Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

13/12/2017

Ấn Độ vọng Đông vào ASEAN

Nguyễn Xuân Nghĩa

Kỷ niệm 25 năm thiết lập quan hệ với Hiệp hội ASEAN của 10 nước Đông Nam Á, tuần qua, chính quyền Ấn Độ thông báo việc mở ra một tín khoản trị giá một tỷ đô la để thực hiện các dự án nối kết hạ tầng và một qũy phát triển các trung tâm chế biến tại Cam Bốt, Lào, Miến Điện và Việt Nam. Sau đây, Diễn đàn Kinh tế sẽ tìm hiểu về chiến lược của Ấn Độ tại Đông Nam Á…

ando1

(Từ trái qua) Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-O-Cha, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte và Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long chụp hình nhân thượng đỉnh ASEAN Ấn Độ lần thứ 15 ở Manila hôm 14/11/2017 - AFP

Nguyên Lam : Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do và Nguyên Lam xin kính chào chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa. Thưa ông, trước đà bành trướng rất đáng quan ngại của Trung Quốc tại vùng biển Đông Nam Á, dư luận quốc tế lại không mấy chú ý tới việc Ấn Độ cũng cố tranh thủ các bạn hàng trong Hiệp hội ASEAN của 10 quốc gia Đông Nam Á. Vì vậy, người ta ít nói đến sáng kiến mới đây của Ấn tại thủ đô New Delhi là cung cấp một ngân khoản tín dụng trị giá một tỷ đô la và thành lập một quỹ phát triển các dự án chế biến tại Việt Nam, Miến Điện và hai nước Miên và Lào. Tuần này, Diễn đàn Kinh tế xin đề nghị ông phân tích những động thái đó của nước Ấn Độ.

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Quả thật là các nước Tây phương ít chú ý đến tiềm năng và vai trò của Ấn Độ tại khu vực Đông Nam Á vì chỉ thấy sự lớn mạnh của kinh tế Trung Quốc đi cùng mối đe dọa về quân sự của Bắc Kinh. Chúng ta sẽ trở lại bối cảnh sâu xa của sự việc rồi mới phân tích hậu quả lâu dài của các chuyển động lớn. Khu vực Á Châu đa diện và phức tạp có ba nền văn hóa lâu đời của Ấn Độ, Trung Hoa và thứ ba là tập hợp Hồi giáo trên các nước quần đảo, trong đó, hai cường quốc lục địa có ảnh hưởng nhất vẫn là Trung Hoa và Ấn Độ. Hai nước láng giềng này có biên giới cách trở do địa dư hình thể trong khu vực Châu Á mà vẫn chi phối nhau về kinh tế lẫn văn hóa trước khi các nước Âu Châu xuất hiện và khống chế khu vực.

Trong thế kỷ 20, Âu Châu lên tới đỉnh cao và bắt đầu suy sụp từ Thế chiến II, để lại một khuôn khổ tương tác mới giữa các nước Á Châu. Sau 30 năm đầu lâm vào khủng hoảng vì chính sách duy ý chí của Mao Trạch Đông kể từ năm 1949, thì Trung Quốc đã tiến hành cải cách từ những năm 1979 trở về sau. Còn Ấn Độ được độc lập từ Đế quốc Anh vào năm 1947 cũng chẳng phát triển mạnh về kinh tế vì bị ràng buộc vào chủ trương bao cấp của kinh tế xã hội chủ nghĩa cho tới năm 1991 mới bắt đầu thay đổi. Nhưng khác biệt quan trọng hơn vậy là xứ Ấn Độ lại thiết lập chế độ dân chủ, còn Trung Quốc thì vẫn theo ách độc tài…

Nguyên Lam : Thưa quý thính giả, kinh tế gia Nguyễn-Xuân Nghĩa thường dẫn chúng ta trở về bối cảnh khá sâu xa trong quá khứ rồi mới dần dần giải thích các chuyển động đang xảy ra trước mắt. Thưa ông, phải chăng là ngày nay ta chứng kiến sự tranh đua giữa hai cường quốc lục địa là Trung Quốc và Ấn Độ mà một địa bàn tranh đua ấy chính là khu vực Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Thưa rằng đúng, vì Trung Quốc cải cách trước Ấn Độ hơn chục năm nên khởi phát rất nhanh trong 30 năm đầu với đà tăng trưởng hơn 10% một năm, và nay bước vào giai đoạn đình trệ tương tự các nước Đông Á đi trước. Còn Ấn Độ chỉ nhập cuộc từ 1991 nhưng có dân số trẻ hơn trên nền tảng dân chủ đa nguyên nên sẽ vượt qua Trung Quốc. Đấy là chuyện lâu dài sau này.

Nhưng trước mắt, cả hai cường quốc này đều muốn tranh thủ các nước trong khu vực Đông Nam Á vì một lý do địa dư khác. Trên lục địa Á Châu, hai nước láng giềng này tiếp cận với nhau trên những vùng hiểm trở, cách ngỡ và chỉ có thế tác động qua các lân bang như Nepal, Bhutan hay Tây Tạng, trong khi việc giao lưu về kinh tế lẫn yếu tố an ninh lại phát triển ngoài biển. Vì vậy, vùng biển Đông Nam Á mới là địa bàn then chốt. Y như Bắc Kinh, lãnh đạo Ấn Độ sớm thấy ra điều ấy nên đã thiết lập quan hệ mang tính chất chiến lược với Hiệp hội ASEAN từ năm 2002. Ngày nay, họ khai triển chiến lược ấy ra chính sách mà ta gọi là  "Vọng Đông", tiến về hướng Đông, để nối liền Ấn Độ Dương với Thái Bình Dương…

Nguyên Lam : Nhưng thưa ông, nếu Trung Quốc đã có sáng kiến xây dựng Con Đường Tơ Lụa, gọi là Nhất Đới Nhất Lộ, với sự hỗ trợ của Ngân hàng Đầu Tư Hạ Tầng Châu Á có trăm tỷ đô la thì việc Ấn Độ mở ra tín khoản chỉ có một tỷ đô la thì có ý nghĩa gì không?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Có lẽ ta nên nhìn vào chiều hướng trường kỳ. Lãnh đạo Ấn Độ đã đề nghị tổ chức thượng đỉnh với các nước ASEAN từ 15 năm trước, đã ký kết hiệp định tự do thương mại với ASEAN từ năm 2009 và ngày nay, luồng giao dịch ngoại thương giữa đôi bên đã vượt quá 70 tỷ đô la. Với thế hệ lãnh đạo mới kết tụ quanh Chính quyền của Thủ tướng Narendra Modi, trào lưu ấy sẽ còn phát triển mạnh hơn sau khi ông Modi tiến hành cải cách kinh tế ở bên trong và đang được quần chúng triệt để ủng hộ. Ở bên kia, Chính quyền Tập Cận Bình đang phải ưu tiên giải quyết những mâu thuẫn cơ bản ở bên trong, về cả an ninh lẫn kinh tế, cho nên các quốc gia Đông Nam Á có một cơ hội nhìn lại quan hệ với hai cường quốc này. Việc Ấn Độ tổ chức Thượng đỉnh với ASEAN trong hai ngày 11 và 12 tháng này nằm trong chiều hướng chiến lược đó.

Nguyên Lam : Nếu như vậy, theo ông nhận xét thì các nước Đông Nam Á đang có một cơ hội mới hay không ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Sau nhiều năm cân nhắc về sáng kiến Nhất Đới Nhất Lộ của Bắc Kinh, nhiều nước Đông Nam Á có thể phân vân về khía cạnh an ninh của sáng kiến đó. Chúng ta đã thấy ra một số trở ngại thực tế trong các dự án của Trung Quốc, ngay với một quốc gia đồng minh là Pakistan. Trong khi đó, đề nghị của Ấn Độ về việc xây dựng hạ tầng vận chuyển cho Đông Nam Á lại không có nội dung đe dọa về an ninh như trường hợp Trung Quốc vì Ấn Độ không nuôi tham vọng bành trướng theo kiểu gọi là "Xâu Chuỗi Ngọc Trai" của Bắc Kinh trên eo biển và các quần đảo Đông Nam Á qua Trung Đông và Bắc Phi tới Âu Châu. Chuyện thứ hai cũng đáng chú ý không kém là vai trò của Nhật Bản.

Chính Nhật Bản đã hỗ trợ Ấn Độ trong việc tổ chức thượng đỉnh tuần này tại New Delhi. Dù chẳng ai chính thức nói ra, các quốc gia trong khu vực đều hiểu ra mối nguy trong sáng kiến Nhất Đới Nhất Lộ của Bắc Kinh, với sáu "tẩu lang kinh tế" trên lục địa và các dự án nối kết khu vực Đông Nam Á với Trung Đông và Âu Châu. Bây giờ, khi một cường quốc bán đảo là Ấn Độ và một cường quốc quần đảo là Nhật Bản lại liên thủ với nhau, từ Ấn Độ Dương qua Thái Bình Dương, bắc ngang khu vực Đông Nam Á, chúng ta đang thấy một chuyển động còn lớn hơn tín khỏan một tỷ đô la của Ấn Độ.

Nguyên Lam : Thưa ông, khi tổng kết lại các sáng kiến gần xa của Trung Quốc, Ấn Độ hay Nhật Bản, các nước Đông Nam Á có thể kết luận như thế nào ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Việc phát triển kinh tế quốc gia tùy thuộc vào khả năng thực hiện các dự án cụ thể. Khi thẩm định giá trị của từng dự án, lãnh đạo kinh tế của các nước không nên chỉ tập trung vào khía cạnh lời lỗ mà còn phải đặt dự án, chương trình hay kế hoạch, vào khuôn khổ rộng lớn về an ninh, nhất là trong các dự án xây dựng hạ tầng như cầu đường, hỏa xa, bến cảng hay phi trường, v.v…

Trên đại thể như vậy, các quốc gia Đông Nam Á cần suy nghĩ xem sáng kiến của Ấn Độ và Nhật Bản qua diễn đàn đối thoại và hợp tác giữa hai cường quốc này có đặc điểm gì là nổi bật ? Ấn Độ cần giải phóng tiềm lực của khu vực Đông Bắc có tính chất chiến lược vì tiếp cận với Trung Quốc, chẳng khác gì các dự án hạ tầng của Trung Quốc nhằm giải phóng các tỉnh bị khóa trong lục địa, từ Vân Nam, Quý Châu đến Tân Cương, Nhật Bản đóng góp một vai trò quan trọng cho các dự án đó của Ấn Độ. Nhưng kế hoạch phát triển giữa hai nước cũng bao trùm lên khu vực Đông Nam Á. Việc ba nước Việt, Miên và Miến trong khối ASEAN cùng tham dự hội nghị tuần này tại New Delhi cho thấy là họ hiểu rõ cục diện và  tham vọng của Bắc Kinh nên muốn mở rộng việc hợp tác với Ấn Độ và Nhật Bản.

Nguyên Lam : Khi tổng kết lại, có lẽ chúng ta sẽ không nhìn vào sáng kiến trị giá một tỷ đô la của Ấn Độ mà nên nhìn vào một khung cảnh lâu dài và rộng lớn hơn. Thưa ông, khung cảnh đó là gì ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Tôi xin được nhắc lại là Ấn Độ đã có sáng kiến phát triển quan hệ với các nước ASEAN từ năm 2002 và Nhật Bản đề nghị thế hợp tác từ Ấn Độ Dương qua Thái Bình Dương từ năm 2007. Những chuyện ấy ngày nay mới thành hình, những trên một cái trớn khác. Họ đều nhìn ra và thực hiện việc đó trước khi Trung Quốc trở thành mối lo cho các nước. Chưa nói gì đến Hoa Kỳ hay Úc trong cái thế tứ giác Ấn-Nhật-Úc-Mỹ đang thành hình trước mắt chúng ta thì các quốc gia Đông Nam Á cũng có một cơ hội ra khỏi bóng rợp của Trung Quốc.

Nguyên Lam : Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do cùng Nguyên Lam xin cảm tạ kinh tế gia Nguyễn-Xuân Nghĩa về bài phân tích kỳ này.

Nguyên Lam thực hiện

Nguồn : RFA, 12/12/2017 

Quay lại trang chủ
Read 651 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)