Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

05/12/2018

Viễn Ảnh 2019

Nguyễn Xuân Nghĩa

Chúng ta đang đi hết năm 2018 có quá nhiều biến động trên trường quốc tế. Qua năm 2019 thì tình hình sẽ ra sao, mục Diễn đàn Kinh tế tìm một dự báo cho năm tới, với chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa.

vienanh1

Diễn đàn công cộng về thương mại bền vững của Tổ chức Thương mại Thế giới tại Geneva- AFP

Dự báo về năm 2019

Nguyên Lam : Ban Việt ngữ đài Châu Á Tự Do và Nguyên Lam xin kính chào kinh tế gia Nguyễn-Xuân Nghĩa.

Thưa ông, cuộc chiến tranh thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc có thể tạm lắng được 90 ngày được dư luận quốc tế gọi là "hưu chiến", nhưng liệu đôi bên có thể vượt qua nhiều mâu thuẫn hay không ? Và vì chúng ta đang bước vào cuối năm 2018 nên Nguyên Lam xin đề nghị ông trình bày cho những dự báo về năm 2019 sắp tới đây.

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Về cuộc "hưu chiến" trong trận thương chiến Mỹ-Hoa đã khởi sự từ đầu năm nay, tôi không lạc quan như đa số các thị trường tài chính.

Trước hết, nói về bối cảnh thì kể từ khi Trung Quốc là thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới WTO, các quốc gia Tây phương đều thấy rằng xứ này không cải cách cơ chế để có quy chế kinh tế thị trường trong vòng 15 năm như cam kết và nhờ vậy mà chiếm được lợi thế cạnh tranh khi giao dịch mua bán với thiên hạ.

Bị thiệt hại nhiều nhất trong cạnh tranh thương mại vì nhập siêu quá nặng với Trung Quốc, Hoa Kỳ đã nhiều lần nêu vấn đề cho tới khi ông Donald Trump bất ngờ đắc cử Tổng thống vào cuối năm 2016 thì cho nghiên cứu lại quan hệ với Trung Quốc và lần lượt nêu vấn đề với Bắc Kinh qua ba đợt tăng thuế nhập khẩu.

Lần thứ tư là kỳ này, qua việc tăng thuế nhập khẩu từ 10% lên 25% trên một lượng hàng hóa trị giá khoảng 217 tỷ đô là do Trung Quốc bán vào Mỹ kể từ đẩu năm tới. Nhân thượng đỉnh vừa qua tại Buenos Aires của xứ Argentina, lãnh đạo hai nước đồng ý tạm hoãn các biện pháp trừng phạt thương mại trong 90 ngày để đôi bên sẽ thương thuyết lại.

Nhưng tôi không tin là trong kỳ hạn ba tháng này mà hai nước sẽ giải tỏa được các mâu thuẫn chồng chất được 90 ngày được dư luận quốc tế gọi là "hưu chiến", nhưng liệu đôi bên có thể vượt qua nhiều mâu thuẫn hay không ?

Và vì chúng ta đang bước vào cuối năm 2018 nên Nguyên Lam xin đề nghị ông trình bày cho những dự báo về năm 2019 sắp từ lâu.

Nguyên Lam : Vì sao ông nghĩ như vậy khi mà các thị trường tài chính thế giới đều tỏ vẻ vui mừng và tăng giá trong ngày thứ Hai sau quyết định hưu chiến của lãnh đạo Hoa Kỳ và Trung Quốc vào tối thứ Bảy ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Các thị trường có thể phản ứng với tin thời sự ngắn hạn, chứ việc trì hoãn để đàm phán trong 90 ngày sẽ khó đạt kết quả.

Tôi thấy ra ba lý do giải thích sự kiện này.

Thứ nhất là khác biệt trong cách đôi bên trình bày và diễn giải kết quả thảo luận trong bữa ăn tối giữa Tổng thống Donald Trump và Tổng bí thư Tập Cận Bình, với tám nhân vật trong nội các của mỗi người. Ông Trump còn có phát biểu lạc quan hơn thông báo chính thức của Phủ Tổng thống Mỹ, trong khi phía Bắc Kinh cũng trình bày sự kiện này như một thắng lợi của phái đoàn Trung Quốc mà chẳng nói gì về chi tiết như phía Hoa Kỳ đã báo cáo. Điều ấy cho thấy hai bên đều muốn trấn an dư luận ở nhà và tự chuẩn bị cho các đợt đàm phán sắp tới.

Lý do thứ hai là ngay từ đầu, phía Hoa Kỳ đã khiếu nại về nhiều chuyện chứ không riêng gì về việc buôn bán thiếu công bằng giữa đôi bên.

Một cách cụ thể thì Chính quyền Donald Trump còn giàng yếu tố an ninh vào kinh tế và nêu ra bốn vấn đề là Bắc Kinh có chính sách :

1/ ép buộc doanh nghiệp Mỹ chuyển giao công nghệ hay thuật lý, technology ;

2/ không tăng cường bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ để tiện bề ăn cắp ;

3/ đặt ra nhiều rào cản ngoài thuế quan để gây khó cho doanh nghiệp Mỹ ; và

4/ có hoạt động tình báo trên không gian điện toán "cyberspace", mà tôi xin gọi là "không gian điện não" vì ảnh hưởng tới nhận thức của chúng ta.

Lý do hoài nghi thứ ba thuộc phạm vi rộng lớn hơn chứ không thu hẹp vào lĩnh vực thương mại, đó là phía Hoa Kỳ muốn Trung Quốc thay đổi cách hành xử với các nước, cụ thể là không được uy hiếp Đài Loan và bành trướng ảnh hưởng quân sự xuống vùng biển Đông Nam Á và gây trở ngại cho quyền tự do lưu thông ngoài biển. Cũng vì vậy mà viễn ảnh 2019 là tình trạng tranh chấp gay go hơn giữa hai cường quốc kinh tế trên hai bờ Thái Bình Dương.

vienanh2

Cuộc họp thường niên của IMF và World Bank tại Indonesia. AFP

Nguyên Lam : Chúng ta bước qua phần hai của chương trình kỳ này là những dự báo về tình hình 2019. Ông thấy ra những gì là đáng quan tâm nhất vào năm tới ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Đầu tiên là với Trung Quốc, Hoa Kỳ sẽ tăng sức ép về thương mại, đầu tư và nói chung là kinh tế để bảo vệ quyền lợi và an ninh của nước Mỹ.

Cũng với Bắc Kinh, cả Hành pháp lẫn Quốc hội Hoa Kỳ sẽ có một sự thống nhất hiếm hoi là bảo vệ sự tồn tại của Đài Loan lẫn quyền tự do lưu thông ngoài vùng biển Đông Nam Á.

Thứ ba là Hoa Kỳ đã khẳng định từ cuối năm ngoái và nhiều lần nhắc lại trong năm nay về những thách đố chiến lược phát sinh từ Liên bang Nga và Trung Quốc, cho nên trong năm tới ba cường quốc này sẽ lao vào một cuộc thi đua võ trang có thể lên tới lĩnh vực không gian và điện não.

Vì yếu tố thực chất là an ninh mà kinh tế chỉ là một diện không duy nhất, Hoa Kỳ tiếp tục tranh thủ các bạn hàng và đồng minh chiến lược như Âu Châu, Nhật Bản, Úc, Canada, Nam Hàn và Đài Loan lẫn Ấn Độ để dựng lên rào cản chung cho các hoạt động đầu tư của Bắc Kinh, nhất là trong các lĩnh vực tiên tiến là trí tuệ nhân tạo và mạng công nghệ 5G. Do đó, Bắc Kinh sẽ có phản ứng để thu hẹp khoảng cách trong các lĩnh vực chiến lược là không gian, là ráp chế vi mạch bán dẫn và gia tăng mối lo cho các doanh nghiệp thuộc loại "cao kỹ" hay hi-tech của các nước. Hậu quả chung là năm 2019 có nhiều rủi ro cho các doang nghiệp khi chuỗi cung ứng bị gián đoạn hay đảo lộn, với những vụ kiện cáo bất tận về tác quyền.

Dự báo về kinh tế 2019

Nguyên Lam : Riêng về lĩnh vực kinh tế thì tình hình năm tới sẽ ra sao, thưa ông ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Năm ngoái, tôi có dự báo mà sai rằng cuối năm 2018 này, kinh tế thế giới có thể bị suy trầm nhẹ vì hiệu ứng từ Hoa Kỳ và Trung Quốc. Điều ấy chưa xảy ra, nhưng vẫn có thể trong một viễn ảnh xa hơn, là vào năm 2020, với những hậu quả còn nghiêm trọng hơn vụ Tổng Suy Trầm 2008-2009. Tình hình năm 2019 có thể tiên báo điều ấy cho nên chúng ta rất cần theo dõi.

Nguyên Lam : Trên cơ sở nào mà ông đưa ra những dự đoán ảm đạm như vậy ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Có bốn năm lý do cho kịch bản u ám này.

Thứ nhất, trận thương chiến Mỹ-Hoa khiến cơ chế hòa giải của Tổ chức Thương mại Thế giới WTO có thể bị tê liệt nên khó khăn thương mại càng dễ lan vào kinh tế.

Thứ hai, kinh tế Trung Quốc bị đình đọng sẽ lãnh thêm hậu quả bất lợi của thương chiến, bất lợi vì kinh tế xứ này cần bán hơn là kinh tế Hoa Kỳ.

Thứ ba, khối kinh tế Châu Âu sẽ ảm đạm ám hơn vì khó khăn nội bộ, từ nước Ý, nước Đức cho tới Pháp với vụ khủng hoảng chính trị vừa bùng nổ từ phong trào "Áo Vàng", chưa kể tới một rủi ro khác là Quốc hội Anh không phê chuẩn Hiệp ước ly khai hay "Brexit" do Vương quốc Anh thống nhất vừa hoàn tất với Liên Âu.

Thứ tư, ta chẳng thề quên nhiều khó khăn của các nền kinh tế đang phát triển, nhất là các nước đã vay quá nhiều bằng Mỹ kim khi đô la lên giá, nội tệ mất giá mà còn bị nguy cơ lạm phát và bất ổn chính trị trong nội bộ khiến chính quyền rất khó chống đỡ.

Sau cùng, chúng ta đang thấy một trường hợp hy hữu là các nền kinh tế lớn nhất, như Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản, thậm chí một số quốc gia Châu Âu đều mắc nợ quá nhiều nên khó ứng phó với kịch bản suy trầm toàn cầu.

Đã vậy, ta còn thấy nạn bất công xã hội lan rộng trong nhiều nước nên khi nền kinh tế sa sút thì bất ổn kinh tế dễ đưa tới khủng hoảng chính trị. Trong hoàn cảnh mới là các nước buôn bán với nhau nhiều hơn trước qua các ngả hàng không, thủy vận và trên không gian Internet, thì bất ổn từ nền kinh tế này rất dễ lan qua xứ khác theo nguyên lý cộng hưởng.

Nguyên Lam : Thưa ông, riêng về khu vực Châu Á Thái Bình Dương thì tình hình sẽ ra sao ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Trong khu vực Châu Á Thái Bình Dương, mâu thuẫn giữa hai nền kinh tế có sản lượng lớn nhất là Hoa Kỳ và Trung Quốc sẽ chi phối các nước nằm ở giữa. Giữa hai nước thì Trung Quốc có nhiều vấn đề hơn cả vì vừa muốn cải cách cơ chế và san bằng những dị biệt bên trong vừa cải thiện tình trạng hủy hoại môi sinh mà nay các tỉnh ở miền Đông giàu có nhất lại bị thiệt hại nhất vì trận thương chiến xuất phát từ Hoa Kỳ. Bắc Kinh có thể tìm ảnh hưởng khác từ kế hoạch Nhất Đới Nhất Lộ nhằm gia tăng sức đầu tư ra ngoài mà chưa chắc đã thuyết phục được các nước.

Yếu tố thứ hai nên chú ý là nền kinh tế có sản lượng thứ ba sau Mỹ và Tầu là Nhật Bản. Thủ tướng Nhật là Shinzo Abe sẽ nhận thêm một nhiệm kỳ nữa cho tới năm 2021 nên sẽ ra sức phục hưng nước Nhật, với hy vọng tăng thuế để quân bình ngân sách mà không làm kinh tế bị suy trầm. Đối ngoại, Nhật Bản tiếp tục tranh thủ bạn hàng với Hiệp ước Đối Tác Toàn Diện Xuyên Thái Bình Dương vừa được ký kết và còn mong Hoa Kỳ sẽ đổi ý mà trở lại tham gia trong ý hướng ngăn ngừa sự bành trướng của Trung Quốc. Ít ai chú ý rằng Nhật Bản, chứ không phải Trung Quốc, mới là quốc gia tài trợ nhiều nhất cho các dự án phát triển hạ tầng cơ sở của các nước Đông Nam Á, và nhiều nhất là cho Việt Nam.

Viễn ảnh 2019 cho Đông Nam Á

Nguyên Lam : Câu hỏi sau cùng là hoàn cảnh của các nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Thưa ông viễn ảnh 2019 cho Đông Nam Á là gì ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Hoàn cảnh của các nước Đông Nam Á là nằm giữa các thị trường xuất nhập khẩu lớn nhất mà cũng là các đối thủ về an ninh trong luồng giao lưu và chuyển vận ngoài biển Đông. Các quốc gia này đều phải cân nhắc giữa yếu tố ưu tiên là kinh tế với mối nguy về quân sự khi được cả Trung Quốc, Hoa Kỳ, Nhật Bản và thậm chí Ấn Độ chiêu dụ.

Nhưng nói chung nguy cơ bất ổn vẫn là viễn ảnh 2019 cho toàn khu vực này và việc Bắc Kinh đang tìm cách mua chuộc Philippines có thể là một kinh nghiệm mà họ cần theo dõi trong năm tới. Việt Nam rất nên tìn hiểu động thái sắp tới giữa Manila và Washington để tìm ra giải pháp cho mình, trong khi vẫn phải tìm ra cơ hội có lợi cho lâu dài khi thương chiến Mỹ-Hoa sẽ còn gia tăng cường độ.

Nguyên Lam : Ban Việt ngữ đài Châu Á Tự Do cùng Nguyên Lam xin cảm tạ chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa về bài dự báo kỳ này, và xin hẹn quý thính giả vào tuần sau.

Nguyên Lam

Nguồn : RFA, 04/12/2018

Quay lại trang chủ
Read 799 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)