Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

15/03/2019

Bằng yêu thương, họ bước qua nguy nan

Tuấn Khanh

Chương trình Tri ân thương phế binh Việt Nam Cộng Hòa : Bằng yêu thương, họ bước qua nguy nan

Nhiều năm liền, công việc tìm kiếm và giúp đỡ cho hàng ngàn quý ông thương phế binh Việt Nam Cộng Hòa như vậy, từ Quảng Trị vào Mũi Cà Mau, đã chiếm trọn thời gian và tâm sức của các linh mục Dòng Chúa Cứu Thế, 38 Kỳ Đồng, Sài Gòn. Nhìn các cuộc gặp mặt nhận quà, vui văn nghệ… của các ông, hầu hết là trên 60 với thân thể yếu đuối, bệnh tật, rất dễ tưởng lầm là sự chia sẻ yêu thương mang màu sắc từ thiện như vậy là các sinh hoạt đơn giản tại Việt Nam. Thế nhưng thực tế không phải vậy.

tpb1

Vào mùng 10 tháng 1 vừa rồi, chương trình Tri ân Thương phế binh – Việt Nam Cộng Hòa (thương phế binh Việt Nam Cộng Hòa) lại tiếp nhận thêm 200 quý ông TPB mới ghi danh, nâng tổng số trong danh sách yểm trợ và chăm sóc sức khỏe hàng năm cho các ông, lên đến 6575 người.

Trong một lần tổng kết vào ngày 11 tháng 3, năm 2019, linh mục Lê Ngọc Thanh có nói đến khoảng 800 ông hiện nay vẫn còn chưa nhận được quà. Trong các lý do nêu ra, linh mục Lê Ngọc Thanh liệt kê về chuyện đường xá cách trở, thiếu thông tin, khó khăn liên lạc… nhưng bên cạnh đó, cũng có những ông sau khi ghi danh tham gia chương trình Tri ân, khi quay về nhà tại những miền quê hẻo lánh, vẫn bị công an khu vực đến hạch hỏi, thậm chí gây khó dễ trong đời sống thường nhật. Chính vì vậy, có những người đã buộc lòng im lặng từ bỏ, không dám nối lại với chương trình.

Tháng 12 năm 2018, trong lần trò chuyện với một quý ông, từng là địa phương quân ở Vĩnh Long đến tham dự chương trình ở Nhà thờ Dòng Chúa Cứu Thế, ông kể rằng nơi ông ở có 3 người là thương phế binh Việt Nam Cộng Hòa, nhưng chỉ có ông là dám đến tham dự. Còn 2 người kia dù đã ghi danh như rồi bỏ, vì công an đến nhà làm việc, và nhắc rằng "không được tham gia các chương trình của nhà thờ tổ chức". Người thương phế binh Việt Nam Cộng Hòa kể câu chuyện này, nói rằng ông đi từ 4g sáng đến Sài Gòn, mang theo bao nylon đựng quần áo để thay khi vào chương trình, rồi sau đó trở về lúc 3g chiều, ăn mặc như đang ở nhà, nhằm tránh không để ai tò mò hỏi han gì.

Hành trình nối lại sợi dây yêu thương giữa con người và con người qua chương trình tri ân thương phế binh Việt Nam Cộng Hòa, thật không dễ trong một chế độ mà mọi cuộc dò xét, thẩm vấn, tra tấn… liên quan đến các vấn đề xã hội đều luôn có những lời mớm cung đầy ác ý vào giới Công giáo.

Tháng 6 năm 2018, khi các cuộc biểu tình chống lại dự luật Đặc Khu và An ninh mạng diễn ra ở cả nước, đặc biệt bùng phát ở Sài Gòn, thì các cuộc trấn áp tàn khốc nhất cũng diễn ra. Tại công viên Tao Đàn, công an Thành phố Hồ Chí Minh đã dựng nên một khu tra tấn hàng trăm người không khác gì bọn khủng bố Trung Đông. Chị Tuyết Lê, một cư dân ở ngoại ô vào trung tâm để biểu tình bị bắt về đây và bị đánh đến gãy răng hộc máu miệng. Những công an viên trẻ và khỏe mạnh, khi bắt đầu cuộc thẩm vấn đã mang găng tay bọc sắt màu xanh dương, đấm vào mặt chị và hỏi rằng "có phải linh mục xúi giục đi biểu tình không ?". Khi chị phản ứng, một công an khác mang vào chân đôi giày nặng, bọc sắt để tra tấn, kiểu của Bắc Triều Tiên, đá vào sườn của chị, và hỏi "mày có phải là đạo Công giáo không ?"

Đỉnh điểm của cuộc tra tấn đó là hai vợ chồng người Công giáo khác, anh Trịnh Toàn và chị Nguyễn Thanh Loan bị đánh đến chấn thương sọ não. Khi thấy anh Toàn hộc máu và ngất đi, vài ba an ninh thường phục lôi anh Toàn lên xe taxi chở ra bệnh viện cấp cứu Sài Gòn vứt ở đó. Khi nhân viên y tá yêu cầu yêu cầu làm giấy tờ để chụp CT (chụp cắt lớp vi tính - CAT scan)  đầu xem vết thương, những người an ninh này đã im lặng bỏ đi ra ngoài. Đến chiều hôm đó, chị Loan, vợ của anh Toàn mới liên lạc được người thân để mượn tiền chữa cho chồng, vì giấy tờ và điện thoại của 2 người đều bị công an cướp đi. Câu hỏi quen thuộc "Có phải đi biểu tình theo lời linh mục" và "mày có phải là đạo Công giáo không ?" cũng được áp dụng với cả hai anh chị.

Phía Nhà nước đã làm mọi thứ để cản trở những chiếc xe lăn hay những ông cụ được dìu vào tham gia các chương trình tri ân thương phế binh Việt Nam Cộng Hòa nơi nhà thờ Công giáo. Từ nhiều đời lãnh đạo ở Sài Gòn, với những gương mặt lãnh đạo được báo chí nhà nước ca ngợi là "hiểu biết", "có học", "có lòng"… như ông Đinh La Thăng hay đến ông Nguyễn Thiện Nhân, mọi sự sách nhiễu với những con người tàn tật chỉ thay đổi từ hình thức này sang hình thức khác mà thôi. Linh mục Vinh Sơn Phạm Trung Thành từ nhà thờ Kỳ Đồng, đã rất hài hước, nhưng cũng rất mỉa mai khi bình luận rằng "Sống hơn 44 năm trong chế độ cộng sản, tôi học được một điều rằng họ không tiết kiệm một lực lượng hay một nguồn lực nào để tấn công vào các cuộc tập hợp, mà không cần biết rằng đó chỉ là tập hợp vì yêu thương".

Đã có nhiều thắc mắc được đặt ra về việc vì sao Nhà nước hiện nay lại khó chịu với những người già yếu tàn tật như vậy, cũng như rất chịu khó hành động với chương trình tri ân thương phế binh Việt Nam Cộng Hòa mà không màng gì đến thể diện hay tư cách của một hệ thống cầm quyền. Nhưng câu trả lời, dường như chỉ có một. Đó là chính quyền hiện tại sợ hãi bất kỳ bóng dáng hay tinh thần của một chế độ tự do mà họ đã tiến công bất ngờ và nắm quyền từ năm 1975 đến nay. Việc vây hãm nghĩa trang quân đội Biên Hòa, ngăn cản các lễ giỗ của các cụ Ngô Đình Diệm, Ngô Đình Nhu, rượt bắt bất kỳ ai mang trang phục có màu sắc hoàng kỳ… Đó là câu trả lời dễ nhận dạng nhất.

Dường như một chiến thắng năm 1975 mà bộ máy tuyên truyền của chế độ hiện nay ca ngợi không tiếc lời, vẫn không giúp cho những nhà lãnh đạo ăn ngon ngủ yên. Vì thế đến những cuộc nối kết yêu thương giữa con người và con người, cũng đã làm họ giật mình giữa đêm như vừa qua ác mộng.

*****************

Năm 2013, linh mục Vinh Sơn Phạm Trung Thành nhận được lời đề nghị tiếp nối việc giúp đỡ cho các quý ông thương phế binh Việt Nam Cộng Hòa từ hòa thượng Thích Không Tánh. Lúc đó sức của chùa Liên Trì không còn đủ để lo cho các quý ông thương phế binh Việt Nam Cộng Hòa nữa, vốn số lượng tăng lên ngày càng nhiều, cũng như các cuộc ngăn cản của công an tại chùa Liên Trì, Thủ Thiêm, khi đó ngày càng gắt gao hơn.

tpb2

Linh mục Vinh Sơn Phạm Trung Thành

Linh mục Phạm Trung Thành nói rằng lúc đó, ông chợt nhận ra một sứ mạng lớn phải theo đuổi, không chỉ là việc giúp đỡ cho kẻ khó, mà như ông tâm tình dưới đây, đó là một hành trình lên tiếng cho sự thật và công bằng.

Và rồi chương trình tri ân "Bên nhau đi nốt cuộc đời" bắt đầu và ngày càng lớn mạnh. Hàng ngàn người đã tìm đến Phòng công lý và hòa bình của Dòng Chúa Cứu Thế, 38 Kỳ Đồng, Sài Gòn. Những món quà được trao đi, những bữa cơm thân tình chia sẻ và những niềm vui hiếm hoi sau hàng chục năm, ngày miền Nam Việt Nam được "giải phóng". Nhưng điều lớn lao hơn là những con người từ lịch sử của một cuộc chiến tranh gặp nhau, thanh thản vì thấy mình được trả lại phẩm giá, được sống với sự thật và danh dự.

Trong cuộc trò chuyện với linh mục Phạm Trung Thành vào cuối năm 2018, có lúc ông ngừng lại một chút vì điện thoại, rồi sau đó quay sang cười lớn "an ninh nào đó cảnh báo rằng sân nhà thờ treo cờ hoàng kỳ, nhưng đâu có, chỉ là những băng rôn có mai vàng mừng Tết thôi".  Gương mặt ông lúc nào cũng vậy, cười vui và thanh thản với mọi thứ ập đến.

Và ngay trong phần trả lời về những điều xấu nhất có thể đến, ông vẫn luôn xen kẻ bằng nụ cười hiền lành của mình. An nhiên.

Tuấn Khanh : Đây đã là năm thứ 6 của chương trình Tri ân thương phế binh Việt Nam Cộng Hòa "Bên nhau đi nốt cuộc đời", đến năm nay thì chương trình đã có những điều gì đáng lưu ý, thưa Cha ?

Phạm Trung Thành : Mỗi năm, chi phí cho hoạt động này mỗi năm lại tăng. Thí dụ năm 2106 là 21 tỷ, đến năm 2017 đã là 26 tỷ. Đến hôm nay, vừa rồi chúng tôi tổng kết là 28 tỷ. Con số tăng nói lên một điều là người đến tham gia mỗi ngày một nhiều. Việc này đồng nghĩa với việc những người góp sức thực hiện chương trình này cùng chúng tôi cũng đã biết đến chương trình nhiều hơn để tiếp cận.

Tuấn Khanh : Chỉ là những hoạt động mang tính từ thiện, nhưng theo Cha, vì sao nhà cầm quyền lại tìm nhiều cách, hết lần này đến lần khác ngăn cản chương trình thương phế binh Việt Nam Cộng Hòa, thậm chí nối kết với các tỉnh xa để ngăn chận ?

Phạm Trung Thành : Phải nói là nhà nước này không tiết kiệm một lực lượng nào, một ảnh hưởng nào, sức mạnh nào… để can thiệp điều họ không thích. Tôi rút ra được điều này từ việc sống 44 năm dưới chế độ cộng sản. Họ không muốn một tập hợp nào, một thành phần nào lớn lên, mạnh lên mà không thuộc hệ thống của họ. Bất cứ điều gì tập hợp, phải thuộc về họ như Đoàn thanh niên của họ, Hội phụ nữ của họ, Hội luật sư của họ…

Nhưng phải nói là cái gì hiện nay mà đụng đến chế độ Việt Nam Cộng Hòa là họ rất sợ (cười). Cho dù đó là những ông đã què cụt hay đui mù, già yếu gì đó thì họ cũng rất sợ.

Nhưng cũng không thể phủ nhận là chính quyền rất sợ những hoạt động của tôn giáo nói chung, đặc biệt lúc này là giới Công giáo. Một phần thì người theo đạo đã nhiều, và bên cạnh đó còn có phần là họ thấy mình không đủ sức kiểm soát được đám đông này.

Trực diện mà nói thì riêng nhà Dòng chúng tôi cũng bị coi là có "vấn đề" với chính quyền do chúng tôi luôn lên tiếng trước bất công, luôn suy nghĩ độc lập… Với những điều nói trên, họ ra sức đánh phá nhưng nhiều năm qua, với nhiều hình thức, nhiều cách… họ đã không thành công trong việc ngăn cản. Nhưng dù vậy, công việc chăm sóc các quý ông thương phế binh Việt Nam Cộng Hòa ngày càng rộng, ngày càng sâu hơn.

Chúng tôi được kể lại nhiều chuyện mà họ ngăn cản. Tệ nhất là họ chọn tấn công từ phía các quý ông từ chính quyền địa phương nơi các quý ông cư ngụ. Nhưng càng ngày càng không thành công do nhiều ông đã thoát ra được nỗi sợ hãi thường ngày để ghi danh và tham gia chương trình này.

Tuấn Khanh : Gần đây râm ran tin đồn là nhà cầm quyền ở Sài Gòn đã rất khó chịu, muốn chấm dứt các hoạt động thương phế binh Việt Nam Cộng Hòa tại Nhà thờ Dòng Chúa Cứu Thế. Thậm chí có tin họ là sẽ tìm cách cho chương trình ngừng hoạt động trong năm 2019 này, theo Cha nghĩ, mọi thứ sẽ còn được tiếp tục bình yên không, trong năm nay ?

Phạm Trung Thành : Khi nãy anh nói một ý về hoạt động từ thiện của chúng tôi. Nhưng tôi xin phép được nói thêm đôi chút về chuyện này. Với tư cách là linh mục, và là linh mục Dòng Chúa Cứu Thế chúng tôi không coi công việc chúng tôi đang làm là chuyện từ thiện.

Nghĩa là, với chúng tôi từ thiện là chia sẻ, nâng đỡ về vật chất cho những người kém may mắn nhưng hiện tại, chúng tôi coi đây là sứ mạng của nhà Dòng, của anh em chúng tôi trong việc đi nói lên sự thật, nói lên lẽ phải và trả lại công bằng cho những người bị tước đoạt. Chúng tôi không đơn thuần gây quỹ, chi tiền, giúp cư trú… Những việc đó chỉ là một phần thôi, vì chúng tôi không phải là một tổ chức hoạt động từ thiện, chúng tôi làm vì sứ mạng công bố một sự thật. Chúng tôi phải tiếp tục, phải làm theo sức của mình.

Sự thật là những con người đó không có tội. Sự thật là những người đó không "ngụy" như lời tuyên truyền. Lúc này là lúc cần phải trả lại sự công bằng cho họ. Hơn nữa là phải cám ơn họ, tri ân họ, vì họ đã hy sinh một phần thân thể cùng tuổi thanh xuân của họ cho sự bình an của Miền Nam Việt Nam.

Tuấn Khanh : Có vẻ như các Cha đang rất cô đơn trong xã hội này, dù chỉ khởi đi bằng lòng yêu thương. Hiện tình đất nước cho thấy những gì làm trái ý nhà nước độc tài, thường đem lại những kết quả rất xấu. Và liệu khi điều xấu nhất đến, thưa Cha, mọi người đã chuẩn bị gì cho bối cảnh đó ?

Phạm Trung Thành : Chúng tôi luôn luôn sẳn lòng đối diện với mọi sự khó khăn. Vì đó cũng là điều căn bản trong sự dấn thân mà chúng tôi đã chọn. Trong cuộc đời của chúng tôi, Chúa chưa bao giờ hứa hẹn cho chúng tôi sự vinh quang của trần gian này, nhưng Chúa lại chỉ rõ nơi đến của thập gía và nỗi khổ đau. Thậm chí, lúc này Chúa hứa hẹn những khung cửa hẹp, những sự bắt bớ những không phải là con đường thênh thang dễ bước.

Nếu không dám chọn đối diện, chúng tôi đã không chọn làm linh mục, không chọn Tin mừng để đi.

Điều quan trọng mà tôi đã thưa chuyện với anh, là chúng tôi đi để công bố một sự thật, lấy lại sự công bằng cho những con người đã bị tước đoạt. Chúng tôi luôn tin rằng nếu đó là việc của Chúa thì không ai có thể phá được. Còn nếu đó không phải là việc của Chúa, tức nó sẽ bị tiêu diệt. Tôi vừa mới nói với anh em cộng tác viên của chương trình thương phế binh Việt Nam Cộng Hòa là chúng ta không cần lo gì cả khi phụng sự ý Chúa. Nếu đây là điều mà chúng ta tạo dựng để tìm tên tuổi hay quyền lợi cho riêng chúng ta – thì tự chúng ta sẽ bị tiêu diệt. Chúng tôi luôn tin rằng mình sẽ đối diện với khó khăn nhưng sẳn lòng chấp nhận và tin, và hy vọng.

Nếu Chúa đóng cánh cửa này, thì ắt sẽ mở một cánh cửa khác. Những gì đã diễn ra trong những năm qua, đều chứng minh rõ như vậy. 

Tuấn Khanh

Nguồn : RFA, 15/03/2019 (tuankhanh's blog)

Quay lại trang chủ
Read 721 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)