Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

12/04/2018

Nhìn lại 30-4 : không tái diễn những tranh cãi dẫn đến sự chia rẽ !

Thiên Điểu

"Cái được trong chính trị sự kiện 1975 là đất nước được thống nhất. nhưng cái mất, cái giá phải trả quá đắt không phải bởi con số thương vong hay tính chính danh của bên nào trong cuộc chiến mà là ở cái hậu quả dẫn đến đất nước dần bị tụt lùi với nhân loại bởi thể chế cộng sản được dẫn dắt bởi một nhóm người nắm giữ quyền lực chỉ biết đến lợi ích của phe nhóm chính trị cầm quyền. Triệt tiêu cơ hội phát triển và tước đoạt những quyền lợi cơ bản nhất của con người".

nhang1

Biểu ngữ kỷ niệm 40 năm kết thúc chiến tranh Việt Nam trước Dinh Thống Nhất

Cuộc chiến lịch sử Việt Nam kết thúc ngày 30/4/1975 đã sắp chạm mốc tròn 43 năm. Dư luận và xã hội đã có không ít những ý kiến mổ xẻ, thậm trí là tranh cãi nhau, đối nghịch nhau trên quan điểm nhìn nhận tính cần thiết, tính chính nghĩa và kết quả để lại của nó. Là một dấu ấn lịch sử của đất nước, đương nhiên nó cũng để lại không ít đau thương và cả những phân vân, day dứt trong lương tâm những người dân Việt không chỉ từng tham gia hoặc sống trong thời kỳ chiến traanh giữa hai miền Bắc-Nam. Các thế hệ trẻ ngày nay cũng bị những thông tin trái chiều dẫn vào cuộc xung đột ý thức hệ đến mức mâu thuẫn gay gắt, nhất là khi phong trào đòi dân chủ đang ngày càng phát triển. Điều này là tất yếu, có ý nghĩa tích cực khi qua đó mọi người sẽ được thỏa mãn quyền đòi hỏi sự minh bạch và sự đúng đắn trong mối quan hệ giữa quyền lợi và nghĩa vụ của một công dân trong một đất nước.

Tuy nhiên, rất hiếm thấy những kiến giải không bị thiên vị bởi quan điểm chính trị khi đánh giá về sự kiện lịch sử này. Điểm then chốt gây ra các nhận định dẫn đến xung đột chính là ở cách đánh giá theo cách "qui mọi trách nhiệm cho một vấn đề" chứ không phải là cách đánh giá logic liên quan dẫn đến vấn đề. Cụ thể, đối với cuộc chiến 1975 : Có một số người đổ lỗi cho nguyên nhân là Mỹ - quốc gia hậu thuẫn cho chế độ Việt Nam cộng hòa tại miền Nam – đã thiếu tỉnh táo, bỏ rơi Việt Nam Cộng Hòa vào tay quân Bắc Việt (Việt cộng). Một số khác thì qui cho phía Bắc Việt lật lọng, không tuân thủ Hiệp định Paris, thống nhất bằng Tổng bầu cử. Một số khác thì chỉ cần kết luận đơn giản : Cộng sản là xấu, Việt Nam Cộng Hòa mới là tốt, v.v.

Còn rất nhiều lý do và nội dung khác liên quan có thể tìm thấy trên mạng xã hội. Nhưng nếu rút gọn lại các tranh cãi thì không khó để nhận ra hầu hết đều nặng tính thiên vị, một chiều chứ không có cái nhận xét tổng thể trên góc độ chính trị với ngay cả những người đang hoạt động đấu tranh chính trị, đòi hỏi xã hội dân chủ hiện nay.

Nếu khách quan và công bằng một chút, sẽ không khó để kiểm chứng và đưa ra những nhận xét chính xác cho các bên. Tạm tóm tắt sơ lược mấy dấu ấn quan trọng, có thể là nhỏ về độ ảnh hưởng nhưng có liên quan mật thiết đến việc kết luận về sự kiện lịch sử này :

Ngày 26 tháng 10 năm 1955, Ngô Đình Diệm – Thủ tướng Quốc gia Việt Nam sau cuộc trưng cầu dân ý, sau đó phế truất Quốc trưởng Bảo Đại – sống lưu vong tại Pháp - trở thành Tổng thống đầu tiên ở Nam Việt Nam. đây được xem là dấu mốc ra đời nhà nước Việt Nam Cộng Hòa ở miền Nam, còn gọi là Đệ nhất Cộng hòa. Mặc dù thiết lập quan hệ với 77 nước, được Mỹ hậu thuẫn nhưng năm 1957, khi chính quyền Việt Nam Cộng Hòa đệ trình hồ sơ gia nhập Liên hợp quốc đã thất bại vì bị Liên Xô phủ quyết với lý do "không công nhận nhà nước chính trị ở Việt Nam khi chưa tiến hành bầu cử theo Hiệp định Genève".

Năm 1958, Tổng thống Ngô Đình Diệm chính thức xác nhận bằng tuyên bố từ bỏ tổng tuyển cử theo Hiệp định Gevène năm 1954. Sau này, nhiều người vẫn qui kết ngược lại là do phe cộng sản bội ước. Kết luận như vậy không những chỉ sai với thực tế mà còn phiến diện vì đã không hiểu rằng : Ông Diệm tuyên bố từ chối tổng tuyển cử để thống nhất trong hòa bình vì ông biết rõ Việt Nam Cộng Hòa sẽ thất bại vì nếu tiến hành bầu cử, miền Bắc chiếm ưu thế tuyệt đối bởi dân cứ đông gấp khoảng hai lần dân số miền Nam lúc đó. Tất nhiên, cũng chính việc nắm giữ lợi thế này mà phe miền Bắc đã luôn đòi Tổng tuyển cử. Tuyên bố của ông Diệm tiếp tục được làm lý do chính trị biện minh cho việc giải phóng miền Nam bằng quân sự sau này.

Quyết định hủy bỏ Tổng tuyển cử của ông Diệm, xét trên khía cạnh chính trị là đúng đối với chế độ Việt Nam Cộng Hòa miền Nam tại thời điểm và trong bối cảnh lúc đó. Nhưng ông Diệm phạm một sai lầm lớn là đã thực hiện chính sách Ấp chiến lược và nhằm kiểm soát chặt chính trị bằng đạo luật 10/59. Vô tình dẫn đến cơ sở cho Mặt trận giải phóng Miền Nam dưới sự dẫn dắt của phe Bắc Việt ngay trong lòng chế độ Việt Nam Cộng Hòa ở miền Nam có lý do chính đáng để phát động đấu tranh, đồng thời được hậu thuẫn bởi Liên-xô ; Trung quốc để trở thành lực lượng chính trị thứ 3 được quốc tế công nhận tại Việt Nam. Tiếp tục giành ưu thế lợi thế biểu quyết cho các đàm phán chính trị sau này.

Về vấn đề liên quan yếu tố của Mỹ : Ban đầu, chính phủ của ông Ngô Đình Diệm nhận được sự ủng hộ mạnh của Mỹ bởi chung mục tiêu ngăn chặn làn sóng của chủ nghĩa cộng sản ở Châu Á. Nhưng cũng chính chính sách dồn dân vào ấp chiến lược ; đạo luật 10/59 và hành động thẳng tay với Phật giáo của ông Diệm đã khiến người Mỹ phải quay lưng với ông vì phạm vào điều nhạy cảm nhất với chính trị Mỹ - Vấn đề nhân quyền. Đỉnh điểm của hệ lụy từ sai lầm chính trị này gắn thêm nhiều vấn đề khác đã dẫn đến việc người Mỹ quay lưng lại với ông Diệm. Từ đó dẫn đến kết cục bi thảm cho chế độ của ông Diệm bị đảo chính năm 1964, mở ra thời kỳ Đệ nhị Cộng hòa, cuối cùng là kết thúc bằng sự kiện 30/4/1975.

Trong cuộc đấu tranh đòi dân chủ. Chúng ta có thể kết luận Việt Nam Cộng Hòa thất bại có một phần nguyên nhân do Mỹ đã không mạnh tay, cương quyết hơn trước 1975 ở Việt Nam. Nhưng nếu lấy đó làm lý do chính thì sẽ tiếp tục là một sai lầm vì trong chính trị, yếu tố thành bại đôi khi vì những lý do rất nhỏ nhặt chứ chưa hẳn nhất thiết phải bởi từ một vấn đề nghiêm trọng. Cái được trong chính trị sự kiện 1975 là đất nước được thống nhất. Nhưng cái mất, cái giá phải trả quá đắt không phải bởi con số thương vong hay tính chính danh của cuộc chiến mà là ở cái hậu quả dẫn đến đất nước dần bị tụt lùi với nhân loại bởi thể chế cộng sản được dẫn dắt bởi một nhóm người nắm giữ quyền lực chỉ biết đến lợi ích của phe nhóm chính trị cầm quyền. Triệt tiêu cơ hội phát triển và tước đoạt những quyền lợi cơ bản nhất của con người.

Ngày này 43 năm trước, "Chiến dịch Hồ Chí Minh" của phe Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa đã bắt đầu khởi động bằng các cuộc tấn công chiếm lĩnh những địa điểm trọng yếu ở miền Đông và miền Tây Nam bộ. Những dòng này thay cho nén nhang tưởng nhớ đến những người đã ngã xuống, trải xương máu trong quá khứ bi hùng của đất nước, dân tộc. Hi vọng mỗi người con dân nước Việt dám nhìn thẳng vào sự thật để mạnh mẽ và tìm được những giải pháp đúng đắn cho hành động dấn thân đấu tranh vì một xã hội tốt đẹp hơn. Không tái diễn những tranh cãi dẫn đến sự chia rẽ khi đi chung trên con đường hướng tới tương lai của đất nước.

Thiên Điểu

Nguồn : VNTB, 12/04/2018

Quay lại trang chủ
Read 886 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)