Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

05/12/2017

Chuyện dài BOT Cai Lậy

RFA tiếng Việt

Mời độc giả theo dõi loạt bài 4 kỳ về BOT Cai Lậy sau đây.

Bài 1

BOT Cai Lậy : Không hề quan tâm ý kiến người dân khi chuẩn bị dự án

Kính Hòa, RFA, 04/12/2017

Ngày 4 tháng 12/2017, sau cuộc họp giữa người có trách nhiệm cao nhất của Chính phủ là Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với những giới chức có trách nhiệm, trạm thu phí BOT Cai Lậy bị dừng hoạt động trong 30 ngày để chờ quyết định mới.

bot1

Cảnh sát cơ động được huy động trong ngày 30/11 tại trạm BOT Cai Lậy.

Trạm này bị giới lái xe và dân chúng cho rằng đã đặt sai chỗ để chận tất cả xe cộ đi ngang quốc lộ 1A đoạn Cai Lậy, và giá thu phí quá đắt.

Tất cả những điều này người dân đều không biết trong thời gian dự án này được thiết kế và xây dựng.

Điều này dẫn đến việc lái xe qua trạm này đã đồng tình phản kháng bằng cách dùng tiền lẻ để trả phí gây ra một cuộc khủng hoảng kéo dài tròn bốn tháng.

Ý kiến của các cộng đồng dân cư có liên quan được nhìn nhận như thế nào trong các dự án kinh tế xã hội ở Việt Nam hiện nay ?

Ông Nguyễn Minh Nhị, nguyên Chủ tịch Tỉnh An Giang nói với chúng tôi về trạm BOT Cai Lậy :

"Chuyện này trước hết là người dân tại chỗ phải biết, chính quyền tại chỗ phải thông, thứ ba là đại biểu của dân, tức là Hội đồng nhân dân và Quốc hội phải được biết mấy chuyện này, chứ bây giờ mù tịt hết trơn. Biết ở đây là biết cái cách làm, rồi biết giá cả của nó".

Thông tin về cách làm trạm BOT Cai Lậy chỉ được báo chí Việt Nam đưa ra vào đầu tháng 12/2017 sau nhiều lần căng thẳng, kẹt xe kéo dài do phản kháng của giới lái xe.

Theo Báo Tuổi Trẻ Thành phố Hồ Chí Minh ngày 4 tháng 12 thì Bộ giao thông vận tải đã không đặt trạm thu phí trên tuyến đường tránh được chủ đầu tư xây dựng, mà lại đặt ngay trên quốc lộ số 1 băng ngang thị xã Cai Lậy là một con đường cũ, lại được trải thêm nhựa để hợp thức hóa việc đặt trạm ở đây.

Việc đặt trạm sai vị trí, cũng như giá cả qua trạm đều chỉ được công bố khi trạm bắt đầu hoạt động vào ngày 1 tháng Tám, năm 2017, lúc ấy người dân mới vỡ lẽ ra rằng trạm đặt sai vị trí, và giá thu phí quá mắc.

Theo những người chúng tôi hỏi ý kiến, nếu như trong quá trình thiết kế và xây dựng dự án, các thành phần dân chúng được lắng nghe, và họ được bàn bạc để đi đến quyết định dự án phải được thực hiện như thế nào thì cuộc khủng hoảng Cai Lậy hẳn đã không xảy ra.

Vậy việc lấy ý kiến của dân chúng trong các dự án kinh tế xã hội có được pháp luật Việt Nam qui định hay không ?

Ông Trần Quốc Thuận, nguyên chánh văn phòng Quốc hội Việt Nam cho chúng tôi biết :

"Các dự án dân sinh tự làm ở nông thôn thì có sự tham gia ý kiến của người dân, còn những cái do nhà nước làm thì có tham vấn nhưng không phải là qui định bắt buộc, cho nên đó cũng là qui định của pháp luật. Còn chuyện thiếu tham khảo thì đó là điều rất là đáng tiếc, rất là đáng trách, vừa qua trên thực tế thì họ có hỏi chính quyền nhân dân, hỏi chính quyền địa phương, nhưng các vị đó làm không hết trách nhiệm của mình, dễ dãi thông qua".

Như vậy các dự án như dự án BOT Cai Lậy cũng được khuyến nghị là có phần tham vấn ý kiến dân chúng, mặc dầu không bắt buộc.

Việc tham vấn này được thực hiện như thế nào ?

Theo thông tin của Báo Tuổi Trẻ, thì vào ngày 28 tháng 10, năm 2013, Bộ Giao thông vận tải, nơi phụ trách các dự án BOT, đã gửi công văn hỏa tốc đến các cơ quan của tỉnh Tiền Giang, đề nghị đặt trạm tại quốc lộ 1 chứ không đặt đúng trên đường tránh. Ngày 4 tháng 11 năm 2013, Hội đồng nhân dân tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh đã trả lời là đồng ý với đề nghị của Bộ giao thông vận tải.

Ông Nguyễn Văn Hùng, trước đây làm Giám đốc Sở Giao thông vận tải của tỉnh Tiền Giang nói với báo chí rằng khi quyết định như vậy các vị có trách nhiệm tại tỉnh Tiền Giang đã không ngờ đến sự phản kháng của dân chúng.

Các viên chức của tỉnh Tiền Giang không hề đề cập đến việc tham vấn ý kiến người dân trong thời gian gần 1 tuần lễ trước khi ra quyết định đồng ý với Bộ Giao thông vận tải.

Một chuyên gia về văn hóa xã hội là Tiến sĩ Nguyễn Thị Hậu nói với chúng tôi :

"Việc tham vấn người dân thì thực ra những dự án đụng chạm đến cộng đồng lớn như vậy là phải có, như là qui hoạch đô thị, di dời,… nhưng hầu như không có đơn vị nào làm, hoặc làm cũng không nghiêm túc, tức là làm thực sự và khoa học. Trong chuyện BOT này thì theo những thông tin tôi biết thì không có BOT nào tham vấn cộng đồng đâu, cộng đồng địa phương, cũng như cộng đồng bị ảnh hưởng nhiều nhất là các doanh nghiệp vận tải trên những con đường có BOT".

Việc một dự án kinh tế xã hội có tác động xấu hay tốt tới các cộng đồng dân cư được gọi là tác động xã hội của một dự án, được đề cập đến trong báo cáo đánh giá tác động môi trường của một dự án, bên cạnh tác động đến thiên nhiên của nó.

Tại Việt Nam tất cả các dự án đều được qui định là phải có báo cáo đánh gia tác động môi trường xã hội, tức là có phần tìm hiểu xem dự án đó ảnh hưởng lên đời sống dân chúng như thế nào. Trong trường hợp dự án BOT Cai Lậy, việc thực hiện dự án này của Bộ giao thông vận tải và nhà đầu tư đã làm ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của một cộng đồng dân cư là các tài xế lái xe, kéo theo đó là ảnh hưởng đến các doanh nghiệp giao thông vận tải. Nhưng điều này đã không được nghiên cứu trước, vì giới lái xe, cũng như các doanh nghiệp giao thông vận tải đã không được hỏi ý kiến.

Thạc sĩ Nguyễn Huỳnh Thuật, từng làm việc cho Vườn quốc gia Nam Cát Tiên, và hiện đang điều hành một khu du lịch sinh thái cạnh Vườn quốc gia nhận xét về thực tế việc lấy ý kiến dân chúng trong các dự án tại Việt Nam :

"Trong cái bản đánh giá tác động môi trường thì người ta vẽ lên là có ý kiến của người dân, nhưng thật sự là không phải, hoặc người ta lấy ý kiến của những người ủng hộ họ do thiếu hiểu biết".

Ông Nguyễn Huỳnh Thuật là người góp phần thúc đẩy việc đình chỉ các dự án thủy điện trên sông Đồng Nai vì tác động tai hại về lâu dài của nó. Ông cho biết là sở dĩ cuộc vận động dừng các dự án thủy điện của ông thành công vì có sức ép của các cơ quan nước ngoài, cũng như ý kiến đó đưa được đến Quốc hội Việt Nam để trình bày. Ông cho biết thêm là ngay cả sau khi tác động của một công trình lên đời sống dân chúng đã thấy được sau khi dự án vận hành, việc phản đối của người dân vẫn còn bị xem nhẹ.

Ông Thuật hy vọng là việc lấy ý kiến của dân chúng trong các dự án phát triển kinh tế xã hội sẽ được thực hiện một cách nghiêm túc hơn. Nếu dự án đó gây hại nhiều đến cuộc sống của dân chúng thì có thể bị dừng lại vì người dân không đồng ý, chứ không phải việc lấy ý kiến chỉ được làm có lệ như hiện nay, hoặc hoàn toàn không có ý kiến người dân như trường hợp BOT Cai Lậy, tạo nên những cuộc khủng hoảng khó giải quyết, vì khi dự án được đưa vào hoạt động mà dân chúng không hề biết chút gì về nó.

https://youtu.be/2T7bq9ZXzuQ

Kính Hòa

*******************

Bài 2

BOT Cai Lậy - Câu chuyện Bó Đũa thời nay

Cát Linh, RFA, 04/12/2017

Lúc 10 giờ tối ngày 4 tháng 12, một cuộc diễu hành reo hò vui mừng của các tài xế diễn ra trước Trung tâm điều hành trạm BOT Cai Lậy. Họ đang hân hoan mừng chiến thắng sau khi Thủ tướng chính phủ quyết định ngừng thu phí 30 ngày.

bot2

Hình ảnh các tài xế "đóng chốt" ở BOT Cai Lậy đêm 4 tháng 12, 2017. Ảnh Trần Tiến cung cấp

Cho dù đây chưa phải là quyết định cuối cùng nhưng hiện tại, kết quả này đang làm nao nức tất cả những ai theo dõi sự việc ở trạm Cai Lậy từ những ngày qua, đặc biệt là "cánh tài xế" đường bộ khu vực miền Nam.

Qua điều này, chúng ta thấy được những gì đã "vỡ" ra từ BOT Cai Lậy ?

‘Anh em 1 nhà’

Thế là bắt đầu từ khuya ngày 4 tháng 12, cánh tài xế mọi miền sẽ không còn phải túc trực 24/24 tại chốt gác Cai Lậy để đòi lại công bằng cho họ. Bốn ngày qua, là bốn ngày mà họ từ những người không quen biết đã trở thành "anh em một nhà", như lời của bác tài Trần Tiến nói với chúng tôi ngay trong đêm 4 tháng 12, tại BOT Cai Lậy.

"Mình thấy rõ ràng là anh em từ khắp nơi đổ lại không ai quen biết ai, cũng không ai là người tổ chức, mỗi người vì 1 cái bức xúc mà tự động người ta bộc phát thôi. Không có tổ chức nào có thể điều người nổi suốt 24 giờ đồng hồ".

bot3

Người dân hò reo vui mừng khi BOT Cai Lậy xả trạm -Courtesy photo

Khi nói lên những ý kiến này, anh Tiến cho biết xung quanh anh hiện đang có rất nhiều tài xế từ khắp nơi đổ về, họ dùng những chiếc võng làm nơi ngả lưng, chỉ chờ chiếc barrier tự động của trạm thu phí mở lên là họ lại tiếp tục ngồi vào xe, mở máy và chiến đấu.

Ngày đầu tiên BOT Cai Lậy thu phí trở lại, bác tài Huỳnh Long vì nhất định không lấy tờ tiền thối 200 đồng của nhân viên thu phí nên không chạy xe qua trạm. Kết quả là cả người và xe "được" cẩu ra khỏi vị trí. Anh Long đi vào Trung tâm điều hành trạm, gặp trực tiếp ông Nguyễn Phú Hiệp, Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn đầu tư Quốc lộ 1 Tiền Giang, chủ đầu tư BOT Cai Lậy, ngồi chờ để đòi cho được 100 đồng tiền nhân viên thu phí chưa thối lại cho anh.

100 đồng có nhiều không mà cứ 1 người, rồi 2 người, rồi nhiều người nữa quyết định đứng chờ để lấy cho được tiền thối lại ?

Không ai có thể phủ nhận 1 đồng cũng là tiền, là mồ hôi nước mắt. Nhưng trường hợp này đối với cánh tài xế, cái họ cần không phải là 100 đồng đó, mà là "công bằng". Vì thời gian của những ngày "đóng chốt" ở BOT Cai Lậy, hoặc chạy mấy trăm cây số từ các tỉnh khác về đó, những gì họ bỏ ra, nhiều gấp ngàn lần tờ tiền 100 đồng thối lại.

Trong đêm 4 tháng 12 tại BOT Cai Lậy, anh Huỳnh Long, người đã nghiễm nhiên trở thành "bác tài nổi tiếng nhất mạng xã hội" theo như cách gọi của mọi người, chia sẻ với chúng tôi về công việc và thời gian của các anh.

"Những tài xế giống như tụi tui đi đòi quyền bình đẳng cho mình thì phải bỏ công ăn việc làm ra, không có thu nhập. Nếu trường hợp mình không nói lên được chính kiến của mình để đòi công bằng thì ngày đó có thể mình cũng có thu nhập vì mình chạy xe mà, đâu có mất đi, chỉ giảm đi 1 chút so với bây giờ".

Bản hòa tấu giữa tài xế và người dân

Theo nhận xét của anh Huỳnh Long, những ngày qua là một sự hợp tác rất chặt chẽ không chỉ riêng cánh tài xế mà còn với người dân địa phương, anh nói.

"Rõ ràng cái việc này theo tôi đánh giá thì anh em tài xế rất đồng lòng thậm chí được người dân xung quanh ủng hộ".

Hình ảnh người dân trong câu chuyện BOT Cai Lậy hiện lên như một hậu phương vững chắc cho cuộc chiến đấu của cánh tài xế, nhịp nhàng, tình cảm và chân thành.

Tình cảm và sự ủng hộ ấy được biểu hiện đơn giản qua những chai nước suối, những cái khăn lạnh trong thời tiết nóng bức của miền Tây. Tình cảm ấy được bà Tám, bà chủ của quán Bà Tám BOT Cai Lậy, hào sảng chia sẻ với chúng tôi vì sao bà bỏ chuyện nhà cửa, bỏ buôn bán hàng tấn lạp xưởng "nức tiếng" ở Cai Lậy của bà để cùng hợp sức với mọi người ?

"Khi mà thu phí lại thì kẹt xe quá, mình thấy bức xúc, mình thấy bà con ngồi trên xe không xuống được để mua nước uống, tự mình bỏ tiền ra mua khoảng mười mấy lốc nước suối với lại khăn lạnh để cho bà con ngồi trên xe chờ qua trạm. Mình bỏ chuyện nhà, bỏ buôn bán để lo không phải vì ảnh hưởng gì cho riêng mình. Ảnh hưởng là ảnh hưởng nhiều người chứ không phải cá nhân mình".

Bà Tám tự hào nói rằng người miền Tây không chỉ sống cho riêng mình. Nếu không cùng hợp sức để bắt buộc chính phủ đưa trạm về đúng tuyến đường tránh thì người dân Cai Lậy phải gánh chịu nhiều thiệt thòi.

"Nếu để kéo dài thời gian, sẽ ảnh hưởng đến miền Tây. Ngày bình thường còn kẹt thế này, ngày lễ, Tết sẽ ra sao ? Năm nay miền Tây mà hàng hóa không xuất khẩu được là bà con sẽ chết hết chứ không sống nổi".

"Những ngày nay mất 4 kí lô, đi hết nổi, chi phí 1 ngày là bạc triệu mua đồ lặt vặt lo cho anh em, nhưng mình không nghĩ gì hết vẫn 1 lòng chung tay góp sức với nhau để đưa cái BOT này vào tuyến tránh đúng vị trí. Bà con ai cũng đồng lòng với tài xế chứ không riêng gì mình".

Sụt mất mấy kí lô trong nhưng Bà Tám BOT Cai Lậy nói rằng chưa bao giờ nhà của bà vui như những ngày qua.

bot4

Quán Bà Tám BOT Cai Lậy Ảnh Trần Tiến cung cấp

Bám trụ ở đất Cai Lậy hàng chục năm qua, hơn ai hết bà hiểu rõ nguồn gốc của Quốc lộ 1 và sự ra đời của BOT Cai Lậy. Bà nói nó được đặt không đúng vị trí làm cho ùn tắc giao thông.

"Tài xế làm đúng nên mình ủng hộ anh em tài xế để yêu cầu di dời BOT về đúng tuyến tránh để tránh tình trạng ùn tắt giao thông. Đường này là đường huyết mạch của ông cha ta từ xưa để lại. BOT này chỉ mượn cái mặt bằng để tráng lên để thu gom tiền. Bà con không qua tuyến tránh mà vẫn đè đầu cưỡi cổ bà con để đòi tiền".

Xen giữa cuộc nói chuyện của chúng tôi là tiếng còi xe inh ỏi từ phía bên kia. Bà Tám BOT Cai Lậy cười giòn giã giải thích rằng đó là tiếng chào của những anh em tài xế chạy ngang quán của bà.

Còn rất nhiều những người phụ nữ khác sau sự việc BOT Cai Lậy đã được cộng đồng mạng ưu ái gọi là "con cháu của Hai Bà Trưng". Họ là người dân rất bình thường cùng với các bác tài chấp hành đúng luật pháp : qua trạm, trả phí. Nhưng họ chọn cách trả thông minh nhất, hài hước nhất để đòi lại công bằng.

Nơi "chảo lửa" Cai Lậy, có những bác tài dùng tiền lẻ mệnh giá 100 đồng, 200 đồng và cả tiền xu để trả phí ; có bác tài đề nghị trả tiền bằng thẻ ngân hàng ; có người phụ nữ đếm và trả từng tờ tiền lẻ 200 đồng, 500 đồng để trả 25.000 đồng phí qua trạm.

"10 ngàn là mấy tờ năm trăm ? 20 phải không ? Rồi, 21…"

Những hình ảnh và video truyền nhau trên mạng xã hội cho thấy cứ mỗi khi BOT Cai Lậy xả trạm, người dân đứng hai bên đường cười rạng rỡ. Họ hò reo vẫy tay với từng chiếc xe chạy qua. Đáp lại là những tiếng còi inh ỏi của tài xế. Nếu ai không biết đó là BOT Cai Lậy có lẽ họ sẽ ngỡ đâu là người dân đang đón một đoàn quân thắng trận trở về.

Người dân Cai Lậy đã viết lên một câu chuyện là minh chứng rõ ràng nhất cho ý nghĩa của sự tích Bó Đũa mà từ ngàn xưa, người dân Việt đã kể cho nhau nghe.

Cát Linh

*************************

Bài 3

BOT Cai Lậy - Không trả tiền phí qua trạm, vi phạm luật hay không ?

Hòa Ái, RFA, 04/12/2017

Giới tài xế tiếp tục có những động thái phản đối ôn hòa tại trạm BOT Cai Lậy, kể từ khi trạm này thu phí trở lại sau khoảng 3 tháng tạm ngừng thu phí. Diễn tiến mới nhất trong vòng 5 ngày thu phí vừa qua, rất nhiều tài xế lên tiếng không đồng tình tiếp tục trả phí vì trạm đặt sai vị trí.

bot5

Hình từ video cho thấy công an đang bắt giữ một tài xế ở BOT Cai Lậy, Tiền Giang hôm 30/11/2017. Courtesy : Screen capture

Xét về mặt pháp luật, việc phản đối như thế vi phạm pháp luật hay không ?

Phản đối bằng cách không trả phí

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể, khi còn giữ vai trò Thứ trưởng của Bộ này, ký phê duyệt dự án BOT Cai Lậy, đặt trạm thu phí trên Quốc lộ 1 và bắt đầu thu phí từ đầu tháng 8 năm 2017.

Tuy nhiên, trạm BOT Cai Lậy phải buộc tạm ngừng thu phí trong sau khoảng 3 tháng rưỡi vì gặp phải sự phản đối mạnh mẽ của dân chúng, không chỉ riêng những người di chuyển qua trạm BOT này do đường xây một nơi mà trạm đặt một nẻo, khiến người dân không đồng thuận.

Vào sáng ngày 30 tháng 11, trạm BOT Cai Lậy thu phí trở lại, với mức phí giảm từ 35 ngàn VND xuống còn 25 ngàn VND và phải xả trạm nhiều lần trong cùng ngày để giải quyết tình trạng kẹt xe ở hai đầu trạm, do nhiều tài xế trả số tiền 25.100 VND và trạm BOT Cai Lậy không có tiền mệnh giá 100 VND để thối cho tài xế.

Công an, cảnh sát cơ động được huy động đến trạm BOT Cai Lậy. Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Tiền Giang xin lệnh chuyển tiền mệnh giá 100 đồng từ Trung ương, vốn ít lưu hành do mệnh giá quá nhỏ, để đáp ứng cho chủ đầu tư BOT Cai Lậy. Ngân hàng Nhà nước khẳng định có đủ tiền mệnh giá 100 đồng để cung ứng. Thứ trưởng Bộ Giao Thông-Vận tải đương nhiệm, ông Nguyễn Nhật tuyên bố tại buổi họp thường kỳ của Chính phủ, vào ngày 1 tháng 12, rằng dự án BOT Cai Lậy về thủ tục đầu tư không sai quy định của pháp luật và cần tuyên truyền để người dân hiểu. Truyền thông quốc nội cũng loan tin BOT Cai Lậy đang lắp đặt hệ thống thu phí tự động để đảm bảo hiệu quả và thời gian thu phí.

Trong khi dư luận cho rằng chủ đầu tư BOT Cai Lậy được cả hệ thống chính quyền hỗ trợ qua hàng loạt những thông tin từ cơ quan các cấp như vừa nêu, thì giới tài xế vẫn tiếp tục sự phản kháng đối với trạm BOT Cai Lậy đặt sai vị trí bằng các hình thức ôn hòa. Tài xế Long Huỳnh, một trong những tài xế kiên trì phản đối sự sai trái của việc đặt trạm BOT Cai Lậy trên Quốc lộ 1, vào chiều tối ngày 4 tháng 12 nói với RFA tình hình tại trạm thu phí này :

"Từ sáng đến giờ này, buổi sáng họ thu được 3 giờ đồng hồ thì có rất nhiều trường hợp phản đối. Một số người dùng lý lẽ để tranh cãi, dựa theo phí đường bộ đã đóng rồi (nên không trả phí). Còn một số khác thì không đồng tình đóng "phí bảo trì tăng cường mặt đường" này. Nói chung là rất nhiều anh em tài xế có đủ những căn cứ để họ không phải đóng tiền khi họ đi trên Quốc lộ 1".

Không trả phí là hợp pháp ?

bot6

Tài xế Long Huỳnh trao đổi với nhân viên giao thông tại trạm BOT Cai Lậy. Hình chụp trong tháng 11/2017. Courtesy : Facebook Long Huỳnh

Mặc dù côn đồ xuất hiện đe dọa không cho trả tiền lẻ, mặc dù tài xế bị chủ doanh nghiệp cẩu xe chém gây thương tích, mặc dù công an cảnh cáo tài xế "gây rối trật tự giao thông"… thế nhưng người dân trong 5 ngày qua vẫn thay nhau túc trực 24/24 để phản đối trạm thu phí BOT Cai Lậy. Trao đổi với Đài Á Châu Tự Do trong trường hợp tài xế không đồng ý trả phí qua trạm BOT mà họ cho rằng đã đặt sai vị trí thì bị vi phạm pháp luật hay không, Luật sư Lê Công Định cho biết :

"Thật ra trong nguyên tắc là không có gì ràng buộc họ trả tiền hết. Có việc nếu họ không trả tiền thì sẽ bị chặn lại không cho đi hoặc là yêu cầu đi đường khác. Nhưng những tài xế thực sự không chấp nhận giao dịch dân sự này vì theo họ là không có giao dịch dân sự như vậy, tức là trạm BOT Cai Lậy không có quyền yêu cầu họ thanh toán tiền vì trạm đã đặt sai và họ không chấp nhận việc sai phạm đó. Nếu trạm chủ đầu tư BOT Cai Lậy muốn kiện họ thì có thể kiện ra tòa với cáo buộc họ không chịu trả tiền khi đi trên con đường này. Tuy nhiên, chủ đầu tư không có quyền cấm đi".

Trả lời câu hỏi của chúng tôi liệu rằng những tài xế dừng tại trạm BOT để phản đối việc thu phí phi lý có thể bị cáo buộc tội "gây rối trật tự", Luật sư Lê Công Định cho biết thêm :

"Chính trạm BOT Cai Lậy gây tắc nghẽn vì chặn xe lại và không có cơ sở nào để cáo buộc họ gây tắc nghẽn. Họ không trả tiền phí nhưng họ vẫn muốn đi và khi bị chặn lại thì do phía trạm BOT Cai Lậy gây tắc nghẽn. Còn trạm BOT Cai Lậy không hài lòng về việc tài xế không trả tiền mà vẫn cứ đi thì có thể tiến hành kiện họ vì cho rằng họ đã phạm luật".

Trước tình trạng căng thẳng và hỗn độn giao thông tại trạm BOT Cai Lậy những ngày qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp khẩn, diễn ra vào lúc 5 giờ chiều ngày 4 tháng 12 để bàn tính giải pháp và vài giờ đồng hồ sau đó, báo giới trong nước loan tin trạm BOT Cai Lậy sẽ tạm dừng thu phí trong một đến hai tháng để cơ quan chức năng xem xét các vấn đề liên quan.

Trước đó tại phiên họp thường kỳ của Chính phủ trong ngày 1 tháng 12, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu không để kéo dài tình trạng BOT Cai Lậy.

Ngay sau lời tuyên bố của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, các chuyên gia và giới chức chính quyền đồng loạt lên tiếng rằng để giải quyết cái gốc của vấn đề là cần phải di dời trạm BOT Cai Lậy. Báo Tuổi Trẻ Online đăng tải ý kiến của Tiến sĩ-Kiến Trúc sư Ngô Viết Nam Sơn cho rằng phải dời trạm thu phí BOT Cai Lậy vì việc xây dựng đường đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân là trách nhiệm của chính quyền ; hay như ý kiến của ông Trần Quang Chiểu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội là dứt khoát phải di dời trạm BOT Cai Lậy vào tuyến tránh thì dân mới hết bức xúc, vì như thế mới thực hiện theo đúng nguyên tắc thị trường và quy định pháp luật.

Và sau khi Chính phủ thông báo tiếp tục tạm dừng thu phí trong vòng 60 ngày tới tại trạm BOT Cai Lậy, những người tài xế mà chúng tôi tiếp xúc không bày tỏ nỗi vui mừng, mà họ cho biết sẽ quyết tâm đến cùng để tranh đấu vì lẽ phải và sự công bằng cho người dân, tiêu biểu qua lời khẳng định của tài xế Long Huỳnh :

"Sau những động thái phản đối một cách ôn hòa của tài xế đã làm trong thời gian vừa qua và nếu trong trường hợp trạm BOT Cai Lậy không di dời theo như phản đối của người dân, nhằm thể hiện sự sòng phẳng, thì chắc chắn các tài xế sẽ nhờ một văn phòng luật sư để khởi kiện Công ty trách nhiệm Hữu hạn đang đặt trạm thu phí BOT ở đây".

Đài RFA ghi nhận báo mạng Tuổi Trẻ Online hồi ngày 3 tháng 12 dẫn lời Luật sư Lê Minh Nhựt, thuộc Đoàn Luật sư thành phố Hồ Chí Minh rằng những người bị thu phí đi qua trạm BOT Cai Lậy có quyền khởi kiện quyết định của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải về việc cho BOT đầu tư, đặt trạm thu phí. Bên cạnh đó, Đại biểu quốc hội Lưu Bình Nhưỡng, Ủy viên thường trực Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội cũng nói rằng không bàn đến việc đặt trạm đúng hay sai vị trí, nhưng hình ảnh nay thu mai dừng cứ tái diễn như thế sẽ không "tốt đẹp gì" đối với chủ đầu tư cũng như doanh nghiệp và người dân.

Mời quí vị đón xem bài thứ 4 trong loạt bài về BOT Cai Lậy của chúng tôi : Bài học mang tên "Cai Lậy"

Hòa Ái

**********************

Bài 4

Bài học mang tên "Cai Lậy"

RFA, 04/12/2017

Câu chuyện về những tài xế gom góp tiền lẻ và thậm chí cả tiền chẵn để mua vé qua trạm thu phí Cai Lậy tỉnh Tiền Giang mấy ngày nay tràn ngập trên khắp các mặt báo cũng như các trang mạng xã hội. Ngay kể từ khi mới được đưa vào hoạt động hồi tháng 8 vừa rồi, trạm thu phí này đã gặp phải sự phản đối kịch liệt từ người dân. Cho đến nay, sự phản kháng ấy vẫn diễn ra một cách dai dẳng, và nhiều tài xế tuyên bố họ sẽ không dừng lại cho đến khi trạm này được gỡ bỏ.

bot7

Tài xế dùng tiền lẻ mua vé để phản đối trạm phí - Cai Lậy : thanhnien

Vụ việc này đã để lại cho Việt Nam những bài học gì ?

Sáng ngày 30/11, sau gần 3 tháng xả trạm, trạm thu phí Cai Lậy trở lại hoạt động với sự giám sát nghiêm ngặt của an ninh và chính quyền. Tuy nhiên, bất chấp sự giám sát ấy, hàng trăm tài xế vẫn tụ họp lại sử dụng tiền lẻ để làm khó nhân viên thu phí theo "chiến thuật cũ". Các đoạn video clip được chia sẻ cho thấy cảnh ùn tắc giao thông kéo dài hàng cây số, tiếng còi xe inh ỏi cộng với tiếng cãi vã của nhân viên thu phí và tài xế. Xung quanh trạm, hàng trăm người dân kéo đến xem và bàn tán xôn xao trước sự việc. Tất cả đã tạo nên một khung cảnh hỗn loạn mà nhiều người gọi là "cuộc khủng hoảng Cai Lậy".

Sau đó, chủ đầu tư buộc phải xả trạm hai lần. Đến những ngày kế tiếp, sự phản đối của người dân không những không dừng lại, mà còn bùng nổ dữ dội hơn khiến trạm buộc phải xả đến 20 lần/ngày.

RFA đã trao đổi với một số chuyên gia và nhà quan sát qua sự việc diễn ra ở trạm BOT Cai Lậy. Họ đã đưa ra những bài học mà Việt Nam cần rút kinh nghiệm nghiêm túc qua vụ việc này. Thứ nhất, là phải biết lắng nghe tiếng nói của người dân và tham vấn ý kiến của họ trước khi xây dựng trạm. Thứ hai, cần giải quyết tình trạng lợi ích nhóm và tham nhũng ở các trạm BOT. Và thứ ba, là phải quản lý thật chặt chẽ sự vận hành của các trạm này để tránh mọi tiêu cực có thể xảy ra.

Bài học quản lý

Ông Trần Văn Lĩnh, nguyên thành viên Hội đồng Nhân dân tỉnh Đà Nẵng nói với RFA, trạm Cai Lậy là một dự án nhằm moi tiền của dân hơn là tạo thuận lợi cho người dân theo đúng ý nghĩa của dự án BOT. Vì vậy, theo ông bài học đầu tiên mà Việt Nam cần rút kinh nghiệm đó là BOT phải mang lại sự thuận tiện cho dân và phải cho họ quyền lựa chọn BOT hay đi đường thông thường :

Thứ nhất chỉ xây dựng những BOT mới mà mang lại giá trị gia tăng cho người dân và đồng thời người dân có quyền chọn lựa. Thứ hai, cần kiểm soát chặt chẽ BOT để xem họ có bỏ nguồn vốn thực sự như vậy không hay họ khai phóng lên. Thứ hai, kiểm soát chặt chẽ nguồn thu của họ để họ thu hồi đúng với phần lãi Nhà nước cho chứ không phải cứ để cho họ thông đồng với ban dự án nhận lại món tiền quá lớn.

Để làm như vậy, cần thực hiện việc thu tiền bằng hệ thống tự động để việc thu đó được rõ ràng, minh bạch để có thể rút ngắn lại.

Qua những sai sót từ trạm thu phí Cai Lậy, ông Lĩnh đưa ra đề xuất là Nhà nước hoàn trả lại tiền vốn đầu tư vào dự án này và giải phóng trạm thu phí theo đúng ý của người dân.

Dự án BOT Cai Lậy có tổng mức đầu tư gần 1.400 tỷ đồng. Liên danh nhà đầu tư là Công ty Cổ phần Tư vấn Đầu tư Xây dựng Bắc Ái và Công ty Cổ phần Đầu tư Thương mại và Xây dựng giao thông 1 (Trico). Trong đó Công ty Bắc Ái có thể coi là "ông chủ" của dự án khi chiếm tới 65% vốn.

Sau đợt phản đối của tài xế hồi tháng 8 vừa qua, cơ quan chức năng và chủ đầu tư đã thống nhất giảm giá vé xuống 30% cho các phương tiện. Như vậy giá vé thấp nhất là 25.000 đồng và cao nhất là 140.000 đồng/xe/lượt. Tuy nhiên tài xế vẫn tiếp tục phản đối vì cho rằng việc thu tiền ở đoạn đường này là hoàn toàn vô lý.

BOT Cai Lậy thu phí dưới hình thức "thủ công" tức là tài xế đưa tiền, nhân viên đếm tiền và giao lại cho bên quản lý, thay vì sử dụng các phương tiện tự động như các nước phát triển.

Nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Tiến sĩ Phạm Sỹ Liêm nói với RFA rằng một trong những kinh nghiệm đáng quý qua vụ Cai Lậy đó là giải quyết tình trạng "lợi ích nhóm" trong các dự án BOT :

Tôi có thể nói, chứ không khẳng định, là có lợi ích nhóm ở trong đó. Người cho phép người ta thu phí trên con đường không đáng thu thì không phải cho miễn phí đâu. Phải có lợi gì thì mới cho phép. Muốn ngăn chặn việc này thì phải minh bạch ra. Và các dự án phải hỏi ý kiến dân, phải điều tra xã hội học. Đằng này các ông lại tự quyết với nhau, đây là chuyện không đếm xỉa gì đến ý của dân cả, quan có ý kiến quan cứ làm. Dân mà phản đối thì nói dân ngu, dân hỗn,…

Trạm BOT Cai Lậy được nói là triển khai xây dựng khi chưa khảo sát ý kiến người dân. Thế nhưng, nói về việc chưa lấy ý kiến người dân ở trạm BOT Cai Lậy, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Ngọc Đông cho rằng, nhà đầu tư hay Bộ Giao thông không thể đi phát tờ rơi tới từng người dân để xin ý kiến.

Ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cũng từng khẳng định rằng hầu hết các dự án BOT ở Việt Nam không lấy ý kiến người dân. Chính Hiệp hội do ông quản lý cũng hiếm khi được hỏi ý kiến. Ông nói rằng, một hiệp hội vận tải lớn như vậy còn không được lấy ý kiến, thì chuyện người dân chưa được tham vấn có lẽ cũng là điều dễ hiểu.

Nghe dân không thừa

Tiến sĩ Nguyễn Quang A, một nhà hoạt động xã hội dân sự ở Hà Nội cũng đồng tình rằng qua vụ việc Cai Lậy, cơ quan chức năng cần học cách tôn trọng ý kiến của người dân bởi vì họ là những người trực tiếp sử dụng dịch vụ :

Tất cả các dự án BOT đều không minh bạch cho nên chính quyền với cánh hầu của họ lạm dụng BOT – một sơ đồ rất hay, để mưu lợi riêng. Đây là chuyện "tham nhũng tinh vi" và nếu có minh bạch thì chuyện tham nhũng tinh vi đó không thể xảy ra được.

Bây giờ chỉ có cách lập lại sự minh bạch thực sự tức là nếu ông bỏ tiền ra ông xây, nhưng người dân chúng tôi là người trả tiền nên chúng tôi phải biết ông xây đường đó bao nhiêu tiền. Ông hợp đồng với Bộ Giao thông vận tải như thế nào và hợp đồng ra sao. Và tôi là người trực tiếp sử dụng tôi phải có quyền có tiếng nói.

bot8

Cảnh hỗn loạn tại trạm Cai Lậy hôm 30/11/2017. Courtesy of Vietnamenet

Tháng 9 vừa qua, trong buổi tọa đàm về "Dự án BOT – Chính sách và Giải pháp", đại diện Bộ Giao thông vận tải đã thừa nhận chính việc buông lỏng quản lý và thiếu kiểm tra, giám sát đã tạo ra những nhóm lợi ích tại các dự án BOT. Cũng tại buổi tọa đàm, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu thẳng thắn nêu ý kiến rằng nhiều dự án BOT là cơ hội cho tham nhũng, hối lộ và bòn rút ngân sách quốc gia.

Ngay sau đó, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư ông Đặng Huy Đông cũng thừa nhận các dự án BOT là nơi có nhiều rủi ro tham nhũng nhất.

Tiến sĩ Nguyễn Thị Hậu, hiện sống tại Sài Gòn, chuyên nghiên cứu khảo cổ và bảo tồn không gian văn hóa đô thị cũng cùng ý kiến với các chuyên gia chúng tôi được tiếp xúc. Bà cũng cho rằng tiếng nói của dân cần được lắng nghe thì mới tránh được những sự việc đáng tiếc như ở Cai Lậy :

Không thể nhà đầu tư hay quản lý cứ làm theo ý kiến của mình mà bất chấp ý kiến của dân. Có thể trước đó không tham vấn, chủ quan hay tính toán sai nhưng khi người dân phản ứng thì điều đầu tiên cần làm là lập tức xem xét các ý kiến của dân và nhìn lại xem mình đã sai sót như thế nào. Ở đâu cũng vậy thôi, dân họ bị xâm hại quyền lợi một cách quá đáng thì người ta mới có sự phản ứng. Chứ bình thường họ cũng hiền lành và chịu đựng.

BOT là viết tắt của cụm từ tiếng Anh Building-Operate-Transfer, tức là Xây dựng-Vận hành-Chuyển giao – một hình thức giao cho tư nhân đầu tư vào cơ sở hạ tầng và cho phép họ thu phí để hoàn vốn đầu tư cũng như sinh lợi.

Việt Nam hiện có nhiều dự án BOT cũng như trạm thu phí trải dài từ Bắc tới Nam. Tuy nhiên thanh tra Chính phủ cho biết các dự án này mắc nhiều sai phạm, trong đó từ khi triển khai đến nay đã có hơn 70 dự án BOT không được lựa chọn nhà đầu tư theo hình thức đấu thầu mà do chỉ định thầu.

RFA tiếng Việt 

Quay lại trang chủ
Read 802 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)