Tổ chức Hợp tác và Phát triển quy tụ 36 quốc gia có sản lượng lớn nhất địa cầu vừa công bố một phúc trình u ám về tình hình của thành phần trung lưu trong khối kinh tế tiên tiến, nhất là của giới trung lưu Hoa Kỳ, nhưng chìm sâu bên dưới có thể là số phận sắp tới của thành phần trung lưu Á Châu. Mục Diễn đàn Kinh tế sẽ tìm hiểu về sự chuyển động này…
Hình minh họa. Những người mua hàng đang xếp hàng mua gạo ở thành phố Hồ Chí Minh hôm 28/4/2018 - AFP
Tình hình chung của thành phần trung lưu
Nguyên Lam : Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do và Nguyên Lam xin kính chào kinh tế gia Nguyễn-Xuân Nghĩa.
Thưa ông, hôm mùng 10 Tháng Tư, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế tại Paris Pháp quốc công bố một báo cáo về hoàn cảnh của thành phần trung lưu trong 36 quốc gia hội viên với lời cảnh báo đáng ngại vì tình trạng sa sút của họ suốt mấy chục năm vừa qua, nhất là của giới trung lưu Hoa Kỳ. Nhưng câu hỏi được nêu ra là thành phần trung lưu Á Châu thì sao ?
Nguyễn-Xuân Nghĩa : Tôi xin khởi sự từ bối cảnh trước khi nói về đề mục mà chúng ta quan tâm. Được thành lập từ năm 1961 tại Paris của nước Pháp, Tổ chức Hợp tác và Phát triển, viết theo Anh ngữ là The Organization for Economic Cooperation and Development, gọi tắt là OECD, là một câu lạc bộ quy tụ các nền kinh tế có sản lượng cao nhất thế giới.
Đây chỉ là một cơ chế nghiên cứu kinh tế toàn cầu, nhưng có giá trị về chuyên môn và rất đáng được lưu ý. Bây giờ, tổ chức này quy tụ 36 quốc gia thành viên và từ cả chục năm nay đã tìm hiểu về tình hình phát triển của các nước tiên tiến với mối lo về tình trạng thiếu bình đẳng trong các nước. Hôm Thứ Tư mùng 10 vừa qua, phúc trình của OECD là lời báo động !
Nguyên Lam : Thưa ông, lời báo động ấy là gì ?
Nguyễn-Xuân Nghĩa : Tổ chức nghiên cứu này nhìn cục diện trong dài hạn qua nhiều thế hệ, kể từ những năm 1980 tới nay và thấy thành phần dân số cốt lõi của các nước, được gọi chung là Trung Lưu, lại sa sút một cách chậm rãi về dân số lẫn lợi tức và đang chật vật phấn đấu để thực hiện giấc mơ thịnh vượng của mình.
Riêng tôi thì chú ý đến sự kiện các nước Á Châu vắng mặt trong câu lạc bộ kinh tế này vì chỉ có Nhật Bản, Hàn Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ hay Cộng hòa Turkey thôi. Trung Quốc và Ấn Độ không là thành viên và nếu kể thêm tình hình kinh tế xã hội của hai xứ này thì có lẽ ta còn thấy ra viễn ảnh kém sáng sủa sau này của các nước Á Châu Thái Bình Dương.
Về tình hình chung của các nước tiên tiến, có tới 58% gia đình trung lưu thấy ra sự bất công vì họ đóng góp nghĩa vụ thuế khóa mà chẳng được hưởng lợi ích tương xứng với sự đóng góp đó. Thứ hai là nếp sống của thành phần này càng ngày càng đắt đỏ hơn tỷ lệ lạm phát trong 25 năm qua làm họ mắc nợ nhiều hơn. Và nhìn vào tương lai thì thị trường lao động của giới trung lưu là sự bất trắc. Có một chi tiết đáng chú ý khác là trong các nước giàu mạnh về sản lượng kinh tế thì thành phần trung lưu của Hoa Kỳ lại bị suy sụp nhất.
Bà Laurence Boon trình bày triển vọng kinh tế tạm thời của OECD tại trụ sở của OECD ở Paris hôm 20 tháng 9,2018. AFP
Nguyên Lam : Câu chuyện này quả thật là hơi bất ngờ cho đa số thính giả của chúng ta nên Nguyên Lam xin đề nghị ông phân tích và trình bày cho rõ hơn.
Nguyễn-Xuân Nghĩa : Thông thường, người ta thường chia dân số một quốc gia ra năm nhóm theo mức lợi tức, mỗi nhóm chiếm 20% dân số gọi lả "nhóm ngũ phân", ngũ là năm. Từ dưới lên là 1/ thành phần bần cùng, rồi 2/ thành phần trung lưu có lợi tức thấp, 3/ thành phần trung lưu có lợi tức vừa, 4/ thành phần trung lưu có lợi tức cao và 5/ thành phần thượng lưu giàu có nhất. Như vậy, 60% dân số một nước được gọi là trung lưu hay Middle Class. Tôi dùng chữ thành phần thay vì "giai cấp" theo kinh tế chính trị học sai lầm của Marx.
Về cách tính thì các nước dùng chỉ dấu tiêu biểu nhất là "lợi tức trung vị", median income, không phải trung bình hay bình quân của quốc gia, theo đó có phân nửa giàu hơn và có phân nửa nghèo hơn. Những ai có lợi tức ở khoảng 75% tới 200% của lợi tức trung vị thì được liệt vào tầng lớp trung lưu. Tầng lớp đó đang co cụm dần và vì tiến xa nhất vào nền kinh tế hậu công nghiệp, Hoa Kỳ thấy giới trung lưu suy sụp hơn cả nếu so với các nước kia, thí dụ như chỉ có 51% thuộc về đám trung lưu có lợi tức ở giữa, so với 61% của cả khối OECD.
Sau khi cảnh báo, phúc trình của tổ chức OECD nhấn mạnh rằng các hộ gia đình trung lưu đóng góp tới hai phần ba của nguồn thuế trực thâu và nhận được 60% của số chi ngân sách nên việc cải tổ ngân sách cho công bằng hơn là cần thiết. Đã vậy, chi phí về gia cư, giáo dục và y tế tăng quá nhanh cho giới trung lưu nên việc đầu tư về giáo dục cho con cái, tức là cho tương lai sau này, là một bài toán cần giải quyết. Trong khi ấy, thiểu số thượng lưu ở trên, thí dụ như 10% giàu có nhất lại nắm trong tay phân nửa tài sản bình quân của quốc gia.
Thành phần trung lưu Á châu
Nguyên Lam : Thưa ông, suốt ba chục năm đó, các nước Á Châu đã gia nhập nhóm kinh tế phát triển và đóng góp cho sản lượng và sự thịnh vượng chung thì số phận của thành phần dân số gọi là trung lưu có khá giả hơn không ?
Nguyễn-Xuân Nghĩa : Căn cứ trên kinh nghiệm của các nước tiên tiến thì các nước Á Châu không nên lạc quan mà cần thấy trước vấn đề. Theo Ngân hàng Thế giới thì gần phân nửa dân số, cụ thể là 47%, tại khu vực Á Châu Thái Bình Dương, vẫn phải lao động chui, không thuộc vào thống kê chính thức. Thí dụ đầu tiên là Ấn Độ sau Trung Quốc. Lý do là từ nhóm quốc gia tiên tiến, các doanh nghiệp tìm cách đầu tư ra ngoài vì lợi thế nhân công rẻ khiến giới trung lưu của chính họ lại bị sa sút co cụm. Nhưng chưa chắc là lợi thế nhân công rẻ đã có lợi cho các nước Á Châu nghèo vì doanh lợi lại được các nước giàu có thu về và gây tranh luận về nạn bất công xã hội, trong khi các nước Á Châu chậm phát triển chưa xây dựng được một thành phần trung lưu vững mạnh của mình. Trong khu vực Á Châu này, chính là giới thượng lưu lại đem tiền đầu tư vào các nước tiên tiến và ngoài trường hợp của Nhật Bản hay Nam Hàn, thành phần trung lưu của các nước Á Châu chưa là sức mạnh có thể tạo ra nội lực cho Châu Á.
Nguyên Lam : Nếu như vậy, thưa ông, thì những gì xảy ra trong các nước tiên tiến của nhóm OECD lại có thể xảy ra tại các nước Á Châu Thái Bình Dương ?
Nguyễn-Xuân Nghĩa : Tôi e là như vậy. Theo phúc trình của tổ chức OECD, với vài đoạn quá ngắn về Trung Quốc và Ấn Độ, dân số được gọi là trung lưu của hai nước đó còn chiếm một tỷ trọng quá thấp. Nếu người ta trông đợi rằng sự thịnh vượng từ các nước giàu sẽ nhỏ giọt xuống các nước đang mở mang tại Châu Á thì sẽ lại thất vọng và đà tăng trưởng kinh tế của Châu Á cũng sẽ chậm lại chứ hết huy hoàng như trong mấy chục năm qua.
Vấn đề chính là các nước giàu có đều theo chế độ dân chủ nên cuộc tranh luận về bất công xã hội hay chính sách thuế khóa được công khai bày tỏ, trong các nước vừa phát triển tại Châu Á, giới thượng lưu ưu tú thì đem tiền vào khối dân chủ Tây phương trong khi thành phần còn lại thì đang chật vật đấu tranh với các nhu cầu gia cư và y tế cho mình, nhất là đầu tư cho việc giáo dục con em trong khi sự bất mãn về nạn tham nhũng và bất công xã hội chỉ tăng chứ không giảm. Vì vậy, báo cáo của tổ chức OECD cũng là một cảnh báo cho chúng ta.
Nguyên Lam : Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do và Nguyên Lam xin cảm tạ kinh tế gia Nguyễn-Xuân Nghĩa về bài phỏng vấn tuần này.
Nguyên Lam thực hiện
Nguồn : RFA, 24/04/2019