Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

10/04/2018

Tính toán chiến lược trên bàn cờ thương mại Mỹ-Trung

Nguyễn Xuân Nghĩa

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Xuân Nghĩa nói : "Donald Trump chuẩn bị những bước đi rất kỹ khi đọ sức với Bắc Kinh trừng phạt hàng Trung Quốc. Washington gây chia rẽ giữa Trung Quốc và nhiều đối tác thương mại quan trọng của Bắc Kinh".

maudich1

Đậu nành lực lượng một trong những loại ngũ cố xuất khẩu mạnh nhấzt sang Hoa Kỳ - hình một nhà máy sản xuất đậu nành phía bắc bang Dakota. Reuters/Dan Koeck

Sau nhiều tuần lễ mổ xẻ, phân tích và báo động về nguy cơ chiến tranh thương mại Mỹ-Trung, rồi chỉ trích chủ trương bảo hộ của chính quyền Washington, báo chí phương Tây bắt đầu nêu lên câu hỏi : Donald Trump có lý khi dùng đòn thương mại gây hấn với Trung Quốc ?

Từ đầu tháng 3/2018, mọi chú ý dồn về Washington sau khi tổng thống Trump tuyên bố áp thuế nhôm thép nhập vào thị trường Mỹ. Cũng Nhà Trắng "tạm tha" một số nước bạn như Canada, Mexico hay Liên Hiệp Châu Âu, hoặc dùng "lá bài nhôm, thép" để buộc Hàn Quốc nhượng bộ. Riêng với Trung Quốc, cuộc khẩu chiến không có dấu hiệu thuyên giảm.

Mỹ phạt nhôm và thép của Trung Quốc, thì Bắc Kinh trả đũa bằng cách áp thuế 3 tỷ đô la vào hàng "made in USA". Lập tức Hoa Kỳ tung ra danh sách 1.300 mặt hàng của Trung Quốc có thể bị đánh thuế nhập khẩu, thiệt hại ước tính lên tới 60 tỷ đô la. Trung Quốc phản đòn, thông báo kế hoạch phạt lại Mỹ 50 tỷ. Ở Nhà Trắng, Donald Trump đáp trả ngay, khi dọa phạt trở lại "ông bạn" Tập Cận Bình 100 tỷ đô la. Trong động thái gần đây nhất là Bắc Kinh để ngỏ cánh cửa phá giá đồng tiền, để hàng Trung Quốc càng thêm hấp dẫn trong mắt người tiêu dùng.

Trong 6 tuần qua, trên bàn cờ thương mại, Trung Quốc và Mỹ độc quyền thu hút chú ý của báo chí cho dù, trên thực tế, chưa một bên nào đánh thuế lên đối phương. Dù vậy cuộc đọ sức thương mại hiện nay giữa hai cường quốc kinh tế của thế giới không chỉ thu hẹp ở góc độ kinh tế hay mậu dịch. Đây trước hết là một ván cờ chiến lược giữa Washington và Bắc Kinh với những "tác động phụ" ảnh hưởng tới toàn thế giới.

Sau đây là phân tích của chuyên gia Nguyễn Xuân Nghĩa từ Hoa Kỳ.

1. Trận chiến mậu dịch giả tạo

Nguyễn Xuân Nghĩa : Tôi nghĩ Hoa Kỳ không phát minh ra món "mỳ ăn liền" mà thế giới lại quen với loại thực phẩm đó khi nói về nước Mỹ. Quần chúng Hoa Kỳ có sự nông cạn truyền thống. Truyền thông báo chí Mỹ với loại thông tin tức thời chẳng soi sáng gì thêm mà còn khuếch âm sự nông cạn đó, rồi báo chí Tây phương hòa theo.

Khi tuyên bố tranh cử vào tháng 6/2015, Donald Trump nói Hoa Kỳ bị thiệt hại về kinh tế trong giao dịch với các quốc gia khác và nghĩ là phải làm gì đó cho quyền lợi tối thượng của nước Mỹ. Khi bất ngờ đắc cử, ông ta khai triển ý tưởng ấy để tìm ra giải pháp ứng phó.

Tháng 4/2017 trong các ngày 19 và 27, ông chỉ thị cho nội các và ban tham mưu điều tra và nghiên cứu về sự thiệt hại kinh tế đó, nhìn từ giác độ an ninh.

Tới ngày 17/08/2017, ông cho điều tra nghiên cứu thêm về sự vi phạm đã lâu của Trung Quốc trong quan hệ mậu dịch với Hoa Kỳ, nhất là về quyền sở hữu trí tuệ. Kết quả điều tra đã được công bố cùng nhiều công trình nghiên cứu trước đó mà báo chí lười biếng lại không thèm đọc. Nhưng sự thật là trận chiến mậu dịch xảy ra trước khi người ta nghe nói tới Donald Trump, chỉ vì Trung Quốc đã trục lợi từ lâu rồi.

2. Từ năm 2000, Mỹ đã xem Trung Quốc là một mối lo ngại

Nguyễn Xuân Nghĩa : Sau khi Tổng thống Bill Clinton nhận cho Trung Quốc gia nhập Tổ Chức Thương Mại Thế Giới năm 2000, thì Quốc hội Mỹ cho thành lập một Hội Đồng Duyệt Xét Quan Hệ An Ninh và Kinh Tế giữa hai nước và hội đồng ấy đã trình lên Quốc hội cùng quốc dân nhiều nghiên cứu đáng lo mà ít ai chịu đọc. Sau khi ông Trump đòi các cơ quan hữu trách như Bộ Ngân Khố, Thương mại và đại sứ thương mại Hoa Kỳ điều tra và nghiên cứu từ năm ngoái về vi phạm của Bắc Kinh thì họ đã có những phúc trình mà cũng chẳng ai thèm đọc.

Từ các báo cáo ấy, viện dẫn Mục 232 của Đạo luật Thương mại mở rộng năm 1962, ngày 16/02/2018, chính quyền Trump nêu yếu tố an ninh cho ngành thép và nhôm Hoa Kỳ - mà hành pháp phải bảo vệ khỏi cần xin lập pháp cho phép - và đề nghị sẽ (nhưng mà chưa) nâng thuế nhập nội trên hai sản phẩm đó.

Ngày 22 tháng Ba, ông Trump viện dẫn mục 301 của Đạo Luật Thương Mại 1974 mà tố cáo việc Bắc Kinh vi phạm luật lệ bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và áp thuế nhập nội trên 1.300 món hàng của Trung Quốc, trị giá khoảng 50 tỷ đô la. Ít ai tham khảo báo cáo 215 trang về chuyện đó.

Bốn ngày sau khi Bắc Kinh phản đòn, đòi nâng thuế nhập nội lên ba tỷ hàng hóa của Mỹ, thì Trump leo thang nói thách gấp ba, và đòi nâng thuế thêm 100 tỷ nữa. Sự thật thì chưa đôi bên chưa hề có biện pháp tăng thuế như thiên hạ cứ hốt hoảng bậy. Họ mới chỉ nói thách để sẽ đàm phán mà thôi.

3. Mỹ đánh Trung Quốc nhưng các đồng minh của Hoa Kỳ bị vạ lây

Nguyễn Xuân Nghĩa : Trong mọi trận chiến, đôi bên đều bị thiệt hại và thật ra đều muốn tránh. Trước mắt thì Mỹ thiệt hơn vì có nền dân chủ, bị Bắc Kinh nhắm vào sản phẩm của các tiểu bang ủng hộ ông Trump. Ngoài ra, vì chuỗi cung ứng sản phẩm từ Trung Quốc lại có nhập lượng rất cao của các đồng minh chiến lược của Mỹ, như Nam Hàn, Nhật Bản và Đài Loan nên Hoa Kỳ mới phải cân nhắc và vừa dọa vừa dụ.

Nhưng trong dài hạn thì Trung Quốc sẽ thua vì kinh tế bị lệ thuộc vào xuất cảng nhiều hơn Hoa Kỳ, chưa thể tự túc về lương thực và chưa lên tới trình độ kỹ thuật cao thì đã bị tố cáo tội "ăn cắp" và "ăn cướp". Chưa kể rằng, và đây mới là yếu tố quan trọng nhất, lãnh đạo Bắc Kinh đang phải cải cách và chuyển hướng kinh tế để tránh một vụ khủng hoảng như đã thấy tại Nhật Bản từ mấy chục năm qua, khi mà đà tăng trưởng hết còn ngoạn mục như xưa. Kết luận của tôi là ta phải chờ cả năm nữa thì mới thấy kết quả nhưng Bắc Kinh hết múa may như xưa và các nước Âu-Á đều có lợi.

Thanh Hà ghi

Nguồn : RFI, 10/04/2018

Quay lại trang chủ
Read 739 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)