Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

12/12/2018

Nếu kinh tế toàn cầu lại bị suy trầm

Nguyễn Xuân Nghĩa

Trong năm 2019 này, liệu thế giới có thể bị suy trầm kinh tế nữa hay không, và khi đó, các nước có thể làm những gì để ứng phó ? Diễn đàn Kinh tế sẽ tìm hiểu dự báo này cho năm tới….

kinhte1

Nếu kinh tế toàn cầu lại bị suy trầm - AFP

Kinh tế toàn cầu suy trầm

Nguyên Lam : Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do và Nguyên Lam xin kính chào kinh tế gia Nguyễn-Xuân Nghĩa.

Thưa ông, nếu kinh tế toàn cầu lại bị suy trầm vào năm 2019 như nhiều nơi dự đoán thì các nước có thể làm gì để ngăn ngừa hậu quả ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Người ta thường nói "kinh tế học là bộ môn khoa học u ám" vì thiên hạ chỉ quan tâm đến kinh tế khi tình hình gặp khó khăn, chứ khi mọi việc hanh thông thì ít ai quan tâm đến kinh tế và cho rằng mình thành công là nhờ tài năng riêng. Nhưng, giới nghiên cứu kinh tế cũng thường tự mỉa mai rằng họ dự đoán đúng cả chục vụ suy trầm trong chỉ có hai ba lần thực tế xảy ra. Sở dĩ tôi nói vậy để cho thấy kinh tế chính trị học không là một bộ môn khoa học chính xác và mọi dự đoán về tương lai đều có thể sai vì chẳng ai biết trước được.

Bước thứ hai là ta nên xác định nội dung của những gì sẽ nói vì nếu không hiểu cùng một định nghĩa thì rất dễ gây hiểu lầm, mà sự hiểu lầm của đám đông trong thị trường thường gây ra phản ứng bất lợi, có khi là "hậu quả bất lường".

Bây giờ, khi nhiều trung tâm nghiên cứu của quốc tế đều cùng đưa ra những dự đoán không lạc quan về viễn ảnh kinh tế toàn cầu trong năm 2019 này thì chúng ta hãy quan tâm và tự nêu câu hỏi rằng tình hình sẽ ra sao.

Nguyên Lam : Chúng ta sẽ đi từng bước và Nguyên Lam xin hỏi ông về định nghĩa của từ suy trầm để cùng thống nhất ý kiến về nội dung của những gì mình phân tích.

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Trước hết, tôi xin định nghĩa suy trầm hay "recession" là gì. Nó là sự sút giảm đà tăng trưởng trong hai quý liền là trong sáu tháng liên tục, và có thể kéo dài vài năm. Đấy là hiện tượng thăng giáng hay lên xuống theo chu kỳ trong sinh hoạt kinh tế. Nó chưa nghiêm trọng bằng suy thoái hay "depression" là khi sản lượng không tăng dù ít hơn mà còn giảm, thoái là lui. Khi nạn suy thoái lan rộng và kéo dài thì ta mới có khủng hoảng hay "crisis", là một chữ quá thông dụng trong lĩnh vực truyền thông ngày nay.

Chuyện thứ hai là người ta thường chỉ biết rằng kinh tế bị suy trầm chừng năm sáu tháng sau khi điều ấy đã xảy ra và vì vậy ai cũng muốn dự báo căn cứ trên một số chỉ dấu tiên báo, nhưng có thể đoán sai. Một trong các chỉ dấu tiên báo là khi đường tuyến của phân lời trái phiếu dài hạn và ngắn hạn lại nằm ngang, là điều đang xảy ra tại Hoa Kỳ. Nếu đúng như vậy thì kinh tế Mỹ có thể bị suy trầm nhẹ vào năm 2020, sau vụ suy trầm lần trước, từ Tháng 12 năm 2007 tới Tháng Bảy 2009, nhưng với hậu quả xã hội và chính trị lần này lại trầm trọng hơn. Tuy nhiên, kinh tế toàn cầu không chỉ có Hoa Kỳ mà còn nhiều nước khác.

Nguyên Lam : Thưa ông, cho tới nay thì các trung tâm nghiên cứu của thế giới dự báo thế nào về tình hình tăng trưởng sản xuất vào năm tới ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Khi tham khảo công trình nghiên cứu của quốc tế, từ các định chế đa phương như Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế IMF, Ngân hàng Thế Giới hay là Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế OECD gồm 34 nền kinh tế tiên tiến tới các trung tâm đầu tư kinh tế tài chính thực hiện riêng cho thân chủ của họ, tôi đều thấy một nét chung ở chữ "bất trắc" là biến động khó lường. Riêng tôi thì quan tâm đến hai chuyện là nạn Tổng Suy Trầm 2008-2009 khiến nhiều quốc gia phải có biện pháp ứng phó bất thường vì cả thế giới cùng bị suy trầm một lúc. Chuyện thứ hai là 10 năm sau, ngày nay ta có thể thấy tái diễn hiện tượng tương tự vào năm 2019 này. Khi đó các nước có thể làm những gì ?

Bất trắc của nạn suy trầm

Nguyên Lam : Nguyên Lam xin đề nghị ông đi từng bước để nói về sự bất trắc và nạn suy trầm sắp tới.

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Nói về sự bất trắc, ta không quên rằng sau vụ khủng hoảng tài chính năm 2008 xuất phát tại Hoa Kỳ với dấu hiệu tiên báo từ Âu Châu vào cuối năm 2007, rồi nạn suy trầm kinh tế Mỹ từ Tháng 12 năm 2007 tới Tháng Bảy năm 2009 thì các khối kinh tế lớn đều cùng có biện pháp tăng chi ngân sách và bơm tiền để kích thích kinh tế. Việc tăng chi chất thêm một núi nợ kỷ lục và việc bơm tiền làm giảm lãi suất tới sàn, là mấp mé số không, thậm chí tới số âm là dưới 0% và làm cho tiền rẻ với những hậu quả cho tới nay vẫn còn tồn tại.

Khi tình hình có vẻ tạm khả quan, trước tiên tại Hoa Kỳ từ năm 2014-2015, thì Ngân hàng Trung ương Mỹ bắt đầu tăng lãi suất từ mấp mé zero và chuẩn bị thu hồi lại lượng tiền quá lớn đã bơm ra. Trước đó, nhờ lãi suất rẻ và tiền nhiều, các nền kinh tế khác đều ồ ạt vay tiền bằng đô la Mỹ, còn trên thị trường Hoa Kỳ, giới đầu tư dồn tiền từ thị trường trái phiếu có phân lời thấp qua thị trường cổ phiếu có doanh lợi cao hơn làm cổ phiếu Hoa Kỳ tăng giá ngoạn mục trong nhiều năm liền. Bây giờ ta gặp chuyện trái ngược là cổ phiếu có thể sụt giá mà phân lời trái phiếu lại tăng, đó là nguyên do của hiện tượng bất trắc và nạn lên giá hay xuống giá đột ngột trong năm nay.

Nguyên Lam : Đã vậy, hình như trận thương chiến giữa hai nền kinh tế có sản lượng cao nhất thế giới là Hoa Kỳ và Trung Quốc cũng là yếu tố bất trắc nữa về cả kinh tế lẫn chinh trị quốc tế, ông có nghĩ như vậy không ?

kinhte2

Nếu kinh tế toàn cầu lại bị suy trầm. AFP

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Dĩ nhiên là chúng ta quan tâm đến chuyện đó, mà không quên một khối kinh tế thứ ba là Âu Châu, với nhiều khó khăn sẽ bùng nổ năm tới sau khi lên tới cao độ vào cuối năm nay và cũng nên để ý đến khối kinh tế thứ tư là nhóm quốc gia gọi là "đang phát triển", nhất là các nước lỡ vay quá nhiều bằng đô la Mỹ khi đồng bạc này lên giá và sẽ bị khủng hoảng về tiền tệ và ngoại hối.

Gói lại cho tròn để thính giả của chúng ta cùng theo dõi thì tình hình kinh tế toàn cầu năm 2019 sẽ thiếu khả quan mà đáng lo ngại nhất trong hoàn cảnh đó là các nước đều hết khả năng ứng phó sau những gì đã thực hiện thời 2008-2009.

Giải pháp nào cho nạn suy trầm ?

Nguyên Lam : Ông bắt đầu đi vào chủ điểm là nếu kinh tế toàn cầu lại bị suy trầm nữa vào năm tới thì các nước có thể làm gì. Xin ông phân tích cho chuyện đó.

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Vì kinh tế cũng là chính trị, ta không nên quên rằng cái trật tự tạm bợ từ khi Liên bang Xô viết sụp đổ và Chiến Tranh Lạnh kết thúc năm 1992 đã không còn nữa. Đấy là bối cảnh chung. Sau đó mới là vụ Tổng Suy Trầm 2008-2009 và các liều thuốc tôi gọi là đổ bệnh.

Trong năm tới, sản lượng kinh tế thế giới có thể giảm, là bị suy trầm, vì kinh tế Trung Quốc hết tăng trưởng như xưa, chưa nói tới hiệu ứng của trận thương chiến với Hoa Kỳ. Thứ hai, khối kinh tế có hơn 500 triệu dân và sản lượng mấp mé Hoa Kỳ là Âu Châu thì bị khủng hoảng chính trị khi sản xuất của nhóm Euro dùng đồng tiền thống nhất lại sa sút hơn cả với đà tăng trưởng èo uột năm nay là 1,9% sẽ chỉ còn là 1,6% vào năm 2020. Thứ ba, kinh tế Hoa Kỳ đã hồi phục rất chậm từ năm 2014-2015 và tăng trưởng mạnh từ năm ngoái cho tới năm nay lại có thể bị suy trầm nhẹ vào cuối năm tới. Thứ tư, khối kinh tế đang phát triển, sống nhờ buôn bán với các nước Âu, Mỹ, Tầu, dễ bị hậu quả tai hại khi ba khối kinh tế dẫn đầu ấy đều lụn bại. Câu hỏi then chốt là các nước có thể làm gì trong kịch bản đen tối ấy ?

Nguyên Lam : Thưa ông, đấy cũng là thắc mắc của thính giả. Ông trả lời sao ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : So với cảnh ngộ của năm 2008, các nước nói chung đều "hết thuốc chữa", nôm na là khó có giải pháp thỏa đáng.

Thông thường, khi sản xuất bị đình trệ, người ta có hai loại biện pháp kích thích là ngân sách và tiền tệ. Biện pháp ngân sách là tăng chi và giảm thuế, biện pháp tiền tệ là hạ lãi suất và bơm tiền vào kinh tế cho tài hóa dễ lưu thông.

Khốn nỗi, trong khối công nghiệp hóa, biện pháp tiền tệ hết công hiệu cho nạn suy trầm sắp tới vì ngoài nước Mỹ đã tăng lãi suất thì các khối kinh tế kia, như Âu Châu hay Nhật Bản vẫn duy trì lãi suất quá thấp và hết đất lùi. Ngân hàng Trung ương Âu Châu còn trù tính là nâng lãi suất ra khỏi số âm vào Tháng Chín năm tới. Tình trạng sa sút của kinh tế Đức, Pháp, Ý và khủng hoảng chính trị hiện nay tại Đức, Pháp, Ý và cả nước Anh với hồ sơ Brexit đang bị bế tắc sẽ khiến các nước khó phối hợp và thống nhất ý kiến về biện pháp tiền tệ.

Nguyên Lam : Thế còn biện pháp ngân sách là tăng chi hay giảm thuế, thưa ông, lần này, biện pháp đó có còn thỏa đáng hay không mà ông nói là "hết thuốc chữa" ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Tôi xin đề nghị là ta cùng nhìn vào các khối kinh tế đang dẫn đầu thế giới như Hoa Kỳ, Âu Châu, Trung Quốc và Nhật Bản. Hoa Kỳ đã bị bội chi ngân sách quá lớn, tới cả ngàn tỷ đô la một năm, và còn gặp nạn ách tắc chính trị sau cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ tổng thống vào tháng trước nên rất khó xoay trở.

Âu Châu còn khó hơn vậy cũng vì nạn bội chi ngân sách của các nước và không còn khả năng phối hợp hay chế tài các nước vi phạm. Trung Quốc và Nhật Bản cũng chẳng khá hơn dưới một núi nợ quá lớn. Đấy là ta chưa nói đến một hệ quả của biện pháp ngân sách lẫn tiền tệ là sẽ đẩy mạnh số tiêu thụ và nhập khẩu nên lại giúp cho các nước xuất khẩu. Kết cuộc bất ngờ thì nếu kinh tế suy trầm, xứ nào cũng cần bán hàng ra ngoài và gây thêm mâu thuẫn về mậu dịch.

Nguyên Lam : Nếu vậy thì các nước sẽ bó tay hay sao, thưa ông ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Tôi nghĩ đến sản phẩm khan hiếm nhất trên thị trường chính trị quốc tế hiện nay là "khả năng phối hợp" ! Trên các diễn đàn đa phương như G-20 của các nước có sản lượng kinh tế lớn nhất địa cầu, hay diễn đàn hơp tác kinh tế Á Châu Thái Bình Dương, hoặc nhóm G-7 của các nước công nghiệp hóa Tây phương, người ta không thấy được sự đồng thuận về việc phối hợp chính sách như tại Thượng đỉnh G-20 vào cuối năm 2008 tại Hoa Kỳ.

Kết cuộc thì khi sinh hoạt kinh tế đi vào một chu kỳ đình trệ, có thể xảy ra năm tới, các nước khó điều hợp được một đối sách chung vì những ràng buộc riêng trong từng nước. Vì vậy, ngoài rủi ro suy trầm, ta sẽ còn có thêm rủi ro vì thiếu sự phối hợp quốc tế.

Nguyên Lam : Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do cùng Nguyên Lam xin cảm tạ chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa về bài dự báo kỳ này, và xin hẹn quý thính giả vào tuần sau.

Nguyên Lam

Nguồn : RFA, 12/12/2018

Quay lại trang chủ
Read 611 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)