Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

09/04/2020

Năm rủi ro hàng đầu đối với kinh tế toàn cầu năm 2020

The Economist

Bộ phận dự báo, phân tích và tư vấn rủi ro (Economist Intelligence Unit-EIU) thuộc tập đoàn The Economist (Anh) nhận định rằng nền kinh tế toàn cầu năm 2020 có thể sẽ tiếp tục gặp nhiều thách thức bởi tác động từ tình trạng bất ổn địa chính trị cùng với sự bùng phát đại dịch toàn cầu COVID-19.

top1

Theo EIU, năm 2019 quả là một năm khó khăn đối với nền kinh tế toàn cầu, khi tình hình địa chính trị bất ổn kết hợp với kinh tế Trung Quốc giảm tốc đã khiến hoạt động sản xuất toàn cầu suy yếu. EIU từng dự đoán với gói kích thích tiền tệ và đôi chút may mắn, kinh tế toàn cầu năm 2020 sẽ tăng trưởng có phần nhanh hơn. Tuy nhiên, sự tiếp diễn tình trạng bất ổn địa chính trị (căng thẳng giữa Mỹ và Iran bùng phát trở lại vào tháng 1), cùng với sự xuất hiện của virus SARS-CoV-2 ở Trung Quốc sẽ cản trở mọi khả năng phục hồi niềm tin và đầu tư trong giới kinh doanh, và trước viễn cảnh này, cán cân rủi ro chắc chắn nghiêng về phía tiêu cực. Trong khi đó, tình trạng bất ổn xã hội trên toàn thế giới năm 2019 dường như sẽ tiếp diễn trong năm 2020, thách thức cả các nhà hoạch định chính sách lẫn các mô hình kinh doanh.

Dự báo tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2020 là 2,9%, gần chạm mức thấp trong thập kỷ. EIU cho rằng mức tăng trưởng khiêm tốn của Mỹ sẽ khiến tăng trưởng kinh tế ở các nước phát triển chậm lại vào năm 2020. Trong khi đó, sự xuất hiện của virus SARS-CoV-2 ở Trung Quốc sẽ làm giảm triển vọng tăng trưởng của Châu Á. EIU chỉ mong đợi một sự hồi phục khiêm tốn ở phần còn lại của thế giới mới nổi, bao gồm khu vực Mỹ Latinh, Trung Đông và Châu Phi hạ Sahara, kể từ năm 2019 đầy khó khăn.

Chính sách tiền tệ hết sức lỏng lẻo giữa các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới đã củng cố triển vọng tăng trưởng này. Điều này sẽ đáp ứng nhu cầu tại các thị trường phát triển và hạn chế áp lực tài chính mà một số nền kinh tế thị trường mới nổi mắc nợ chồng chất có thể phải đối mặt. Tuy nhiên, chính sách tiền tệ hết sức lỏng lẻo này cũng ẩn chứa rủi ro, vì nó có thể châm ngòi cho các cuộc khủng hoảng nợ mới ở những thị trường mới nổi. Các điểm nóng tiềm năng gồm có Brazil, nơi đã vượt qua rào cản cải cách lương hưu ; Thổ Nhĩ Kỳ, nơi mà sự ổn định tiền tệ gần đây đang giúp bình ổn nền kinh tế vĩ mô ; và Nam Phi, nơi tình trạng thiếu hụt năng lượng đang lan rộng. Quan trọng nhất là thỏa thuận thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc vẫn còn mong manh và không thể loại trừ khả năng bùng nổ căng thẳng giữa hai siêu cường kinh tế thế giới. Trong bối cảnh đó, các nhà hoạch định chính sách và các doanh nghiệp cần chuẩn bị sẵn sàng để ứng phó với tình hình biến động hơn nữa trong năm 2020.

Trong báo cáo này, EIU cung cấp thông tin ngắn gọn về các khả năng định lượng rủi ro của họ bằng cách xác định và đánh giá 5 rủi ro lớn nhất đối với trật tự chính trị và kinh tế toàn cầu. Mỗi rủi ro được phác thảo và đánh giá dựa trên khả năng xảy ra đối với nền kinh tế toàn cầu. EIU cũng đưa ra phân tích rủi ro trên cơ sở từng quốc gia đối với 180 quốc gia thông qua Báo cáo rủi ro, và các đánh giá chi tiết về rủi ro tín dụng đối với 131 quốc gia thông qua Bộ phận đánh giá rủi ro quốc gia của EIU. Những kết quả này kết hợp lại sẽ cho phép đưa ra dự đoán và lên kế hoạch ứng phó với các mối đe dọa chính đối với các tổ chức, chuỗi cung ứng và nước chủ nợ. EIU đưa ra mô hình đánh giá rủi ro hiệu quả, phân tích kịch bản và xem xét các sự kiện hàng ngày để ứng phó với các mối đe dọa và tranh thủ các cơ hội vốn đầy rẫy trong nền kinh tế toàn cầu hiện nay.

1. Xung đột Mỹ-Iran khiến giá dầu toàn cầu tăng vọt

Khả năng xảy ra : 25%

Vụ ám sát tướng Qassem Soleimani, chỉ huy kỳ cựu của Lực lượng Quds tinh nhuệ thuộc Lực lượng Vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC), hôm 3/1 đã đánh dấu sự leo thang căng thẳng đầy kịch tính và nguy hiểm giữa Mỹ và Iran.

Cả Chính phủ Mỹ lẫn các đồng minh vùng Vịnh đều muốn tránh một cuộc xung đột mà có thể khiến giá dầu tăng vọt đến mức gây bất ổn, và Iran cũng không có phương tiện quân sự hay tài chính để tiến hành một cuộc chiến chống Mỹ. Tuy nhiên, tình trạng hết sức căng thẳng giữa hai bên khiến hoạt động thông tin liên lạc trở nên phức tạp. Ngoài ra, rất có khả năng Iran sẽ tiến hành các cuộc tấn công có mục tiêu nhằm vào lợi ích của Mỹ ở Trung Đông trong những tháng tới ; các cuộc tấn công như vậy có khả năng diễn ra tại những nước mà ở đó, Mỹ và Iran ủng hộ các bên hay phe phái khác nhau như Yemen, Liban, Syria và Iraq. Các cuộc tấn công mạng (từ cả hai phía) cũng là một khả năng dễ nhận thấy. Mỹ hoặc một trong những đồng minh của họ, như Israel, có thể làm tê liệt các cơ sở hạt nhân của Iran thông qua việc sử dụng virus máy tính. Iran cũng có khả năng tiến hành các cuộc tấn công mạng nhằm vào các công ty Mỹ ; tài chính và năng lượng có vẻ là những lĩnh vực nhạy cảm nhất, khi xét tới tầm quan trọng của các công ty trong những lĩnh vực này đối với nền kinh tế Mỹ.

Kết quả là không thể loại trừ nguy cơ vô tình rơi vào một cuộc xung đột quân sự leo thang. EIU ước tính rằng khả năng Mỹ và Iran bị kéo vào một cuộc chiến trực tiếp thông thường, gây ra hậu quả tàn khốc cho nền kinh tế toàn cầu là 25%. Đặc biệt trong kịch bản này, eo biển Hormuz (khoảng 20% lượng cung dầu toàn cầu được vận chuyển qua đây) rất có thể bị đóng cửa trong một thời gian dài. Mặc dù Mỹ và Nga có khả năng tăng cường sản xuất dầu mỏ để tránh cú sốc nguồn cung tạm thời, nhưng tình trạng gián đoạn nguồn cung dầu mỏ kéo dài có thể khiến giá dầu lên tới 90 USD/thùng, làm gia tăng tình trạng lạm phát toàn cầu cũng như làm nản lòng người tiêu dùng và giới kinh doanh.

2. Cuộc chiến thương mại bùng nổ giữa Mỹ và EU

Khả năng xảy ra : 25%

Quan hệ thương mại Mỹ-EU đã trở nên căng thẳng kể từ giữa năm 2018, khi Chính phủ Mỹ mở cuộc điều tra theo Mục 232 về tác động của việc nhập khẩu ô tô và phụ tùng ô tô được sản xuất tại nước ngoài đối với an ninh quốc gia, và đe dọa sẽ tăng 25% thuế đối với ô tô nhập khẩu từ Châu Âu. Mặc dù Mỹ dường như đã rút lại lời đe dọa, nhưng căng thẳng vẫn tồn tại trên một số mặt trận. Tháng 10/2019, Mỹ đã áp thuế đối với một loạt hàng hóa của EU, sau các cuộc điều tra về việc EU trợ cấp cho Airbus. Mỹ cũng đe dọa áp thêm thuế đối với Pháp nhằm đáp trả việc nước này áp thuế đối với dịch vụ kỹ thuật số. Cuối cùng, Thỏa thuận Xanh mới của EU cũng là một chủ đề gây tranh cãi trong quan hệ thương mại Mỹ-EU.

Căng thẳng EU-Mỹ sẽ còn gia tăng hơn nữa trong năm nay, vì Mỹ đã quan tâm trở lại tới thặng dư thương mại của EU với Mỹ sau khi hoàn tất thỏa thuận thương mại giai đoạn một với Trung Quốc, và EU có lập trường quyết đoán hơn sau khi Ủy ban Châu Âu mới lên nắm quyền. Do đó, không thể loại trừ khả năng thuế quan liên quan đến ngành công nghiệp ô tô của Mỹ và EU tiếp tục leo thang. Ngoài ra, tiến độ đàm phán thương mại vẫn sẽ chậm đến mức gây nản lòng, với khả năng EU sẽ không nhượng bộ đáng kể trong lĩnh vực nông nghiệp. Do đó, nguy cơ rủi ro gia tăng là rất cao. Cuối cùng, mặc dù Pháp và Mỹ đã nhất trí về việc tạm dừng cuộc chiến thuế quan, nhưng rõ ràng vẫn có khả năng Mỹ áp thuế trả đũa thuế dịch vụ kỹ thuật số của Pháp (chủ yếu nhắm mục tiêu vào các công ty công nghệ lớn của Mỹ).

Bất kỳ tranh chấp nào trong số này cũng có thể châm ngòi cho một cuộc chiến thương mại có hại giữa Mỹ và EU. Nếu Mỹ áp thuế đối với ô tô nhập khẩu từ EU, thì tác động đối với nền kinh tế EU, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, sẽ rất nghiêm trọng : Ngành công nghiệp ô tô chiếm khoảng 6% tổng số việc làm tại EU và ngoài tác động tức thì của việc sụt giảm lượng xuất khẩu sang Mỹ và các nước thứ ba, niềm tin của giới kinh doanh ở những nước chủ chốt trong EU cũng sẽ bị tổn hại nặng nề. EU sẽ buộc phải trả đũa, làm tăng nguy cơ xảy ra chiến tranh thương mại toàn cầu khi các nước thứ ba buộc phải chọn phe. Tác động đối với nền kinh tế toàn cầu cũng sẽ nghiêm trọng, vì tăng trưởng toàn cầu sẽ giảm tốc, lạm phát sẽ tăng lên, tâm lý của người tiêu dùng và giới kinh doanh sẽ bị ảnh hưởng.

3. Dịch COVID-19 gây thiệt hại lâu dài cho nền kinh tế toàn cầu

Khả năng xảy ra : 20%

Cho đến nay, dịch COVID-19 bùng phát tại Vũ Hán, thủ phủ của tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc vào tháng 12/2019 đã lan khắp toàn cầu và khiến hàng chục nghìn người tử vong. Sau phản ứng chậm chạp ban đầu, Chính phủ Trung Quốc đã phong tỏa Hồ Bắc, hạn chế đáng kể một khu vực vốn có vai trò hết sức quan trọng đối với các chuỗi cung ứng quốc gia và quốc tế. Hoạt động kinh tế ở các khu vực khác, trong đó có Bắc Kinh và Thượng Hải, cũng bị gián đoạn do các biện pháp cách ly ; nhu cầu hàng hóa và dịch vụ trong nước giảm sút. Ngoài ra, các biện pháp hạn chế đi lại đã tác động đáng kể đến dịch vụ du lịch và lữ hành ở trong và ngoài Trung Quốc.

So với dịch SARS, cũng do virus corona gây ra và khởi phát tại Trung Quốc năm 2003, dịch COVID-19 có tác động sâu sắc hơn đến nền kinh tế toàn cầu do Trung Quốc hiện có vai trò lớn hơn trong đó. Tuy nhiên, phần lớn điều này phụ thuộc vào việc thời kỳ gián đoạn kéo dài bao lâu. Kịch bản ban đầu của EIU, dựa trên một loạt đánh giá của các chuyên gia y tế, là tình trạng y tế khẩn cấp ở Trung Quốc sẽ được kiểm soát vào cuối tháng 3. Khi đó, Chính phủ Trung Quốc sẽ dỡ bỏ các biện pháp cách ly và hoạt động kinh tế sẽ trở lại bình thường. EIU giả định rằng Chính phủ Trung Quốc cũng sẽ thực hiện các biện pháp kích thích tài chính và tiền tệ mạnh mẽ để phục hồi tiến trình mở rộng kinh tế, lấy lại đà tăng trưởng trong nửa cuối năm nay cả ở Trung Quốc lẫn trên toàn thế giới.

EIU ước tính khả năng virus bị khống chế giữa năm 2020 là 20%, và sau năm 2020 là 5%. Trong kịch bản sau, tác động về kinh tế sẽ sâu sắc và dai dẳng hơn. Tình trạng gián đoạn thương mại quốc tế sẽ trở nên nghiêm trọng khi các chuỗi cung ứng bị chuyển hướng khỏi Trung Quốc ; một số quốc gia có khả năng đặt ra những hạn chế nghiêm ngặt đối với thương mại song phương. Căng thẳng thương mại Mỹ-Trung nhiều khả năng sẽ leo thang trở lại, đặc biệt là nếu Trung Quốc tỏ ra không sẵn sàng hoặc không thể thực hiện các cam kết nhập khẩu theo thỏa thuận thương mại hạn chế giai đoạn một được ký kết gần đây. Số lượng các nhà xuất khẩu quốc tế gặp khó khăn về tài chính sẽ gia tăng, do lượng cầu ở Trung Quốc liên tục giảm khiến giá hàng hóa và doanh thu xuất khẩu cũng giảm theo. Cuộc khủng hoảng y tế đang diễn ra cũng sẽ là mối đe dọa đối với sự ổn định chính trị và tài chính bên trong Trung Quốc. Nếu tính hợp pháp và danh tiếng về năng lực của Chính phủ Trung Quốc bị đe dọa nghiêm trọng, thì có khả năng họ sẽ phản ứng bằng cách tăng cường các biện pháp kiểm soát xã hội. Đồng thời, nếu Chính phủ kéo dài việc sử dụng các chính sách tài chính và tiền tệ lỏng lẻo để kích thích nền kinh tế đến năm 2021 và lâu hơn, thì điều đó sẽ gợi lại mối quan ngại về mức nợ lớn của khu vực tư nhân và sự ổn định tài chính trong dài hạn của Trung Quốc.

Nếu tính đến tác động trực tiếp của việc lượng cầu ở Trung Quốc giảm, cũng như tình trạng gián đoạn kinh tế tiềm tàng ở các quốc gia khác khi dịch COVID-19 lan rộng ra toàn cầu, thì dự báo của EIU về tăng trưởng GDP thực toàn cầu có thể giảm xuống dưới 2,5% trong năm nay.

4. Gánh nặng nợ gây suy thoái kinh tế trên các thị trường mới nổi

Khả năng xảy ra : 20%

Tình trạng lãi suất thấp trong một thập kỷ đã khiến nợ toàn cầu gia tăng, đặc biệt là ở nhiều thị trường mới nổi, nơi mà nợ nước ngoài hiện cao hơn đáng kể so với năm 2009. Ở những nền kinh tế phát triển, nợ của các hộ gia đình đã giảm, nhưng đó là do nợ công gia tăng. Mức độ và rủi ro của nợ doanh nghiệp cũng tăng lên, đặc biệt ở Mỹ. Do đó, triển vọng tăng trưởng toàn cầu đã trở nên mong manh hơn trước sự thay đổi về tình hình tài chính, chẳng hạn như những thay đổi về lãi suất của Mỹ hoặc mức độ chấp nhận rủi ro trên thị trường tài chính, điều có thể nhanh chóng khiến các quốc gia mắc nợ phải chịu chi phí huy động vốn cao hơn. Điều này đã xảy ra vào năm 2018, khi lãi suất của Mỹ tăng và đồng USD tăng giá so với các loại tiền tệ khác gây ra biến động tiền tệ lan rộng ở các thị trường mới nổi, châm ngòi cho các cuộc khủng hoảng tiền tệ và tình trạng suy thoái nghiêm trọng ở Thổ Nhĩ Kỳ và Argentina.

Kể từ đó, việc Ngân hàng dự trữ liên bang (FED), Ngân hàng trung ương Châu Âu (ECB) và các ngân hàng trung ương lớn khác tiếp tục chuyển hướng sang nới lỏng chính sách tiền tệ đã khiến các tập đoàn và chính phủ đang mắc nợ cảm thấy "dễ thở" hơn. Tuy nhiên, họ vẫn có khả năng bị tổn thương nếu tình hình thị trường đột ngột chuyển biến xấu đi, như giá hàng hóa xuất khẩu hay mức độ chấp nhận rủi ro trên toàn cầu giảm mạnh, dẫn đến việc các bên cho vay chuyển hướng sang đầu tư an toàn. Hơn nữa, nguy cơ lãi suất toàn cầu tiếp tục gia tăng vẫn chưa biến mất. Áp lực chính trị đối với bộ máy chính quyền đã dẫn đến việc một số nền kinh tế tiên tiến, kể cả Mỹ và Anh, chuyển hướng khỏi chính sách thắt lưng buộc bụng. Ngay cả EU cũng đã bắt đầu nới lỏng chính sách tài chính. Nếu tiếp tục đà này, thì chính sách tiền tệ ở các thị trường phát triển có thể bị thắt chặt sớm hơn so với mong đợi hiện nay của các thị trường tài chính, dẫn đến việc tái diễn tình huống năm 2018 khi chi phí nợ toàn cầu tăng lên và các dòng vốn chảy ra khỏi các thị trường mới nổi nhiều rủi ro hơn.

Theo những kịch bản này, các nền kinh tế dễ bị tổn thương vừa ổn định được giá trị đồng tiền của mình như Thổ Nhĩ Kỳ và Argentina có thể lại nhanh chóng rơi vào khủng hoảng, và các cuộc khủng hoảng mới có thể xuất hiện, đặc biệt ở các nước trông chờ sự hỗ trợ song phương từ Trung Quốc hoặc các cường quốc khu vực. Ở một loạt thị trường mới nổi, chi tiêu sẽ bị cắt giảm, có khả năng khiến phần lớn thế giới rơi vào tình trạng suy thoái.

5. Các cuộc biểu tình ở Hong Kong khiến trung tâm tài chính lớn nhất Châu Á chuyển sang nơi khác

Khả năng xảy ra : 15%

Kể từ tháng 6/2019, tình trạng bất ổn xã hội nghiêm trọng đã làm rung chuyển Hong Kong. Nguyên nhân ban đầu là do Chính quyền Hong Kong đã tìm cách thông qua các cải cách về luật dẫn độ, cho phép dẫn độ người dân Hong Kong về Trung Quốc đại lục. Tuy nhiên, các cuộc biểu tình đã trở thành biểu hiện của sự bất mãn trên phạm vi rộng lớn hơn đối với hệ thống chính trị và ban lãnh đạo đặc khu này.

Các cuộc biểu tình rõ ràng có khả năng bùng phát trở lại trong năm 2020, nếu người dân cho rằng về lâu dài, các quyền dân sự hiện tại bị đe dọa. Điều này có thể xảy ra xung quanh thời điểm tổ chức cuộc bầu cử Hội đồng Lập pháp dự kiến vào tháng 9/2020 nếu chính quyền tiếp tục ngăn chặn các thành viên của phe chủ nghĩa bản địa, vốn ủng hộ quyền tự trị lớn hơn hay thậm chí là độc lập cho Hong Kong, ra tranh cử. Những người biểu tình cũng theo dõi, và hy vọng sẽ có trước các biện pháp kiểm soát xã hội hiện đang được triển khai ở Đại lục, trong đó có việc ứng dụng công nghệ trên phạm vi rộng hơn như công nghệ nhận diện khuôn mặt và công nghệ chuỗi khối (blockchain) trong lĩnh vực dịch vụ công và quản lý xã hội.

Nếu căng thẳng tiếp tục gia tăng, thì có nguy cơ Chính phủ Trung Quốc sẽ phản ứng trước tình trạng bất ổn dai dẳng và tinh thần ủng hộ độc lập ngày càng cao ở Hong Kong bằng cách tạm ngừng mô hình quản trị "một quốc gia, hai chế độ" vốn cho phép vùng lãnh thổ này có được quyền tự trị trên phạm vi rộng. Hướng đi này là khả thi theo Điều 18 của Luật Cơ bản, vốn cho phép áp dụng các điều luật cấp quốc gia có liên quan ở Hong Kong trong trường hợp xảy ra tình trạng hỗn loạn ngoài tầm kiểm soát của Chính quyền đặc khu. Tình trạng bất ổn leo thang có thể dẫn đến việc triển khai Quân giải phóng nhân dân từ Đại lục, làm tăng khả năng gây thương vong.

Bất kỳ kịch bản nào trong số này cũng sẽ gây ra tình trạng gián đoạn kinh tế nghiêm trọng và đột ngột, đe dọa vị thế của Hong Kong là trung tâm tài chính quan trọng thứ ba thế giới. Chúng sẽ khiến nhân tài nước ngoài – vốn là yếu tố giúp nền kinh tế Hong Kong hoạt động trơn tru – nhanh chóng rời khỏi đây và buộc nhiều doanh nghiệp nước ngoài ở Hong Kong phải đóng cửa hoặc chuyển đến các thành phố Châu Á khác như Singapore, Tokyo, Đài Bắc hoặc Bangkok. Ngoài ra, áp lực chính trị buộc Mỹ phải áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Trung Quốc sẽ khiến hai nước gặp khó khăn hơn nhiều trong việc duy trì các cuộc đàm phán thương mại và có thể khiến căng thẳng giữa Trung Quốc và phương Tây đột ngột gia tăng.

The Economist

Nguyên tác : Top five risks to the global economy in 2020, The Economist, 27/02/2020

Minh Anh giới thiệu

Nguồn : Nghiên cứu Biển Đông, 09/04/2020

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: The Economist
Read 677 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)