Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

05/12/2017

Kinh tế "phi thị trường"

Nguyễn Xuân Nghĩa

Hôm thứ Năm 30 tháng 11, Hoa Kỳ công bố quyết định đã đệ nạp Tổ chức Thương mại Thế giới hai tuần trước là không chấp nhận cho Trung Quốc được hưởng quy chế kinh tế thị trường. Lập tức Bộ ngoại giao Bắc Kinh phàn nàn về quyết định ấy, gọi đó là sáng kiến của vài nước trong thời Chiến Tranh Lạnh chứ không nằm trong quy định của tổ chức WTO. Diễn đàn Kinh tế sẽ tìm hiểu về hồ sơ này.

kt1

Người Trung Quốc mua hàng ở một siêu thị tại Bắc Kinh hôm 21/11/2017.  AFP

Nguyên Lam : Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do và Nguyên Lam xin kính chào chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa. Thưa ông, việc Hoa Kỳ không chấp nhận cho Trung Quốc được hưởng quy chế kinh tế thị trường có ý nghĩa là gì và sẽ có hậu quả ra sao mà Bộ ngoại giao Bắc Kinh lại phản đối và còn nhắc đến chuyện Chiến Tranh Lạnh ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa :  Thật ra không chỉ có Hoa Kỳ mà Liên Hiệp Châu Âu và Nhật Bản cũng có cùng quan điểm như vậy.

Về bối cảnh gần thì chuyện này xuất phát từ một khiếu nại của Liên Âu hồi tháng Ba sau khi Trung Quốc viện dẫn Hiến ước Gia nhập Tổ chức WTO từ 15 năm trước, rằng sau 15 năm giao thời, họ phải được hưởng quy chế kinh tế thị trường và không bị điều tra về tội trợ giá hàng xuất khẩu. Lần này, với tư cách là thành phần thứ ba trong vụ kiện tụng giữa Trung Quốc và Liên Âu, Hoa Kỳ chính thức nêu quan điểm và đứng cùng phe Âu Châu và Nhật Bản.

Về bối cảnh xa thì khi gia nhập Tổ chức WTO từ ngày 11 tháng 12 năm 2001, Trung Quốc viện dẫn hoàn cảnh của mình mà xin được 15 năm chuyển tiếp. Kỳ hạn đó đã chấm dứt từ tháng 12 năm ngoái và Bắc Kinh cho rằng ngày nay, họ đương nhiên có nền kinh tế thị trường chứ không thể bị một số thành viên khác của WTO bác khước. Nhưng thật ra họ suy diễn sai những quy định ban đầu vì vậy, ba khối kinh tế Âu-Mỹ-Nhật mới có chung một lập trường. Việt Nam nên theo dõi chuyện ấy vì khi gia nhập WTO cũng xin một thời gian chuyển tiếp là 18 năm và coi là có lợi hơn Trung Quốc, kỳ hạn đó sẽ kết thúc ngày 11 tháng Giêng năm 2025.

Nguyên Lam : Chuyện này hơi rắc rối nên Nguyên Lam xin đề nghị ông trình bày cho chi tiết.

Nguyễn-Xuân Nghĩa :  Truyền thông không nắm vững vấn đề và vì ghét Mỹ hoặc phục Tầu cứ ca tụng Trung Quốc nay là vô địch về kinh tế thị trường và chủ trương toàn cầu hóa trong khi lãnh đạo xứ này vẫn tiếp tục can thiệp vào kinh tế và chưa có quy chế kinh tế trị trường.

Đầu đuôi câu chuyện là khi xin gia nhập WTO vào năm 2001, Bắc Kinh yêu cầu có 15 năm cải cách để tiến tới trình độ ấy mà thật ra chẳng làm gì nên từ tháng Năm năm ngoái, họ bị Nghị Viện Âu Châu biểu quyết với 546 phiếu từ chối công nhận với là đã có kinh tế thị trường và còn nộp đơn khiếu nại Bắc Kinh phá giá 56 mặt hàng xuất khẩu nên gây thiệt hại cho kinh tế và công nhân Âu Châu. Họ nêu năm lý do cụ thể và bây giờ Hoa Kỳ ủng hộ lập trường đó nên Bắc Kinh mới kêu trời.

Nguyên Lam : Thưa ông năm lý do đó là gì ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Khi xin gia nhập thì Bắc Kinh phải chấp hành nhiều điều kiện cải cách mà nay vẫn chưa có.

Thứ nhất Nhà nước Trung Quốc còn trực tiếp can thiệp vào hoạt động của nền kinh tế.

Thứ hai là khả năng sản xuất thừa quá lớn của Trung Quốc, như trong khu vực luyện kim rồi bán quá rẻ ra ngoài.

Thứ ba là việc sản xuất dư thừa này xuất phát từ chính sách trợ giá, không phản ảnh quy luật cung cầu của một nền kinh tế thị trường.

Thứ tư Bắc Kinh không để thị trường phân phối phương tiện sản xuất một cách công bằng và tự do mà mặc nhiên yểm trợ các tập đoàn kinh tế nhà nước với tín dụng ưu đãi, khi tư doanh phải vay với giá cao hơn.

Thứ năm, tương tự Hoa Kỳ, Liên Âu đòi Trung Quốc phải tôn trọng các quyền sở hữu cơ bản và mở cửa thị trường theo nguyên tắc sòng phẳng chứ không được bảo vệ như hiện nay. Âu Châu nêu vấn đề từ khi ông Donald Trump còn đang tranh cử năm ngoái và chủ trương "Hoa Kỳ trên hết" chưa là quốc sách của nước Mỹ.

Nguyên Lam : Nhưng thưa ông, vì sao Bắc Kinh lại nhắc đến Chiến Tranh Lạnh khi phản đối quyết định của Hoa Kỳ ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Họ chỉ chứng tỏ là bị điểm trúng huyệt ! Hoa Kỳ là quốc gia phát huy kinh tế thị trường, tức là Nhà nước không can thiệp vào giao dịch của thị trường mà để quy luật cung cầu được tự do vận hành. Từ triết lý kinh tế chính trị đó, Hoa Kỳ mới chấp nhận "quy chế tối huệ quốc" – sau này được gọi là "quy chế thương mại bình thường" – cho các quốc gia áp dụng quy luật tự do của thị trường được dễ dàng buôn bán với Mỹ.

Thời Chiến tranh lạnh, Đạo luật Thương mại của Hoa Kỳ năm 1974 đưa ra một số điều kiện đặc miễn cho các nước cộng sản theo kinh tế tập trung kế hoạch, tức là không theo kinh tế thị trường khi mua bán với Hoa Kỳ. Trong mục tiêu chính trị, các điều kiện miễn cách đặc biệt ấy cho các nền kinh tế không theo quy luật thị trường vẫn được dễ dàng bán hàng vào Mỹ mà không bị rào cản về thuế nhập nội hay hạn ngạch. Tuy nhiên, doanh nghiệp Mỹ có thể bị thiệt hại vì hàng nhập vào thị trường nội địa quá rẻ hay được trợ giá từ các nền kinh tế phi thị trường.

Vì vậy Hoa Kỳ có thêm đạo luật cho phép các doanh nghiệp bị thiệt hại được quyền khiếu nại và có biện pháp trả đũa nếu chứng minh rằng họ bị cạnh tranh bất chính. Khi thương thuyết việc các nước gia nhập Tổ Chức WTO, Hoa Kỳ có chấp nhận cho một số quốc gia được duy trì chế độ kinh tế phi thị trường trong một thời khoảng nhất định. Nhưng trong thời khoảng ân hạn đó, các quốc gia này vẫn có thể bị doanh nghiệp Mỹ khiếu nại và đòi áp dụng biện pháp trả đũa nếu chứng minh là họ bị thiệt hại.

Nguyên Lam : Thưa ông, sau thời gian ân hạn đó, thí dụ như 15 năm cho Trung Quốc và 18 năm cho Việt Nam thì tình hình có gì thay đổi không ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Quốc gia nào cũng muốn bán hàng vào thị trường tiêu thụ quá lớn của Hoa Kỳ mà quên rằng nước Mỹ cũng có một hệ thống luật pháp cực kỳ tinh vi và rắc rối ! Các nước đòi lừa Mỹ bị mắc bẫy mà cứ tưởng khôn ! Họ tưởng khôn khi yêu cầu thời gian chuyển tiếp để cải cách theo quy luật thị trường mà thật ra chẳng cải sửa gì vì Đảng và Nhà nước vẫn kiểm soát kinh tế để xây dựng chế độ Tư bản Nhà nước và tiếp tục thao túng thị trường.

Nhưng họ mắc bẫy vì khoản 15 trong Hiến ước gia nhập Tổ chức WTO mà Bộ ngoại giao Bắc Kinh vừa nhắc tới. Khoản 15 này quy định là trong thời gian đặc miễn, nếu doanh nghiệp của các thành viên khác mà bị thiệt hại vì cạnh tranh bất chính thì họ có quyền khiếu nại và yêu cầu Chính quyền ban hành biện pháp trả đũa. Khi chứng minh rằng họ bị thiệt hại thì các doanh nghiệp khỏi cần điều tra từng tiêu chuẩn rắc rối về hối đoái, lương bổng, việc trợ giá, v.v… mà chỉ áp dụng phép ứng trắc, là trắc nghiệm hiệu ứng, vào một nền kinh tế tương tự cũng đủ kết án. Và Trung Quốc hay thành viên vi phạm phải mất tiền chứng minh ngược lại, rằng họ không thao túng thị trường.

Đã vậy, từ năm 2012, giới luật sư Mỹ về thương mại còn tìm ra cách suy diễn khoản 15 này : Sau thời gian đặc miễn, Hoa Kỳ và Liên Âu hay các thành viên khác mà bị thiệt hại vì cạnh tranh bất chính của chế độ kinh tế phi thị trường thì vẫn có thể kiện và đòi áp dụng biện pháp trả đũa. Khác biệt duy nhất là lần này thì họ phải gánh chịu việc chứng minh là có cạnh tranh bất chính. Trong vụ Trung Quốc bị Liên Âu và Hoa Kỳ khiếu nại vì chưa có nền kinh tế thị trường, người ta cứ nhắc đến Khoản 15 mà không chú ý đến cái bẫy ở trong. Với ông Donald Trump, các doanh nghiệp Mỹ mà bị thiệt hại và cần khiếu nại thì sẽ dễ được Chính quyền yểm trợ hơn.

Nguyên Lam : Ít ai ngờ câu chuyện kinh tế này lại ly kỳ và lý thú như vậy. Thưa ông, chúng ta có thể kết luận thế nào về vụ này ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Trung Quốc tưởng đã có kinh tế đủ mạnh để xây dựng một trật tự mới có thể lật đổ và thay thế trật tự Tây phương, từ kinh tế qua quân sự. Sự thật thì bên trong họ chưa giải quyết được bài toán quản lý kinh tế.

Việc chuyển hướng hứa hẹn từ Hội nghị Ba của Ban chấp hành trung ương Khóa 18 vào cuối năm 2013 còn bị đẩy lui và sau Đại hội Khóa 19 vào tháng trước, chế độ còn can thiệp mạnh hơn vào kinh tế như chúng ta đã thấy. Bên ngoài thì họ chẳng tôn trọng những cam kết quốc tế, điển hình là Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển hoặc phán quyết của Tòa án Trọng tài Quốc tế vào năm ngoái. Cho nên, nếu họ có bị hệ thống luật lệ rất tinh vi của Hoa Kỳ đẩy vào chân tường với quy chế phi thị trường – thực chất là phi cầm phi thú và chẳng giống ai – thì đấy cũng là bài học.

Chúng ta cũng chẳng nên quên là ngay sau khi gia nhập Tổ chức WTO vào ngày 11 tháng 12 năm 2001, Trung Quốc đã hăm dọa sẽ kiện Nhật Bản về những hạn chế nhập khẩu loại nấm shintake mà ta hay gọi là nấm hương hoặc nấm đông cô.

Bắc Kinh muốn lợi dụng cơ chế WTO để bành trướng ảnh hưởng kinh tế với các quốc gia đang phát triển, nhưng các nước công nghiệp hóa không dễ gì để cho họ lũng đoạn như vậy. Vì thế, những mâu thuẫn về mậu dịch sẽ chỉ tăng chứ khó giảm và với đà tăng trưởng đang giảm sút, Bắc Kinh càng cần xuất khẩu thì càng gặp phản ứng trả đũa của các nước khác, như Hoa Kỳ, Âu Châu, Nhật Bản và cả Ấn Độ.

Nguyên Lam : Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do cùng Nguyên Lam xin cảm tạ kinh tế gia Nguyễn-Xuân Nghĩa về bài phân tích kỳ này.

Nguyên Lam thực hiện

Nguồn : VOA, 05/12/2017

Quay lại trang chủ
Read 699 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)