiên về xu hướng sùng bái cá nhân như Mao Trạch Đông không hẳn là điều hay. Ông ta đang phải đối phó với hai trận đánh, ở bên trong và với bên ngoài. Đã vậy, Trung Quốc đang ở vào khúc quanh chiến lược sau vài chục năm tăng trưởng cao.

Nền kinh tế bị chìm dưới một núi nợ, khi môi sinh bị hủy hoại và Trung Quốc có thể trôi vào cái "bẫy sập của lợi tức trung bình". Chúng ta biết các nước kém mở mang đều có một giai đoạn tăng trưởng cao sau khi áp dụng quy luật thị trường, rồi bị đình trệ nếu không tìm ra một hướng phát triển để thay cho lợi thế nhân công nhiều và rẻ. Hướng phát triển đó phải nhắm vào năng suất, với đà tăng trưởng có phẩm hơn lượng và trình độ sản xuất có trị giá cao hơn để theo kịp các nước tiên tiến. Nếu không lên tới đó thì Trung Quốc vẫn chỉ là một nước nghèo, có lợi tức trung bình thấp khi dân số lại bị lão hóa vì chính sách mỗi hộ một con ban hành 40 năm về trước.

Ta về ta tắm ao ta

Nguyên Lam : Thưa ông, phải chăng vì vậy mà Bắc Kinh đã có kế hoạch chủ động công nghiệp hóa gọi là "Chế tạo tại Trung Quốc năm 2025" ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Thưa đúng vậy. Nhưng kế hoạch "Made in China 2025" nhằm tìm bước nhảy vọt vượt mặt Hoa Kỳ về công nghệ chỉ là sao chép và thậm chí ăn cắp kiến năng hay "know how" của các nước tiên tiến và đang bị các nước Tây phương than phiền.

Trong trận thương chiến hiện nay, Hoa Kỳ còn đặc biệt nhắm vào kế hoạch đó và huy động hậu thuẫn của nhiều xứ khác vì thực chất của kế hoạch này là gì ? Là đảng và nhà nước Bắc Kinh thúc đẩy việc chuyển giao công nghệ tân tiến của thiên hạ, như vật liệu bán dẫn, trí thông minh nhân tạo, robotics, hay thuật lý sinh học là bio-technology, v.v... cho hệ thống quốc doanh để áp dụng cho cả hai lĩnh vực dân sự lẫn quân sự.

Trong khi đó, tương lai xứ này tùy thuộc vào tiềm năng của doanh nghiệp tư nhân, loại nhỏ và vừa chứ không nằm trong các tập đoàn kinh tế nhà nước kém hiệu năng mà đầy quyền lực. Các doanh nghiệp tư nhân hiện cũng bị thiệt hại nhất vì không được nhà nước bảo vệ.

Nguyên Lam : Nếu vậy, lãnh đạo Bắc Kinh đang gặp bài toán thứ nhì là tìm ra một chiến lược phát triển khác để vươn lên trình độ sản xuất cao hơn tương tự như Nhật Bản, Nam Hàn hay Đài Loan khi dân số lao động lại thu hẹp. Nhưng đúng vào lúc sinh tử này, họ lại bị tấn công trong trận thương chiến, có phải như vậy không, thưa ông ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Chúng ta nên hiểu lời phát biểu của Tập Cận Bình trong ý đó, khi ông nói rằng "Về mặt quốc tế, Trung Quốc ngày càng khó tiếp nhận công nghệ tiên tiến và kiến năng cao cấp. Chủ nghĩa hành động đơn phương và bảo hộ mậu dịch gia tăng khiến chúng tôi phải tự lực cánh sinh và đấy không là điều dở !" Nôm na là không bám thiên hạ để bơi ra biển thì ‘ta về ta tắm ao ta" ! Như vậy, Bắc Kinh đành tìm lấy chiến lược phát triển với nhiều khó khăn hơn và chưa chắc đã thoát khỏi cái bẫy của thu nhập trung bình.

Nguyên Lam : Như vậy, Bắc Kinh còn bị nhược điểm gì khác nữa, thưa ông ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Nếu đi từ xa tới gần, ta thấy ra ba vấn đề. Thứ nhất là dị biệt về lợi tức và nhận thức giữa các địa phương ; thứ hai là tìm một chiến lược phát triển bền vững, hơn là chỉ cậy vào hệ thống quốc doanh và nghề ăn cắp. Thứ ba, gần hơn cả, là giải quyết những bài toán ngay trước mắt. Trung Quốc không thể nào tìm lại đà tăng trưởng 10% như trong 30 năm đầu của thời cải cách sau Đặng Tiểu Bình và hết còn lợi thế nhân công nhiều và rẻ, cứ đầu tư dư thừa và xuất khẩu dưới giá thị trường. Ngày nay, xứ này cần tìm ra lực đẩy khác là sức tiêu thụ nội địa.

Nhưng mô hình tăng trưởng nhờ chắt bóp và trưng thu tiết kiệm của người dân lại gây hậu quả bất lợi là đánh sụt khả năng tiêu thụ trong khi các hộ gia đình ngày nay lại mắc nợ nhiều hơn, nhất là sau trận Tổng Suy Trầm toàn cầu năm 2008-2009. Để ứng phó, Bắc Kinh đã tăng chi và ào ạt bơm tín dụng vào dự án xây dựng hạ tầng và các khu phố ma lẫn các công ty vỡ nợ, những xác chết chưa chôn, trong khi 60% sản lượng lại xuất phát từ các tiểu doanh thương không được bảo vệ và nay đang khốn đốn vì trận thương chiến. Bài toán kinh tế sẽ là vấn nạn chính trị cho lãnh đạo !

Nguyên Lam : Nếu như vậy, nhìn từ chuyện xa đến gần thì phải chăng trận thương chiến hiện nay bùng nổ vào lúc bất lợi nhất cho Bắc Kinh, thưa ông có phải như thế không ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Tôi không nghĩ Hoa Kỳ dự tính chuyện này tử trước để chọn thời điểm tấn công, nhưng các nhược điểm kinh tế chính trị của Trung Quốc cũng chẳng do Hoa Kỳ gây ra. Ba chục năm trước, Nhật Bản đã có sản lượng kinh tế bằng 17% của thế giới rồi suy sụp và phải chuyển hướng trong hai thập niên vửa qua mà chưa xong, khi sản lượng ngày nay chỉ còn là 7% của thế giới. Đi sau thiên hạ, Trung Quốc có sản lượng bằng 15% của toàn cầu, đã vượt nước Nhật để đứng hạng nhì thế giới nhưng cũng phải chuyển hướng với ba nhược điểm tôi vừa tóm lược ở trên. Tổn thất kinh tế của trận thương chiến chỉ là chuyện nhỏ, tổn thất chính trị mới là điều ta nên theo dõi trong nhiều năm tới...

Nguyên Lam : Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do cùng Nguyên Lam xin cảm tạ chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa về bài phân tích những nhược điểm của của Trung Quốc ngay giữa trận thương chiến này.

Nguyên Lam thực hiện

Nguồn : RFA, 10/10/2018

Published in Diễn đàn

Hàng năm, cứ đến đầu tháng 10 là Bắc Kinh lại chào mừng ngày Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa ra đời tại Quảng trường Thiên An Môn vào mùng một tháng 10 năm 1949. Ngày nay, lãnh đạo Bắc Kinh đang mơ chân trời mới vào năm 2049, khi Trung Quốc lên tới ngôi vị siêu cường 100 năm sau khi nền cộng hòa cộng sản này. Nhưng phải chăng đấy chỉ là giấc mơ ? Diễn đàn Kinh tế sẽ tìm hiểu chuyện đó trong bối cảnh của cuộc thương chiến với Hoa Kỳ.

tq1

Trung Quốc không thể rao bán tư tưởng Mao Trạch Đông hay phiên bản mới của Tập Cận Bình - AFP

Những mâu thuẫn của Bắc Kinh

Nguyên Lam : Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do và Nguyên Lam xin chào kinh tế gia Nguyễn-Xuân Nghĩa. Thưa ông, bước vào tháng 10, khi lãnh đạo Bắc Kinh làm lễ Quốc Khánh chào mừng việc Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa ra đời ngày mùng một tháng 10 năm 1949 tại Quảng trường Thiên An Môn ở Bắc Kinh thì chúng ta nên nghĩ gì ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Bản thân tôi thì nghĩ đến… Mao Trạch Đông và tư tưởng của ông ta về các mâu thuẫn trong tiểu luận gọi là "Mâu Thuẫn Luận". Gần đây, tại Đại Hội Đảng Khóa 19, Tổng bí thư Tập Cận Bình cũng nói đến các mâu thuẫn cơ bản của kỷ nguyên mới. Vì vậy, chúng ta nên kiểm lại các mâu thuẫn của họ…

Có ý thức lịch sử rất sâu đậm, lãnh đạo Bắc Kinh lại đang lúng túng với lịch sử. tháng 10 năm 2011, họ cho tổ chức rầm rộ các sinh hoạt kỷ niệm trăm năm của cuộc Cách Mạng Tân Hợi 1911 và còn dựng chân dung vĩ đại của Tôn Trung Sơn tại Quảng trường Thiên An Môn. Họ cho thần dân ăn mừng biến cố cách mạng là sự kết thúc của chế độ quân chủ, khởi đi từ Tần Thủy Hoàng, thần tượng của Mao Trạch Đông. Thế rồi năm đó Bắc Kinh bỗng nghĩ lại !

Vở nhạc kịch ngợi ca cuộc đời và sự nghiệp của Tôn Trung Sơn, vị Tổng thống đầu tiên của Trung Quốc, bỗng dưng bị hủy. Lý cớ được thông báo là vì hậu cần, tiếp vận. Ly kỳ hơn vậy, một cuộc hội thảo do các học giả Nhật Bản chuẩn bị từ nhiều tháng trước về Cách mạng Tân Hợi cũng bị cấm, mà không cho biết lý cớ. Lý do thì chúng ta có thể rất dễ đoán ra, nếu chịu khó nhìn vào trăm năm lịch sử đó vì trăm năm qua, Trung Quốc thật ra có hai "Cách Mạng tháng Mười".

Nguyên Lam : Thính giả của chúng ta có lẽ đã quen với cách dẫn chuyện hay nêu vấn đề của chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa. Nhưng thưa ông, Nguyên Lam vì sao lại có hai "Cách Mạng tháng Mười" ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Một là Cách mạng Cộng hòa vào năm 1911 và sự ra đời của Trung Hoa Dân Quốc. Hai là Cách mạng Cộng sản và sự ra đời của Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa ngày một tháng 10 năm 1949. Cả hai cuộc cách mạng đều không là điểm son của dân chủ !

Ban đầu, nhà cách mạng Tôn Trung Sơn (nguyên danh là Tôn Văn hay Tôn Dật Tiên, v.v...) chưa muốn lập Quốc hội và chỉ làm Tổng thống vài tháng là bị cướp mất quyền hành, xứ sở lâm nội loạn triền miên với vai trò của các lãnh chúa. Trong cảnh hỗn loạn ấy, duy nhất có một yếu tố xứng danh cách mạng là trào lưu tự do tư tưởng và khuynh hướng lập hội lập đảng để canh tân xã hội. Khi nói đến sự nghiệp cách mạng Tôn Trung Sơn, Bắc Kinh ngày nay giải thích và giải quyết thế nào về trào lưu tự do tư tưởng đó của xã hội cách đây một thế kỷ ? Giải thích thế nào về chế độ kiểm duyệt thông tin và đàn áp dân chủ hiện vẫn áp dụng ? Khi nói đến nỗ lực quốc tế vận của Tôn Trung Sơn, Bắc Kinh còn kẹt hơn và Tập Cận Bình ngày nay cũng cảm thấy như vậy khi đề ra sáng kiến về "Con Đường Tơ Lụa Mới" hay "Nhất Đới Nhất Lộ" đúng năm năm về trước.

Nguyên Lam : Thưa ông, phải chăng chúng ta cần trở lại lịch sử Trung Hoa cận đại thì mới hiểu ra những mâu thuẫn ngày nay của Trung Quốc ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Thưa đúng thế, bác sĩ Tôn Trung Sơn là một thí thức, theo Công giáo, có hậu cứ vận động từ hải ngoại là Hoa Kỳ, đã nhiều lần tìm nguồn yểm trợ tại Nhật Bản, một quốc gia phú cường, tiến bộ và tự do hơn Trung Quốc gấp bội. Nhật còn đại thắng trong cuộc chiến Hoa-Nhật năm 1894-1895, góp phần đáng kể cho sự sụp đổ của nhà Đại Thanh. Chính vì vậy mà tháng 10 năm 2011, các học giả Nhật mới sốt sắng tổ chức cuộc hội thảo về Cách mạng Tân Hợi và bị Bắc Kinh kịp thời hạ màn vì nhắc đến Tôn Trung Sơn là lòi ra vai trò yểm trợ cách mạng hoặc "diễn biến thiếu hòa bình" của Hoa Kỳ và Nhật Bản, là hai đối thủ hiện tại của Trung Quốc....

Nguyên Lam : Bây giờ, Nguyên Lam đã hiểu vì sao ông dẫn vào các mâu thuẫn của Mao Trạch Đông ! Xin đề nghị ông trình bày tiếp cho giớu trẻ của chúng ra.

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Sự sụp đổ của nhà Mãn Thanh là niềm tự hào chính đáng của Hán tộc. Khi Mãn tộc tiêu diệt nhà Đại Minh năm 1644 thì đấy là nỗi nhục khó rửa cho người Hán. Vì vậy "Phản Thanh - Phục Minh" là khẩu hiệu huy động nhiều thế hệ ái quốc. Và một chủ trương cách mạng của Tôn Trung Sơn là tinh thần dân tộc, để đánh đuổi nhà Mãn Thanh.

Nhưng cũng là dị tộc Mãn Thanh xấu xa ấy đã bành trướng lãnh thổ, cho phép Bắc Kinh ngày nay viện lẽ chính danh từ đời Thanh mà đòi thống trị Tân Cương và Tây Tạng, hai khu vực tự trị có vấn đề với dân Hồi giáo và Tây Tạng ! Chẳng lẽ chế độ cộng sản Trung Quốc ưu việt mà lại kế thừa di sản đế quốc của ngoại tộc Mãn Thanh sao ? Huống hồ, kẻ kế thừa di sản Tôn Trung Sơn lại là Tưởng Trung Chính, tức là Tưởng Giới Thạch !

- Sau khi Cộng hòa Nhân dân Trung Quốc được Mao thành lập ở Hoa lục năm 1949, Trung Hoa Dân Quốc của Tôn Trung Sơn được Tưởng Giới Thạch đem qua Đài Loan. Đảo quốc mang tiếng là lãnh thổ ngàn đời của Trung Hoa lại gợi nhớ đến tranh chấp về chủ quyền từ đời Thanh. Mà hậu thân của cái gọi là ngụy quyền Trung Hoa Dân Quốc lại xây dựng được một nền kinh tế tiên tiến với một chế độ chính trị thật sự dân chủ. Công lao chuyển hóa Đài Loan thuộc về Tưởng Kinh Quốc, con trai Tưởng Giới Thạch. Và lần đầu tiên trong lịch sử mà người dân Trung Hoa trực tiếp đi bầu ra lãnh đạo thật - một Tổng thống – là tại Đài Loan vào tháng Ba năm 1996, bất chấp hỏa tiễn của Trung Quốc bay qua đầu ! Và "tam dân chủ nghĩa" của Tôn Trung Sơn, là "dân tộc độc lập, dân quyền tự do và dân sinh hạnh phúc" vẫn là khát vọng chưa vẹn toàn của người dân Trung Quốc ngày nay dưới sự lãnh đạo quá sức tập quyền của Tập Cận Bình.

Lượng và phẩm

Nguyên Lam : Nhưng mà ngày nay, Trung Quốc đã có sản lượng kinh tế đứng hạng thứ nhì thế giới và theo các chuyên gia quốc tế thì sẽ bắt kịp hoặc vượt qua sản lượng của Hoa Kỳ vào năm 2025 hay 2030 này. Ông giải thích thế nào về chuyện đó ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Chúng ta có hai chuyện ở đây, là lượng và phẩm. Sản lượng của một quốc gia có gần một tỷ 400 triệu dân dĩ nhiên là phải lớn. Nhưng nói về phẩm thì sản lượng của một người dân, nôm na là sản lượng bình quân của một người hay năng suất lao động, mới là những tiêu chuẩn so sánh. Theo các tiêu chuẩn đó thì Trung Quốc còn mất hơn 30 năm mới hy vọng đuổi kịp Hoa Kỳ. Còn về năng suất lao động thì ngày nay chưa bằng 10% của Mỹ. Đấy là ta chưa nói đến hai mâu thuẫn khác của Trung Quốc, là "người dân chưa giàu mà đã già" và "nhà nước chưa hùng mà đã hung", khiến các quốc gia đều chú ý và báo động !

Chưa giàu mà đã già vì dân số bị lão hóa và ưu thế nhân công rẻ đang chấm dứt. Bắc Kinh có thể nghĩ đến bước nhảy vọt vào trình độ sản xuất cao hơn nhờ công nghệ tiên tiến thì thứ nhất chưa thể bằng Nhật Bản hay Nam Hàn chứ chưa nói gì đến Hoa Kỳ, và thứ hai đang bị Hoa Kỳ cùng các nước tố cáo tội ăn cắp và ăn cướp quyền sở hữu trí tuệ, một đầu mới của trận thương chiến ngày nay với Mỹ.

Chưa hùng mà đã hung là khi Bắc Kinh vừa rời vùng biển cận duyên để mon men ra biển viễn duyên thì đã đòi quân sự hóa quần đảo Hoàng Sa với Trường Sa và vùng biển Đông Nam Á nên gây phản ứng ngược với các cường quốc như Nhật Bản, Ấn Độ, Úc và Hoa Kỳ lẫn các nước Âu Châu.

Pax Sinica lên ngôi bá chủ ?

Nguyên Lam : Ông còn thấy những mâu thuẫn gì khác của Trung Quốc ?

Chinese Currencey

Đồng Nhân Dân tệ của Trung Quốc. AFP

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Tôi nghĩ đến một nhân vật vừa gây sôi nổi trong dư luận Trung Quốc là giáo sư Hồ An Cương mà tôi cứ gọi là Hồ Yên Cương cho dễ nhớ tới con ngựa chứng ! Ông là giám đốc một lò trí tuệ của đảng là "Quốc Tình Nghiên Cứu Viện" hay viện Nghiên cứu Tình hình Quốc gia thuộc Đại Học Thanh Hoa tại Bắc Kinh. Cách đây hơn hai chục năm, Hồ Yên Cương cùng một trí thức khác, hình như là Vương Thiệu Quang, có bài tiểu luận về lẽ hợp tan của Trung Hoa. Đó là khi triều đình thâu tóm quyền lực về trung ương thì chính trị ổn định nhưng các địa phương không có phát triển và xứ sở tụt hậu.

Ngược lại, khi trung ương tản quyền thì các địa phương lại phát triển mạnh nhưng có thể dẫn đến hỗn loạn và tan rã. Giữa các mâu thuẫn đó, Hồ Yên Cương đề cao giải pháp dân chủ pháp trị. Bây giờ hình như là ông đảo ngược lập trường và đề cao giải pháp tập quyền của Tập Cận Bình tới độ sùng bái cá nhân và còn tiên báo việc Trung Quốc sẽ sớm vượt Hoa Kỳ.

Mâu thuẫn ở đây không là hiện tượng đảo điên của một trí thức trong đảng tôi gọi là hiện tượng điền đô hay… đồ điên. Mâu thuẫn ở đây là nhiều chuyên gia khoa học kỹ thuật của Bắc Kinh lại phản bác cái thuyết "vượt Mỹ" và nói về nền khoa học kỹ thuật còn rất kém của Trung Quốc về cả kinh tế, dân sự lẫn quân sự.

Nguyên Lam : Câu chuyện này thật ra ly kỳ hấp dẫn, nhưng vì thời lượng có hạn, Nguyên Lam phải đề nghị ông đưa ra một nhận định tổng kết.

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Từ bốn thế kỷ, các nước Tây phương cứ bị mê hoặc về Trung Quốc mà không nhìn ra một đặc tính văn hóa chính trị Trung Hoa là kềm hãm khả năng sáng tạo trong khi lại chinh chiến liên miên. Ngày nay, người ta vẫn phạm sai lầm cũ mà cho rằng sau khi Đế quốc Anh khống chế thế giới vào Thế kỷ 19, thì Hoa Kỳ lập ra thật tự Mỹ hay Pax Americana vào Thế kỷ 20. Qua Thế kỷ 21, thiên hạ sẽ thấy Trung Quốc lên ngôi bá chủ, một thứ Pax Sinica.

Bản thân tôi thì không nghĩ như vậy ! Dù có là thiểu số tuyệt đối, tôi vẫn cho rằng Trung Quốc chưa giải quyết được những mâu thuẫn căn bản của họ. Làm sao có thể rao bán Khổng Tử cùng Tư tưởng Mao Trạch Đông hay phiên bản mới của Tập Cận Bình ? Làm sao dung hòa được chủ nghĩa tư bản với chủ nghĩa cộng sản mà không dẫn tới chế độ tư bản thân tộc đầy bất công và phản thị trường của các đảng viên cán bộ dùng quyền lực chính trị để thâu tóm quyền lợi kinh tế ? Làm sao tái xây dựng một Đế quốc xưa kia chỉ là cường quốc lục địa nay phải vươn ra biển vì quá lệ thuộc vào thị trường bên ngoài ?

Sau cùng là mâu thuẫn giữa việc tập quyền để có ổn định, khi thị trường lại chuyển dịch và phản ứng nhanh trong một nền khoa học kỹ thuật đang thu hẹp thời gian quyết định. Kết luận của tôi là Trung Quốc vừa lên tới đỉnh, mà đỉnh cao thì cũng là bước lật !

Nguyên Lam : Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do cùng Nguyên Lam xin cảm tạ chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa về bài phân tích những mâu thuẫn của Trung Quốc.

Nguyên Lam thực hiện

Nguồn : VOA, 02/10/2018

Published in Diễn đàn

Trận chiến thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc tiếp tục leo thang và mỗi đợt trả đũa lại dẫn tới biện pháp cứng rắn hơn. Chúng ta đang chứng kiến một trận thương chiến giữa hệ thống chính trị dân chủ và một chế độ độc tài. Diễn đàn Kinh tế sẽ tìm hiểu về lợi thế tương đối của hai hệ thống chính trị đối nghịch này.

trade1

Cờ Mỹ và Trung Quốc-hình ảnh tiêu biểu cho dân chủ và độc tài - AFP

Mâu thuẫn tay đôi

Nguyên Lam : Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do và Nguyên Lam xin chào kinh tế gia Nguyễn-Xuân Nghĩa. 

Thưa ông, chiều Thứ Hai 17 Chính quyền Hoa Kỳ đưa ra quyết định áp thuế đợt thứ ba, lần này tăng 10% trên một lượng hàng hóa của Trung Quốc có trị giá tương đương với 200 tỷ đô la, bắt đầu từ ngày 24 và qua đầu năm tới thì còn tăng từ 10% lên 25%. Phía Bắc Kinh đã trả đũa chỉ sau hơn một tiếng đồng hồ và sau khi từ chối đàm phán đã ra bạch thư kết án thái độ đàn áp của Hoa Kỳ.

Trong mâu thuẫn gay gắt giữa hai nền kinh tế có sản lượng cao nhất địa cầu, ông nghĩ rằng chúng ta nên chú ý tới những gì nữa ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa :  Chúng ta có nhiều cách phân tích mâu thuẫn tay đôi này.

Đầu tiên là nhìn vào cơ bản của lẽ thắng bại về ngoại thương giữa các nước, như tôi có dịp trình bày vào đầu tháng Ba khi trận chiến khai mào. Đó là xứ nào lệ thuộc nhiều hơn vào ngoại thương ? Nếu dùng tỷ lệ bách phân của xuất khẩu trong Tổng sản lượng GDP thì xuất khẩu của Trung Quốc chiếm gần 20% GDP, của Hoa Kỳ thì chỉ có 12%, tức là nếu xuất khẩu bị sụt vì thương chiến thì Trung Quốc bị hại hơn Hoa Kỳ.

Thứ hai là nhập khẩu. Hoa Kỳ có thị trường nhập khẩu lớn nhất các nước và bị nhập siêu với các nước lớn mà nặng nhất là với Tầu. Điều ấy có nghĩa là trong thương chiến, xuất siêu của Trung Quốc mới là nhược điểm. Vì sao lại có nghịch lý như vậy ? Vì Tổng sản lượng của Trung Quốc có 3% là nhờ bán hàng qua Mỹ còn Hoa Kỳ chỉ có phân nửa 1% là nhờ bán hàng qua Tầu. Nếu lượng hàng đó giảm thì kinh tế của Tầu bị ảnh hưởng mạnh hơn của Mỹ.

Nói vắn tắt, Hoa Kỳ có sức sản xuất cao nhất mà xuất khẩu chỉ chiếm 12% GDP, còn 88% là sản xuất cho tiêu dùng nội địa. Con số trừu tượng ấy có nghĩa là nếu thương chiến bùng nổ và các nước phản đòn bằng cách bớt mua hàng của Mỹ thì cũng chỉ thu hẹp trong phần xuất khẩu là 12% của Tổng sản lượng thôi. Bên kia chiến tuyến, các nước cần xuất khẩu nhiều mới dễ bị thua.

Ngược lại, vẫn nói về tương quan lực lượng trong trận chiến mậu dịch ai cũng muốn tránh, thì kinh tế Mỹ có sức tiêu thụ cao nhất, như có hậu phương sâu rộng nhất khả dĩ chống trả các đối thủ. Đâm ra, nạn nhập siêu là nhập nhiều hơn xuất của nước Mỹ lại là một lợi thế trong trận chiến mậu dịch này.

Nguyên Lam : Ông nói rằng chúng ta có nhiều cách phân tích chuyện này và cách đầu tiên là nhìn vào tương quan lực lượng của đôi bên về mặt ngoại thương, xem nước nào lệ thuộc nhiều hơn vào xuất khẩu. Sau đó thì người ta còn có những cách phân tích gì khác nữa, thưa ông ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Cách thứ hai là nhìn vào lịch sử. Hơn 40 năm trước, Hoa Kỳ bị sa sút nhiều mặt khi kinh tế suy trầm, lạm phát gia tăng và vì phí tổn của cuộc chiến tại Việt Nam lẫn đòn phong tỏa dầu khí của khối Á rập Hồi giáo. Khi đó, ông Ronald Reagan tranh cử tổng thống với tôn chỉ "Làm cho Hoa Kỳ vĩ đại trở lại", tức là khi ấy Hoa Kỳ hết còn vĩ đại và cố chinh phục ưu thế cũ, mà ưu thế đó không chỉ có kinh tế. Ông Donald Trump ra tranh cử với khẩu hiệu tương tự và khi thắng cử, ông kết hợp an ninh với kinh tế và đòi xét lại những cam kết của nước Mỹ với các nước khác. Trong các nước, Trung Quốc đã vươn lên thành một đối thủ có khả năng thách đố quyền lực và quyền lợi của Hoa Kỳ.

Quyền lợi của Hoa Kỳ không chỉ có ngoại thương mà bao gồm nhiều yếu tố khác, như sức mạnh của khu vực chế biến, quyền sở hữu trí tuệ hay ưu thế trong các ngành sản xuất dịch vụ. Quyền lợi của Hoa Kỳ trải rộng toàn cầu và đi cùng quyền lợi kinh tế. Vì Trung Quốc là một thách đố mới, trận thương chiến giữa hai nước chỉ là một phần của vấn đề và Hoa Kỳ có thể nhắm vào mục tiêu rộng lớn là làm thay đổi cơ chế kinh tế và chính trị của Bắc Kinh.

Thương chiến kéo dài

Nguyên Lam : Nếu giả thuyết này đúng, thưa ông, trận thương chiến giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc có thể kéo dài nhiều năm, chứ sẽ không kết thúc trong vài tháng, có phải như vậy không ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Thưa đúng vậy, vì Chính quyền Donald Trump kết hợp yếu tố an ninh vào quan hệ kinh tế của Hoa Kỳ với các nước. Ngày 19 tháng Tư năm ngoái, ông Trump chỉ thị Bộ Thương Mại cấp tốc nghiên cứu việc nhập khẩu thép có đe dọa an ninh của Hoa Kỳ không. Hôm 27 tháng Tư sau đó, ông cho điều tra thêm ngành nhôm hay aluminum.

Bộ Thương Mại hoàn tất việc nghiên cứu và hôm Thứ Sáu 16 tháng Hai năm 2018, mùng một Tết Mậu Tuất, Bộ Thương mại còn đề nghị Tổng thống dùng quyền hạn của mình để bảo vệ an ninh của Hoa Kỳ. Khi ấy Nội các Trump viện dẫn khoản 232 của Đạo Luật Thương Mại Mở Rộng năm 1962 để Hành pháp có thể quyết định về mậu dịch, như thuế nhập nội hay hạn ngạch nhập khẩu, hầu bảo vệ an ninh và lách khỏi sự kiểm soát của Quốc hội.

Sau đó, Chính quyền Trump còn viện dẫn khoản 301 của Đạo luật Thương mại năm 1974 để cho các doanh nghiệp Mỹ quyền khiếu nại nếu bị thiệt hại trong quan hệ mậu dịch với Trung Quốc. Và trong suốt năm qua, Hoa Kỳ không hề nhượng bộ Bắc Kinh mà còn tìm thế liên minh cùng các nước để chặn đà bành trướng của Trung Quốc. Vì vậy, tôi nghĩ mâu thuẫn giữa hai nước không dễ giải quyết và chẳng thu hẹp vào lĩnh vực thương mại.

Nguyên Lam : Nhiều nhà bình luận cho rằng phía Bắc Kinh khó nhượng bộ và có biện pháp tinh vi là chọn đối tượng trả đũa hầu gây thiệt hại cho các địa phương với mục tiêu chính là tác động vào cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ năm nay và cả cuộc tổng tuyển cử vào năm 2020. Ông nghĩ sao về những biện pháp đó ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Chúng ta có hai phần trong câu trả lời. Liên quan tới các biện pháp chống trả, phần đầu ta tìm hiểu về khả năng hay toan tính của Bắc Kinh. Phần hai mới rắc rối hơn.

Phần đầu, nói về "lượng" thì vì Bắc Kinh đạt xuất siêu gần 400 tỷ với Mỹ và chỉ nhập khẩu chừng 185 tỷ hàng hóa của Hoa Kỳ nên các biện pháp trả đũa trên hàng Mỹ không thể bằng việc Mỹ áp thuế trên hơn 500 tỷ hàng hóa của Tầu. Do đó, Bắc Kinh phải nghĩ tới "phẩm" là gây thêm khó khăn cho các doanh nghiệp Hoa Kỳ muốn làm ăn buôn bán với thị trường Trung Quốc, như kéo dài thủ tục duyệt xét thuế quan hay thể thức đầu tư. Và phía Hoa Kỳ đã chuẩn bị trước những kịch bản đó và các nước khác, như Nhật Bản, Nam Hàn hay Đài Loan, cũng đang tính toán về chuỗi cung ứng của mình trong loại sản phẩm có công nghệ cao mà rút khỏi thị trường Trung Quốc để khỏi bị thiệt thòi. Nôm na là họ sản xuất lấy linh kiện điện tử ở nhà hoặc đưa đầu tư từ Trung Quốc qua các nước khác, thí dụ như Thái Lan, Malaysia hay Việt Nam. Chúng ta sẽ còn phải theo dõi chuyện này.

Nguyên Lam : Ông vừa nói đến hai phần trong câu trả lời. Thưa ông, thính giả của chúng ta muốn biết phần thứ hai là gì ?

trade2

Thị trường Mỹ phản ứng với sự bất ổn toàn cầu vì chiến tranh trương mại Mỹ-Trung. AFP

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Tôi thiển nghĩ rằng vì Hoa Kỳ muốn làm thay đổi cơ chế kinh tế và chính trị của Bắc Kinh, chúng ta nên tìm hiểu và phân tích trận thương chiến giữa hai hệ thống chính trị trái ngược, giữa hệ thống dân chủ pháp quyền và có phân quyền của Hoa Kỳ với hệ thống độc tài và tập quyền của Trung Quốc.

Hoa Kỳ là một nước dân chủ đa nguyên với hệ thống phân quyền về chính trị, và cứ hai năm lại có bầu cử. Vì đa nguyên nên trước mọi vấn đề người ta có nhiều cách nhận định và phản ứng chứ không thể có sự đồng dạng hay hiện tượng độc quyền chân lý. Hệ thống phân quyền khiến Hành pháp cấp Liên bang phải chia sẻ thẩm quyền với Lập pháp, Tối cao Pháp viện và quyền lực của các tiểu bang, lẫn hệ thống Ngân hàng Trung ương. Vì vậy, trong trận thương chiến đang bùng nổ với Bắc Kinh, quan điểm của doanh nghiệp kiếm lời nhờ làm ăn với Trung Quốc vẫn được truyền thông báo chí trình bày và phân tích để tác động vào dư luận và cử tri sẽ đi bỏ phiếu. Bắc Kinh nhắm kỹ vào thành phần đó với tấm lịch bầu cử.

Trung Quốc có lợi thế ?

Nguyên Lam : Nếu vậy thì lãnh đạo Trung Quốc lại có nhiều lợi thế tương đối so với lãnh đạo của Hoa Kỳ, thưa ông có phải như vậy không ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Thưa là về lý thuyết thì như vậy, thực tế lại rắc rối hơn.

Quả thật, lãnh đạo Bắc Kinh tập trung quyền lực tới độ cao nhất, chẳng phải lo bầu cử và mọi thành phần chỉ có một quan điểm từ lời phán của Tổng bí thư Tập Cận Bình trên ngai Hoàng đế. Trong khi đó, chính trường và cả doanh trường Hoa Kỳ lại đầy tiếng nói ồn ào lẫn nhiễu âm thường trực về kinh tế lẫn chính trị, thậm chí về thẩm quyền của Tổng thống. Hậu quả của hai hiện tượng đó là gì ?

Nguyên Lam : Thưa ông đúng như vậy, hậu quả của hai hiện tượng trái ngược đó là gì ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Hậu quả đơn giản là ta biết lãnh đạo Bắc Kinh muốn gì mà chẳng biết rằng lãnh đạo Hoa Kỳ muốn gì, khi nào thì nói thật và sẽ làm thật !

Trong khi đó, và đây mới là chuyện lý thú, cả hai nền kinh tế vẫn bị thị trường chi phối qua quyết định của hàng tỷ tác nhân kinh tế chạy theo ánh mặt trời. Đó là giới tiêu thụ, đầu tư và giới trung gian, từ người mua hàng đến doanh nghiệp hoạt động toàn cầu cho tới người giao dịch trái phiếu hay cổ phiếu trên thị trường tài chính thường xuyên hoạt động 24 tiếng một ngày. Lực lượng đông đảo mà vô danh ấy tác động vào thị trường chứng khoán, ngoại hối, vào phân lời trái phiếu lẫn khối nợ mà các chính phủ cần xử lý !

Khi tổng hợp lại thì chúng ta thấy gì ?

Tại Hoa Kỳ, niềm tin của giới tiêu thụ và đầu tư đang nâng đà tăng trưởng tới mức cao nhất và mức thất nghiệp xuống thấp nhất kể từ 17 năm nay.

Tại Trung Quốc đà tăng trưởng của 30 năm sau cải cách chỉ còn là vang bóng và núi nợ quá lớn gia tăng quá nhanh đang là một vấn đề cho lãnh đạo. Khi trận thương chiến gia tăng cường độ thì chế độ tập quyền tại Bắc Kinh vẫn phải ứng phó với thị trường và càng muốn duy trì một đà tăng trưởng an toàn về chính trị thì càng phải bơm thêm tín dụng chứ không dễ gì phá giá đồng bạc để bù vào sự tổn thất vì xuất khẩu sút giảm. Các bài toán kinh tế ấy mới thách đố quyền lực tuyệt đối của chế độ độc tài.

Vì vậy, chế độ dân chủ có thể gây ra ấn tượng hỗn loạn như tại Hoa Kỳ nhưng vẫn cho phép mọi người thích ứng với hoàn cảnh đổi thay dồn dập và thay đổi luôn cả giới dân cử sẽ lãnh đạo. Chứ một chế độ độc tài như tại Bắc Kinh thì khó linh động thích ứng với sự vận hành của một môi trường đa nguyên và phức tạp vì vậy cho đến nay họ chưa giải quyết nổi những thất quân bình nội tại đã thấy từ thời 2002-2007 và nay còn lâm vào một trận thương chiến tai hại !

Nguyên Lam : Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do cùng Nguyên Lam xin cảm tạ chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa về bài phân tích quả là có đầy nghịch lý vào tuần này.

Nguyên Lam thực hiện

Nguồn : RFA, 26/09/2018

Published in Diễn đàn
mercredi, 19 septembre 2018 22:42

Toàn cầu hóa đang cáo chung ?

Việc Chính quyền Hoa Kỳ vừa tung ra đợt áp thuế thứ ba trong trận thương chiến với Trung Quốc khiến nhiều người bình luận về hậu quả. Nhưng mục Điễn đàn Kinh tế lại nhìn vào nguyên nhân và nêu câu hỏi về hiện tượng toàn cầu hóa.

global1

Bảng quảng cáo hiển thị các chỉ số chứng khoán toàn cầu tại sàn chứng khoán Đài Loan - AFP

Thương chiến Mỹ-Trung

Nguyên Lam : Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do và Nguyên Lam xin chào kinh tế gia Nguyễn-Xuân Nghĩa. 

Thưa ông, chiều Thứ Hai 17 vừa qua, Chinh quyền Mỹ đã công bố một quyết định áp thuế nữa trên một lượng hàng hóa của Trung Quốc có trị giá tương đương với 200 tỷ đô la. Ông nghĩ sao về quyết định này ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Thứ nhất, chiến tranh thương mại hay thương chiến giữa hai nước mới chỉ bắt đầu. Thứ hai, khi dự đoán về hậu quả, giới kinh tế cứ bị ý thức hệ chi phối nên có thể tính sai. Thứ ba, trận thương chiến chỉ là hậu quả của nhiều chuyện bất thường trước đó. Và nếu suy ngẫm cho kỹ, có lẽ người ta phải kết luận rằng hiện tượng toàn cầu hóa đang chấm dứt trước mắt chúng ta. Đề tài này rất phức tạp rắc rối nên tôi sẽ cố gắng trình bày thật chậm, có khi qua vài kỳ.

Nguyên Lam : Thính giả của chúng ta có lẽ đã quen với phương pháp hay khảo hướng lý luận của ông với khá nhiều nghịch lý nên Nguyên Lam xin đề nghị ông trình bày cho những lập luận này.

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Đầu tiên, trận thương chiến mới chỉ bắt đầu và sẽ không dứt. Sau hai đợt áp thuế đầu tiên trên 34 tỷ rồi 16 tỷ hàng hóa của Trung Quốc, Hoa Kỳ áp thuế đợt ba, nhưng qua hai bước, là 10% từ hôm 24 này cho tới cuối năm, sau đó là 25% từ đầu năm tới. Danh mục 6000 ngàn mặt hàng của Tầu bị áp thuế có một số thay đổi căn cứ trên yều cầu của doanh nhiệp Hoa Kỳ. Trong khi đó, ông Trump còn nói đến biện pháp tăng thuế trên một lượng hàng hóa của Trung Quốc trị giá tới 260 tỷ đô la nữa. Có nhiều lý do giải thích diễn biến này.

Thứ nhất, Hoa Kỳ không chỉ áp thuế để điều chỉnh thất quân bình mậu dịch, nôm na là nạn nhập siêu khi Mỹ mua nhiều hơn bán cho Tầu mà muốn gây áp lực để Bắc Kinh phải cải cách hệ thống kinh tế chính trị của họ. Cụ thể là phải tháo gỡ chế độ bảo hộ nội địa là bảo về các doanh nghiệp nội địa của Trung Quốc ; là chấm dứt vai trò chủ đạo của hệ thống doanh nghiệp nhà nước ; là bãi bỏ chế độ cưỡng bách chuyển giao công nghệ, thậm chí ăn cắp công nghệ cao cấp của Hoa Kỳ qua việc không chấp hành luật lệ bảo vệ tác quyền.

Lý do thứ hai là cho thấy Hoa Kỳ không sợ đòn trả đũa của Bắc Kinh, như tác động vào các địa phương bỏ phiếu cho Chính quyền Donald Trump và đảng Cộng Hòa trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ vào ngày sáu Tháng 11 tới đây và vào cuộc Tổng tuyển cử năm 2020. Hoa Kỳ không sợ biện pháp trả đũa này vì tình hình kinh tế khả quan hơn mọi dự đoán trước đây và vì một số doanh nhiệp Mỹ cũng đã thấy ra gian ý của Bắc Kinh khi bị gây khó khăn ở tại Trung Quốc.

Lý do thứ ba nằm ngoài lĩnh vực kinh tế, là Hoa Kỳ muốn ngăn chặn và đẩy lui đà bành trướng lẫn tầm ảnh hưởng của Bắc Kinh trên nhiều khu vực địa dư khi chính kinh tế của Trung Quốc cũng có bao khó khăn nội tại. Vì vậy, tôi trộm nghĩ rằng trận thương chiến sẽ không dứt mà còn kéo dài nhiều năm.

Kinh tế và ý thức hệ

Nguyên Lam : Qua bước thứ hai, Nguyên Lam xin đề nghị ông giải thích cho tại sao ông nói rằng giới kinh tế đôi khi dự báo sai về hậu quả chỉ vì họ bị ý thức hệ chi phối. Chẳng hóa ra giới kinh tế cũng có thể thiếu khách quan ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Chuyện này không sai ! Khi nói Mỹ sẽ áp thuế thêm 10% trên một số mặt hàng nhập từ Trung Quốc, nhiều kinh tế gia dự đoán hay tri hô sai rằng giới tiêu thụ các mặt hàng đó sẽ phải trả giá đắt hơn 10% ! Sự thật ít khi xảy ra như vậy vì mỗi mặt hàng lại có sự vận hành khác chứ không đồng dạng. Và thuế cao sẽ dẫn tới ba kịch bản. Một là sản phẩm có thể đắt hơn 10%, hai là nhà tiêu thụ có thể mua ít hơn ; ba là doanh nghiệp nhập khẩu có thể ít lời hơn nên sẽ tính toán lại về sự lợi hại. Vì vậy, việc áp thuế không nhất thiết là làm giới tiêu thụ bị nghèo đi. Những nhà kinh tế muốn bảo vệ quyền lợi của doanh nghiệp làm ăn với Trung Quốc cứ chỉ nói về hậu quả này để dọa nạt dư luận.

Họ quên hoặc cố tình quên rằng các doanh nghiệp nhập khẩu hay sử dụng hàng của Trung Quốc trong tiến trình sản xuất để bán cho dân Mỹ cũng biết tính. Họ có thể chịu một phần thiệt lại, doanh lợi bị giảm, hầu giới tiêu thụ vẫn mua số lượng cũ với giá xưa, nhất là nếu mặt hàng đó là loại có giá trị, điển hình là đồng hồ cao cấp. Biện pháp áp thuế chỉ chuyển nguồn lợi từ phía Trung Quốc về Hoa Kỳ làm các doanh nghiệp Mỹ phải tìm chiến lược khác hơn là đầu tư và tạo ra việc làm cho lao động Trung Quốc mà gây thiệt hại cho Mỹ.

Nguyên Lam : Câu chuyện này quả là phức tạp chứ không dễ hiểu. Nguyên Lam xin trở lại điểm thứ ba ông trình bày hồi nãy. Rằng "trận thương chiến này chỉ là hậu quả của nhiều chuyện bất thường trước đó." Xin ông khai triển thêm cho thính giả của chúng ta về những chuyện bất thường này.

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Từ mấy chục năm qua, quốc gia nào cũng đề cao tự do thương mại, kể cả một nước ăn gian theo diện chính sách như Trung Quốc hay các nước dân chủ tiên tiến theo quy luật thị trường như Âu-Mỹ-Nhật. Dù đề cao như vậy, xứ nào cũng ngầm bảo vệ một số khu vực nội địa của mình, vì lý do này hay lý do khác. Đấy là một chuyện bất thường mà nhiều nhà kinh tế chẳng nói ra có khi còn tìm lý do biện hộ cho chế độ bảo hộ mậu dịch trá hình. Trong trò gian đó thì bất lương nhất là các kinh tế gia Trung Quốc.

Bất thường nghiêm trọng hơn thế là các nước đều tìm đà tăng trưởng cao nhờ lương thấp vì vậy, họ khai tử toàn cầu hóa mà cứ nói là bảo vệ tự do mậu dịch !

Tăng trưởng cao nhờ lương thấp

Nguyên Lam : Có lẽ ông đang đi vào điểm chính của đề tài hôm nay. Thưa ông, thế nào là "tìm đà tăng trưởng cao nhờ lương thấp" ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Trong khi lãnh đạo xứ nào cũng nói đến nhu cầu bảo vệ dân nghèo, họ đều áp dụng chung một chiến lược là tìm cách sản xuất cho nhiều cho rẻ để đạt mức tăng trưởng cao. Hậu quả bất thường và trái ngược của toàn cầu hóa là các nước tìm những nơi có nhân công rẻ nhất để sản xuất và các nước nghèo thì ép lương của giới lao động để thu hút đầu tư từ các nước giàu hơn.

Nhưng trong đà hồ hởi về toàn cầu hóa, người ta không thấy ra sự thật kinh tế là lương rẻ lại đánh sụt số cầu. Số cầu là nhu cầu tiêu thụ của con người, nếu lợi tức giảm vì lương thấp hay lương sụt thì số cầu đó cũng giảm. Kinh tế gọi số cầu đó là "tổng cầu", hoặc "aggregate demand". Chiến lược sản xuất cho nhiều và rẻ dẫn tới sự giảm sút của tổng cầu, nhưng một thiểu số lại chiếm lợi nhiều hơn chính là nhờ việc mua bán hay xuất nhập bất thường như vậy. Hãy tưởng tượng đến một cái bánh nhỏ hơn mà thiểu số mua qua bán lại thì chiếm phần lớn hơn.

Thí dụ cụ thể như tại Việt Nam, giới đầu tư ngoại quốc đem tiền vào tìm nhân công rẻ lại được nhà nước Việt Nam ưu đãi cũng vì chiến lược kinh tế dại dột ấy. Giới đầu tư thì giàu to và rút tiền lời về nước, còn Việt Nam được tiếng xuất nhập khẩu cao nhất mà lao động Việt Nam chẳng có miếng nào ! Nếu giới đầu tư lại là của Trung Quốc thì ta thấy ra tai họa nhiều mặt. Đó là "toàn cầu hóa... dại".

Nguyên Lam : Ông đã nói rằng đề tài kỳ này khó hiểu nhưng Nguyên Lam là chẳng ngờ nó lại rắc rối tới mức đó vì nhân danh toàn cầu hóa nhiều quốc gia cũng theo đuổi chiến lược này.

global2

Diễn đàn Kinh tế Thế giới về ASEAN tại trung tâm Hội nghị Quốc gia ở Hà Nội, Việt nam. AFP

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Thật ra, khoa kinh tế gọi hiện tượng này là "bần cùng hóa người láng giềng". Nếu xứ nào cũng cạnh tranh nhờ nhân công rẻ và lương bổng thấp thì mọi người đều bị nghèo đi. Các biện pháp lý thuyết về tự do thương mại như hạ thuế quan hay hạn ngạch đến mức tối thiểu cũng chỉ phục vụ chiến lược đó mà thôi vì thuế rẻ mua nhiều lại là mua từ nơi sản xuất rẻ hơn cả.

Quốc gia duy nhất gặp hoàn cảnh bất thường là không thể áp dụng chiến lược "bần cùng hóa người láng giềng" chính là Hoa Kỳ vì không thể có thặng dư cán cân thương mại là được xuất siêu, trong khi thị trường tư bản vẫn được tự do. Vì vậy, khu vực chế biến của Hoa Kỳ bị rút ruột khi doanh nghiệp Mỹ đầu tư kiếm lời ở xứ khác nhờ nhân công rẻ và nhiều tiểu bang bị kẹt giữa các tiểu bang duyên hải cứ lao vào toàn cầu hóa với các tổ hợp giàu có nhất. Chính vì vậy, Donald Trump mới đắc cử năm 2016. Ông ta chỉ là triệu chứng phản ảnh những bất lợi cho một thành phần quần chúng Mỹ mà thôi, chứ ông không gây ra tình trạng khủng hoảng ngày nay như nhiều người vẫn tố cáo.

Nguyên Lam : Nếu vậy thưa ông, rồi đây thì tình hình sẽ biến chuyển ra sao ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Trở lại chuyện thương chiến Mỹ-Hoa, thời điểm này là bất lợi cho Bắc Kinh. Trước hết thì họ khó trả đũa vì hết đũa để trả khi chỉ nhập chừng 185 tỷ từ Hoa Kỳ mà có thể bị áp thuế tới 50 tỷ rồi 200 tỷ và có thể 260 tỷ nữa, tức là còn cao hơn số xuất khẩu của họ vào Mỹ trong năm ngoái là 505 tỷ.

Thứ nữa, Trung Quốc rơi vào cảnh chưa giàu đã già vì dân số bị lão hóa và lực lượng lao động sẽ sụt. Thứ ba, trong nội bộ thì dị biệt về lợi tức và nhận thức chỉ tăng chứ không giảm và là bài toán chính trị cho lãnh đạo Bắc Kinh. Thứ tư, khác với Hoa Kỳ là quốc gia có tiềm năng sáng tạo rất cao và đang bước lên bậc thang dịch vụ thay cho chế biến, Trung Quốc có nền văn hóa triệt tiêu sáng tạo vì không cho ai nghĩ khác hay nói khác với chân lý độc quyền của đảng. Sau cùng, xứ này không thể có đà tăng trưởng cao như trước và đang chìm trong một núi nợ dễ sụp đổ. Thương chiến kéo dài thì Bắc Kinh sẽ phải tăng chi và bơm tiền để kích thích kinh tế nên sẽ còn mắc nợ nhiều hơn.

Nguyên Lam : Thế còn chuyện toàn cầu hóa, thưa ông, tình hình rồi sẽ ra sao ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Tôi e là tình hình sẽ này một tệ hơn cho tới khi các nước đành nói thật và không chơi trò gian nữa, là điều có xác suất rất thấp, tức là khó xảy ra. Kịch bản ở giữa là các nước đều sẽ thi đua áp thuế và hạn chế tự do vận chuyển tư bản cho tới khi bế tắc thì sẽ rà soát lại thực chất của toàn cầu hóa. Sau khi Chiến tranh lạnh kết thúc và Liên Xô tan rã, người ta nói đến "Thế giới Nhất thể hóa" là các nước tự do buôn bán với nhau trong một tập thể hợp nhất. Từ đó mới có trào lưu toàn cầu hóa. Trào lưu đó đang chấm dứt trước mắt chúng ta cho tới khi các nước nói thật và tìm ra một trật tự khác. Trật tự đó không thể là do Bắc Kinh lập ra vì khi đó, Trung Quốc đã lâm họa với những bế tắc bên trong.

Nguyên Lam : Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do cùng Nguyên Lam xin cảm tạ chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa về bài phỏng vấn kỳ này.

Nguyên Lam thực hiện

Nguồn : RFA, 18/09/2018

Published in Diễn đàn