Việc một số đảng viên cao cấp của Đảng cộng sản Việt Nam bị đưa ra tòa xét xử về tội tham nhũng khi quản lý tài sản của nhà nước từ nhiều năm trước là một biến cố hy hữu, nhất là khi một trong các bị cáo đã từng là Ủy viên Bộ chính trị. Diễn đàn Kinh tế phân tích hiện tượng này từ một giác độ khác…
Nguyên Bộ trưởng giao thông Đinh La Thăng (trái) đi bộ cùng Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng (giữa) tại một buổi lễ ở Hà Nội hôm 2/7/2015 - Reuters
Nguyên Lam : Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do cùng Nguyên Lam xin kính chào chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa. Thưa ông, bắt đầu từ tuần này, hai đảng viên cao cấp là ông Đinh La Thăng và Trịnh Xuân Thanh cùng 20 bị cáo khác bị đưa ra tòa xét xử tại Hà Nội về tội "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và tội "Tham ô tài sản" khi họ thực hiện một số dự án kinh tế từ chục năm trước. Ông nhận xét thế nào về biến cố hy hữu đó ?
Nguyễn-Xuân Nghĩa : Tôi xin dùng một từ đơn giản là "tham nhũng" để nói về tội lợi dụng đặc quyền chính trị để kiếm đặc lợi kinh tế. Trong khu vực kinh tế ngoài chính trị thì chỉ có tội gian lận chứ không có tội tham nhũng. Trong vụ thanh trừng tham nhũng tại Việt Nam, hai cơ chế là đảng và nhà nước có những quy định khác biệt, và chính là đảng đã quyết định cho bắt giam các đảng viên cao cấp rồi nhà nước mới tiến hành thủ tục xét xử. Việc ông Đinh La Thăng từng là Ủy viên Bộ chính trị có đầy triển vọng và việc ông Trịnh Xuân Thanh bị mật vụ Việt Nam bắt cóc tại Cộng hòa Liên bang Đức rồi ngầm giải giao về nước là các yếu tố đáng chú ý của vụ này. Đáng chú ý hơn vậy là việc làm sai trái của các nghi can đều xảy ra từ đã lâu mà nay mới bắt đầu bị đem ra thi hành kỷ luật. Vì vậy, chúng ta cần phân tích nội vụ từ nhiều giác độ khác nhau.
Nguyên Lam : Thưa ông, những giác độ ấy là gì ?
Nguyễn-Xuân Nghĩa : Thứ nhất, đảng cất nhắc nhân sự theo nhiều tiêu chuẩn không được công khai hóa, nhưng nhờ đó các đương sự mới được chỉ định vào bộ máy nhà nước. Thứ hai, các đương sự trục lợi bất chính khi ở trong bộ máy nhà nước, chứ ở trong bộ máy đảng thì khó làm tiền vì đảng không có chức năng làm ra tiền. Thứ ba, việc sai phạm hay tham nhũng đó kéo dài từ lâu, lan tỏa trong mọi lĩnh vực và lên tới cấp cao trong bộ máy chính quyền, kể cả bộ máy công an, như trường hợp Phan Văn Anh Vũ hay Vũ "Nhôm". Thứ tư, nạn tham nhũng ăn sâu như vậy làm ruỗng nát chế độ kinh tế chính trị và đánh sụt uy tín của một đảng độc quyền cai trị.
- Ngày nay, để khôi phục uy tín, đảng phải thanh trừng tham nhũng sau khi lập ra Ban Chỉ Đạo Trung Ương về Phòng, Chống Tham Nhũng do Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng làm trưởng ban chỉ đạo đúng bốn năm trước. Sau cùng, tình trạng tham nhũng kéo dài từ hơn 10 năm trước, khi Nông Đức Mạnh còn làm Tổng bí thư và Nguyễn Tấn Dũng làm Thủ tướng. Thời cực thịnh của loại đảng viên cao cấp có hành vi cấu kết thành những nhóm lợi ích đầy quyền thế để bao che cho nhau có thể đang chấm dứt và nay họ sẽ lần lượt ra đền tội. Nhưng trách nhiệm của đảng nằm ở đâu trong một sâu chuỗi tham ô chằng chịt như vậy của quốc gia ? Đấy là ta chưa nói đến khía cạnh quốc tế.
Nguyên Lam : Nếu thế, có lẽ chúng ta nên nhìn ra ít nhất hai giác độ là kinh tế và chính trị trong các vụ án tham nhũng này. Thưa ông, có phải như vậy không ?
Nguyễn-Xuân Nghĩa : Thưa là ta còn cần nhìn tới giác độ quốc tế nữa. Thứ nhất, đảng có trách nhiệm lãnh đạo để đảm bảo cho quốc dân sự ổn định và phát triển kinh tế trong tình trạng an ninh. Thứ hai, vì trách nhiệm chính trị đó, đảng chỉ đạo công tác của bộ máy nhà nước, là cơ chế tiếp cận với kinh tế, an ninh và quốc phòng. Cơ chế đó bị ung thối vì tệ nạn tham nhũng đã mở rộng và củng cố dưới cái dù bảo vệ của đảng. Thứ ba, trong tiến trình thực hiện các dự án sai trái, cơ chế nhà nước do nhân sự được đảng chỉ định lại hợp tác với nước ngoài, trường hợp cụ thể ở đây là Trung Quốc. Đâm ra Trung Quốc có góp phần vào nạn tham nhũng tại Việt Nam và hiện nắm trong tay nhiều chứng cớ sai phạm.
Năm năm sau khi lãnh đạo Trung Quốc thi hành kế hoạch diệt trừ tham nhũng trong nội bộ của họ thì Đảng cộng sản Việt Nam mới tiến vào giai đoạn ấy và có thể đang trông cậy vào sự trợ giúp của họ để thanh trừng hàng ngũ đảng viên bị biến chất của mình. Như vậy, nếu đảng thành công trong việc diệt trừ tham nhũng thì liệu có lệ thuộc hơn vào Trung Quốc không ? Chúng ta đang thấy ra một vòng luẩn quẩn.
Nguyên Lam : Ông vừa nêu ra một điểm rất đáng suy ngẫm. Đó là Trung Quốc có ảnh hưởng tới chiến dịch phòng chống tham nhũng tại Việt Nam qua quá nhiều dự án gây tai tiếng, như Vũng Áng hay Formosa. Nhưng mặt kia, Trung Quốc cũng có chiến lược bành trướng về kinh tế lẫn quân sự khiến chủ quyền của Việt Nam bị đe dọa trong lãnh thổ và ngoài lãnh hải. Như vậy, làm sao Đảng cộng sản Việt Nam có thể khôi phục uy tín để duy trì vai trò lãnh đạo trong khi lại lệ thuộc nhiều hơn vào Trung Quốc ?
Nguyễn-Xuân Nghĩa : Tôi cho rằng đấy là một thắc mắc của nhiều người ở trong nước khi họ lập luận rằng ông Nguyễn Phú Trọng thuộc phe thân Tầu và càng củng cố thế lực nhờ chiến dịch giải trừ tham nhũng thì lại càng lệ thuộc vào Bắc Kinh. Ngược lại, cũng có người cho rằng vụ thanh trừng tham nhũng này chỉ là mặt nổi của chuyện đấu đá quyền lực chính trị nhằm tiến tới tranh thủ đặc lợi kinh tế của những người đã có cả chục năm bòn rút tài sản quốc gia nay sẽ phải ộc ra. Nếu chỉ lanh quanh trong vòng lý luận ấy thì người ta khó thấy được lối ra.
Nguyên Lam : Riêng ông thì thấy lối ra là gì ?
Nguyễn-Xuân Nghĩa : Ta cần thấy một thực tế kinh tế chính trị rắc rối hơn vậy. Các đảng viên có tiếp cận với kinh tế và thị trường khi được đưa vào bộ máy nhà nước thì mới có biểu hiện tạm gọi là "cải cách", còn giới đảng viên phụ trách về lý luận thì bảo vệ định hướng của đảng nhưng mang tiếng là thủ cựu vì sống ngoài kinh tế thị trường. Thứ hai, đảng viên nằm trong bộ máy nhà nước mới có cơ hội tham nhũng còn các đảng viên thuộc ban lý luận hay tuyên giáo thì không rờ tới bạc nên có thể được tiếng là liêm chính. Cách phân biệt ấy có tính chất phiến diện và không thực tế. Khi châm thêm yếu tố Trung Quốc thì bài toán càng rối mù.
Vì chẳng hóa ra là đảng viên tham ô lại thuộc phe cởi mở và nhiều người bị bắt là khi đang tìm cách sinh sống ở nước ngoài hay sao ? Và ngược lại, các đảng viên muốn diệt trừ tham nhũng lại thuôc về phe thân Trung Quốc, là điều không dễ gì được quần chúng Việt Nam chấp nhận. Cũng xin nói thêm rằng các nước dân chủ Tây phương đều đề cao luật lệ minh bạch và cấm nạn tham nhũng nhưng cũng chủ trương phát huy nhân quyền và tự do của người dân, là điều mà Đảng cộng sản Việt Nam không chấp nhận. Vì vậy, câu hỏi then chốt là quyền của người dân nằm ở đâu trong sâu chuỗi tham ô và lệ thuộc ngoại bang đó ?
Nguyên Lam : Đúng là một vòng luẩn quẩn rối mù như ông Nghĩa vừa trình bày. Nhưng thính giả của chúng ta muốn biết là làm sao thoát ra khỏi tình trạng này. Ông trả lời thế nào cho câu hỏi đó ?
Nguyễn-Xuân Nghĩa : Tôi nghĩ rằng tham nhũng dễ nảy sinh và phát triển trong một cơ chế độc đảng, nôm na là một chế độ độc tài. Chỉ trong các chế độ độc tài, đảng viên tham nhũng mới lên tới vị trí lãnh đạo như làm Ủy viên Bộ Chính Trị, là trường hợp Chu Vĩnh Khang hay Bạc Hy Lai của Trung Quốc và Nguyễn Tấn Dũng hay Đinh La Thăng tại Việt Nam.
Một đảng chính trị có thể lãnh đạo khi đem lại cơm ăn áo mặc cho người dân, nhưng đảng viên nằm trong bộ máy nhà nước mà tham ô thì bị luật lệ của nhà nước, nói theo ngôn từ Việt Nam, là pháp quyền nhà nước, xử lý và nghiêm trị. Sở dĩ tham nhũng phát triển mạnh và lên tới thượng tầng chính trị của các chế độ độc tài là vì đảng quyền lại bí mật và cao hơn pháp quyền nhà nước.
Đảng gây ra tham nhũng rồi cậy công diệt trừ tham nhũng để duy trì quyền lực, đấy là một hiện tượng tham nhũng chính trị. Trong mâu thuẫn cơ bản đó, người ta lồng thêm một lý luận sai rằng nếu thanh trừng các đảng viên có kinh nghiệm kinh tế và thị trường thì ai đảm bảo được sự ổn định và phát triển kinh tế cho quốc dân ? Lý luận này sai từ đầu vì đảng viên được đưa vào bộ máy nhà nước để phụ trách về kinh tế lại dùng bộ máy đó để trục lợi trên đầu trên cổ của quốc dân.
Nguyên Lam : Phải chăng ông đang nói tới một khía cạnh khác của vấn đề tham nhũng là cơ chế dân chủ ?
Nguyễn-Xuân Nghĩa : Tôi nghĩ tới một chuyện bất ngờ khác mà báo chí Việt Nam ít tường thuật. Hôm 21 tháng trước, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump vừa ban hành một Sắc lệnh Hành pháp mang tính cách đối ngoại. Đó là ra lệnh phong tỏa tài sản của những ai can tội chà đạp nhân quyền và tham nhũng.
Cơ chế dân chủ, như điển hình ngày nay tại Hoa Kỳ, là sự bất ổn chính trị thường trực ở trên thượng tầng, nhưng bên dưới thì người dân và thị trường vẫn tự do vận hành và nạn tham nhũng bị cả xã hội kết án và bị pháp quyền nhà nước nghiêm trị. Nói cách khác, không gian sinh hoạt kinh tế tự do của người dân vẫn được bảo vệ.
Trái lại, chế độ độc tài thì đem lại ổn định chính trị ở mặt ngoài, chứ bên trong thì vẫn nuôi dưỡng tham nhũng và dưới cùng thì người dân là nạn nhân của những "quả đấm thép" trong ngoặc kép và sau này sẽ lại è cổ trả nợ. Đâm ra bài toán tham nhũng lại là bài toán về quyền dân và nếu châm thêm hiệu ứng của Trung Quốc thì đấy là bài toán của chủ quyền dân tộc.
Nguyên Lam : Nói về chủ quyền dân tộc, Nguyên Lam xin đề nghị ông nêu ra một kết luận cho bài phân tích kỳ này về chuyện tham nhũng.
Nguyễn-Xuân Nghĩa : Chúng ta có hai chọn lựa. Các nước dân chủ Tây phương có nhiều thế kỷ suy ngẫm và hành động với các khái niệm tưởng như trừu tượng là dân chủ và nhân quyền. Về đối ngoại, họ thường lên tiếng phê phán hay khuyến cáo mà không trực tiếp can thiệp vào lãnh thổ hay nội tình của xứ khác.
Ngược lại, chế độ độc tài như tại Trung Quốc thì luôn luôn nói tới việc không can thiệp vào nội tình chính trị của xứ khác nhưng thực tế thì không chỉ can thiệp mà còn khuynh đảo và thậm chí xâm lấn nữa. Việt Nam nên nhìn vào viễn ảnh dài để xem là chủ quyền và sự thịnh vượng của quốc gia và quốc dân nằm ở đâu giữa hai ngả đó. Việc giải trừ tham nhũng và phá vỡ các nhóm quyền lực trong đảng là cơ hội chọn lựa cho một tương lai sáng sủa hơn.
Nguyên Lam : Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do cùng Nguyên Lam xin cảm tạ kinh tế gia Nguyễn-Xuân Nghĩa về bài phân tích rất lý thú kỳ này.
Vụ khủng hoảng chính trị đang xảy ra tại Campuchia khiến người ta tự hỏi là người dân có thể chấp nhận ách độc tài hay không nếu cuộc sống của họ có một chút cải tiến về mặt kinh tế ?
Mục Diễn đàn Kinh tế tìm hiểu giải đáp cho câu hỏi này.
Thủ tướng Hun Sen (giữa) chụp hình cùng các công nhân tại một nhà máy ở ngoại ô Phnom Penh hôm 30/8/2017 - AFP
Nguyên Lam : Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do cùng Nguyên Lam xin kính chào chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa trong buổi phát thanh đầu tiên của năm 2018.
Thưa ông, tình hình Campuchia đang gây quan ngại cho nhiều người, khi Thủ tướng Hun Sen hoàn tất việc loại bỏ đối lập để sẽ ra tái tranh cử vào tháng Bảy này sau 32 năm nắm quyền. Một số người cho rằng ông vẫn có lợi thế vì thứ nhất đã đem lại sự ổn định cho một quốc gia từng bị nội chiến tàn phá và thứ hai là đã phần nào cải tiến được cuộc sống của người dân. Ông nghĩ sao về lý luận đó ?
Nguyễn-Xuân Nghĩa : Tôi nghĩ là có một cách khác để nhìn vấn đề này. Đó là liệu người dân một quốc gia có thể chấp nhận ách độc tài không nếu cuộc sống của họ có một chút cải tiến về mặt kinh tế ? Chúng ta có thể tìm câu trả lời khi chứng kiến những gì đang xảy ra tại xứ Iran và nếu nhớ lại quá khứ gần đây của xứ Campuchia, mà mình cũng có thể gọi là Cam Bốt.
Nhìn lại quá khứ sâu xa của quốc gia láng giềng này, ta không quên Campuchia từng là một Đế quốc lớn trên bán đảo Đông Dương nhưng tự sâu xé và mất dần ảnh hưởng lẫn lãnh thổ vào tay các láng giềng cho tới khi bị thực dân Pháp đô hộ vào thế kỷ 19. Trong lịch sử cận đại, xứ Campuchia đã từng là con bệnh của Đông Nam Á trong mấy chục năm, nếu tính cho gọn thì từ 1945 sau Thế chiến II cho tới gần đây là năm 1993, khi Việt Nam đã đổi mới và Trung Quốc có nhiều ảnh hưởng hơn xưa nhờ đã cải cách về kinh tế. Yếu tố đáng chú ý là vị trí địa dư của xứ này khiến các cường quốc lân bang đều đã từng can thiệp hay chi phối trong nội tình, nhưng mỗi thế hệ lại có những quan tâm ngắn hạn và sau nhiều thập niên chiến tranh lẫn nội chiến làm xứ sở bị tàn phá thì mối quan tâm ưu tiên ngày nay của đa số vẫn tập trung vào kinh tế.
Nguyên Lam : Nếu như vậy, phải chăng Chính quyền của Thủ tướng Hun Sen và đảng Nhân Dân Campuchia của ông ta có thể mạnh tay tiêu diệt đối lập và định chế hóa chế độc đảng vì kinh tế có đà tăng trưởng khoảng 7% một năm và Chính quyền đã ít nhiều thành công trong việc xóa đói giảm nghèo ?
Nguyễn-Xuân Nghĩa : Chính quyền Hun Sen có thể nghĩ vậy nên từ bốn năm nay đã tiến dần vào con đường độc tài sau khi kiểm soát được quyền tư pháp, quân đội và ban phát quyền lợi cho tay chân thân tộc trước sự thờ ơ của các cường quốc, kể cả Hiệp hội ASEAN của 10 nước Đông Nam Á. Nhưng chẳng ai độc quyền cai trị được mãi, sức khỏe của Hun Sen đã suy yếu và tình hình kinh tế khó khăn có thể gây biến động khá nhanh mà quốc gia này lại không có giải pháp thay thế. Chúng ta nên nhìn lại bối cảnh sâu xa thì mới thấy ra mối nguy đó….
Nguyên Lam : Nguyên Lam xin đề nghị ông nhắc lại cái bối cảnh sâu xa đó cho thính giả của chúng ta.
Nguyễn-Xuân Nghĩa : - Lên cầm quyền nhờ Việt Nam, rồi được Liên Hiệp Quốc cùng các xứ Á Châu dàn xếp cho giải pháp chính trị để khỏi gây thêm hỗn loạn cho khu vực Đông Dương, ông Hun Sen là người có bản lãnh và thủ đoạn. Ông tìm hậu thuẫn mới của Bắc Kinh thay cho Hà Nội và dần dần loại bỏ ảnh hưởng của các nhân vật hay đảng phái đối lập. Sau khi gia nhập Hiệp hội ASEAN vào năm 1999 thì quả nhiên tình hình có thay đổi, Campuchia hết là con bệnh Đông Nam Á mà là một hy vọng mới, được sự ủng hộ của các nước dân chủ Tây phương lẫn Trung Quốc. Nhưng chìm sâu bên dưới vẫn là nhiều mầm mống bất ổn. Năm 2013 là khi các mầm bất ổn đó bùng phát và Hun Sen hiện nguyên hình lãnh tụ độc tài.
- Sau 20 năm gọi là ổn định, với dân số hồi sinh kể từ nạn tàn sát của lực lượng Khờme Đỏ và lãnh đồng lương thấp trong một xã hội thật ra chưa có cơ chế luật lệ hiện đại, Campuchia cũng có sự "kỳ diệu kinh tế" trong ngoặc kép nhờ khu vực chế biến hàng may mặc để bán ra ngoài. Nguồn viện trợ tài chính và kỹ thuật của các nước cũng góp phần tạo ra sự thay đổi. Vì vậy, xứ này dần dần đô thị hóa, chính quyền thì có bạc tiền ban phát quyền lợi và củng cố thế lực. Nhưng họ không thấy sự thay đổi trong xã hội sẽ dẫn tới đổi thay về chính trị mà đòi ngăn cản.
Nguyên Lam : Chúng ta sẽ lần lượt tìm hiểu từng bước về bối cảnh của vấn đề mà ông nêu ra. Chính quyền Hun Sen muốn ngăn cản sự đổi thay ấy như thế nào ?
Nguyễn-Xuân Nghĩa : - Thứ nhất, họ tưởng các nước dân chủ Tây phương không muốn Campuchia gặp loạn nữa nên sẽ lặng thinh trước các quyết định chà đạp dân chủ trong một xứ dù sao vẫn quá nhỏ. Thứ hai, họ đã có chỗ tựa vững chãi hơn, là Bắc Kinh với khối viện trợ và đầu tư trực tiếp cao gấp 10 Hoa Kỳ, vì vậy, Hun Sen từ chối viện trợ quân sự của Hoa Kỳ và được Bắc Kinh viện trợ cho 150 triệu đô la. Thứ ba là sự thờ ơ của khối ASEAN do chủ trương không can thiệp vào nội bộ chính trị của thành viên. Nhưng sự tình chẳng diễn tiến như vậy. Lớp người lớn tuổi còn nhớ thảm họa cũ thì có thể hài lòng với "sự thay đổi trong ổn định", vẫn trong ngoặc kép, nhưng thành phần trẻ hơn và có hiểu biết hơn nhờ tiếp cận với bên ngoài thì không thiết tha gì với những thành tích của đảng Nhân Dân của ông Hun Sen.
- Họ dồn phiếu cho đảng đối lập và lãnh tụ Sam Rainsy, nhân vật có tư tưởng xin tạm gọi là "quốc gia dân tộc". Trong cuộc bầu cử vào tháng Bảy năm 2013, đảng Cứu Quốc của ông Sam Rainsy thắng lớn, chiếm 55 ghế trong Quốc hội có 123 dân biểu, dù đây đó có gian lận bầu cử. Từ đấy, Campuchia bị hỗn loạn cho tới ngày nay khi Chế độ Hun Sen dùng mưu triệt hạ các lãnh tụ đối lập và chia ghế của đảng Cứu Quốc cho các đảng nhỏ giữ vai trò bình phong cho dân chủ. Thí dụ như đảng Funcinpec theo xu hướng bảo hoàng mà vô quyền vì chỉ có 3% số hiếu mà được 41 trong 55 ghế của đảng Cứu Quốc. Rốt cuộc vẫn chỉ là thủ đoạn chia để trị. Nhưng thực tế bên dưới là mầm bất mãn về hiện tượng tập quyền với hệ quả tất yếu là nạn tham nhũng và chế độ tư bản thân tộc, trong khi các lãnh tụ đối lập phải lưu vong hoặc bị cầm tù sau phán quyết giả trá của tối cao pháp viện.
Nguyên Lam : Xin hỏi ông là dư luận quốc tế phản ứng thế nào về tình trạng tập quyền và nạn chà đạp dân chủ đang xảy ra tại Campuchia ?
Từ nhiều năm nay, Hoa Kỳ và Liên hiệp Âu châu cùng nhiều tổ chức quốc tế khác có lên tiếng và thậm chí lấy biện pháp trừng phạt nhưng chưa đủ mạnh nên không làm Chính quyền Hun Sen lo ngại. - Nguyễn Xuân Nghĩa
Nguyễn-Xuân Nghĩa : - Từ nhiều năm nay, Hoa Kỳ và Liên hiệp Âu châu cùng nhiều tổ chức quốc tế khác có lên tiếng và thậm chí lấy biện pháp trừng phạt nhưng chưa đủ mạnh nên không làm Chính quyền Hun Sen lo ngại. Vả lại, bề nào thì họ vẫn có chỗ tựa là Trung Quốc, trong khi các doanh nghiệp nước ngoài chỉ muốn có ổn định để làm ăn và kiếm lời. Vì vậy, khối dân chủ Tây phương không muốn có biện pháp quá mạnh để Hun Sen lại càng rơi vào quỹ đạo của Trung Quốc ngay cả khi hai ký giả của đài Á Châu Tự Do đã bị chế độ làm khó. Bản thân tôi thì cho rằng đấy là một sai lầm vì lý do kinh tế dễ hiểu : 60% xuất cảng hay xuất khẩu hàng may mặc của Campuchia là vào các thị trường Âu-Mỹ khi lãnh đạo Bắc Kinh đang phải đối phó với nhiều khó khăn ở bên trong và hơn 700 ngàn công nhân của khu vực chế biến áo quần lại thiên về đảng Cứu Quốc hơn là đảng cầm quyền. Chỉ cần một khó khăn nhỏ là xứ này bị loạn to, mặc dù Ngân hàng Thế giới vừa có một báo cáo lạc quan về kinh tế Campuchia.
Nguyên Lam : Nói về khó khăn kinh tế thì ông thấy những gì có thể xảy ra năm nay ?
Nguyễn-Xuân Nghĩa : - Chính quyền Hun Sen thấy mầm bất ổn từ công nhân ngành chế biến nên hứa hẹn tăng mức lương tối thiểu pháp định từ 153 Mỹ kim lên 170 một tháng từ năm nay. Ta nên nhìn lại mức tăng 11% này vì quá cao so cho sức cạnh tranh của xứ Campuchia với các lân bang khi lương tối thiểu chỉ là 61 đồng một tháng vào năm 2012 là khi xứ này bắt đầu có biến trước cuộc bầu cử năm 2013. Theo chiến lược lấy nhân công thấp làm lợi thế cạnh tranh trong một khu vực không cần tay nghề cao để bán hàng rẻ, chế độ đang lâm vào thế kẹt vì vừa mất ưu thế cạnh tranh, vừa khiến công nhân viên đòi hỏi nhiều hơn khả năng của chính quyền và nạn lạm phát tất yếu xảy ra sau khi chính quyền hứa hẹn tăng chi thêm một tỷ đô la nữa. Chế độ sẽ bó tay và xứ này không có giải pháp thay thế. Người ta đang thấy chuyện đó tại Iran.
Nguyên Lam : Trở lại câu hỏi nguyên thủy là liệu người dân có chấp nhận ách độc tài hay không nếu cuộc sống kinh tế của họ được cải thiện, thưa ông, tình hình sẽ ra sao khi nay mai kinh tế lại gặp khó khăn ?
Nguyễn-Xuân Nghĩa : - Trong hoàn cảnh cực kỳ khó khăn thì ưu tiên của nhiều người có thể là miếng ăn. Nhưng sau vài chục năm thì tâm lý con người cũng đổi khác và người ta không nghĩ bằng cái bao tử. Từ mấy chục năm qua, Campuchia vẫn chưa xây dựng được định chế cần thiết cho quốc gia, dễ hiểu nhất là hạ tầng cơ sở luật pháp cho hệ thống kinh tế mà chỉ tập trung quyền lực và quyền lợi cho một thiểu số ở trên. Thiểu số đó coi thường khái niệm căn bản là con người ta còn khát khao tự do. Nhờ tình hình cải thiện tâm lý khát khao tự do ấy có tăng, chưa nói đến những hiện tượng mới như mạng thông tin đã mở rộng. Nhờ hiện tượng này trong các thành phần sống tại đô thị hoặc tiếp cận với thế giới bên ngoài, nhiều người thấy là họ mất tự do mà giai tầng ở trên lại nắm hết các nguồn lợi kinh tế và gây bất công trong xã hội. Vì vậy, họ muốn có giải pháp khác qua mỗi lần bầu cử.
- Bây giờ, lãnh đạo lại thủ tiêu đối lập và lãnh tụ còn muốn tái diễn việc cha truyền con nối thì sự suy sụp nhỏ về kinh tế sẽ lại thành mối nguy lớn về chính trị. Cái giá kinh tế mà Hun Sen phải trả, là nạn lạm phát và việc doanh nghiệp nước ngoài tìm nơi có lương thấp hơn sẽ là một tổn thất chính trị cho Campuchia kể từ năm nay trở đi. Trước tiên, chính những kẻ đã trục lợi từ nhiều năm qua nhờ Hun Sen sẽ phải tìm ra thế lực đỡ đầu khác. Sau đó là hỗn loạn bùng nổ rất nhanh và kéo dài cả chục năm. Chúng ta đã thấy những tiền lệ đó tại xứ Philippines hơn 30 năm trước, rồi tại Indonesia 20 năm trước. Campuchia đi sau mà chẳng học được gì !
Nguyên Lam : Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do cùng Nguyên Lam xin cảm tạ kinh tế gia Nguyễn-Xuân Nghĩa về bài phân tích đầu năm và xin chúc ông một năm 2018 an lành.
Nguồn : RFA, 04/01/2018
Năm 2018 sẽ có những gì là đáng chú ý trong lĩnh vực kinh tế ? Diễn đàn Kinh tế sẽ khởi sự loạt bài tổng kết và dự báo như sau, với chuyên gia Nguyễn-Xuân Nghĩa, tư vấn kinh tế của ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do….
Các sinh viên tham sự cuộc diễu hành ngày 24 tháng 12 năm 2006 tại thành phố Hồ Chí Minh để đánh dấu việc Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). AFP
Nguyên Lam : Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do cùng Nguyên Lam xin kính chào chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa trong một buổi phát thanh cuối năm. Thưa ông, là tư vấn kinh tế cho ban Việt ngữ đài RFA từ ngày đài thành lập vào dịp Tết Đinh Sửu năm 1997, ông thường tổng hợp tình hình kinh tế cuối năm và đưa ra một số dự đoán về viễn ảnh kinh tế cho năm sau. Vì là người Việt Nam, chúng ta lại thừa hưởng hai tấm lịch âm dương cho nên việc tổng kết và dự đoán trải từ dương lịch qua âm lịch, từ Giáng Sinh rồi Tết Tây đến Tết Ta, năm nay sẽ vào giữa Tháng Hai năm 2018. Vì vậy, sau khi mọi người đã mừng Giáng Sinh 2017, kỳ này Nguyên Lam xin được đề nghị ông trình bày về viễn ảnh toàn cầu cho năm tới, ông nghĩ sao ?
Nguyễn-Xuân Nghĩa : Người ta hay nói bộ môn kinh tế là một khoa học u ám vì thiên hạ chỉ chú ý đến nó khi tình hình kinh tế có khó khăn. Bản thân tôi lại có xu hướng thực tiễn và không thích nước đường nên chú ý vào những gì bất lợi có thể xảy ra trong tương lai để cảnh báo. Vì vậy, xin được nói trước rằng tôi sẽ không tô hồng thực tế ! Về đề tài kỳ này, tôi xin tóm lược là chúng ta đã thấy những chấn động trong hệ thống quốc tế suốt năm 2017 đang kết thúc, nhưng thật ra thì trạng thái bất thường ấy đã xảy ra từ năm 2008, là năm tôi gọi là "điểm lật", cho nên qua năm 2018 chúng ta còn thấy nhiều đổi thay bất ngờ khác.
Nguyên Lam : Bây giờ nói về viễn ảnh 2018, xin đề nghị ông trở lại cái "điểm lật" từ năm 2008.
Nguyễn-Xuân Nghĩa : Năm 2008, vụ khủng hoảng tài chánh manh nha từ lâu đã bùng nổ vào Tháng Chín và gây ra nạn "Tổng suy trầm" hay "Suy trầm Toàn cầu" 2008-2009. Biến cố thật ra chẳng bất ngờ làm rung chuyển trật tự được các nước xây dựng từ nhiều thập niên trước đó. Hệ thống kinh tế và chính trị quốc tế bị chấn động và dù chưa sụp đổ thì cũng khiến nhiều nước phải nghĩ tới một trật tự khác. Đấy là lý do cơ bản mà nhiều nước bị xoay chuyển bên trong, và quan hệ an ninh cùng kinh tế giữa các nước cũng có thay đổi. Qua năm 2018, chiều hướng ấy sẽ còn tiếp tục vì những động lượng hay "momentum" của nhiều năm qua. Đấy là bối cảnh chung để chúng ta nhìn ra viễn ảnh 2018.
Nguyên Lam : Qua nhiều năm theo dõi, thính giả của chúng ta đã quen với cách tiên báo của kinh tế gia Nguyễn-Xuân Nghĩa khi trở về những bối cảnh xa xưa, lần này từ 10 năm trước. Thưa ông Nghĩa, Nguyên Lam xin đề nghị là chúng ta cùng khởi đi từ đó.
Nguyễn-Xuân Nghỉa : Tôi xin tóm lược rất sơ sài như sau. Năm 2008 là khi Việt Nam vừa gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới với những kỳ vọng lớn lao. Năm đó, Trung Quốc cũng bước vào thế giới văn minh khi khai mạc Thế vận hội Bắc Kinh vào ngày tám Tháng Tám 2008, Cùng ngày đó, Liên bang Nga lại tiến quân tấn công nước Cộng hòa Georgia trong khi Hoa Kỳ bị rung chuyển về vụ khủng hoảng tài chính thật ra đã manh nha từ cuối năm 2017 tại Âu Châu. Khi các nước Tây phương bị khủng hoảng thì nhiều người lầm tưởng rằng tư bản chủ nghĩa sắp sụp đổ, nhưng sự thật lại khác : khối dân chủ bị khủng hoảng chính trị khiến các đảng phái truyền thống mất niềm tin của quần chúng và đây đó xu hướng cực đoan nổi lên mà ít ai thấy rằng Trung Quốc mới lâm đại họa tài chánh vì ào ạt bơm tiền kích thích kinh tế từ cuối năm 2008 và nay chưa biết xoay trở ra sao với cái núi nợ chất ngất dó. Còn Liên bang Nga có ra sức tung hoành ở bên ngoài từ những năm 2008 tại Georgia qua 2014 tại Ukraine và 2015 tại Syria thì cũng chỉ để khỏa lấp nhiều khó khăn kinh tế chống chất ở bên trong. Đấy là bối cảnh chung.
Nguyên Lam : Thưa quý thính giả, ông Nghĩa vừa tóm lược toàn cảnh từ những năm 2008 để chúng ta nhớ lại những chuyển động lớn trên địa cầu. Nguyên Lam xin đề nghị ông tiếp tục phân tích sự chuyển động ấy trong từng khu vực địa dư..
Nguyễn-Xuân Nghĩa : Tôi xin được bắt đầu bằng Hoa Kỳ, một siêu cường vẫn còn ảnh hưởng toàn cầu. Vụ khủng hoảng 2008 khiến Hoa Kỳ lâm vào nạn ách tắc chính trị kéo dài. Di sản ách tắc đó vẫn còn, nhưng lại bị đánh giá sai. Lý do là nền dân chủ tạo ra sự phân quyền để Hành pháp, Lập pháp và Tư pháp ràng buộc và kềm hãm nhau. Một số báo chí cứ quy tội cho Tổng thống Donald Trump là gây ra phân hóa và ách tắc, sự thật lại khác. Hiện tượng bế tắc đã có từ trước và các thành phần thất thế trong xã hội Mỹ giúp ông Trump đắc cử đề ngày nay đang đề nghị giải pháp khác mà ta sẽ lần lượt thấy trong năm tới.
Các quốc gia độc tài lại không có sự chọn lựa đó, như ta sẽ thấy trong năm 2018 này, điển hình là tại Trung Quốc hay Liên bang Nga. Ta nên nhớ đến một nghịch lý là khi các thế lực chính trị của một xứ dân chủ kềm chế nhau một cách khá ồn ào thì cũng là lúc người dân và nền kinh tế tiếp tục vận hành trong một không gian và môi trường khác. Ngược lại, sự ổn định bề ngoài của chế độ độc tài lại tích lũy nhiều bài toán không có giải pháp.
Nguyên Lam : Nhiều thính giả và chính Nguyên Lam thắc mắc về việc Hoa Kỳ ngày nay không còn đề cao nguyên tắc tự do mậu dịch và có vẻ gây khó khăn cho Tổ chức Thương mại Thế giới WTO mà chính nước Mỹ đã góp phần xây dựng từ nhiều thập niên trước. Ông giải thích thế nào về chiều hướng này ?
Nguyễn-Xuân Nghĩa : Sau Thế chiến II, Hoa Kỳ đã giúp các nước tái thiết và phát triển, rồi qua gần nửa thế kỷ sau đó còn cổ võ giá trị của kinh tế thị trường và tự do thương mại với tối thiểu hạn chế như một giải pháp đối nghịch với hệ thống tập trung quản lý theo kế hoạch của các nước cộng sản độc tài. Kết quả là hai đà phát triển khác nhau, là sự sụp đổ của hệ thống cộng sản và việc một số chế độ độc tài phải cải cách theo quy luật thị trường.
Nhưng hậu quả sau đó là các chế độ tôi xin gọi là "phi cầm phi thú", "nửa dơi nửa chuột" đó chỉ cải cách nửa vời trong khi vẫn duy trì vai trò chỉ đạo kinh tế trong tay đảng và nhà nước. Các thí dụ điển hình chính là Trung Quốc, Liên bang Nga và Việt Nam, họ đều gia nhập WTO mà vẫn giữ chế độ bảo hộ mậu dịch trong thực tế để bảo vệ quyền lực và quyền lợi cho một thiểu số. Đấy là một.
Nguyên Lam : Khi ông nói đấy là một thì có lẽ còn nhiều vấn đề khác nữa mà chúng ta sẽ thấy trong năm 2018. Thưa ông, những vấn đề ấy là gì ?
Nguyễn-Xuân Nghĩa : Chuyện thứ hai, từ thời Chiến tranh lạnh cho tới gần đây, Hoa Kỳ vẫn chấp nhận thua thiệt về kinh tế trong giao dịch với các nước để có đồng minh về an ninh. Nhưng hoàn cảnh thay đổi khiến sự thua thiệt kinh tế trong tiến trình ta gọi là toàn cầu hóa làm nhiều người Mỹ bất mãn. Họ thấy là bị cạnh tranh bất chính với các nền kinh tế mới nổi vì mất việc làm trong khu vực chế biến, lợi tức bị sút giảm trong khi Hoa Kỳ vẫn phải bảo vệ an ninh cho các đồng minh chống các đối thủ như Liên bang Nga tại Âu Châu hay Trung Quốc tại Châu Á.
Vì vậy, không chỉ có ông Trump mà đảng Dân Chủ cũng hoài nghi lời cam kết cải tổ kinh tế xã hội như quy định trong Hiệp ước Xuyên Thái Bình Dương TPP và dù bên Cộng Hòa vẫn đề cao kinh tế tự do thì ưu lo về khả năng bảo vệ an ninh của nước Mỹ. Cả hai đảng đều nêu vấn đề từ hai giác độ trái ngược và trào lưu đó kết tụ vào vai trò của tổ chức WTO lẫn nhưng cam kết kinh tế đa phương. Trong năm 2018, ta sẽ thấy mâu thuẫn và tranh chấp kinh tế gia tăng, nhưng chìm bên dưới hồ sơ kinh tế vẫn là vấn đề an ninh.
Cụ thể và gần gũi là Việt Nam đạt xuất siêu với Mỹ, bị nhập siêu với Tầu và muốn Mỹ yềm trợ về an ninh chống sức ép từ Bắc Kinh mà vẫn duy trì ách độc tài chính trị, bảo vệ sự can thiệp của nhà nước vào kinh tế, không chấp nhận sự hiện hữu của các công đoàn độc lập, không tôn trọng luật lệ về môi sinh hay tác quyền, v.v… Người dân và Quốc hội Mỹ khó chấp nhận được những nghịch lý đó. Vì vậy, năm 2018 sẽ còn thấy nhiều mâu thuẫn kinh tế giữa Hoa Kỳ với nhiều quốc gia bị gọi là trục lợi bất chính.
Nguyên Lam : Thưa ông, sau Hoa Kỳ, ông thấy gì về cục diện Đông Á là nơi có hai nước mà chúng ta đều quan tâm, là Trung Quốc và Việt Nam ?
Nguyễn-Xuân Nghĩa : Tại khu vực này. ta thấy chế độ độc tài Trung Quốcg được củng cố với lãnh tụ Tập Cận Bình, nhưng bên cạnh là Nhật Bản đang ra sức vươn lên với Thủ tướng Shinzo Abe và bên kia là Ấn Độ cũng vậy với Thủ tướng Narendra Modi. Ba lãnh tụ Á Châu này đều có quần chúng của họ và năm nay sẽ lao vào một cuộc tranh đua với trục Nhật-Ấn sẽ ưu tiên vận động các quốc gia Đông Nam Á. Dù vướng bận vào hồ sơ Bắc Hàn, Hoa Kỳ vẫn nhập cuộc tại Đông Á với sự hỗ trợ của Úc.
Vì vậy, cục diện 2018 mở ra cơ hội cho các nước Đông Nam Á trong khi ưu tiên của Bắc Kinh vẫn là mâu thuẫn kinh tế và chính trị bên trong. Họ phải cải cách để tránh khủng hoảng tài chính, gia cư và môi sinh trong khi vẫn cần tái phân lợi tức cho các khu vực và thành phần cùng khốn để khỏi loạn. Nhu cầu cải cách đó khiến họ Tập sẽ tiếp tục thanh trừng những ai cưỡng chống và gây ra nhiều mối thù khác ở bên trong. Năm 2018 cho thấy Trung Cộng không mạnh như thiên hạ lầm tưởng mà chỉ là năm đầu của nhiều khó khăn tiếp nối…
Nguyên Lam : Khi phân tích tình hình Trung Quốc, hình như ông Nghĩa có cái nhìn khác truyền thông Tây phương và nói trước nhiều năm các biến cố xảy ra về sau này. Ông giải thích thế nào về sự kiện ấy mà nói trước năm 2018 chỉ là năm đầu của nhiều khó khăn tiếp nối ?
Nguyễn-Xuân Nghĩa : Tôi chỉ theo dõi tình hình Trung Quốc từ đã lâu và tổng hợp được các dữ kiện kinh tế để đặt vào phương trình văn hóa chính trị của lãnh đạo Bắc Kinh. Họ có thấy ra và nói tới các khó khăn ấy từ chục năm trước mà không giải quyết nổi và lại chồng chất thêm vấn đề mới, kể cả nạn tham nhũng mọc rễ trong cơ chế kinh tế chính trị. Năm năm qua, giới lãnh đạo chóp bu hiểu ra sự tình nên mới chấp nhận cho Tập Cận Bình thâu tóm quyền lực sau các đợt thanh trừng đối thủ. Ngày nay, Trung Quốc có bộ máy chính trị độc tài tuyệt đối, nhưng trong khi biểu dương khí thế ra ngoài thì vẫn phải ưu tiên xử trí các bài toán nan giải bên trong. Cái nghịch lý nội/ngoại đó cho thấy ách độc tài duy ý chí khó khai thông những bế tắc kinh tế của một xứ quá lớn và có quá nhiều mâu thuẫn lẫn khác biệt. Những khó khăn kế tiếp từ năm nay sẽ lại thách đố quyền lực của Tập Cận Bình nên ông ta càng phải dựa vào công an và quân đội để dẹp nội loạn khi kế hoạch cải cách không đem lại thành quả chờ đợi. Việt Nam rất nên theo dõi chuyện ấy để thấy ra sự chọn lựa của mình.
Nguyên Lam : Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do cùng Nguyên Lam xin cảm tạ kinh tế gia Nguyễn-Xuân Nghĩa về bài phân tích cuối năm và xin kính chúc quý thính giả một năm 2018 an lành và thịnh vượng.
Nguyên Lam thực hiện
Nguồn : RFA, 29/12/2017
Từ vài năm qua, cơn sốt về một loại tiền ảo đã bùng phát trên các thị trường tài chính quốc tế, với đồng tiền tiêu biểu là Bitcoin vọt tăng giá hơn mọi loại tài sản đầu tư khác. Nhưng Bitcoin là gì và trái bóng đầu tư ấy có thể bị vỡ hay không ?
Bitcoin chụp ở Washington, DC vào ngày 1 tháng 5 năm 2014. AFP
Nguyên Lam : Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do cùng Nguyên Lam xin kính chào chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa.
Thưa ông, là tư vấn kinh tế cho ban Việt ngữ đài RFA từ ngày thành lập vào dịp Tết Đinh Sửu năm 1997, ông hay nêu các đề tài tổng hợp tình hình kinh tế cuối năm và viễn ảnh kinh tế cho năm sau. Năm nay, Nguyên Lam xin đặc biệt yêu cầu ông phân tích cho thính giả của chúng ta hiện tượng mới lạ là Bitcoin.
Số là hôm thứ Tư 12 vừa qua, Thống đốc hệ thống Ngân hàng Trung ương Hoa Kỳ là bà Janet Yellen đã lần đầu nói tới hiện tượng đó, rằng "Bitcoin là loại tài sản có tính chất đầu cơ khá cao, nhưng vẫn giữ vai trò rất nhỏ trong hệ thống thanh toán và không phải là dạng thanh toán tiền tệ ổn định". Thế rồi, vài ngày sau thì truyền thông quốc tế loan tin là từ tháng Hai, chế độ cộng sản Bắc Hàn đã xâm nhập mạng giao dịch điện toán Bithumb của Nam Hàn để đánh cắp một số Bitcoin trị giá chừng bảy triệu đô la, ngày nay đã lên tới hơn 82 triệu, tăng hơn gấp 10. Trong khi đó, nhiều người tại Á Châu và cả Việt Nam cũng sôi nổi theo dõi kênh đầu tư để kiếm lời thật nhanh đó. Vì vậy, kỳ này, xin được hỏi ông Bitcoin là gì ?
Nguyễn-Xuân Nghĩa : Nếu ưa giải trí cuối tuần thì từ thuyết âm mưu hay "conspiracy theory", tôi đã dựng ra một truyện trinh thám chính trị giả tưởng về một âm mưu lũng đoạn tiền tệ hoặc giải phóng hệ thống thanh toán của các quốc gia khỏi sự kiểm soát của chính quyền. Nhưng tôi e rằng thính giả và chính mình cũng chẳng hiểu gì cả mà phải uống thuốc nhức đầu !
Trở lại trọng tâm kinh tế của diễn đàn này, tôi xin được trình bày trước hết nỗi khó khăn về nhận thức chuyên môn, kết hợp phát minh khoa học với tâm lý con người và diễn giải bằng thuật ngữ Việt Nam đôi khi vẫn chưa có, trong thời lượng nhất định của chúng ta. Chuyện ấy cũng khá nhức đầu nên tôi xin phép tạ lỗi trước và sẽ chú trọng đến thính giả ở Việt Nam.
Nguyên Lam : Như mọi khi, xin đề nghị ông từng bước trình bày bối cảnh cho thính giả.
Nguyễn-Xuân Nghĩa : Đầu tiên về tiền tệ. Đấy là phát minh của con người, với ý "nhân tạo", nhằm giải quyết bốn nhu cầu là :
- Đo đếm tài sản
- Lưu trữ tài sản
- Giao dịch thanh toán
- Tiêu chuẩn định giá thanh toán trong thời gian, giả dụ từ khi vay tới khi trả.
Bốn chức năng ấy của đồng tiền, nhất là chức năng thứ tư, đòi hỏi một điều kiện là sự tín nhiệm của chúng ta, các tác nhân kinh tế, vào đồng tiền. Niềm tin đó được đảm bảo khi đồng tiền là do một nhà nước phát hành nên ta gọi là "tín tệ" hay "fiat currency". Cụ thể là cứ lật mọi tờ giấy bạc Hoa Kỳ, ta đều thấy ghi "tờ giấy này là cơ sở thanh toán hợp pháp – hay legal tender - mọi khoản nợ, công và tư". Phát minh đó giúp ta thoát khỏi cách giao dịch qua hiện vật, như đổi heo lấy gà, và giá trị của tờ giấy bạc là niềm tin. Nhờ niềm tin do vai trò của một chính quyền và của các nền kinh tế giao dịch với nhau nên trị giá đồng bạc nếu so với hàng hóa hay các ngoại tệ khác chỉ xê dịch trong một biên độ nhỏ, từ 7-8 đến 10%, là tự điều chỉnh theo quy luật cung cầu của thị trường.
Nguyên Lam : Chúng ta được báo trước rằng đề tài này sẽ khá nhức đầu, và qua vài bước đầu đã thấy choáng váng ! Nguyên Lam xin ông trình bày tiếp về cái chuyện rắc rối đó.
Nguyễn-Xuân Nghĩa : Khởi đi từ khái niệm "tín tệ" hay niềm tin, đồng Bitcoin hay các loại tiền ảo khác không là "tín tệ" do một nhà nước phát hành và giữ vai trò đảm bảo sau cùng nếu có tranh chấp về cách đếm hoặc cách thanh toán. Đó là một phát minh mới nhờ khoa học mở bung chân trời giao dịch giữa các tác nhân kinh tế trên toàn cầu qua không gian điện toán hết còn biên giới. Niềm tin nếu có là từ các tác nhân kinh tế khi nghĩ "đồng bạc ảo" này sẽ có giá trị cao hơn trong tương lai qua một số giai thoại được loan truyền. Nhưng khi đó, chúng ta lại
Nguyên Lam : Thưa ông, thính giả của chúng ta tại Việt Nam nên chú ý đến hai yếu tố nào ?
Nguyễn-Xuân Nghĩa : Thứ nhất là tiến bộ về thuật lý điện toán khiến ta có thêm phương tiện tiếp xúc, liên lạc và giao dịch mà tưởng là chẳng còn bị ai kiểm soát nữa. Đấy là một ảo giác vì trên các mạng giao dịch ẩn danh đó, nhiều người vẫn có thể xâm nhập, tác động và thậm chí đánh cắp như ta đã thấy qua việc Bắc Hàn lấy cả Bitcoin lẫn thông tin về lý lịch của ba vạn người giao dịch. Nhưng đấy mới chỉ là phần nổi.
Yếu tố thứ hai cũng xuất phát từ tâm lý lạc quan. Khi vừa có phát minh mới, có người tưởng ăn trùm thiên hạ mà chẳng biết rằng ngoài vòm trời này còn có vòm trời khác. Vì vậy, một số người Việt thiếu am hiểu không chỉ nghĩ đến đầu tư mà còn muốn đầu cơ, và sẽ lỗ to.
Nguyên Lam : Nguyên Lam cho là ông đang từ từ dẫn chúng ta về chuyện Bitcoin này. Xin ông vui lòng giải thích thêm sự kiện nhiều người không chỉ nghĩ đến đầu tư mà muốn đầu cơ.
Nguyễn-Xuân Nghĩa : Như đã trình bày nhiều lần thì thuần về kinh tế đầu tư và đầu cơ chẳng khác gì nhau. Đầu tư là nhịn tiêu thụ trong hiện tại để thu hoạch lợi tức cao hơn sau này, đầu cơ cũng vậy, nhưng tìm mối lợi cao hơn với rủi ro lớn hơn. Ta không nói đến khía cạnh đạo lý mà hai từ ngữ này có thể gây ra. Bây giờ, ta hãy nhìn vào thực tại.
Khi đầu tư, với triển vọng gia tăng sản xuất hay lợi nhuận thì nếu lời được 7% một năm với lãi đơn chồng lãi kép thì về dài cũng là khả quan. Trên thị trường đầu tư cổ phiếu chẳng hạn, nếu có lời 15% một năm thì cũng là đáng kể. Trên thị trường trái phiếu ít rủi ro và an toàn hơn thì lời 2-3% đã là tốt rồi. Đầu cơ vào thị trường thương phẩm có hạn kỳ, gọi là futures, thì đôi khi lời to mà lỗ nặng : chỉ có 5% là kiếm lời nhờ khoản lỗ của 95% còn lại ! Hai yếu tố then chốt là thời gian và rủi ro. Khi đầu cơ, người ta muốn sớm lời thật cao nên dễ đánh giá sai yếu tố rủi ro. Vụ Bitcoin chỉ là một hiện tượng đầu cơ không hơn không kém.
Nguyên Lam : Sau khi phân biệt đầu tư và đầu cơ, ông kết luận với ý cảnh báo rằng Bitcoin chỉ là hiện tượng đầu cơ và hàm nghĩa là có rủi ro lớn. Thính giả của chúng ta có lẽ cũng muốn ông phân tích thêm chuyện đó.
Nguyễn-Xuân Nghĩa : Cụ thể là do thuật lý hiện đại, người ta phát minh loại tiền ảo vượt qua biên giới quốc gia, gọi là "crypto currencies", mà tôi tạm dịch là "tiền tệ mật mã hóa", hay nói cho gọn mà vẫn đúng dù có chút mỉa mai là "tiền mã". Xuất hiện từ gần 10 năm nay, đồng Bitcoin tiêu biểu của loại tiền mã đó đã gây chấn động vì năm nay tăng giá khoảng 1.500%. Khi đếm ngược về thuở ban đầu, năm 2010, nếu đầu cơ vạn bạc vào Bitcoin thì tuần qua nhà đầu tư có lượng tài sản hơn 710 triệu, nôm na là tăng hơn 79.000%. Đó là đầu cơ thăng thiên ! Cơn sốt Bitcoin bùng nổ vì mấy con số kinh hãi đó nhưng ít ai hỏi có bao nhiêu người lời như vậy, họ ở đâu, lấy tiền ấy làm những gì ? Đa số là còn rất trẻ và ở ngoài Việt Nam ! Tôi thì hỏi thêm một câu thật ra chưa có giải đáp.
Nguyên Lam : Chúng ta biết trước đề tài này sẽ nhức đầu nhưng khi kinh tế gia còn hỏi một câu mà chính ông chưa có giải đáp thì quả thật là ta cần ông phân tích thêm. Thưa ông, câu hỏi đó là gì ?
Nguyễn-Xuân Nghĩa : Theo định nghĩa cổ điển như trình bày ở trên thì Bitcoin không là một đơn vị tiền tệ chính thức mà chỉ là loại tài sản có khả năng trao đổi hay giao hoán bất thường. Trên thị trường đầu tư, ta có các loại tài sản thông dụng như cổ phiếu, trái phiếu, ngoại tệ và thương phẩm, hay "commodities" mà Việt Nam dịch sai là "hàng hóa", ví dụ như nguyên nhiên vật liệu, xi măng, sắt thép, phân bón, nông sản và lương thực. Trị giá các thương phẩm ấy thăng giáng rất mạnh nên là loại tài sản được giới đầu cơ chiếu cố. Cho tới nay, biến động mạnh về giá cả Bitcoin cho thấy loại tài sản ấy hơi giống thương phẩm. Nhưng thương phẩm còn có đặc tính hữu dụng và giá cả bị quy luật cung cầu chi phối : khi thấy giá phân bón tăng ở ngoài chợ thì tôi mua ít hơn cho khoảnh vườn ba gang của mình vì thế giá phân sẽ giảm, chứ giá Bitcoin lại khác cho nên tôi chưa tìm ra giải đáp cho câu hỏi "Bitcoin là gì ?"
Lý do là giá cả của tài sản này lên xuống trên thị trường giao dịch ảo. Khi thấy giá tăng, nhiều người không theo quy luật cung cầu là mua ít hơn mà lại mua thêm vì tin là giá còn tăng nữa. Ta có thí dụ điển hình của việc đầu cơ vào một loại tài sản chưa là tiền mà cũng chẳng là thương phẩm. Khi chốt lại với hai yếu tố khác thì người Việt ta rất nên thận trọng với Bitcoin.
Nguyên Lam : Thưa ông, hai yếu tố khác đó là gì ?
Nguyễn-Xuân Nghĩa : Đó là thuế vụ và an ninh cho thế giới văn minh bên ngoài. Trong mọi giao dịch kinh tế tài chính với đồng bạc làm bản vị, tác nhân kinh tế phải trả thuế khi có lời. Trên thị trường "tiền mã" như Bitcoin thì ai trả thuế cho ai ? So với lượng giao dịch còn rất nhỏ trong hệ thống thanh toán của toàn cầu thì câu hỏi vẫn có lúc được đặt ra và nhiều chính quyền sẽ ban hành luật lệ quản lý. Nếu điều ấy xảy ra thì giá Bitcoin sẽ rớt như cục gạch, tương tự nhiều loại tài sản đầu cơ khác.
Việc một số thị trường giao dịch tại Chicago như Cboe Global Markets hay CME Futures vừa mở ra cho nghiệp vụ giao dịch hứa phiếu, ước phiếu hoặc có kỳ hạn, là options, hay futures, làm nhiều người thêm hồ hởi. Nhưng đừng quên là các cơ sở nổi tiếng đó chỉ là doanh nghiệp tư nhân, khi thấy thiên hạ mua bán thì họ lập ra một trung tâm như cái mái chợ hay sòng bạc cho mọi người ra vào kiếm tiền và trả hoa hồng cho họ. Họ cổ võ việc đó, nhưng các ngân hàng sẽ phải đề ra tiêu chuẩn thẩm định rủi ro và các chính quyền để ý hơn tới thuế vụ và luật lệ. Huống hồ, nếu nhìn vào khía cạnh an ninh của luồng giao dịch ấy thì ta không chỉ có rủi ro trốn thuế mà còn bao hàm các vấn đề như chuyển ngân lậu, rửa tiền hoặc thậm chí khủng bố. Vì vậy, trước sau gì các chính quyền cũng sẽ can thiệp cân nhắc và lập ra luật lệ quản lý, khi đó Bitcoin hay tiền mã có thể là đồng tiền chính thức vì có thể được dùng cho việc trả thuế. Chỉ khi ấy, Bitcon mới là tiền tệ, chứ hết là tài sản đầu cơ đầy rủi ro như một số thương phẩm.
Nguyên Lam : Câu hỏi cuối, thưa ông, từ nay đến đó thì chuyện gì có thể xảy ra ?
Nguyễn-Xuân Nghĩa : Lòng người vốn tham mà tối, thay vì lời 10% thì có người mơ 7.000 hay 80.000% trong vài năm mà quên là thiên hạ tốn rất nhiều tiền điện để máy vi tính bày ra trò ảo đó. Đa số dân Á Châu và người Việt mình cũng mơ như vậy và đấy là chỉ dấu của bong bóng đầu cơ, tức là sẽ bể như nhiều trái bóng đã tan tành trước đây. Dân trong nghề cứ ví von rằng khi bà già trầu cũng chơi stock thì cổ phiếu sẽ sụp đổ. Cái chuyện tiền mã cũng vậy thôi, với tôi thì đó chỉ là tiền hàng mã để cúng cô hồn cho tới khi các chính quyền nhảy vào xác nhận giá trị và kiểm soát. Chỉ mong rằng từ nay tới đó, là vài ba năm nữa chứ không sớm đâu, bà con ở nhà không sạt nghiệp. Đấy cũng là lời chúc của tôi cho một mùa Giáng Sinh bình an !
Nguyên Lam : Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do cùng Nguyên Lam xin cảm tạ kinh tế gia Nguyễn-Xuân Nghĩa về bài phân tích kỳ này và xin kính thúc quý thính giả một lễ Giáng Sinh an lành.
Nguyên Lam thực hiện
Nguồn : RFA, 20/12/2017
**********************
Châu Á đang thúc đẩy cơn sốt Bitcoin ? (BBC, 20/12/2017)
Ẩn mình trong một góc yên tĩnh của Singapore, khu sản xuất này trông giống như một khu ổ chuột dưới lòng đất.
Nhưng theo Dexter Ng, công việc ở đây là để chuẩn bị cho tương lai.
Dexter Ng là doanh nhân lĩnh vực tiền ảo
Tự giới thiệu là doanh nhân trong lĩnh vực tiền kỹ thuật số, Dexter Ng là giám đốc công nghệ của SG Mining - một doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh dàn máy đào tiền ảo. Đây là những máy tính dùng để giải các thuật toán phức tạp nhằm giúp người dùng kiếm tiền ảo như Bitcoin.
"Trước đây chúng tôi chỉ có thể bán hai hoặc ba thiết bị một tuần", ông Ng nói khi chúng tôi đi bộ quanh kho chứa hàng xây bằng xi măng. "Bây giờ chúng tôi có thể bán hàng trăm".
Làn sóng
Một số thiết bị được bán ra nước ngoài, gồm cả Nhật Bản.
Nhật Bản là quốc gia Châu Á đầu tiên thừa nhận Bitcoin và đã xây dựng lòng tin bằng cách hợp pháp hoá các loại tiền kỹ thuật số.
Gần đây, một công ty Nhật Bản tuyên bố bắt đầu trả một phần lương nhân viên bằng Bitcoin.
Úc cũng chấp nhận tiền kỹ thuật số, nhưng hiện đang trong giai đoạn điều chỉnh loại hình này bởi làn sóng các nhà đầu tư không chuyên đang đổ vào thị trường.
Cơn sốt ?
Liệu có công bằng khi nói rằng Châu Á đang thúc đẩy cơn sốt Bitcoin ?
Có thời điểm các nhà đầu tư Trung Quốc được cho là chiếm ít nhất 80% quyền sở hữu Bitcoin, nhưng Bắc Kinh hiện đang rất thận trọng.
Lo ngại dòng tiền chảy vào thị trường, Trung Quốc đã cấm tiền kỹ thuật số bằng cách cấm huy động vốn bằng tiền ảo (ICOs).
Và Trung Quốc không đơn độc trong sự thay đổi này.
Việt Nam đã cấm Bitcoin và các loại tiền kỹ thuật số. Ấn Độ và Indonesia đang xem xét các quy định liên quan.
Và chỉ trong tuần này, Singapore đã đổi từ thái độ ôn hòa sang cảnh báo một cách thận trọng đối với người dân về những rủi ro "đáng kể" có thể xảy ra nếu họ tiếp tục đầu tư vào tiền ảo.
Nhưng điều đó không ngăn cản các nhà đầu tư ở đây thử vận may của họ.
Tại một cuộc trao đổi về Bitcoin ở Singapore, tôi gặp một nhóm những người đam mê mà mỗi người bỏ khoảng 100 đôla mỗi tuần để mua tiền ảo.
"Đó là tiền tệ của tương lai", một người đàn ông nói với tôi. Anh ta không muốn tiết lộ danh tính vì không muốn sếp biết mình đang mua Bitcoin.
"Nếu bạn nói đây là lừa đảo, vậy thì cuộc khủng hoảng tài chính đã không dạy chúng ta rằng tất cả các tổ chức tài chính đều là lừa đảo hay sao ?"
'Tiền nhanh'
Bitcoin xuất hiện sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Nó thường được xem như đơn vị tiền tệ được lựa chọn bởi thế hệ Y, hoặc các nhóm rửa tiền, bọn tội phạm, người mua ma túy và dân môi giới kinh doanh.
Tuy nhiên, càng ngày càng có nhiều người Châu Á bắt đầu thấy nó như một cách kiếm tiền nhanh, đồng thời là cách để bảo vệ tiền tiết kiệm của họ trước khủng hoảng chính trị và lãi suất thấp.
Zann Kwan, người sáng lập Bitcoin Exchange nói với tôi : "Nhiều khách hàng của chúng tôi coi đó là một loại vàng kỹ thuật số".
"Đó là sự tiếp nối với tư duy tiết kiệm hay hình thức tiết kiệm của người Châu Á".
Các nhà phân tích cũng chỉ ra rằng môi trường lãi suất thấp hoặc bằng không ở Nhật Bản, những quy định nghiêm ngặt về việc rút tiền ra khỏi Trung Quốc và lo ngại cuộc khủng hoảng Bắc Triều Tiên ảnh hưởng đến nền kinh tế Hàn Quốc là lý do tại sao rất nhiều người ở Châu Á đang cố gắng kiếm tiền từ cơn sốt Bitcoin.
Trên nóc tòa Singapore Landmark Tower tọa lạc câu lạc bộ Skyline Crypto. Tại đây khách hàng có thể trả tiền đồ uống bằng cách sử dụng Ethereum, một loại tiền ảo phổ biến và ngày càng có giá trị.
Hiện tại, loại tiền này chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ các giao dịch, nhưng các chủ sở hữu câu lạc bộ hy vọng rằng nó sẽ phát triển.
"Chúng tôi thậm chí còn cung cấp một gói Bitcoin Giao thừa cho năm mới, theo đó khách trả cho một đêm trong câu lạc bộ bằng một Bitcoin", quản lý câu lạc bộ, ông Subhaish Rajamanickam nói.
Với giá rượu ngày hôm nay, đó là vào khoảng 17.000 đôla.
Nhưng Bitcoin thì cũng rất khó lường, như rượu dễ bay hơi. Không ai dám chắc nó có đủ để giúp bạn mua một hay hai ly cocktail trong tương lai hay không.
*********************
Bắc Hàn 'tấn công' giao dịch tiền ảo Nam Hàn (BBC, 16/12/2017)
Cơ quan tình báo của của Hàn Quốc tin rằng Bắc Hàn đứng sau các cuộc tấn công tin học vào một giao dịch tiền ảo ở miền Nam, các nguồn cho hay.
Giao dịch, buôn bán, đầu tư tiền ảo, các đồng tiền mã hóa, số hóa đang là một kinh doanh lớn ở Hàn Quốc.
Ít nhất 7 triệu đô la tiền kỹ thuật số đã bị đánh cắp trong vụ trộm cắp - mặc dù giá trị số tiền hiện nay đã tăng lên mức 82,7 triệu đô la.
Các tin tặc cũng lấy trộm thông tin cá nhân của khoảng 30.000 người.
Những người này đang giao dịch các loại tiền ảo Bitcoin và Ethereum trên sàn giao dịch điện tử Bithumb.
Dựa vào khối lượng giao dịch gần đây, Bithumb là sàn giao dịch lớn nhất của Hàn Quốc và là một trong năm sàn lớn nhất trên thế giới.
Các nhà phân tích nói tin tặc Bắc Hàn có thể nhắm tới các đồng tiền ảo để trốn tránh các hình phạt tài chính được áp đặt như là hình phạt đối với việc phát triển vũ khí hạt nhân của Bình Nhưỡng.
'Bị nhắm mục tiêu'
Cuộc tấn công này được cho là có từ tháng Hai năm 2017, khi máy tính cá nhân của một nhân viên Bithumb bị nhắm mục tiêu - mặc dù việc này chỉ được phát hiện vào tháng Sáu.
Các tin tặc cũng yêu cầu thêm khoảng 5,5 triệu đô la từ Bithumb để đổi lấy việc thông tin cá nhân của những người kinh doanh tiền ảo không bị xóa.
Các nguồn tin trong cơ quan phản gián, Cục Tình báo Quốc gia, cũng nghi ngờ Bắc Hàn đứng đằng sau cuộc tấn công vào một giao dịch khác, Coinis, vào tháng Chín, theo hãng tin Hàn Quốc Yonhap.
Tuy nhiên, một nỗ lực tấn công tiếp theo trong tháng Mười đã bị cản trở.
Bằng chứng hiện đã được chuyển cho các công tố viên.
Hiện tại, các đồng tiền tệ ảo không được các cơ quan tài chính của Hàn Quốc điều tiết, nhưng họ đang cam kết sẽ tăng cường quy định.
Ba ngày trước, chính phủ Hàn Quốc đã áp đặt mức phạt tổng cộng 55.000 đô la vào Bithumb vì không bảo vệ được thông tin của người sử dụng.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hồi tháng 10/2017 nói việc phát hành, cung ứng, sử dụng bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính mức từ 150 triệu đến 200 triệu đồng.
Văn bản của Ngân hàng Nhà nước gửi cơ quan báo chí hôm 28/10 khẳng định bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp tại Việt Nam.
Tuy nhiên việc giao dịch bitcoin trên thị trường "chợ đen" (thông qua môi giới) đã và đang diễn ra tại Việt Nam, theo một nhà quan sát muốn ẩn danh nói với BBC.
Được biết các "cò bitcoin" có tài khoản mua bán trên thị trường thế giới kinh doanh dựa vào ăn chênh lệch tỉ giá giữa bitcoin/usd trên các sàn thế giới với "tỉ giá chợ đen" dựa vào nhu cầu mua bán bitcoin của nhà đầu tư tại Việt Nam.
Hiện chưa rõ có làn sóng "chốt lời" chứng khoán tại Việt Nam, vốn tăng điểm mạnh trong năm 2017, để chuyển qua buôn bán bitcoin hay không.
Kỷ niệm 25 năm thiết lập quan hệ với Hiệp hội ASEAN của 10 nước Đông Nam Á, tuần qua, chính quyền Ấn Độ thông báo việc mở ra một tín khoản trị giá một tỷ đô la để thực hiện các dự án nối kết hạ tầng và một qũy phát triển các trung tâm chế biến tại Cam Bốt, Lào, Miến Điện và Việt Nam. Sau đây, Diễn đàn Kinh tế sẽ tìm hiểu về chiến lược của Ấn Độ tại Đông Nam Á…
(Từ trái qua) Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-O-Cha, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte và Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long chụp hình nhân thượng đỉnh ASEAN Ấn Độ lần thứ 15 ở Manila hôm 14/11/2017 - AFP
Nguyên Lam : Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do và Nguyên Lam xin kính chào chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa. Thưa ông, trước đà bành trướng rất đáng quan ngại của Trung Quốc tại vùng biển Đông Nam Á, dư luận quốc tế lại không mấy chú ý tới việc Ấn Độ cũng cố tranh thủ các bạn hàng trong Hiệp hội ASEAN của 10 quốc gia Đông Nam Á. Vì vậy, người ta ít nói đến sáng kiến mới đây của Ấn tại thủ đô New Delhi là cung cấp một ngân khoản tín dụng trị giá một tỷ đô la và thành lập một quỹ phát triển các dự án chế biến tại Việt Nam, Miến Điện và hai nước Miên và Lào. Tuần này, Diễn đàn Kinh tế xin đề nghị ông phân tích những động thái đó của nước Ấn Độ.
Nguyễn-Xuân Nghĩa : Quả thật là các nước Tây phương ít chú ý đến tiềm năng và vai trò của Ấn Độ tại khu vực Đông Nam Á vì chỉ thấy sự lớn mạnh của kinh tế Trung Quốc đi cùng mối đe dọa về quân sự của Bắc Kinh. Chúng ta sẽ trở lại bối cảnh sâu xa của sự việc rồi mới phân tích hậu quả lâu dài của các chuyển động lớn. Khu vực Á Châu đa diện và phức tạp có ba nền văn hóa lâu đời của Ấn Độ, Trung Hoa và thứ ba là tập hợp Hồi giáo trên các nước quần đảo, trong đó, hai cường quốc lục địa có ảnh hưởng nhất vẫn là Trung Hoa và Ấn Độ. Hai nước láng giềng này có biên giới cách trở do địa dư hình thể trong khu vực Châu Á mà vẫn chi phối nhau về kinh tế lẫn văn hóa trước khi các nước Âu Châu xuất hiện và khống chế khu vực.
Trong thế kỷ 20, Âu Châu lên tới đỉnh cao và bắt đầu suy sụp từ Thế chiến II, để lại một khuôn khổ tương tác mới giữa các nước Á Châu. Sau 30 năm đầu lâm vào khủng hoảng vì chính sách duy ý chí của Mao Trạch Đông kể từ năm 1949, thì Trung Quốc đã tiến hành cải cách từ những năm 1979 trở về sau. Còn Ấn Độ được độc lập từ Đế quốc Anh vào năm 1947 cũng chẳng phát triển mạnh về kinh tế vì bị ràng buộc vào chủ trương bao cấp của kinh tế xã hội chủ nghĩa cho tới năm 1991 mới bắt đầu thay đổi. Nhưng khác biệt quan trọng hơn vậy là xứ Ấn Độ lại thiết lập chế độ dân chủ, còn Trung Quốc thì vẫn theo ách độc tài…
Nguyên Lam : Thưa quý thính giả, kinh tế gia Nguyễn-Xuân Nghĩa thường dẫn chúng ta trở về bối cảnh khá sâu xa trong quá khứ rồi mới dần dần giải thích các chuyển động đang xảy ra trước mắt. Thưa ông, phải chăng là ngày nay ta chứng kiến sự tranh đua giữa hai cường quốc lục địa là Trung Quốc và Ấn Độ mà một địa bàn tranh đua ấy chính là khu vực Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam ?
Nguyễn-Xuân Nghĩa : Thưa rằng đúng, vì Trung Quốc cải cách trước Ấn Độ hơn chục năm nên khởi phát rất nhanh trong 30 năm đầu với đà tăng trưởng hơn 10% một năm, và nay bước vào giai đoạn đình trệ tương tự các nước Đông Á đi trước. Còn Ấn Độ chỉ nhập cuộc từ 1991 nhưng có dân số trẻ hơn trên nền tảng dân chủ đa nguyên nên sẽ vượt qua Trung Quốc. Đấy là chuyện lâu dài sau này.
Nhưng trước mắt, cả hai cường quốc này đều muốn tranh thủ các nước trong khu vực Đông Nam Á vì một lý do địa dư khác. Trên lục địa Á Châu, hai nước láng giềng này tiếp cận với nhau trên những vùng hiểm trở, cách ngỡ và chỉ có thế tác động qua các lân bang như Nepal, Bhutan hay Tây Tạng, trong khi việc giao lưu về kinh tế lẫn yếu tố an ninh lại phát triển ngoài biển. Vì vậy, vùng biển Đông Nam Á mới là địa bàn then chốt. Y như Bắc Kinh, lãnh đạo Ấn Độ sớm thấy ra điều ấy nên đã thiết lập quan hệ mang tính chất chiến lược với Hiệp hội ASEAN từ năm 2002. Ngày nay, họ khai triển chiến lược ấy ra chính sách mà ta gọi là "Vọng Đông", tiến về hướng Đông, để nối liền Ấn Độ Dương với Thái Bình Dương…
Nguyên Lam : Nhưng thưa ông, nếu Trung Quốc đã có sáng kiến xây dựng Con Đường Tơ Lụa, gọi là Nhất Đới Nhất Lộ, với sự hỗ trợ của Ngân hàng Đầu Tư Hạ Tầng Châu Á có trăm tỷ đô la thì việc Ấn Độ mở ra tín khoản chỉ có một tỷ đô la thì có ý nghĩa gì không?
Nguyễn-Xuân Nghĩa : Có lẽ ta nên nhìn vào chiều hướng trường kỳ. Lãnh đạo Ấn Độ đã đề nghị tổ chức thượng đỉnh với các nước ASEAN từ 15 năm trước, đã ký kết hiệp định tự do thương mại với ASEAN từ năm 2009 và ngày nay, luồng giao dịch ngoại thương giữa đôi bên đã vượt quá 70 tỷ đô la. Với thế hệ lãnh đạo mới kết tụ quanh Chính quyền của Thủ tướng Narendra Modi, trào lưu ấy sẽ còn phát triển mạnh hơn sau khi ông Modi tiến hành cải cách kinh tế ở bên trong và đang được quần chúng triệt để ủng hộ. Ở bên kia, Chính quyền Tập Cận Bình đang phải ưu tiên giải quyết những mâu thuẫn cơ bản ở bên trong, về cả an ninh lẫn kinh tế, cho nên các quốc gia Đông Nam Á có một cơ hội nhìn lại quan hệ với hai cường quốc này. Việc Ấn Độ tổ chức Thượng đỉnh với ASEAN trong hai ngày 11 và 12 tháng này nằm trong chiều hướng chiến lược đó.
Nguyên Lam : Nếu như vậy, theo ông nhận xét thì các nước Đông Nam Á đang có một cơ hội mới hay không ?
Nguyễn-Xuân Nghĩa : Sau nhiều năm cân nhắc về sáng kiến Nhất Đới Nhất Lộ của Bắc Kinh, nhiều nước Đông Nam Á có thể phân vân về khía cạnh an ninh của sáng kiến đó. Chúng ta đã thấy ra một số trở ngại thực tế trong các dự án của Trung Quốc, ngay với một quốc gia đồng minh là Pakistan. Trong khi đó, đề nghị của Ấn Độ về việc xây dựng hạ tầng vận chuyển cho Đông Nam Á lại không có nội dung đe dọa về an ninh như trường hợp Trung Quốc vì Ấn Độ không nuôi tham vọng bành trướng theo kiểu gọi là "Xâu Chuỗi Ngọc Trai" của Bắc Kinh trên eo biển và các quần đảo Đông Nam Á qua Trung Đông và Bắc Phi tới Âu Châu. Chuyện thứ hai cũng đáng chú ý không kém là vai trò của Nhật Bản.
Chính Nhật Bản đã hỗ trợ Ấn Độ trong việc tổ chức thượng đỉnh tuần này tại New Delhi. Dù chẳng ai chính thức nói ra, các quốc gia trong khu vực đều hiểu ra mối nguy trong sáng kiến Nhất Đới Nhất Lộ của Bắc Kinh, với sáu "tẩu lang kinh tế" trên lục địa và các dự án nối kết khu vực Đông Nam Á với Trung Đông và Âu Châu. Bây giờ, khi một cường quốc bán đảo là Ấn Độ và một cường quốc quần đảo là Nhật Bản lại liên thủ với nhau, từ Ấn Độ Dương qua Thái Bình Dương, bắc ngang khu vực Đông Nam Á, chúng ta đang thấy một chuyển động còn lớn hơn tín khỏan một tỷ đô la của Ấn Độ.
Nguyên Lam : Thưa ông, khi tổng kết lại các sáng kiến gần xa của Trung Quốc, Ấn Độ hay Nhật Bản, các nước Đông Nam Á có thể kết luận như thế nào ?
Nguyễn-Xuân Nghĩa : Việc phát triển kinh tế quốc gia tùy thuộc vào khả năng thực hiện các dự án cụ thể. Khi thẩm định giá trị của từng dự án, lãnh đạo kinh tế của các nước không nên chỉ tập trung vào khía cạnh lời lỗ mà còn phải đặt dự án, chương trình hay kế hoạch, vào khuôn khổ rộng lớn về an ninh, nhất là trong các dự án xây dựng hạ tầng như cầu đường, hỏa xa, bến cảng hay phi trường, v.v…
Trên đại thể như vậy, các quốc gia Đông Nam Á cần suy nghĩ xem sáng kiến của Ấn Độ và Nhật Bản qua diễn đàn đối thoại và hợp tác giữa hai cường quốc này có đặc điểm gì là nổi bật ? Ấn Độ cần giải phóng tiềm lực của khu vực Đông Bắc có tính chất chiến lược vì tiếp cận với Trung Quốc, chẳng khác gì các dự án hạ tầng của Trung Quốc nhằm giải phóng các tỉnh bị khóa trong lục địa, từ Vân Nam, Quý Châu đến Tân Cương, Nhật Bản đóng góp một vai trò quan trọng cho các dự án đó của Ấn Độ. Nhưng kế hoạch phát triển giữa hai nước cũng bao trùm lên khu vực Đông Nam Á. Việc ba nước Việt, Miên và Miến trong khối ASEAN cùng tham dự hội nghị tuần này tại New Delhi cho thấy là họ hiểu rõ cục diện và tham vọng của Bắc Kinh nên muốn mở rộng việc hợp tác với Ấn Độ và Nhật Bản.
Nguyên Lam : Khi tổng kết lại, có lẽ chúng ta sẽ không nhìn vào sáng kiến trị giá một tỷ đô la của Ấn Độ mà nên nhìn vào một khung cảnh lâu dài và rộng lớn hơn. Thưa ông, khung cảnh đó là gì ?
Nguyễn-Xuân Nghĩa : Tôi xin được nhắc lại là Ấn Độ đã có sáng kiến phát triển quan hệ với các nước ASEAN từ năm 2002 và Nhật Bản đề nghị thế hợp tác từ Ấn Độ Dương qua Thái Bình Dương từ năm 2007. Những chuyện ấy ngày nay mới thành hình, những trên một cái trớn khác. Họ đều nhìn ra và thực hiện việc đó trước khi Trung Quốc trở thành mối lo cho các nước. Chưa nói gì đến Hoa Kỳ hay Úc trong cái thế tứ giác Ấn-Nhật-Úc-Mỹ đang thành hình trước mắt chúng ta thì các quốc gia Đông Nam Á cũng có một cơ hội ra khỏi bóng rợp của Trung Quốc.
Nguyên Lam : Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do cùng Nguyên Lam xin cảm tạ kinh tế gia Nguyễn-Xuân Nghĩa về bài phân tích kỳ này.
Nguyên Lam thực hiện
Nguồn : RFA, 12/12/2017
Hôm thứ Năm 30 tháng 11, Hoa Kỳ công bố quyết định đã đệ nạp Tổ chức Thương mại Thế giới hai tuần trước là không chấp nhận cho Trung Quốc được hưởng quy chế kinh tế thị trường. Lập tức Bộ ngoại giao Bắc Kinh phàn nàn về quyết định ấy, gọi đó là sáng kiến của vài nước trong thời Chiến Tranh Lạnh chứ không nằm trong quy định của tổ chức WTO. Diễn đàn Kinh tế sẽ tìm hiểu về hồ sơ này.
Người Trung Quốc mua hàng ở một siêu thị tại Bắc Kinh hôm 21/11/2017. AFP
Nguyên Lam : Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do và Nguyên Lam xin kính chào chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa. Thưa ông, việc Hoa Kỳ không chấp nhận cho Trung Quốc được hưởng quy chế kinh tế thị trường có ý nghĩa là gì và sẽ có hậu quả ra sao mà Bộ ngoại giao Bắc Kinh lại phản đối và còn nhắc đến chuyện Chiến Tranh Lạnh ?
Nguyễn-Xuân Nghĩa : Thật ra không chỉ có Hoa Kỳ mà Liên Hiệp Châu Âu và Nhật Bản cũng có cùng quan điểm như vậy.
Về bối cảnh gần thì chuyện này xuất phát từ một khiếu nại của Liên Âu hồi tháng Ba sau khi Trung Quốc viện dẫn Hiến ước Gia nhập Tổ chức WTO từ 15 năm trước, rằng sau 15 năm giao thời, họ phải được hưởng quy chế kinh tế thị trường và không bị điều tra về tội trợ giá hàng xuất khẩu. Lần này, với tư cách là thành phần thứ ba trong vụ kiện tụng giữa Trung Quốc và Liên Âu, Hoa Kỳ chính thức nêu quan điểm và đứng cùng phe Âu Châu và Nhật Bản.
Về bối cảnh xa thì khi gia nhập Tổ chức WTO từ ngày 11 tháng 12 năm 2001, Trung Quốc viện dẫn hoàn cảnh của mình mà xin được 15 năm chuyển tiếp. Kỳ hạn đó đã chấm dứt từ tháng 12 năm ngoái và Bắc Kinh cho rằng ngày nay, họ đương nhiên có nền kinh tế thị trường chứ không thể bị một số thành viên khác của WTO bác khước. Nhưng thật ra họ suy diễn sai những quy định ban đầu vì vậy, ba khối kinh tế Âu-Mỹ-Nhật mới có chung một lập trường. Việt Nam nên theo dõi chuyện ấy vì khi gia nhập WTO cũng xin một thời gian chuyển tiếp là 18 năm và coi là có lợi hơn Trung Quốc, kỳ hạn đó sẽ kết thúc ngày 11 tháng Giêng năm 2025.
Nguyên Lam : Chuyện này hơi rắc rối nên Nguyên Lam xin đề nghị ông trình bày cho chi tiết.
Nguyễn-Xuân Nghĩa : Truyền thông không nắm vững vấn đề và vì ghét Mỹ hoặc phục Tầu cứ ca tụng Trung Quốc nay là vô địch về kinh tế thị trường và chủ trương toàn cầu hóa trong khi lãnh đạo xứ này vẫn tiếp tục can thiệp vào kinh tế và chưa có quy chế kinh tế trị trường.
Đầu đuôi câu chuyện là khi xin gia nhập WTO vào năm 2001, Bắc Kinh yêu cầu có 15 năm cải cách để tiến tới trình độ ấy mà thật ra chẳng làm gì nên từ tháng Năm năm ngoái, họ bị Nghị Viện Âu Châu biểu quyết với 546 phiếu từ chối công nhận với là đã có kinh tế thị trường và còn nộp đơn khiếu nại Bắc Kinh phá giá 56 mặt hàng xuất khẩu nên gây thiệt hại cho kinh tế và công nhân Âu Châu. Họ nêu năm lý do cụ thể và bây giờ Hoa Kỳ ủng hộ lập trường đó nên Bắc Kinh mới kêu trời.
Nguyên Lam : Thưa ông năm lý do đó là gì ?
Nguyễn-Xuân Nghĩa : Khi xin gia nhập thì Bắc Kinh phải chấp hành nhiều điều kiện cải cách mà nay vẫn chưa có.
Thứ nhất Nhà nước Trung Quốc còn trực tiếp can thiệp vào hoạt động của nền kinh tế.
Thứ hai là khả năng sản xuất thừa quá lớn của Trung Quốc, như trong khu vực luyện kim rồi bán quá rẻ ra ngoài.
Thứ ba là việc sản xuất dư thừa này xuất phát từ chính sách trợ giá, không phản ảnh quy luật cung cầu của một nền kinh tế thị trường.
Thứ tư Bắc Kinh không để thị trường phân phối phương tiện sản xuất một cách công bằng và tự do mà mặc nhiên yểm trợ các tập đoàn kinh tế nhà nước với tín dụng ưu đãi, khi tư doanh phải vay với giá cao hơn.
Thứ năm, tương tự Hoa Kỳ, Liên Âu đòi Trung Quốc phải tôn trọng các quyền sở hữu cơ bản và mở cửa thị trường theo nguyên tắc sòng phẳng chứ không được bảo vệ như hiện nay. Âu Châu nêu vấn đề từ khi ông Donald Trump còn đang tranh cử năm ngoái và chủ trương "Hoa Kỳ trên hết" chưa là quốc sách của nước Mỹ.
Nguyên Lam : Nhưng thưa ông, vì sao Bắc Kinh lại nhắc đến Chiến Tranh Lạnh khi phản đối quyết định của Hoa Kỳ ?
Nguyễn-Xuân Nghĩa : Họ chỉ chứng tỏ là bị điểm trúng huyệt ! Hoa Kỳ là quốc gia phát huy kinh tế thị trường, tức là Nhà nước không can thiệp vào giao dịch của thị trường mà để quy luật cung cầu được tự do vận hành. Từ triết lý kinh tế chính trị đó, Hoa Kỳ mới chấp nhận "quy chế tối huệ quốc" – sau này được gọi là "quy chế thương mại bình thường" – cho các quốc gia áp dụng quy luật tự do của thị trường được dễ dàng buôn bán với Mỹ.
Thời Chiến tranh lạnh, Đạo luật Thương mại của Hoa Kỳ năm 1974 đưa ra một số điều kiện đặc miễn cho các nước cộng sản theo kinh tế tập trung kế hoạch, tức là không theo kinh tế thị trường khi mua bán với Hoa Kỳ. Trong mục tiêu chính trị, các điều kiện miễn cách đặc biệt ấy cho các nền kinh tế không theo quy luật thị trường vẫn được dễ dàng bán hàng vào Mỹ mà không bị rào cản về thuế nhập nội hay hạn ngạch. Tuy nhiên, doanh nghiệp Mỹ có thể bị thiệt hại vì hàng nhập vào thị trường nội địa quá rẻ hay được trợ giá từ các nền kinh tế phi thị trường.
Vì vậy Hoa Kỳ có thêm đạo luật cho phép các doanh nghiệp bị thiệt hại được quyền khiếu nại và có biện pháp trả đũa nếu chứng minh rằng họ bị cạnh tranh bất chính. Khi thương thuyết việc các nước gia nhập Tổ Chức WTO, Hoa Kỳ có chấp nhận cho một số quốc gia được duy trì chế độ kinh tế phi thị trường trong một thời khoảng nhất định. Nhưng trong thời khoảng ân hạn đó, các quốc gia này vẫn có thể bị doanh nghiệp Mỹ khiếu nại và đòi áp dụng biện pháp trả đũa nếu chứng minh là họ bị thiệt hại.
Nguyên Lam : Thưa ông, sau thời gian ân hạn đó, thí dụ như 15 năm cho Trung Quốc và 18 năm cho Việt Nam thì tình hình có gì thay đổi không ?
Nguyễn-Xuân Nghĩa : Quốc gia nào cũng muốn bán hàng vào thị trường tiêu thụ quá lớn của Hoa Kỳ mà quên rằng nước Mỹ cũng có một hệ thống luật pháp cực kỳ tinh vi và rắc rối ! Các nước đòi lừa Mỹ bị mắc bẫy mà cứ tưởng khôn ! Họ tưởng khôn khi yêu cầu thời gian chuyển tiếp để cải cách theo quy luật thị trường mà thật ra chẳng cải sửa gì vì Đảng và Nhà nước vẫn kiểm soát kinh tế để xây dựng chế độ Tư bản Nhà nước và tiếp tục thao túng thị trường.
Nhưng họ mắc bẫy vì khoản 15 trong Hiến ước gia nhập Tổ chức WTO mà Bộ ngoại giao Bắc Kinh vừa nhắc tới. Khoản 15 này quy định là trong thời gian đặc miễn, nếu doanh nghiệp của các thành viên khác mà bị thiệt hại vì cạnh tranh bất chính thì họ có quyền khiếu nại và yêu cầu Chính quyền ban hành biện pháp trả đũa. Khi chứng minh rằng họ bị thiệt hại thì các doanh nghiệp khỏi cần điều tra từng tiêu chuẩn rắc rối về hối đoái, lương bổng, việc trợ giá, v.v… mà chỉ áp dụng phép ứng trắc, là trắc nghiệm hiệu ứng, vào một nền kinh tế tương tự cũng đủ kết án. Và Trung Quốc hay thành viên vi phạm phải mất tiền chứng minh ngược lại, rằng họ không thao túng thị trường.
Đã vậy, từ năm 2012, giới luật sư Mỹ về thương mại còn tìm ra cách suy diễn khoản 15 này : Sau thời gian đặc miễn, Hoa Kỳ và Liên Âu hay các thành viên khác mà bị thiệt hại vì cạnh tranh bất chính của chế độ kinh tế phi thị trường thì vẫn có thể kiện và đòi áp dụng biện pháp trả đũa. Khác biệt duy nhất là lần này thì họ phải gánh chịu việc chứng minh là có cạnh tranh bất chính. Trong vụ Trung Quốc bị Liên Âu và Hoa Kỳ khiếu nại vì chưa có nền kinh tế thị trường, người ta cứ nhắc đến Khoản 15 mà không chú ý đến cái bẫy ở trong. Với ông Donald Trump, các doanh nghiệp Mỹ mà bị thiệt hại và cần khiếu nại thì sẽ dễ được Chính quyền yểm trợ hơn.
Nguyên Lam : Ít ai ngờ câu chuyện kinh tế này lại ly kỳ và lý thú như vậy. Thưa ông, chúng ta có thể kết luận thế nào về vụ này ?
Nguyễn-Xuân Nghĩa : Trung Quốc tưởng đã có kinh tế đủ mạnh để xây dựng một trật tự mới có thể lật đổ và thay thế trật tự Tây phương, từ kinh tế qua quân sự. Sự thật thì bên trong họ chưa giải quyết được bài toán quản lý kinh tế.
Việc chuyển hướng hứa hẹn từ Hội nghị Ba của Ban chấp hành trung ương Khóa 18 vào cuối năm 2013 còn bị đẩy lui và sau Đại hội Khóa 19 vào tháng trước, chế độ còn can thiệp mạnh hơn vào kinh tế như chúng ta đã thấy. Bên ngoài thì họ chẳng tôn trọng những cam kết quốc tế, điển hình là Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển hoặc phán quyết của Tòa án Trọng tài Quốc tế vào năm ngoái. Cho nên, nếu họ có bị hệ thống luật lệ rất tinh vi của Hoa Kỳ đẩy vào chân tường với quy chế phi thị trường – thực chất là phi cầm phi thú và chẳng giống ai – thì đấy cũng là bài học.
Chúng ta cũng chẳng nên quên là ngay sau khi gia nhập Tổ chức WTO vào ngày 11 tháng 12 năm 2001, Trung Quốc đã hăm dọa sẽ kiện Nhật Bản về những hạn chế nhập khẩu loại nấm shintake mà ta hay gọi là nấm hương hoặc nấm đông cô.
Bắc Kinh muốn lợi dụng cơ chế WTO để bành trướng ảnh hưởng kinh tế với các quốc gia đang phát triển, nhưng các nước công nghiệp hóa không dễ gì để cho họ lũng đoạn như vậy. Vì thế, những mâu thuẫn về mậu dịch sẽ chỉ tăng chứ khó giảm và với đà tăng trưởng đang giảm sút, Bắc Kinh càng cần xuất khẩu thì càng gặp phản ứng trả đũa của các nước khác, như Hoa Kỳ, Âu Châu, Nhật Bản và cả Ấn Độ.
Nguyên Lam : Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do cùng Nguyên Lam xin cảm tạ kinh tế gia Nguyễn-Xuân Nghĩa về bài phân tích kỳ này.
Nguyên Lam thực hiện
Nguồn : VOA, 05/12/2017
Một tháng sau khi hoàn tất Đại hội khóa 19, lãnh đạo Bắc Kinh đưa ra nhiều tín hiệu trái chiều về nỗ lực cải cách kinh tế tài chính khiến các thị trường cổ phiếu của họ liên tục mất giá. Vì vậy, mục Diễn đàn Kinh tế kỳ này xin nêu câu hỏi, rằng ưu tiên kinh tế của Trung Quốc là gì ?
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vẫy tay chào sau bài phát biểu giới thiệu Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc ở Đại lễ đường Nhân Dân hôm 25/10/2017 - AFP
Nguyên Lam : Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do và Nguyên Lam xin kính chào chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa. Thưa ông, cách nay một tháng, khi Đảng Cộng sản Trung Hoa vừa hoàn thành Đại hội khóa 19 tại Bắc Kinh, ông đã nói về "những mâu thuẫn cơ bản" do Tổng bí thư Tập Cận Bình nêu ra trong báo cáo chính trị đọc trước các đại biểu. Một tháng sau, thế giới thấy nhiều tín hiệu trái chiều về nỗ lực cải cách sắp tới của lãnh đạo Bắc Kinh trong đó có một hồ sơ lớn được chính họ công nhận là núi nợ quá cao của nền kinh tế. Mặt khác, Bắc Kinh cũng muốn chứng tỏ là ngược với Hoa Kỳ, Trung Quốc đang dẫn đầu trào lưu toàn cầu hóa và sẽ cải tổ kinh tế để áp dụng quy luật thị trường. Những dấu hiệu có vẻ mâu thuẫn đó lại khiến thị trường cổ phiếu của Thượng Hải và Thẩm Quyến mất giá liên tục trong tuần qua. Ông nhận xét thế nào về những chỉ dấu này ?
Nguyễn-Xuân Nghĩa : Tôi xin thú thật là ít theo dõi sự thăng trầm ngắn hạn của thị trường cổ phiếu mà nhìn vào những chuyển động dài hạn và thấy lãnh đạo Bắc Kinh đã xác nhận một chuyện mà ai cũng biết là khoản nợ quá lớn và gia tăng quá nhanh.
Trong khi đó, truyền thông báo chí Tây phương cứ ngợi ca rằng lãnh đạo Bắc Kinh sẽ ra sức cải cách kinh tế theo quy luật thị trường và nhờ vậy sẽ vượt Hoa Kỳ ngày nay đang có vẻ thoái lui về chiều hướng bảo hộ mậu dịch dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Donald Trump.
Chuyện thứ ba ít được dư luận chú ý là một mâu thuẫn cơ bản khác giữa chính quyền trung ương với các địa phương, là mối quan tâm khác của Tổng bí thư Tập Cận Bình. Ônh ta thâu tóm quyền lực chính là để giải quyết mâu thuẫn này và nó cũng lại liên hệ đến khối nợ quá lớn và tăng quá nhanh.
Đâm ra chúng ta nên tự hỏi rằng ưu tiên kinh tế của Trung Quốc ngày nay là gì ?
Nguyên Lam : Theo dõi tình hình Trung Quốc từ đã lâu, ông nghĩ sao về ưu tiên ngày nay của lãnh đạo xứ này ?
Nguyễn-Xuân Nghĩa : Tôi tin là ông Tập Cận Bình đã thấy ra vấn đề này từ nhiều năm qua, và có nói đến trong bản báo cáo chính trị quá dài của ông mà thế giới bên ngoài mắc chứng "phục Tầu" lại không hiểu.
Vấn đề nằm trong cơ chế kinh tế chính trị của Trung Quốc là sự khác biệt trong nhiệm vụ của trung ương và của các địa phương. Từ quá lâu, tinh thần duy ý chí của lãnh đạo xứ này cứ theo đuổi mục tiêu tăng trưởng, bề nào cũng không thể giữ mãi ở mức 10% như trong ba thập niên đầu của việc cải cách mà sẽ phải giảm thấp theo quy luật "bình phi" như một phi cơ sẽ bay là là sau khi cất cánh với giác độ rất cao lúc ban đầu.
Rồi từ trung ương xuống tới địa phương thì chỉ tiêu tăng trưởng ấy lại được hiểu cách khác. Đảng viên cán bộ tại các địa phương thi hành chỉ thị của trung ương mà thực hiện nhiều dự án xây dựng hạ tầng để từng cấp báo cáo lên trên đà tăng trưởng sản xuất. Mục tiêu của họ có ba phần : thứ nhất là trục lợi cho bản thân khi được toàn quyền khai thác đất đai, thứ hai là tạo ra công ăn việc làm trong khu vực quản lý để tránh bất ổn xã hội, thứ ba là đạt thành tích báo cáo lên trên để được thăng quan tiến chức. Hệ thống chính trị quái đản ấy mới khiến địa phương vay mượn lung tung và tổng kết lại thì Trung Quốc có đà tăng trưởng thần kỳ mà thật ra là ảo và gây ra rất nhiều ô nhiễm.
Nguyên Lam : Ông vừa đưa ra một nhận xét hơi lạ, đó là các đảng viên cán bộ tại địa phương được ở trên cất nhắc không phải vì được lòng dân mà nhờ thành tích tăng trưởng. Phải chăng vì vậy mà họ vay tiền thực hiện các dự án nhiều khi không có giá trị kinh tế mà chỉ chất lên núi nợ mà nay trung ương đang phải giải quyết ? Như vậy, ưu tiên của lãnh đạo Bắc Kinh ngày nay là gì ? Là giải quyết khối nợ đó, hay duy trì đà tăng trưởng mà ông gọi là ảo, hay là cải tổ cơ chế kinh tế tài chính theo quy luật thị trường cho linh động thông thoáng hơn ?
Nguyễn-Xuân Nghĩa : Tôi cho là lãnh đạo Bắc Kinh biết họ không thể có tốc độ tăng trưởng cao như trước, và chỉ tiêu 6-7% cũng chỉ là chuyện ảo mà họ không thể nói ra. Thứ hai, dù các định chế quốc tế như Ngân hàng Thế giới hay Quỹ Tiền tệ Quốc tế và cả Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Bắc Kinh là ông Chu Tiểu Xuyên có nói đến việc cải tổ tài chính và ngoại hối cho thông thoáng hơn, họ cũng không dại gì thi hành việc đó vì sẽ gây nhiều biến động nguy hiểm, kể cả gia tăng mức độ thất thoát tư bản, trong khi vẫn chưa giải quyết nổi cái núi nợ sẽ sụp đổ.
Kinh nghiệm Nhật Bản hơn ba chục năm trước, với trái bóng ảo đã bể từ năm 1991 và dẫn tới mấy chục năm sa sút khiến họ rất thận trọng. Vì vậy, với dư luận bên ngoài thì việc cải cách theo quy luật thị trường chỉ là phần trình diễn, chứ ưu tiên sinh tử vẫn là thanh toán núi nợ để nó không gây ra khủng hỏang tài chính làm đà tăng trưởng còn suy sụp hơn nữa. Vấn đề vì vậy là trung ương hay các địa phương sẽ trang trải các khoản nợ chất đống ấy? Nó là vấn đề chính trị và giải thích vì sao Tập Cận Bình thâu tóm quyền lực !
Nguyên Lam : Ông vừa nói đến ưu tiên sinh tử của lãnh đạo Bắc Kinh chính là núi nợ. Nhưng thưa ông, làm sao người ta có thể giải quyết được chuyện công nợ quá lớn này ?
Nguyễn-Xuân Nghĩa : Câu hỏi này lý thú vì nó dẫn tới câu hỏi kia là "lấy tiền đâu để trả nợ" ?
Khi tập trung quyền lực trong tay mình, tôi nghĩ rằng ông Tập Cận Bình sẽ đòi các địa phương hay cơ sở mắc nợ, thí dụ như các doanh nghiệp đầu tư loại hương trấn do địa phương lập ra để đi vay tiền vô tội vạ, sẽ phải bán ra một phần tài sản, lấy tiền đó để trả nợ.
Thứ hai, then chốt không kém là chiều hướng ép buộc tư doanh không đầu tư ra nước ngoài mà góp phần hùn hạp nhiều hơn vào các doanh nghiệp của nhà nước, tức là vẫn tái phân phối lại gánh nợ và lợi tức.
Thứ ba, như Hội nghị kỳ ba của Khóa 18 đề ra từ mấy năm trước mà chưa thi hành được, là phải tìm lực đẩy cho tăng trưởng ở sức tiêu thụ nội địa. Trung ương phải chuyển hướng để bớt lệ thuộc vào đầu tư và xuất khẩu mà phân phối tài sản của các địa phương cho các hộ gia đình. Chủ trương này hàm ý tái phân lợi tức hay tài sản từ các đảng bộ địa phương cho người dân được hưởng vì chính là sức tiêu thụ của người dân mới tạo ra sức bật cho sản xuất.
Khi nói đến mục tiêu là xây dựng một tầng lớp trung lưu sẽ có mức sống cao hơn loại "tiểu khang" trước đây, có lẽ Tập Cận Bình nhắm vào việc đó. Nôm na là lấy tài sản của đảng viên trả lại cho dân để kinh tế có tăng trưởng mà xứ sở khỏi bị loạn.
Nguyên Lam : Khi ấy, vấn đề đặt ra là từ mấy chục năm nay, các đảng viên đã khai thác lợi thế chính trị để giữ đặc quyền kinh tế trong vùng đất xám nửa công nửa tư. Thưa ông, ngày nay liệu họ có chấp nhận việc tái phân lợi tức đó hay không ?
Nguyễn-Xuân Nghĩa : Tôi nghĩ rằng đấy là tham vọng của ông Tập Cận Bình. Ưu tiên của ông ta không hề là cải cách cơ chế kinh tế theo quy luật thị trường mà là chấn chỉnh lại bộ máy chính trị vì nó dẫn tới một khối nợ có thể cao gấp ba Tổng sản lượng. Chưa quốc gia mắc nợ nào dám cải cách kinh tế theo quy luật tự do và ban tham mưu của ông ta đều nhớ một quy luật chính trị khác, do nhà tư tưởng người Pháp Alexis de Tocqueville nêu ra. Rằng khủng hoảng bùng nổ và chế độ sụp đổ chính là vì đã tiến hành cải cách được một phần khiến quần chúng trông đợi và đòi hỏi nhiều hơn! Vì vậy, ngược với nhiều nhà báo cứ nói đến việc Trung Quốc sẽ cải cách theo quy luật tự do để vượt Hoa Kỳ, tôi lại cho rằng họ Tập đang tăng cường ách độc tài ngay trong đảng và hệ thống tuyên truyền trong quần chúng để tránh nguy cơ sụp đổ. Nói cách khác và hơi bất ngờ, Tập Cận Bình đang vận động quần chúng để thanh lọc đảng, một phương pháp khá tiêu biểu của Mao Trạch Đông khi ông ta phát động cuộc Cách mạng Văn hóa Vô sản Vĩ đại! Kết quả lần trước ra sao thì ta đã biết, lần này thì chưa và hãy chờ xem !
Nguyên Lam : Trước khi kết thúc chương trình kỳ này, Nguyên Lam xin được nêu câu hỏi của một thính giả của chúng ta từ bên Úc về một khoản nợ vào cuối năm 1974, khi gia đình bán lúa cho một người thân mà không còn hồ sơ giấy tờ gì nữa. Ngày nay, con cháu của người mua lúa năm xưa muốn thanh toán khoản nợ cách nay 43 năm, nhưng chẳng biết tính là bao nhiêu. Ông có lời giải đáp nào cho câu hỏi này không ?
Nguyễn-Xuân Nghĩa : Tôi khó có giải đáp vẹn toàn vì chưa tìm ra số liệu kinh tế chính xác vào cuối năm 1974 mà chỉ có thể đề nghị vài cách tính sau đây.
Nếu gia đình nhớ được trị giá của một giạ lúa tính bằng bao nhiêu chỉ vàng hay đô la Mỹ thì may ra sẽ căn cứ vào giá vàng hay đô la ngày nay mà tính. Còn về đồng bạc của Việt Nam Cộng Hòa, tôi chỉ nhớ cuối năm 1974, một đô la Mỹ có thể là 300-500 bạc Việt Nam, nhưng tăng vọt thành 5.000 và sau ba đợt đổi tiền thì đồng bạc đó thành giấy lộn, chưa nói tới những đợt lạm phát kinh người sau đấy !
Chuyện thứ hai, thuần về kinh doanh, ta còn phải tính lãi đơn chồng lãi kép, hay compound interest, của khoản nợ năm xưa để tính ra hiện giá năm nay theo phép chiết khấu discounted cash flow nhưng nếu chỉ lấy tỷ lệ trung bình về lạm phát hay lãi suất quãng 5% một năm – chuyện khó tin - thì 43 năm sau khoản nợ ấy cũng lên tới trời xanh. Chi bằng ta xử theo tình? Nếu tìm được dữ kiện nào khác hoặc được các thính giả chỉ cho thì tôi xin được bổ túc sau.
Nguyên Lam : Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do cùng Nguyên Lam xin cảm tạ kinh tế gia Nguyễn-Xuân Nghĩa về bài phân tích kỳ này.
Nguyên Lam thực hiện
Nguồn : RFA, 28/11/2017
Hoa Kỳ thông báo đạt được 253 tỷ đô la thỏa thuận thương mại với Trung Quốc nhân chuyến công du Bắc Kinh đầu tiên của tổng thống Trump. Nhiều thỏa thuận trong số ấy còn là "những vùng đất đầy sương mù". Tài thương thuyết của doanh nhân Trump không lay chuyển được chính sách thương mại của Tập Cận Bình.
Tổng thống Mỹ Trump được Tập Cận Bình tiếp đón "hơn thượng khách" tại Bắc Kinh. Ảnh ngày 09/11/2017. Reuters/Jonathan Ernst/File Photo
Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump kết thúc vòng công du Châu Á đầu tiên. Bắc Kinh là chặng dừng được chú ý nhất. Washington thông báo thu về hơn 250 tỷ đô la qua một loạt các thỏa thuận kinh doanh, từ lĩnh vực năng lượng đến nông nghiệp, từ giao thông, tin học đến hàng không. Trong số này chỉ riêng dự án đầu tư của Trung Quốc để cùng khai thác khí đốt trong vùng Alaska của Hoa Kỳ trong tương lai cho phép tạo 12.000 công việc làm, giảm 10 tỷ đô la thâm hụt mậu dịch của Trung Quốc so với Mỹ hàng năm, như các thông cáo chính thức cho thấy.
Đó là những yếu tố cho phép Donald Trump chứng minh với công luận trong nước rằng ông thực sự là vị tổng thống "đặt quyền lợi của nước Mỹ lên trên hết", đạt được mục đích kêu gọi đối tác thương mại Trung Quốc đầu tư vào nước Mỹ, tạo việc làm cho người dân Hoa Kỳ.
Ngoài ra phía Bắc Kinh còn tặng cho lãnh đọa Mỹ một món quà khi thông báo kế hoạch "mở cửa thị trường tài chính cho các doanh nghiệp nước ngoài". Trong ba năm tới các công ty Mỹ sẽ được quyền nắm giữ đến 51 % các liên doanh với Trung Quốc thay vì chỉ từ 20 % cho tới 49 % cổ phần vốn như hiện tại. Phương Tây coi đây là một bước tiến quan trọng. Một lời hứa khác của Trung Quốc là nước này sẽ giảm thuế nhập khẩu đánh vào xe Mỹ.
Trước ngần ấy hứa hẹn và hơn 250 tỷ đô la thỏa thuận kinh doanh, ngoại trưởng Hoa Kỳ Rex Tillerson lại thận trọng cho rằng về thực chất, đây là một "bước tiến nhỏ" trên con đường cân bằng hóa cán cân thương mại Mỹ-Trung. Báo chí tại New York và Washington lưu ý, một phần lớn các thỏa thuận Hoa Kỳ vừa đạt được với Trung Quốc "không mang tính ràng buộc" hay mới chỉ là "những văn bản ghi nhớ".
Nhìn từ California, chuyên gia kinh tế Nguyễn Xuân Nghĩa phân tích sâu hơn về thực chất gói 253 tỷ đô la tổng thống Trump mới "thu hoạch" được tại Bắc Kinh lần này.
Nguyễn Xuân Nghĩa : Chúng ta nên coi một thượng đỉnh giữa các nguyên thủ quốc gia như màn trình diễn được sắp xếp từ trước với những thông báo ngoài tiền trường trong khi tại hậu trường đôi bên còn thương thảo tiếp về những chuyện lâu dài hơn. Việc bộ Thương Mại Hoa Kỳ loan báo về những giao kết kinh doanh lên tới 250 tỷ Mỹ kim nằm trong chiều hướng hai bên choàng hoa cho nhau.
Về thực chất, đây chỉ là "bản ghi nhớ", "bị vong lục", "mémoranda d’entente" liên quan đến 37 dự án kinh doanh thuộc sáu lãnh vực năng lượng, vận tải, canh nông, tài chánh, thuật lý và công nghiệp, trong đó có nhiều hợp đồng đã đạt trước và những gì đôi bên còn phải đàm phán nhưng được gọi vội như món quà. Vì tính chất mơ hồ bất định ấy, người ta có thể nói tới ngạch số ước lượng là 250 tỷ, thậm chí 280 tỷ, nhưng lạc quan lắm thì chỉ thành hình trong nhiều năm, hay trong 20 năm nữa, như dự án khí đốt và hóa chất tại tiểu bang West Virginia.
Tôi xin nêu hai ví dụ là việc Boeing bán 300 phi cơ trị giá 37 tỷ được đàm phán từ năm 2013 và chiếc máy bay đầu tiên chỉ được giao vào năm 2020. Trong khi đó, dự án bán khí lỏng của tiểu bang Alaska được thương thảo từ năm 2012 giữa nhiều doanh nghiệp mà chưa ngã ngũ, có lúc ngạch số lên tới 65 tỷ rồi thu lại còn 43 tỷ và nếu thành hình thì phải mất cả chục năm thực hiện. Dù sao, những thỏa thuận sơ khởi ấy cũng góp phần giải tỏa mâu thuẫn kinh tế giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc và là cử chỉ chính trị của lãnh đạo Bắc Kinh.
RFI : Nhìn kỹ vấn đề thì Bắc Kinh quan tâm đến các lãnh vực "cốt lõi" như năng lượng hay nông nghiệp. Anh đánh giá thế nào về nội dung của các hợp đồng ấy ?
Nguyễn Xuân Nghĩa : Trung Quốc là một xứ "đói ăn", "khát dầu" và cần kiến năng cao cấp trong nhiều lãnh vực, nhưng cần nhất là giải tỏa mâu thuẫn kinh tế với Hoa Kỳ. Chính quyền Donald Trump cũng cần chứng tỏ với quần chúng ở nhà là ông đã tranh đấu để thu hút đầu tư vào Mỹ tạo ra công việc làm cho người dân, nhất là tại các tiểu bang có ảnh hưởng chính trị cho việc bầu cử giữa nhiệm kỳ năm 2018.
Chuyện thứ hai cần nói là với Trung Quốc, sau khi hợp đồng đã ký kết rồi, người ta mới đi vào thương thảo thực tế vì khi đó Bắc Kinh và các tập đoàn quốc doanh lại cò kè bớt một thêm hai. Các doanh nghiệp Mỹ đã dầy kinh nghiệm với lề lối làm ăn đó của Trung Quốc là một quốc gia vẫn duy trì chế độ bảo hộ mậu dịch. Cuối cùng thì đôi bên cũng gây ra ấn tượng lạc quan cho Thượng đỉnh kỳ này.
RFI : Đằng sau con số 250 tỷ ấy, phía Hoa Kỳ sẽ phải nhượng bộ những gì, thí dụ như dự án khai thác khí ở Alaska hay dự án đầu tư năm tỷ đô la của tập đoàn quốc doanh China Investment Corp. vào tổ hợp Goldman Sachs ?
Nguyễn Xuân Nghĩa : Đúng là chuyện chưa ngã ngũ. Từ nhiều năm nay, tiểu bang Alaska muốn khai thác khí đốt và ống dẫn khí với Canada và nhiều doanh nghiệp quốc tế khác mà chưa thành. Lần này, dự án trị giá 43 tỷ do liên doanh Alaska Gasline Development Corporation giữa Alaska và tập đoàn năng lượng và các ngân hàng quốc doanh Bắc Kinh như Sinopec, China Investment Corporation và Bank of China còn phải được chính quyền liên bang chấp thuận, là việc chưa tất nhiên.
Về dự án kia của Goldman Sachs với China Investment Corporation của Bắc Kinh thì ta không quên là Tháng Chín vừa qua Chính quyền Donald Trump đã bác bỏ việc một doanh nghiệp Trung Quốc thụ đắc một hãng chế biến vi mạch tích hợp hay 3circuits intégrés3 vì lý do an ninh.
Tuy nhiên, có một biến cố bên lề Thượng đỉnh mà dư luận ít chú ý là Bắc Kinh vừa chấp nhận cho doanh nghiệp đầu tư quốc tế mua từ 51% tới 100% phần vốn của các quỹ đầu tư chứng phiếu của họ. Ủy viên thường vụ Bộ chính trị là Uông Dương còn tuyên bố ở nhà là từ nay Trung Quốc không đòi doanh nghiệp nước ngoài phải chuyển giao công nghệ khi đầu tư vào thị trường Trung Quốc.
Đây là loại quyết định nhằm thu hút đầu tư ngoại quốc mà cũng là một nhượng bộ cho doanh nghiệp tại Wall Street vì họ có thể gia nhập thị trường Trung Quốc để thực hiện nghiệp vụ trung gian của các dự án đầu tư tài chánh. Các ngân hàng Mỹ thì chưa và còn đang tháo chạy, chứ các tổ hợp đầu tư như Goldman Sachs hay Morgan Stanley sẽ có cơ hội kiếm lời nếu thẩm định được rủi ro trong một thị trường tài chánh khá mờ ảo của Trung Quốc. Có lẽ Bắc Kinh mở cửa cho Wall Street để mong doanh nghiệp Mỹ sẽ vận động chính trường Hoa Kỳ cho họ.
RFI : Anh kết luận thế nào về lẽ thắng bại thương mại vừa qua giữa hai nước ?
Nguyễn Xuân Nghĩa : Câu chuyện này hơi rắc rối và chúng ta cần một chương trình riêng. Nói ngắn gọn thì thuần về kế toán quốc gia, cán cân thương mại - là mua bán hàng hóa và dịch vụ - chỉ là đối phần của cán cân vãng lai hay chi phó tư bản. Khi Mỹ bị thiếu hụt thương mại với Trung Quốc tới hơn 300 tỷ như chính quyền Donald Trump vẫn than vãn thì Mỹ cũng được thặng dư về tư bản, tức là Trung Quốc phải trút 300 tỷ vào thị trường Hoa Kỳ, nhờ đó mà lãi suất tại Mỹ cứ giảm và dân Mỹ mua hàng rẻ và tiêu xài nhiều hơn.
Nhưng nhìn từ Bắc Kinh thì đấy lại là nạn thất thoát tư bản mà chính quyền Tập Cận Bình đang muốn hạn chế. Họ muốn các tập đoàn quốc doanh chủ động đầu tư ra ngoài để thụ đắc kiến thức và chiếm lĩnh thị trường chứ không muốn tư doanh Trung Quốc đem tiền kiếm lời ở ngoài và gây thêm khó khăn về ngoại hối.
Cứ tranh luận về ngoại thương như hiện nay, hai nước mới chỉ gay gắt giải quyết phân nửa mâu thuẫn song phương rất chính đáng. Nhưng vấn đề của Trung Quốc nằm trong hệ thống quản lý tài chánh chật hẹp và lệch lạc của họ. Còn vấn đề của Hoa Kỳ là mức tiêu thụ cao tiết kiệm thấp và bội chi ngân sách quá lớn. Lãnh đạo hai nước chỉ gây ấn tượng thắng bại về ngoại giao chứ thực chất vấn đề còn nằm ở nhà, ở thất quân bình kinh tế bên trong.
Một ghi nhận khác, là tại Bắc Kinh tổng thống Trump không còn đổ lỗi cho Trung Quốc, "cướp đi công ăn việc làm" của người dân Mỹ mà ông lại quy trách nhiệm thâm thủng cán cân thương mại triền miên cho những đời tổng thống tiền nhiệm. Chiều nay nguyên thủ Mỹ đã rời Philippines trở về lại Washington, còn lãnh đạo Trung Quốc, Tập Cận Bình thì tiếp tục "sát cánh" với các đối tác khu vực.
Lãnh đạo Nhà Trắng không thấy nói gì về dự án Con đường Tơ Lụa Thế Kỷ 21 để Bắc Kinh lôi kéo các đồng minh của Mỹ về phía mình.
Thanh Hà thực hiện
Nguồn : RFI, 14/11/2017
Trong Thượng đỉnh vừa qua của Diễn đàn Hợp tác Châu Á Thái Bình Dương gọi tắt là APEC tại thành phố Đà Nẵng, người ta đã hy vọng là Hiệp ước Đối tác Xuyên Thái Bình Dương TPP sẽ được 11 quốc gia còn lại thông qua sau khi Hoa Kỳ rút lui từ đầu năm nay. Nhưng vào phút cuối, các nước lại gặp nhiều trở ngại bất ngờ. Diễn đàn Kinh tế sẽ tìm hiểu về chuyện này…
Bộ trưởng Bộ công Thương Việt Nam Trần Tuấn Anh (trái) lắng nghe Bộ trưởng Kinh tế Nhật Bản Toshimitsu Motegi (phải) phát biểu trong cuộc họp báo về TPP bên lề Thượng đỉnh APEC ở Đà Nẵng hôm 11/11/2017 - AFP
Nguyên Lam : Ban Việt ngữ đài Châu Á Tự Do và Nguyên Lam xin kính chào chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa. Thưa ông, sau khi Hoa Kỳ triệt thoái khỏi Hiệp ước Đối tác Xuyên Thái Bình Dương từ đầu năm nay, 11 quốc gia còn lại vẫn xúc tiến việc đàm phán để hoàn tất. Thượng đỉnh tuần qua của Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á Thái Bình Dương gọi là APEC do Việt Nam đăng cai tổ chức tại Đà Nẵng là cơ hội cho 11 nước hoàn tất Hiệp ước này nhưng họ lại gặp những trở ngại bất ngờ và cuối cùng thì Hiệp ước TPP được cải danh mà chưa rõ bao giờ mới thành hình. Theo dõi những biến chuyển đó, ông rút tỉa được những bài học gì cho thính giả của chúng ta ?
Nguyễn-Xuân Nghĩa : Như mọi khi, tôi xin đi từ bối cảnh chung rồi mới tập trung vào cốt lõi thì mình mới có hy vọng nhìn ra sự thể.
Khởi đầu thì có bốn nước nhỏ trên vành cung Châu Á Thái Bình Dương muốn lập ra một khuôn khổ giao thương với tối đa tự do và tối thiểu hạn chế về thuế suất và hạn ngạch. Từ năm 2008, là gần 10 năm trước, Hoa Kỳ thấy sáng kiến này là hay và xin tham gia khiến nhiều nước khác cũng muốn nhập cuộc vì kinh tế Mỹ có sức tiêu thụ cao nhất. Vì vậy, có 12 quốc gia xúc tiến việc đàm phán với nhau để hoàn thành Hiệp ước TPP vào năm 2015.
Sau hai chục vòng thương thuyết của các chuyên gia thuộc 12 nước, văn kiện cơ bản của Hiệp ước TPP được Quốc hội Hoa Kỳ cứu xét để phê chuẩn theo lời yêu cầu của Tổng thống Barack Obama, là người mất cả năm đắn đo do dự vào năm 2009 trước khi thúc đẩy việc đàm phán. Nào ngờ, đảng Dân Chủ và một số dân biểu nghị sĩ Cộng Hòa thấy ra nhiều điểm bất lợi trong Hiệp ước và từ chối việc phê chuẩn vào năm ngoái, là một năm có cuộc tranh cử Tổng thống Hoa Kỳ. Các ứng cử viên của cuộc tranh cử cũng thấy như vậy, kể cả bà Hillary Clinton bên đảng Dân Chủ là người đã nhiệt liệt cổ võ cho Hiệp ước khi còn là Ngoại trưởng. Kết cục thì Hoa Kỳ bác bỏ Hiệp ước và Tổng thống tân cử là ông Donald Trump hợp thức hóa sự việc khi chính thức ký văn kiện triệt thoái vào ngày 21 Tháng Giêng năm nay.
Vấn đề chính nằm trong những cam kết quá chi tiết của Hiệp ước làm từng nước thành viên sẽ phải sửa đổi lại khuôn khổ luật lệ quốc gia để chấp hành. Vấn đề không là ông Donald Trump.
Nguyên Lam : Thưa ông, sau khi Hoa Kỳ rút lui thì 11 nước còn lại vẫn cố xúc tiến Hiệp ước này nhưng vì sao họ lại gặp trở ngại vào khúc cuối ở tại Đà Nẵng ?
Nguyễn-Xuân Nghĩa : Ngược với quan điểm của đám đông, tôi cho rằng chính Tổng thống Hoa Kỳ lại gián tiếp đưa ra giải đáp lời cho câu hỏi đó.
Tại Thượng đỉnh với các doanh gia của Diễn đàn APEC, như trước đó tại Bắc Kinh, ông Trump nói đại để rằng quốc gia nào cũng có nhiệm vụ thiêng liêng là bảo vệ quyền lợi tối thượng của mình, chứ không nên tin vào những cam kết quốc tế. Khái niệm quốc gia đối nghịch với quốc tế là một khía cạnh đáng chú ý.
Vì vậy, bên lề Thượng đỉnh APEC, trong khi Nhật Bản và Úc cố thúc đẩy các quốc gia còn lại hoàn tất Hiệp ước TPP thì Thủ tướng Canada lại do dự và gây ra biến chuyển nhức tim gần như mỗi nửa ngày. Lý do là nội tình quốc gia của Canada có những chống đối, thí dụ như từ các tỉnh Toronto hay Quebec, ngược với quan điểm của chính quyền trung ương tại thủ đô Ottawa. Họ chống vì quyền lợi của địa phương liên hệ tới nông sản hay sản phẩm gốc sữa từ nay phải cạnh tranh với sản phẩm của New Zealand, hay vì những sản phẩm và dịch vụ liên hệ tới văn hóa và giải trí. Canada còn viện dẫn những ràng buộc ngoại thương với xứ Mexico trong khuôn khổ của một Hiệp ước Tự do Thương mại Bắc Mỹ gọi là NAFTA.
Nguyên Lam : Thưa quý thính giả, quả nhiên là trong các ngày mùng chín, mùng 10 và 11, người ta đã nhức tim theo dõi những biến chuyển của Hiệp ước TPP bên lề Thượng đỉnh APEC mà có lúc dư luận coi là sẽ tiêu vong vì ngoài Canada, nhiều nước cũng nêu ra vấn đề khác. Thưa ông, kết cuộc thì tình hình sẽ ra sao ?
Nguyễn-Xuân Nghĩa : Đúng là hôm mùng chín, Thủ tướng Canada viện cớ nghị trình công tác mà không tham dự buổi họp để ký kết Hiệp ước TPP giữa 11 quốc gia còn lại và Tổng trưởng Kinh tế của Canada xúc tiến việc đàm phán lại để đòi một số thay đổi. Các nước khác cũng thế, họ nhân cơ hội yêu cầu một số thay đổi trong hai ngày sau đó. Tức là khung sườn quốc tế được thỏa thuận sau bảy năm đàm phán giữa 12 nước lại bị những yêu cầu quốc gia phá vỡ. Hiệp ước TPP không yểu tử tại Đà Nẵng mà được hồi sinh sau khi cải danh và cải sửa nội dung. Nó có tên mới là Hiệp ước Toàn diện và Tiến bộ giữa các Đối tác Xuyên Thái Bình Dương, ghi tắt theo Anh ngữ là CPTPP.
Về cụ thể thì có 20 điều khoản trong văn kiện hoàn thành năm 2015 bị hoãn áp dụng, kể cả những quy định liên quan tới các sản phẩm gốc sinh hóa, các thiết bị y tế, thông tin viễn liên và nhất là đầu tư. Mấy chi tiết lắt nhắt ấy cho thấy là các chuyên gia đàm phán một Hiệp ước quốc tế đã muốn chi phối quá nhiều và gây phản ứng dội ngược trong nhiều quốc gia. Còn lại có bốn điều khoản khác chưa được các nước thông qua trước khi Hiệp ước CPTPP thành hình.
Nguyên Lam : Quả thật là vấn đề rắc rối hơn người ta nghĩ lúc ban đầu và nó lại chẳng liên hệ gì đến quan điểm của Hoa Kỳ. Thưa ông, bốn điều khỏan chưa được thông qua là những gì ?
Nguyễn-Xuân Nghĩa : Theo dõi sự kiện từ đầu, chúng ta có thể thấy ba nước chậm tiến nhất của nhóm 12 quốc gia sẽ có lợi nhất nhờ khuôn khổ giao thương giữa 12 nước. Đó là Việt Nam, Malaysia và Tiểu vương quốc Brunei. Nhưng muốn được hưởng lợi như vậy thì họ phải cải tổ cơ chế một cách toàn diện. Bây giờ, khi thấy Hiệp ước TPP gặp trở ngại, ba nước này tìm cách trì hoãn cải cách, đó là ba trong bốn điều khoản chưa được thông qua. Điều khoản thứ tư còn bế tắc thì liên hệ tới Canada vì họ muốn bảo vệ các khu vực văn hóa và giải trí như phim ảnh, truyền hình và ấn loát.
Riêng tôi thì chú ý đến trường hợp của Việt Nam. Dù có Hoa Kỳ hay không, Việt Nam vẫn có lợi khi gia nhập Hiệp ước Đối tác này vì lý do kinh tế lẫn chính trị. Lý do kinh tế là sẽ có thị trường khác để giảm thiểu sự lệ thuộc vào kinh tế Trung Quốc. Lý do chính trị là sẽ cải cách cơ chế cho người dân, công nhân và doanh nghiệp thoát khỏi sự khống chế của đảng, nhà nước và cải thiện từ môi sinh tới điều kiện lao động. Nhưng vì những trục trặc giữa 11 nước còn lại, Hà Nội lại trì hoãn và đẩy lui việc cải cách đó. Các nước kia đều thấy chuyện đáng tiếc này.
Nguyên Lam : Ngay từ đầu, ông đã trích dẫn lời phát biểu của Tổng thống Hoa Kỳ là quốc gia nào cũng phải ưu tiên bảo vệ quyền lợi của mình. Trong hồ sơ TPP hay CPTPP theo tên gọi mới, ta thấy Canada bất ngờ gây khó cho 10 nước vì yêu cầu bảo vệ quyền lợi quốc gia qua sức ép trong nội bộ. Nhưng, khi lợi dụng cơ hội này, phía Việt Nam lại đòi trì hoãn việc cải cách thì điều ấy có lợi cho ai ?
Nguyễn-Xuân Nghĩa : Tôi nghĩ đây mới là điều đáng suy ngẫm. Sau khi Hoa Kỳ rút lui khỏi Hiệp ước TPP và muốn có những đàm phán song phương là tay đôi giữa hai nước với nhau thì Việt Nam cần chuẩn bị cho khung cảnh mới để phần nào giảm thiểu sự lệ thuộc kinh tế với Trung Quốc. Dù Hiệp ước TPP có điểm bất toàn và đòi hỏi quá chi ly làm Hoa Kỳ triệt thoái thì trên đại thể, những yêu cầu cải cách đó cũng có lợi cho người dân. Chúng ta quay trở lại với định nghĩa của quyền lợi quốc gia, đó là quyền lợi của dân tộc. Các quốc gia như Canada, Mexico hoặc New Zealand mà nêu vấn đề về Hiệp ước này là vì quyền lợi của người dân. Vì vậy, Hiệp ước này không tiêu vong mà đang được cải tiến theo yêu cầu thực tế của các nước.
Nhân cơ hội đó, phía Việt Nam lại gài vào những yêu cầu không để bảo vệ quyền lợi của người dân mà để duy trì ách thống trị của lãnh đạo thì ưu tiên không là quyền lợi của dân tộc. Kết cuộc thì Việt Nam vẫn là một nước lạc hậu và để lỡ một cơ hội cải cách.
Nguyên Lam : Trở lại với Hiệp ước TPP giữa 11 nước, ông kết luận như thế nào ?
Nguyễn-Xuân Nghĩa : Tôi nghĩ đến khái niệm hay phạm trù "động lượng", "momentum", nôm na là cái trớn. Các thành viên còn lại của Hiệp ước TPP cần cái trớn để hoàn tất càng sớm càng hay. Nếu tiếp tục cãi cọ về những tiểu tiết thì Hiệp ước này tan vỡ. Kẻ thắng cuộc sẽ là Trung Quốc, một quốc gia gian manh giương cờ tự do mậu dịch mà vẫn bảo hộ mậu dịch để bảo vệ quyền lợi của họ.
Chuyện chính ở đây là quyền lợi của ai ? Các nước dân chủ ưa tranh luận và đổi ý, chính là vì quyền lợi của người dân. Các nước độc tài thì chỉ nhìn vào quyền lợi của tầng lớp thống trị. Việt Nam đang để lỡ một cơ hội và tiếp tục lệ thuộc vào Trung Quốc.
Nguyên Lam : Ban Việt ngữ đài Châu Á Tự Do cùng Nguyên Lam xin cảm tạ kinh tế gia Nguyễn-Xuân Nghĩa về bài phân tích kỳ này.
Nguyên Lam thực hiện
Nguồn : RFA, 14/11/2017
Khi nhìn thấy hoàn cảnh khó khăn của nhiều quốc gia chưa phát triển đang mắc nợ quá nhiều, như Venezuela hay Việt Nam và nhiều xứ khác nữa, người dân có thể tự hỏi là nhà nước nghĩ gì khi quyết định đi vay…. Diễn đàn Kinh tế xin đi ngược về câu hỏi rất cơ bản đó…
Người đàn ông đi xe máy chở gỗ trên một đường cao tốc ở ngoại thành Hà Nội hôm 24/5/2017. AFP
Nguyên Lam : Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do và Nguyên Lam xin kính chào chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa. Thưa ông, nợ công hay "công trái" như ông thường gọi là khối nợ của công quyền. Tại Việt Nam khối nợ ấy đã lên tới mức báo động vì tăng quá nhanh. Nhưng kỳ này, thính giả của chúng ta có lẽ cần trở ngược lên vấn đề nguyên thủy, là nhà nước nghĩ gì khi đi vay để ngày nay Việt Nam lâm vào những khó khăn đó ? Ông nghĩ sao về điều này ?
Nguyễn-Xuân Nghĩa : - Quả thật là chúng ta phải trở lại đầu nguồn với câu hỏi là nhà nước nghĩ gì khi đi vay ? Nếu thiếu tiền phát triển, một quốc gia cần đi vay thì phải tính xem là vay ai. Hai giải pháp cho nhu cầu đó là vay trong nước hay vay ngoại quốc. Từ đấy họ có hai chọn lựa, là vay bằng nội tệ là đồng bạc nội địa của quốc gia, hay bằng ngoại tệ, là đồng tiền của xứ khác. Những giải pháp khá cơ bản ấy có nhiều hậu quả khác biệt mà nhà nước phải tính trước.
- Trước nhất, khi nhà nước vay trong nước bằng nội tệ, là đồng bạc do chính mình phát hành, thì khi phải trả nợ chỉ cần phá giá là nhà nước vẫn coi như hoàn thành nghĩa vụ trả nợ, nhưng với đồng tiền bị mất giá so với khi đi vay. Nhiều xứ lạc hậu vẫn hay nghĩ tới loại giải pháp trưng thu xù nợ ấy và bị khủng hoảng. Thứ hai, khi nhà nước đi vay bằng ngoại tệ thì tránh được biện pháp phá giá hay bơm tiền thật nhiều để trả nợ, nhưng lại gặp vấn đề còn rắc rối hơn.
Nguyên Lam : Ai cũng có thể nghĩ đến bài toán đầu tiên là nếu đi vay thì có thể gặp rủi ro. Ông lại phân biệt hai cách vay là nội tệ và ngoại tệ, rồi nói rằng vấn đề vay bằng ngoại tệ còn rắc rối hơn. Thưa ông, sự rắc rối đó là gì ?
Nguyễn-Xuân Nghĩa : - Khi vay tiền ngoại quốc là vay ngoại tệ, một quốc gia có thể chọn là khoản nợ ấy được yết giá bằng nội tệ, giả dụ như đồng Việt Nam, hay bằng ngoại tệ, tính bằng Mỹ kim chẳng hạn. Và khi vay thì cũng phải tính rằng tiền lời thỏa thuận là bao nhiêu, từ đó ta có hai vấn đề khác, nôm na là tín dụng và ngoại hối, nghĩa là hối đoái.
- Giả thuyết thứ nhất là vay ngoại quốc mà yết giá khoản nợ bằng nội tệ khi khi trả nợ, trị giá của đồng bạc quốc gia sẽ ảnh hưởng đến phân lời phải thanh toán. Nếu đồng bạc mất giá thì tiền lời sẽ đắt hơn, là trường hợp khá phổ biến của các nước nghèo cần đi vay. Và càng phá giá đồng bạc thì càng gây khó cho việc hoàn trái sau này. Đấy là rủi ro tín dụng và lại thành phức tạp hơn khi ta châm thêm một yếu tố bất trắc là tỷ giá hay hối suất giữa nội tệ và ngoại tệ.
- Giả thuyết thứ hai là vay tiền yết giá bằng ngoại tệ. Khi ấy, trị giá tương đối của hai đồng bạc quy thành tỷ giá hay hối suất cũng ảnh hưởng đến việc trả nợ. Giả dụ như quốc gia vay một trăm triệu đô la với phân lời 10% và tỷ giá là 10 ngàn đồng Việt Nam ăn một đô la thì tiền lời phải trả là 10 triệu đô la một năm, tính ra bạc Việt Nam là 100 tỷ bạc. Nếu đồng bạc mất giá, sau này giả dụ như phân nửa, phải 20 ngàn đồng mới ăn một đô la thì khoản tiền lời 10 triệu đô la ấy sẽ tăng gấp đôi nếu tính bằng nội tệ, tức là sẽ thành một khoản chi lớn hơn cho ngân sách quốc gia. Bây giờ, nếu tính đến phần vốn lẫn lời đến kỳ thanh toán thì ta thấy ra vấn đề.
Nguyên Lam : Như ông vừa trình bày thì có lẽ người ta hiểu ra vì sao gánh nợ của Việt Nam là vấn đề khi tỷ giá đồng đô la tăng mạnh từ vài năm nay sẽ làm nghĩa vụ trả nợ lại đắt hơn. Khi ấy câu hỏi đặt ra là mặc dù gặp rủi ro như vậy, vì sao nhà nước vẫn đi vay bằng ngoại tệ ?
Nguyễn-Xuân Nghĩa : - Chúng ta có thể thấy vài ba lý do. Thứ nhất, khả năng cho vay trong nước tùy vào khả năng tiết kiệm, sức huy động ký thác và tiền lời cho vay. Ký thác thấp, tiền lời cao với áp lực lạm phát mạnh khiến việc vay tiền trong nước bị giới hạn, như ta đã thấy mấy năm trước. Thứ hai, nhà nước lại coi trọng chỉ tiêu tăng trưởng và đòi bơm thêm tín dụng mà thu hút ký thác không đủ vì lãi suất huy động quá thấp và lãi suất thực của việc đi vay lại quá cao nếu kể thêm các lệ phí thực chất là loại trưng thu phải thanh toán cho các ngân hàng, vì vậy nhà nước tưởng khôn vẫn cho phép doanh nghiệp đi vay bằng ngoại tệ.
- Thứ ba, trong hoàn cảnh yếu kém của hệ thống ngân hàng nói chung, như chúng ta đang thấy ngày nay, mà nhà nước vẫn muốn bơm tín dụng để kích thích sản xuất bất kể tới phẩm chất thì các ngân hàng hay doanh nghiệp của nhà nước được khuyến khích đi vay bằng ngoại tệ, nhất là khi lãi suất trên thế giới giảm mạnh từ mươi năm nay. Và sau cùng, trong khi tư nhân khó được vay bằng ngoại tệ, các chủ nợ ngoại quốc vẫn tin là chính nhà nước bảo lãnh các khoản nợ này nên dễ cho vay hơn. Kết cuộc thì ngân hàng vay ngoại quốc với phân lời thấp và cho bên trong vay lại bằng nội tệ với lãi suất cao và doanh nghiệp nhân danh nhà nước thì càng vay mạnh hơn để đưa vào các dự án kém hiệu năng. Nhưng hậu quá đáng ngại của ngần ấy lý do là nhà nước đi vay với rủi ro dài hạn để có mức tăng trưởng ngắn hạn hàng năm rồi sẽ có ngày tính sổ, là lúc này, vì phải trả nợ đắt hơn trong khi khối dự trữ ngoại tệ thật ra vẫn còn giới hạn.
Nguyên Lam : Nếu vậy thì việc nhà nước đi vay tưởng như vì lý do kinh tế lại có thể phức tạp hơn vì chỉ tiêu tăng trưởng ở trên đưa xuống nhằm kích thích đầu tư và đi vay qua nhiều, khi Ngân hàng Nhà nước không được rộng quyền nâng lãi suất để tăng huy động ký thác trong nước. Thưa ông, phải chăng chính trị vẫn là yếu tố then chốt mà sau cùng thì quy luật kinh tế phản hồi lại nên sẽ gây ra vấn đề tài chính ?
Nguyễn-Xuân Nghĩa : - Chúng ta thấy hiện tượng này với một kích thước lớn hơn, đó là tại Trung Quốc khi nhà nước, doanh nghiệp lẫn cơ sở tài chính hay các hộ gia đình đều mắc nợ rất nhiều và nhanh để có được mức tăng trưởng cao. Đấy là một trong những bài toàn lớn của xứ này, nhưng họ vẫn còn một khối dự trữ ngoại tệ đáng kể khả dĩtrì hoãn được cái giờ tính sổ, với cái giá phải trả sẽ cao hơn sau này. Lãnh đạo Bắc Kinh hiểu chuyện ấy và đang ra sức giải quyết trong khi người ta chưa biết lãnh đạo Hà Nội tính sao sau khi đã vay quá trớn.
- Dư luận cứ chỉ nói đến khoản nợ công của chính phủ, chứ còn khoản nợ của doanh nghiệp hay cơ sở quốc doanh, bằng nội tệ hay ngoại tệ, là bao nhiêu thì cũng chẳng có thống kê chính xác. Bên trong các khoản nợ này thì tỷ lệ nợ xấu là bao nhiêu có lẽ cũng khó ai biết. Rốt cuộc thì đấy mới là những khoản nợ thật mà toàn dân sẽ phải trả sau này, dưới hình thức thuế khóa, phá giá hay lạm phát và sau cùng là vỡ nợ. Vì vậy chương trình của chúng ta mới khởi đầu với câu hỏi là nhà nước nghĩ gì khi đi vay.
Nguyên Lam : Nếu vậy, thưa ông nhà nước có thể gặp bài toán nan giải là làm sao giữ cho đồng bạc khỏi mất giá khi được giàng giá vào đồng đô la Mỹ trong một biên độ nhất định, trong khi vẫn cần bơm tín dụng vào kinh tế mà không gây ra lạm phát vì làm đồng tiền sụt giá ?
Nguyễn-Xuân Nghĩa :- Thưa đấy mới là vấn đề ! Nếu muốn tránh lạm phát và giữ giá đồng bạc thì ngân hàng trung ương có thể nâng lãi suất và trả tiền lời ký thác cao hơn để thu hút nhưng lại không kích thích được sản xuất để đạt chỉ tiêu tăng trưởng của nhà nước. Vì muốn làm tất cả hoặc vì không giải quyết nổi bài toán lưỡng nan đó, người ta tìm giải pháp dễ là vay tiền ngoại quốc khi thấy lãi suất quá thấp tại Hoa Kỳ làm tiền Mỹ quá rẻ và dễ vay. Thề rồi vay về lại không xài vào nơi đích đáng, có khi còn dồn vào những quả đấm thép mềm oặt của hệ thống quốc doanh, ngày nay mới khó trả nợ. Khi cùng quẫn thì người ta có thể sáng tạo ra nhiều cách trì hoãn, như phá giá, vét vàng, thậm chí quỵt một phần nợ hoặc bày trò đổi tiền. Nhưng đấy cũng là những liều thuốc đổ bệnh mà chúng ta sẽ sớm thấy ra !
Nguyên Lam : Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do cùng Nguyên Lam xin cảm tạ kinh tế gia Nguyễn-Xuân Nghĩa về bài phân tích kỳ này.
Nguyên Lam thực hiện
Nguồn : RFA, 08/11/2017