Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

mardi, 03 avril 2018 00:06

Chiến tranh mậu dịch

Trận chiến mậu dịch khai mào

Nguyên Lam : Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do cùng Nguyên Lam xin kính chào chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa. Chúng ta vừa bước vào Quý 2 của năm 2018 thì điều người ta e ngại đã xảy ra khi Chính quyền Bắc Kinh quyết định nâng thuế nhập nội 10% trên 120 mặt hàng và 25% trên tám món hàng của Mỹ xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc với kim ngạch lên tới ba tỷ đô la. Dường như biến động ấy làm thị trường chứng khoán tại Mỹ tuột giá mạnh. Theo dõi chuyện này từ đã lâu, ông thấy thính giả của chúng ta nên nghĩ thế nào về trận chiến mậu dịch vừa khai mào ?

chientranh1

Sàn giao dịch chứng khoán New York hôm ngày 1 tháng 3,2018 - AFP

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Trước hết, về biến động trên thị trường chứng khoán Mỹ, ta có thể đếm ra ba bốn nguyên do khác nhau mà nỗi e sợ về trận chiến mậu dịch giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc chỉ là một. Mươi hôm trước, ta cũng thấy hiện tượng đó khi cổ phiếu sụt giá bốn ngày trong một tuần vì e ngại rồi đầu tuần sau lại lên giá mạnh. Bản thân tôi thì cho rằng chúng ta nên nhìn sự thể trong lâu dài và trên toàn cảnh thay vì bị dao động bởi những nhận định ngắn hạn.

Sự thể có khi khởi sự từ cả chục năm qua khi lãnh đạo Bắc Kinh có chính sách trục lợi bất chính trong quan hệ kinh tế với Hoa Kỳ, là điều ta sẽ phân tích sau. Kế tiếp, sự thể manh nha từ năm ngoái khi Chính quyền Donald Trump chỉ thị các cơ quan hữu trách nghiên cứu về những thiệt hại do chính sách mậu dịch của Trung Quốc gây ra cho Hoa Kỳ. Ít ai chú ý tới các chỉ thị ấy cho đến khi kết quả nghiên cứu được báo cáo lên trên. Sau khi được báo cáo và theo đúng thủ tục, Tổng thống Mỹ mới thông báo việc có thể áp thuế trên các mặt hàng nhập khẩu như thép và nhôm, đó là vào ngày 16 tháng Hai. Qua ngày 22 tháng Ba, ông Trump thông báo tiếp một số biện pháp trừng phạt sẽ áp dụng vì Bắc Kinh không tôn trọng luật lệ về tác quyền. Trong thực tế, Hoa Kỳ chưa áp dụng các biện pháp này. Nhưng Bắc Kinh lại nhanh tay ra đòn trước là sẽ không tuân thủ quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới WTO mà tăng thuế nhập nội trên 128 mặt hàng của Mỹ. Chuyện nó rắc rối phức tạp chứ không đơn giản như truyền thông loan tải theo kiểu mỳ ăn liền !

Bắc Kinh trục lợi bất chính

Nguyên Lam : Như vậy thì Mỹ mới chỉ thông báo một số biện pháp sẽ áp dụng chứ chưa ban hành nhưng Bắc Kinh lại có biện pháp trả đũa trước dù chỉ liên hệ đến một ngạch số chừng ba tỷ đô la mà thôi trong luồng giao dịch lên tới mấy trăm tỷ giữa hai nước. Nguyên Lam xin đề nghị là chúng ta khởi sự từ nguyên ủy như ông đã trình bày nhiều lần trên diễn đàn này. Trước hết là về chuyện Bắc Kinh đã có chính sách trục lợi bất chính trong quan hệ kinh tế với Hoa Kỳ.

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Năm 2000, Chính quyền Bill Clinton chấp thuận cho Trung Quốc được gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới vào năm sau. Khi ấy, Quốc hội Mỹ bèn cho lập ra một Hội đồng Duyệt xét Quan hệ Kinh tế và An ninh Mỹ-Hoa để thường xuyên tường trình mọi sự lợi hại lên giới dân cử của Lập pháp thẩm định. Hội đồng "US - China Economic and Security Review Commission" do các thành viên được lãnh đạo hai đảng bổ nhiệm và tuyển dụng các chuyên gia về an ninh, kinh tế và Trung Quốc. Kết quả nghiên cứu và phúc trình của cơ quan độc lập này được niêm yết công khai, nhưng ít ai chịu tham khảo, kể cả báo chí !

Tháng trước, Hội đồng có báo cáo về "Các khí cụ của chủ nghĩa kỹ thuật quốc gia của Trung Quốc". Họ đi từ sách lược "Chế tạo tại Trung Quốc năm 2015" do Bắc Kinh đề ra trong "Kế hoạch Năm năm thứ 13, từ 2016 tới 2020" để ưu tiên phát triển 10 khu vực then chốt và nhắm vào các chiến lược toàn diện, trường kỳ hầu lập ra các doanh nghiệp có khả năng cạnh tranh nội địa và quốc tế. Điều đáng chú ý là 10 khí cụ được Bắc Kinh áp dụng để thực hiện chính sách của họ.

Sau đó, trong phúc trình định kỳ và mới nhất, Hội đồng này cũng giải thích về Mục 301 của Đạo Luật Thương Mại 1974 mà Chính quyền Trump mới viện dẫn để đề nghị áp thuế. Nếu chịu khó tham khảo các tài liệu thuộc về bối cảnh phức tạp này thì chúng ta sẽ tỉnh táo hơn và bớt tin vào báo chí lười biếng.

Ăn của địch để đánh địch

Nguyên Lam : Nguyên Lam biết ông chịu khó tham khảo nhiều tài liệu khá chuyên môn để trình bày một cách dễ hiểu cho thính giả của chúng ta. Khi nói đến 10 khí cụ của nhà cầm quyền Trung Quốc nhằm thực hiện chính sách của họ, ông muốn nhấn mạnh đến điểm nào ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Sau Thế chiến II, các nước Đông Á như Nhật Bản rồi Nam Hàn hay Đài Loan, đều có chính sách công nghiệp hóa với lộ trình dàn trải trong vài chục năm để từng bước xây dựng được nền công nghiệp tiên tiến. Đó là điều hợp lý, nhưng đáng chú ý là hệ thống tư doanh sẽ phát triển chính sách đó với sự yểm trợ của nhà nước. Họ tương đối thành công, mà đôi khi bị nhược điểm là các tập đoàn kinh tế được nhà nước nâng đỡ lại nhũng lạm, như vụ Samsung của Nam Hàn, thậm chí khủng hoảng như ta đã thấy trong các năm 1997-1998.

Đi sau và học theo các nước đó, Bắc Kinh cũng có sách lược công nghiệp hóa qua từng bước của một kế hoạch dài hạn. Nhưng lại có năm khác biệt. thứ nhất là dân số đông và nhân công rẻ nên tăng trưởng thật nhanh trong 30 năm sau khi Đặng Tiểu Bình tiến hành cải cách. thứ hai là chế độ độc đảng không dân chủ như các nước đi trước. thứ ba là hệ thống quốc doanh vẫn giữ vị trí chủ đạo dù kém hiệu năng. thứ tư là hệ thống kinh tế chính trị ấy có tinh thần chiến tranh và nhìn hợp tác kinh tế quốc tế với nhãn quan đấu tranh, qua khẩu hiệu quen thuộc là "ăn của địch để đánh địch". Tức là đạo tắc về kinh doanh là điều không hề có. Sau cùng, với thế lực của xứ đông dân có sản lượng kinh tế hạng nhì thế giới, lãnh đạo xứ này ít coi trọng các quy tắc ứng xử thông thường của thiên hạ. Người nào còn mơ hồ thì xin nhớ đến dự án Cá Rồng Đỏ của Việt Nam. Bây giờ ta mới nói đến 10 khí cụ như 10 mũi khoan mậu dịch của Bắc Kinh.

10 khí cụ của Bắc Kinh

Nguyên Lam : Có lẽ chúng ta đã quen với cách tiếp cận vấn đề theo từng bước tiệm tiến của kinh tế gia Nguyễn-Xuân Nghĩa. Bây giờ, xin đề nghị ông nói về 10 mũi khoan của Bắc Kinh nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp khi tương tác với các nước khác, đặc biệt là Hoa Kỳ.

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Chiếm thị phần là bước đầu. Chính quyền Bắc Kinh đặt tiêu chí cụ thể cho việc chiếm lĩnh phần thị trường nội địa và ngoại quốc. Sau đó, nhà nước tài trợ dưới nhiều diện như quỹ đầu tư, trợ cấp, miễn thuế, cho vay với điều kiện ưu đãi không có trên thị trường tư doanh, trợ giá và đảm bảo xuất khẩu, v.v... Những thí dụ hay dẫn chứng thì có rất nhiều, không thể kể hết ở đây.

Mũi khoan thứ ba là nhà nước chủ động tài trợ việc "nghiên cứu và phát triển" hay R&D, để mong bắt kịp Hoa Kỳ về các ngành công nghệ cao, nhất là tín học.

Thứ tư là chế độ cung cấp để doanh nghiệp nội địa được ưu thế hơn nước ngoài khi cung cấp cho nhu cầu của các cơ quan trung ương và địa phương.

Thứ năm và khá gian ngoan là đề ra các tiêu chuẩn riêng của mình để loại bỏ sự cạnh tranh của các doanh nghiệp ngoại quốc.

Thứ sáu và tinh vi nhất là đặt ra các luật lớn và lệ nhỏ được bộ máy thư lại tự tiện suy diễn nhằm cản trở nước ngoài.

Thứ bảy là viết ra các chính sách di động để hướng đầu tư nước ngoài vào các khu vực Bắc Kinh cho là chiến lược, khi thành công thì họ lại đổi chính sách !

Thứ tám là chiêu dụ nhân tài trong đại học hay doanh giới của thiên hạ, như một chương trình được phát động từ năm 2008.

Thứ chín là khích lệ doanh nghiệp trong các khu vực chiến lược của mình tung tiền đầu tư để thụ đắc tài sản, kiến năng và công nghệ của thiên hạ.

Mũi khoan thứ 10 là tiến hành nghiệp vụ tình báo kỹ nghệ trong đại học, doanh nghiệp và cả cơ quan công quyền Hoa Kỳ, là điều hoàn toàn phi pháp mà vẫn được Bắc Kinh tiến hành, như một số phát giác được đài Á Châu Tự Do vừa nhắc tới.

Nguyên Lam : Nếu một cơ quan nghiên cứu độc lập của Quốc hội Mỹ báo cáo về sách lược dài hạn như vậy của Bắc Kinh thì có lẽ chúng ta hiểu vì sao Chính quyền Donald Trump mới viện dẫn luật lệ Hoa Kỳ để có biện pháp ứng phó. Ông nghĩ thế nào về cục diện này, liệu chiến tranh mậu dịch có xảy ra không ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Tôi cho là người dân Hoa Kỳ nói chung biết rất nhiều mà lại hiểu rất ít nên chẳng thấy ra vài ba sự thật. Đó là lãnh đạo Hoa Kỳ từ năm 1972 đã lầm tưởng rằng kinh tế thị trường hay trao đổi tự do sẽ thuần hóa chế độ độc tài và hợp tác kinh tế sẽ biến cải Trung Quốc thành cường quốc có tinh thần trách nhiệm. Sau đó, doanh lợi khiến các tập đoàn kinh tế Mỹ tìm lợi nhuận khi làm ăn với Trung Quốc mà quên dần yếu tố an ninh, nếu có bị bắt chẹt hay móc túi thì cũng nín thinh. Trong khi đó, từ đầu đến cuối, lãnh đạo Bắc Kinh không hề xao lãng mục tiêu trường kỳ là bằng mọi thủ đoạn bắt kịp và vượt qua Hoa Kỳ về mặt kinh tế, công nghệ và cả quân sự. Với Trung Quốc thì cả ba mặt ấy là một.

Ông Donald Trump được thành phần thất thế của nước Mỹ bầu lên thì cũng chỉ mới mường tượng ra những bất lợi của Hoa Kỳ nhưng dần dần học bài thêm và ngoài phong thái ồn ào nhiều khi bộp chộp, ông thấy ra sự thể từ cả hai giác độ an ninh và kinh tế. Trong kho luật lệ về Thương mại của Hoa Kỳ, các mục 232 trong Đạo luật 1962 hay 301 trong Đạo luật 1974 đã có sẵn từ lâu mà ít khi được sử dụng. Ông Trump cho Nội các nghiên cứu sự thể từ tháng Tư, tháng Tám năm ngoái rồi theo thủ tục mà sẽ áp dụng sau này cho một trận chiến mậu dịch thật ra đã có từ xưa rồi khi Trung Quốc lặng lẽ tiến hành kế hoạch của họ.

Nguyên Lam : Câu hỏi cuối, thưa ông, rồi đây sự thể sẽ ra sao ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Từ một tháng trước rồi, khi thiên hạ tri hô về nguy cơ chiến tranh mậu dịch, tôi đã cố giải thích rằng ta cần đi xuống cái đáy của vấn đề. Thí dụ dễ nhớ là Trung Quốc đạt xuất siêu mấy trăm tỷ đô la với Hoa Kỳ, nên 3% Tổng sản lượng của họ tùy thuộc vào sức bán hàng cho Mỹ. Ngược lại, việc xuất khẩu của Hoa Kỳ vào thị trường Trung Quốc chỉ bằng nửa phần trăm của Tổng sản lượng thôi. Khi lên chiến hào để nã đạn mậu dịch vào nhau thì kinh tế Trung Quốc mới lâm thế yếu. Đó là thực lực của hai nền kinh tế. Chuyện khác nữa, khi lồng an ninh vào kinh tế, Hoa Kỳ cũng thấy nhiều bạn hàng của mình tại Bắc Mỹ, Âu Châu và Đông Á là các đồng minh chiến lược nên sẽ tìm ra giải pháp thỏa hiệp, là điều không có với Bắc Kinh. Khi Hoa Kỳ chưa áp dụng những biện pháp chế tài mà Bắc Kinh đã vội ra đòn cỏn con thì chúng ta trở lại với câu hỏi ban đầu là trong trận đấu này, ai sợ ai ?

Nhìn về lâu dài và vì Trung Quốc đang cố phát triển công nghệ tín học cao cấp, chúng ta sẽ còn có dịp theo dõi trận đánh kế tiếp, thí dụ như trong việc thi đua sản xuất thế hệ vô tuyến thứ năm hay G-5 thì sẽ biết thế nào là được thua.

Nguyên Lam : Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do cùng Nguyên Lam xin cảm tạ kinh tế gia Nguyễn-Xuân Nghĩa về bài phân tích kỳ này.

Nguyên Lam thực hiện

Nguồn : RFA, 03/04/2018

Published in Diễn đàn

Mậu dịch công bằng

Nguyên Lam : Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do cùng Nguyên Lam xin kính chào chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa. Thưa ông, Nhóm G-20, gồm 19 nền kinh tế lớn nhất thế giới cùng khối Liên hiệp Âu Châu, vừa có kỳ họp của giới tài chính và ngân hàng tại thủ đô của Argentina để chuẩn bị cho Thượng đỉnh thứ 14 vào tháng 11 năm nay.

Tại Hội nghị cấp cao vừa qua, dư luận quốc tế lưu ý tới câu trả lời của Tổng trưởng Ngân khố Hoa Kỳ cho 19 đại biểu kia về lập trường của Mỹ. Giới lãnh đạo tài chính và ngân hàng của các nước bày tỏ sự quan ngại là Hoa Kỳ đe dọa trật tự thương mại thế giới vì không tôn trọng nguyên tắc hợp tác đa phương mà đơn phương quyết định tăng thuế nhập nội trên thép và nhôm. Tổng trưởng Ngân khố, là Bộ Tài chính của Mỹ, trả lời rằng Hoa Kỳ quyết bảo vệ quyền lợi kinh tế và an ninh của mình và chỉ muốn một sân chơi bình đẳng cho các doanh nghiệp và công nhân Mỹ. Nói cách khác, phải chăng Hoa Kỳ đang từ bỏ nguyên tắc tự do mậu dịch đã đề cao từ 70 năm nay để lui về chủ trương bảo hộ được gọi là "mậu dịch công bằng" ?

Ông nghĩ thế nào về chuyện này ?

maudich1

Giới tài chính-ngân hàng của nhóm G-20 họp tại Buenos Aires, Argentina - AFP

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Tôi nghĩ sự thể nó không đơn giản như thế và sau nhiều lần phân tích chuyện mậu dịch hay ngoại thương trên diễn đàn này, ta vẫn trở về bối cảnh sâu xa của vấn đề.

Sau hai thế kỷ áp dụng chế độ bảo hộ mậu dịch để công nghiệp hóa, các quốc gia tiên tiến nhất chỉ theo chủ trương tự do mậu dịch từ đầu thế kỷ 20 thôi. Nhưng rồi vụ Tổng khủng hoảng 1929-1933 làm các nước lui về chủ trương bảo hộ khiến cho khủng hoảng kéo dài và còn dẫn tới Thế chiến II (1939-1945).

Là quốc gia chiến thắng và ít bị tàn phá nhất, Hoa Kỳ viện trợ cho các đồng minh tái thiết và phát triển theo chủ trương tự do kinh tế, trong đó có tự do mậu dịch, là trao đổi với tối thiểu về thuế quan và hạn ngạch nhập khẩu. Cuộc chiến tranh lạnh giữa hai khối Tự Do - Cộng Sản càng thúc đẩy chiều hướng đó và cách nay 70 năm, đầu năm 1948 thì Mỹ còn vận động Hiệp Ước Chung về Thuế Quan và Mậu Dịch gọi tắt là GATT với quy chế "tối huệ quốc" cho các nước. Kể từ năm 1998, quy chế đó được gọi là "mậu dịch bình thường" cách nay cũng 30 năm. Từ đó thiên hạ cứ tưởng rằng đấy là lý tưởng.

Nguyên Lam : Như vậy, từ 30 năm hay thậm chí 70 năm trước, Hoa Kỳ coi như dẫn đầu thế giới về chủ thuyết tự do mậu dịch, thế thì tại sao ngày nay nước Mỹ lại có vẻ đổi ý về lý tưởng đó, thưa ông ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Từ sau Thế chiến II, các nước đều theo nhau ký kết hiệp ước song phương, giữa hai nước với nhau, hoặc đa phương, là giữa nhiều quốc gia, với niềm tin là việc giao dịch tự do sẽ đem lại thịnh vượng cho mọi người. Thực tế thì sự thịnh vượng đó lại không được phân bố đồng đều vì nhiều lý do :

1. Muốn giao dịch thì phải làm ra sản phẩm có nước muốn mua nhưng nếu xứ khác lại có sản phẩm đó mà rẻ và tốt hơn thì ta khó cạnh tranh và tiếp tục nghèo.

2. Nhiều nước vẫn kín đáo bảo vệ một số khu vực của mình vì yêu cầu kinh tế, xã hội hay chính trị và gây ra tình trạng cạnh tranh bất chính làm xứ khác bị thiệt.

3. Các nước nghèo có nhân công rẻ cũng chiếm lợi thế cạnh tranh làm khu vực chế biến của các nước giàu suy sụp vì lương cao hơn.

4. Cơ cấu sản xuất của các nước công nghiệp hóa đều thay đổi, với nhân công giảm trong khu vực chế biến mà khu vực dịch vụ lại phát triển mạnh và đóng góp nhiều hơn trong luồng giao dịch. Nhưng nạn sa sút nhân dụng trong ngành chế biến như một kết quả của năng suất cao vẫn là một bài toán xã hội và chính trị. Do đó, lý tưởng tự do mậu dịch vẫn bị thực tế của đời sống trong từng nước thách thức.

Là xứ dân chủ tiên tiến nhất, Hoa Kỳ sớm thấy ra sự bất toàn của lý tưởng và muốn đặt lại vấn đề.

Bảo hộ mậu dịch vẫn tồn tại

Nguyên Lam : Nếu như vậy, thưa ông, phải chăng tự do mậu dịch gây ra thay đổi trong ngắn hạn khiến một số quốc gia e ngại nên vẫn duy trì chế độ bảo hộ, như chúng ta đang thấy tại Việt Nam hay Trung Quốc. Về dài hạn thì các nước cần điều chỉnh tình trạng đó nhưng thật ra sự thịnh vượng vẫn không trải rộng cho mọi thành phần dân chúng và gây phản ứng chính trị trong các nước dân chủ. Ông giải thích thế nào về sự nghịch lý này ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Tình trạng bảo hộ kín đáo thật ra vẫn còn trong nhiều quốc gia đã hay đang phát triển. Nhưng Hoa Kỳ quan tâm đến việc khác và đang đảo lộn lập trường. Thời Chiến tranh lạnh, vì yêu cầu an ninh, Hoa Kỳ chấp nhận cho các đồng minh Âu Á lợi thế về mậu dịch nhưng lâu lâu cũng có phản ứng bảo hộ chứ không phải là không.

Khi Chiến tranh lạnh tàn lụi với sự sụp đổ của Liên Xô, nhu cầu an ninh đó không còn, Hoa Kỳ nhìn lại sự thất thế về kinh tế của mình mà các nước kia thì chưa. Đó là một lẽ.

Ngày nay, sự thể còn thay đổi nhiều hơn, vì về an ninh thì từ Âu qua Trung Đông tới Á Châu, các nước đều cần Mỹ bảo vệ, nhưng kinh tế Hoa Kỳ lại bị nhập siêu nặng nên từ tả sang hữu, chính trường Hoa Kỳ dè dặt hơn với lý tưởng tự do mậu dịch như ta thấy từ năm 2015 với phản ứng của Quốc hội Mỹ về Hiệp ước Đối tác Xuyên Thái Bình Dương TPP. Đó là lẽ thứ hai.

Chuyện thứ ba là Chính quyền Trump lại kết hợp yếu tố an ninh vào bài toán giao dịch kinh tế, nôm na là chỉ chia sẻ gánh nặng kinh tế với đối tác nào chia sẻ gánh nặng phòng vệ an ninh với Mỹ, chứ các nước không thể tiếp tục đạt xuất siêu là xuất khẩu nhiều hơn nhập khẩu với Hoa Kỳ mà lại không đóng góp tiền bạc công sức vào việc phòng thủ an ninh.

Khi nói về trận chiến mậu dịch của Hoa Kỳ với các nước thì ta đừng nên quên rằng với nước Mỹ ngày nay, an ninh và kinh tế là hai mặt của một đồng tiền !

Nguyên Lam : Thưa ông, phải chăng vì đó mà đầu năm nay, hôm 19 tháng Giêng, văn phòng Đại sứ Thương mại Hoa Kỳ đệ nạp Quốc hội hai báo cáo đáng chú ý về kinh tế của Trung Quốc và Liên bang Nga. Rằng Hoa Kỳ sai lầm khi cho Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới WTO vào năm 2001 và rằng, sau khi  gia nhập WTO vào năm 2012, Liên bang Nga không tôn trọng cam kết với các thành viên của WTO mà vẫn duy trì chế độ bảo hộ làm doanh nghiệp và công nhân Mỹ bị thiệt vì không hưởng được sự thịnh vượng lý thuyết mà ông vừa nói ? Cùng ngày 19 đó, Bộ Quốc Phòng Mỹ còn nêu đích danh hai cường quốc đang cạnh tranh về thế lực an ninh với Mỹ là Trung Quốc và Liên bang Nga.

Nguyên Lam xin hỏi rằng với nước Mỹ, an ninh và kinh tế đang nhập một hay không ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Thưa đúng vậy, nhưng hãy nói chuyện gần rồi sẽ đề cập tới chuyện xa. Việt Nam đạt xuất siêu với Mỹ bao nhiêu thì bị nhập siêu với Trung Quốc bấy nhiêu và có thể đang cố thoát khỏi tình trạng lệ thuộc vào Bắc Kinh hoặc bị Trung Quốc ức chế ngoài Đông Hải. Khi ấy, Hoa Kỳ có thể là giải pháp.

Vì sao các nước trong Hiệp hội ASEAN đều muốn làm ăn với Trung Quốc mà khi an ninh bị đe dọa thì lại trông cậy vào Hoa Kỳ ? Chính quyền Mỹ không ưa trò phân công bất lợi đó nữa mà nói ra sự thật là ưu tiên giải quyết mâu thuẫn với Trung Quốc và Liên bang Nga, đồng thời kêu gọi các nước hợp tác khi xét tới yếu tố an ninh của họ. Đấy là phong thái đàm phán của Chính quyền Trump.

- Nếu chỉ nhìn vào nguy cơ chiến tranh mậu dịch thì ta quên nguy cơ chiến tranh thật : thà cãi nhau về xuất nhập khẩu còn hơn bắn nhau thật. Vả lại nếu chiến tranh mậu dịch bùng nổ thì Hoa Kỳ vẫn giữ thế mạnh vì cần xuất khẩu ít khi các nước đều cần bán hàng cho một thị trường có sức tiêu thụ cao nhất, là điều chúng ta đã nói tới. Có lẽ Bắc Kinh hiểu ra sự thể phũ phàng ấy rõ ràng hơn các quốc gia kia.

Trung Quốc trong tầm ngắm của Hoa Kỳ

Nguyên Lam : Ông vừa nói ra một điều có lẽ bất ngờ cho thính giả của chúng ta. Tại sao ông cho rằng Bắc Kinh hiểu ra lập trường của Hoa Kỳ hơn nhiều xứ kia ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Thứ nhất, lãnh đạo Bắc Kinh biết là họ vẫn can thiệp vào quản lý kinh tế chứ không theo quy luật thị trường như đã cam kết. Thứ hai, là đối thủ muốn cạnh tranh và vượt Hoa Kỳ về cả an ninh lẫn kinh tế, họ theo dõi đối sách của Mỹ dưới sự lãnh đạo của Chính quyền Donald Trump.

Họ thấy và có lẽ cũng được giới chức kinh tế tài chính Mỹ cho biết rằng từ cả năm nay, Chính quyền Trump đã chuẩn bị gây áp lực rất nặng trên ba bình diện. Thứ nhất, về an ninh thì tận dụng Khoản 232 của Đạo luật Thương mại Mở rộng năm 1962 để áp thuế mà khỏi cần Quốc hội cho phép, đó là chuyện nhôm thép. Thứ hai, về mậu dịch thì viện dẫn Khoản 301 của Đạo luật Thương mại năm 1974 để đòi trả đũa Trung Quốc tội ăn cắp quyền sở hữu trí tuệ và bắt doanh nghiệp Mỹ phải chuyển giao công nghệ và dùng công nghệ lấy được của Mỹ để đánh Mỹ. Thứ ba là sẽ kiểm soát việc đầu tư trực tiếp của Trung Quốc vào thị trường Mỹ theo lối "ăn miếng trả miếng", tức là doanh nghiệp Mỹ mà đầu tư vào Trung Quốc bị áp chế thế nào thì doanh nghiệp Trung Quốc vào thị trường Mỹ cũng bị kiểm soát theo cùng một chế độ.

Sau cùng, gần đây nhất, Chính quyền Trump còn quyết định hạn chế nhập khẩu từ Trung Quốc khoảng 60 tỷ Mỹ kim để thu hẹp số khiếm hụt mậu dịch. Hàng loạt biện pháp dồn dập ấy đều nhắm vào Trung Quốc hơn là các nước bạn hàng khác của Hoa Kỳ.

Nguyên Lam : Khi thấy rõ động thái đó của Chính quyền Hoa Kỳ, lãnh đạo của Bắc Kinh đã làm những gì thưa ông ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Đương lúc dầu sôi lửa bỏng, lãnh đạo Trung Quốc gửi Ủy viên Quốc vụ viện Dương Khiết Trì, là cựu Bộ trưởng Ngoại giao nay chỉ đạo ngành ngoại giao và hồ sơ Đài Loan, bay qua Mỹ vận động mà không có kết quả. Rồi một trí thức thân tín của Tập Cận Bình là kinh tế gia Lưu Hạc, người vừa lên làm Phó Thủ tướng cũng qua Mỹ giải tỏa sức ép ngoại thương mà ra về tay không. Sau đó, nhân vật sát cánh với lãnh tụ Tập Cận Bình là Vương Kỳ Sơn, không chỉ lên làm Phó Chủ tịch mà còn đảm nhiệm thêm cả hồ sơ kinh tế với Hoa Kỳ. Tức là Bắc Kinh coi Mỹ là ưu tiên.

Sau cùng, hôm qua, khi kết thúc hai tuần họp của Quốc hội để hợp thức hóa quyết định của đảng, Tổng lý Quốc vụ viện là Thủ tướng Lý Khắc Cường lại có lời hòa dịu với Mỹ là nên đàm phán để tránh chiến tranh mậu dịch giữa đôi bên. Vì vậy, tôi nghĩ là Chính quyền Trump chỉ dàn cảnh chiến tranh mậu dịch để đàm phán với từng nước trên cơ sở của quyền lợi an ninh hỗ tương, chứ trọng tâm vẫn nhắm vào Trung Quốc vì lý do an ninh lẫn kinh tế do hiểu được văn hóa chính trị của Bắc Kinh là "mềm nắn, rắn buông". Các nước khác, kể cả Việt Nam, cứ theo đó mà tính toán lợi hại....

Nguyên Lam : Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do cùng Nguyên Lam xin cảm tạ kinh tế gia Nguyễn-Xuân Nghĩa về bài phân tích kỳ này.

Nguyên Lam thực hiện

Nguồn : RFA, 20/03/2018

Published in Diễn đàn

Nguyên Lam : Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do cùng Nguyên Lam xin kính chào chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa trong chương trình Diễn đàn Kinh tế.

Thưa ông, tuần qua, Chính quyền Hoa Kỳ gây chấn động thế giới khi quyết định áp thuế nhập nội trên hai sản phẩm nhôm thép. Khi đó, ông đã nói về tương quan lực lượng của các nước trong quan hệ ngoại thương. Tuần này, tại Trung Quốc, Quốc hội biểu quyết chấp thuận việc Chủ tịch Tập Cận Bình hết còn giới hạn nhiệm kỳ và chuẩn bị hàng loạt biện pháp cải tổ cơ chế kính tế để gia tăng quyền hạn của đảng trên bộ máy của nhà nước và hăm dọa trả đũa quyết định tăng thuế của Mỹ. Theo dõi chuyện này từ lâu, ông nhận xét về nào về các chuyển động ấy ?

cnqg1

Biểu đồ thặng dư mậu dịch hàng tháng của Trung Quốc với Hoa Kỳ - AFP

Sự khác biệt trong giao dịch ngoại thương

Nguyễn-Xuân Nghĩa :  Việc Đảng cộng sản Trung Quốc trao quyền tuyệt đối cho Tổng bí thư Tập Cận Bình được chuẩn bị từ lâu và nay mới hợp thức hóa qua kỳ họp Đại hội Nhân dân Toàn quốc, là Quốc hội. Cơ chế này chỉ là bình phong của đảng nên chẳng ai ngạc nhiên. Người ta đã bình luận về hiện tượng tập quyền tuyệt đối ấy, chúng ta khỏi nhắc lại.

Phía Hoa Kỳ cũng thế, Chính quyền của Tổng thống Donald Trump đã chuẩn bị các biện pháp ngoại thương từ gần một năm, chủ yếu nhắm vào Trung Quốc sau khi thấy Bắc Kinh không thể can gián động thái đáng ngại của chế độ Bắc Hàn. Sự khác biệt là Hoa Kỳ có nền dân chủ với nguyên tắc phân quyền, lại có chế độ pháp trị nên mọi quyết định của Hành pháp đều phải công khai, hợp pháp và được các cơ chế khác như Lập pháp và Tư pháp chấp thuận. Trung Quốc thì không.

Nói về ngoại thương, mậu dịch hay thương mại thì từ nhiều thập niên, các nước đều đề cao nguyên tắc tự do giao dịch với tối thiểu quan thuế hay hạn ngạch mà xứ nào cũng có những biện pháp kín đáo bảo vệ quyền lợi của mình. Dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Donald Trump, nước Mỹ không chấp nhận tình trạng đó của xứ khác vì gây thiệt hại cho Hoa Kỳ, nhưng ông Trump không thể tự ý quyết định trả đũa các nước đó vì phải tuân thủ luật lệ Hoa Kỳ. Ông Trump hiểu ra và chuẩn bị việc đó từ năm ngoái khi kèm yếu tố an ninh vào quan hệ mậu dịch.

Nguyên Lam : Như vậy, ông nghĩ Chính quyền Trump đã nghiên cứu và sửa soạn việc này từ lâu rồi. Xin ông giải thích cho thính giả của chúng ta điều đó.

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Ngược với ấn tượng sai lầm của nhiều người, Tổng thống Mỹ không có toàn quyền mà phải chia quyền với Lập pháp, dưới sự giám sát của quyền Tư pháp, cao nhất là Tối cao Pháp viện, chưa nói tới quyền hạn của các tiểu bang. Lập pháp gồm có hai viện của Quốc hội là Thượng viện và Hạ viện với thẩm quyền rất lớn mà Hành pháp do Tổng thống lãnh đạo phải tuân thủ, thuyết phục hay thỏa hiệp. Nói chung thì Hành pháp có nhiều quyền về đối ngoại hơn nội trị, trừ lãnh vực nằm ở giữa là ngoại thương.

Luật Mỹ quy định là Quốc hội cho Hành pháp được rộng quyền đàm phán về mậu dịch với các nước cho tới khi hoàn tất thì được Quốc hội phê chuẩn trọn gói thay vì kiểm tra từng bước thương thuyết. Chúng ta thấy điều đó vào năm 2015 khi Hành pháp của Tổng thống Barack Obama mất sáu năm qua hai chục vòng đàm phán Hiệp ước Đối tác Xuyên Thái Bình Dương TPP, nhưng sau khi Hiệp ước hoàn tất thì Quốc hội không đồng ý phê chuẩn khi xét vào nội dung chi tiết. Qua năm 2016, trong cuộc tranh cử tổng thống, hai ứng viên dẫn đầu đều ngả theo hướng chống đối và sau khi đắc cử, ông Trump quyết định rút lui. Thật ra dù có muốn ủng hộ Hiệp ước, ông cũng không có hậu thuẫn của Quốc hội, vì vậy bà Hillary Clinton là người cổ võ cho Hiệp ước cũng phải chống khi tranh cử.

Kho luật lệ của Hoa Kỳ

Nguyên Lam : Ít ai nhìn ra nghịch lý đó trong cơ chế pháp quyền của Hoa Kỳ. Thưa ông, trở lại trận chiến mậu dịch hay ngoại thương ngày nay thì sao ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Chúng ta trở lại điều tôi xin gọi là "kho luật lệ" của Hoa Kỳ mà Tổng thống có thể nhìn ra nhờ Nội các cùng Ban tham mưu sau khi đắc cử và lên nắm quyền. Thời Chiến tranh lạnh, Mỹ có Đạo luật Thương mại Mở rộng năm 1962 cho Hành pháp được quyền đàm phán và giảm thuế quan tới tới 80% mà khỏi xin Quốc hội. Nhưng Đạo luật Trade Expansion Act đó lại có Khoản 232 cũng cho Hành pháp được tăng thuế quan mà khỏi xin phép Quốc hội nếu an ninh của Hoa Kỳ bị đe dọa. Sau khi cho Bộ Thương mại và Đặc sứ Thương mại nghiên cứu từ gần một năm trước, Chính quyền Trump viện dẫn khoản đó để áp thuế trên thép và nhôm như chúng ta vừa thấy. Đấy là một cách can thiệp vào mậu dịch và đối ngoại mà khỏi xin Quốc hội phê chuẩn.

Nguyên Lam : Đấy là cơ sở pháp lý của trận đánh nhôm thép vừa khởi đầu. Thưa ông, Chính quyền Trump còn dùng võ khí nào trong cái kho luật lệ của Hoa Kỳ ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Ngoài Đạo luật Thương mại năm 1962, Hoa Kỳ có một Đạo luật quan trọng hơn vào năm 1974 cho Hành pháp rộng quyền đàm phán theo thủ tục nhanh và xin Quốc hội phê chuẩn trọn gói sau khi hoàn tất. Được áp dụng từ đầu năm 1975 và tái tục nhiều lần, Đạo luật Trade Act 1974 có Khoản 301 dự phòng trường hợp Hoa Kỳ bị cạnh tranh bất chính trong trao đổi hàng hóa, dịch vụ và đầu tư vì các đối tác không tuân thủ những cam kết quốc tế. Khi đó, Tổng thống có quyền ban hành mọi biện pháp, kể cả trả đũa, để bảo vệ quyền lợi của Hoa Kỳ. Đại diện Thương mại hay các doanh nghiệp bị thiệt có thể viện dẫn Khoản 301 này để đòi thương thuyết lại với các đối tác vi phạm mà không chờ phán quyết của một cơ chế quốc tế như Tổ chức Thương mại Thế giới WTO.

Sở dĩ ta nói về bối cảnh luật pháp ấy vì Chính quyền Trump viện dẫn cả hai đạo luật để mở ra cuộc chiến mậu dịch với Trung Quốc. Khi tranh cử, ông Trump chủ trương ưu tiên bảo vệ quyền lợi của Hoa Kỳ nên có thể gọi là chủ nghĩa quốc gia trong quan hệ kinh tế với các nước mà thực chất nhắm vào cường quốc có ý hướng khơi động chủ nghĩa quốc gia để vượt Mỹ là Trung Quốc. Ta đang chứng kiến trận đấu kinh tế giữa một chế độ độc đảng và một chế độ dân chủ pháp trị !

Vị thế của Hoa Kỳ trong cuộc chiến ngoại thương

Nguyên-Lam : Theo lý luận bình thường thì ai có thể nghĩ chế độ độc tài sẽ chiếm ưu thế trong trận đấu này như khi người ta thấy nhiều dân biểu nghị sĩ bên đảng Cộng Hòa của ông Trump cũng không đồng ý với quyết định áp thuế của Tổng thống, chưa nói gì tới phản ứng của các doanh nghiệp và của thị trường. Thưa ông, như vậy thì Hoa Kỳ có bị thất thế không ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Tôi có cái nhìn trái ngược nếu xét trong trường kỳ. Chế độ dân chủ giúp xã hội và quốc gia phát triển nhanh hơn nhờ có tự do, như ta có thể so giữa Nam Hàn và Bắc Hàn, hoặc giữa Nhật Bản với Trung Quốc. Thứ hai, trận đánh này bùng nổ vào thời điểm bất lợi nhất cho Trung Quốc. Đó là khi Tập Cận Bình thâu tóm quyền lực để tiến hành việc cải cách bị trì hoãn từ lâu trong khi chưa ra khỏi nhiều khó khăn muôn mặt, từ núi nợ khổng lồ tới rủi ro khủng hoảng ngân hàng như Ngân hành Thanh toán Quốc tế vửa cảnh báo trong báo cáo hôm Chủ Nhật mùng 10, đến nạn ô nhiễm môi sinh và bao vấn đề trong hệ thống doanh nghiệp nhà nước, ngân sách chính quyền địa phương, v.v….

Lãnh đạo Bắc Kinh có thể mơ bước nhảy vọt vào khu vực công nghệ cao cấp thì từ tháng Tám năm ngoái, Chính quyền Trump viện dẫn Khoản 301 của Đạo luật Thương mại 1974 để điều tra việc Bắc Kinh không tôn trọng luật lệ về quyền sở hữu trí tuệ và đòi doanh nghiệp nước ngoài chuyển giao công nghệ cho họ. Đấy là nạn cạnh tranh bất chính và gây thiệt hại cho doanh nghiệp Mỹ. Vì vậy, Hoa Kỳ chẳng chờ đợi phán quyết của Tổ chức WTO mà đòi đàm phán lại và có khi áp dụng quy luật "khó người khó ta, dễ người dễ ta" là áp dụng đúng luật lệ hạn chế đầu tư của Bắc Kinh vào việc các doanh nghiệp Trung Quốc đầu tư vào thị trường Hoa Kỳ. Với quyền hạn tập trung, Tập Cận Bình sẽ chịu trách nhiệm nếu thất bại trong cải cách và sau này có đổ lỗi thất bại cho nước Mỹ thì càng làm dư luận thấy ra cái thế yếu của Trung Quốc, như chúng ta đã đề cập tuần trước.

Nguyên Lam : Nhưng thưa ông, Hoa Kỳ cũng gặp bất lợi khi bị các quốc gia khác công kích là ích kỷ và đơn phương nâng hàng rào quan thuế trên nhôm và thép. Nếu vậy, Chính quyền Trump sẽ xoay trở thế nào ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Là doanh gia trước khi lao vào chính trị, ông Trump tin vào tài đàm phán của mình, nhưng sự tình nó còn liên quan tới an ninh quốc gia. Đa số các bạn hàng có thể bị thiệt về đòn nhôm thép của Mỹ đều là các nước dân chủ, như Âu Châu, Nhật Bản, Úc, Canada… và đồng minh về an ninh với Mỹ. Các quốc gia ấy cũng biết thói làm ăn lý tài và trục lợi của Trung Quốc, kể cả trong lĩnh vực xuất khẩu thép. Bây giờ, vào thời gian tới, Hoa Kỳ sẽ tiến hành thương thuyết với các nước đó để, cũng nhân danh an ninh là lý do hay lý cớ của trận đấu về thép, mà có sự thỏa hiệp riêng. Theo chế độ dân chủ và có khi lại sắp bầu cử, lãnh đạo xứ nào cũng phải lên tiếng đả kích Hoa Kỳ để tranh thủ lòng dân, đâm ra, họ cũng phải chứng tỏ quyền lợi của quốc gia là quan trọng hơn là những thỏa thuận quốc tế. Chúng ta sẽ thấy ba tháng om sòm sau đó là êm.

Đây là ta chưa nói về hậu quả gián tiếp là vì trận đánh, quốc gia sản xuất phân nửa sản lượng thép toàn cầu là Trung Quốc sẽ bị thiệt vì thép sụt giá và các xứ khó bán thép cho Mỹ lại tìm nơi khác và chiếm thị phần của Trung Quốc. Chưa kể Hoa Kỳ còn "vẽ đường cho hươu chạy" khi làm Âu Châu và Nhật Bản cũng học theo Mỹ mà dựng hàng rào ngăn thép Tầu. Đấy là lúc các doanh nghiệp thép của Trung Quốc bị khốn đốn làm Bắc Kinh càng khó giải quyết được nạn sản xuất dư dôi và không có chỗ bán. Mà ngoài nhôm thép, Mỹ còn cò đòn khác.

Những biện pháp khác của Hoa Kỳ

Nguyên Lam : Câu chuyện càng ngày càng rắc rối. Thưa ông, Hoa Kỳ còn có những biện pháp gì khác nhắm vào Trung Quốc ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Sau cả năm nghiên cứu lợi hại và các giải pháp luật lệ, Chính quyền Trump có thề sử dụng võ khí khác ngoài nhôm và thép, đó là áp thuế nhập nội và hạn ngạch mua vào nhiều hàng xuất khẩu của Trung Quốc như vật dụng điện tử hay các sản phẩm bị tố cáo là lợi dụng tác quyền của Mỹ. Tôi còn nghĩ rằng ngay trong lúc này, khi đàm phán về nhôm và thép, đại diện Hoa Kỳ cũng thuyết phục Nhật Bản và các nước Âu Châu liên thủ với mình để bảo vệ quyền lợi trước đà bành trướng ngoại thương bất chính của Bắc Kinh.

Hai khối Âu-Nhật đều có quan hệ an ninh với Hoa Kỳ nên dễ được đặc miễn trong trận chiến mậu dịch. Hậu quả là Bắc Kinh gặp điều kiện khắt khe hơn và càng khó hội nhập các khu vực dịch vụ, tài chính và chế biến với bên ngoài. Kết cuộc thì lãnh đạo Trung Quốc phải bố trí lại ưu tiên trong kế hoạch cải cách và hy sinh một số mục tiêu cấp bách. Vì vậy, dù dư luận ồn ào nói về sự ngang ngược của ông Trump, vụ đụng độ của hai chủ nghĩa quốc gia xảy ra vào một thời điểm bất lợi cho Trung Quốc ! Tôi không nghĩ đây là sáng kiến cùa ông Trump, mà là sự tính toán của cả Nội các và Ban tham mưu trước sự hưởng ứng kín đáo của phe Dân Chủ bất chấp sự phàn nàn của phe Cộng Hòa trong Quốc hội !

Nguyên Lam : Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do cùng Nguyên Lam xin cảm tạ chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa về bài phân tích ly kỳ này.

Nguyên Lam thực hiện

Nguồn : RFA, 13/03/2018

Published in Diễn đàn

Nguyên Lam : Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do cùng Nguyên Lam xin kính chào chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa trong chương trình Diễn đàn Kinh tế.

Thưa ông, Chính quyền của Tổng thống Donald Trump đã gây chấn động khi thông báo hôm Thứ Năm mùng một, là Hoa Kỳ có thể tăng thuế 25% trên sản phẩm thép và 10% trên sản phẩm nhôm để bảo vệ các doanh nghiệp và công nhân Hoa Kỳ sản xuất ra hai kim loại đó. Vì vậy trong hai ngày liền, cổ phiếu Mỹ sụt giá vì viễn ảnh của trận chiến mậu dịch giữa Hoa Kỳ và các nước sản xuất. Nhưng qua ngày Thứ Hai mùng bốn thì tình hình lại đảo ngược vì các thị trường cho là rủi ro về chiến tranh ngoại thương không đến nỗi trầm trọng như vậy.

Theo dõi chuyện này, ông giải thích thế nào cho thính giả của chúng ta ?

maudich1

Germany_EU_US : Trade-Politics AFP

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Trước khi đi vào căn bản của hồ sơ mậu dịch hay thương mại, tôi thiển nghĩ chúng ta nên nhớ vài chi tiết xa xôi sau đây. Thứ nhất, từ cả năm nay, Chính quyền Donald Trump kết hợp yếu tố an ninh vào quan hệ kinh tế của Hoa Kỳ với các nước. Thứ hai, ngày 19 Tháng Tư năm ngoái, ông Trump chỉ thị Bộ Thương Mại cấp tốc nghiên cứu xem việc nhập khẩu thép có đe dọa an ninh của Hoa Kỳ không. Hôm 27 Tháng Tư sau đó ông cho điều tra thêm ngành nhôm hay aluminum. Ngày nay, Bộ Thương Mại hoàn tất việc nghiên cứu và hôm Thứ Sáu 16 tháng Hai, mùng một Tết Mậu Tuất, Bộ đề nghị Tổng thống dùng quyền hạn của mình để bảo vệ an ninh của Hoa Kỳ. Chi tiết đáng chú ý khi ấy là Chính quyền Trump viện dẫn khoản 232 của Đạo Luật Thương Mại Mở Rộng năm 1962 để Hành pháp có thể quyết định về mậu dịch, như thuế nhập nội hay hạn ngạch nhập khẩu, hầu bảo vệ an ninh và lách khỏi sự hạn chế của Quốc Hội.

Cuộc chiến mậu dịch xuất phát từ Hoa Kỳ ?

Nguyên Lam : Tức là theo dõi vụ này, ông thấy chuyện thép và nhôm manh nha từ năm ngoái mà vì sao bây giờ mới gây chấn động ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Về bối cảnh, Hoa Kỳ có đạo luật Thương Mại Mở Rộng năm 1962, trong đó có khoản 232 cho phép Hành pháp thương thuyết và giảm quan thuế biểu tới 80% nếu việc ấy không xâm phạm an ninh quốc gia. Nhưng sau khi nghiên cứu và thấy có xâm phạm an ninh thì Hành pháp có thể đòi Quốc Hội cho nâng thuế nhập nội hay hạn ngạch nhập khẩu. Chuyện cần biết là Tổng thống phải xin phép Quốc hội sau khi Bộ Thương Mại và Đại sứ Thương Mại đề nghị. Ông Trump đang tiến hành thủ tục rắc rối ấy với sự ủng hộ của phe Dân Chủ theo xu hướng bảo hộ và trước sự ngần ngại của đa số Cộng Hòa theo chủ trương tự do mậu dịch. Chi tiết thứ ba đáng chú ý là phong cách của ông Trump khi nêu ra nhiều thay đổi đầy mâu thuẫn làm người ta không hiểu khi nào ông nói thật, nhưng biết đâu là ông dùng cái thuật đó để thăm dò, vận động và mặc cả !

Nguyên Lam : Thưa ông, có lẽ còn một vấn đề rộng lớn hơn. Đó là khi công ty sản xuất thép và nhôm bị cạnh tranh bất lợi nên cần bảo vệ và coi như được một phần, nhưng các doanh nghiệp tiêu thụ và dân chúng có khi bị thiệt vì mua nhôm thép ngoại nhập với giá đắt hơn.

Thưa ông, vì vậy phải chăng tranh luận mới bùng nổ về sự lợi hại hay lẽ được thua của chế độ bảo hộ mậu dịch và mối nguy của một cuộc chiến mậu dịch xuất phát từ Hoa Kỳ ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Tôi không làm thính giả của chúng ta thêm nhức đầu để nói về các trường phái lý thuyết kinh tế từ cổ điển đến hiện đại liên quan tới việc mua bán hàng hóa và dịch vụ giữa các nước. Tôi chỉ xin nhắc tới chi tiết thứ tư là Chính quyền Donald Trump, từ Nội các tới Ban Tham mưu, có các doanh gia và kinh tế gia với quan điểm trái ngược.

Trong Nội các, Đại sứ Thương mại Robert Lighthizer và Tổng trưởng Thương mại là tỷ phú Wilbur Ross ủng hộ quan điểm cứng rắn của Tổng thống. Mới được nâng cấp từ Tháng Chín, Cố vấn Thương mại là Giáo sư Peter Navarro là thành phần được gọi là bảo hộ mậu dịch. Nhưng Cố vấn Kinh tế Quốc gia là doanh gia Gary Cohn hay Ngoại trưởng Rex Tillerson, vốn cũng là doanh gia cao cấp, và nhiều người khác, kể cả Tổng trưởng Ngân khố Steven Munchin và các kinh tế gia đã cố vấn cho ông Trump như Arthur Laffer, Larry Kudlow hay Stephen Moore không đồng ý với vụ tăng thuế. Còn chi tiết thứ năm ít ai chú ý là Chính quyền Trump thống nhất quan điểm về mối nguy thật và lâu dài cho an ninh và kinh tế Hoa Kỳ là Trung Quốc.

Nói chung, các nhân vật đó, kể cả ông Trump, đều biết quy luật được/thua trên toàn cảnh và trường kỳ. Được về mậu dịch trong ngắn hạn với ngành thép sử dụng 140 ngàn công nhân mà lại thua về kinh tế trong trường kỳ vì các ngành tiêu thụ nhôm thép như năng lượng, xây dựng, ráp chế xe hơi, sản xuất nước uống, v.v… tuyển dụng tới sáu triệu rưởi công nhân. Tôi nghĩ họ gây tranh luận để thăm dò nghe ngóng lợi hại của các cuộc vận động từ mọi phía. Vì vậy, ta không nên chạy theo thời sự hàng ngày mà cần nhìn vào toàn cảnh, vào căn bản của mậu dịch.

Nguyên Lam : Nói về chuyện căn bản đó, ông muốn thính giả của chúng ta hiểu thế nào ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Người ta cứ hăm dọa về nguy cơ chiến tranh mậu dịch mà quên mất nhiều chuyện cơ bản. Sau Thế Chiến II, thời Chiến Tranh Lạnh giữa Thế giới Tự do và khối cộng sản, yếu tố an ninh lấn át kinh tế khiến Hoa Kỳ nâng đỡ kinh tế các nước để có đồng minh, và trở thành thị trường tiêu thụ sau cùng mà lớn nhất cho tới khi Liên bang Xô viết sụp đổ và Hoa Kỳ ngày càng thất thế về ngoại thương, bị khiếm hụt cán cân thương mại, là nhập hơn xuất.

Ngày nay, Chính quyền Trump hết muốn tiếp tục khuynh hướng đó nữa, nhất là khi các nền kinh tế mới phát triển, kể cả Trung Quốc, lại gây sức ép về cạnh tranh cho doanh nghiệp và công nhân Hoa Kỳ. Ta nên hiểu ra sự hợp lý của phản ứng ấy khi xứ nào cũng muốn bán hàng cho Mỹ và khi an ninh bị đe dọa lại trông vào sự bảo vệ của Hoa Kỳ.

Nguyên Lam : Nhưng nếu vì vậy mà Hoa Kỳ lại gây ra trận chiến thương mại thì phải chăng là mọi người đều thua ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Thuyết đấu trí hay game theory có nói phe nào sợ thua thì sẽ thua ! Ta nên đi vào căn bản của vấn đề mậu dịch là tương quan lực lượng giữa các quốc gia trong quan hệ buôn bán với nhau. Tìm hiểu chuyện đó, ta thấy ra một thực tế đầy nghịch lý. Là nước nào cần xuất khẩu nhiều thì sẽ sợ thua và cuối cùng thì dễ nhượng bộ !

Xét về cơ cấu sản xuất, các nước công nghiệp hóa đều cần bán hàng và xuất khẩu chiếm hơn 30% của Tổng sản lượng. Điển hình là Đức, Canada hay Nhật Bản, Nam Hàn. Sau đó là các nước mới nổi, đặc biệt nhất là Trung Quốc, với chiến lược đầu tư mạnh, sản xuất thừa và bán thật rẻ để tạo ra công ăn việc làm ở bên trong, và ngày nay sản xuất phân nửa lượng thép của toàn cầu và đang cần bán rất rẻ. 

Ảnh hưởng của chiến tranh mậu dịch lên Hoa Kỳ

Nguyên Lam : Thưa ông, thế còn trường hợp của Hoa Kỳ thì sao ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Hoa Kỳ là một ngoại lệ chói lọi ! Xứ này có sức sản xuất cao nhất mà xuất khẩu chỉ chiếm 12% của Tổng sản lượng, còn 88% là sản xuất nội địa. Các con số trừu tượng ấy có nghĩa là nếu chiến tranh mậu dịch bùng nổ và các nước phản đòn bằng cách bớt mua hàng của Mỹ - như Liên Âu dọa sẽ bớt mua xe gắn máy Harley Davidson, quần Jean Levy’s và rượu Bourbon theo tỷ lệ một phần ba của ba sản phẩm ấy - thì cũng tựa muỗi đốt gỗ ! Vì trận đánh mậu dịch ấy chỉ thu hẹp trong phần xuất khẩu là 12% của Tổng sản lượng Mỹ thôi. Bên kia chiến tuyến, các nước cần xuất khẩu nhiều mới dễ bị thua.

Ngược lại, vẫn nói về tương quan lực lượng trong trận chiến mậu dịch ai cũng sợ và muốn tránh, thì kinh tế Mỹ lại có sức tiêu thụ cao nhất, như có hậu phương sâu rộng nhất khả dĩ chống trả các đối thủ. Đâm ra, nạn nhập siêu là nhập nhiều hơn xuất, của nước Mỹ lại là một lợi thế trong trận chiến mậu dịch giả định này.

Nguyên Lam : Nguyên Lam phải ngẫm nghĩ và nhắc lại điều ông vừa phát biểu. Vì ít lệ thuộc vào xuất khẩu lại có thị trường tiêu thụ lớn nhất trong các nước, nếu chiến tranh mậu dịch bùng nổ thì Hoa Kỳ lại chiếm thế mạnh. Thưa ông, đó là một nghịch lý hơi bất ngờ cho nhiều thính giả của chúng ta. Có phải vậy không ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Vì thiên hạ cứ tri hô về nguy cơ chiến tranh mậu dịch, ta cần đi xuống cái đáy của vấn đề. Thí dụ dễ nhớ là Trung Quốc đạt xuất siêu mấy trăm tỷ đô la với Hoa Kỳ, nên 3% Tổng sản lượng của họ tùy thuộc vào sức bán hàng cho Mỹ. Ngược lại, việc xuất khẩu của Hoa Kỳ vào thị trường Trung Quốc chỉ bằng nửa phần trăm của Tổng sản lượng thôi. Khi lên chiến hào để nã đạn mậu dịch vào nhau thì kinh tế Trung Quốc mới lâm thế yếu.

Các quốc gia lâm chiến kia cũng vậy. Chính quyền Trump bị kết án là đòi gây chiến tranh mậu dịch, nếu cho rằng điều ấy đúng thì các nước sẽ xử trí và phản đòn ra sao với một nền kinh tế ít cần xuất khẩu mà thừa sức chống trả bằng thuế nhập nội hay hạn ngạch ? Vẫn biết chiến tranh là có tổn thất, nhưng các nước như Canada, Mexico, Nam Hàn, Đức hay Trung Quốc bị tổn thất nặng hơn Hoa Kỳ trong trận chiến đó.

Chiến tranh mậu dịch có thực sự tốt ?

Nguyên Lam : Có lẽ thính giả của chúng ta dần dần hiểu ra vì sao Chính quyền Donald Trump cứ bảo chiến tranh mậu dịch là điều tốt.

Thưa ông, phải chăng đấy là một cách nói quá cho các nước cùng nhìn lại tương quan lực lượng trong thực tế và tìm giải pháp hòa dịu qua đàm phán và thương thảo ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Tôi trộm nghĩ vậy, và không quên rằng đối tượng ưu tiên cần đối phó của Hoa Kỳ, về cả an ninh lẫn kinh tế chính là Trung Quốc. Khi thấy Chính quyền Trump không sợ chiến tranh mậu dịch mà còn đòi lấn tới thì các nước phải nghĩ tới kịch bản xấu nhất là Hoa Kỳ sẽ gây chiến thật. Khi đó, xứ nào cần xuất khẩu mới bị kẹt. Thế rồi vì Trung Quốc lại đang gây ứ đọng về thép, và cố bán rẻ, các nước lâm chiến về thép với Mỹ sẽ khó bán cho Mỹ mà cố bán cho nhau. Hậu quả gián tiếp là Trung Quốc sẽ khó bán thép ! Nếu cuộc chiến lại lan qua ngành nhôm thì Bắc Kinh mới gặp vấn đề an ninh trong kinh tế vì các doanh nhiệp sản xuất nhôm của họ có thể bị vỡ nợ !

Nguyên Lam : Đề tài kỳ này quả là đặc biệt vì như ông vừa nhắc, chẳng ai muốn có chiến tranh, nhưng khi lâm chiến thì lẽ thắng bại là gì. Nguyên Lam xin đề nghị chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa nêu ra một kết luận sơ khởi.

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Lẽ thắng bại của một cuộc chiến tùy thuộc vào nhiều yếu tố nhưng nói theo ngôn từ bình dân của ta là "đối đế" thì yếu tố căn bản vẫn là tương quan lực lượng sau khi các phe tham chiến đã tuyên truyền, hiệu triệu hay hăm dọa. Tương quan ấy cho thấy xứ nào cũng đòi hăm trả đòn Hoa Kỳ mà lại lệ thuộc vào xuất khẩu nhiều hơn kinh tế Mỹ và sẽ bị tổn thất nặng hơn. Vì vậy, lời hăm che giấu nhược điểm của họ, nhờ đó mà chiến tranh mậu dịch lại khó xảy ra !

Nguyên Lam : Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do cùng Nguyên Lam xin cảm tạ chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa về bài phân tích đầy nghịch lý này.

Nguyên Lam thực hiện

Nguồn : RFA, 06/03/2018

Published in Diễn đàn
mercredi, 28 février 2018 21:49

Một hoàng đế cộng sản ?

Tuần này, Hội nghị Kỳ Ba của Ban Chấp hành Trung ương Khóa 19 của Đảng Cộng Sản Trung Quốc có phiên họp bất thường từ ngày 26 tới 28 để lập tức thông báo từ hôm Chủ Nhật 25 việc tu chỉnh Điều lệ Đảng và Hiến pháp nhằm mở rộng hạn kỳ lãnh đạo của Chủ tịch và Phó Chủ tịch quá hai nhiệm kỳ 10 năm. lãnh đạo kéo dài có thể gây quan ngại cho nhiều quốc. Sau Đại hội đảng của Khóa 19 vào tháng 10 năm ngoái, người ta không ngạc nhiên về việc Tổng bí thư Tập Cận Bình ra sức thâu tóm quyền lực, nhưng sự kiện mới công bố về kỳ hạn lãnh đạo kéo dài có thể gây quan ngại cho nhiều quốc gia khác. Mục Diễn đàn Kinh tế sẽ tìm hiểu về biến cố này.

hoangde11

Tập Cận Bình tân hoàng đế Trung Quốc ? Ảnh The Economist

Nguyên Lam : Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do cùng Nguyên Lam xin kính chào chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa trong chương trình Diễn đàn Kinh tế. Thưa ông, quý thính giả của chúng ta cùng Nguyên Lam mong là ông đã bình phục sau nhiều tuần chuẩn bị Hội Xuân Mậu Tuất cho Quận Cam tại miền Nam California và kỳ này xin đề nghị ông phân tích cho biến cố vừa xảy ra tại Bắc Kinh khi ông Tập Cận Bình có thể làm Chủ tịch Trung Quốc sau hai nhiệm kỳ 10 năm như các vị tiền nhiệm trước đây. Thưa ông, chuyện ấy là gì vậy ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Chúng ta khởi sự từ bối cảnh trước. Thông thường, đảng Cộng Sản Trung Quốc có khóa họp năm năm tổ chức một lần vào mùa Thu và mất cả năm chuẩn bị để hơn hai ngàn đại biểu thay mặt gần 90 triệu đảng viên trên toàn quốc bầu lên một Ban chấp hành trung ương có hơn 200 Ủy viên chính thức và chừng 170 ủy viên dự khuyết. Tới cuối khóa họp thì Ban chấp hành trung ương có kỳ họp đầu tiên để thông báo kết quả họp hành thật ra được Bộ chính trị gồm mấy chục Ủy viên soạn trước theo nguyên tắc gọi là "dân chủ tập trung". Nôm na là một đảng độc quyền có thể bầu lên một Ban chấp hành trung ương vài trăm người và Ban Chấp Hành đề cử 25 Ủy viên Bộ chính trị và bảy hay chín người trong cơ chế tối cao là Thường vụ Bộ chính trị để quyết định thay cho gần một tỷ 400 triệu người dân. Trên cùng là Tổng bí thư đảng sẽ lãnh đạo Nhà nước, Quân đội và các cơ chế kỷ luật nhuốm mùi pháp luật.

Thứ nữa, đầu năm sau Đại hội đảng Khóa 19, Ban chấp hành trung ương họp kỳ hai vào hai ngày 18-19 tháng Giêng vừa qua để khai triển quyết định của đảng cho bộ máy nhà nước thi hành qua hai hội nghị hay "lưỡng hội" là Đại hội Nhân dân Toàn quốc, là Quốc hội, và một cơ chế tư vấn là Hội nghị Hiệp thương Chính trị hay Chính Hiệp sẽ họp vào đầu tháng Ba này. Điều bất thường là sau đó một tháng, Ban chấp hành trung ương khóa 19 lại họp kỳ thứ ba để thông báo việc nới rộng thời hạn lãnh đạo của ông Tập Cận Bình qua hai nhiệm kỳ năm năm.

Văn hóa chính trị Trung Quốc có thật sự bí hiểm ?

Nguyên Lam : Thưa ông, đấy là một bối cảnh mà ông gọi là bất thường. Theo ông nghĩ thì chuyện gì đã xảy ra trong nội tình lãnh đạo của Trung Quốc ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Văn hóa chính trị Trung Quốc là sự bí hiểm gói kín trong bí mật nhưng thật ra vẫn chỉ là chuyện tranh đoạt quyền lực thôi. Thông thường thì Ban chấp hành trung ương của một khóa có nhiều kỳ họp nhưng hai kỳ họp cách nhau một tháng là triệu chứng bất tường.

Giới quan sát quốc tế cho là sau Hội nghị Kỳ Hai vào tháng trước thì từ hôm 26 tháng Giêng đã có việc tu chỉnh Hiến pháp để nới rộng nhiệm kỳ cho họ Tập. Nhưng khi Hội nghị Kỳ Ba lại được đột ngột triệu tập trong ba ngày 26 tới 28 tháng này, với quyết định tu chỉnh Hiến pháp được công bố hôm Chủ Nhật 25 mà Tân Hoa Xã lại cho ghi ngày là 26 tháng Giêng thì nhiều người tin là Tập Cận Bình dùng Ban chấp hành trung ương thay vì Bộ chính trị hay Thường vụ Bộ chính trị để nới rộng quyền lực của mình. Lý do là trong hai cơ chế tập trung nói trên, ông ta không được đa số Ủy viên ủng hộ nên mới dùng Ban chấp hành trung ương là nơi ông có hậu thuẫn cao hơn. Nếu đúng như vậy thì ta nên kết luận ngược, rằng lãnh đạo Trung Quốc đang thiếu ổn định và thống nhấy ý kiến.

Nguyên Lam : Thưa ông, ngay sau Đại hội Khóa 19 vào tháng 10 vừa qua, người ta đã thấy hai sự lạ. Thứ nhất là Điều lệ đảng và Hiến pháp chính thức công nhận "Tư tưởng Tập Cận Bình về Xã hội Chủ nghĩa với Màu sắc Trung Hoa". Thứ hai là Đảng không đề cử một người làm Phó Chủ tịch nước, là nhân vật sẽ kế tục ông Tập Cận Bình sau khi nhiệm kỳ hai chấm dứt vào năm 2023. Phải chăng hai sự kiện ấy đã báo trước việc Tập Cận Bình thâu tóm quyền lực ngang tầm Chủ tịch Mao Trạch Đông và còn hơn cả lãnh tụ Đặng Tiểu Bình, ông nghĩ sao ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Tôi còn thấy sự lạ thứ ba là trong báo cáo chính trị dài hơn ba tiếng của Đại hội 19, Tập Cận Bình nhiều lần nói đến "các mâu thuẫn cơ bản của kỷ nguyên mới". Ông ta thấy ra nhiều vấn đề khá nguy ngập và muốn tập trung quyền lực để giải quyết sau năm năm lãnh đạo từ Đại hội Khóa 18 vào cuối năm 2012 mà không xong. Điều ấy cũng có nghĩa là cùng với việc chuyển hướng cải cách chưa thành và chiến dịch diệt trừ tham nhũng lên tới cấp cao nhất, các phe phái bên trong đã đồng ý với việc tập quyền thay vì duy trì tinh thần thỏa hiệp theo nguyên tắc đồng thuận do Đặng Tiểu Bình đề ra. Bây giờ, sau khi củng cố quyền hành trong không gian và mở rộng hơn nữa vào thời gian, Tập Cận Bình đang lấy rất nhiều rủi ro cho bản thân nếu ông ta thất bại. Nhưng trái ngược, đấy lại là cơ hội cho các nước cảnh tỉnh, vì vậy, tôi cho rằng đây là một tin vui !

Nguyên Lam : Có lẽ thính giả của chúng ta đã quen với cách nhìn trái ngược của ông, nhưng thưa ông, tại sao ông lại coi đây là một tin vui ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Tôi xin có hai phần giải thích, về đối ngoại và nội chính. Thế giới và truyền thông cứ ngợi ca phép lạ kinh tế Trung Quốc mà không thấy sự thật là lãnh đạo Bắc Kinh coi dư luận và luật lệ quốc tế tựa cái dép rách. Năm ngoái, tại thượng đỉnh kinh tế Davos và Đại hội đồng Liên hiệp Quốc, Tập Cận Bình thủ vai vô địch về hợp tác quốc tế và toàn cầu hóa dù vẫn trực tiếp can thiệp vào kinh tế quốc dân và coi thường các xứ khác. Thí dụ là cấm vận kinh tế Nam Hàn vì tội dám trang bị hệ thống võ khí phòng thủ, hoặc xen lấn vào nội tình chính trị của Úc.

Trước đó thì phủ nhận phán quyết của Tòa án Trọng tài Thường trực trong vụ tranh chấp chủ quyền trên các hải đảo với xứ Philippines. Mới tháng Bảy năm ngoái thì xóa bỏ các cam kết từ năm 1985 với Vương quốc Anh về quyền tự trị của Hong Kong trong khi quân sự hóa nhiều cụm đá nổi đã cưỡng chiếm của các lân bang như Việt Nam hay Philippines. Người ta lầm tưởng Bắc Kinh tận dụng "quyền lực mềm" là lợi ích kinh tế để tranh thủ thiên hạ chứ cứng mềm, âm thầm hay ngang ngược là động thái họ vẫn làm từ nhiều năm qua, để nhắm vào mục tiêu bá quyền tại Đông Á trong vài chục năm tới.

Củng cố quyền lực và loại bỏ đối thủ

Nguyên Lam : Theo ông, sau vụ tăng cường quyền lực của Chủ tịch Tập Cận Bình thì liệu rằng các quốc gia khác có nhìn ra sự thể ấy hay chưa ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Các nước ở xa có thể than vãn nạn chà đạp tự do và dân quyền do Tập Cận Bình tiến hành từ nhiều năm qua nhưng cho rằng thà như vậy mà còn có ổn định để làm ăn. Các quốc gia ở gần thì không quên yếu tố an ninh lồng trong nhiều sáng kiến kinh tế của Bắc Kinh, như Con Đường Tơ Lụa hay các ngân hàng đầu tư và phát triển. Việc Tập Cận Bình mở rộng quyền hạn để thực hiện mục tiêu chiến lược trong vài thập niên tới là điều trở thành rõ rệt hơn.

Vì vậy, tôi cho rằng các nước sẽ thận trọng hơn với Hiệp ước Đối tác Toàn diện Khu vực hay RCEP mà Bắc Kinh đang vận động nhằm thay thế Hiệp ước Đối tác Xuyên Thái Bình Dương RCTPP của 11 quốc gia không có Hoa Kỳ. Thời điểm lật ngửa lá bài quyền lực của Tập Cận Bình càng khiến nhiều quốc gia quan ngại, như qua phản ứng của Hoa Kỳ, Nhật, Ấn Độ và Úc cùng một số nước khác trên cái trục Ấn Độ Thái Bình Dương. Cũng vậy, người ta hiều ra vỉ sao Hoa Kỳ có lập trường cứng rắn hơn trong quan hệ mậu dịch với Bắc Kinh sau khi khẳng định trong chiến lược quốc phòng mới mối nguy xuất phát từ Trung Quốc.

Nguyên Lam : Hồi nãy, ông nói đến hai phần giải thích, về đối ngoại thì như vậy, về nội chính thì ông nhận định thế nào ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Từ sau Đại hội Khóa 18, họ Tập đã củng cố quyền lực và sau năm năm lãnh đạo đã loại bỏ mọi đối thủ của mình cho tới Đại hội Khóa 19 vừa qua. Bây giờ, ông hoàn tất kế hoạch tập quyền cho tới sau năm 2023. Điều ấy có nghĩa là ông tìm ra hậu thuẫn trong đảng để giải quyết nhiều bài toán quá lớn của Trung Quốc mà ông ta gọi là "mâu thuẫn cơ bản".

Nhưng, như các lãnh tụ tập quyền là Tần Thủy Hoàng Đế, Hán Vũ Đế, Khang Hy hay Càn Long, Tập Cận Bình không thể lãnh đạo một mình. Ông ta phải có vây cánh, nhất là trong một thế giới đã có quá nhiều đổi thay khiến lãnh tụ phải ứng phó bén nhạy và hữu hiệu hơn. Nếu không, chính quyền lực tuyệt đối ấy sẽ trở thành gánh nặng và là trách nhiệm của lãnh tụ. Nạn lão hóa dân số và trai thiếu gái thừa, tình trạng ô nhiễm môi sinh, gánh nợ chất núi với đà tăng trưởng tất yếu giảm sút sau ba chục năm cải cách, v.v… là loại bài toán mới mà các thế hệ lãnh đạo trước không gặp.

Nguyên Lam : Như vậy thì quyền lực tuyệt đối cũng có mặt trái của nó, thưa ông, có phải vậy không ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Đã thế, quyền lực tuyệt đối lại dễ đưa tới tệ sùng bái cá nhân, là đặc sản chính trị Châu Á, khiến lãnh tụ chỉ tin vào hệ thống báo cáo tuyên truyền của mình mà che kín tầm nhìn. Trên một lãnh thổ bát ngát có quá nhiều dị biệt và mâu thuẫn chằng chịt, trường hợp sai lầm rất dễ xảy ra mà cơ hội sửa sai lại thu hẹp vì quần chúng vô quyền không có tiếng nói. Nếu thất bại, và nhiều phần là như vậy, Tập Cận Bình không thể đổ lỗi cho ai khác mà cũng chẳng có điều kiện giảm khinh. Đấy là lúc mà các thế lực kia mai phục và chờ đợi….

Nguyên Lam : Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do cùng Nguyên Lam xin cảm tạ chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa về bài phân tích kỳ này.

Nguyên Lam thực hiện

Nguồn : RFA, 28/02/2018

Published in Diễn đàn
mercredi, 14 février 2018 10:27

Bất ổn trên thị trường Hoa Kỳ

Sau 10 ngày đầy biến động làm các thị trường thế giới bàng hoàng, thị trường chứng khoán Hoa Kỳ đã có dấu hiệu phục hồi nhưng hết ổn định như trước đây. Chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa còn dự báo nhiều điều đáng quan ngại khác trên mục Diễn đàn Kinh tế trước khi ta bước qua năm Mậu Tuất.

baton1

Nhân viên Thị trường chứng khoán New York (NYSE) làm việc trên sàn chứng khoán hôm 24/2/2017 ở New York. AFP

Nguyên Lam : Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do cùng Nguyên Lam xin kính chào chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa trong chương trình Diễn đàn Kinh tế vào cuối năm Đinh Dậu khi mọi người đang chuẩn bị mừng Xuân đón Tết. 

Thưa ông, vụ thị trường chứng khoán Hoa Kỳ sụt giá quá mạnh đã gây bàng hoàng trong 10 ngày qua cho nên Nguyên Lam xin ông trình bày cho tại sao lại có hiện tượng ấy và hậu quả sẽ là gì trong thời gian tới…

Nguyễn-Xuân Nghĩa :  Vẫn biết Tết nhất thì ai cũng thích chuyện vui, nhưng trong ngành truyền thông của chúng ta, nhiều khi mình vẫn phải nhìn vào chuyện nhức đầu cho tương lai ! Đầu tiên, tôi xin trở lại "Điểm lật 2008", là khi kinh tế toàn cầu bị Tổng suy trầm sau vụ khủng hoảng vào tháng Chín tại Hoa Kỳ. Vì nạn suy trầm đó, các ngân hàng trung ương lớn như Hoa Kỳ và Âu Châu đã học theo Nhật Bản mà hạ lãi suất tới số không, thậm chí xuống số âm, và bơm tiền qua biện pháp mua công khố phiếu, gọi là "quantitative easing", hay "tăng mức lưu hoạt có định lượng" để kích thích sản xuất và tiêu thụ. Sau đó, lãi suất vẫn được duy trì ở mức quá thấp trong quá lâu, có nơi tới gần 10 năm, và gây lệch lạc trên thị trường. Lãi suất ngắn hạn quá thấp làm giảm phân lời trái phiếu là thị trường vay tiền và khiến giới đầu tư đưa tiền qua thị trường cổ phiếu. Gía cổ phiếu tăng vọt trong mấy năm liền nên gây ảo tưởng thịnh vượng thật ra vẫn tập trung vào giới đầu tư có tiền, trong khi mức sống và công việc của giới lao động trung lưu chưa cải tiến.

Nói về thị trường cổ phiếu, thông thường thì sau giai đoạn tăng giá liên tục chừng gần một năm, thể nào cũng có lúc sụt giá, người ta gọi là "điều chỉnh" hay correction, có thể tới 10% rồi mới lại lên. Thị trường Hoa Kỳ đã lên giá trong hơn hai năm, nhất là từ khi ông Donald Trump nhậm chức Tổng thống và ban hành biện pháp giản lược hành chánh rồi cải tổ thuế vụ. Vì vậy, ai cũng tin là mọi sự sẽ tốt đẹp hơn mà quên chuyện "điều chỉnh" bình thường. Khi xảy ra thì thiên hạ hốt hoảng, vì vụ điều chỉnh này còn có sự cộng hưởng của bốn yếu tố rắc rối khác.

Nguyên Lam : Thưa quý thính giả, khi ông mà nói như vậy là có lẽ để báo trước chuyện nhức đầu đấy ! Nguyên Lam xin mời ông trình bày về bốn yếu tố đó.

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Khi thấy thị trường lên giá vùn vụt thì không ai muốn bị lỡ chuyến tầu nên cố nhảy vào mua cổ phiếu, số mua này càng đẩy giá lên trời. Bản thân tôi thì cho rằng giá cổ phiếu tại Hoa Kỳ hiện là quá cao so với triển vọng sinh lời của các công ty, tính qua tỷ số bình quân giữa giá cổ phiếu và số cổ tức chi cho các cổ động gọi tắt là P/E (Price/Earning), có thể là cao quá thực giá 50% chứ không ít và sau khi sụt mất 10% vào tuần trước thì có khi còn sụt nữa. Đấy là yếu tố thứ nhất, sự chủ quan và lạc quan của thị trường về triển vọng lên giá liên tục.

Tôi cứ hay nói đến chuyện "nhân-duyên" trong thị trường ; nhân là nguyên nhân khiến thị trường có thể lên hay xuống giá, duyên là cái biến cố làm việc lên xuống giá ấy xảy ra. Trong gần 10 năm trời kinh tế hồi phục chậm rồi tình hình có vẻ khả quan từ một năm nay và hôm thứ Sáu mùng hai, thống kê về nhân dụng do Bộ Lao Động Hoa Kỳ công bố xác nhận chuyện đó.

Trong tháng Giêng, thị trường lao động tuyển thêm hơn 200 ngàn việc làm và mức lương bình quân quy ra toàn năm tăng được 2,9%. Đấy là một tin vui về kinh tế, mà lại khiến thị trường e ngại nạn lạm phát, là điều người ta quên bẵng. Khi sợ lạm phát, giới đầu tư bèn lý luận tiếp rằng ngân hàng trung ương sẽ tăng lãi suất làm phí tổn vay mượn của doanh nghiệp sẽ tăng và doanh lời sẽ giảm. Vì vậy, họ bán cổ phiếu và bước qua thị trường trái phiếu làm phân lời trái phiếu đột ngột tăng, loại có kỳ hạn 10 năm đã mấp mé gần 3% là điều chưa từng có từ nhiều năm nay. Cổ phiếu sụt giá hôm mùng hai và mùng năm là vì vậy. Nhưng ta chưa thấy hết những cái duyên rất vô duyên khác !

Nguyên Lam : Tức là cũng còn nhiều yếu tố tác động cùng lúc khiến cho các thị trường mới biến động, trong một ngày có khi lên xuống cả ngàn điểm làm người ta không hiểu vì sao nữa. Các yếu tố đó là gì, thưa ông ?

Nguyễn Xuân Nghĩa : Trên thị trường cổ phiếu người ta còn có một lối đánh cược lạ, về mức biến động của thị trường trong tương lai và quy vào một chỉ số viết tắt là VIX trên thị trường giao dịch có hạn kỳ tại Chicaco, gọi là Cboe. Sau nhiều năm thấy cổ phiều tuần tự lên giá trong ổn định, người ta đánh cược về chỉ số biến động này, nào ngờ chỉ số đó, cũng được gọi là "chỉ số hãi sợ", lại lên tới mức báo động và sẽ còn gây bất ngờ nữa sau khi làm nhiều người cháy túi.

Đã vậy, trong lãnh vực mua bán chứng khoán, người ta còn áp dụng "thuật toán" hay algorithm, để máy điện toán quyết định về việc mua hay bán. Khi gặp chuyện bất thường như xảy ra tuần qua thì cả người lẫn máy bị loạn chiêu và đổ lỗi cho yếu tố này hay yếu tố nọ !

Nhìn rộng ra ngoài, chúng ta còn thấy sự phá sản của tầng lớp ưu tú có quyền và có tiền, từ ngân hàng trung ương tới các doanh nghiệp. Họ đánh sụt lãi suất tới sàn, thổi lên trái bóng cổ phiếu và khi bóng xì thì quy trách cho ai đó và nói rằng tình hình kinh tế vẫn khả quan.

Nguyên Lam : Nguyên Lam chỉ thấy cả thế giới cứ nói đến sự suy tàn của Hoa Kỳ chứ sau một tuần biến động trên thị trường Mỹ thì các thị trường khác cũng bị tuột giá trong một chuỗi kinh hoàng, cho đến thứ Sáu mùng chín mới có vẻ hoàn hồn và thứ Hai 12 thì lên giá được một chút. Thưa ông, tình hình rồi sẽ ra sao ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Chúng ta còn mất thêm vài ba tuần nữa thì mới thấy hết sự thể, chứ mọi dự đoán vẫn là quá sớm. Sau khi các cổ phiếu lên giá được 30% trong năm qua và vừa nhả ra 10% trong có một tuần thì đấy là sự điều chỉnh bình thường, nhưng nếu kể thêm các yếu tố như tôi vừa trình bày thì ta nên thận trọng.

Thông thường, ta ít thấy cổ phiếu sụt giá mà lãi suất lại tăng. Khi thị trường chứng khoán sụt giá trong một chu kỳ điều chỉnh thì lãi suất cũng giảm. Lần này có khi lại khác vì ngân hàng trung ương Hoa Kỳ sẽ nâng lãi suất và hút lại lượng tiền quá lớn đã bơm ra để ngăn ngừa nguy cơ lạm phát. Và chúng ta rơi vào một vòng luẩn quẩn khi nhìn tới hiệu ứng của đạo luật thuế vụ do Tổng thống Donald Trump đã ban hành ngày 22 tháng Chạp và những tranh luận về ngân sách trong tuần qua !

Nguyên Lam : Nguyên Lam biết đây là loại đề tài qúa chuyên môn nên có thể khó hiểu cho thính giả của chúng ta nhưng nếu ông không giải thích thì ai sẽ làm công việc đó ?

Nguyễn Xuân Nghĩa : Trước hết, đạo luật thuế vụ đang bắt đầu được áp dụng với hậu quả dự toán là số thu cho ngân sách liên bang Hoa Kỳ sẽ giảm 1.500 tỷ trong 10 năm tới, tính đổ đồng thì mỗi tháng thiếu cỡ 12 tỷ rưỡi cho tới khi việc giảm thuế sẽ kích thích đầu tư và sản xuất khiến ngân sách thu thêm được thuế, là điều có thể có, mà chưa lập tức.

Bây giờ, giữa cơn biến động của thị trường chứng khoán thì Bộ Ngân Khố Hoa Kỳ cho biết năm nay bộ phải vay chừng 955 tỷ đô la và với dự luật ngân sách cho hai năm tới vừa được thông qua mờ sáng thứ Sáu mùng chín, và được ông Trump lập tức ban hành để bộ máy công quyền không bị tê liệt thì trong hai năm tới, bội chi ngân sách sẽ lên tới 300 tỷ đô la. Nói nôm na là công quỹ liên bang thiếu khoảng một ngàn 200 tỷ trong vài năm tới, và sẽ phải đi vay.

Chuyện ấy nó liên hệ đến sự thăng giáng của thị trường thế giới. Ngày xưa, khi lãi suất nằm dưới sàn thì tiền lời thanh toán không là vấn đề cho nên Chính quyền Barack Obama cứ thoải mái đi vay. Ngày nay, sự thể đã khác khi ta thấy phân lời trái phiếu tăng vọt, tức là tiền lời đi vay sẽ đắt hơn… Giới đầu tư có vẻ thấy ra điều ấy nên mới dao động bất thường như vậy vì từ nay chính quyền liên bang sẽ vay ai, và nếu nhà đầu tư cho nhà nước vay thì không thể dùng khoản tiền đó cho các doanh nghiệp.

Nguyên Lam : Nguyên Lam không ngờ là câu chuyện lại rắc rối đến vậy vì từ vụ lãi suất hay phân lời đang làm thị trường chấn động sau nhiều năm lạc quan tếu như ông thường nói thì chúng ta lại trực diện với một vấn đề khác là món nợ của chính quyền liên bang Hoa Kỳ !

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Thưa rằng đấy mới là chuyên ta nên theo dõi trong vòng chu chuyển giao dịch toàn cầu đứng đầu là nước Mỹ !

Các dân biểu nghị sĩ Mỹ ưa tăng chi để mua phiếu cử tri làm ngân sách bị bội chi và nhà nước phải đi vay, kết quả là các cuộc tranh luận về ngân sách như chúng ta đang thấy. Nhưng ngoài mâu thuẫn về ngân sách tại lưỡng viện Quốc hội, ta nên thấy Bộ Ngân Khố hay Bộ Tài Chánh Mỹ còn có một chức năng là vay tiền trên thị trường trái phiếu để thanh toán nhu cầu của ngân sách liên bang. Khi ngân hàng trung ương Hoa Kỳ hạ lãi suất tới sàn thì Bộ Ngân Khố thoải mái đi vay và khi định chế này mua công khố phiếu để bơm tiền theo chính sách quantitative easing thì còn gửi tiền lời về cho Bộ Ngân Khố. Bây giờ, sự thể dễ dãi ấy không còn nữa, và chỉ cần phân lời đi vay tăng 50 điểm căn bản hay 0,50% là số bội chi ngân sách sẽ vọt lên trời. Vì vậy, cuộc tranh luận về ngân sách tại Hoa Kỳ cũng làm các thị trường dao động khi cổ phiếu cao giá của Mỹ sẽ còn điều chỉnh, nôm na là còn sụt giá.

Nguyên Lam : Chưa qua năm mới mà ông đã dự báo chuyện ghê người như vậy ! Ông kết luận thế nào về tương lai ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Vấn đề thật ra nó đơn giản thôi, là quan hệ giữa khách nợ là người đi vay và chủ nợ là người cho vay. Thị trường trái phiếu hay thị trường tín dụng là nơi các thành phần này gặp nhau và các khách nợ cạnh tranh với nhau để vay được chủ nợ theo điều kiện có lợi nhất cho mình.

Tại Hoa Kỳ, Bộ Ngân Khố là một khách nợ phải cạnh tranh với trái phiếu của các doanh nghiệp để vay được rẻ hơn, mà trái phiếu của các doanh nghiệp cũng phải cạnh tranh với các loại giấy nợ có phân lời cao hơn. Trong gần 10 năm qua, giới đầu tư có tiền cho vay bị thiệt vì phân lời quá thấp. Bây giờ, khi lãi suất và phân lời cùng tăng, khách nợ trả tiền lời thấp sẽ phải tái tài trợ với phân lời cao hơn và bị khốn đốn. Lúc đó, có khi ta lại gặp viễn ảnh suy trầm vào cuối năm 2019, trước một năm Hoa Kỳ có tổng tuyển cử ! Nhưng thôi, ta cứ ăn Tết đã và nên tin rằng biến động tài chính sẽ tiếp tục, với hiệu ứng lan tỏa qua xứ khác…

Nguyên Lam : Nguyên Lam cùng chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa xin kính chúc quý thính giả một năm Mậu Tuất an lành hạnh phúc và xin hẹn quý vị năm tới, cũng vào ngày giờ này…

Nguyên Lam thực hiện

Nguồn : RFA, 14/02/2018

Published in Diễn đàn
mercredi, 07 février 2018 22:23

Cổ phiếu Hoa Kỳ sụt giá

Hôm thứ Hai mùng năm, thị trường chứng khoán Hoa Kỳ đã sụt giá mạnh và coi như mất hết những gì đã được kể từ đầu năm. Biến cố ấy gây chấn động cho các thị trường tài chính trên thế giới và khiến nhiều người phân vân lo ngại. Diễn đàn Kinh tế thì tìm hiểu tại sao…

cophieu1

Thị trường chứng khoán New York hôm 6/2/2018 - AFP

Nguyên Lam : Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do cùng Nguyên Lam xin kính chào chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa. Thưa ông, vụ thị trường chứng khoán Hoa Kỳ sụt giá quá mạnh trong ngày thứ Hai đã gây bàng hoàng cho mọi người, nên Nguyên Lam xin ông giải thích cho vì sao lại có hiện tượng ấy và hậu quả sẽ là gì…

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Trước hết, tôi xin nhắc tới sự kiện là biến động trên thị trường Hoa Kỳ lập tức ảnh hưởng đến các thị trường Á Châu mở cửa sau đó và gây phản ứng dây chuyền cho các thị trường Âu Châu. Đâm ra trên trái đất hình tròn, thị trường Hoa Kỳ vẫn gây hiệu ứng mạnh nhất đến các thị trường khác. Thứ hai, chúng ta đang ở giữa một biến động ngắn hạn và mọi giải thich chỉ có giá trị tương đối mà thôi nên chúng ta cần thận trọng. Sở dĩ cần thận trọng vì sau cả năm lên giá đều đặn, thị trường Hoa Kỳ lại có chỉ dấu lên xuống rất cao, mặc dù chỉ số e ngại của thị trường có hạn kỳ, hay VIX Futures chưa lên tới mức báo động. Chúng ta nên đi lại từ đầu, may ra thì sẽ hiểu…

Nguyên Lam : Nói đến từ đầu, thưa ông, mọi sự khởi đầu ra sao kể từ khi các thị trường cổ phiếu Hoa Kỳ đã lên tới mức kỷ lục vào ngày thứ Sáu 26 tháng trước mà trong có vài ngày đã mất hết những gì đã được kể từ đầu năm nay ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Mọi sự có thể khởi đầu từ hôm thứ Sáu mùng hai khi thống kê về nhân dụng do Bộ Lao Động Mỹ thông báo mỗi thứ Sáu đầu tháng. Con số thông báo là một tin vui về kinh tế vì số tuyển dụng cao và nhất là vì mức lương cũng tăng. Tin vui đó khiến thị trường kết luận là lãi suất tại Hoa Kỳ có thể sẽ tăng, làm phân lời trái phiếu, là tiền lời đi vay, cũng tăng vả trị giá trái phiếu sụt mạnh. Ta biết rằng phân lời hay yield và trị giá trái phiếu chuyển động ngược.

Từ kết luận lạc quan ấy, ta thấy giới đầu tư rút tiền từ thị trường cổ phiếu đưa sang thị trường trái phiếu làm cổ phiếu Hoa Kỳ sụt giá trong ngày thứ Sáu đó. Nào ngờ là biến động ngắn hạn ấy lại có hướng tiếp tục khi người ta theo dõi các thị trường có hạn kỳ là "futures" và qua thứ Hai thì sụt giá mạnh, tới cuối ngày thì mất điểm ở mức kỷ lục. Khi đó, người ta mới phải nhìn lại về cái gọi là "khởi đầu". Nó không là thống kê lao động hôm thứ Sáu mà là cái gì đó sâu xa hơn.

Nguyên Lam : Ông nói đến một chuyện sâu xa hơn, thưa ông, đó là gì vậy ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Đó là điểm lật năm 2008 mà chúng ta nói kỳ trước. Sau vụ khủng hoảng Lehman Brothers vào Tháng Chín rồi nạn Tổng Suy trầm 2008-2009, khối công nghiệp hóa Âu-Mỹ-Nhật đã duy trì lãi suất sát tới số không trong gần 10 năm liền và còn ào ạt bơm tiền theo chính sách quantitative easing hay "tăng mức lưu hoạt có định lượng". Mấy biện pháp bất thường đó làm lệch các chỉ dấu của thị trường trong khi người ta chỉ thấy giới đầu tư dồn tiền vào thị trường cổ phiếu và giàu to mặc dù sinh hoạt kinh tế chưa thật sự hồi phục. Nói cách khác, thị trường cổ phiếu tại Hoa Kỳ đã tăng giá ảo mà nhiều người không thấy ra. Cái yếu tố tôi gọi là ảo đó có thể là từ 30 tới 40%.

Kế tiếp, sau nhiều năm tăng giá, thị trường cổ phiếu cũng sẽ có lúc điều chỉnh, là sụt giá. Nếu sụt chừng 5-7% thì cũng là thường, sụt 10% mới là dấu hiệu điều chỉnh, và sụt tới 20% là chỉ dấu của trào lưu sa sút. Điều đáng ngại là hiện tượng điều chỉnh ấy có thể đang xảy ra cùng với việc phân lời trái phiếu lên giá do tình hình kinh tế đã khả quan hơn và do triển vọng tăng trưởng nhờ kế hoạch cải tổ thuế khóa Hoa Kỳ mới ban hành hôm 22 Tháng 12. Sự cộng hưởng của hai hiện tượng này mới là điều đáng ngại nhất. Chúng ta chưa rõ kết quả sẽ ra sao nên có thể còn đợi vài ngày nữa thì mới biết được. Thí dụ như trong ngày thứ Ba mùng sáu, cổ phiếu Mỹ đã chập chờn lên xuống tới chóng mặt.

Nguyên Lam : Nghĩa là người ta chưa có giải đáp về một hiện tượng dồn dập các chuyển động ngắn và dài hạn. Thưa ông, có phải như vậy không ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Thưa rằng đúng và mỗi người lại có thể có một cách giải thích hay dự báo. Bản thân tôi thì nhìn từ bối cảnh ngắn hạn tới dài hạn, tôi xin đề nghị một cách dự đoán riêng. Nhìn trong ngắn hạn, sau khi tăng giá 30% trong có một năm thì thị trường cổ phiếu Hoa Kỳ sẽ có lúc điều chỉnh, nếu mất giá 10% cũng chỉ là sự thường.

Nhưng nhìn trong dài hạn từ khung cảnh của 10 năm qua, tôi e rằng thị trường có thể mất tới 30-40% thì mới rơi đúng cái giá thật. Cái khó là chưa biết được thời điểm là khi nào. Cái "nhân" của việc điều chỉnh đã có, cái "duyên" là yếu tố gì sẽ kích hoạt việc điều chỉnh ấy ? Biến động vào tuần qua có thể là yếu tố kích hoạt. Nếu trường hợp đó xảy ra thì ta sẽ thấy tình trạng hốt hoảng trong những ngày tới. Nếu không thì chúng ta sẽ yên tâm hơn một chút. Tôi xin sẽ báo cáo ngay sau khi có thêm dữ kiện.

Nguyên Lam : Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do cùng Nguyên Lam xin cảm tạ kinh tế gia Nguyễn-Xuân Nghĩa về bài phân tích kỳ này.

Nguyên Lam thực hiện

Nguồn : RFA, 07/02/2018

Published in Diễn đàn
mercredi, 31 janvier 2018 22:22

Điểm lật 2008

Chúng ta đang bước vào năm Mậu Tuất với tràn trề hy vọng khi Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế vừa đưa ra những tiên báo khả quan hơn cho hai năm tới, sau mười năm đình trệ kể từ vụ khủng hoảng năm 2008. Diễn đàn Kinh tế sẽ trở lại thời điểm 2008 đó để tiên báo về những gì có thể xảy ra…

diem1

Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF bà Christine Lagarde phát biểu tại hội nghị kinh tế IMF ở Marrakesh hôm 30/1/2018 - AFP

Nguyên Lam : Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do cùng Nguyên Lam xin kính chào chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa trong một buổi phát thanh vào cuối năm âm lịch và đầu năm dương lịch.

Thưa ông, chúng ta sắp bước qua năm Mậu Tuất với hy vọng tăng trưởng khả quan hơn theo báo cáo cập nhật của Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế IMF và đấy là yếu tố đáng chú ý nhất nếu mình nhớ lại nạn Suy Trầm Toàn Cầu cách nay đúng 10 năm, vào năm 2008. Thực hiện chương trình kỳ này, Nguyên Lam phải trở ngược về năm 2008 đó và thấy là trong một chương trình cuối năm 2007 với ông Việt Long của đài Á Châu Tự Do, ông đã đưa ra những dự báo bi quan về viễn ảnh 2008. Bây giờ nhìn lại thì ông thấy sự thể ra sao ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Chúng ta có viễn cảnh dài và các biến động ngắn hạn hơn làm cơ sở cho những dự báo của mình. Tuy nhiên, những gì xảy ra cho năm 2008 là kết quả hay hậu quả của nhiều chuyển động sâu xa từ trước đó và tôi gọi đó là "điểm lật", từ đấy, tình hình kinh tế thế giới sẽ chẳng còn như xưa. Bây giờ với dự báo khả quan hơn của kinh tế toàn cầu như Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế vừa công bố trong phúc trình mới nhất, chúng ta nên nhìn ngược lại mà không quên rằng các thị trường cổ phiếu của thế giới đã bị chấn động trong vài ngày qua vì phân lời trái phiếu gia tăng đột ngột. Giữa sự hồ hởi chung về viễn ảnh 2018, ta thấy có cái gì bất thường đang xảy ra. Như vậy, làm sao mình tiên đoán được tương lai ngắn và dài hạn ? Kỳ này, chúng ta sẽ cố gắng nhìn ra những yếu tố đó.

Nguyên Lam : Chúng ta khởi đi từ bối cảnh ngắn và dài hạn như ông vừa nói mà không quên là trong khi chúng ta thực hiện chương trình này, Tổng thống Donald Trump của Hoa Kỳ sẽ đọc bài diễn văn về Tình hình Liên bang đầu tiên của ông trong đại sảnh của Hạ viện trước lưỡng viện Quốc hội để nói với quốc dân và thế giới. Xin mời ông mở đầu.

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Tôi xin trình bày khung cảnh suy luận của mình như một cơ sở giải đoán sự tình và dự báo tương lai. Vụ khủng hoảng tài chính 2008 và nạn suy trầm khởi sự từ cuối năm 2007 đã giúp ông Barack Obama đắc cử Tổng thống dù chưa từng có kinh nghiệm chính trị ở cấp liên bang. Sau tám năm cầm quyền với những chính sách cải tạo của ông, tình hình chưa khả quan nên cử tri lại dồn phiếu cho một nhân vật tương tự mà ở cánh hữu, là người cũng chưa hề có kinh nghiệm chính trị, đó là ông Donald Trump. Như vậy, chúng ta cần hiểu vì sao lại có những nghịch lý đó khi người ta dự báo viễn ảnh tốt đẹp của 2018 ?

Tôi xin trở lại điểm lật 2008. Sinh hoạt kinh tế có thể lên xuống theo chu kỳ và bị suy trầm như kinh tế Hoa Kỳ đã bị từ cuối năm 2007 tới Tháng Bảy năm 2009. Khốn nỗi khối hậu công nghiệp Tây phương với sản lượng kinh tế bằng phân nửa toàn cầu lại có nhiều chuyển động ngấm ngầm và mãnh liệt mà giới thượng lưu và ưu tú không nhìn ra. Người ta ca tụng trào lưu toàn cầu hóa và quy luật tự do của thị trường mà ít thấy nạn nhân của hiện tượng đó là giới trung lưu có lợi tức thấp vì lương bổng không tăng mà việc làm bấp bênh do sức cạnh tranh của các nền kinh tế mới nổi. Thành phần bị thất thế đó, tại Hoa Kỳ là dân da trắng, ít học và lớn tuổi tại các tiểu bang nằm kẹt ở giữa, trong khu vực Trung Tây và Đông Nam, tại Âu Châu là nhiều quốc gia ở miền Nam.

Tai họa kinh tế dẫn tới phản ứng xã hội và chính trị : người ta oán hiện tượng toàn cầu hóa, di dân và tầng lớp thượng lưu giàu có cứ ngợi ca toàn cầu hóa. Thành phần bị thất thế không tin vào giải pháp của các đảng phái chính trị truyền thống, theo xu hướng trung tả hay trung hữu, và tìm người lãnh đạo ở vòng ngoài. Ông Obama và Trump là loại người đó vì chưa hề sinh hoạt trong chính trường cổ điển. Tại Âu Châu cũng thế, các đảng phái nhỏ, có tinh thần quốc gia, cũng đều thắng phiếu ở nhiều nước và đặt lại vấn đề với cơ chế Liên Âu.

Nguyên Lam : Nếu như vậy thì những gì xảy ra cho thế giới từ năm 2008 có những nguyên nhân sâu xa hơn và để lại nhiều hậu quả lâu dài cho tới nay vẫn chưa dứt, thưa ông có phải như vậy không ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Tôi trộm nghĩ như vậy và trên diễn đàn này đã nhiều lần nói đến khủng hoảng của niềm tin vào các chính đảng hay giải pháp truyền thống, cổ điển. Ngày nay ta đang kiểm chứng lại hiện tượng đó, nhưng xin nói thêm rằng truyền thông báo chí cổ điển, thuộc dòng chính, cũng chẳng thấy ra và bị bất ngờ, như đã tiên đoán sai về việc Vương quốc Anh ra khỏi Liên Âu hay ông Donald Trump vượt qua 16 ứng cử viên trong đảng Cộng Hòa và đắc cử.

Nhìn ra ngoài khối kinh tế Âu-Mỹ, ta cũng thấy sự lầm lạc đó. Chính trường và Quốc hội Hoa Kỳ phản đối Hiệp ước Đối tác Xuyên Thái Bình Dương TPP, nên vừa nhậm chức, Tổng thống Donald Trump triệt thoái khỏi Hiệp ước này. Vì vậy, người ta vội kết luận là ông Trump và Hoa Kỳ đang lui về khuynh hướng bảo hộ mậu dịch mà không thấy Trung Quốc, Ấn Độ hay thậm chí nước Pháp cũng có phản ứng bảo hộ. Ngược lại, tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos vào tuần trước, ông Trump lại mập mờ cho biết rằng Hoa Kỳ có thể đàm phán lại về Hiệp ước TPP của 11 quốc gia còn lại. Trên diễn đàn này, khi nói về TPP, tôi cũng đã nêu ra kịch bản đó. Thật ra, lối xoay chuyển lập trường như vậy sẽ là chuyện bình thường sau này vì chúng ta đang ở trong một hoàn cảnh bất thường !

Nguyên Lam : Nguyên Lam không ngờ là sự tình lại rắc rối phức tạp như vậy mà có lẽ truyền thông báo chí không theo kịp nên có thể tường thuật và dự báo sai. Như vậy, ông kết luận thế nào về cái mà ông gọi là "điểm lật 2008" ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Tôi cho rằng chúng ta quá chú ý đến kinh tế hay tốc độ tăng trưởng sản xuất mà ít thấy ra các yếu tố xã hội và chính trị bên dưới. Sau vụ Tổng Suy Trầm 2008-2009, các nước đều ào ạt tăng chi và hạ lãi suất để bơm tiền kích thích kinh tế. Ngày nay, người ta mừng rằng kinh tế toàn cầu đã phục hồi và sẽ có đà tăng trưởng cao hơn kể từ cả chục năm nay mà không thấy là vụ 2008 đã thấm sâu vào xã hội và dội lên chính trị khi dị biệt giàu nghèo gia tăng và nền tảng chính trị lại phân hóa hơn trước. Nhờ chính sách kích thích sau năm 2008 thành phần thượng lưu lại giàu hơn xưa và giới ưu tú vẫn cứ ngợi ca toàn cầu hóa hay nền văn hóa phóng túng trong khi tầng lớp trung lưu thất thế và dân nghèo thì lui về chủ nghĩa quốc gia dân tộc và cánh hữu. Đôi bên tả hữu coi nhau cứ như đối thủ.

Trong các nước đang phát triển cũng thế, dù ngợi ca toàn cầu hóa và mậu dịch tự do, xứ nào cũng muốn bảo vệ quyền lợi của mình và mặc nhiên áp dụng chế độ bảo hộ mậu dịch. Sau cùng thì biết đâu rằng tiến bộ quá nhanh về thuật lý hay technology đã đảo lộn thế giới – khiến cho có người được mà có người thua - nhưng lớp người tạo ra dư luận hay làm chính sách lại theo không kịp ?

Nguyên Lam : Nhưng thưa ông, phải chăng là những tiến bộ ấy mới lại là chuyện khó dự đoán nhất ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Tôi e là như vậy. Nhìn từ 60 năm về trước thì tiến bộ về kỹ thuật vận chuyển hàng hải và phát minh của Hoa Kỳ với thùng containers có thể chất cả tấn hàng bên trong làm thay đổi chuỗi cung ứng sản xuất toàn cầu và cho các nước đang phát triển tại Đông Á cơ hội tham gia tiến trình sản xuất đó từ thập niên 60 trở đi. Đi theo trào lưu này, các quốc gia đang phát triển đã mau chóng công nghiệp hóa và có sức cạnh tranh rất cao. Đấy là mặt tích cực của hiện tượng toàn cầu hóa, nhưng các nước đã phát triển lại cạnh tranh không kịp và thấy bị thua thiệt. Sau đó, nạn lão hóa dân số tại các nước tiên tiến cũng dẫn tới nhiều phát minh khác, như người máy tự động hay kỹ thuật robotics, hoặc trí thông minh nhân tạo, artificial intelligence. Chuyện rắc rối là sự tiến bộ ấy không tập trung vào một lĩnh vực mà lan tỏa khắp quy trình giao dịch toàn cầu, làm thay đổi phương thức thông tin và quản lý, và tạo ra một thế cạnh tranh khác.

Nguyên Lam : Nếu như vậy thì làm sao chúng ta dự báo được tương lai ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Thưa rằng trong các yếu tố dẫn đến thay đổi thì tiến bộ về thuật lý là hiện tượng có ảnh hưởng nhất mà cũng khó đoán nhất, nên chúng ta mới bị bất ngờ như đã thấy. Ngày nay, tiến bộ thuật toán, algorithm hoặc sản xuất trong không gian ba chiều hay 3D printing cũng có thể đào thải cả một thành phần trung gian của tiến trình sản xuất kể cả trong các lĩnh vực dịch vụ, thí dụ như y tế hay bảo hiểm, v.v…

Bây giờ, chúng ta còn gặp hiện tượng mới lạ hơn nữa, là các mạng xã hội social media trong việc truyền bá thông tin thật và giả, và cả những tiến bộ trên không gian điện não, như loại tiền mật mã Bitcoin, v.v… Vào hoàn cảnh đó, các chính trị gia và giới làm luật thường hụt hơi chạy theo và lúng túng. Họ không thể hứa hẹn một tương lai sáng láng hơn cho mọi người khi kết quả của tiến bộ sẽ nâng cao lợi tức cho quần chúng đông đảo ở dưới. Và quần chúng thì không kiên nhẫn chờ đợi được. Tuy nhiên, dù khó dự đoán tương lai, tôi vẫn thấy ra hai trào lưu đáng kể cho sau này.

Nguyên Lam : Xin ông kết thúc cho chương trình kỳ lạ ngày hôm nay và giải thích về hai trào lưu đó.

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Nói chung thì ta thấy ra sự đối lập của hai xu hướng, bên cánh tả thì vẫn là lý tưởng toàn cầu hóa đang suy sụp, bên cánh hữu là chủ nghĩa quốc gia dân tộc. Sau cùng, ta nên thấy sự khác biệt về chế độ chính trị. Trong các nước dân chủ, nhiều người bất ngờ đắc cử khi hứa hẹn phép lạ, như ta đã thấy tại Hoa Kỳ với hai ông Obama và Trump.

Nhưng cơ chế dân chủ có những ràng buộc và giới hạn khiến một cá nhân khó phá rào và làm đổi thay tất cả. Tình trạng ấy có biểu hiện hỗn loạn và ách tắc nhưng thật ra cũng có đưa tới thay đổi. Trào lưu thứ hai là trong các nước độc tài, lãnh tụ phải nhân danh quyền lợi quốc dân mà tập trung quyền lực để cải cách theo yêu cầu của tình thế mới, thí dụ là Tập Cận Bình tại Trung Quốc, hoặc trường hợp như Saudi Arabia mà chúng ta đã nói tới khi lý giải về chuyện "khắc phục hậu quả" tại Việt Nam. Khi so sánh thì mình thấy các chế độ độc tài mới gặp nhiều rủi ro hơn, và rủi ro cũng bất ngờ bùng nổ thành khủng hoảng, trong khi chế độ dân chủ thì nói tới khủng hoảng hàng ngày mà không tan rã !

Nguyên Lam : Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do cùng Nguyên Lam xin cảm tạ kinh tế gia Nguyễn-Xuân Nghĩa về bài tổng kết và dự báo này và xin kính chúc quý thính giả một năm Mậu Tuất an lành thịnh vượng

Nguyên Lam thực hiện

Nguồn : RFA, 31/01/2018

Published in Diễn đàn
mercredi, 24 janvier 2018 21:05

Mâu thuẫn mậu dịch

Hôm Thứ Sáu 19 tháng Một, văn phòng Đại sứ Thương mại Hoa Kỳ đã đệ nạp Quốc hội Mỹ hai báo cáo đáng chú ý về kinh tế của Trung Quốc và Liên bang Nga. Thứ nhất, Hoa Kỳ đã sai lầm khi chấp nhận cho Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới WTO vào năm 2001 và thứ hai, sau khi được gia nhập WTO vào năm 2012, Liên bang Nga không tôn trọng những cam kết với Hoa Kỳ và các thành viên khác của WTO. Diễn đàn Kinh tế sẽ tìm hiểu về các mâu thuẫn nói trên….

mau1

Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc Zhong Shan phát biểu tại hội nghị Bộ trưởng lần thứ 11 của WTO tại Buenos Aires, Argentina hôm 11/12/2017 -  AFP

Nguyên Lam : Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do cùng Nguyên Lam xin kính chào chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa. Thưa ông, hàng năm Đại sứ Thương mại thuộc Hành pháp Hoa Kỳ phải đệ nạp Quốc hội một báo cáo về tình hình giao dịch với Trung Quốc và Liên bang Nga sau khi Hoa Kỳ chấp thuận cho hai quốc gia này gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới WTO. Năm nay, báo cáo của Đại sứ Thương mại Mỹ lại có lời kết án nghiêm khắc về hai nền kinh tế này cho nên Nguyên Lam xin đề nghị ông phân tích cho thính giả của chúng ta cùng biết…

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Tôi xin được nói về bối cảnh trước, rồi đi vào nội dung của đề tài. Sau khi ông Donald Trump đắc cử Tổng thống, người ta có nhận thức đầy thiên kiến và sai lầm về Chính quyền Trump. Thí dụ như ông đắc cử nhờ Liên bang Nga, hoặc vì là doanh gia thiếu kinh nghiệm chính trị và quân sự mà chỉ có phản ứng con buôn nên dễ dàng thỏa hiệp với Trung Quốc. Sự thật lại trái ngược chứ không đơn giản như vậy. Đành rằng ông Trump có phong thái kỳ lạ đến bất thường, nhưng ông ý thức được nhiều thay đổi bất lợi cho nước Mỹ từ nhiều thập niên và mời những người giỏi hơn mình trong từng lĩnh vực tham gia nội các và ban tham mưu. Các nhân vật này rà soát lại từng vấn đề và góp ý với Tổng thống về chiến lược đối phó. Vì vậy, bên dưới những nhiễu âm náo loạn là sự nghiên cứu sâu xa về đối sách cho tương lai. Phúc trình vừa qua của Đại sứ Thương mại Hoa Kỳ với Ủy ban Tài chính Thượng viện và Ủy ban Chuẩn chi Hạ viện là một điển hình, nhưng cần tham khảo với một phúc trình xuất hiện cùng ngày 19 của Tổng trưởng Quốc phòng Jim Mattis. Hai tài liệu này bổ sung cho nhau và giải thích được khá nhiều chuyện kinh tế chính trị.

Nguyên Lam : Ông nhắc đến một báo cáo của Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ, thưa ông, tài liệu ấy có những gì soi sáng được nội dung của mâu thuẫn kinh tế với Trung Quốc và Liên bang Nga ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Dư luận quá chú ý vào vụ khủng hoảng giả tạo của Thượng viện Hoa Kỳ khiến một phần của bộ máy liên bang tạm ngưng hoạt động trong ba ngày nên chưa đánh giá đúng chiến lược mới của Chính quyền Trump do ông thông báo từ hôm 18 tháng trước, nay được các bộ phận quốc phòng và thương mại khai triển. Về quốc phòng, Hoa Kỳ duyệt lại cái trật tự tạm bợ trong 25 năm sau khi Chiến tranh lạnh kết thúc với sự sụp đổ của Liên bang Xô viết và minh danh nêu tên hai cường quốc đang muốn cạnh tranh và đe dọa quyền lợi cùng an ninh của nước Mỹ, đó là Trung Quốc và Liên bang Nga. Sau đó mới là hai chế độ hung đồ đang đe dọa an ninh của thế giới là Bắc Hàn và Iran.

Khi minh định đối thủ như vậy, Hoa Kỳ tất nhiên có đối sách, đó là kết hợp chiến lược toàn diện bao trùm lên các lĩnh vực ngoại giao, thông tin, kinh tế tài chính, tình báo, v.v. và sau cùng là quân sự. Trong bối cảnh đó, phúc trình của Đại sứ Thương mại mới nêu rõ âm mưu của Trung Quốc và Nga sau khi gia nhập tổ chức WTO nhằm trục lợi bất chính chứ không tuân thủ các giá trị phổ biến mà mọi thành viên đều cố áp dụng. Bây giờ ta mới nói về báo cáo thương mại này.

Nguyên Lam : Nếu Nguyên Lam hiểu không lầm thì báo cáo thương mại này là một phần của các lượng định mới mà Chính quyền Donald Trump đã tiến hành từ một năm qua. Ông thấy nội dung của phúc trình này có những gì đáng chú ý ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Về Trung Quốc, Hoa Kỳ không chỉ sai lầm khi chấp nhận xứ này vào tổ chức WTO từ năm 2001 mà còn tiếp tục sai khi nâng cấp đối thoại với Bắc Kinh vào các năm 2003, 2006, 2009, mãi cho tới gần đây là 2015. Đáng lẽ, sau khi được tham gia WTO, Trung Quốc phải theo cam kết ban đầu mà cải sửa cả trăm luật lệ, quy định hay biện pháp kinh tế tài chính cho phù hợp với yêu cầu của WTO. Một cách cụ thể thì phải tuân thủ quy luật kinh tế tự do và hạn chế việc can thiệp của nhà nước, nhất là chấm dứt vai trò chủ đạo của hệ thống kinh tế quốc doanh. Bắc Kinh không thi hành những cam kết đó và sau kỳ hạn 15 năm thì vẫn chưa đủ tiêu chuẩn để có quy chế kinh tế thị trường. Đã vậy, lợi dụng kẽ hở trong luật lệ của tổ chức WTO, vốn được hoàn thành cho các nền kinh tế tự do chứ không cho loại kinh tế có chỉ đạo như của Trung Quốc, Bắc Kinh còn sáng tạo ra nhiều biện pháp luồn lách ngay từ đầu, từ năm 2001. Trò luồn lách ấy không chỉ tiếp tục mà còn tinh vi hơn trong năm năm qua. Mục tiêu vẫn là để can thiệp vào kinh tế, thu hẹp quyền tiếp cận thị trường của các doanh nghiệp ngoại quốc khi xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ hay khi đầu tư vào Trung Quốc.

Nguyên Lam : Đó là về Trung Quốc, thưa ông, còn về Liên bang Nga thì sao ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Sau khi Liên Xô tan rã, Liên bang Nga đã xin gia nhập hệ thống kinh tế tự do từ năm 1993 và mất 19 năm mới được nhận vào tổ chức WTO vào tháng Tám năm 2012. Trong gần hai chục năm học tập và đàm phán nước Nga có cơ hội hiểu biết những yêu cầu của tổ chức WTO. Nhưng hơn năm năm sau khi được gia nhập, Liên bang Nga cho thấy là không có ý định tuân thủ những cam kết với Hoa Kỳ và các thành viên khác của WTO và Hoa Kỳ cũng đã lầm khi cho Nga gia nhập nếu xứ này không muốn tôn trọng quy luật chung. Báo cáo của Đại sứ Thương mại Hoa Kỳ nhấn mạnh đến một số trường hợp cụ thể, trong các lĩnh vực thuế quan, canh nông hay an toàn vệ sinh nhằm cản trở việc xuất cảng của Mỹ vào thị trường Nga. Dù nạn vi phạm của Liên bang Nga không nghiêm trọng bằng của Trung Quốc, việc Hoa Kỳ minh danh tố cáo xứ này cũng là điều đáng cho Việt Nam phải quan tâm.

Nguyên Lam : Trở lại chuyện Trung Quốc, dù sao cũng là nền kinh tế có sản lượng hạng thứ nhì của thế giới, Hoa Kỳ sẽ có những biện pháp gì ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Từ khi nhậm chức vào đầu năm 2017, ông Trump đã hai lần trực tiếp gặp lãnh tụ Tập Cận Bình của Bắc Kinh, tại Florida rồi Đà Nẵng, và phái bộ đôi bên đã có nhiều cuộc đàm phán về các mâu thuẫn kinh tế, nhất là về chính sách của Trung Quốc trong lĩnh vực chuyển giao công nghệ nhằm ăn cắp kiến năng kỹ thuật của các doanh nghiệp Hoa Kỳ. Nhưng phía Hoa Kỳ thất vọng nặng nề cho nên mới có phúc trình nghiêm khắc như vậy. Trong tương lai, có lẽ nước Mỹ sẽ trả đũa theo ba hướng khác nhau. Thứ nhất là khiếu nại trong khuôn khổ của tổ chức WTO dù không có nhiều hy vọng thành công vì bản chất của định chế này. Thứ hai là căn cứ trên hệ thống luật lệ Hoa Kỳ, đặc biệt là hai đạo luật thương mại năm 1974 và 1977 mà áp dụng biện pháp trừng phạt. Thứ ba là có thể thi hành chiến lược gọi là "khó người khó ta – dễ người dễ ta" là áp dụng chính sách kỳ thị và lý tài của Bắc Kinh cho các doanh nghiệp Trung Quốc muốn làm ăn với Hoa Kỳ. Trong khi đó, Mỹ vẫn công khai yêu cầu Bắc Kinh phải cải cách cơ chế kinh tế cho tự do và đấy mới là cái chết !

Nguyên Lam : Nguyên Lam hơi ngạc nhiên là vì sao ông cho rằng lời yêu cầu đó lại là cái chết ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Lãnh đạo Bắc Kinh vốn có lắm mưu và trong kinh tế thì vẫn chủ trương "ăn của địch để đánh địch" vì coi Hoa Kỳ là địch thủ. Điều bất ngờ cho họ là sai lầm trong chiến lược phát triển lại gieo họa lớn. Chiến lược của họ là dốc sức đầu tư vào hạ tầng cơ sở và khu vực chế biến để tìm đà tăng trưởng cao và sản xuất dư thì bán ra ngoài với giá rẻ và đạt xuất siêu, nghĩa là thặng dư mậu dịch. Khi giao dịch với các nước thì chỉ muốn chiếm lợi thể bất chính nên mới bị Hoa Kỳ đả kích. Nhưng hậu quả của chiến lược đó trở thành rõ rệt từ mươi năm nay, đó là tình trạng vay mượn thả giàn và một núi nợ quá cao. Điều tai hại nằm trong cơ chế kinh tế chính trị của xứ này là hệ thống doanh nghiệp nhà nước và các cấp chính quyền địa phương đã phóng tay vay mượn mà không biết làm sao thanh toán. Đấy là các nhóm quyền lợi toa rập và cấu kết mà còn cản trở nỗ lực cải cách của trung ương. Bây giờ, việc trả nợ sẽ làm giảm đà tăng trưởng và thành vấn đề nghiêm trọng cho Tập Cận Bình vì kinh tế Trung Quốc sẽ sa sút như kinh tế Nhật trong 25 năm qua mà xã hội thì không ổn định như xã hội Nhật…

Đúng lúc này, các định chế tài chính và kinh tế gia lại khuyến cáo Bắc Kinh phải tiến hành cải cách theo quy luật tự do để phân bố đầu tư vào nơi có hiệu năng cao nhất thay vì áp dụng chính sách duy ý chí của nhà nước. Đây là giải pháp đúng cho một bài toán sai. Bài toán sai vì cơ cấu kinh tế Trung Quốc không cân đối, cơ chế chính trị thì đầy tham nhũng, giới đầu tư chỉ muốn tẩu tán tài sản trong khi nhà nước cố bơm tiền cho các công ty quốc doanh khỏi phá sản. Nếu áp dụng quy luật thị trường thì xứ này lập tức bị khủng hoảng. Tập Cận Bình phải thâu tóm quyền lực về trung ương để giải quyết được gánh nợ thì mới hy vọng thoát hiểm. Giới chức kinh tế tài chính trong Chính quyền Trump không thể không biết về hoàn cảnh ngặt nghèo đó của lãnh đạo Bắc Kinh mà vẫn cứ gây sức ép về cải tổ theo quy luật thị trường, có thể là để đẩy Trung Quốc vào bờ vực !

Nguyên Lam : Ông vừa đưa ra một phân tích khá lạ kỳ. Thứ nhất, Trung Quốc tự mang họa vì sai lầm về chiến lược kinh tế nên đã chất lên một núi nợ nguy hiểm. Thứ hai, ưu tiên của lãnh đạo Bắc Kinh là giải quyết khối nợ đó đồng thời phá vỡ các thế lực tham ô và cấu kết ở bên trong. Đúng lúc đó, Hoa Kỳ kết án Bắc Kinh là gian manh khai thác lợi thế của tổ chức WTO để đòi trả đũa và yêu cầu họ phải tiến hành cải cách theo quy luật thị trường. Xứ này chưa hề áp dụng quy luật thị trường và bây giờ đang gặp hoàn cảnh ngặt nghèo khó xử nên tiến thoái gì thì cũng bị rủi ro. Thưa ông, có phải sự thể là éo le như vậy không ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Cô tóm lược vấn đề rất đúng. Hoa Kỳ phơi bày bản chất của chế độ mà có lẽ các khối kinh tế khác, kể cả Âu Châu, cũng đã thấy sau khi làm ăn buôn bán với Trung Quốc. Từ đó Chính quyền Trump vạch ra hai ngả. Một là sẽ gặp mâu thuẫn lớn về mậu dịch với Hoa Kỳ, là điều nan giải cho một nền kinh tế vẫn còn lệ thuộc vào ngoại thương và xuất khẩu. Hai là cải cách theo quy luật tự do như các thành viên khác của tổ chức WTO thì lại càng chóng chết ! Nói tóm tắt thì Trung Quốc đến hồi trả nợ, theo cả nghĩa trắng lẫn nghĩa đen…

Nguyên Lam : Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do cùng Nguyên Lam xin cảm tạ kinh tế gia Nguyễn-Xuân Nghĩa về bài phân tích lý thú kỳ này.

Nguyên Lam thực hiện

Nguồn : RFA, 24/01/2018

Published in Diễn đàn
jeudi, 18 janvier 2018 07:48

"Khắc phục hậu quả"

Tuần qua, vụ các ông Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh và 20 bị cáo ra tòa trong vụ án liên quan đến Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và Tổng công ty Xây lắp Dầu khí Việt Nam tiếp tục lôi kéo sự chú ý của dư luận. Diễn đàn Kinh tế đề nghị một cách lý giải bất ngờ về một hệ thống tòng thuộc kinh tế chính trị…

khac1

Bị cáo Trịnh Xuân Thanh tại tòa án ở Hà Nội hôm 11/1/2018 -AP

Nguyên Lam : Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do cùng Nguyên Lam xin kính chào chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa. Thưa ông, vụ xét xử các bị can liên hệ đến Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và Tổng công ty Xây lắp Dầu khí Việt Nam vẫn chưa kết thúc và có thể kéo dài đến tuần tới. Tuy nhiên, trong tiến trình xét xử, có một việc xảy ra với trường hợp ông Trịnh Xuân Thanh khiến dư luận thắc mắc.

Theo cáo trạng của Hội đồng xét xử, ông Trịnh Xuân Thanh chiếm hưởng bốn tỷ đồng bạc Việt Nam và bị đề nghị án chung thân với tội Tham ô tài sản. Sau đó, ông Trịnh Xuân Giới, cựu Phó ban Dân vận Trung ương, là thân phụ của bị cáo Trịnh Xuân Thanh, được báo Infonet của Bộ Thông tin-Truyền thông hôm Thứ Bảy 14 dẫn lời trình bày trước Hội đồng xét xử rằng "gia đình chúng tôi khi được gặp Trịnh Xuân Thanh trong trại tạm giam có được nghe con trai tôi nói rằng không tham ô tài sản. Tuy nhiên, luật sư của con trai tôi tư vấn rằng để bày tỏ thiện chí, con trai tôi đã nhận trách nhiệm người đứng đầu thì hãy khắc phục hậu quả, số tiền này sẽ được trả lại nếu kết luận con trai tôi không tham ô. Chúng tôi đã tự nguyện nộp bốn tỷ đồng vào tài khoản tạm giữ của cơ quan điều tra".

Thưa ông, thắc mắc của dư luận là về hiện tượng gọi là "khắc phục hậu quả" đó. Ông có cách lý giải nào về việc này ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Thưa là nền pháp lý tại Việt Nam có những lý lẽ mà lý trí không giải thích được, vả lại vụ này chưa chấm dứt nên chúng ta cứ chờ xem. Tuy nhiên, trong chương trình hôm nay, tôi xin đề nghị là mình nên nhìn vào một trường hợp khác tại một nước xa xôi nhưng vẫn nằm trong lục địa Á Châu, đó là Vương quốc Saudi Arabia ở nhà gọi là Ả Rập Xê Út. Đầu năm lại dịp cận Tết, ta cũng nên có một tiết mục vui vui nhưng vẫn bổ ích cho thính giả của chúng ta.

Nguyên Lam : Nguyên Lam quen dần với cách tiếp cận vấn đề của kinh tế gia Nguyễn-Xuân Nghĩa, theo cái hướng gián tiếp mà lại soi ra nhiều lý giải bất ngờ. Thưa ông, vì sao ông lại nghĩ tới xứ Saudi Arabia ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Trước hết, Vương quốc này tại Trung Đông vẫn nằm trong lục địa Á Châu, thuộc về khu vực Tây Nam. Lãnh đạo xứ này là một người đội bốn mũ hay nói cho đúng về trang phục là cuốn bốn cái khăn : là Quốc vương Saudi Arabia, Thủ tướng, người Canh phòng hai đền thánh Hồi giáo và thứ tư Lãnh đạo Hoàng tộc Saudi. Đó là vua Salman bin Abdulaziz.

Xin có vài câu về cách đặt tên theo phong tục của họ : tên thì là Salman, "bin" nghĩa là con, và Abdulaziz là tên thân phụ. Chúng ta cứ gọi là Salman cho dễ nhớ. Sinh năm 1935, ông là hoàng tử thứ 25 của Quốc vương Abdulaziz bin Abdulrehman, người sáng lập xứ này vào năm 1932. Vua Salman lên ngôi từ đầu năm 2015, ở tuổi 79, và tháng Sáu năm ngoái quyết định truất ngôi Thái tử của người cháu và đưa con là Mohammad bin Salman vào vị trí kế nhiệm rồi tuyên bố sẽ thoái vị. Sinh năm 1985, còn khá trẻ, Thái tử Mohammad bin Salman sẽ lên ngôi vua, nhưng là người vừa gây ra một trận động đất tại Trung Đông và bên trong xứ Saudi Arabia.

Nguyên Lam : Ngoài cách gọi tên khá đặc biệt của sắc tộc Á Rập, ông vừa nói vua Salman của quốc gia Tây Á này đội bốn cái mũ là giữ bốn chức vụ khác nhau. Cái đó là gì vậy, thưa ông ?

khac2

Thái tử Mohammad bin Salman

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Mỗi quốc gia lại có một hệ thống chính trị riêng, như Tập Cận Bình vừa là Tổng bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc, sẽ lại là Chủ tịch Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, kiêm Chủ tịch Trung ương Quân ủy hội của đảng và Chủ tịch Trung ương Quân ủy hội của Nhà nước, chưa kể cả chục vai trò then chốt khác !

Trở lại vụ "khắc phục hậu quả" tại Saudi Arabia, xứ này thuộc sắc tộc Á Rập theo Hồi giáo và người cầm đầu quốc gia nên gọi là Quốc vương, cầm đầu nhà nước nên làm Thủ tướng, lại giữ vai trò về tôn giáo khi canh phòng hai ngôi đền thiêng liêng nhất của đạo Hồi, và sau cùng là người đứng đầu hoàng tộc Saudi.

Gần đây, Quốc vương Salman tỏ ý từ bỏ vị trí canh phòng thánh địa và người kế nhiệm là Thái tử Mohammad cũng sẽ quyết định như vậy, nghĩa là lãnh đạo mới của Saudi Arabia đang hạ thấp tầm quan trọng của tôn giáo trong chính trị, là điều rất đáng chú ý vì hệ phái Hồi giáo của họ thuộc vào khá cực đoan. Việc đáng nói hơn nữa là Thái tử Mohammad bin Salman sẽ lên ngôi là người có tư tưởng đổi mới rất táo bạo vì vậy tôi mới nói đến một cơn địa chấn…

Nguyên Lam : Chúng ta bắt đầu đi vào chủ điểm, thưa ông, Thái tử Mohammad trù tính đổi mới ra sao ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Từ khi thành lập năm 1932, xứ này dựa trên hai cái trụ, thứ nhất là Hồi giáo theo một hệ phái cực đoan, thứ hai là dầu khí lần đầu tiên được khai thác kể từ năm 1938, cách nay đúng 80 năm. Hoàng tộc Saudi lập ra một chế độ kinh tế chính trị tôi xin gọi là "tòng thuộc", tức là ban phát quyền lực chính trị và quyền lợi kinh tế cho các thành phần lệ thuộc vào mình, trước tiên là các Hoàng thân trong tông tộc, các giáo sĩ và giới chức bảo vệ chế độ.

Nhưng 80 năm sau, thời thế đã thay đổi và xứ này không thể mãi lệ thuộc vào nguồn lợi kinh tế tài chính chủ yếu là dầu thô, nhất là khi giá dầu giảm mạnh từ mấy năm nay. Nhẹ hơn, một số phong tục cũ phải được cách tân như Mohammad quyết định cho phép phụ nữ được lái xe hơi. Quan trọng hơn cả, sau khi kho lẫm cạn kiệt vì dầu thô sụt giá, Hoàng gia Saudi không thể tiếp tục ban phát quyền lợi cho tay chân mà không nhìn xuống số phận của bá tánh dân đen ở dưới. Trong khi đó, cả thế giới Hồi giáo chung quanh cũng rung chuyển nên lãnh đạo không thể không thấy mối nguy từ một cường quốc Hồi giáo của sắc tộc Ba Tư, theo hệ phái Shia đối nghịch và phải tìm phương tiện phòng thủ. Vì vậy, Mohammad mới nghĩ tới nền tảng tòng thuộc kinh tế chính trị của chế độ và muốn thay đổi.

Nguyên Lam : Thưa ông, ông Mohammad này muốn thay đổi như thế nào ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Chuyện cứ như là ở bên Tầu hay bên Ta vậy !

Mới đầu, Thái tử Mohammad trình bày một kế hoạch cải cách gọi là "Viễn ảnh cho năm 2030" mà chẳng ai tin là sẽ thành hình một mô thức công nghiệp hóa hiện đại, nhất là việc tư nhân hóa Tập đoàn Dầu khí Quốc doanh Aramco, là bán cổ phần cho tư nhân theo thể thức phát hành cổ phiếu đầu tiên, gọi là IPO để lấy tiền về cho công quỹ. Nào ngờ Quốc vương Salman còn lập ra Ủy ban Bài trừ Tham nhũng, mùng bốn tháng 11 vừa qua thì ban sắc lệnh bổ nhiệm Thái tử Mohammad cầm đầu Ủy ban này. Ngay tối đó, Mohammad lập tức cho tống giam một số nhân vật trọng yếu của hoàng tộc, trong nội các và trên doanh trường, là các thành phần ưu tú của chế độ cho tới nay. Ly kỳ hơn thế, các Hoàng thân bị giam trong một khách sạn cực sang để ngã giá về tù và tiền. Nếu trả lại tiền đã lấy được thì có thể giảm án tù về tội tham nhũng.

Thế rồi hôm mùng bảy vào tuần trước thì có 11 Hoàng thân bị tống giam vì tội biểu tình. Họ biểu tình phản đối quyết định ban hành hôm mùng bốn rằng từ nay họ phải trả tiền điện nước trong các dinh cơ chứ không thể trông chờ ngân sách mới kể từ đầu năm nay. Chuyện này làm dân chúng rất hả dạ vì ngân sách trợ cấp cho giới cao niên, sinh viên, binh lính và công chức thì tăng và lên tới 18 tỷ, chứ cho hoàng thân quốc thích thì bị cắt. Ai có tội thì còn bị bắt vào tù !

Nguyên Lam : Nếu thế thì thưa ông, trong mấy chục năm liền, các thành phần tòng thuộc ấy đã lấy công khố làm lợi riêng và ngày nay bị thanh trừng để trả lại các khoản tiền gọi là bất chính đó, có phải như vậy không ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Cho tới nay thì chưa ai biết khối tiền gọi là bất chính hay tham ô đó lên tới bao nhiêu. Tờ Wall Street Journal bên Mỹ ước lượng là 800 tỷ đô la, cho Tổng sản lượng là 1.800 tỷ thì rất lớn, mà chưa ai kiểm chứng nổi. Năm 2014, hai cơ quan Wealth-X và UBS Billionnaire Census cho biết Saudi Arabia đứng hạng 10 trong 40 nền kinh tế có lắm tỷ phú nhất và đếm ra 57 tỷ phú Saudi có tài sản khoảng 166 tỷ đô la. Lần này ngoài việc bắt bớ, cả ngàn trương mục ngân hàng hay tài khoản của giới tòng thuộc bị phong tỏa để kiểm tra.

Trong số bị tống giam có nhân vật khét tiếng giàu có và là anh họ của Thái tử Mohammad, đó là Hoàng thân Alawleed bin Talal, vì các tội danh rửa tiền, hối lộ và tống tiền viên chức nhà nước. Ông bin Talal này có khoảng 18 tỷ đô la đầu tư vào hơn chục ngành làm ăn lớn của quốc tế và hình như là năm 2015 còn nói là sau khi tạ thế thì sẽ đem tài sản trị giá 32 tỷ đô la của mình cho các hội từ thiện. Một nhân vật như thế mà nay ngồi tù làm quốc tế phải giật mình. Càng giật mình hơn là sau chín ngày tạm trú trong khách sạn Ritz-Carlton quá sang trọng mà chưa ngã giá xong việc "khắc phục hậu quả", hôm 13 vừa rồi, Hoàng thân tỷ phú bin Talal bị đưa vào nhà tù kiên giam số một là al-Ha’ir. Có lẽ khung cảnh âm u đó sẽ có sức thuyết phục cao hơn !

Nguyên Lam : Có lẽ bây giờ thính giả của chúng ta hiểu ý nghĩa của "khắc phục hậu quả" là gì, khi ông nói đến chuyện đang xảy ra tại Saudi Arabia. Thưa ông, người ta nên kết luận thế nào về hiện tượng kỳ lạ này ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Tôi không nói đến các rủi ro chính trị của Saudi Arabia mà xin nhìn qua một xứ khác là Cộng hòa Hồi giáo Iran, nơi vừa có biến động từ ngày 28 tháng trước, cũng xuất phát từ nỗi lầm than kinh tế của người dân và nổi lên thành sự chống đối ách độc tài, bất công và ngu dân vì giáo điều của đạo Hồi.

Ngẫm lại thì chính quyền của nhiều nước đang phải đối phó với vấn đề kinh tế và xã hội, như nghèo đói, lạm phát, thất nghiệp, nạn bất công trong môi trường ô nhiễm, v.v. Trước những thách đố nguy ngập như vậy, việc một thiểu số ăn trên ngồi chốc chiếm đoạt lợi thế kinh tế nhờ quyền lực chính trị là điều khó chấp nhận được. Là quốc gia nhiều người cho là cổ hủ, phong kiến, lại bị khống chế dưới ách độc tài tư tưởng của tôn giáo, chẳng khác gì của một đảng chính trị, Saudi Arabia đang cố xoay qua hướng khác và tiến dần đến việc xóa bỏ hệ thống tòng thuộc ở trên để lo cho dân đen ở dưới. Họ có thể bị loạn trong bước ngoặt nguy hiểm này, nhưng chắc chắn là sẽ bị đại loạn nếu không thay đổi. Việt Nam cũng vậy thôi và người dân đang theo dõi chuyện "khắc phục hậu quả" không chỉ của vài chục người trên chóp bu mà của cả hệ thống kinh tế chính trị lạc hậu.

Nguyên Lam : Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do cùng Nguyên Lam xin cảm tạ kinh tế gia Nguyễn-Xuân Nghĩa về bài phân tích lý thú kỳ này.

Nguyên Lam thực hiện

Nguồn : RFA, 18/01/2018

Published in Diễn đàn