Sau 10 ngày đầy biến động làm các thị trường thế giới bàng hoàng, thị trường chứng khoán Hoa Kỳ đã có dấu hiệu phục hồi nhưng hết ổn định như trước đây. Chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa còn dự báo nhiều điều đáng quan ngại khác trên mục Diễn đàn Kinh tế trước khi ta bước qua năm Mậu Tuất.
Nhân viên Thị trường chứng khoán New York (NYSE) làm việc trên sàn chứng khoán hôm 24/2/2017 ở New York. AFP
Nguyên Lam : Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do cùng Nguyên Lam xin kính chào chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa trong chương trình Diễn đàn Kinh tế vào cuối năm Đinh Dậu khi mọi người đang chuẩn bị mừng Xuân đón Tết.
Thưa ông, vụ thị trường chứng khoán Hoa Kỳ sụt giá quá mạnh đã gây bàng hoàng trong 10 ngày qua cho nên Nguyên Lam xin ông trình bày cho tại sao lại có hiện tượng ấy và hậu quả sẽ là gì trong thời gian tới…
Nguyễn-Xuân Nghĩa : Vẫn biết Tết nhất thì ai cũng thích chuyện vui, nhưng trong ngành truyền thông của chúng ta, nhiều khi mình vẫn phải nhìn vào chuyện nhức đầu cho tương lai ! Đầu tiên, tôi xin trở lại "Điểm lật 2008", là khi kinh tế toàn cầu bị Tổng suy trầm sau vụ khủng hoảng vào tháng Chín tại Hoa Kỳ. Vì nạn suy trầm đó, các ngân hàng trung ương lớn như Hoa Kỳ và Âu Châu đã học theo Nhật Bản mà hạ lãi suất tới số không, thậm chí xuống số âm, và bơm tiền qua biện pháp mua công khố phiếu, gọi là "quantitative easing", hay "tăng mức lưu hoạt có định lượng" để kích thích sản xuất và tiêu thụ. Sau đó, lãi suất vẫn được duy trì ở mức quá thấp trong quá lâu, có nơi tới gần 10 năm, và gây lệch lạc trên thị trường. Lãi suất ngắn hạn quá thấp làm giảm phân lời trái phiếu là thị trường vay tiền và khiến giới đầu tư đưa tiền qua thị trường cổ phiếu. Gía cổ phiếu tăng vọt trong mấy năm liền nên gây ảo tưởng thịnh vượng thật ra vẫn tập trung vào giới đầu tư có tiền, trong khi mức sống và công việc của giới lao động trung lưu chưa cải tiến.
Nói về thị trường cổ phiếu, thông thường thì sau giai đoạn tăng giá liên tục chừng gần một năm, thể nào cũng có lúc sụt giá, người ta gọi là "điều chỉnh" hay correction, có thể tới 10% rồi mới lại lên. Thị trường Hoa Kỳ đã lên giá trong hơn hai năm, nhất là từ khi ông Donald Trump nhậm chức Tổng thống và ban hành biện pháp giản lược hành chánh rồi cải tổ thuế vụ. Vì vậy, ai cũng tin là mọi sự sẽ tốt đẹp hơn mà quên chuyện "điều chỉnh" bình thường. Khi xảy ra thì thiên hạ hốt hoảng, vì vụ điều chỉnh này còn có sự cộng hưởng của bốn yếu tố rắc rối khác.
Nguyên Lam : Thưa quý thính giả, khi ông mà nói như vậy là có lẽ để báo trước chuyện nhức đầu đấy ! Nguyên Lam xin mời ông trình bày về bốn yếu tố đó.
Nguyễn-Xuân Nghĩa : Khi thấy thị trường lên giá vùn vụt thì không ai muốn bị lỡ chuyến tầu nên cố nhảy vào mua cổ phiếu, số mua này càng đẩy giá lên trời. Bản thân tôi thì cho rằng giá cổ phiếu tại Hoa Kỳ hiện là quá cao so với triển vọng sinh lời của các công ty, tính qua tỷ số bình quân giữa giá cổ phiếu và số cổ tức chi cho các cổ động gọi tắt là P/E (Price/Earning), có thể là cao quá thực giá 50% chứ không ít và sau khi sụt mất 10% vào tuần trước thì có khi còn sụt nữa. Đấy là yếu tố thứ nhất, sự chủ quan và lạc quan của thị trường về triển vọng lên giá liên tục.
Tôi cứ hay nói đến chuyện "nhân-duyên" trong thị trường ; nhân là nguyên nhân khiến thị trường có thể lên hay xuống giá, duyên là cái biến cố làm việc lên xuống giá ấy xảy ra. Trong gần 10 năm trời kinh tế hồi phục chậm rồi tình hình có vẻ khả quan từ một năm nay và hôm thứ Sáu mùng hai, thống kê về nhân dụng do Bộ Lao Động Hoa Kỳ công bố xác nhận chuyện đó.
Trong tháng Giêng, thị trường lao động tuyển thêm hơn 200 ngàn việc làm và mức lương bình quân quy ra toàn năm tăng được 2,9%. Đấy là một tin vui về kinh tế, mà lại khiến thị trường e ngại nạn lạm phát, là điều người ta quên bẵng. Khi sợ lạm phát, giới đầu tư bèn lý luận tiếp rằng ngân hàng trung ương sẽ tăng lãi suất làm phí tổn vay mượn của doanh nghiệp sẽ tăng và doanh lời sẽ giảm. Vì vậy, họ bán cổ phiếu và bước qua thị trường trái phiếu làm phân lời trái phiếu đột ngột tăng, loại có kỳ hạn 10 năm đã mấp mé gần 3% là điều chưa từng có từ nhiều năm nay. Cổ phiếu sụt giá hôm mùng hai và mùng năm là vì vậy. Nhưng ta chưa thấy hết những cái duyên rất vô duyên khác !
Nguyên Lam : Tức là cũng còn nhiều yếu tố tác động cùng lúc khiến cho các thị trường mới biến động, trong một ngày có khi lên xuống cả ngàn điểm làm người ta không hiểu vì sao nữa. Các yếu tố đó là gì, thưa ông ?
Nguyễn Xuân Nghĩa : Trên thị trường cổ phiếu người ta còn có một lối đánh cược lạ, về mức biến động của thị trường trong tương lai và quy vào một chỉ số viết tắt là VIX trên thị trường giao dịch có hạn kỳ tại Chicaco, gọi là Cboe. Sau nhiều năm thấy cổ phiều tuần tự lên giá trong ổn định, người ta đánh cược về chỉ số biến động này, nào ngờ chỉ số đó, cũng được gọi là "chỉ số hãi sợ", lại lên tới mức báo động và sẽ còn gây bất ngờ nữa sau khi làm nhiều người cháy túi.
Đã vậy, trong lãnh vực mua bán chứng khoán, người ta còn áp dụng "thuật toán" hay algorithm, để máy điện toán quyết định về việc mua hay bán. Khi gặp chuyện bất thường như xảy ra tuần qua thì cả người lẫn máy bị loạn chiêu và đổ lỗi cho yếu tố này hay yếu tố nọ !
Nhìn rộng ra ngoài, chúng ta còn thấy sự phá sản của tầng lớp ưu tú có quyền và có tiền, từ ngân hàng trung ương tới các doanh nghiệp. Họ đánh sụt lãi suất tới sàn, thổi lên trái bóng cổ phiếu và khi bóng xì thì quy trách cho ai đó và nói rằng tình hình kinh tế vẫn khả quan.
Nguyên Lam : Nguyên Lam chỉ thấy cả thế giới cứ nói đến sự suy tàn của Hoa Kỳ chứ sau một tuần biến động trên thị trường Mỹ thì các thị trường khác cũng bị tuột giá trong một chuỗi kinh hoàng, cho đến thứ Sáu mùng chín mới có vẻ hoàn hồn và thứ Hai 12 thì lên giá được một chút. Thưa ông, tình hình rồi sẽ ra sao ?
Nguyễn-Xuân Nghĩa : Chúng ta còn mất thêm vài ba tuần nữa thì mới thấy hết sự thể, chứ mọi dự đoán vẫn là quá sớm. Sau khi các cổ phiếu lên giá được 30% trong năm qua và vừa nhả ra 10% trong có một tuần thì đấy là sự điều chỉnh bình thường, nhưng nếu kể thêm các yếu tố như tôi vừa trình bày thì ta nên thận trọng.
Thông thường, ta ít thấy cổ phiếu sụt giá mà lãi suất lại tăng. Khi thị trường chứng khoán sụt giá trong một chu kỳ điều chỉnh thì lãi suất cũng giảm. Lần này có khi lại khác vì ngân hàng trung ương Hoa Kỳ sẽ nâng lãi suất và hút lại lượng tiền quá lớn đã bơm ra để ngăn ngừa nguy cơ lạm phát. Và chúng ta rơi vào một vòng luẩn quẩn khi nhìn tới hiệu ứng của đạo luật thuế vụ do Tổng thống Donald Trump đã ban hành ngày 22 tháng Chạp và những tranh luận về ngân sách trong tuần qua !
Nguyên Lam : Nguyên Lam biết đây là loại đề tài qúa chuyên môn nên có thể khó hiểu cho thính giả của chúng ta nhưng nếu ông không giải thích thì ai sẽ làm công việc đó ?
Nguyễn Xuân Nghĩa : Trước hết, đạo luật thuế vụ đang bắt đầu được áp dụng với hậu quả dự toán là số thu cho ngân sách liên bang Hoa Kỳ sẽ giảm 1.500 tỷ trong 10 năm tới, tính đổ đồng thì mỗi tháng thiếu cỡ 12 tỷ rưỡi cho tới khi việc giảm thuế sẽ kích thích đầu tư và sản xuất khiến ngân sách thu thêm được thuế, là điều có thể có, mà chưa lập tức.
Bây giờ, giữa cơn biến động của thị trường chứng khoán thì Bộ Ngân Khố Hoa Kỳ cho biết năm nay bộ phải vay chừng 955 tỷ đô la và với dự luật ngân sách cho hai năm tới vừa được thông qua mờ sáng thứ Sáu mùng chín, và được ông Trump lập tức ban hành để bộ máy công quyền không bị tê liệt thì trong hai năm tới, bội chi ngân sách sẽ lên tới 300 tỷ đô la. Nói nôm na là công quỹ liên bang thiếu khoảng một ngàn 200 tỷ trong vài năm tới, và sẽ phải đi vay.
Chuyện ấy nó liên hệ đến sự thăng giáng của thị trường thế giới. Ngày xưa, khi lãi suất nằm dưới sàn thì tiền lời thanh toán không là vấn đề cho nên Chính quyền Barack Obama cứ thoải mái đi vay. Ngày nay, sự thể đã khác khi ta thấy phân lời trái phiếu tăng vọt, tức là tiền lời đi vay sẽ đắt hơn… Giới đầu tư có vẻ thấy ra điều ấy nên mới dao động bất thường như vậy vì từ nay chính quyền liên bang sẽ vay ai, và nếu nhà đầu tư cho nhà nước vay thì không thể dùng khoản tiền đó cho các doanh nghiệp.
Nguyên Lam : Nguyên Lam không ngờ là câu chuyện lại rắc rối đến vậy vì từ vụ lãi suất hay phân lời đang làm thị trường chấn động sau nhiều năm lạc quan tếu như ông thường nói thì chúng ta lại trực diện với một vấn đề khác là món nợ của chính quyền liên bang Hoa Kỳ !
Nguyễn-Xuân Nghĩa : Thưa rằng đấy mới là chuyên ta nên theo dõi trong vòng chu chuyển giao dịch toàn cầu đứng đầu là nước Mỹ !
Các dân biểu nghị sĩ Mỹ ưa tăng chi để mua phiếu cử tri làm ngân sách bị bội chi và nhà nước phải đi vay, kết quả là các cuộc tranh luận về ngân sách như chúng ta đang thấy. Nhưng ngoài mâu thuẫn về ngân sách tại lưỡng viện Quốc hội, ta nên thấy Bộ Ngân Khố hay Bộ Tài Chánh Mỹ còn có một chức năng là vay tiền trên thị trường trái phiếu để thanh toán nhu cầu của ngân sách liên bang. Khi ngân hàng trung ương Hoa Kỳ hạ lãi suất tới sàn thì Bộ Ngân Khố thoải mái đi vay và khi định chế này mua công khố phiếu để bơm tiền theo chính sách quantitative easing thì còn gửi tiền lời về cho Bộ Ngân Khố. Bây giờ, sự thể dễ dãi ấy không còn nữa, và chỉ cần phân lời đi vay tăng 50 điểm căn bản hay 0,50% là số bội chi ngân sách sẽ vọt lên trời. Vì vậy, cuộc tranh luận về ngân sách tại Hoa Kỳ cũng làm các thị trường dao động khi cổ phiếu cao giá của Mỹ sẽ còn điều chỉnh, nôm na là còn sụt giá.
Nguyên Lam : Chưa qua năm mới mà ông đã dự báo chuyện ghê người như vậy ! Ông kết luận thế nào về tương lai ?
Nguyễn-Xuân Nghĩa : Vấn đề thật ra nó đơn giản thôi, là quan hệ giữa khách nợ là người đi vay và chủ nợ là người cho vay. Thị trường trái phiếu hay thị trường tín dụng là nơi các thành phần này gặp nhau và các khách nợ cạnh tranh với nhau để vay được chủ nợ theo điều kiện có lợi nhất cho mình.
Tại Hoa Kỳ, Bộ Ngân Khố là một khách nợ phải cạnh tranh với trái phiếu của các doanh nghiệp để vay được rẻ hơn, mà trái phiếu của các doanh nghiệp cũng phải cạnh tranh với các loại giấy nợ có phân lời cao hơn. Trong gần 10 năm qua, giới đầu tư có tiền cho vay bị thiệt vì phân lời quá thấp. Bây giờ, khi lãi suất và phân lời cùng tăng, khách nợ trả tiền lời thấp sẽ phải tái tài trợ với phân lời cao hơn và bị khốn đốn. Lúc đó, có khi ta lại gặp viễn ảnh suy trầm vào cuối năm 2019, trước một năm Hoa Kỳ có tổng tuyển cử ! Nhưng thôi, ta cứ ăn Tết đã và nên tin rằng biến động tài chính sẽ tiếp tục, với hiệu ứng lan tỏa qua xứ khác…
Nguyên Lam : Nguyên Lam cùng chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa xin kính chúc quý thính giả một năm Mậu Tuất an lành hạnh phúc và xin hẹn quý vị năm tới, cũng vào ngày giờ này…
Nguyên Lam thực hiện
Nguồn : RFA, 14/02/2018