Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

13/03/2019

Đầu tư vào Mỹ vì tấm thẻ xanh

Nguyễn Xuân Nghĩa

Hôm thứ Ba mùng năm tháng Ba tuần trước, nhật báo The Wall Street Journal của Hoa Kỳ có một bài viết khá lạ kỳ, theo đó, ngành phát triển địa ốc Mỹ đang tìm tới giới đầu tư tại Việt Nam vì một lợi thế là tư bản rẻ. Diễn đàn Kinh tế sẽ tìm hiểu về chuyện này…

thexanh1

Tượng Nữ thần Tự do là biểu tượng cho mục đích đến Mỹ của di dân - AFP

Đầu tư và di dân

Nguyên Lam : Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do và Nguyên Lam xin kính chào kinh tế gia Nguyễn-Xuân Nghĩa.

Sau một tháng nghỉ phép, Nguyên Lam xin được trở lại với tạp chí Diễn đàn Kinh tế và xin được hỏi chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa về một bài báo tuần trước trên tờ The Wall Street Journal liên hệ tới việc ngành phát triển địa ốc của Mỹ đang chiêu dụ giới đầu tư từ Việt Nam vì một lợi thế là nguồn tư bản rẻ. Dù bản tin ít được chú ý, người ta cũng thấy một sự lạ là giới đầu tư tại Việt Nam đang được mời chào vào một mảng thị trường của Mỹ. Theo dõi chuyện này, ông giải thích thế nào cho thính giả của chúng ta ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa :  Trước hết, chúng ta có thể tham khảo bài viết của kỷ giả Konrad Putzier theo mạch dẫn sau đây (1) :

Sau khi tìm hiểu sự kiện, tôi thấy ra nhiều yếu tố đáng chú ý vì tính chất rắc rối. Đầu tiên, Hoa Kỳ có một quy chế mới từ Đạo Luật Di Dân (Immigration Act of 1990) do Tổng thống George H. W. Bush ban hành vào cuối năm 1990 theo đó Mỹ lập ra phương pháp cho phép giới đầu tư nước ngoài có cơ hội là "thường trú nhân" tại Hoa Kỳ, nôm na là "có thẻ xanh" hay "green card". Quy chế này được gọi tắt là "Hộ chiếu EB-5" hay EB-5 Visa, là tiếp nhận di dân vì cơ sở nhân dụng hay "employment-base", thuộc loại ưu tiên thứ năm. Muốn hưởng quy chế đó, nhà đầu tư ngoại quốc phải đem vào tối thiểu một triệu đô la để tài trợ một doanh nghiệp có tiềm năng tạo ra ít nhất là 10 việc làm tại Mỹ. Một khoản đặc miễn là chỉ đầu tư chừng nửa triệu đô la thôi trong một khu vực nhân dụng ưu tiên hay "Targeted Employment Area", TEA, như nông thôn hay vùng bị thất nghiệp cao.

Hai mục tiêu cơ bản của quy chế tiếp nhận di dân này là khuyến khích đầu tư của nước ngoài và tăng trưởng kinh tế. Người nước ngoài muốn tham gia chương trình đó phải hoặc tự đầu tư lấy hoặc hùn vốn vào một trung tâm địa phương có nguồn tư bản lớn hơn đã được Sở Di Trú thuộc Bộ Nội An Hoa Kỳ chấp nhận.

Nguyên Lam : Chúng ta đều biết mỗi khi phân tích một hồ sơ, kinh tế gia Nguyễn-Xuân Nghĩa thường tìm ngược lên bối cảnh sâu xa của vấn đề, nhưng ít ai ngờ là câu chuyện đầu tư còn liên hệ đến quy chế di dân. Xin đề nghị ông trình bày thêm.

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Hồ sơ EB-5 này khá phức tạp và vẫn đang gây tranh cãi, nhưng ta nên tìm hiểu tiếp về bài báo nói trên. Giới đầu tư ngoại quốc hưởng ứng chương trình này thường nhắm vào khu vực địa ốc hay các ngành tạo ra việc làm và đa số là nhà đầu tư Trung Quốc. Chẳng hạn như theo cuộc khảo sát của Savills Studleys, một doanh nghiệp cung cấp dịch vụ địa ốc Mỹ, thì vào năm 2014, có 10.692 nhà đầu tư ngoại quốc được thẻ xanh qua chương trình đó mà 9.128 người là đến từ Trung Quốc, chiếm tỷ lệ rất cao là 85,4%. Vào thời gian đó tỷ lệ của người Việt chỉ ở khoảng 1% mà thôi - theo Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ là 121 người.

Nguyên Lam : Tức là năm năm trước, nhà đầu tư Việt Nam chưa có gì là đáng cho người ta chú ý và các đại gia Trung Quốc mới gây ra chuyển động. Thế rồi, thưa ông, vì sao giới đầu tư của Việt Nam lại đang được người ta chiếu cố ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Theo các cuộc khảo sát năm năm trước thì có bốn nước tham gia nhiều nhất vào chương trình đầu tư và di trú này, là Trung Quốc. Nam Hàn, Đài Loan và Vương quốc Anh Thống nhất, với Trung Quốc dẫn đầu.

Bây giờ, ta bước qua khía cạnh kinh tế là quy luật cung cầu. Sau khi tràn ngập thị trường địa ốc Mỹ vì doanh lợi hay vì yêu cầu di trú, giới đầu tư có lắm tiền của Trung Quốc lại đụng vào đỉnh. Quy chế EB-5 có hạn ngạch cho giới đầu tư của từng quốc gia để không xứ nào có thể khống chế thị trường Mỹ. Hạn ngạch đó dẫn tới hậu quả là thời gian chờ đợi để được thẻ xanh. Ban đầu, nhà đầu tư từ Trung Quốc chỉ đợi dăm ba tháng, nhưng theo Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ thì người đệ nạp hồ sơ vào tháng 10 của năm 2018 vừa qua có thể chờ đợi 14 năm !

Chúng ta cũng nên kể thêm hai yếu tố tác động khác, là nhiều cơ sở phát triển địa ốc Mỹ bị phá sản sau khi nhận tiền của giới đầu tư nước ngoài theo quy chế EB-5, tức là đã có vi phạm quy luật kinh doanh hay luật lệ và cơ quan thẩm xét đầu tư chứng khoán là SEC đã có điều ta. thứ hai là mâu thuẫn gia tăng giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc. Vì vậy, số lượng doanh gia Trung Quốc tham gia quy chế EB-5 này tuột dốc thê thảm. Nhưng cũng nhờ đó mà giới đầu tư từ Việt Nam trở thành đối tượng được các cơ sở phát triển địa ốc Mỹ chiếu cố.

Nguyên Lam : Thưa ông, ngoài yếu tố chủ quan là vấn đề trong ngành phát triển địa ốc tại Hoa Kỳ, phải chăng người ta còn thấy ra một yếu tố khách quan khác ? Như đà tăng trưởng cao của kinh tế Việt Nam và sự xuất hiện của một thành phần người Việt có tiền đầu tư ra nước ngoài, ông nghĩ sao về chuyện này ?

thexanh2

Tòa nhà Chrysler ờ thành phố New York đang được rao bán. AFP

Nguyễn-Xuân Nghĩa :  Thưa rằng có hai yếu tố khách quan nói trên, chưa kể tới sự kiện là Việt Nam và Hoa Kỳ đang cải tiến quan hệ song phương như bài báo đã viết. Ngoài ra, tôi thiển nghĩ còn có một hiện tượng sâu xa trong chế độ di trú của Hoa Kỳ, là xã hội Mỹ e ngại di dân đến từ Trung Quốc nên ngấm ngầm nhận di dân từ Việt Nam. Sau 1975, chúng ta ít thấy xuất hiện các "China Town" trong khi những trung tâm gọi là "Little Saigon" lại mọc như nấm.

Trở lại bài báo tuần qua của tờ Wall Street Journal, tác giả nói đến hai yếu tố khác. thứ nhất là người Việt Nam khó được hộ chiếu hay chiếu khán vào Mỹ ; thứ hai là nỗi lo bất ổn kinh tế và chính trị tại Việt Nam khiến ai có tiền đều tìm một bãi đáp khác ở nước ngoài. Vì vậy, họ tìm cách đầu tư vào thị trường Mỹ và chấp nhận một mức lời thấp hơn. Với các cơ sở phát triển địa ốc Mỹ, đấy là một nguồn tài trợ rẻ hơn, và là trọng tâm của bài báo.

Tình hình có lac quan ?

Nguyên Lam : Nhìn từ giác độ của người Việt Nam nói chung, ông nhận xét thế nào về câu chuyện quá rắc rối này ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Thứ nhất, Hoa Kỳ hình thành và phát triển nhờ di dân nhưng mỗi thành phần tiếp nhận di dân lại chú ý tới một số khía cạnh có lợi cho họ nên thể hiện thành chính sách nhập cư với nhiều hậu quả bất ngờ khác nhau.

Do đó, Hoa Kỳ ngày nay mới có cuộc tranh luận về chính sách di dân với những lý luận chủ quan, đôi khi có tà ý. Thí dụ điển hình của gian ý chính trị là việc nước Mỹ dưới sự lãnh đạo của ông Donald Trump có chủ trương kỳ thị di dân gốc Việt và đòi trục xuất những người vi phạm luật lệ về nước. Điều này rất sai nhưng không thuộc phạm vi kinh tế của diễn đàn chúng ta.

Thứ hai, đặc tính thực dụng của xã hội Hoa Kỳ khiến họ tiếp nhận di dân có lợi cho nước Mỹ trong khi vẫn nói về giá trị nhân bản của việc đón nhận thành phần cùng khốn trên thế giới. Giá trị nhân bản đó là điều có thật, nếu chúng ta nhớ tới người tỵ nạn Việt Nam sau biến cố 1975, nhưng không thể quên rằng họ đã từng bị kỳ thị và ngăn chặn vì lý do chính trị trong chính trường Hoa Kỳ vào thời đó.

Đâm ra nước Mỹ có hai ba mặt khác biệt, một là dân Mỹ hằng tâm hằng sản rất bao dung cứu giúp người khác, nhưng Chính quyền Hoa Kỳ lại nghĩ tới quyền lợi sâu xa của nước Mỹ và nhiều vị dân cử trong chính quyền đó thì lo cho việc tái đắc cử. Và mặt thứ ba là các doanh gia Mỹ rất bén nhạy nhìn ra cơ hội làm tiền. Cơ hội đó là các đại gia có tiền tại Việt Nam muốn tìm một bãi đáp tại Mỹ.

Nguyên Lam : Nếu Nguyên Lam hiểu không lầm về mấy điểm tổng kết vừa qua của ông thì hình như ông không mấy lạc quan. Có phải như vậy không ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Doanh trường có nhiều cơ sở bị phá sản vì tội lạc quan !

Người ta có thể lạc quan, rằng vì mâu thuẫn giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, các đại gia Việt Nam sẽ thay thế Trung Quốc tìm ra bãi đáp an toàn tại Mỹ để vừa có thẻ xanh cho gia đình vừa có cơ hội làm giàu trên thị trường địa ốc Hoa Kỳ tại New York hay California, vốn dĩ không là các khu vực nông thôn hay nơi có mức thất nghiệp cao. Sự thật là ngoài các doanh gia bén nhạy tại Mỹ khéo chiêu mộ giới có tiền để làm giàu cho chính họ, các vấn đề có sẵn trong quy chế nhập cư EB-5 sẽ gây ra thay đổi, như tiền đầu tư chẳng là nửa triệu mà cao hơn, hay thời hạn để có thẻ xanh sẽ là năm bảy năm, bất kể tới quốc tịch của nhà đầu tư.

Nguyên Lam : Kết luận của ông về bài báo của tở Wall Street Journal và về triển vọng đầu tư tại Hoa Kỳ của người Việt Nam là như thế nào ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Về đại thể, đầu tư là hiện tượng "nước chảy chỗ trũng", là giới có tiền luôn luôn tìm cách kiếm thêm tiền, sau khi nghiên cứu để xác định nơi đầu tư có lợi nhất. Trong vụ này, giới đầu tư từ Việt Nam có hai mục tiêu là gia đình được quy chế thường trú nhân tại Mỹ, mà vẫn tốn ít tiền hay mất ít thời giờ chờ đợi hơn là qua ngả khác trong khi vẫn có triển vọng làm giàu thêm.

Câu hỏi cần nêu ra là vì sao họ lại cần tìm bãi đáp tại Hoa Kỳ khi Việt Nam đang có đầy triển vọng như người ta vẫn nói ?

Thứ hai, muốn vào Mỹ với cánh rừng luật lệ bạt ngàn thì… "rừng nào cọp nấy". Nếu muốn vào vì mục tiêu di trú thì nên tìm tới văn phòng luật sư am hiểu các quy định phức tạp của lĩnh vực này và chịu trả giá cho việc đó mà đừng lách luật vì sẽ rách việc. Từ đấy, bước kế tiếp mới là chọn ngả đầu tư qua diện EB-5 và đi vào một cánh rừng khác mà bài báo của tờ Wall Street Journal tuần qua nói tới. Khi đó người ta hiểu ra vai trò của các trung tâm hay cơ sở phát triển địa ốc Hoa Kỳ. Họ mời chào giới đầu tư Việt muốn vào Mỹ vì lý do nhập cư nên chờ đợi mức lời thấp khiến giới đầu tư sẽ là nguồn lợi cao cho các trung tâm này…

Sau cùng, mọi ngành đầu tư đều nói đến "trào lưu thăng giáng" là lời và lỗ. Sau làn sóng Trung Quốc, trào lưu đầu tư để nhập cư vào Mỹ theo quy chế EB-5 vừa mở ra cho người Việt, nhưng cũng có nhiều rủi ro bất ngờ. Nếu theo dõi tình hình kinh tế Hoa Kỳ và di dân vào Mỹ, có lẽ nhà đầu tư Việt Nam sẽ đánh giá rủi ro chính xác hơn. Và may cho họ, Hoa Kỳ có một cộng đồng người Việt rất đông và rất am hiểu văn hóa và luật lệ Hoa Kỳ, kể cả trong lĩnh vực di trú và địa ốc.

Nguyên Lam : Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do cùng Nguyên Lam xin cảm tạ chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa về kết luận này.

Nguyên Lam thực hiện

Nguồn : RFA, 14/03/2019

(1) https://www.wsj.com/articles/real-estate-developers-look-to-vietnam-for-cheap-financing-11551794400

Quay lại trang chủ
Read 566 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)