Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

samedi, 15 juin 2019 13:06

Theo một tàu dầu lên Bắc Kinh

Việc một tầu dầu siêu hạng của Trung Quốc vi phạm lệnh cấm vận của Hoa Kỳ mà lén chở dầu của Iran về Trung Quốc là cơ hội cho người ta thấy ra hệ thống tổ chức kinh tế chính trị của Bắc Kinh, một trong những nguyên nhân sâu xa của trận thương chiến hiện nay với Hoa Kỳ. Diễn đàn kinh tế sẽ tìm hiểu hệ thống đó.

theo1

Tầu dầu siêu hạng Pacific Bravo của Trung Quốc cập vào đảo Kharg của Iran để chở dầu về Trung Quốc - Ảnh minh họa.

Nguyên Lam : Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do và Nguyên Lam xin kính chào chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa.

Thưa ông, từ đầu Tháng Năm, Hoa Kỳ triệt để thi hành việc phong tỏa kinh tế Iran đã quyết định từ Tháng 11 năm ngoái và chấm dứt việc đặc miễn cho một số quốc gia vẫn nhập dầu thô từ Iran. Khi ấy, người ta thấy có một tầu dầu siêu cấp của Trung Quốc tên là Pacific Bravo vẫn vi phạm lệnh cấm vận của Mỹ mà lén lút chở dầu của Iran về Trung Quốc. Theo dõi vụ này, ông kết luận như thế nào ?

Mê cung ma quỷ

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Tôi cho là người ta có thể làm một cuốn phim gián điệp ăn khách về chiếc Pacific Bravo nếu các phim trường Mỹ không sợ làm Bắc Kinh khó chịu và trừng phạt. Nhưng qua vụ này, người ta nên nhìn lên tổ chức kinh tế chính trị của Trung Quốc để thấy ra vai trò của đảng Cộng sản và Nhà nước Bắc Kinh. Chính vai trò ấy mới là một mấu chốt của trận thương chiến hiện nay với Hoa Kỳ. Vì vậy, có lẽ chúng ta nên đi từng bước vào một mê cung ma quỷ khá nhức đầu nhưng hấp dẫn. Chúng ta sẽ có ba cấp tìm hiểu….

Nguyên Lam : Nguyên Lam xin ông bắt đầu việc tìm hiểu này cho thính giả của chúng ta.

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Trước hết là về hành trình và lý lịch của Pacific Bravo, là chiếc tầu chở dầu siêu cấp giăng cờ Liberia, nhưng là tài sản đầu tư gần đây của Ngân hàng Côn Luân hay Bank of Kunlun của Trung Quốc.

Sau khi Hoa Kỳ tăng cường lệnh cấm vận kinh tế của Iran và quyết định chấm dứt việc đặc miễn cho một số quốc gia như Trung Quốc, Ấn Độ, Turkey hay Syria kể từ mùng một Tháng Năm, Pacific Bravo vẫn vi phạm và lén chở dầu cho Iran. Hôm 30 Tháng Năm, một bản tin của thông tấn xã Reuters từ Singapore nói đến vụ vi phạm, sau đó, nhiều nơi khác cũng loan tin. Tầu dầu siêu cấp như chiếc Pacific Bravo thuộc loại "very large crude carrier" hay VLCC, có sức trọng tải hơn hai triệu thùng dầu thô hay 320 ngàn mét khối, nên không là cái xuồng lá giữa đại dương mà vẫn được định vị. Thế giới có nhiều doanh nghiệp chuyên cung cấp dịch vụ theo dõi đó như TankerTrackers (TankerTrackers.com), hay Winward (wnwd.com), nhờ vậy ta mới thấy ra sự lẩn trốn của chiếc Pacific Bravo.

Nguyên Lam : Ông nói đến việc một tầu chở dầu thô thuộc loại siêu cấp như Pacific Bravo mà lại có thể lẩn trốn thì ai cũng thấy lạ. Câu chuyện ấy là thế nào ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Thì như truyện trinh thám giả tưởng, với cả chục vụ vi phạm khác. Nhưng khi Bắc Kinh lại chối thì đấy là chuyện chính trị !

Khi tìm hiểu tin tức của một tầu dầu dài 400 thước, có sức chở hai triệu thùng dầu thô, được đăng ký Tổ chức Hàng hải Quốc tế thuộc cơ quan Liên Hiệp Quốc với mã số là IMO : 9206035, mà lại tìm cách lẩn trốn thì ta có chuyện hấp dẫn. Theo các nguồn tin khác nhau, sau khi nói là vào trung tâm Basra nhận dầu của Iraq, Pacific Bravo được hai công ty theo dõi xác định vị trí trong Vịnh Ba Tư vào khoảng 11 Tháng Năm. Nhưng sau đó, tầu dầu này tắt máy tự động định vị để khỏi bị ai theo dõi. Sáu ngày sau khi nhận thêm dầu, có thể là từ đảo Kharg của Iran, Pacific Bravo bật máy định vị và thông báo lộ trình là rời Vịnh Ba Tư đi tới Indonesia. Tin tức sau này cho biết Pacific Bravo đã vượt Eo biển Malacca để có thể lên tới Hong Kong. Vì Hong Kong không có nhà máy lọc dầu nên người ta đoán là tầu dầu này có thể chở dầu Iran vào Trung Quốc.

Pacific Bravo được chú ý từ lâu qua các hành vi như đổi tên, đổi cờ, đổi chủ để che giấu hoạt động phi pháp và được đánh giá là thuộc 2% các tầu dầu rủi ro nhất. Nhưng lần này, chiếc tầu dầu trị giá cả trăm triệu đô la lại do Ngân hàng Côn Luân của Trung Quốc mua về trong bối cảnh thương chiến Mỹ-Hoa từ cả năm nay nên lại càng khiến người ta quan tâm theo dõi.

Nguyên Lam : Như vậy, Pacific Bravo có thể vi phạm lệnh cấm vận của Hoa Kỳ. Thế Chính quyền Mỹ có theo dõi vụ này không ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Tôi nghĩ là có và biết đâu chừng đã cảnh báo Bắc Kinh mà đang tìm hiểu thêm, vì có lúc Bắc Kinh tỏ thiện chí chấp hành lệnh cấm vận Iran nay lại đổi ý giữa những đàm phán của trận thương chiến.

Điều gây chú ý là khi được báo chí phỏng vấn, doanh nghiệp làm chủ tầu dầu Pacific Bravo là Ngân hàng Côn Luân hay Bank of Kunlun lại không trả lời. Còn doanh nghiệp tài chánh làm chủ Ngân hàng Côn Luân là CNPC Capital Co thì trả lời qua điện thư cho hãng Reuters rằng chiếc Pacific Bravo và những hàng hóa chuyên chở bên trong chẳng liên hệ gì tới Ngân hàng Côn Luân.

Nguyên Lam : Nhưng thưa ông, phải chăng doanh nghiệp CNPC Capital này lại là một bộ phận của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia, một doanh nghiệp nhà nước của Bắc Kinh rất nổi tiếng trên thế giới dưới tên tắt là CNPC ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Đúng vậy, "Tập Đoàn Trung Quốc Thạch Du Thiên Nhiên Khí" hay China National Petroleum Corporation có hội sở tại Bắc Kinh là doanh nghiệp đứng hạng thứ tư trong danh mục Fortune Global 500, là 500 doanh nghiệp đứng đầu thế giới về tài sản kinh doanh. Đây là xí nghiệp quốc doanh chuyên về dầu thô khí đốt do trung ương quản lý, với hơn mười bộ phận ở dưới. Vì vậy, từ Pacific Bravo lên tới Ngân hàng Côn Luân và từng bậc ở trên người ta hình dung ra tổ chức kinh tế chính trị của Bắc Kinh. Sau đó, mình còn phải lên một bậc nữa thì mới thấy ra nỗi khó của Mỹ.

Nguyên Lam : Câu chuyện hết là sự lẩn trốn của một tầu dầu siêu cấp mà cái gì đó liên hệ tới tổ chức kinh tế chính trị của Bắc Kinh. Nguyên Lam xin mời ông trình bày tiếp…

theo2

Bắc Kinh không muốn mở ra thế giới sinh hoạt công khai vì sẽ làm đảng mất quyền lực (Ảnh minh họa) AFP

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Chúng ta có Quốc vụ viện là Hội đồng Chính phủ của Trung Quốc mà Tổng lý hay Thủ tướng hiện là ông Lý Khắc Cường, nhân vật đứng hàng thứ hai của chế độ dưới Tổng bí thư Tập Cận Bình.

Quốc vụ viện có bộ phận thường được quốc tế gọi tắt là SASAC, là Hội đồng Kiểm soát và Quản lý Tài sản Nhà nước, hiện quản lý 102 tập đoàn kinh tế của trung ương, với trị giá tài sản lên tới hơn 26 ngàn tỷ đô la và kiếm lời ba ngàn tỷ 600 triệu đô la vào năm 2017.

- Về dầu khí, Hội đồng SASAC quản lý tập đoàn dầu khí CNPC là tổ chức có quyền phát hành trái phiếu để huy động vốn bằng nội tệ là đồng Nguyên nhưng ở dưới CNPC lại có ba cơ quan xưng danh doanh nghiệp trách nhiệm hữu hạn là 1/ China Petroleum Finance, 2/ PetroChina và 3/ CNPC Capital. Ba công ty đó mới lập ra tám doanh nghiệp khác, trong đó có các doanh nghiệp có thể phát hành trái phiếu bằng ngoại tệ, thí dụ như đô la Mỹ, để huy động vốn ngoại quốc.

Mà những dữ kiện kế toán tài chính của họ, và của các tập đoàn do SASAC quản lý, đều thuộc loại bí mật quốc gia nên ở ngoài rất khó biết nhiều về họ. Có thể là trong cả năm đàm phán, Hoa Kỳ muốn Bắc Kinh công khai hóa cơ cấu tổ chức và chi tiết kinh tế để thị trường có thể rõ hơn sự thật sau bức màn bí mật này. Đây là điều Bắc Kinh rất ngại, cho nên trận thương chiến mới càng kéo dài.

Nguyên Lam : Chỉ riêng về lĩnh vực dầu khí và tập đoàn CNPC, ta đã thấy rắc rối. Nói thêm về cả trăm tập đoàn khác của trung ương thì thưa ông, phải chăng ta thấy quyền lực của đảng vì đảng mới lãnh đạo nhà nước và Quốc vụ viện này ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Vì vậy tôi mới gọi là mê cung ma qủy, chưa kể là trong mọi doanh nghiệp từ trung ương tới địa phương và của cả tư nhân đều có chi bộ đảng để các cấp đảng viên học tập và đảm bảo là mọi chỉ thị của đảng đều được chấp hành. Khi Bank of Kunlun hay CNPC Capital chối tội của Pacific Bravo thì ta chẳng nên ngạc nhiên. Điều đáng ngạc nhiên là nhiều doanh nghiệp Mỹ lại tham gia trò ma quỷ ấy nên chúng ta mới thấy sự phức tạp của trận thương chiến và vì sao truyền thông báo chí và các đại gia Mỹ hay chỉ trích Chính quyền Trump.

Quyền lực của đảng

Nguyên Lam : Hình như câu chuyện chưa đủ nhức đầu vì ông vừa trình bày rằng lãnh đạo Bắc Kinh dàn ra một mê cung ma quỷ, bên trong có ngàn doanh nghiệp lớn nhỏ của Trung Quốc đang thi hành chính sách của đảng. Chưa kể công ty Hoa Vi với mạng viễn thông thuộc thế hệ G-5, thì ông còn nói rằng nhiều doanh nghiệp Mỹ lại tham gia trò ma quỷ đó. Nguyên Lam xin đề nghị ông giải thích thêm.

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Ngoài tầu dầu Pacific Bravo, ta đừng quyên là Bắc Kinh đã quân sự hóa các đảo nhân tạo trên quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Nếu các doanh nghiệp Mỹ lại góp phần cho việc đó thì sao ?

Hồi nãy, tôi có trình bày về việc doanh nghiệp Trung Quốc phát hành trái piếu bằng đồng Nguyên hay bằng ngoại tệ để huy động vốn. Xin nói thêm là qua ngả Hong Kong vào các thị trường Thượng Hải hay Thâm Quyến, rồi có khi họ gói vốn lại đầu tư ngược vào thị trường Hoa Kỳ hay nơi khác. Đấy là một ma trận ! Nói về doanh nghiệp Hoa Kỳ, ta nên hiểu ra hai ba chuyện rắc rối khác.

Các doanh nghiệp Trung Quốc có thể được doanh nghiệp Mỹ làm tư vấn kiếm lời để gói cổ phiếu và trái phiếu thành khí cụ đầu tư bằng Mỹ kim được giao dịch trên Thị trường Chứng khoán New York. Giới đầu tư Mỹ nhảy vào thị trường đó để kiếm lời mà có khi chẳng biết rằng họ tài trợ cho doanh nghiệp Trung Quốc. Nếu doanh nghiệp Trung Quốc dùng tiền đó thi hành công trình của đảng, để xây dựng một hàng không mẫu hạm nữa như hoạt động của hãng Poseidon Finance 1 Limited, hay để thiết lập căn cứ quân sự ngoài Đông hải thì sao ?

Chuyện thứ hai là qua tư vấn kỹ thuật của các tập đoàn đầu tư lớn của Hoa Kỳ để ăn hoa hồng, Bắc Kinh đã vận động thành công việc đưa cổ phiếu và trái phiếu của họ vào hệ thống chỉ số đầu tư, như MSCI Emerging Markets Equity Index hay Bloomberg Global Aggregate Index. Nhờ vậy, các quỹ đầu tư Mỹ dùng tiền hưu bổng để kiếm lời cho thân chủ có một ngả đầu tư lên tới vài trăm tỷ đô la.

Thứ ba, hệ thống rửa tiền đó của Trung Quốc lại không có nền tảng luật lệ và kế toán theo tiêu chuẩn an toàn của thế giới và dữ kiện tài chính lại thuộc diện bí mật quốc gia mà doanh nghiệp không cần và không được khai báo. Đâm ra, người Mỹ trao tiền tiết kiệm cho giới đầu tư của mình đánh bạc trong thị trường Trung Quốc lại bị rất nhiều rủi ro - mà họ không biết !

Vì vậy, từ tầu dầu Pacific Bravo lên tới Bắc Kinh, ta lại trở ngược về Mỹ và phần nào hiểu ra yêu cầu của các Bộ Ngân Khố hay Thương Mại khi đàm phán với Bắc Kinh và phản ứng tiêu cực của nhiều người Mỹ thiếu hiểu biết. Bắc Kinh không muốn mở ra thế giới sinh hoạt công khai và tự do vì sẽ làm đảng mất quyền lực. Mâu thuẫn căn bản giữa hai nước nằm ở hệ thống kinh tế chính trị chứ không chỉ là vài trăm tỷ hàng hóa xuất nhập khẩu.

Nguyên Lam : Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do và Nguyên Lam xin cảm tạ kinh tế gia Nguyễn-Xuân Nghĩa về bài phân tích rợn mình vào tuần này.

Nguyên Lam thực hiện

Nguồn : RFA, 12/06/2019

Published in Diễn đàn
mardi, 28 mai 2019 18:39

Đi xa hơn trận thương chiến

Một hậu quả đầu tiên của trận thương chiến giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc là trong Quý 1 năm 2019 số xuất khẩu của Trung Quốc vào thị trường Mỹ giảm gần 14% mà xuất khẩu của Việt Nam vào Mỹ lại tăng hơn 40% so với năm ngoái. Trước tin mừng đó, có lẽ chúng ta nên nhìn xa hơn. Diễn đàn Kinh tế sẽ tìm hiểu tại sao.

thuongchien1

Lợi thế nhân công rẻ của Việt Nam không bền và không nhiều. (Ảnh minh họa) AFP

Lợi thế của Việt Nam

Nguyên Lam : Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do và Nguyên Lam xin kính chào chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa.

Thưa ông, trang kinh tế hôm 27 của Bloomberg đã trích dẫn dữ kiện của văn phòng U.S. Census Bureau rằng Việt Nam là một trong các nguồn xuất khẩu hàng hóa nhanh nhất tại Châu Á vào Hoa Kỳ vì trong ba tháng đầu năm nay số hàng nhập vào Mỹ đã tăng hơn 40% so với năm ngóai mà số hàng của Trung Quốc lại giảm gần 14% khi trận thương chiến giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc leo thang. Ông nghĩ sao về biến cố đáng mừng này ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Tôi thiển nghĩ rằng chúng ta rất nên thận trọng vì bốn lý do.

Thứ nhất, do trận thương chiến Mỹ-Hoa, nhiều doanh nghiệp Trung Quốc đã đầu tư mạnh hơn vào Việt Nam, trong bốn tháng đầu năm, số đầu tư lên tới 65% của cả năm ngoái : họ dời cơ sở sản xuất vào Việt Nam để tránh thuế của Hoa Kỳ. Vì vậy, Việt Nam nên kiểm lại xem là trong lượng hàng bán qua Mỹ, có bao nhiêu là của doanh nghiệp Trung Quốc hầu khỏi có hiện tượng "Hồn Trung Hoa, da hàng Việt", nôm na là dán nhãn "Chế tạo tại Việt Nam" lên hàng Trung Quốc để bán cho Mỹ. Nếu tỷ lệ này quá lớn, Việt Nam sẽ hết được Hoa Kỳ ngầm nâng đỡ như chúng ta đã thấy mà còn bị vạ lây vì được coi là một chi nhánh của Bắc Kinh.

Thứ hai, Việt Nam không thể quên là ngoài lượng hàng rất lớn được xuất khẩu qua Mỹ thì còn số nhập khẩu quá nhiều từ Trung Quốc, tức là còn lệ thuộc hơn vào nước láng giềng này.

Thứ ba, Việt Nam tưởng được lợi thế nhân công của mình rẻ hơn Trung Quốc, nhưng lợi thế đó không bền và lực lượng lao động trong khu vực công nghiệp của Việt Nam chỉ có 14 triệu rưỡi so với 200 triệu của Trung Quốc. Chưa kể rằng đầu tư gia tăng sẽ gây thêm đắt đỏ cho giá đất và các loại chi phí sản xuất và thu hẹp khả năng cạnh tranh nếu so với doanh nghiệp của các nước Á Châu ngoài Trung Quốc.

Thứ tư, về quyền lợi trường kỳ thì chiến lược thu hút đầu tư ngoại quốc để xuất cảng dẫn đến sự lệ thuộc vào luồng xuất nhập khẩu và đầu tư do nước ngoài quyết định trong khi lại cố ép lương công nhân của mình. Lời thì doanh nghiệp ngoại quốc hưởng phần lớn, trong khi tay nghề và điều kiện lao động của công nhân Việt Nam chưa chắc đã được cải thiện vì nhược điểm trong giáo dục và đào tạo. Sau vài năm hồ hởi với cơ hội mới của trận thương chiến, có khi doanh nghiệp Việt Nam mất khả năng cạnh tranh với Malaysia, Indonesia hay Bangladesh và kinh tế sẽ bị ảnh hưởng.

Nguyên Lam : Theo như ông nghĩ thì đâu là những lợi thế của Việt Nam ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Đây là câu hỏi bạc tỷ và câu trả lời thật không dễ !

Đầu tiên, Việt Nam cần thấy ra mục tiêu lâu dài của xứ láng giềng khổng lồ này. Lãnh đạo Trung Quốc không hề che giấu mục tiêu, kể cả qua khái niệm "thao quang dưỡng hối", là phát huy các điểm tích cực mà ghìm bớt ý đồ âm mưu để khỏi gây hãi sợ. Xưa nay, họ vẫn nói tới "phú quốc cường binh" mà ta tưởng là dân giàu nước mạnh, tức là lấy kinh tế làm đòn bẩy trợ lực cho quân sự và giờ này thì ai cũng e ngại đà bành trướng quân sự đó. Sau mấy thập niên tăng trưởng, Tổng bí thư Tập Cận Bình vẽ ra một viễn ảnh vĩ đại hơn. Đó là chẳng những vượt qua Hoa Kỳ mà còn thiết lập một trật tự quốc tế khác do Trung Quốc lãnh đạo. Viễn ảnh đó mới là chuyện đáng sợ cho tương lai Việt Nam.

thuongchien2

Việt Nam chỉ cần thay đổi thể chế để thấy mình khác và đáng tin hơn. (Ảnh minh họa) AFP

Trật tự của Trung Hoa

Nguyên Lam : Ông vừa trình bày khái quát cái viễn ảnh lãnh đạo thế giới của Bắc Kinh, thế Việt Nam nên làm gì hoặc không nên làm gì trong cái trật tự Trung Hoa đó ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Lãnh đạo Bắc Kinh vẽ ra một trật tự quốc tế trên cơ sở luật pháp được các nước cùng tôn trọng mà chính họ lại không hề tuân thủ.

Về kinh tế họ tham gia các định chế quốc tế với rất nhiều cam kết, chẳng hạn như Tổ chức Thương mại Thế giới WTO, hay Liên hiệp quốc, mà lại lần lượt vi phạm những cam kết đó và đấy là cái gốc của trận thương chiến với Hoa Kỳ, nhưng ta đừng quên rằng các nước khác cũng bị thiệt hại và đang đứng ngoài giám trận để cân nhắc về quyền lợi của mình sau khi Hoa Kỳ đẩy lui Trung Quốc. Việc trợ cấp doanh nghiệp nội địa, bảo vệ khu vực kinh tế nhà nước, không tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ, nhập nhằng sử dụng doanh nghiệp có quy chế tư nhân mà chính là nơi tiếp thu hay đánh cắp công nghệ của thiên hạ cho mục tiêu an ninh và quân sự là các tệ nạn đang bị phơi bày.

Về an ninh và quân sự, Bắc Kinh công khai bành trướng và uy hiếp các nước lân bang mà phủ nhận mọi phán quyết của các tổ chức quốc tế. Điển hình là việc tranh chấp chủ quyền trên các quần đảo từ Đông Bắc Á xuống Đông Nam Á và khống chế các dòng hải lưu từ Thái Bình Dương qua Ấn Độ Dương tới Trung Đông và Châu Âu. Bắc Kinh không chỉ thách thức sức mạnh của Hoa Kỳ mà còn đòi khống chế các nước khác, từ bên trong là Tân Cương, Tây Tạng đến bên ngoài là Đài Loan và Hong Kong, xuống tới Nam Thái Bình Dương. Đấy là "trật tự quốc tế" đích thực của Trung Quốc.

Việt Nam nên làm gì ?

Nguyên Lam : Khi đó Việt Nam nên làm gì, thưa ông ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Việt Nam nên nhìn xa hơn trận thương chiến hiện nay mà tự xác định là một quốc gia biết tôn trọng trật tự quốc tế, và đấy là ưu thế cạnh tranh của mình. Muốn như vậy, nên kiểm điểm lại quá nhiều sai lầm đã qua.

Trước hết, các nước đều ưu lo về nạn ô nhiễm môi sinh và hiện tượng nhiệt hóa địa cầu mà Trung Quốc lại không tôn trọng và còn liên tục gây họa cho thiên hạ. Việt Nam nên ưu tiên tham gia vào nỗ lực chung và cải tiến môi trường sinh sống của mình cho người dân được hưởng và khỏi bị quá nhiều thiệt hại chồng chất như hiện nay. Đấy là biểu hiện của văn minh và tiến bộ bên cạnh một Trung Quốc ngang ngược tàn phá môi sinh của nhân loại.

Thứ nhì, sau môi sinh, hãy nghĩ tới quyền lợi của giới lao động mà ban hành rồi thực thi các luật lệ bảo vệ thích hợp, điển hình là sự cam kết trong khuôn khổ của Hiệp ước Đối tác Xuyên Thái Bình Dương với 10 nước kia. Vai trò của công đoàn tự do và độc lập sẽ là một ưu thế cạnh tranh, khác hẳn vai trò hiện nay của các chi bộ đảng trong mọi doanh nghiệp công, tư và nước ngoài tại Trung Quốc.

Thứ ba là cải cách hạ tầng cơ sở vô hình mà then chốt là hệ thống luật lệ nhằm tạo ra một sân chơi bình đẳng cho mọi doanh nghiệp, là điều không hề có tại Trung Quốc, vì vậy mới gây mâu thuẫn gay gắt trong trận thương chiến hiện nay.

Nguyên Lam : Có lẽ thính giả của chúng ta thấy rằng Việt Nam nên cố gắng làm khác Trung Quốc. Phải chăng đấy là những đề nghị chính yếu của ông ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Chúng ta nên ý thức ra một sự thật là cái trật tự quốc tế hình thành từ 75 năm nay, từ Thế Chiến Hai, đang cần cải thiện vì nhân loại đã bước vào một hình thái phát triển khác. Nhưng thay vì cùng các nước từng bước cải thiện trật tự đó thì Bắc Kinh muốn lập ra một trật tự mới, với Trung Quốc là trung tâm.

Khi ấy, Việt Nam nên xác định rằng mình không là một thuộc quốc cỏn con của Trung Quốc, với mọi nhược điểm đã thấy trong quốc gia láng giềng đáng sợ này. Càng làm rõ cái khác, Việt Nam càng có thêm bạn hàng và đồng minh để khỏi đơn phương đứng trên tuyến đầu, dưới tầm đạn của Bắc Kinh và cầu mong xứ khác bảo vệ, hay lại phải đu dây giữa hai thế lực đối nghịch ở hai bờ Thái Bình Dương.

Thành thử, tôi cho rằng Việt Nam không cần ra tuyên ngôn chống Tầu hay Thoát Trung hoặc công khai dựa vào Hoa Kỳ mà chỉ lặng lẽ đổi mới thể chế để cho thấy rằng mình khác và nhất là đáng tin hơn. Từ việc đổi mới thể chế, Việt Nam nên cải cách chiến lược vận động đầu tư nước ngoài vì không chỉ thiếu vốn nên cần thiên hạ mà còn gây lãng phí khi đi vay và sử dụng vốn. Bây giờ lại còn dùng vốn của Tầu để ngầm bán đồ vào Mỹ là một quyết định tai hại từ đầu vào là Trung Quốc cho tới đầu ra là Hoa Kỳ !

Nguyên Lam : Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do và Nguyên Lam xin cảm tạ kinh tế gia Nguyễn-Xuân Nghĩa về bài phỏng vấn tuần này.

Nguyên Lam thực hiện

Nguồn : RFA, 28/05/2019

Published in Diễn đàn
mardi, 21 mai 2019 20:16

Tham nhũng và tầm tô

Cuối tháng Tư vừa qua, một công ty nghiên cứu thị trường tại Việt Nam vừa công bố kết quả khảo sát về nỗi quan tâm xã hội của người dân thành thị trong nước, theo đó, năm mối lo đầu tiên là sự an toàn thực phẩm, là nạn ô nhiễm không khí rồi tham nhũng, giáo dục và bảo dưỡng y tế. Diễn đàn Kinh tế sẽ đi sâu vào cái gốc của vấn đề…

tham1

Công ty Indochina Research có trụ sở tại Việt Nam, Cam Bốt, Lào và Miến vừa công bố kết quả của một cuộc khảo sát về những mối quan tâm xã hội của người dân tại hai thành phố lớn nhất Việt Nam. Ảnh minh họa

Nguyên nhân của tham nhũng

Nguyên Lam : Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do và Nguyên Lam xin kính chào chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa.

Thưa ông, hôm 25 tháng trước, công ty Indochina Research có trụ sở tại Việt Nam, Cam Bốt, Lào và Miến vừa công bố kết quả của một cuộc khảo sát về những mối quan tâm xã hội của người dân tại hai thành phố lớn nhất Việt Nam. Ông nhận xét thế nào về cuộc khảo sát này ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Đây là một công ty độc lập chuyên điều nghiên thị trường đã thành lập tại Việt Nam từ năm 1994 rồi Cam Bốt, Lào và Miến Điện sau đó. Công ty đáp ứng yêu cầu của các thân chủ về tiếp cận thị trường và thương hiệu, đã có nhiều công trình khảo sát hữu ích.

Cuộc thăm dò thực hiện trong tháng Tư vừa qua tập trung vào mối quan tâm xã hội của cư dân tại hai thành phố lớn nhất Việt Nam. Dù dân số mẫu hơi thấp, họ vẫn cho thấy có khác biệt ở hai nơi đó, ở giới tính nam nữ và ở ba mức lợi tức cao thấp. Nó còn làm nổi bật một khía cạnh khác trên khung cảnh thời gian, là các vấn đề đã được thị dân nêu lên từ năm 2017 mà chưa có cải tiến, chứ nếu nhìn vào nông thôn, tình hình có khi còn tệ hơn nữa. Chính vì vậy mà chúng ta nên tiến sâu hơn vào nguyên nhân của vấn đề.

Nguyên Lam : So sánh với trước đây thì nạn ô nhiễm môi sinh không cải tiến mà Việt Nam còn đang gặp những tai họa mới, thí dụ như nạn dịch tả lợn đã tràn lan hoặc việc truy tố tham nhũng đã lên tới nhiều giới chức rất cao cấp trong đảng và nhà nước. Vì vậy, Nguyên Lam xin đề nghị ông đào sâu vào nguyên nhân.

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Chúng ta không quên một vấn đề thuộc cơ chế kinh tế chính trị của Việt Nam, cũng tương tự như của Trung Quốc, là đảng và nhà nước có toàn quyền quyết định làm người dân, thị trường cùng với tư doanh phải cố gắng xoay trở trong khung cảnh ngặt nghèo đó. Một ví dụ để so sánh là Singapore giữ chế độ độc đảng từ khá lâu, nhưng tập đoàn quốc doanh của họ như Temasek vẫn phải tuân thủ quy luật thị trường chứ không được chính quyền bảo vệ.

Khác biệt ở đây là chế độ toàn trị ở trên lại chi phối thị trường tư bản ở dưới với hai hậu quả là :

1/ tư bản nhà nước trở thành "tư bản thân tộc", của các đảng viên, cán bộ cùng thân nhân của họ có quyền thao túng và làm lệch quy luật thị trường,

2/ họ làm quy luật thị trường bị lệch lạc vì một hiện tượng mà kinh tế học gọi là "tầm tô" hay "rent-seekers".

Chính hiện tượng tầm tô mới giải thích vì sao xã hội gặp quá nhiều tệ nạn, như môi sinh bị hủy hoại, tham nhũng tràn lan từ trên xuống dưới. Kỳ này, chúng ta lại tìm hiểu về hiện tượng tầm tô đó.

Tầm tô là gì ?

Nguyên Lam : Nguyên Lam nhớ lại rằng ông đã đề cập tới hiện tượng này từ sáu bảy năm trước cũng trên diễn đàn của chúng ta. Xin yêu cầu ông giải thích thêm về chuyện đó.

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Nói ra thì kỳ, nhưng Việt Nam ngày nay chẳng phát minh ra cái gì mới và vẫn học theo Trung Quốc mà chẳng tiếp nhận kinh nghiệm của các nước Đông Á tiên tiến khác. Lần trước, quá lâu rồi, tôi cũng khởi đi từ hai trường hợp nổi tiếng trong văn hóa và lịch sử Trung Hoa mà có lẽ người Việt nào cũng biết. Đó là Đào Chu Công hay Phạm Lãi, trường hợp kia là Lã Bất Vi.

Nguyên Lam : Có lẽ ông sắp đề cập tới chuyện nhức đầu nên mới gợi trí tò mò cho thính giả của chúng ta về hai nhân vật Trung Hoa mà ai cũng nghe nói tới. Nguyên Lam xin mời ông.

tham2

Ảnh minh họa : Tham nhũng và tầm tô ( phiên tòa xử Vũ "Nhôm" về tội tham nhũng và thất thoát tài sản của chính phủ. AFP

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Đầu thời Chiến Quốc - từ khoảng 475 trước Tây lịch cho tới năm 221 sau Tây lịch là khi Tần Thủy Hoàng Đế gồm thâu lục quốc và thống nhất nước Tầu - Phạm Lãi là nhân vật ai cũng có thể biết. Ông đã có công giúp Câu Tiễn nước Việt diệt nước Ngô của Phù Sai vào năm 473 trước Tây Lịch.

Sau khi thành công, Phạm Lãi sớm biết lánh Câu Tiễn nên toàn mạng. Đổi họ đổi tên, ông trở thành Đào Chu Công và nổi tiếng là doanh gia có tài, được coi là một trong "bách gia chư tử", cầm đầu phái "kế hoạch gia", là kinh tế trước khi môn học này có tên như thế. Đời nay, người ta vẫn tin rằng Phạm Lãi đã viết cuốn "Trí phú Kỳ thư" và để lại "Đào Chu Công lý tài thập lục tắc", 16 phép làm giàu của Đào Chu Công, trong đó có những điều vẫn là hiện đại và đáng học...

Hơn 200 năm sau, vào cuối thời Chiến Quốc, có Lã Bất Vi cũng nổi danh, chẳng vì bộ sử Lã Thị Xuân Thu đã thuê người khác viết, mà khét tiếng vì tài đầu tư. Sống trên nước Triệu, ông đầu tư vào người Tử Sở lưu vong của nước Tần và vào cái thai của mình trong lòng nàng Triệu Cơ xinh đẹp, để sau này thành quốc phụ và tướng quốc của Tần Vương Chính, tức là Tần Thủy Hoàng Đế. Dù sau này có bị Thủy Hoàng Đế bắt chết, Lã Bất Vi vẫn được người sau cho là tay kinh doanh có tài. Nhưng khác với Đào Chu Công là người làm ra của cải nhờ trí tuệ, sáng tạo và kỷ luật, như ta có thể đọc thấy trong "thập lục tắc, Lã Bất Vi làm giàu nhờ nghệ thuật cấu kết chính trị, buôn quan bán tước".

Tôi lấy hai hình tượng quen thuộc đó với nhiều người để nói về hai hình thái kinh doanh. Thứ nhất là tạo ra của cải và nhờ đó làm giàu, theo kiểu Phạm Lãi Đào Chu Công. Thứ hai là kiếm lời mà chẳng tạo ra của cải là kiểu của Lã Bất Vi, chỉ vì nhờ tạo cái thế chính trị. Kinh tế học đời nay gọi hình thái kinh doanh đó là "tầm tô", rent seeker : tìm lợi thế bất chính và có nhiều rủi ro. Rẻ là mất tiền, nặng là mất tự do, nặng hơn nữa thì mất mạng như chính họ Lã chứng minh.

Nguyên Lam : Câu chuyện hấp dẫn thật, nhưng thưa ông, cụ thể thì tầm tô là gì ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : "Tầm" là tìm, như thành ngữ "tầm sư học đạo. "Tô" chỉ có nghĩa là tiền thuê, thí dụ như "địa tô" là tiền cho thuê đất canh tác, mà được hiểu rộng là lợi nhuận nhờ làm chủ một phương tiện sản xuất. Trong trường hợp ở đây, phương tiện sản xuất có khi là cái dấu ấn hay sổ đỏ chẳng là của mình, mà có thể sang đoạt nhờ cái thế độc tài chính trị để chiếm đặc lợi kinh tế. Hiện tượng "tầm tô" đó còn làm lệch lạc sinh hoạt kinh tế qua nhiều chính sách gây hậu qủa tai hại về môi sinh như chúng ta đã thấy và đang thấy. Vì vậy, chuyện này mới giải thích vì sao người ta khó cải thiện được việc bảo vệ môi sinh.

Tại Việt Nam, ai cũng biết "đất đai thuộc quyền sở hữu của toàn dân" mà lại "do nhà nước thống nhất quản lý", là điều được ghi trong Hiến pháp. Nhà nước quản lý thế nào mà các đại gia tỷ phú đều khởi nghiệp từ khu vực gia cư địa ốc và từ hai chục năm qua cho tới nay, người dân đã oán than và khiếu kiện tập thể mà chẳng có kết quả ?

Hiện tượng tầm tô đã phát triển mạnh tại Trung Quốc lẫn Việt Nam, rồi khi cái vốn đất đai cạn dần thì các phương tiện tầm tô khác lại là hệ thống doanh nghiệp nhà nước, với chân rết hay rễ sâu là công ty tư nhân nhưng do đảng viên cán bộ lập ra, ngấm ngầm bảo trợ và ưu đãi phía sau bằng đặc lợi. Đó là nạn tham nhũng, điều chỉ xảy ra trong vùng tiếp cận giữa chính trị và kinh tế.

Nguyên Lam : Ông giải thích thế nào về chiến dịch diệt trừ tham nhũng được phát động từ hai năm qua tại Việt Nam và từ sáu năm qua tại Trung Quốc ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Hiện tượng tầm tô, hay ỷ thế chính trị độc tài để trục lợi, đã tỏa rộng thành một mạng lưới hay một hệ thống chính trị kinh doanh đan kết và lan từ khu vực doanh nghiệp nhà nước qua các cơ chế khác, từ nhà nước tới quân đội và công an.

Điển hình tại Trung Quốc là nhân vật Chu Vĩnh Khang, đã từng cầm đầu ngành dầu khí của hệ thống quốc doanh về sau vào Nội các rồi Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị, Trưởng ban Chính pháp, có quyền chỉ đạo cả bộ máy nội vụ lẫn an ninh tình báo. Ông ta bị truy tố về tội tham nhũng vào cuối năm 2013 rồi lãnh án tù chung thân. Sau đấy, nhiều viên tướng ngồi trong Bộ Chính trị cũng bị truy tố.

- Những gì đang xảy ra tại Việt Nam chỉ là bản sao của những chuyện đã thấy trước đó tại Trung Quốc. Nhưng việc diệt trừ tham nhũng thật ra chỉ là lý cớ khi có nạn "quân phân bất tề" là chia chác không đều giữa các phe phái chính trị, chứ không đi vào lý do cơ bản là hiện tượng tầm tô.

Ở bên dưới, có lẽ người dân cũng biết, nên theo cuộc khảo sát chúng ta vừa nói thì chỉ có 53% là quan ngại tới nạn tham nhũng, so với mối lo ưu tiên về những vấn đề thiết thực hơn cho đời sống là sự an toàn thực phẩm hay nạn ô nhiễm không khí quá nặng ngay tại thủ đô Hà Nội.

Nguyên Lam : Theo ông nghĩ, như một kết luận cho kỳ này thì người dân có giải pháp nào trước những tai ách quá lớn và quá sâu như vậy ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Giải pháp lý tưởng mà bất khả là thay đổi thế chế để chấm dứt tình trạng toàn trị, cái gốc của hiện tượng tầm tô. Giải pháp thực tiễn cho những ai có khả năng nhờ lợi tức là tìm đất sống ở nước ngoài cho gia đình, hoặc ít ra là đi du lịch nước ngoài vào mùa có họa, khi ở tại chỗ thì tiêu thụ những sản phẩm đắt giá vì nhập khẩu từ các nơi an toàn.

Chỉ một thiểu sổ ở thành thị mới có điều kiện ấy và họ gây ra ấn tượng giả tạo về sự phồn vinh tại Việt Nam cho dư luận nông cạn của quốc tế. Đa số thị dân còn lại thì đành chịu trận. Thê thảm hơn vậy là số phận của người dân tại thôn quê, họ không chịu trận mà đành chịu chết. Những người giỏi nhất thì tìm cách vào đô thị sinh sống để một thế hệ sau thì cũng lại xuất ngoại ! Kết luận của tôi là một sự ngậm ngùi.

Nguyên Lam : Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do và Nguyên Lam xin cảm tạ kinh tế gia Nguyễn-Xuân Nghĩa về bài phỏng vấn tuần này.

Nguyên Lam thực hiện

Nguồn : RFA, 21/05/2019

Published in Diễn đàn

Trước Diễn đàn "Vành Đai Con Đường" vào tuần qua tại Bắc Kinh, Tổng bí thư Tập Cận Bình cố trấn an dư luận về sự minh bạch và bền vững của cả kế hoạch. Lý do là quốc tế liên tục cảnh báo về hiện tượng "bẫy nợ" mà các nước nghèo có thể bị khi vay tiền Trung Quốc thực hiện các dự án xây dựng hạ tầng trong khuôn khổ sáng kiến "Nhất Đới Nhất Lộ" của Bắc Kinh. Diễn đàn Kinh tế sẽ nói tới một cái bẫy khác….

sanluong1

Diễn đàn "Vành đai, Con đường" tại Bắc Kinh, Trung Quốc vào ngày 27 tháng 4, 2019 - AFP

Vành đai, Con đường

Nguyên Lam : Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do và Nguyên Lam xin kính chào kinh tế gia Nguyễn-Xuân Nghĩa.

Thưa ông, tuần qua Trung Quốc đã tổ chức tại Bắc Kinh một hội nghị gọi là diễn đàn liên quan tới sáng kiến phát triển hệ thống xây dựng hạ tầng cơ sở trong đất liền và ngoài biển, gọi là "Nhất Đới Nhất Lộ" do Tổng bí thư Tập Cận Bình đề xướng từ sáu năm trước, nay gọi là "Vành Đai Con Đường". Theo dõi hội nghị này, ông có nhận xét gì ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Tôi nghĩ là sau sáu năm xoay trở, ông Tập Cận Bình đang hạ chân xuống đất. Thứ nhất, tham vọng văn hóa của ông là mở lại "Con Đường Tơ Lụa" vốn đã có từ thời thượng cổ. Thật ra, nó chẳng xuất phát từ Trung Quốc mà từ Trung Đông và Trung Á qua bên Tầu. Thứ hai, tham vọng kinh tế của ông là khai thông qua hướng Tây sự bế tắc của các tỉnh bị khóa trong lục địa, rồi phát triển cơ hội hợp tác với các nước khác nhằm giải quyết yêu cầu kinh tế. Thứ ba, về an ninh, các cơ hội hợp tác đó củng cố vai trò chiến lược của Trung Quốc với nhiều bạn hàng sau này sẽ là đồng minh đồng chí của đà bành trướng.

Sự kiện kế hoạch có nhiều tên gọi khác nhau, với nội dung là sáu "tẩu lang" trên đất liền từ Trung Á qua Trung Đông tới Âu Châu và các đường hàng hải ngoài biển, cho thấy sự định hình chậm rãi của một sáng kiến đa diện lắm tham vọng. Thế rồi hệ thống kinh tế chính trị Bắc Kinh, với vai trò chủ động của doanh nghiệp nhà nước và các cơ quan tài trợ như Ngân hàng Đầu tư Hạ tầng Cơ sở Á châu, lại gây hậu quả bất lường, là các nước đang phát triển được khuyến dụ tham gia bị mắc nợ, gọi là rơi vào bẫy nợ, môi sinh bị ô nhiễm và chủ quyền bị đe dọa.

Đâm ra về mặt nổi, Bắc Kinh đã bành trướng sức mạnh mềm của mình mà chìm sâu bên dưới là phản ứng hoài nghi của nhiều nước. Vì vậy, khác hội nghị năm 2017 có tính biểu dương rất duy ý chí, hội nghị năm nay là sự trấn an để xoa dịu và mời chào quốc tế với hứa hẹn tuân thủ quy luật thị trường, nhưng việc tổ chức lại luộm thuộm từ hôm Thứ Năm 25 trước khi họ Tập xuất hiện hôm sau với phát biểu ôn tồn về Vành Đai Con Đường và về trận thương chiến với Hoa Kỳ. Có gì đó rất kỳ đang xảy ra tại Bắc Kinh. Riêng tôi thì tự hỏi vì sao các nước lại mắc bẫy và xin đề nghị là ta nên chú ý tới việc đó.

Nguyên Lam : Như Nguyên Lam hiểu thì ông vừa trình bày những toan tính có dời đổi của lãnh đạo Bắc Kinh nhưng để cảnh báo về cách suy nghĩ của các nước khác, có phải như vậy không, thưa ông ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Chúng ta nên đi từ nền móng của vấn đề. Các quốc gia đã phát triển nay tranh luận rất căng về phẩm chất của phát triển, tới độ báo động rằng kinh tế thị trường và tư bản chủ nghĩa bị khủng hoảng làm thiên hạ hiểu lầm. Các quốc gia đang phát triển, kể cả Trung Quốc và Việt Nam, thì mới ở trình độ chú trọng tới số lượng của đà tăng trưởng chứ chưa lên tới cái vế phẩm chất hay chất lượng. Nói vắn tắt thì ta có một thế giới quan tâm đến phẩm và thế giới kia của đa số mới chỉ quan tâm đến lượng mà thôi. Và đấy mới là cái bẫy đáng ngại !

Lượng và phẩm

Nguyên Lam : Thính giả của chúng ta có thể hiểu cách nêu vấn đề của ông, nhưng cái bẫy ông nói về việc quan tâm đến lượng mà thiếu phẩm là gì trong thực tế ?

SRI LANKA-CHINA-DIPLOMACY-TRADE-MALAYSIA-PHILIPPINES

Tháp Sen và những dự án bất động sản quanh trung tâm Colombo, Sri-Lanka do Trung Quốc tài trợ có liên kết với dự án "Vành đai, Con đường". AFP

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Chưa nói đến yếu tố xã hội hay môi sinh của tăng trưởng, kỳ này tôi chỉ đề cập tới… kế toán, là cách tính ra đà tăng trưởng. Các nước đang phát triển, là mỹ từ lịch sự để nói đến tình trạng chậm tiến, đều muốn tiến nhanh và chấp vào một khái niệm hay phạm trù kế toán là sản lượng : sản lượng gia tăng là kinh tế có tăng trưởng. Chế độ chủ quan duy ý chí thì đề ra chỉ tiêu hàng năm, hay năm năm, của đà tăng trưởng để cả nước thi đua hoàn thành. Bên trong, các cơ chế hay cơ quan hữu trách lấy chỉ tiêu đó làm tiêu chuẩn thẩm định kế hoạch, chương trình hay từng dự án. Một dự án hay công trình mà có thể tăng sản lượng kinh tế bằng hay cao hơn chỉ tiêu ở trên đưa xuống là coi như có giá trị. Vấn đề kế toán ở đây là lấy gì, ở đâu và tốn kém chừng nào để có được sản lượng đó ?

Nguyên Lam : Nguyên Lam xin đề nghị ông nêu một thí dụ cụ thể cho thính giả của chúng ta.

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Tôi xin nêu hai thí dụ. Nếu nhà nước say đòn vì được quốc tế xoa đầu khen là kinh tế tăng trưởng 7% một năm, con số nhiệm màu này là chỉ tiêu mà các cơ quan hay doanh nghiệp công tư đều phải hoàn thành. Từ đó, địa phương hay doanh nghiệp nhà nước đều tìm cách đi vay nhằm đạt chỉ tiêu.

Vấn đề kế toán ở đây là người ta không tính ra các loại phí tổn của việc đi vay và ta thấy ra tai họa đó của Trung Quốc là vay quá nhiều để đạt mức tăng trưởng ảo được đo lường bằng sản lượng, cũng là một số liệu kế toán quốc gia sai lạc. Nếu vay một triệu bạc cho một công trình chỉ nâng đà tăng trưởng có nửa triệu, là chuyện bình thường mà người ta gọi là "sản nhập" không phải sản xuất tại Trung Quốc, thì kế toán vẫn ghi sai là sản lượng tăng một triệu dù đà tăng trưởng thật chỉ có một nửa. Vì vậy, thống kê về Tổng sản lượng GDP của Trung Quốc là không đáng tin và lãnh đạo Bắc Kinh có biết như vậy.

Nguyên Lam : Ông nói tới hai thí dụ. Thưa ông, thí dụ kia là gì ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Thí dụ kia là Việt Nam đang ra sức thực hiện kế hoạch gồm nhiều dự án cho con đường cao tốc Bắc-Nam trải dài 1.800 cây số. Một phần của kế hoạch là các dự án dài 654 cây số sẽ tốn 118 nghìn tỷ bạc từ nhiều nguồn tài trợ do nhiều cơ chế thực hiện. Nguồn tài trợ của nhà nước có thể là 55.000 tỷ, của tư nhân là 63 nghìn. Chuyện kế toán là nhà nước lấy đâu ra 55 nghìn tỷ đó ? Lấy từ ngân sách đang bị bội chi hay phải đi vay như thí dụ ta vừa nói về Trung Quốc, vì khi vay thì trả lãi ra sao và ai sẽ trả sau này với kết quả thực tế là gì ?

Nguyên Lam : Thưa ông, còn 63 nghìn tỷ kia nữa chứ ? Vấn đề kế toán sẽ là gì ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Phần tài trợ và thực hiện đó có thể là đầu tư nội địa hay ngoại quốc. Giới đầu tư nội địa, nghĩa là Việt Nam, khó có ngay 63 nghìn tỷ cho thời hạn ba năm của kế hoạch nên cũng sẽ có vấn đề kế toán. Họ bỏ vốn riêng và mong là phải có lời, đa số còn lại là đi vay nên cũng phải trả lãi. Họ vay ai nếu không từ các nhà đầu tư tài chính khác ? Chưa nói đến yếu tố đất đai và kỹ thuật, khoản tiền lời và lãi đó cũng là phí tổn của dự án mà ai sẽ bút ghi hay bút toán các khoản lãi đơn chồng lãi kép này ? Hệ thống kế toán quản trị của chúng ta đã có trình độ kỹ thuật nhằm giải quyết vấn đề này chưa ? Tôi e rằng chưa.

Nguyên Lam : Nhưng còn có khả năng của giới đầu tư ngoại quốc cho yêu cầu 63 nghìn tỷ đó. Thưa ông, trong vụ này, vấn đề kế toán sẽ là gì ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Ta đang trở lại Con Đường Tơ Lụa của Trung Quốc !

Nhà đầu tư ngoại quốc là những ai và ai trong bộ máy nhà nước của Việt Nam sẽ quyết định về việc gọi thầu và đấu thầu cho các dự án xây dựng hạ tầng này ? Khi doanh nghiệp Trung Quốc đã chực sẵn để nhập cuộc, với hứa hẹn thực hiện toàn bộ công trình Bắc Nam, họ sẽ nắm lấy xương sống của Việt Nam như nhiều người đã thấy và đã sợ. Mà họ có hệ thống kế toán riêng để tính ra lời lãi, lời về an ninh chiến lược và lãi là khi bút ghi rằng họ đã đầu tư ngần này tiền cho một dự án xây dựng hạ tầng, y hệt như trong kế hoạch Vành Đai Con Đường mà thế giới đang báo động.

Nguyên Lam : Kết luận của ông là gì ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Trong khi thế giới báo động về cái máy chém Bắc Kinh thì Việt Nam lại chui đầu vào đó và sẽ lại bị bẫy. Ngoài yếu tố an ninh, chính trị và thậm chí tham nhũng như người ta đã thấy tại Malaysia hay Sri Lanka về Con Đường Tơ Lụa của Trung Quốc, có khi Việt Nam vẫn còn ở tình trạng đo đếm về lượng hơn là về phẩm và lãnh đạo thì khoe cái được, như đà tăng trưởng gần 7% mà chẳng nói về cái mất, ai đó sẽ phải trả sau này…

Nguyên Lam : Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do và Nguyên Lam xin cảm tạ kinh tế gia Nguyễn-Xuân Nghĩa về bài phỏng vấn tuần này.

Nguyên Lam thực hiện

Nguồn : RFA, 30/04/2019

Published in Diễn đàn
mercredi, 24 avril 2019 22:59

Thành phần trung lưu chết kẹt

Tổ chức Hợp tác và Phát triển quy tụ 36 quốc gia có sản lượng lớn nhất địa cầu vừa công bố một phúc trình u ám về tình hình của thành phần trung lưu trong khối kinh tế tiên tiến, nhất là của giới trung lưu Hoa Kỳ, nhưng chìm sâu bên dưới có thể là số phận sắp tới của thành phần trung lưu Á Châu. Mục Diễn đàn Kinh tế sẽ tìm hiểu về sự chuyển động này…

trungluu1

Hình minh họa. Những người mua hàng đang xếp hàng mua gạo ở thành phố Hồ Chí Minh hôm 28/4/2018 - AFP

Tình hình chung của thành phần trung lưu

Nguyên Lam : Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do và Nguyên Lam xin kính chào kinh tế gia Nguyễn-Xuân Nghĩa.

Thưa ông, hôm mùng 10 Tháng Tư, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế tại Paris Pháp quốc công bố một báo cáo về hoàn cảnh của thành phần trung lưu trong 36 quốc gia hội viên với lời cảnh báo đáng ngại vì tình trạng sa sút của họ suốt mấy chục năm vừa qua, nhất là của giới trung lưu Hoa Kỳ. Nhưng câu hỏi được nêu ra là thành phần trung lưu Á Châu thì sao ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Tôi xin khởi sự từ bối cảnh trước khi nói về đề mục mà chúng ta quan tâm. Được thành lập từ năm 1961 tại Paris của nước Pháp, Tổ chức Hợp tác và Phát triển, viết theo Anh ngữ là The Organization for Economic Cooperation and Development, gọi tắt là OECD, là một câu lạc bộ quy tụ các nền kinh tế có sản lượng cao nhất thế giới.

Đây chỉ là một cơ chế nghiên cứu kinh tế toàn cầu, nhưng có giá trị về chuyên môn và rất đáng được lưu ý. Bây giờ, tổ chức này quy tụ 36 quốc gia thành viên và từ cả chục năm nay đã tìm hiểu về tình hình phát triển của các nước tiên tiến với mối lo về tình trạng thiếu bình đẳng trong các nước. Hôm Thứ Tư mùng 10 vừa qua, phúc trình của OECD là lời báo động !

Nguyên Lam : Thưa ông, lời báo động ấy là gì ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Tổ chức nghiên cứu này nhìn cục diện trong dài hạn qua nhiều thế hệ, kể từ những năm 1980 tới nay và thấy thành phần dân số cốt lõi của các nước, được gọi chung là Trung Lưu, lại sa sút một cách chậm rãi về dân số lẫn lợi tức và đang chật vật phấn đấu để thực hiện giấc mơ thịnh vượng của mình.

Riêng tôi thì chú ý đến sự kiện các nước Á Châu vắng mặt trong câu lạc bộ kinh tế này vì chỉ có Nhật Bản, Hàn Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ hay Cộng hòa Turkey thôi. Trung Quốc và Ấn Độ không là thành viên và nếu kể thêm tình hình kinh tế xã hội của hai xứ này thì có lẽ ta còn thấy ra viễn ảnh kém sáng sủa sau này của các nước Á Châu Thái Bình Dương.

Về tình hình chung của các nước tiên tiến, có tới 58% gia đình trung lưu thấy ra sự bất công vì họ đóng góp nghĩa vụ thuế khóa mà chẳng được hưởng lợi ích tương xứng với sự đóng góp đó. Thứ hai là nếp sống của thành phần này càng ngày càng đắt đỏ hơn tỷ lệ lạm phát trong 25 năm qua làm họ mắc nợ nhiều hơn. Và nhìn vào tương lai thì thị trường lao động của giới trung lưu là sự bất trắc. Có một chi tiết đáng chú ý khác là trong các nước giàu mạnh về sản lượng kinh tế thì thành phần trung lưu của Hoa Kỳ lại bị suy sụp nhất.

trungluu2

Bà Laurence Boon trình bày triển vọng kinh tế tạm thời của OECD tại trụ sở của OECD ở Paris hôm 20 tháng 9,2018. AFP

Nguyên Lam : Câu chuyện này quả thật là hơi bất ngờ cho đa số thính giả của chúng ta nên Nguyên Lam xin đề nghị ông phân tích và trình bày cho rõ hơn.

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Thông thường, người ta thường chia dân số một quốc gia ra năm nhóm theo mức lợi tức, mỗi nhóm chiếm 20% dân số gọi lả "nhóm ngũ phân", ngũ là năm. Từ dưới lên là 1/ thành phần bần cùng, rồi 2/ thành phần trung lưu có lợi tức thấp, 3/ thành phần trung lưu có lợi tức vừa, 4/ thành phần trung lưu có lợi tức cao và 5/ thành phần thượng lưu giàu có nhất. Như vậy, 60% dân số một nước được gọi là trung lưu hay Middle Class. Tôi dùng chữ thành phần thay vì "giai cấp" theo kinh tế chính trị học sai lầm của Marx.

Về cách tính thì các nước dùng chỉ dấu tiêu biểu nhất là "lợi tức trung vị", median income, không phải trung bình hay bình quân của quốc gia, theo đó có phân nửa giàu hơn và có phân nửa nghèo hơn. Những ai có lợi tức ở khoảng 75% tới 200% của lợi tức trung vị thì được liệt vào tầng lớp trung lưu. Tầng lớp đó đang co cụm dần và vì tiến xa nhất vào nền kinh tế hậu công nghiệp, Hoa Kỳ thấy giới trung lưu suy sụp hơn cả nếu so với các nước kia, thí dụ như chỉ có 51% thuộc về đám trung lưu có lợi tức ở giữa, so với 61% của cả khối OECD.

Sau khi cảnh báo, phúc trình của tổ chức OECD nhấn mạnh rằng các hộ gia đình trung lưu đóng góp tới hai phần ba của nguồn thuế trực thâu và nhận được 60% của số chi ngân sách nên việc cải tổ ngân sách cho công bằng hơn là cần thiết. Đã vậy, chi phí về gia cư, giáo dục và y tế tăng quá nhanh cho giới trung lưu nên việc đầu tư về giáo dục cho con cái, tức là cho tương lai sau này, là một bài toán cần giải quyết. Trong khi ấy, thiểu số thượng lưu ở trên, thí dụ như 10% giàu có nhất lại nắm trong tay phân nửa tài sản bình quân của quốc gia.

Thành phần trung lưu Á châu

Nguyên Lam : Thưa ông, suốt ba chục năm đó, các nước Á Châu đã gia nhập nhóm kinh tế phát triển và đóng góp cho sản lượng và sự thịnh vượng chung thì số phận của thành phần dân số gọi là trung lưu có khá giả hơn không ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Căn cứ trên kinh nghiệm của các nước tiên tiến thì các nước Á Châu không nên lạc quan mà cần thấy trước vấn đề. Theo Ngân hàng Thế giới thì gần phân nửa dân số, cụ thể là 47%, tại khu vực Á Châu Thái Bình Dương, vẫn phải lao động chui, không thuộc vào thống kê chính thức. Thí dụ đầu tiên là Ấn Độ sau Trung Quốc. Lý do là từ nhóm quốc gia tiên tiến, các doanh nghiệp tìm cách đầu tư ra ngoài vì lợi thế nhân công rẻ khiến giới trung lưu của chính họ lại bị sa sút co cụm. Nhưng chưa chắc là lợi thế nhân công rẻ đã có lợi cho các nước Á Châu nghèo vì doanh lợi lại được các nước giàu có thu về và gây tranh luận về nạn bất công xã hội, trong khi các nước Á Châu chậm phát triển chưa xây dựng được một thành phần trung lưu vững mạnh của mình. Trong khu vực Á Châu này, chính là giới thượng lưu lại đem tiền đầu tư vào các nước tiên tiến và ngoài trường hợp của Nhật Bản hay Nam Hàn, thành phần trung lưu của các nước Á Châu chưa là sức mạnh có thể tạo ra nội lực cho Châu Á.

Nguyên Lam : Nếu như vậy, thưa ông, thì những gì xảy ra trong các nước tiên tiến của nhóm OECD lại có thể xảy ra tại các nước Á Châu Thái Bình Dương ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Tôi e là như vậy. Theo phúc trình của tổ chức OECD, với vài đoạn quá ngắn về Trung Quốc và Ấn Độ, dân số được gọi là trung lưu của hai nước đó còn chiếm một tỷ trọng quá thấp. Nếu người ta trông đợi rằng sự thịnh vượng từ các nước giàu sẽ nhỏ giọt xuống các nước đang mở mang tại Châu Á thì sẽ lại thất vọng và đà tăng trưởng kinh tế của Châu Á cũng sẽ chậm lại chứ hết huy hoàng như trong mấy chục năm qua.

Vấn đề chính là các nước giàu có đều theo chế độ dân chủ nên cuộc tranh luận về bất công xã hội hay chính sách thuế khóa được công khai bày tỏ, trong các nước vừa phát triển tại Châu Á, giới thượng lưu ưu tú thì đem tiền vào khối dân chủ Tây phương trong khi thành phần còn lại thì đang chật vật đấu tranh với các nhu cầu gia cư và y tế cho mình, nhất là đầu tư cho việc giáo dục con em trong khi sự bất mãn về nạn tham nhũng và bất công xã hội chỉ tăng chứ không giảm. Vì vậy, báo cáo của tổ chức OECD cũng là một cảnh báo cho chúng ta.

Nguyên Lam : Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do và Nguyên Lam xin cảm tạ kinh tế gia Nguyễn-Xuân Nghĩa về bài phỏng vấn tuần này.

Nguyên Lam thực hiện

Nguồn : RFA, 24/04/2019

Published in Diễn đàn

Với viễn ảnh Hoa Kỳ và Trung Quốc tạm đạt thỏa thuận trong trận thương chiến giữa hai nền kinh tế dẫn đầu thế giới, các quốc gia khác sẽ tính sao để bảo vệ quyền lợi của mình ? Diễn đàn Kinh tế sẽ tìm hiểu hồ sơ phức tạp này…

war1

Các quốc gia giữa trận thương chiến (AFP) - Ảnh minh họa

Bảo vệ quyền lợi

Nguyên Lam : Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do và Nguyên Lam xin kính chào kinh tế gia Nguyễn-Xuân Nghĩa.

Thưa ông, trận thương chiến kéo dài chín tháng giữa hai nền kinh tế có sản lượng lớn nhất thế giới tại hai bờ Thái Bình Dương đang có hy vọng đạt một thỏa ước tạm trong thời gian tới. Khi ấy, các nước khác sẽ tính sao để bảo vệ quyền lợi của mình trong luồng giao dịch toàn cầu ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Trước khi tìm hiểu hồ sơ rắc rối này, tôi thiển nghĩ là chúng ta nên chú ý đến bốn chuyện căn bản.

Thứ nhất, mọi hiệp ước giữa các nước chỉ được tôn trọng khi quốc gia trong cuộc cùng thấy mình có lợi vì bảo vệ được một phần quyền lợi.

Thứ hai, quyền lợi đó không hề cố định bất biến mà còn có thể thay đổi nên sẽ có ngày người ta đòi thương thuyết lại những gì đã đồng ý.

Thứ ba, thế giới đã đi vào trạng thái liên lập chứ hết còn tự cô lập về kinh tế, nên trong luồng giao dịch hay chuỗi cung ứng hoặc chuỗi giá trị toàn cầu giữa các nền kinh tế với nhau, người ta không chỉ có hai quốc gia gặp mâu thuẫn và phải đàm phán – giả dụ như giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc – vì thỏa thuận nếu có cũng chi phối quyền lợi kinh tế của các quốc gia khác.

Do đó và áp dụng thuật đấu trí hay "game theory" vào kinh tế, ta nên thấy vụ thương chiến Mỹ-Hoa sẽ ảnh hưởng đến nhiều quốc gia hay nhóm kinh tế chứ không chỉ có hai nước đó. Kết luận sơ khởi là lãnh đạo và doanh giới xứ nào cũng cần theo dõi việc đàm phán và thỏa thuận tạm giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc để xem điều đó gây những hậu quả gì cho quyền lợi của mình mà tham gia đàm phán hay tự chuẩn bị.

Nguyên Lam : Thưa ông, phải chăng như vậy mà Nhật Bản cũng đang đàm phán với cả Trung Quốc và Hoa Kỳ ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Thưa rằng cuối tuần qua Ngoại trưởng Nhật là Taro Kono đã tới Bắc Kinh hội đàm ở cấp cao về quan hệ kinh tế giữa hai nước. Nghị trình đàm phán bao gồm những điều mà Hoa Kỳ đã khiếu nại với Trung Quốc, như cưỡng bách doanh nghiệp Nhật phải chuyển giao công nghệ hay thuật lý, như việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và dữ liệu thông tin, hay việc Bắc Kinh trợ cấp doanh nghiệp của mình và gây ra thế cạnh tranh bất chính. Nếu Bắc Kinh nhượng bộ và chấp hành đòi hỏi từ phía Hoa Kỳ theo một chu trình kiểm chứng được thì cũng sẽ phải tôn trọng những cam kết đó với Tokyo.

Song song, Tổng trưởng Kinh tế Nhật Toshimitsu Motegi đang gặp Đại sứ Thương mại Hoa Kỳ tại Washington trong hai ngày 15-16 để mong đạt thỏa thuận về quan hệ kinh tế giữa hai nước. Trong khi đó Ủy ban Âu Châu cũng chuẩn bị đàm phán với Hoa Kỳ về hai đề mục quan trọng là cắt thuế nhập nội trên mặt hàng công nghiệp và giản lược thủ tục cho các doanh nghiệp Âu Mỹ chứng minh việc tuân thủ các tiêu chuẩn của đôi bên. Chỉ nhìn sơ như vậy, người ta cũng thấy là các nền kinh tế đều phải theo dõi tình hình chung để tranh thủ quyền lợi riêng.

Nguyên Lam : Qua nhận xét này của ông, phải chăng chúng ta cần thấy nếu Mỹ đòi Bắc Kinh phải mua thêm hàng hóa của Mỹ và chấp nhận cho doanh nghiệp Hoa Kỳ dễ vào Trung Quốc thì các nước chuyên bán hàng hóa hay thương phẩm cho thị trường của Tầu có khi lại bị thiệt ?

Nguyên-Xuân Nghĩa : Đúng như vậy, nhưng thật ra Hoa Kỳ đang đòi Bắc Kinh phải cải cách cơ chế, nâng mức bảo vệ các doanh nghiệp nước ngoài và chấm dứt tình trạng cạnh tranh bất chính qua sự yểm trợ của nhà nước. Nếu giới lãnh đạo Bắc Kinh tuân thủ những điều kiện ấy thì các nước khác cũng sẽ có lợi. Hoa Kỳ đang mở ra một kỷ nguyên mới khi gây sức ép cho Trung Quốc khiến các nền kinh tế kia, như của Nhật, Úc, Nam Hàn, Đài Loan, Âu Châu và thậm chí của Đông Nam Á, cũng được nhiều lợi ích trong tương lai khi làm ăn với Trung Quốc.

Đơn phương triệt thoái

Nguyên Lam : Người ta thường cho là Hoa Kỳ, dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Donald Trump, có chủ đích bảo vệ quyền lợi của nước Mỹ tới mức hủy bỏ hay đòi song phương thương thuyết lại các hiệp ước quốc tế. Ông nghĩ sao về chuyện đó ?

war2

Logo Amazone (ảnh minh họa) AFP

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Điều ấy đúng mà chưa đủ nên gây ấn tượng sai.

Đúng là Chính quyền Trump chủ trương ưu tiên bảo vệ quyền lợi của Hoa Kỳ và của dân Mỹ và tôi cho rằng lãnh đạo xứ nào cũng nên chủ trương như vậy, là điều lãnh đạo Bắc Kinh đã làm từ lâu mà thiên hạ chẳng nhìn ra. Điều chưa đủ ở đây là sự tiến hóa và những thay đổi về quyền lợi khiến lãnh đạo nhiều nước bị quán tính, cứ theo thói quen mà hành xử, nên không dám đặt lại vấn đề, giỏi lắm thì lặng lẽ ăn gian để bảo vệ quyền lợi của mình. Tôi xin lấy một ví dụ ít ai để ý.

Từ đã lâu, Hoa Kỳ tham gia Liên minh Bưu chính Quốc tế, gọi tắt là UPU, là một tổ chức thuộc Liên Hiệp Quốc có chức năng điều hợp chính sách bưu điện và cả giá biểu giữa các thành viên với nhau. Về nguyên ủy, sáng kiến này xuất hiện từ năm 1874 tại Thụy Sĩ. Nhưng tình hình đã thay đổi, nhất là khi có hiện tượng thương mại điện tử hay e-Commerce để người ta giao dịch trực tuyến với nhau, từ chuyển tiền cho tới gửi hàng qua các linh kiện nhỏ. Khi chưa là một nền kinh tế lớn, Trung Quốc hưởng lợi ích này của Liên minh Bưu chính Quốc tế vì gửi hàng qua Mỹ thì thực tế được trợ cấp mà cơ quan Bưu chính Hoa Kỳ bị thiệt vì nhận giá quá rẻ và phải có bổn phận giao hàng tới từng nhà.

Doanh nghiệp Mỹ muốn gửi hàng cho khách trong lãnh thổ còn thiệt hơn vì khó cạnh tranh với kiện hàng gửi từ Trung Quốc vào Mỹ với giá bèo. Nhà tiêu thụ Mỹ cũng thế vì nếu không hài lòng mà từ Hoa Kỳ gửi trả về cho nhà xuất khẩu Trung Quốc thì tốn gấp mười trị giá món hàng, cộng thêm cước phí. Vì vậy, từ tháng 10 năm ngoái, Chính quyền Trump quyết định sẽ rút khỏi Liên minh Bưu chính Quốc tế trong vòng một năm, nhưng lập tức áp đặt cước phí cao hơn cho các kiện hàng từ Trung Quốc bán vào Mỹ. Vụ này cũng là một khía cạnh của trận thương chiến Mỹ-Hoa mà ít ai chú ý.

Nguyên Lam : Nhưng tại sao Hoa Kỳ lại đơn phương triệt thoái mà không thương thuyết lại với tổ chức Bưu chính Quốc tế này ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Tổ chức quốc tế này có 192 thành viên nhưng nếu đòi xét lại Hoa Kỳ chỉ có một lá phiếu mà thôi.

Sáng kiến thương mại điện tử xuất phát từ Hoa Kỳ và phục vụ giới tiêu thụ vì họ có thể ngồi nhà mua đủ mọi hàng hóa và dịch vụ với giá thấp và làm giàu cho các doanh nghiệp Mỹ, như Amazon hay FedEx. Nhưng Bưu chính Hoa Kỳ bị lỗ vì các quy định lỗi thời mà Trung Quốc lại hưởng lợi khi gửi hàng vào Mỹ, cụ thể là thương nhân Trung Quốc gửi hàng rẻ mạt của họ, có khi là nhái hàng Mỹ, qua vạn cây số trên Thái Bình Dương mà trả cước phí còn thấp hơn doanh nghiệp Mỹ bán hàng cũng cho người khách Mỹ đó ở cách ngàn cây số. Quy định này đặt giá biểu bưu chính có nội dung ưu đãi các nước nghèo nhất, Trung Quốc hết là một nước nghèo mà cứ đòi cào mặt ăn vạ.

Nhân đây, xin nói thêm rằng khi Amazon nương theo mà mở ra mạng thương mại điện tử cho Việt Nam thì doanh nghiệp Việt Nam có lợi, miễn là có hàng để bán và không bán hàng Trung Quốc dưới nhãn hiệu "Made in Vietnam".

Khai thác thương chiến

Nguyên Lam : Thí dụ mà ông vừa trình bày cho thấy rằng không chỉ có Nhật, Úc, Âu Châu hay Hàn Quốc, Đài Loan mà các nền kinh tế đang phát triển như Việt Nam cũng phải theo dõi và còn nên khai thác trận chiến thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc cho quyền lợi của mình. Thưa ông, có phải như vậy không ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Tôi nghĩ đấy là một khía cạnh chiến lược. Từ khi tranh cử cho tới ngày đắc cử rồi nhậm chức, ông Trump đã nói đến việc xét lại quan hệ toàn diện của Hoa Kỳ với Trung Quốc, và ông lần lượt làm chuyện đó, với một vài dấu hiệu liên hệ tới Đài Loan và cả Việt Nam. Khi ấy, các nước khác cũng nhìn thấy ưu tiên của mình là gì trong một không gian đa chiều.

Như Nhật Bản là một bạn hàng của Trung Quốc và Hoa Kỳ mà đang e ngại sự bành trướng quân sự của Bắc Kinh nên cân nhắc những gì có thể nhượng bộ phía Mỹ, như về nông sản và thực phẩm Hoa Kỳ, nhưng trong khuôn khổ của các quy định của Hiệp ước Đối tác Xuyên Thái Bình Dương CPTTP hay với Liên hiệp Âu Châu. Trong khi đó, từng thành viên của Liên Âu, nhất là Đức hay Pháp, lại bị những ràng buộc trong nội bộ với nhau nên sẽ khó đạt thỏa thuận với Mỹ. Loại mâu thuẫn nhiều mặt như vậy dễ gây ấn tượng sai nếu ta không xét cho kỹ.

Là thành viên của Hiệp ước Xuyên Thái Bình Dương giữa 11 nước và có hy vọng tham gia Thỏa ước Tự do Thương mại với Âu Châu, Việt Nam có lợi thế khi đàm phán với Hoa Kỳ để thoát khỏi tình trạng quá lệ thuộc vào nền kinh tế Trung Quốc, mà căn bản nhất thì vẫn là phát huy nội lực, là hệ thống tư doanh. Nếu không thì vẫn là người Việt bán hàng Tầu vào Mỹ mà thôi !

Nguyên Lam : Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do và Nguyên Lam xin cảm tạ kinh tế gia Nguyễn-Xuân Nghĩa về bài phỏng vấn tuần này.

Nguyên Lam thực hiện

Nguồn : RFA, 16/04/2019

Published in Diễn đàn

Hôm mùng ba tuần trước, Ngân Hàng Phát Triển Châu Á ADB công bố báo cáo về viễn ảnh kinh tế Á Châu, với một số triển vọng và rủi ro cho các nước thuộc loại "đang phát triển", trong đó có Việt Nam. Mục Diễn đàn Kinh tế sẽ tìm hiểu về viễn ảnh này.

challenge1

Logo của Ngân hàng Phát triển Cháu Á (ADB) tại Manila, Philippines - AFP

Viễn ảnh kinh tế

Nguyên Lam : Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do và Nguyên Lam xin kính chào kinh tế gia Nguyễn-Xuân Nghĩa.

Thưa ông, hôm mùng ba tháng Tư, một định chế quốc tế có chức năng tài trợ phát triển là Ngân hàng Phát triển Châu Á hay Asian Development Bank đã công bố báo cáo thường niên về viễn ảnh kinh tế cho năm 2019 và 2020 của các nước Á Châu. Nguyên Lam xin đề nghị ông trình bày cho khán thính giả của chúng ta viễn ảnh đó.

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Trước hết, thành lập từ năm 1966 - tức là hai chục năm trước khi Việt Nam manh nha tiến hành "đổi mới" - với hội sở tại thủ đô Manila của xứ Philippines, Ngân hàng Phát triển Á Châu được gọi tắt là ADB nay quy tụ 68 quốc gia thành viên, đa số là các nước Á Châu, với mục tiêu trợ giúp tài chính và kỹ thuật cho các nước Châu Á còn nghèo, bây giờ gọi là "đang phát triển".

Khu vực Châu Á có 45 quốc gia thuộc nhóm này, trong khi chỉ có Nhật Bản là thuộc loại tiên tiến, chứ Trung Quốc, Nam Hàn, Đài Loan, Singapore và Hong Kong là "các nền kinh tế mới công nghiệp hóa", newly industrialized ecomomies, gọi tắt là NIC, tôi dùng chữ "tân hưng" cho nhóm đó. Trong loại đang phát triển, ngân hàng ADB phân biệt các nước theo vị trí địa dư, như Đông Bắc Á, Đông Nam Á, Thái Bình Dương và Nam Á… Phúc trình vừa được ADB công bố dựa trên số liệu khá cập nhật, gần nhất là vào ngày tám tháng Ba.

Có thể tóm lược nội dung của báo cáo này là do số cầu giảm mạnh trên thế giới hy vọng tăng trưởng của Á Châu cũng bị chậm lại trong năm nay và năm tới. Ngày hôm qua, Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế IMF cũng vừa cập nhật dự báo về kinh tế toàn cầu, lần thứ ba trong có sáu tháng, theo hướng sút giảm nhẹ. Điều này thì từ nhiều tháng qua, mọi người đã rõ. Nhưng phúc trình của ADB còn có giá trị ở khuyến cáo dành cho các nước đang phát triển mà chúng ta nên chú ý.

Khuyến cáo cho Việt Nam từ ADB

Nguyên Lam : Xin ông phân tích cho thính giả của chúng ta những khuyến cáo mà ADB đã nêu ra cho Việt Nam.

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Trong một công trình nghiên cứu gần 400 trang dành cho 45 quốc gia đang phát triển thì phần phân tích của ADB về kinh tế Việt Nam chỉ có năm trang, với cả chục đồ biểu khá công phu. Ngân hàng ADB đánh giá cao triển vọng của Việt Nam, dù sẽ đình trệ đôi chút thì vẫn thuộc loại khả quan trong khu vực, nhưng nhấn mạnh đến rủi ro hay nguy cơ tiềm ẩn về dài và trong ngắn hạn. Bản thân tôi thì cho rằng chúng ta nên chú ý tới những rủi ro đó.

challenge2

Ông Nguyễn Xuân Phúc chào đón ông Takehiko Nakao, Chủ tịch ADB tại Hà Nội. AFP

Nguyên Lam : Nguyên Lam xin đề nghị ông trình bày và phân tích các rủi ro này.

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Sau khi ngợi ca một số thành quả của Việt Nam, như có tốc độ tăng trưởng cao nhất trong khu vực với sự ổn định về vật giá, ADB cho là kinh tế Việt Nam có thể gặp rủi ro ngắn hạn, then chốt là vì yếu tố ngoại nhập từ các nền kinh tế ở bên ngoài, như Trung Quốc, Hoa Kỳ, Âu Châu và Nhật Bản, vốn là đối tác của Việt Nam. Về trường kỳ thì mối nguy lại tiềm ẩn bên trong.

Thứ nhất, dù biết và muốn cải cách hệ thống doanh nghiệp nhà nước theo hướng cổ phần hóa hay tư nhân hóa, Việt Nam vẫn tiến hành quá chậm so với chỉ tiêu đặt ra. Thứ hai, hệ thống doanh nghiệp tư nhân, chủ yếu là loại có kích thước nhỏ và vừa, với đóng góp gần phân nửa cho sản lượng kinh tế quốc dân, lại chưa được yểm trợ đúng mức để tham gia và hội nhập vào chuỗi giá trị toàn cầu. Lý do của sự yếu kém là tư doanh khó tìm ra nguồn tài trợ và thu hút được công nhân có tay nghề để tiến lên trình độ sản xuất cao hơn trong một thị trường ngày càng đòi hỏi các chuẩn mức khắt khe về phẩm chất, như kỹ thuật, môi sinh, y tế và kiểm dịch.

Nguyên Lam : Khi theo dõi tình hình kinh tế Việt Nam, ông nhận định thế nào về sự đánh giá của ngân hàng ADB ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Tôi thiển nghĩ là xác đáng mà dĩ nhiên chưa đủ chi tiết. Giới kinh tế Việt Nam có thấy các vấn đề ấy và cũng nêu ý kiến chứ chẳng phải không.

Đầu tiên, với dân số gần trăm triệu đã có mức sống khá hơn, Việt Nam nên thúc đẩy khả năng tiêu thụ nội địa để góp phần cho đà tăng trưởng, thay vì lệ thuộc quá nhiều vào xuất nhập khẩu và bị ảnh hưởng mạnh của các yếu tố ngoại nhập. Đừng quên rằng sức tiêu thụ nội địa là một trong các yếu tố tích cực giúp Việt Nam có đà tăng trưởng cao như ADB đã nhắc nhở. Kế đó, kinh tế Việt Nam vẫn quá lệ thuộc quá nhiều vào nguồn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài nên đa số nguồn lợi lại trút vào giới đầu tư quốc tế chứ không vào Việt Nam. Thứ ba, muốn phát huy nội lực bên trong, Việt Nam lại gặp trở ngại vì tay nghề của nhân công quá thấp mà lợi thế thu hút đầu tư là nhân công rẻ là chuyện không bền và thật ra đã hết. Cho nên - và báo cáo của ADB có nói tới chuyện này - Việt Nam nên xác định lại ưu tiên về chính sách.

Xác định ưu tiên chính sách

Nguyên Lam : Ưu tiên đó là gì, thưa ông ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Thứ nhất, tạo ra sân chơi bình đẳng giữa tư doanh và quốc doanh, là điều có quy định trong các hiệp ước thương mại quốc tế mà Việt Nam đã ký kết. Thứ hai là ưu tiên cho các doanh nghiệp loại nhỏ và vừa của tư doanh. Việt Nam cần có chính sách toàn diện và nhất quán cho ưu tiên là nâng trình độ sản xuất của tiểu doanh thương tư nhân, như về tín dụng và đầu tư để thụ đắc các thiết bị và công nghệ cao cấp và về giáo dục và đào tạo để nhân công có tay nghề khả dĩ cạnh tranh được với các nước trong khu vực.

Nguyên Lam : Tuy nhiên, thưa ông, báo cáo của ADB có nói tới triển vọng tăng trưởng khá cao của Việt Nam trong khu vực Đông Nam Á, ông nghĩ sao về nhận định ấy ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Chúng ta cần nhấn mạnh rằng tăng trưởng chưa phải là phát triển nếu thiếu phẩm chất, như tình trạng môi sinh, điều kiện lao động và cả công bằng xã hội. Thứ nữa, trong các nền kinh tế lớn của Đông Nam Á, Việt Nam là nước đi sau và mới chỉ gia nhập Hiệp hội ASEAN của các nước Đông Nam Á từ năm 1995 sau khi đổi mới từ năm 1987-1991 cho nên đà tăng trưởng có thể cao hơn các nước đã tiến hành cải cách từ trước. Nhưng nếu hài lòng với tốc độ biểu kiến đó mà không cải cách thêm thì vẫn là tụt hậu so với các lân bang kể từ nay mình sẽ phải cạnh tranh kịch liệt hơn. Ta đừng quên các nước kia đã cải cách về kinh tế lẫn cơ chế chính trị qua nhiều đợt cứ tưởng như bất ổn và khủng hoảng, chỉ vì kinh tế và chính trị vẫn là hai mặt của một đồng tiền mà thôi.

Dĩ nhiên là ADB không nói gì về chính trị nhưng mọi người đều hiểu như vậy, khuyến cáo ngầm của định chế tài trợ phát triển này là Việt Nam cần một đợt đổi mới nữa thì mới giải quyết được bài toán quốc doanh và phát huy sức mạnh của tư doanh làm nội lực thật.

Nguyên Lam : Lời kết của ông trong phần bình luận kỳ này là gì ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : So với các dân tộc lân bang, người dân Việt Nam thật ra chẳng thua kém gì nhưng bị nhiều tai họa về chiến tranh và "cách mạng" trong ngoặc kép, kéo dài mấy chục năm. Ngày nay, tình hình đổi khác đang cho Việt Nam một cơ hội mới để cải sửa sai lầm cũ và tránh được những rủi ro tiềm ẩn. Việc cải cách thể chế sẽ chỉ có kết quả trong lâu dài, nên nghĩ tới năm mười năm, nhưng chính vì vậy mà phải khởi sự càng sớm càng hay, và một cách đồng bộ. Then chốt nhất vẫn là kiến thức và khả năng của con người, cuộc cách mạng thật của lần này phải khởi đi từ đó.

Nguyên Lam : Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do và Nguyên Lam xin cảm tạ kinh tế gia Nguyễn-Xuân Nghĩa về bài phỏng vấn tuần này.

Nguyên Lam

Nguồn : RFA, 09/04/2019

Published in Diễn đàn

Trong viễn ảnh kém sáng sủa của các nền kinh tế lớn trên toàn cầu, 10 quốc gia Đông Nam Á của Hiệp hội ASEAN có triển vọng gì không với Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện trong Khu vực, gọi tắt là RCEP (Regional Comprehensive Economic Partnership) ? Tuần này, Diễn đàn Kinh tế sẽ tìm hiểu hai chuyện, là viễn ảnh kinh tế và Hiệp định RCEP.

rcep1

Hội nghị thượng đỉnh Đối tác Kinh tế Toàn diện trong khu vực lần thứ hai tại Singapore năm 2018 - AFP

Nạn suy trầm

Nguyên Lam : Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do và Nguyên Lam xin kính chào kinh tế gia Nguyễn-Xuân Nghĩa.

Thưa ông, cuối tuần qua, thị trường cổ phiếu Hoa Kỳ đã sụt giá mạnh vì một trong nhiều dấu hiệu tiên báo về nạn suy trầm đã xuất hiện. Đó là khi phân lời trái phiếu dài hạn, thí dụ là loại 10 năm lại sụt và còn thấp hơn phân lời trái phiếu ngắn hạn, là điều khá bất thường. Nguyên Lam xin đề nghị ông phân tích cho hiện tượng đó trước khi ta nói về kinh tế Á Châu.

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Trước hết, tôi xin trình bày về định nghĩa và ngôn từ để mình biết là nói về cái gì. Khi một nền kinh tế có tăng trưởng, nhưng với tốc độ thấp hơn, thì người ta gọi là bị suy trầm, hay recessiom, là một hiện tượng chu kỳ dăm bảy năm lại bị một lần và mỗi lần kéo dài chừng một hai năm. Khi sinh hoạt kinh tế lại sa sút liên tục trong nhiều năm thì người ta gọi là suy thoái, thoái là lùi, để dịch từ depression. Khi nạn suy thoái kinh tế lan qua nhiều lĩnh vực và quốc gia thì người ta mới gọi là khủng hoảng.

Sau khi kinh tế Hoa Kỳ bị suy trầm từ Tháng 12 năm 2007 tới Tháng Bảy năm 2009, tình hình vẫn thiếu khả quan nhưng từ đó đến nay đã gần 10 năm qua mà kinh tế Mỹ chưa bị suy trầm. Do đó, người ta e ngại và tìm nhiều cách đoán trước vì thật ra mình chỉ biết kinh tế có suy trầm hay không sau một hai quý mà thôi. Quốc tế cũng theo dõi chuyện đó của Hoa Kỳ vì nền kinh tế số một của thế giới có sức tiêu thụ cao nhất nên có thể mua hàng hoá của thiên hạ.

Bước sang chuyện trái phiếu hay tờ giấy nợ. Chủ nợ là người có tiền cho vay như một hình thức đầu tư để kiếm lời thì có thể cho vay ngắn hạn từ vài ba tháng tới dài hạn là cả chục năm hay mấy chục năm. Tiền lời đó nên gọi là phân lời hay yield để phân biệt với lãi suất ngân hàng hay interest rate. Khi cho vay dài hạn, chủ nợ là nhà đầu tư thường đòi tiền lời cao hơn loại vay ngắn hạn vì về dài dễ bị nhiều rủi ro hơn.

Giới chuyên môn có thể giản lược hóa mà trình bày phân lời từ ngắn đến dài hạn thành một đường tuyến gọi là yield curve. Trên cái trục thời hạn cho vay thì nó thường chếch lên bên phải vì phân lời dài hạn cao hơn ngắn hạn. Việc bất thường là khi đường tuyến lại nằm ngang, thậm chí chúc xuống, là điều xảy ra tuần qua, người ta coi đó là chỉ dấu báo trước suy trầm từ khoảng 300 ngày đến một năm sắp tới.

Nguyên Lam : Thưa ông, những người không am hiểu về kinh tế có thể hỏi vì sao hiện tượng đó có thể báo trước nạn suy trầm. Xin ông giải thích cho dễ hiểu.

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Con người ta luôn luôn muốn biết trước về tương lai và trong lĩnh vực kinh tế, người ta cố tìm ra cả chục dấu hiệu tiên báo, trong đó có đường tuyến về phân lời như ta vừa nói. Từ hơn ba chục năm nay, các cơ quan hữu trách Hoa Kỳ đã dùng dấu hiệu đó để tiên đoán.

Về đại thể, lý do giải thích vì sao thì có tâm lý của nhà đầu tư cho vay tiền bằng trái phiếu. Nếu đường tuyến chếch lên rất cao thì đấy là vì họ đòi phân lời dài hạn thật đắt vì e ngại nạn lạm phát. Nếu đường tuyến nằm ngang hay chúc xuống thì có thể là họ dự đoán về lãi suất ngắn hạn sắp tới và đòi phân lời cao hơn. Kế đó là hậu quả của tâm lý bi quan này trong lĩnh vực ngân hàng. Các ngân hàng hay cơ quan tín dụng huy động tiền ký thác để đem cho vay. Họ trả tiền lời ký thác ngắn hạn và đem cho vay dài hạn với lãi suất cao hơn và kiếm lời ở giữa. Khi hiện tượng phân lời đảo ngược xảy ra giữa loại trái phiếu ba tháng và 10 năm như ta thấy hôm 22 tuần trước thì mức lời của các ngân hàng giảm sẽ làm họ ngại cho vay và có thể gây ra ách tắc tín dụng làm cho sinh hoạt kinh tế bị đình trệ. Nhưng lần này, sự thể chưa chắc đã tệ như vậy.

Nguyên Lam : Thưa ông, vì sao lần này tình hình kinh tế Mỹ chưa chắc đã tệ như vậy dù đã có hiện tượng chúc xuống của đường tuyến phân lời như ông nói ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Có vài lý do giải thích vấn đề kỹ thuật quá rắc rối này. Thứ nhất, sau khi kinh tế Mỹ đạt mức tăng trưởng bình quân là 3% suốt năm qua thì năm nay có thể giảm đà tăng trưởng nhẹ, như chúng ta đã trình bày tuần trước. Thứ hai, Ngân hàng Trung ương Mỹ bật ra tín hiệu khó hiểu sau khi nâng lãi suất cơ bản trong năm ngoái rồi quyết định không tăng lãi suất nữa cho tới cuối năm làm thiên hạ nghĩ rằng tình hình kinh tế sẽ tồi tệ hơn. Thứ ba là sự bất trắc trong trận thương chiến giữa Hoa Kỳ với Trung Quốc và nhất là tình trạng kinh tế quá thất thường của cả Trung Quốc lẫn Âu Châu. Riêng về kinh tế Âu Châu, sự u ám đã thành sự thật với đà tăng trưởng sẽ ở dưới 1% trong năm nay làm cho phân lời trái phiếu Đức đã tuột xuống số âm, là đều bất thường.

rcep2

Sàn giao dịch chứng khoán New York hôm 29 tháng 1, 2019. afp

- Nhìn trong bối cảnh chung đó, ta thấy ra sự ngược đời là kinh tế Hoa Kỳ lại khá nhất trong các nền kinh tế lớn của thế giới, nhờ sức mạnh của thị trường lao động và ảnh hưởng tới đà tiêu thụ của người dân và nhờ một nghịch lý khác là đà tăng chi của ngân sách liên bang. Vì vậy, lần này, chỉ dấu tiên báo của đường tuyến phân lời chưa chắc đã bi quan như người ta nghĩ. Bản thân tôi thì còn theo dõi một chỉ đấu khác là giá một loại thương phẩm khá đặc biệt vì cần thiết cho nền công nghiệp là giá đồng. Khi nó sụt thì đấy là dấu hiệu xấu về sản suất và nếu tăng thì đấy là một triển vọng khả quan hơn. Giá đồng đã sụt nhưng lại vừa tăng chút đỉnh nên chúng ta cần theo dõi thêm. Nói vắn tắt thì người ta có nhiều cách dự đoán khác nhau nhưng chính tâm lý bi quan có tính chất bầy đàn mới càng dễ đưa tới kết qủa bất lợi cho tương lai.

RCEP

Nguyên Lam : Nguyên Lam xin được bước qua phần thứ hai là nói về 10 nước Đông Nam Á trong Hiệp hội ASEAN và quy chế tự do thương mại trong khuôn khổ Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực, thường được gọi tắt là RCEP. Thưa ông, khi các nền kinh tế dẫn đầu thế giới là Hoa Kỳ, Âu Châu, Trung Quốc và Nhật Bản đều gặp khó khăn thì viễn ảnh hợp tác của Hiệp định RCEP này có giúp gì cho các nước Đông Nam Á hay không ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Tôi nghĩ rằng đó là kịch bản "bên bờ ảo vọng" !

Về bối cảnh thì năm 2012, khối ASEAN muốn tiến tới một hiệp định với sáu quốc gia đã có hiệp ước tự do thương mại với cả khối là Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Úc, Nam Hàn và New Zealand. Tôi nghĩ rằng chính Bắc Kinh thúc đẩy sáng kiến này khi Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương hay TPP gồm 12 nước đang thành hình mà không có Trung Quốc. Tham vọng của họ là hội nhập 16 quốc gia có ba tỷ 600 triệu dân và sản xuất ra một phần ba sản lượng toàn cầu.

Ban đầu thì họ mơ hoàn thành việc đó vào năm 2015 mà sau 25 vòng đàm phán qua sáu năm trường thì vẫn chưa đạt đồng thuận. Tiêu chí hoàn tất vào năm 2018 cũng đã qua, nên đành mong rằng có thể ký kết thỏa ước chung trong hội nghị ASEAN tại Thái Lan vào Tháng 11 năm nay, mà cuối cùng cũng sẽ là không.

Nguyên Lam : Thưa ông, vì sao lại có những trục trặc và chậm trễ như vậy ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Cho tôi nói tiếp về bối cảnh đã thì ta dễ hiểu ra sự thể.

Khác với Hiệp định TPP có tính chất hợp tác toàn diện và còn bao hàm ý hướng chiến lược vây quanh Trung Quốc, Hiệp định RCEP có tham vọng tạo dựng một khu vực tự do thương mại rộng lớn mà tập trung vào lĩnh vực mậu dịch, nôm na là trao đổi hàng hóa và dịch vụ với thuế suất nhập nội rất thấp. Vậy mà họ mất sáu năm bàn cãi để chẳng đi tới đâu.

Với 10 quốc gia trong Hiệp hội ASEAN, đây là cơ hội khuếch trương buôn bán với các nước ở bên ngoài và so sánh với Hiệp định TPP chỉ có bốn thành viên, là Việt Nam, Malaysia, Singapore và Brunei, thì RCEP có lợi hơn cho toàn khối. Đó là lý thuyết, thực tế lại hơi khác.

- Với Bắc Kinh thì đây là cơ hội giàng neo cột 10 nước Đông Nam Á vào quỹ đạo của họ trước sức mạnh của Hoa Kỳ và tăng cường quan hệ với các cường quốc kinh tế khác như Nhật Bản, Ấn Độ, Nam Hàn, và Úc để khiến các nước này không dễ gì đồng ý với những đòi hỏi về thương mại của Hoa Kỳ. Nhưng sự đời lại chẳng đơn giản như vậy !

Nguyên Lam : Tức là ông bắt đầu giải thích vì sao Hiệp định RCEP này chưa thể thành hình trong năm nay ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Quan hệ kinh tế giữa các nước không chỉ có thuế suất nhập nội của hàng hóa và dịch vụ xứ này bán qua xứ kia mà còn có nhiều rào cản, thí dụ như hạn ngạch nhập cảng, hoặc việc hội nhập vào một chuỗi cung ứng, là xứ này trao đổi nguyên vật liệu của các xứ khác để có được sản phẩm hoàn tất. Hiệp định RCEP chỉ tập trung vào chuyện hạ thuế suất mà không thấy ra nhiều khía cạnh rắc rối kia. Đó là một.

Lý do thứ hai có lẽ xuất phát từ Trung Quốc, Hiệp định RCEP đặt ra khuôn khổ hợp tác giữa nhà nước với nhà nước, trong khi Hiệp ước TPP lại mở ra cho các doanh nghiệp và thị trường, chủ yếu là tư doanh hơn quốc doanh. Khi thu hẹp vào phạm vi quyết định của nhà nước thì nhà nước nào cũng nhìn xuống quần chúng của mình khi đàm phán. Thí dụ điển hình là Ấn Độ, một cường quốc kinh tế không thuộc nhóm 11 quốc gia của TPP, mà vẫn e ngại quan hệ với Bắc Kinh và bị nhập siêu với Trung Quốc. Chính Ấn Độ đã nêu ra nhiều đòi hỏi gây trở ngại.

Mà không chỉ có Ấn Độ là quốc gia sẽ có bầu cử và rất quan tâm đến dư luận, sau Thái Lan vào tuần qua, Úc và Indonesia cũng sắp có bầu cử. Lãnh đạo các quốc gia đó không thể nhượng bộ nước ngoài để có khi thất cử bên trong. Do đó, Hiệp định RCEP này sẽ khó thành hình trong năm nay.

Nguyên Lam : Câu hỏi cuối, thưa ông, nhóm ASEAN muốn gì và có thể làm được những gì ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Chúng ta đều biết là thuế nhập nội thấp thì sẽ gia tăng số ngoại thương trao đổi với nhau, nhưng các nước Đông Nam Á đang muốn đa diện hóa hệ thống sản xuất hàng hóa và dịch vụ cho tinh vi hơn mà cũng muốn đa diện hóa các thị trường giao dịch và tiến tới chế độ tự do chuyển dịch người và vật cho mục tiêu phân công đó. Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện RCEP thật ra chưa có gì là toàn diện mà vẫn bị giới hạn về trao đổi dịch vụ và lao động nên ASEAN sẽ tiếp tục đàm phán nhưng không giàng tương lai của họ vào cơ chế này.

Nguyên Lam : Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do và Nguyên Lam xin cảm tạ kinh tế gia Nguyễn-Xuân Nghĩa về bài phỏng vấn tuần này.

Nguyên Lam thực hiện

Nguồn : RFA, 26/03/2019

Published in Diễn đàn
mercredi, 13 mars 2019 13:37

Đầu tư vào Mỹ vì tấm thẻ xanh

Hôm thứ Ba mùng năm tháng Ba tuần trước, nhật báo The Wall Street Journal của Hoa Kỳ có một bài viết khá lạ kỳ, theo đó, ngành phát triển địa ốc Mỹ đang tìm tới giới đầu tư tại Việt Nam vì một lợi thế là tư bản rẻ. Diễn đàn Kinh tế sẽ tìm hiểu về chuyện này…

thexanh1

Tượng Nữ thần Tự do là biểu tượng cho mục đích đến Mỹ của di dân - AFP

Đầu tư và di dân

Nguyên Lam : Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do và Nguyên Lam xin kính chào kinh tế gia Nguyễn-Xuân Nghĩa.

Sau một tháng nghỉ phép, Nguyên Lam xin được trở lại với tạp chí Diễn đàn Kinh tế và xin được hỏi chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa về một bài báo tuần trước trên tờ The Wall Street Journal liên hệ tới việc ngành phát triển địa ốc của Mỹ đang chiêu dụ giới đầu tư từ Việt Nam vì một lợi thế là nguồn tư bản rẻ. Dù bản tin ít được chú ý, người ta cũng thấy một sự lạ là giới đầu tư tại Việt Nam đang được mời chào vào một mảng thị trường của Mỹ. Theo dõi chuyện này, ông giải thích thế nào cho thính giả của chúng ta ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa :  Trước hết, chúng ta có thể tham khảo bài viết của kỷ giả Konrad Putzier theo mạch dẫn sau đây (1) :

Sau khi tìm hiểu sự kiện, tôi thấy ra nhiều yếu tố đáng chú ý vì tính chất rắc rối. Đầu tiên, Hoa Kỳ có một quy chế mới từ Đạo Luật Di Dân (Immigration Act of 1990) do Tổng thống George H. W. Bush ban hành vào cuối năm 1990 theo đó Mỹ lập ra phương pháp cho phép giới đầu tư nước ngoài có cơ hội là "thường trú nhân" tại Hoa Kỳ, nôm na là "có thẻ xanh" hay "green card". Quy chế này được gọi tắt là "Hộ chiếu EB-5" hay EB-5 Visa, là tiếp nhận di dân vì cơ sở nhân dụng hay "employment-base", thuộc loại ưu tiên thứ năm. Muốn hưởng quy chế đó, nhà đầu tư ngoại quốc phải đem vào tối thiểu một triệu đô la để tài trợ một doanh nghiệp có tiềm năng tạo ra ít nhất là 10 việc làm tại Mỹ. Một khoản đặc miễn là chỉ đầu tư chừng nửa triệu đô la thôi trong một khu vực nhân dụng ưu tiên hay "Targeted Employment Area", TEA, như nông thôn hay vùng bị thất nghiệp cao.

Hai mục tiêu cơ bản của quy chế tiếp nhận di dân này là khuyến khích đầu tư của nước ngoài và tăng trưởng kinh tế. Người nước ngoài muốn tham gia chương trình đó phải hoặc tự đầu tư lấy hoặc hùn vốn vào một trung tâm địa phương có nguồn tư bản lớn hơn đã được Sở Di Trú thuộc Bộ Nội An Hoa Kỳ chấp nhận.

Nguyên Lam : Chúng ta đều biết mỗi khi phân tích một hồ sơ, kinh tế gia Nguyễn-Xuân Nghĩa thường tìm ngược lên bối cảnh sâu xa của vấn đề, nhưng ít ai ngờ là câu chuyện đầu tư còn liên hệ đến quy chế di dân. Xin đề nghị ông trình bày thêm.

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Hồ sơ EB-5 này khá phức tạp và vẫn đang gây tranh cãi, nhưng ta nên tìm hiểu tiếp về bài báo nói trên. Giới đầu tư ngoại quốc hưởng ứng chương trình này thường nhắm vào khu vực địa ốc hay các ngành tạo ra việc làm và đa số là nhà đầu tư Trung Quốc. Chẳng hạn như theo cuộc khảo sát của Savills Studleys, một doanh nghiệp cung cấp dịch vụ địa ốc Mỹ, thì vào năm 2014, có 10.692 nhà đầu tư ngoại quốc được thẻ xanh qua chương trình đó mà 9.128 người là đến từ Trung Quốc, chiếm tỷ lệ rất cao là 85,4%. Vào thời gian đó tỷ lệ của người Việt chỉ ở khoảng 1% mà thôi - theo Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ là 121 người.

Nguyên Lam : Tức là năm năm trước, nhà đầu tư Việt Nam chưa có gì là đáng cho người ta chú ý và các đại gia Trung Quốc mới gây ra chuyển động. Thế rồi, thưa ông, vì sao giới đầu tư của Việt Nam lại đang được người ta chiếu cố ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Theo các cuộc khảo sát năm năm trước thì có bốn nước tham gia nhiều nhất vào chương trình đầu tư và di trú này, là Trung Quốc. Nam Hàn, Đài Loan và Vương quốc Anh Thống nhất, với Trung Quốc dẫn đầu.

Bây giờ, ta bước qua khía cạnh kinh tế là quy luật cung cầu. Sau khi tràn ngập thị trường địa ốc Mỹ vì doanh lợi hay vì yêu cầu di trú, giới đầu tư có lắm tiền của Trung Quốc lại đụng vào đỉnh. Quy chế EB-5 có hạn ngạch cho giới đầu tư của từng quốc gia để không xứ nào có thể khống chế thị trường Mỹ. Hạn ngạch đó dẫn tới hậu quả là thời gian chờ đợi để được thẻ xanh. Ban đầu, nhà đầu tư từ Trung Quốc chỉ đợi dăm ba tháng, nhưng theo Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ thì người đệ nạp hồ sơ vào tháng 10 của năm 2018 vừa qua có thể chờ đợi 14 năm !

Chúng ta cũng nên kể thêm hai yếu tố tác động khác, là nhiều cơ sở phát triển địa ốc Mỹ bị phá sản sau khi nhận tiền của giới đầu tư nước ngoài theo quy chế EB-5, tức là đã có vi phạm quy luật kinh doanh hay luật lệ và cơ quan thẩm xét đầu tư chứng khoán là SEC đã có điều ta. thứ hai là mâu thuẫn gia tăng giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc. Vì vậy, số lượng doanh gia Trung Quốc tham gia quy chế EB-5 này tuột dốc thê thảm. Nhưng cũng nhờ đó mà giới đầu tư từ Việt Nam trở thành đối tượng được các cơ sở phát triển địa ốc Mỹ chiếu cố.

Nguyên Lam : Thưa ông, ngoài yếu tố chủ quan là vấn đề trong ngành phát triển địa ốc tại Hoa Kỳ, phải chăng người ta còn thấy ra một yếu tố khách quan khác ? Như đà tăng trưởng cao của kinh tế Việt Nam và sự xuất hiện của một thành phần người Việt có tiền đầu tư ra nước ngoài, ông nghĩ sao về chuyện này ?

thexanh2

Tòa nhà Chrysler ờ thành phố New York đang được rao bán. AFP

Nguyễn-Xuân Nghĩa :  Thưa rằng có hai yếu tố khách quan nói trên, chưa kể tới sự kiện là Việt Nam và Hoa Kỳ đang cải tiến quan hệ song phương như bài báo đã viết. Ngoài ra, tôi thiển nghĩ còn có một hiện tượng sâu xa trong chế độ di trú của Hoa Kỳ, là xã hội Mỹ e ngại di dân đến từ Trung Quốc nên ngấm ngầm nhận di dân từ Việt Nam. Sau 1975, chúng ta ít thấy xuất hiện các "China Town" trong khi những trung tâm gọi là "Little Saigon" lại mọc như nấm.

Trở lại bài báo tuần qua của tờ Wall Street Journal, tác giả nói đến hai yếu tố khác. thứ nhất là người Việt Nam khó được hộ chiếu hay chiếu khán vào Mỹ ; thứ hai là nỗi lo bất ổn kinh tế và chính trị tại Việt Nam khiến ai có tiền đều tìm một bãi đáp khác ở nước ngoài. Vì vậy, họ tìm cách đầu tư vào thị trường Mỹ và chấp nhận một mức lời thấp hơn. Với các cơ sở phát triển địa ốc Mỹ, đấy là một nguồn tài trợ rẻ hơn, và là trọng tâm của bài báo.

Tình hình có lac quan ?

Nguyên Lam : Nhìn từ giác độ của người Việt Nam nói chung, ông nhận xét thế nào về câu chuyện quá rắc rối này ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Thứ nhất, Hoa Kỳ hình thành và phát triển nhờ di dân nhưng mỗi thành phần tiếp nhận di dân lại chú ý tới một số khía cạnh có lợi cho họ nên thể hiện thành chính sách nhập cư với nhiều hậu quả bất ngờ khác nhau.

Do đó, Hoa Kỳ ngày nay mới có cuộc tranh luận về chính sách di dân với những lý luận chủ quan, đôi khi có tà ý. Thí dụ điển hình của gian ý chính trị là việc nước Mỹ dưới sự lãnh đạo của ông Donald Trump có chủ trương kỳ thị di dân gốc Việt và đòi trục xuất những người vi phạm luật lệ về nước. Điều này rất sai nhưng không thuộc phạm vi kinh tế của diễn đàn chúng ta.

Thứ hai, đặc tính thực dụng của xã hội Hoa Kỳ khiến họ tiếp nhận di dân có lợi cho nước Mỹ trong khi vẫn nói về giá trị nhân bản của việc đón nhận thành phần cùng khốn trên thế giới. Giá trị nhân bản đó là điều có thật, nếu chúng ta nhớ tới người tỵ nạn Việt Nam sau biến cố 1975, nhưng không thể quên rằng họ đã từng bị kỳ thị và ngăn chặn vì lý do chính trị trong chính trường Hoa Kỳ vào thời đó.

Đâm ra nước Mỹ có hai ba mặt khác biệt, một là dân Mỹ hằng tâm hằng sản rất bao dung cứu giúp người khác, nhưng Chính quyền Hoa Kỳ lại nghĩ tới quyền lợi sâu xa của nước Mỹ và nhiều vị dân cử trong chính quyền đó thì lo cho việc tái đắc cử. Và mặt thứ ba là các doanh gia Mỹ rất bén nhạy nhìn ra cơ hội làm tiền. Cơ hội đó là các đại gia có tiền tại Việt Nam muốn tìm một bãi đáp tại Mỹ.

Nguyên Lam : Nếu Nguyên Lam hiểu không lầm về mấy điểm tổng kết vừa qua của ông thì hình như ông không mấy lạc quan. Có phải như vậy không ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Doanh trường có nhiều cơ sở bị phá sản vì tội lạc quan !

Người ta có thể lạc quan, rằng vì mâu thuẫn giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, các đại gia Việt Nam sẽ thay thế Trung Quốc tìm ra bãi đáp an toàn tại Mỹ để vừa có thẻ xanh cho gia đình vừa có cơ hội làm giàu trên thị trường địa ốc Hoa Kỳ tại New York hay California, vốn dĩ không là các khu vực nông thôn hay nơi có mức thất nghiệp cao. Sự thật là ngoài các doanh gia bén nhạy tại Mỹ khéo chiêu mộ giới có tiền để làm giàu cho chính họ, các vấn đề có sẵn trong quy chế nhập cư EB-5 sẽ gây ra thay đổi, như tiền đầu tư chẳng là nửa triệu mà cao hơn, hay thời hạn để có thẻ xanh sẽ là năm bảy năm, bất kể tới quốc tịch của nhà đầu tư.

Nguyên Lam : Kết luận của ông về bài báo của tở Wall Street Journal và về triển vọng đầu tư tại Hoa Kỳ của người Việt Nam là như thế nào ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Về đại thể, đầu tư là hiện tượng "nước chảy chỗ trũng", là giới có tiền luôn luôn tìm cách kiếm thêm tiền, sau khi nghiên cứu để xác định nơi đầu tư có lợi nhất. Trong vụ này, giới đầu tư từ Việt Nam có hai mục tiêu là gia đình được quy chế thường trú nhân tại Mỹ, mà vẫn tốn ít tiền hay mất ít thời giờ chờ đợi hơn là qua ngả khác trong khi vẫn có triển vọng làm giàu thêm.

Câu hỏi cần nêu ra là vì sao họ lại cần tìm bãi đáp tại Hoa Kỳ khi Việt Nam đang có đầy triển vọng như người ta vẫn nói ?

Thứ hai, muốn vào Mỹ với cánh rừng luật lệ bạt ngàn thì… "rừng nào cọp nấy". Nếu muốn vào vì mục tiêu di trú thì nên tìm tới văn phòng luật sư am hiểu các quy định phức tạp của lĩnh vực này và chịu trả giá cho việc đó mà đừng lách luật vì sẽ rách việc. Từ đấy, bước kế tiếp mới là chọn ngả đầu tư qua diện EB-5 và đi vào một cánh rừng khác mà bài báo của tờ Wall Street Journal tuần qua nói tới. Khi đó người ta hiểu ra vai trò của các trung tâm hay cơ sở phát triển địa ốc Hoa Kỳ. Họ mời chào giới đầu tư Việt muốn vào Mỹ vì lý do nhập cư nên chờ đợi mức lời thấp khiến giới đầu tư sẽ là nguồn lợi cao cho các trung tâm này…

Sau cùng, mọi ngành đầu tư đều nói đến "trào lưu thăng giáng" là lời và lỗ. Sau làn sóng Trung Quốc, trào lưu đầu tư để nhập cư vào Mỹ theo quy chế EB-5 vừa mở ra cho người Việt, nhưng cũng có nhiều rủi ro bất ngờ. Nếu theo dõi tình hình kinh tế Hoa Kỳ và di dân vào Mỹ, có lẽ nhà đầu tư Việt Nam sẽ đánh giá rủi ro chính xác hơn. Và may cho họ, Hoa Kỳ có một cộng đồng người Việt rất đông và rất am hiểu văn hóa và luật lệ Hoa Kỳ, kể cả trong lĩnh vực di trú và địa ốc.

Nguyên Lam : Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do cùng Nguyên Lam xin cảm tạ chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa về kết luận này.

Nguyên Lam thực hiện

Nguồn : RFA, 14/03/2019

(1) https://www.wsj.com/articles/real-estate-developers-look-to-vietnam-for-cheap-financing-11551794400

Published in Diễn đàn

Từ nhiều năm qua, Trung Quốc hết là "công xưởng toàn cầu" nhờ nhân công nhiều và rẻ. Nhưng đà tăng trưởng suy giảm và viễn ảnh thương chiến dai dẳng với Hoa Kỳ còn khiến giới đầu tư nước ngoài đi tìm thị trường kế cận là các nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Diễn đàn Kinh tế sẽ tìm hiểu về trào lưu này.

Thanh Trúc : Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do và Thanh Trúc xin kính chào kinh tế gia Nguyễn-Xuân Nghĩa. 

Thưa ông, giới quan sát tài chính có thấy một trào lưu mới trong khu vực Đông Nam Á, gồm hơn 650 triệu dân và có sản lượng kinh tế tổng cộng chừng 3000 tỷ đô la một năm, là nơi tiếp nhận rất nhiều đầu tư trực tiếp của nước ngoài, và hiện tượng đó còn tăng tốc rất mạnh trong năm 2018 vừa qua. Đáng chú ý không kém là lượng đầu tư ấy còn cao hơn số đầu tư vào thị trường Trung Quốc. Như vậy, phải chăng giới đầu tư quốc tế đang rút khỏi Trung Quốc mà dồn tiền vào các nước Đông Nam Á ?

dautu1

Công nhân tại nhà máy lắp ráp linh kiện điện tử Samsung Electronics Vietnam - Vietnamnet

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Nhìn về dài thì khu vực Đông Nam Á được giới đầu tư quốc tế chú ý từ lâu, với lượng đầu tư tăng gấp đôi trong vòng 10 năm, trung bình là 7% một năm. Chiều hướng đó được đẩy mạnh từ năm sáu năm trước, khi kinh tế Trung Quốc hết giữ vai trò "công xưởng toàn cầu" nhờ có dân số đông và nhân công rẻ. Diễn đàn này của chúng ta dự báo sự kiện đó hơn năm năm về trước và nói đến triển vọng cho Việt Nam. Ngày nay, nhiều chuyển động khác còn đẩy mạnh chiều hướng đó hơn nữa.

Thứ nhất, kinh tế Trung Quốc không còn tăng trưởng mạnh như xưa ; thứ hai, khó khăn chính trị bên trong và nhiều mâu thuẫn đa diện với Hoa Kỳ ở bên ngoài khiến thị trường Trung Quốc hết là nơi đầu tư hấp dẫn. Vì vậy, trong năm 2018 vừa qua, lượng đầu tư trực tiếp của nước ngoài đổ vào Đông Nam Á lại cao hơn số đổ vào Trung Quốc… Xin nói thêm rằng người ta quen gọi tắt "đầu tư trực tiếp của nước ngoài" bằng Anh ngữ là FDI.

Thanh Trúc : Thưa ông, thính giả của chúng ta có thể thắc mắc là vì sao kinh tế Trung Quốc có một tỷ 400 triệu dân với đà tăng trưởng dù có sụt và chỉ còn dưới 7% và sản lượng kinh tế chừng 13 ngàn tỷ một năm, lại không thu hút được đầu tư của quốc tế ngoài bằng các nước Đông Nam Á dầu sao cũng chỉ có 650 triệu dân, và sản lượng chừng ba ngàn tỷ, với đà tăng trưởng coi như cao nhất là Việt Nam thì cũng chừng 7% một năm mà thôi ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Câu hỏi rất hay vì cho chúng ta thấy lối tính của các doanh nghiệp khi chọn nơi đầu tư. Về bối cảnh chumg thì năm ngoái, lượng đầu tư trực tiếp của quốc tế ra ngoài giảm gần 20%. Tại sao như vậy ? Thứ nhất, vì Hoa Kỳ dưới chính quyền của ông Donald Trump thay đổi đạo luật thuế khóa và khuyến khích doanh nghiệp Mỹ hồi hương tư bản để đầu tư ở nhà hầu tạo ra công ăn việc làm cho dân Mỹ. Thứ hai, trận thương chiến giữa Washington và Bắc Kinh khiến hàng hóa Trung Quốc có thể bị áp thuế nhập nội cao hơn. Thứ ba là mâu thuẫn Mỹ-Hoa sẽ chi phối các nghiệp vụ đầu tư của doanh nghiệp Mỹ vào thị trường Trung Quốc, nên họ phải tìm bãi đáp ở nơi khác, nơi đó là khu vực Đông Nam Á gần Trung Quốc. Và yếu tố thứ tư là khả năng xuất khẩu của Đông Nam Á khi mà sức nhập khẩu của Trung Quốc cũng giảm dần.

Thành thử khu vực Đông Nam Á sẽ trở thành bệ phóng cho việc xuất cảng ra ngoài, cho nên dù lượng đầu tư trực tiếp FDI toàn cầu có giảm 19% năm ngoái, đầu tư vào Đông Nam Á vẫn tăng đến hơn 10% lên tới 145 tỷ đô la, tương đương với 20% của tổng số đầu tư quốc tế. Nói cho gọn thì khu vực Đông Nam Á đang có thế mạnh khi đàm phán và tiếp nhận đầu tư của các nước khác.

Thanh Trúc : Nói về thế mạnh đó của Đông Nam Á, ông cho rằng những yếu tố nào là đáng kể nhất ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Nói chung thì thị trường hơn 650 triệu dân có mãi lực cao, lợi tức trung bình một đầu người là 4.600 đô la một năm chứ không ít. Thứ hai là phí tổn trong ngành chế biến tương đối vẫn còn thấp nên đầu tư dễ có lời cao trong một chuỗi cung ứng toàn cầu là nhiều nước cùng góp phần ráp chế một sản phẩm. Yếu tố thứ ba là 10 nước trong Hiệp Hội Quốc Gia Đông Nam Á, gọi là ASEAN, có giao kết tự do thương mại với các khối kinh tế lớn nên hàng hóa dễ bán hơn.

Thứ tư, khu vực này còn có đặc tính đa năng và đa diện khả dĩ đáp ứng nhiều yêu cầu khác nhau của thiên hạ, tôi xin nêu vài thí dụ : Singapore là một trung tâm tài chính có thể mở ra toàn khu vực ; Indonesia là nơi tiếp nhận đầu tư về công nghệ hay thuật lý cao ; Thái Lan, Malaysia và Philippines là những nơi có sẵn hạ tầng chế biến mặt hàng tiêu dùng, xưa kia là ưu thế của Trung Quốc nay sẽ cạnh tranh với hàng Trung Quốc. Dù còn nghèo thì Lào vẫn là xứ có tiềm năng vế khoáng sản và thủy điện, Cam Bốt cũng đang bước từ nghề may mặc áo quần lên chế biến hàng điện tử, còn Miến Điện hay Myanmar cũng có thể ra khỏi khủng hoảng mà trở thành cửa ngõ giao dịch với Ấn Độ Dương.

Thanh Trúc : Thưa ông, còn Việt Nam trong khu vực đó có những thế mạnh gì ?

dautu2

Công nhân xây dựng công trình đường sắt trên cao ở Hà Nội có vốn trợ cấp của Trung Quốc. AFP

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Việt Nam có dân số gần trăm triệu chứ không ít và với đà tăng trưởng được coi như cao nhất khu vực nên vẫn có hy vọng thu hút đầu tư vào các ngành chế biến sơ đẳng như áo quần, giầy dép, đồ gỗ lẫn ráp chế điện tử tương đối đòi hỏi tay nghề cao hơn. Năm qua, đầu tư trực tiếp vào Việt Nam tăng được 9%, là điều đáng mừng. Nhưng vì ba trở ngại là hạ tầng cơ sơ vật chất lẫn luật pháp chưa cải thiện bằng xứ khác, tham nhũng vẫn tràn làn và trình độ tay nghề của các nhân viên chuyên môn còn thấp nên Việt Nam chưa khai triển hết lợi thế của mình khi đàm phán và thuyết phục giới đầu tư nước ngoài. Việc cải cách cơ chế và thực thi các cam kết về môi sinh và lao động trong khuôn khổ Hiệp ước Đối tác Xuyên Thái Bình Dương sẽ có sức thuyết phục rất cao.

Nhìn về dài cho một viễn ảnh phát triển trường kỳ thì Việt Nam nên thu hút đầu tư của nước ngoài làm lực đẩy cho đầu tư nội địa, của người Việt Nam. Các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á cũng đều tính toán như vậy.

Thanh Trúc : Nếu nhìn từ giác độ của giới đầu tư ngoại quốc như từ Hoa Kỳ, Âu Châu hay Đông Bắc Á thì họ thấy những gì là ưu thế lâu dài của Đông Nam Á để tới nơi rồi sẽ ở lại thay vì tìm bãi đáp khác ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Thật ra, việc tìm một bãi đáp khác cũng mất nhiều năm chứ không dễ đâu !

Trước đây, Trung Quốc là nơi hấp dẫn đầu tư để bán hàng ra ngoài cho tới khi kinh tế thay đổi vì yếu tố dân số khiến nhân công không còn rẻ và vì chiến lược của Bắc Kinh là từ bỏ dần các ngành chế biến hạng thấp để tiến lên trình độ sản xuất cao hơn thì Đông Nam Á là cơ hội điền thế vào khoảng trống Trung Quốc.

Bây giờ, khi đà tăng trưởng sút giảm và mâu thuẫn của Trung Quốc với Hoa Kỳ gia tăng thì cơ hội đó càng sáng tỏ. Mặc dù Trung Quốc vẫn còn ưu thế là có chuỗi cung ứng sản phẩm trải rộng nhưng động thái gay gắt của Bắc Kinh càng khiến giới đầu tư muốn tìm nơi khác.

Chẳng hạn như Đài Loan đã đầu tư rất mạnh vào thị trường Trung Quốc nhưng nay khuyến khích các doanh nghiệp của họ tìm xuống hướng Nam cho an toàn. Nam Hàn cũng thấy mức lời từ Trung Quốc giảm dần trong lâu dài nên tìm xuống các thị trường Đông Nam Á và đang thương thuyết hiệp ước tự do mậu dịch với Indonesia, Malaysia và Philippines.

Thanh Trúc : Ông nói tới "chuỗi cung ứng" của Trung Quốc là một ưu thế, thưa ông, thính giả của chúng ta có thể muốn biết cái đó là gì vậy ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Một sản phẩm hoàn tất kết hợp nhiều cơ phận và là đóng góp từ nhiều quốc gia. Thí dụ như sản phẩm nói là chế tạo tại Trung Quốc để bán ra ngoài có phần đóng góp của xứ khác khi sản xuất từng cơ phận chế ráp thành một sản phẩm hoàn tất. Nhà đầu tư hội nhập các yếu tố cung cấp từ nhiều nơi và dù có nhãn hiệu "Made in China", phần đóng góp thuần túy của Trung Quốc không là 100%.

Nhưng ngược lại, Trung Quốc cũng là thị trường nhập khẩu lớn của nhiều nước Á Châu như Đài Loan, Nam Hàn, thậm chí Việt Nam. Khi mâu thuẫn gia tăng với Mỹ và số xuất khẩu vào Trung Quốc giảm thì giới đầu tư muốn lập ra một hệ thống ráp nối khác, một chuỗi cung ứng khác.

Thanh Trúc : Nói về Việt Nam thưa ông, đâu là lợi thế và đâu là rủi ro của xứ này ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Kinh tế Việt Nam có nhược điểm là 1/ quá lệ thuộc vào đầu tư của nước ngoài để xuất khẩu và cơ bản là làm gia công cho xứ khác, 2/ mua nhiều nhất từ Trung Quốc nhưng lại bán nhiều nhất vào thị trường Hoa Kỳ, 3/ thiếu quân bình vĩ mô về công chi thu vả chính sách tiền tệ nên có thể kém sức cạnh tranh nếu so sánh với các lân bang trong khu vực.

Nhưng trận thương chiến Mỹ-Hoa lại mở ra cơ hội mới và đó là lợi thế. Như Tháng Giêng vừa qua, đầu tư của nước ngoài vào Việt Nam tăng hơn 50% so với năm ngoái, chủ yếu là vào các khu vực khoa học, điện tử, thông tin và viễn thông. Nói tới "chuỗi cung ứng" thì ta nhớ khái niệm "trị giá gia tăng", mọi quốc gia đều mong góp phần sản xuất với trị giá gia tăng cao hơn của mình. Muốn vậy thì Việt Nam nên nhân cơ hội nâng cấp đóng góp của nhân công và doanh nghiệp nội địa và đấy cũng là cơ hội thoát khỏi tình trạng quá lệ thuộc vào kinh tế Trung Quốc.

Thanh Trúc : Nói về viễn ảnh lâu dài, thưa ông, Việt Nam nên khai thác cơ hội này như thế nào cho năm bảy năm tới ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Nhìn trong trường kỳ, Việt Nam nên nhắm vào mục tiêu hơi trái ngược. Đó là phải ít lệ thuộc hơn vào xuất khẩu để tránh ảnh hưởng thăng giáng bất thường của thị trường quốc tế, chỉ dấu cảnh báo trước mắt là xuất cảng tháng trước đã giảm hơn 1,2%. Mục tiêu thứ hai là gia tăng khả năng đóng góp của doanh nghiệp nội địa hầu bớt lệ thuộc vào đầu tư của nước ngoài.

Nghịch lý hơi khó hiểu ở đây là khi giới đầu tư quốc tế đang nhìn vào Việt Nam như một nơi kiếm lời cao hơn thì Việt Nam phải chuẩn bị cho việc doanh nghiệp của mình sẽ có mức lời cao hơn. Sau Nhật Bản thì Nam Hàn hay Đài Loan cũng đã tính toán như vậy từ nửa thế kỷ trước, để ngày nay là những chủ đầu tư mà các nước Đông Nam Á đều trông ngóng, mời chào.

Thanh Trúc : Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do cùng Thanh Trúc m xin cảm tạ chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa về bài phỏng vấn kỳ này.

Thanh Trúc thực hiện

Nguồn : RFA, 27/02/2019

Published in Diễn đàn