Đến nay thì không báo nào còn nhắc đến các thành phố ma… tấp nập đông người qua lại ! Tình trạng chảy máu ngoại tệ bị chặn đứng. Hiểm họa ngân hàng phá sản dường như lui xa.
Nhiều thách thức mới xảy đến như chiến tranh thương mại ; xuất cảng giảm do tác động đại dịch Vũ Hán và do khuynh hướng bảo hộ mậu dịch toàn cầu ; đại kế hoạch Made In China 2025 gặp trở ngại vì căng thẳng Mỹ-Trung. Cộng vào đó là những vấn nạn củ tiếp tục chồng chất gồm tỷ lệ nợ vẫn rất cao ; lương bổng ngày càng tăng trong khi xã hội bắt đầu lão hóa. Thêm mối nguy tiềm tàng khi vai trò của nhà nước ngày càng lớn dẫn đến độc tài chính trị, bất công xã hội và mất cân đối trong kinh tế thị trường. Dù vậy, GDP tuy tăng trưởng chậm hơn những năm trước nhưng nền kinh tế của Hoa Lục vẫn có vẻ sáng sủa hơn so với Âu-Mỹ-Nhật, ngay khi đã trừ bớt 5% các khoảng báo cáo láo.
Đến khi nafo thif nền kinh tế và xã hội Trung Quốc sẽ phá sản ? Đây là câu hỏi làm điên đầu các chuyên viên từ 40 năm nay vì những câu trả lời đều… trật dài dài !
1. Cuối thập niên 1980 sau khi Đặng Tiểu Bình mở cửa kinh tế lạm phát vọt lên 18%. Nợ xấu chiếm 30% GDP. Cuộc đàn áp Thiên An Môn khiến mọi người nhận xét Bắc Kinh chọn sai lề lịch sử khi chỉ cho phép mở cửa thị trường mà không dân chủ hóa.
2. Cuối thập niên 1990 khi khủng hoảng tài chính Đông Á bùng nổ nhưng Trung Quốc được khen ngợi góp phần tạo ổn định thị trường do không phá giá đồng Nhân Dân Tệ. Ngược lại cũng có nhiều tiên liệu Đảng cộng sản Trung Quốc sẽ sớm tàn lụi theo cơn chấn động kinh tế không khác gì các chế độ độc tài ở Indonesia, Phi, Nam Hàn và Đài Loan.
3. Sang đầu thế kỷ thứ 21 khi Trung Quốc tham gia WTO, nhiều chuyên gia dự đoán cạnh tranh quốc tế sẽ đánh gục các tập đoàn quốc doanh kém hiệu năng khiến hàng chục triệu công nhân viên nhà nước bị mất việc ; cộng thêm vào đó một tầng lớp trung lưu mới nổi lên tất yếu sẽ dẫn đến cách mạng dân chủ.
4. Cuối thập niên 2010 trong lúc Âu-Mỹ chao đảo với khủng hoảng địa ốc và tài chánh thì kinh tế Trung Quốc nhảy vọt qua mặt Nhật để tiến lên hàng thứ nhì trên thế giới. Bắc Kinh từ bỏ lập trường "giấu ánh đèn trong trấu" của Đặng Tiểu Bình để theo đuổi chính sách trỗi dậy nước lớn.
5. Kích cầu từ năm 2007-08 dẫn đến tình trạng cho vay và đầu tư phí phạm. Khi nợ tăng lên chồng chất thì Trung Quốc kiểm soát và siết chặt tín dụng. Chính sách nặng tay của Bắc Kinh khiến thị trường nhà đất và địa ốc cuống cuồng sụp đổ dẫn đến nguy cơ chảy máu ngoại tệ ồ ạt năm 2016. Nhiều chuyên viên tiên liệu nền kinh tế sẽ gãy cánh (hard landing.)
Nhưng sau đó thị trường ổn định trở lại khi Bắc Kinh kiểm soát việc chuyển tiền ra nước ngoài, nới lỏng tín dụng trong nước, tăng chi và tăng giám sát nhằm thúc đẩy tăng trưởng. Nợ vẫn rất cao nhưng không còn nhảy vọt. Nhà nước kích thích kinh tế (kiểu giống như Mỹ tiếp tục in tiền) tức là đầu tư sẽ tiếp tục kém hiệu quả nhưng mối lo kinh tế gãy cánh không còn nữa.
Tóm lại, Trung Quốc trong suốt 40 năm tuy nhiều lần chao đảo nhưng không sụp đổ. Trái lại Hoa Lục tăng trưởng ngoạn mục trong khi đi ngược chiều so với liều thuốc của giới kinh tế gia Tây Phương, tức là tăng thay vì giảm vai trò lãnh đạo của nhà nước. Dĩ nhiên thầy bói nào tiên đoán "anh sẽ chết" thì rồi cũng sẽ đúng vì ai cũng chết, cho nên bài này tiếp tục cố gắng đóng góp một cái nhìn về ưu và khuyết điểm của mô hình Trung Quốc để lại dự đoán sẽ gãy cánh hay không !
**********
Tiêu biểu qua câu chuyện các thành phố ma nay tấp nập đầy sinh hoạt và người ở, Bắc Kinh đã giải quyết khủng hoảng địa ốc bằng nhiều biện pháp mà không một nhà nước dân chủ nào có thể thực hiện được !
1. Phá sập hàng triệu dãy chung cư cũ kỹ và hàng ngàn làng mạc nhỏ rải rác ở nông thôn để di dời dân chúng vào các khu phố không người. Kèm theo là cung cấp hộ khẩu cho những gia đình di cư để họ được hưởng các quyền lợi về y tế và giáo dục con cái ở những thành phố đang mở mang (hộ khẩu trong Bắc Kinh, Thượng Hải, Thẩm Quyến… tiếp tục bị siết chặt nên đắt hơn vàng).
Biện pháp này tạo ra lạm quyền, tham nhũng, bất công và phẫn nộ trong xã hội nhưng bù lại giúp dân chúng có nhà ở mới, có cơ hội tìm việc làm cùng các dịch vụ y tế và giáo dục trong thành phố mà nông thôn không cung cấp được. Canh tác ở dưới quê cũng được hữu hiệu hóa vì đất nông nghiệp không còn bị chia thành manh múm.
Nếu so sánh với Việt Nam tham nhũng cướp nhà dân để xây khu đất công nghiệp hay du lịch khiến dân oan phẫn uất nhưng bù lại GDP tăng trưởng (cho dù giàu nghèo vô cùng chênh lệch) nhờ cơ hội đầu tư mới.
2. Thị trường địa ốc và giá đất tăng nhanh trở lại khi nhà nước giải quyết được các khu phố ma không người ở. Các địa phương và công ty quốc doanh trước đây kiếm tiền hay mượn tiền nhờ sở hữu đất đai (gọi là của toàn dân) nên khi giá đất hạ sinh ngập nợ, nay giá đất tăng tuy nợ không giảm nhưng tỷ lệ nợ xuống đến tầm mức có thể kiểm soát được.
3. Chỉ tiêu cho các địa phương trước đây chỉ nhắm vào tăng trưởng nay kèm theo đánh giá tín dụng (để địa phương bớt đầu tư lãng phí) lẫn đo lường mức độ "hạnh phúc" của quần chúng (qua số lần biểu tình hay theo dõi các phát biểu trên Internet). Các địa phương một mặt ngả theo phe Tập (để được giảm tội) nhưng đồng thời bớt làm bậy (để dân chúng bớt phẫn nộ). Bù lại Bắc Kinh nhắm mắt cho địa phương đe dọa các phong trào quần chúng để không nổi lên quá trớn.
4. Nợ xấu bớt đi nên thị trường tài chính tái ổn định. Nhà nước cấp vốn và ra lệnh các ngân hàng mạnh sát nhập những ngân hàng yếu kém nhằm kiểm soát không cho vay bừa bãi như trước, một mặt che giấu các khoảng nợ của công ty quốc doanh nhưng đồng thời ép buộc những công ty này phải canh tân hóa. Biện pháp nói trên tuy trái với nguyên tắc đào thải của thị trường tự do nhưng hữu hiệu vì củng cố hệ thống ngân hàng và khôi phục niềm tin trong dân chúng mà không sinh hỗn loạn.
5. Nhà nước đầu tư xây xa lộ, phi trường, xe lửa và internet nối liền các thành phố nhỏ. Các địa phương chiêu dụ công ty về nhờ giá nhân công hạ, đất rẻ và hạ tầng đầy đủ so với Bắc Kinh, Thượng Hải v.v…
6. Khi dân chúng có nhà ở và việc làm thì tiêu xài rộng rãi. Trái với liều thuốc của nhiều kinh tế gia Tây Phương là nền kinh tế Trung Quốc phải giảm đầu tư mà tăng tiêu thụ, Bắc Kinh tăng đầu tư để thúc đẩy tiêu thụ và tăng trưởng kinh tế.
Ở Mỹ và Châu Âu giải quyết khủng hoảng phần lớn chỉ qua biện pháp tiền tệ (monetary policy – in tiền và hạ thấp tín dụng) của Ngân hàng Trung ương thay vì phối hợp nhịp nhàng với ngân sách nhà nước (fiscal policy – đầu tư hạ tầng để kích cầu) vì giữa Hành pháp và Quốc hội (Mỹ) hay giữa Bắc và Nam Âu (Châu Âu) cãi nhau chí choé. Trong khi đó ở Trung Quốc, Đảng cộng sản toàn trị đạo diễn cả ngân sách lẫn tiền tệ từ trung ương đến địa phương, cho dù sinh nhiều bất cập nhưng so ra vẫn hữu hiệu hơn Âu-Mỹ.
Điều này cũng giống như đối phó với đại dịch Vũ Hán, ở Trung Quốc tuy tàn nhẫn nhưng hiệu quả so với tình trạng hỗn loạn của Anh-Mỹ.
Churchill đã nhận xét "dân chủ tồi tệ hơn cả, duy chỉ một điều là các hệ thống chính trị khác đều được thử qua và thất bại". Khi dân chủ hỗn loạn thì dân chúng mơ ước mẫu người hùng hay minh quân trị nước. Nhưng lịch sử cho thấy các triều đại đều bắt đầu với minh quân và kết thúc bằng bạo chúa.
Nước Tàu hiện có minh-bạo-chúa ! Báo chí Trung Quốc hay nhắc rằng mỗi triều đại thường kéo dài 150-200 năm, tức là Đảng cộng sản chỉ mới đi nửa đoạn đường (so với nền dân chủ Hoa Kỳ nay già cỗi sau 240 năm). Bài sau sẽ phân tích về những ưu và khuyết điểm của mô hình Tư bản Nhà nước ở Trung Quốc.
Đoàn Hưng Quốc
Nguồn : VNTB, 10/10/2020
Bộ phận dự báo, phân tích và tư vấn rủi ro (Economist Intelligence Unit-EIU) thuộc tập đoàn The Economist (Anh) nhận định rằng nền kinh tế toàn cầu năm 2020 có thể sẽ tiếp tục gặp nhiều thách thức bởi tác động từ tình trạng bất ổn địa chính trị cùng với sự bùng phát đại dịch toàn cầu COVID-19.
Theo EIU, năm 2019 quả là một năm khó khăn đối với nền kinh tế toàn cầu, khi tình hình địa chính trị bất ổn kết hợp với kinh tế Trung Quốc giảm tốc đã khiến hoạt động sản xuất toàn cầu suy yếu. EIU từng dự đoán với gói kích thích tiền tệ và đôi chút may mắn, kinh tế toàn cầu năm 2020 sẽ tăng trưởng có phần nhanh hơn. Tuy nhiên, sự tiếp diễn tình trạng bất ổn địa chính trị (căng thẳng giữa Mỹ và Iran bùng phát trở lại vào tháng 1), cùng với sự xuất hiện của virus SARS-CoV-2 ở Trung Quốc sẽ cản trở mọi khả năng phục hồi niềm tin và đầu tư trong giới kinh doanh, và trước viễn cảnh này, cán cân rủi ro chắc chắn nghiêng về phía tiêu cực. Trong khi đó, tình trạng bất ổn xã hội trên toàn thế giới năm 2019 dường như sẽ tiếp diễn trong năm 2020, thách thức cả các nhà hoạch định chính sách lẫn các mô hình kinh doanh.
Dự báo tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2020 là 2,9%, gần chạm mức thấp trong thập kỷ. EIU cho rằng mức tăng trưởng khiêm tốn của Mỹ sẽ khiến tăng trưởng kinh tế ở các nước phát triển chậm lại vào năm 2020. Trong khi đó, sự xuất hiện của virus SARS-CoV-2 ở Trung Quốc sẽ làm giảm triển vọng tăng trưởng của Châu Á. EIU chỉ mong đợi một sự hồi phục khiêm tốn ở phần còn lại của thế giới mới nổi, bao gồm khu vực Mỹ Latinh, Trung Đông và Châu Phi hạ Sahara, kể từ năm 2019 đầy khó khăn.
Chính sách tiền tệ hết sức lỏng lẻo giữa các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới đã củng cố triển vọng tăng trưởng này. Điều này sẽ đáp ứng nhu cầu tại các thị trường phát triển và hạn chế áp lực tài chính mà một số nền kinh tế thị trường mới nổi mắc nợ chồng chất có thể phải đối mặt. Tuy nhiên, chính sách tiền tệ hết sức lỏng lẻo này cũng ẩn chứa rủi ro, vì nó có thể châm ngòi cho các cuộc khủng hoảng nợ mới ở những thị trường mới nổi. Các điểm nóng tiềm năng gồm có Brazil, nơi đã vượt qua rào cản cải cách lương hưu ; Thổ Nhĩ Kỳ, nơi mà sự ổn định tiền tệ gần đây đang giúp bình ổn nền kinh tế vĩ mô ; và Nam Phi, nơi tình trạng thiếu hụt năng lượng đang lan rộng. Quan trọng nhất là thỏa thuận thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc vẫn còn mong manh và không thể loại trừ khả năng bùng nổ căng thẳng giữa hai siêu cường kinh tế thế giới. Trong bối cảnh đó, các nhà hoạch định chính sách và các doanh nghiệp cần chuẩn bị sẵn sàng để ứng phó với tình hình biến động hơn nữa trong năm 2020.
Trong báo cáo này, EIU cung cấp thông tin ngắn gọn về các khả năng định lượng rủi ro của họ bằng cách xác định và đánh giá 5 rủi ro lớn nhất đối với trật tự chính trị và kinh tế toàn cầu. Mỗi rủi ro được phác thảo và đánh giá dựa trên khả năng xảy ra đối với nền kinh tế toàn cầu. EIU cũng đưa ra phân tích rủi ro trên cơ sở từng quốc gia đối với 180 quốc gia thông qua Báo cáo rủi ro, và các đánh giá chi tiết về rủi ro tín dụng đối với 131 quốc gia thông qua Bộ phận đánh giá rủi ro quốc gia của EIU. Những kết quả này kết hợp lại sẽ cho phép đưa ra dự đoán và lên kế hoạch ứng phó với các mối đe dọa chính đối với các tổ chức, chuỗi cung ứng và nước chủ nợ. EIU đưa ra mô hình đánh giá rủi ro hiệu quả, phân tích kịch bản và xem xét các sự kiện hàng ngày để ứng phó với các mối đe dọa và tranh thủ các cơ hội vốn đầy rẫy trong nền kinh tế toàn cầu hiện nay.
1. Xung đột Mỹ-Iran khiến giá dầu toàn cầu tăng vọt
Khả năng xảy ra : 25%
Vụ ám sát tướng Qassem Soleimani, chỉ huy kỳ cựu của Lực lượng Quds tinh nhuệ thuộc Lực lượng Vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC), hôm 3/1 đã đánh dấu sự leo thang căng thẳng đầy kịch tính và nguy hiểm giữa Mỹ và Iran.
Cả Chính phủ Mỹ lẫn các đồng minh vùng Vịnh đều muốn tránh một cuộc xung đột mà có thể khiến giá dầu tăng vọt đến mức gây bất ổn, và Iran cũng không có phương tiện quân sự hay tài chính để tiến hành một cuộc chiến chống Mỹ. Tuy nhiên, tình trạng hết sức căng thẳng giữa hai bên khiến hoạt động thông tin liên lạc trở nên phức tạp. Ngoài ra, rất có khả năng Iran sẽ tiến hành các cuộc tấn công có mục tiêu nhằm vào lợi ích của Mỹ ở Trung Đông trong những tháng tới ; các cuộc tấn công như vậy có khả năng diễn ra tại những nước mà ở đó, Mỹ và Iran ủng hộ các bên hay phe phái khác nhau như Yemen, Liban, Syria và Iraq. Các cuộc tấn công mạng (từ cả hai phía) cũng là một khả năng dễ nhận thấy. Mỹ hoặc một trong những đồng minh của họ, như Israel, có thể làm tê liệt các cơ sở hạt nhân của Iran thông qua việc sử dụng virus máy tính. Iran cũng có khả năng tiến hành các cuộc tấn công mạng nhằm vào các công ty Mỹ ; tài chính và năng lượng có vẻ là những lĩnh vực nhạy cảm nhất, khi xét tới tầm quan trọng của các công ty trong những lĩnh vực này đối với nền kinh tế Mỹ.
Kết quả là không thể loại trừ nguy cơ vô tình rơi vào một cuộc xung đột quân sự leo thang. EIU ước tính rằng khả năng Mỹ và Iran bị kéo vào một cuộc chiến trực tiếp thông thường, gây ra hậu quả tàn khốc cho nền kinh tế toàn cầu là 25%. Đặc biệt trong kịch bản này, eo biển Hormuz (khoảng 20% lượng cung dầu toàn cầu được vận chuyển qua đây) rất có thể bị đóng cửa trong một thời gian dài. Mặc dù Mỹ và Nga có khả năng tăng cường sản xuất dầu mỏ để tránh cú sốc nguồn cung tạm thời, nhưng tình trạng gián đoạn nguồn cung dầu mỏ kéo dài có thể khiến giá dầu lên tới 90 USD/thùng, làm gia tăng tình trạng lạm phát toàn cầu cũng như làm nản lòng người tiêu dùng và giới kinh doanh.
2. Cuộc chiến thương mại bùng nổ giữa Mỹ và EU
Khả năng xảy ra : 25%
Quan hệ thương mại Mỹ-EU đã trở nên căng thẳng kể từ giữa năm 2018, khi Chính phủ Mỹ mở cuộc điều tra theo Mục 232 về tác động của việc nhập khẩu ô tô và phụ tùng ô tô được sản xuất tại nước ngoài đối với an ninh quốc gia, và đe dọa sẽ tăng 25% thuế đối với ô tô nhập khẩu từ Châu Âu. Mặc dù Mỹ dường như đã rút lại lời đe dọa, nhưng căng thẳng vẫn tồn tại trên một số mặt trận. Tháng 10/2019, Mỹ đã áp thuế đối với một loạt hàng hóa của EU, sau các cuộc điều tra về việc EU trợ cấp cho Airbus. Mỹ cũng đe dọa áp thêm thuế đối với Pháp nhằm đáp trả việc nước này áp thuế đối với dịch vụ kỹ thuật số. Cuối cùng, Thỏa thuận Xanh mới của EU cũng là một chủ đề gây tranh cãi trong quan hệ thương mại Mỹ-EU.
Căng thẳng EU-Mỹ sẽ còn gia tăng hơn nữa trong năm nay, vì Mỹ đã quan tâm trở lại tới thặng dư thương mại của EU với Mỹ sau khi hoàn tất thỏa thuận thương mại giai đoạn một với Trung Quốc, và EU có lập trường quyết đoán hơn sau khi Ủy ban Châu Âu mới lên nắm quyền. Do đó, không thể loại trừ khả năng thuế quan liên quan đến ngành công nghiệp ô tô của Mỹ và EU tiếp tục leo thang. Ngoài ra, tiến độ đàm phán thương mại vẫn sẽ chậm đến mức gây nản lòng, với khả năng EU sẽ không nhượng bộ đáng kể trong lĩnh vực nông nghiệp. Do đó, nguy cơ rủi ro gia tăng là rất cao. Cuối cùng, mặc dù Pháp và Mỹ đã nhất trí về việc tạm dừng cuộc chiến thuế quan, nhưng rõ ràng vẫn có khả năng Mỹ áp thuế trả đũa thuế dịch vụ kỹ thuật số của Pháp (chủ yếu nhắm mục tiêu vào các công ty công nghệ lớn của Mỹ).
Bất kỳ tranh chấp nào trong số này cũng có thể châm ngòi cho một cuộc chiến thương mại có hại giữa Mỹ và EU. Nếu Mỹ áp thuế đối với ô tô nhập khẩu từ EU, thì tác động đối với nền kinh tế EU, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, sẽ rất nghiêm trọng : Ngành công nghiệp ô tô chiếm khoảng 6% tổng số việc làm tại EU và ngoài tác động tức thì của việc sụt giảm lượng xuất khẩu sang Mỹ và các nước thứ ba, niềm tin của giới kinh doanh ở những nước chủ chốt trong EU cũng sẽ bị tổn hại nặng nề. EU sẽ buộc phải trả đũa, làm tăng nguy cơ xảy ra chiến tranh thương mại toàn cầu khi các nước thứ ba buộc phải chọn phe. Tác động đối với nền kinh tế toàn cầu cũng sẽ nghiêm trọng, vì tăng trưởng toàn cầu sẽ giảm tốc, lạm phát sẽ tăng lên, tâm lý của người tiêu dùng và giới kinh doanh sẽ bị ảnh hưởng.
3. Dịch COVID-19 gây thiệt hại lâu dài cho nền kinh tế toàn cầu
Khả năng xảy ra : 20%
Cho đến nay, dịch COVID-19 bùng phát tại Vũ Hán, thủ phủ của tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc vào tháng 12/2019 đã lan khắp toàn cầu và khiến hàng chục nghìn người tử vong. Sau phản ứng chậm chạp ban đầu, Chính phủ Trung Quốc đã phong tỏa Hồ Bắc, hạn chế đáng kể một khu vực vốn có vai trò hết sức quan trọng đối với các chuỗi cung ứng quốc gia và quốc tế. Hoạt động kinh tế ở các khu vực khác, trong đó có Bắc Kinh và Thượng Hải, cũng bị gián đoạn do các biện pháp cách ly ; nhu cầu hàng hóa và dịch vụ trong nước giảm sút. Ngoài ra, các biện pháp hạn chế đi lại đã tác động đáng kể đến dịch vụ du lịch và lữ hành ở trong và ngoài Trung Quốc.
So với dịch SARS, cũng do virus corona gây ra và khởi phát tại Trung Quốc năm 2003, dịch COVID-19 có tác động sâu sắc hơn đến nền kinh tế toàn cầu do Trung Quốc hiện có vai trò lớn hơn trong đó. Tuy nhiên, phần lớn điều này phụ thuộc vào việc thời kỳ gián đoạn kéo dài bao lâu. Kịch bản ban đầu của EIU, dựa trên một loạt đánh giá của các chuyên gia y tế, là tình trạng y tế khẩn cấp ở Trung Quốc sẽ được kiểm soát vào cuối tháng 3. Khi đó, Chính phủ Trung Quốc sẽ dỡ bỏ các biện pháp cách ly và hoạt động kinh tế sẽ trở lại bình thường. EIU giả định rằng Chính phủ Trung Quốc cũng sẽ thực hiện các biện pháp kích thích tài chính và tiền tệ mạnh mẽ để phục hồi tiến trình mở rộng kinh tế, lấy lại đà tăng trưởng trong nửa cuối năm nay cả ở Trung Quốc lẫn trên toàn thế giới.
EIU ước tính khả năng virus bị khống chế giữa năm 2020 là 20%, và sau năm 2020 là 5%. Trong kịch bản sau, tác động về kinh tế sẽ sâu sắc và dai dẳng hơn. Tình trạng gián đoạn thương mại quốc tế sẽ trở nên nghiêm trọng khi các chuỗi cung ứng bị chuyển hướng khỏi Trung Quốc ; một số quốc gia có khả năng đặt ra những hạn chế nghiêm ngặt đối với thương mại song phương. Căng thẳng thương mại Mỹ-Trung nhiều khả năng sẽ leo thang trở lại, đặc biệt là nếu Trung Quốc tỏ ra không sẵn sàng hoặc không thể thực hiện các cam kết nhập khẩu theo thỏa thuận thương mại hạn chế giai đoạn một được ký kết gần đây. Số lượng các nhà xuất khẩu quốc tế gặp khó khăn về tài chính sẽ gia tăng, do lượng cầu ở Trung Quốc liên tục giảm khiến giá hàng hóa và doanh thu xuất khẩu cũng giảm theo. Cuộc khủng hoảng y tế đang diễn ra cũng sẽ là mối đe dọa đối với sự ổn định chính trị và tài chính bên trong Trung Quốc. Nếu tính hợp pháp và danh tiếng về năng lực của Chính phủ Trung Quốc bị đe dọa nghiêm trọng, thì có khả năng họ sẽ phản ứng bằng cách tăng cường các biện pháp kiểm soát xã hội. Đồng thời, nếu Chính phủ kéo dài việc sử dụng các chính sách tài chính và tiền tệ lỏng lẻo để kích thích nền kinh tế đến năm 2021 và lâu hơn, thì điều đó sẽ gợi lại mối quan ngại về mức nợ lớn của khu vực tư nhân và sự ổn định tài chính trong dài hạn của Trung Quốc.
Nếu tính đến tác động trực tiếp của việc lượng cầu ở Trung Quốc giảm, cũng như tình trạng gián đoạn kinh tế tiềm tàng ở các quốc gia khác khi dịch COVID-19 lan rộng ra toàn cầu, thì dự báo của EIU về tăng trưởng GDP thực toàn cầu có thể giảm xuống dưới 2,5% trong năm nay.
4. Gánh nặng nợ gây suy thoái kinh tế trên các thị trường mới nổi
Khả năng xảy ra : 20%
Tình trạng lãi suất thấp trong một thập kỷ đã khiến nợ toàn cầu gia tăng, đặc biệt là ở nhiều thị trường mới nổi, nơi mà nợ nước ngoài hiện cao hơn đáng kể so với năm 2009. Ở những nền kinh tế phát triển, nợ của các hộ gia đình đã giảm, nhưng đó là do nợ công gia tăng. Mức độ và rủi ro của nợ doanh nghiệp cũng tăng lên, đặc biệt ở Mỹ. Do đó, triển vọng tăng trưởng toàn cầu đã trở nên mong manh hơn trước sự thay đổi về tình hình tài chính, chẳng hạn như những thay đổi về lãi suất của Mỹ hoặc mức độ chấp nhận rủi ro trên thị trường tài chính, điều có thể nhanh chóng khiến các quốc gia mắc nợ phải chịu chi phí huy động vốn cao hơn. Điều này đã xảy ra vào năm 2018, khi lãi suất của Mỹ tăng và đồng USD tăng giá so với các loại tiền tệ khác gây ra biến động tiền tệ lan rộng ở các thị trường mới nổi, châm ngòi cho các cuộc khủng hoảng tiền tệ và tình trạng suy thoái nghiêm trọng ở Thổ Nhĩ Kỳ và Argentina.
Kể từ đó, việc Ngân hàng dự trữ liên bang (FED), Ngân hàng trung ương Châu Âu (ECB) và các ngân hàng trung ương lớn khác tiếp tục chuyển hướng sang nới lỏng chính sách tiền tệ đã khiến các tập đoàn và chính phủ đang mắc nợ cảm thấy "dễ thở" hơn. Tuy nhiên, họ vẫn có khả năng bị tổn thương nếu tình hình thị trường đột ngột chuyển biến xấu đi, như giá hàng hóa xuất khẩu hay mức độ chấp nhận rủi ro trên toàn cầu giảm mạnh, dẫn đến việc các bên cho vay chuyển hướng sang đầu tư an toàn. Hơn nữa, nguy cơ lãi suất toàn cầu tiếp tục gia tăng vẫn chưa biến mất. Áp lực chính trị đối với bộ máy chính quyền đã dẫn đến việc một số nền kinh tế tiên tiến, kể cả Mỹ và Anh, chuyển hướng khỏi chính sách thắt lưng buộc bụng. Ngay cả EU cũng đã bắt đầu nới lỏng chính sách tài chính. Nếu tiếp tục đà này, thì chính sách tiền tệ ở các thị trường phát triển có thể bị thắt chặt sớm hơn so với mong đợi hiện nay của các thị trường tài chính, dẫn đến việc tái diễn tình huống năm 2018 khi chi phí nợ toàn cầu tăng lên và các dòng vốn chảy ra khỏi các thị trường mới nổi nhiều rủi ro hơn.
Theo những kịch bản này, các nền kinh tế dễ bị tổn thương vừa ổn định được giá trị đồng tiền của mình như Thổ Nhĩ Kỳ và Argentina có thể lại nhanh chóng rơi vào khủng hoảng, và các cuộc khủng hoảng mới có thể xuất hiện, đặc biệt ở các nước trông chờ sự hỗ trợ song phương từ Trung Quốc hoặc các cường quốc khu vực. Ở một loạt thị trường mới nổi, chi tiêu sẽ bị cắt giảm, có khả năng khiến phần lớn thế giới rơi vào tình trạng suy thoái.
5. Các cuộc biểu tình ở Hong Kong khiến trung tâm tài chính lớn nhất Châu Á chuyển sang nơi khác
Khả năng xảy ra : 15%
Kể từ tháng 6/2019, tình trạng bất ổn xã hội nghiêm trọng đã làm rung chuyển Hong Kong. Nguyên nhân ban đầu là do Chính quyền Hong Kong đã tìm cách thông qua các cải cách về luật dẫn độ, cho phép dẫn độ người dân Hong Kong về Trung Quốc đại lục. Tuy nhiên, các cuộc biểu tình đã trở thành biểu hiện của sự bất mãn trên phạm vi rộng lớn hơn đối với hệ thống chính trị và ban lãnh đạo đặc khu này.
Các cuộc biểu tình rõ ràng có khả năng bùng phát trở lại trong năm 2020, nếu người dân cho rằng về lâu dài, các quyền dân sự hiện tại bị đe dọa. Điều này có thể xảy ra xung quanh thời điểm tổ chức cuộc bầu cử Hội đồng Lập pháp dự kiến vào tháng 9/2020 nếu chính quyền tiếp tục ngăn chặn các thành viên của phe chủ nghĩa bản địa, vốn ủng hộ quyền tự trị lớn hơn hay thậm chí là độc lập cho Hong Kong, ra tranh cử. Những người biểu tình cũng theo dõi, và hy vọng sẽ có trước các biện pháp kiểm soát xã hội hiện đang được triển khai ở Đại lục, trong đó có việc ứng dụng công nghệ trên phạm vi rộng hơn như công nghệ nhận diện khuôn mặt và công nghệ chuỗi khối (blockchain) trong lĩnh vực dịch vụ công và quản lý xã hội.
Nếu căng thẳng tiếp tục gia tăng, thì có nguy cơ Chính phủ Trung Quốc sẽ phản ứng trước tình trạng bất ổn dai dẳng và tinh thần ủng hộ độc lập ngày càng cao ở Hong Kong bằng cách tạm ngừng mô hình quản trị "một quốc gia, hai chế độ" vốn cho phép vùng lãnh thổ này có được quyền tự trị trên phạm vi rộng. Hướng đi này là khả thi theo Điều 18 của Luật Cơ bản, vốn cho phép áp dụng các điều luật cấp quốc gia có liên quan ở Hong Kong trong trường hợp xảy ra tình trạng hỗn loạn ngoài tầm kiểm soát của Chính quyền đặc khu. Tình trạng bất ổn leo thang có thể dẫn đến việc triển khai Quân giải phóng nhân dân từ Đại lục, làm tăng khả năng gây thương vong.
Bất kỳ kịch bản nào trong số này cũng sẽ gây ra tình trạng gián đoạn kinh tế nghiêm trọng và đột ngột, đe dọa vị thế của Hong Kong là trung tâm tài chính quan trọng thứ ba thế giới. Chúng sẽ khiến nhân tài nước ngoài – vốn là yếu tố giúp nền kinh tế Hong Kong hoạt động trơn tru – nhanh chóng rời khỏi đây và buộc nhiều doanh nghiệp nước ngoài ở Hong Kong phải đóng cửa hoặc chuyển đến các thành phố Châu Á khác như Singapore, Tokyo, Đài Bắc hoặc Bangkok. Ngoài ra, áp lực chính trị buộc Mỹ phải áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Trung Quốc sẽ khiến hai nước gặp khó khăn hơn nhiều trong việc duy trì các cuộc đàm phán thương mại và có thể khiến căng thẳng giữa Trung Quốc và phương Tây đột ngột gia tăng.
The Economist
Nhà quản lý quỹ đầu cơ hàng đầu thế giới Ray Dalio nói rằng chu kỳ kinh doanh toàn cầu hiện nay đang ở giai đoạn "võng sâu" và nền kinh tế thế giới đang có ít nhất hai điểm tương đồng với hồi thập niên 1930 - thời kỳ của Đại suy thoái.
Nhà đầu cơ Ray Dalio - Ảnh : CNBC.
Trong một cuộc trao đổi với hãng tin CNBC ngày 17/10 bên lề hội nghị thường niên của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) ở Washington, ông Dalio nói hiện đã quá muộn để các ngân hàng trung ương có thể tạo ra khác biệt lớn, bởi các nền kinh tế đã bước vào một thời kỳ giảm tốc tự nhiên.
"Chu kỳ này đang đi vào suy yếu, và chúng ta đang ở trong một giai đoạn mà tôi muốn gọi là ‘võng sâu’", ông Dalio nói. Theo "ông trùm" của lĩnh vực đầu cơ, việc nới lỏng chính sách tiền tệ, đặc biệt là hạ lãi suất, khó có thể mang lại nhiều tác dụng trong việc kích cầu nền kinh tế.
"Châu Âu đã ở vào giới hạn đó rồi, Nhật Bản cũng vậy, còn Mỹ thì cũng không còn nhiều dư địa", ông Dalio nhận xét.
Theo vị tỷ phú Mỹ, thế giới hiện đang chứng kiến khoảng cách giàu nghèo lớn nhất kể từ thập niên 1930, và điều này đang tạo ra sức ép lớn về chính trị.
"Ở Mỹ, 1/10 trên cùng của nhóm 1% dân số giàu nhất nắm giữ tổng giá trị tài sản ròng gần bằng toàn bộ nhóm 90% dân số dưới cùng", ông Dalio nhấn mạnh.
Ông Dalio cũng cho rằng sự nổi lên hiện nay của Trung Quốc là một điểm tương đồng nữa với những gì đã diễn ra trong thập niên 1930.
"Giống như trong thập niên 1930, chúng ta đang chứng kiến một cường quốc đang nổi lên thách thức trật tự thế giới vốn có. Đó là cuộc đối đầu giữa Trung Quốc và Mỹ", ông nói.
Ông Dalion, nhà sáng lập quỹ đầu cơ lớn nhất thế giới Bridgewater Associates, cũng cho rằng có 4 dạng chiến tranh để theo dõi hiện nay, bao gồm chiến tranh thương mại, chiến tranh công nghệ, chiến tranh tiền tệ, và chiến tranh địa chính trị.
An Huy
Nguồn : VnEconomy, 18/10/2019
Trong năm 2019 này, liệu thế giới có thể bị suy trầm kinh tế nữa hay không, và khi đó, các nước có thể làm những gì để ứng phó ? Diễn đàn Kinh tế sẽ tìm hiểu dự báo này cho năm tới….
Nếu kinh tế toàn cầu lại bị suy trầm - AFP
Nguyên Lam : Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do và Nguyên Lam xin kính chào kinh tế gia Nguyễn-Xuân Nghĩa.
Thưa ông, nếu kinh tế toàn cầu lại bị suy trầm vào năm 2019 như nhiều nơi dự đoán thì các nước có thể làm gì để ngăn ngừa hậu quả ?
Nguyễn-Xuân Nghĩa : Người ta thường nói "kinh tế học là bộ môn khoa học u ám" vì thiên hạ chỉ quan tâm đến kinh tế khi tình hình gặp khó khăn, chứ khi mọi việc hanh thông thì ít ai quan tâm đến kinh tế và cho rằng mình thành công là nhờ tài năng riêng. Nhưng, giới nghiên cứu kinh tế cũng thường tự mỉa mai rằng họ dự đoán đúng cả chục vụ suy trầm trong chỉ có hai ba lần thực tế xảy ra. Sở dĩ tôi nói vậy để cho thấy kinh tế chính trị học không là một bộ môn khoa học chính xác và mọi dự đoán về tương lai đều có thể sai vì chẳng ai biết trước được.
Bước thứ hai là ta nên xác định nội dung của những gì sẽ nói vì nếu không hiểu cùng một định nghĩa thì rất dễ gây hiểu lầm, mà sự hiểu lầm của đám đông trong thị trường thường gây ra phản ứng bất lợi, có khi là "hậu quả bất lường".
Bây giờ, khi nhiều trung tâm nghiên cứu của quốc tế đều cùng đưa ra những dự đoán không lạc quan về viễn ảnh kinh tế toàn cầu trong năm 2019 này thì chúng ta hãy quan tâm và tự nêu câu hỏi rằng tình hình sẽ ra sao.
Nguyên Lam : Chúng ta sẽ đi từng bước và Nguyên Lam xin hỏi ông về định nghĩa của từ suy trầm để cùng thống nhất ý kiến về nội dung của những gì mình phân tích.
Nguyễn-Xuân Nghĩa : Trước hết, tôi xin định nghĩa suy trầm hay "recession" là gì. Nó là sự sút giảm đà tăng trưởng trong hai quý liền là trong sáu tháng liên tục, và có thể kéo dài vài năm. Đấy là hiện tượng thăng giáng hay lên xuống theo chu kỳ trong sinh hoạt kinh tế. Nó chưa nghiêm trọng bằng suy thoái hay "depression" là khi sản lượng không tăng dù ít hơn mà còn giảm, thoái là lui. Khi nạn suy thoái lan rộng và kéo dài thì ta mới có khủng hoảng hay "crisis", là một chữ quá thông dụng trong lĩnh vực truyền thông ngày nay.
Chuyện thứ hai là người ta thường chỉ biết rằng kinh tế bị suy trầm chừng năm sáu tháng sau khi điều ấy đã xảy ra và vì vậy ai cũng muốn dự báo căn cứ trên một số chỉ dấu tiên báo, nhưng có thể đoán sai. Một trong các chỉ dấu tiên báo là khi đường tuyến của phân lời trái phiếu dài hạn và ngắn hạn lại nằm ngang, là điều đang xảy ra tại Hoa Kỳ. Nếu đúng như vậy thì kinh tế Mỹ có thể bị suy trầm nhẹ vào năm 2020, sau vụ suy trầm lần trước, từ Tháng 12 năm 2007 tới Tháng Bảy 2009, nhưng với hậu quả xã hội và chính trị lần này lại trầm trọng hơn. Tuy nhiên, kinh tế toàn cầu không chỉ có Hoa Kỳ mà còn nhiều nước khác.
Nguyên Lam : Thưa ông, cho tới nay thì các trung tâm nghiên cứu của thế giới dự báo thế nào về tình hình tăng trưởng sản xuất vào năm tới ?
Nguyễn-Xuân Nghĩa : Khi tham khảo công trình nghiên cứu của quốc tế, từ các định chế đa phương như Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế IMF, Ngân hàng Thế Giới hay là Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế OECD gồm 34 nền kinh tế tiên tiến tới các trung tâm đầu tư kinh tế tài chính thực hiện riêng cho thân chủ của họ, tôi đều thấy một nét chung ở chữ "bất trắc" là biến động khó lường. Riêng tôi thì quan tâm đến hai chuyện là nạn Tổng Suy Trầm 2008-2009 khiến nhiều quốc gia phải có biện pháp ứng phó bất thường vì cả thế giới cùng bị suy trầm một lúc. Chuyện thứ hai là 10 năm sau, ngày nay ta có thể thấy tái diễn hiện tượng tương tự vào năm 2019 này. Khi đó các nước có thể làm những gì ?
Nguyên Lam : Nguyên Lam xin đề nghị ông đi từng bước để nói về sự bất trắc và nạn suy trầm sắp tới.
Nguyễn-Xuân Nghĩa : Nói về sự bất trắc, ta không quên rằng sau vụ khủng hoảng tài chính năm 2008 xuất phát tại Hoa Kỳ với dấu hiệu tiên báo từ Âu Châu vào cuối năm 2007, rồi nạn suy trầm kinh tế Mỹ từ Tháng 12 năm 2007 tới Tháng Bảy năm 2009 thì các khối kinh tế lớn đều cùng có biện pháp tăng chi ngân sách và bơm tiền để kích thích kinh tế. Việc tăng chi chất thêm một núi nợ kỷ lục và việc bơm tiền làm giảm lãi suất tới sàn, là mấp mé số không, thậm chí tới số âm là dưới 0% và làm cho tiền rẻ với những hậu quả cho tới nay vẫn còn tồn tại.
Khi tình hình có vẻ tạm khả quan, trước tiên tại Hoa Kỳ từ năm 2014-2015, thì Ngân hàng Trung ương Mỹ bắt đầu tăng lãi suất từ mấp mé zero và chuẩn bị thu hồi lại lượng tiền quá lớn đã bơm ra. Trước đó, nhờ lãi suất rẻ và tiền nhiều, các nền kinh tế khác đều ồ ạt vay tiền bằng đô la Mỹ, còn trên thị trường Hoa Kỳ, giới đầu tư dồn tiền từ thị trường trái phiếu có phân lời thấp qua thị trường cổ phiếu có doanh lợi cao hơn làm cổ phiếu Hoa Kỳ tăng giá ngoạn mục trong nhiều năm liền. Bây giờ ta gặp chuyện trái ngược là cổ phiếu có thể sụt giá mà phân lời trái phiếu lại tăng, đó là nguyên do của hiện tượng bất trắc và nạn lên giá hay xuống giá đột ngột trong năm nay.
Nguyên Lam : Đã vậy, hình như trận thương chiến giữa hai nền kinh tế có sản lượng cao nhất thế giới là Hoa Kỳ và Trung Quốc cũng là yếu tố bất trắc nữa về cả kinh tế lẫn chinh trị quốc tế, ông có nghĩ như vậy không ?
Nếu kinh tế toàn cầu lại bị suy trầm. AFP
Nguyễn-Xuân Nghĩa : Dĩ nhiên là chúng ta quan tâm đến chuyện đó, mà không quên một khối kinh tế thứ ba là Âu Châu, với nhiều khó khăn sẽ bùng nổ năm tới sau khi lên tới cao độ vào cuối năm nay và cũng nên để ý đến khối kinh tế thứ tư là nhóm quốc gia gọi là "đang phát triển", nhất là các nước lỡ vay quá nhiều bằng đô la Mỹ khi đồng bạc này lên giá và sẽ bị khủng hoảng về tiền tệ và ngoại hối.
Gói lại cho tròn để thính giả của chúng ta cùng theo dõi thì tình hình kinh tế toàn cầu năm 2019 sẽ thiếu khả quan mà đáng lo ngại nhất trong hoàn cảnh đó là các nước đều hết khả năng ứng phó sau những gì đã thực hiện thời 2008-2009.
Nguyên Lam : Ông bắt đầu đi vào chủ điểm là nếu kinh tế toàn cầu lại bị suy trầm nữa vào năm tới thì các nước có thể làm gì. Xin ông phân tích cho chuyện đó.
Nguyễn-Xuân Nghĩa : Vì kinh tế cũng là chính trị, ta không nên quên rằng cái trật tự tạm bợ từ khi Liên bang Xô viết sụp đổ và Chiến Tranh Lạnh kết thúc năm 1992 đã không còn nữa. Đấy là bối cảnh chung. Sau đó mới là vụ Tổng Suy Trầm 2008-2009 và các liều thuốc tôi gọi là đổ bệnh.
Trong năm tới, sản lượng kinh tế thế giới có thể giảm, là bị suy trầm, vì kinh tế Trung Quốc hết tăng trưởng như xưa, chưa nói tới hiệu ứng của trận thương chiến với Hoa Kỳ. Thứ hai, khối kinh tế có hơn 500 triệu dân và sản lượng mấp mé Hoa Kỳ là Âu Châu thì bị khủng hoảng chính trị khi sản xuất của nhóm Euro dùng đồng tiền thống nhất lại sa sút hơn cả với đà tăng trưởng èo uột năm nay là 1,9% sẽ chỉ còn là 1,6% vào năm 2020. Thứ ba, kinh tế Hoa Kỳ đã hồi phục rất chậm từ năm 2014-2015 và tăng trưởng mạnh từ năm ngoái cho tới năm nay lại có thể bị suy trầm nhẹ vào cuối năm tới. Thứ tư, khối kinh tế đang phát triển, sống nhờ buôn bán với các nước Âu, Mỹ, Tầu, dễ bị hậu quả tai hại khi ba khối kinh tế dẫn đầu ấy đều lụn bại. Câu hỏi then chốt là các nước có thể làm gì trong kịch bản đen tối ấy ?
Nguyên Lam : Thưa ông, đấy cũng là thắc mắc của thính giả. Ông trả lời sao ?
Nguyễn-Xuân Nghĩa : So với cảnh ngộ của năm 2008, các nước nói chung đều "hết thuốc chữa", nôm na là khó có giải pháp thỏa đáng.
Thông thường, khi sản xuất bị đình trệ, người ta có hai loại biện pháp kích thích là ngân sách và tiền tệ. Biện pháp ngân sách là tăng chi và giảm thuế, biện pháp tiền tệ là hạ lãi suất và bơm tiền vào kinh tế cho tài hóa dễ lưu thông.
Khốn nỗi, trong khối công nghiệp hóa, biện pháp tiền tệ hết công hiệu cho nạn suy trầm sắp tới vì ngoài nước Mỹ đã tăng lãi suất thì các khối kinh tế kia, như Âu Châu hay Nhật Bản vẫn duy trì lãi suất quá thấp và hết đất lùi. Ngân hàng Trung ương Âu Châu còn trù tính là nâng lãi suất ra khỏi số âm vào Tháng Chín năm tới. Tình trạng sa sút của kinh tế Đức, Pháp, Ý và khủng hoảng chính trị hiện nay tại Đức, Pháp, Ý và cả nước Anh với hồ sơ Brexit đang bị bế tắc sẽ khiến các nước khó phối hợp và thống nhất ý kiến về biện pháp tiền tệ.
Nguyên Lam : Thế còn biện pháp ngân sách là tăng chi hay giảm thuế, thưa ông, lần này, biện pháp đó có còn thỏa đáng hay không mà ông nói là "hết thuốc chữa" ?
Nguyễn-Xuân Nghĩa : Tôi xin đề nghị là ta cùng nhìn vào các khối kinh tế đang dẫn đầu thế giới như Hoa Kỳ, Âu Châu, Trung Quốc và Nhật Bản. Hoa Kỳ đã bị bội chi ngân sách quá lớn, tới cả ngàn tỷ đô la một năm, và còn gặp nạn ách tắc chính trị sau cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ tổng thống vào tháng trước nên rất khó xoay trở.
Âu Châu còn khó hơn vậy cũng vì nạn bội chi ngân sách của các nước và không còn khả năng phối hợp hay chế tài các nước vi phạm. Trung Quốc và Nhật Bản cũng chẳng khá hơn dưới một núi nợ quá lớn. Đấy là ta chưa nói đến một hệ quả của biện pháp ngân sách lẫn tiền tệ là sẽ đẩy mạnh số tiêu thụ và nhập khẩu nên lại giúp cho các nước xuất khẩu. Kết cuộc bất ngờ thì nếu kinh tế suy trầm, xứ nào cũng cần bán hàng ra ngoài và gây thêm mâu thuẫn về mậu dịch.
Nguyên Lam : Nếu vậy thì các nước sẽ bó tay hay sao, thưa ông ?
Nguyễn-Xuân Nghĩa : Tôi nghĩ đến sản phẩm khan hiếm nhất trên thị trường chính trị quốc tế hiện nay là "khả năng phối hợp" ! Trên các diễn đàn đa phương như G-20 của các nước có sản lượng kinh tế lớn nhất địa cầu, hay diễn đàn hơp tác kinh tế Á Châu Thái Bình Dương, hoặc nhóm G-7 của các nước công nghiệp hóa Tây phương, người ta không thấy được sự đồng thuận về việc phối hợp chính sách như tại Thượng đỉnh G-20 vào cuối năm 2008 tại Hoa Kỳ.
Kết cuộc thì khi sinh hoạt kinh tế đi vào một chu kỳ đình trệ, có thể xảy ra năm tới, các nước khó điều hợp được một đối sách chung vì những ràng buộc riêng trong từng nước. Vì vậy, ngoài rủi ro suy trầm, ta sẽ còn có thêm rủi ro vì thiếu sự phối hợp quốc tế.
Nguyên Lam : Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do cùng Nguyên Lam xin cảm tạ chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa về bài dự báo kỳ này, và xin hẹn quý thính giả vào tuần sau.
Nguyên Lam
Nguồn : RFA, 12/12/2018