Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Bộ phận dự báo, phân tích và tư vấn rủi ro (Economist Intelligence Unit-EIU) thuộc tập đoàn The Economist (Anh) nhận định rằng nền kinh tế toàn cầu năm 2020 có thể sẽ tiếp tục gặp nhiều thách thức bởi tác động từ tình trạng bất ổn địa chính trị cùng với sự bùng phát đại dịch toàn cầu COVID-19.

top1

Theo EIU, năm 2019 quả là một năm khó khăn đối với nền kinh tế toàn cầu, khi tình hình địa chính trị bất ổn kết hợp với kinh tế Trung Quốc giảm tốc đã khiến hoạt động sản xuất toàn cầu suy yếu. EIU từng dự đoán với gói kích thích tiền tệ và đôi chút may mắn, kinh tế toàn cầu năm 2020 sẽ tăng trưởng có phần nhanh hơn. Tuy nhiên, sự tiếp diễn tình trạng bất ổn địa chính trị (căng thẳng giữa Mỹ và Iran bùng phát trở lại vào tháng 1), cùng với sự xuất hiện của virus SARS-CoV-2 ở Trung Quốc sẽ cản trở mọi khả năng phục hồi niềm tin và đầu tư trong giới kinh doanh, và trước viễn cảnh này, cán cân rủi ro chắc chắn nghiêng về phía tiêu cực. Trong khi đó, tình trạng bất ổn xã hội trên toàn thế giới năm 2019 dường như sẽ tiếp diễn trong năm 2020, thách thức cả các nhà hoạch định chính sách lẫn các mô hình kinh doanh.

Dự báo tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2020 là 2,9%, gần chạm mức thấp trong thập kỷ. EIU cho rằng mức tăng trưởng khiêm tốn của Mỹ sẽ khiến tăng trưởng kinh tế ở các nước phát triển chậm lại vào năm 2020. Trong khi đó, sự xuất hiện của virus SARS-CoV-2 ở Trung Quốc sẽ làm giảm triển vọng tăng trưởng của Châu Á. EIU chỉ mong đợi một sự hồi phục khiêm tốn ở phần còn lại của thế giới mới nổi, bao gồm khu vực Mỹ Latinh, Trung Đông và Châu Phi hạ Sahara, kể từ năm 2019 đầy khó khăn.

Chính sách tiền tệ hết sức lỏng lẻo giữa các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới đã củng cố triển vọng tăng trưởng này. Điều này sẽ đáp ứng nhu cầu tại các thị trường phát triển và hạn chế áp lực tài chính mà một số nền kinh tế thị trường mới nổi mắc nợ chồng chất có thể phải đối mặt. Tuy nhiên, chính sách tiền tệ hết sức lỏng lẻo này cũng ẩn chứa rủi ro, vì nó có thể châm ngòi cho các cuộc khủng hoảng nợ mới ở những thị trường mới nổi. Các điểm nóng tiềm năng gồm có Brazil, nơi đã vượt qua rào cản cải cách lương hưu ; Thổ Nhĩ Kỳ, nơi mà sự ổn định tiền tệ gần đây đang giúp bình ổn nền kinh tế vĩ mô ; và Nam Phi, nơi tình trạng thiếu hụt năng lượng đang lan rộng. Quan trọng nhất là thỏa thuận thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc vẫn còn mong manh và không thể loại trừ khả năng bùng nổ căng thẳng giữa hai siêu cường kinh tế thế giới. Trong bối cảnh đó, các nhà hoạch định chính sách và các doanh nghiệp cần chuẩn bị sẵn sàng để ứng phó với tình hình biến động hơn nữa trong năm 2020.

Trong báo cáo này, EIU cung cấp thông tin ngắn gọn về các khả năng định lượng rủi ro của họ bằng cách xác định và đánh giá 5 rủi ro lớn nhất đối với trật tự chính trị và kinh tế toàn cầu. Mỗi rủi ro được phác thảo và đánh giá dựa trên khả năng xảy ra đối với nền kinh tế toàn cầu. EIU cũng đưa ra phân tích rủi ro trên cơ sở từng quốc gia đối với 180 quốc gia thông qua Báo cáo rủi ro, và các đánh giá chi tiết về rủi ro tín dụng đối với 131 quốc gia thông qua Bộ phận đánh giá rủi ro quốc gia của EIU. Những kết quả này kết hợp lại sẽ cho phép đưa ra dự đoán và lên kế hoạch ứng phó với các mối đe dọa chính đối với các tổ chức, chuỗi cung ứng và nước chủ nợ. EIU đưa ra mô hình đánh giá rủi ro hiệu quả, phân tích kịch bản và xem xét các sự kiện hàng ngày để ứng phó với các mối đe dọa và tranh thủ các cơ hội vốn đầy rẫy trong nền kinh tế toàn cầu hiện nay.

1. Xung đột Mỹ-Iran khiến giá dầu toàn cầu tăng vọt

Khả năng xảy ra : 25%

Vụ ám sát tướng Qassem Soleimani, chỉ huy kỳ cựu của Lực lượng Quds tinh nhuệ thuộc Lực lượng Vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC), hôm 3/1 đã đánh dấu sự leo thang căng thẳng đầy kịch tính và nguy hiểm giữa Mỹ và Iran.

Cả Chính phủ Mỹ lẫn các đồng minh vùng Vịnh đều muốn tránh một cuộc xung đột mà có thể khiến giá dầu tăng vọt đến mức gây bất ổn, và Iran cũng không có phương tiện quân sự hay tài chính để tiến hành một cuộc chiến chống Mỹ. Tuy nhiên, tình trạng hết sức căng thẳng giữa hai bên khiến hoạt động thông tin liên lạc trở nên phức tạp. Ngoài ra, rất có khả năng Iran sẽ tiến hành các cuộc tấn công có mục tiêu nhằm vào lợi ích của Mỹ ở Trung Đông trong những tháng tới ; các cuộc tấn công như vậy có khả năng diễn ra tại những nước mà ở đó, Mỹ và Iran ủng hộ các bên hay phe phái khác nhau như Yemen, Liban, Syria và Iraq. Các cuộc tấn công mạng (từ cả hai phía) cũng là một khả năng dễ nhận thấy. Mỹ hoặc một trong những đồng minh của họ, như Israel, có thể làm tê liệt các cơ sở hạt nhân của Iran thông qua việc sử dụng virus máy tính. Iran cũng có khả năng tiến hành các cuộc tấn công mạng nhằm vào các công ty Mỹ ; tài chính và năng lượng có vẻ là những lĩnh vực nhạy cảm nhất, khi xét tới tầm quan trọng của các công ty trong những lĩnh vực này đối với nền kinh tế Mỹ.

Kết quả là không thể loại trừ nguy cơ vô tình rơi vào một cuộc xung đột quân sự leo thang. EIU ước tính rằng khả năng Mỹ và Iran bị kéo vào một cuộc chiến trực tiếp thông thường, gây ra hậu quả tàn khốc cho nền kinh tế toàn cầu là 25%. Đặc biệt trong kịch bản này, eo biển Hormuz (khoảng 20% lượng cung dầu toàn cầu được vận chuyển qua đây) rất có thể bị đóng cửa trong một thời gian dài. Mặc dù Mỹ và Nga có khả năng tăng cường sản xuất dầu mỏ để tránh cú sốc nguồn cung tạm thời, nhưng tình trạng gián đoạn nguồn cung dầu mỏ kéo dài có thể khiến giá dầu lên tới 90 USD/thùng, làm gia tăng tình trạng lạm phát toàn cầu cũng như làm nản lòng người tiêu dùng và giới kinh doanh.

2. Cuộc chiến thương mại bùng nổ giữa Mỹ và EU

Khả năng xảy ra : 25%

Quan hệ thương mại Mỹ-EU đã trở nên căng thẳng kể từ giữa năm 2018, khi Chính phủ Mỹ mở cuộc điều tra theo Mục 232 về tác động của việc nhập khẩu ô tô và phụ tùng ô tô được sản xuất tại nước ngoài đối với an ninh quốc gia, và đe dọa sẽ tăng 25% thuế đối với ô tô nhập khẩu từ Châu Âu. Mặc dù Mỹ dường như đã rút lại lời đe dọa, nhưng căng thẳng vẫn tồn tại trên một số mặt trận. Tháng 10/2019, Mỹ đã áp thuế đối với một loạt hàng hóa của EU, sau các cuộc điều tra về việc EU trợ cấp cho Airbus. Mỹ cũng đe dọa áp thêm thuế đối với Pháp nhằm đáp trả việc nước này áp thuế đối với dịch vụ kỹ thuật số. Cuối cùng, Thỏa thuận Xanh mới của EU cũng là một chủ đề gây tranh cãi trong quan hệ thương mại Mỹ-EU.

Căng thẳng EU-Mỹ sẽ còn gia tăng hơn nữa trong năm nay, vì Mỹ đã quan tâm trở lại tới thặng dư thương mại của EU với Mỹ sau khi hoàn tất thỏa thuận thương mại giai đoạn một với Trung Quốc, và EU có lập trường quyết đoán hơn sau khi Ủy ban Châu Âu mới lên nắm quyền. Do đó, không thể loại trừ khả năng thuế quan liên quan đến ngành công nghiệp ô tô của Mỹ và EU tiếp tục leo thang. Ngoài ra, tiến độ đàm phán thương mại vẫn sẽ chậm đến mức gây nản lòng, với khả năng EU sẽ không nhượng bộ đáng kể trong lĩnh vực nông nghiệp. Do đó, nguy cơ rủi ro gia tăng là rất cao. Cuối cùng, mặc dù Pháp và Mỹ đã nhất trí về việc tạm dừng cuộc chiến thuế quan, nhưng rõ ràng vẫn có khả năng Mỹ áp thuế trả đũa thuế dịch vụ kỹ thuật số của Pháp (chủ yếu nhắm mục tiêu vào các công ty công nghệ lớn của Mỹ).

Bất kỳ tranh chấp nào trong số này cũng có thể châm ngòi cho một cuộc chiến thương mại có hại giữa Mỹ và EU. Nếu Mỹ áp thuế đối với ô tô nhập khẩu từ EU, thì tác động đối với nền kinh tế EU, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, sẽ rất nghiêm trọng : Ngành công nghiệp ô tô chiếm khoảng 6% tổng số việc làm tại EU và ngoài tác động tức thì của việc sụt giảm lượng xuất khẩu sang Mỹ và các nước thứ ba, niềm tin của giới kinh doanh ở những nước chủ chốt trong EU cũng sẽ bị tổn hại nặng nề. EU sẽ buộc phải trả đũa, làm tăng nguy cơ xảy ra chiến tranh thương mại toàn cầu khi các nước thứ ba buộc phải chọn phe. Tác động đối với nền kinh tế toàn cầu cũng sẽ nghiêm trọng, vì tăng trưởng toàn cầu sẽ giảm tốc, lạm phát sẽ tăng lên, tâm lý của người tiêu dùng và giới kinh doanh sẽ bị ảnh hưởng.

3. Dịch COVID-19 gây thiệt hại lâu dài cho nền kinh tế toàn cầu

Khả năng xảy ra : 20%

Cho đến nay, dịch COVID-19 bùng phát tại Vũ Hán, thủ phủ của tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc vào tháng 12/2019 đã lan khắp toàn cầu và khiến hàng chục nghìn người tử vong. Sau phản ứng chậm chạp ban đầu, Chính phủ Trung Quốc đã phong tỏa Hồ Bắc, hạn chế đáng kể một khu vực vốn có vai trò hết sức quan trọng đối với các chuỗi cung ứng quốc gia và quốc tế. Hoạt động kinh tế ở các khu vực khác, trong đó có Bắc Kinh và Thượng Hải, cũng bị gián đoạn do các biện pháp cách ly ; nhu cầu hàng hóa và dịch vụ trong nước giảm sút. Ngoài ra, các biện pháp hạn chế đi lại đã tác động đáng kể đến dịch vụ du lịch và lữ hành ở trong và ngoài Trung Quốc.

So với dịch SARS, cũng do virus corona gây ra và khởi phát tại Trung Quốc năm 2003, dịch COVID-19 có tác động sâu sắc hơn đến nền kinh tế toàn cầu do Trung Quốc hiện có vai trò lớn hơn trong đó. Tuy nhiên, phần lớn điều này phụ thuộc vào việc thời kỳ gián đoạn kéo dài bao lâu. Kịch bản ban đầu của EIU, dựa trên một loạt đánh giá của các chuyên gia y tế, là tình trạng y tế khẩn cấp ở Trung Quốc sẽ được kiểm soát vào cuối tháng 3. Khi đó, Chính phủ Trung Quốc sẽ dỡ bỏ các biện pháp cách ly và hoạt động kinh tế sẽ trở lại bình thường. EIU giả định rằng Chính phủ Trung Quốc cũng sẽ thực hiện các biện pháp kích thích tài chính và tiền tệ mạnh mẽ để phục hồi tiến trình mở rộng kinh tế, lấy lại đà tăng trưởng trong nửa cuối năm nay cả ở Trung Quốc lẫn trên toàn thế giới.

EIU ước tính khả năng virus bị khống chế giữa năm 2020 là 20%, và sau năm 2020 là 5%. Trong kịch bản sau, tác động về kinh tế sẽ sâu sắc và dai dẳng hơn. Tình trạng gián đoạn thương mại quốc tế sẽ trở nên nghiêm trọng khi các chuỗi cung ứng bị chuyển hướng khỏi Trung Quốc ; một số quốc gia có khả năng đặt ra những hạn chế nghiêm ngặt đối với thương mại song phương. Căng thẳng thương mại Mỹ-Trung nhiều khả năng sẽ leo thang trở lại, đặc biệt là nếu Trung Quốc tỏ ra không sẵn sàng hoặc không thể thực hiện các cam kết nhập khẩu theo thỏa thuận thương mại hạn chế giai đoạn một được ký kết gần đây. Số lượng các nhà xuất khẩu quốc tế gặp khó khăn về tài chính sẽ gia tăng, do lượng cầu ở Trung Quốc liên tục giảm khiến giá hàng hóa và doanh thu xuất khẩu cũng giảm theo. Cuộc khủng hoảng y tế đang diễn ra cũng sẽ là mối đe dọa đối với sự ổn định chính trị và tài chính bên trong Trung Quốc. Nếu tính hợp pháp và danh tiếng về năng lực của Chính phủ Trung Quốc bị đe dọa nghiêm trọng, thì có khả năng họ sẽ phản ứng bằng cách tăng cường các biện pháp kiểm soát xã hội. Đồng thời, nếu Chính phủ kéo dài việc sử dụng các chính sách tài chính và tiền tệ lỏng lẻo để kích thích nền kinh tế đến năm 2021 và lâu hơn, thì điều đó sẽ gợi lại mối quan ngại về mức nợ lớn của khu vực tư nhân và sự ổn định tài chính trong dài hạn của Trung Quốc.

Nếu tính đến tác động trực tiếp của việc lượng cầu ở Trung Quốc giảm, cũng như tình trạng gián đoạn kinh tế tiềm tàng ở các quốc gia khác khi dịch COVID-19 lan rộng ra toàn cầu, thì dự báo của EIU về tăng trưởng GDP thực toàn cầu có thể giảm xuống dưới 2,5% trong năm nay.

4. Gánh nặng nợ gây suy thoái kinh tế trên các thị trường mới nổi

Khả năng xảy ra : 20%

Tình trạng lãi suất thấp trong một thập kỷ đã khiến nợ toàn cầu gia tăng, đặc biệt là ở nhiều thị trường mới nổi, nơi mà nợ nước ngoài hiện cao hơn đáng kể so với năm 2009. Ở những nền kinh tế phát triển, nợ của các hộ gia đình đã giảm, nhưng đó là do nợ công gia tăng. Mức độ và rủi ro của nợ doanh nghiệp cũng tăng lên, đặc biệt ở Mỹ. Do đó, triển vọng tăng trưởng toàn cầu đã trở nên mong manh hơn trước sự thay đổi về tình hình tài chính, chẳng hạn như những thay đổi về lãi suất của Mỹ hoặc mức độ chấp nhận rủi ro trên thị trường tài chính, điều có thể nhanh chóng khiến các quốc gia mắc nợ phải chịu chi phí huy động vốn cao hơn. Điều này đã xảy ra vào năm 2018, khi lãi suất của Mỹ tăng và đồng USD tăng giá so với các loại tiền tệ khác gây ra biến động tiền tệ lan rộng ở các thị trường mới nổi, châm ngòi cho các cuộc khủng hoảng tiền tệ và tình trạng suy thoái nghiêm trọng ở Thổ Nhĩ Kỳ và Argentina.

Kể từ đó, việc Ngân hàng dự trữ liên bang (FED), Ngân hàng trung ương Châu Âu (ECB) và các ngân hàng trung ương lớn khác tiếp tục chuyển hướng sang nới lỏng chính sách tiền tệ đã khiến các tập đoàn và chính phủ đang mắc nợ cảm thấy "dễ thở" hơn. Tuy nhiên, họ vẫn có khả năng bị tổn thương nếu tình hình thị trường đột ngột chuyển biến xấu đi, như giá hàng hóa xuất khẩu hay mức độ chấp nhận rủi ro trên toàn cầu giảm mạnh, dẫn đến việc các bên cho vay chuyển hướng sang đầu tư an toàn. Hơn nữa, nguy cơ lãi suất toàn cầu tiếp tục gia tăng vẫn chưa biến mất. Áp lực chính trị đối với bộ máy chính quyền đã dẫn đến việc một số nền kinh tế tiên tiến, kể cả Mỹ và Anh, chuyển hướng khỏi chính sách thắt lưng buộc bụng. Ngay cả EU cũng đã bắt đầu nới lỏng chính sách tài chính. Nếu tiếp tục đà này, thì chính sách tiền tệ ở các thị trường phát triển có thể bị thắt chặt sớm hơn so với mong đợi hiện nay của các thị trường tài chính, dẫn đến việc tái diễn tình huống năm 2018 khi chi phí nợ toàn cầu tăng lên và các dòng vốn chảy ra khỏi các thị trường mới nổi nhiều rủi ro hơn.

Theo những kịch bản này, các nền kinh tế dễ bị tổn thương vừa ổn định được giá trị đồng tiền của mình như Thổ Nhĩ Kỳ và Argentina có thể lại nhanh chóng rơi vào khủng hoảng, và các cuộc khủng hoảng mới có thể xuất hiện, đặc biệt ở các nước trông chờ sự hỗ trợ song phương từ Trung Quốc hoặc các cường quốc khu vực. Ở một loạt thị trường mới nổi, chi tiêu sẽ bị cắt giảm, có khả năng khiến phần lớn thế giới rơi vào tình trạng suy thoái.

5. Các cuộc biểu tình ở Hong Kong khiến trung tâm tài chính lớn nhất Châu Á chuyển sang nơi khác

Khả năng xảy ra : 15%

Kể từ tháng 6/2019, tình trạng bất ổn xã hội nghiêm trọng đã làm rung chuyển Hong Kong. Nguyên nhân ban đầu là do Chính quyền Hong Kong đã tìm cách thông qua các cải cách về luật dẫn độ, cho phép dẫn độ người dân Hong Kong về Trung Quốc đại lục. Tuy nhiên, các cuộc biểu tình đã trở thành biểu hiện của sự bất mãn trên phạm vi rộng lớn hơn đối với hệ thống chính trị và ban lãnh đạo đặc khu này.

Các cuộc biểu tình rõ ràng có khả năng bùng phát trở lại trong năm 2020, nếu người dân cho rằng về lâu dài, các quyền dân sự hiện tại bị đe dọa. Điều này có thể xảy ra xung quanh thời điểm tổ chức cuộc bầu cử Hội đồng Lập pháp dự kiến vào tháng 9/2020 nếu chính quyền tiếp tục ngăn chặn các thành viên của phe chủ nghĩa bản địa, vốn ủng hộ quyền tự trị lớn hơn hay thậm chí là độc lập cho Hong Kong, ra tranh cử. Những người biểu tình cũng theo dõi, và hy vọng sẽ có trước các biện pháp kiểm soát xã hội hiện đang được triển khai ở Đại lục, trong đó có việc ứng dụng công nghệ trên phạm vi rộng hơn như công nghệ nhận diện khuôn mặt và công nghệ chuỗi khối (blockchain) trong lĩnh vực dịch vụ công và quản lý xã hội.

Nếu căng thẳng tiếp tục gia tăng, thì có nguy cơ Chính phủ Trung Quốc sẽ phản ứng trước tình trạng bất ổn dai dẳng và tinh thần ủng hộ độc lập ngày càng cao ở Hong Kong bằng cách tạm ngừng mô hình quản trị "một quốc gia, hai chế độ" vốn cho phép vùng lãnh thổ này có được quyền tự trị trên phạm vi rộng. Hướng đi này là khả thi theo Điều 18 của Luật Cơ bản, vốn cho phép áp dụng các điều luật cấp quốc gia có liên quan ở Hong Kong trong trường hợp xảy ra tình trạng hỗn loạn ngoài tầm kiểm soát của Chính quyền đặc khu. Tình trạng bất ổn leo thang có thể dẫn đến việc triển khai Quân giải phóng nhân dân từ Đại lục, làm tăng khả năng gây thương vong.

Bất kỳ kịch bản nào trong số này cũng sẽ gây ra tình trạng gián đoạn kinh tế nghiêm trọng và đột ngột, đe dọa vị thế của Hong Kong là trung tâm tài chính quan trọng thứ ba thế giới. Chúng sẽ khiến nhân tài nước ngoài – vốn là yếu tố giúp nền kinh tế Hong Kong hoạt động trơn tru – nhanh chóng rời khỏi đây và buộc nhiều doanh nghiệp nước ngoài ở Hong Kong phải đóng cửa hoặc chuyển đến các thành phố Châu Á khác như Singapore, Tokyo, Đài Bắc hoặc Bangkok. Ngoài ra, áp lực chính trị buộc Mỹ phải áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Trung Quốc sẽ khiến hai nước gặp khó khăn hơn nhiều trong việc duy trì các cuộc đàm phán thương mại và có thể khiến căng thẳng giữa Trung Quốc và phương Tây đột ngột gia tăng.

The Economist

Nguyên tác : Top five risks to the global economy in 2020, The Economist, 27/02/2020

Minh Anh giới thiệu

Nguồn : Nghiên cứu Biển Đông, 09/04/2020

Published in Diễn đàn

Chỉ trong vài tuần, một con virus có đường kính một phần mười nghìn milimet đã biến đổi các nền dân chủ phương Tây. Các nước đã đóng cửa các doanh nghiệp và buộc người dân ở nhà. Họ đã hứa chi hàng nghìn tỷ đô la để giữ cho nền kinh tế không sụp đổ. Nếu Hàn Quốc và Singapore là một chỉ dẫn, quyền riêng tư y tế và điện tử sắp bị gạt sang một bên. Đó là sự mở rộng mạnh mẽ nhất của quyền lực nhà nước kể từ sau Thế chiến II.

economist1

"The state in the time of covid-19", The Economist, 26/03/2020.

Hết điều cấm kỵ này đến điều cấm kỵ khác đã bị phá vỡ. Không chỉ dưới hình thức đe dọa phạt tiền hoặc bỏ tù đối với những người bình thường làm những việc bình thường, mà còn về quy mô và phạm vi của vai trò chính phủ trong nền kinh tế. Ở Mỹ, Quốc hội đã sẵn sàng thông qua một gói cứu trợ trị giá gần 2 nghìn tỉ đô la, tương đương 10% GDP, gấp đôi những gói cứu trợ được hứa hẹn trong giai đoạn 2007-09. Bảo đảm tín dụng của Anh, Pháp và các quốc gia khác tương đương 15% GDP. Các ngân hàng trung ương đang in thêm tiền và sử dụng nó để mua những tài sản mà họ từng từ chối. Ít nhất, các chính phủ đang tìm cách ngăn chặn tình trạng phá sản trong một thời gian.

Đối với những người muốn một chính phủ nhỏ và thị trường mở, Covid-19 đặt ra một vấn đề. Nhà nước phải hành động dứt khoát. Nhưng lịch sử cho thấy rằng sau các cuộc khủng hoảng, nhà nước không từ bỏ tất cả các quyền lực mà nó đã được trao thêm. Ngày nay, điều đó có tác động không chỉ đối với nền kinh tế mà còn đối với cả sự giám sát của nhà nước đối với các cá nhân.

Không phải ngẫu nhiên mà nhà nước thường phình to trong các cuộc khủng hoảng. Các chính phủ có thể gặp khó khăn vì đại dịch, nhưng họ có thể cưỡng chế và huy động các nguồn lực lớn một cách nhanh chóng. Ngày nay, các chính phủ đóng vai trò cần thiết nhằm thực thi việc đóng cửa các địa điểm kinh doanh và cách ly người dân để ngăn chặn virus. Và cũng chỉ họ mới giúp khắc phục được sự sụp đổ kinh tế xảy ra sau đó. Ở Mỹ và khu vực đồng euro, GDP có thể giảm 5-10% so với năm trước, có khi nhiều hơn.

Một lý do khiến vai trò của nhà nước thay đổi nhanh chóng là Covid-19 lây lan như cháy rừng. Trong vòng chưa đầy bốn tháng, nó đã lan từ một khu chợ ở Vũ Hán ra hầu hết các quốc gia trên thế giới. Tuần vừa qua đã ghi nhận 255.000 trường hợp người nhiễm mới. Mọi người sợ hãi trước tình cảnh của Ý, nơi gần 74.000 trường hợp dương tính đã làm quá tải một hệ thống y tế đẳng cấp thế giới, khiến hơn 7.500 người tử vong.

Nỗi sợ hãi đó là một lý do khác cho sự thay đổi nhanh chóng. Khi chính phủ Anh cố gắng lùi lại để giảm thiểu sự can thiệp của nhà nước, họ đã bị buộc tội là hành động quá ít, quá muộn. Ngược lại, Pháp đã thông qua một đạo luật trong tuần này trao cho chính phủ quyền lực không chỉ kiểm soát sự di chuyển của người dân mà còn để quản lý giá cả và trưng dụng hàng hóa. Trong cuộc khủng hoảng, tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã chứng kiến tỉ lệ người dân ủng hộ ông tăng vọt.

Ở hầu hết các nước trên thế giới, cho đến nay, nhà nước đã phản ứng với Covid-19 thông qua sự pha trộn giữa sự ép buộc và sức mạnh kinh tế. Khi đại dịch xảy ra, nhà nước có khả năng sử dụng sức mạnh độc nhất của mình để giám sát mọi người bằng cách sử dụng dữ liệu của họ. Hồng Kông sử dụng các ứng dụng trên điện thoại cho biết bạn đang ở đâu để giám sát lệnh cách ly. Trung Quốc có một hệ thống mã để ghi lại những người nào đủ khỏe mạnh để được đi ra khỏi nhà. Dữ liệu điện thoại giúp các chuyên gia xây dựng mô hình dự đoán sự lây lan của bệnh. Và nếu chính phủ muốn chặn được Covid-19, như Trung Quốc đã làm, họ sẽ cần ngăn chặn làn sóng lây nhiễm thứ hai đối với nhiều người dân vẫn còn dễ mắc bệnh, bằng cách vây ráp những cụm lây nhiễm mới. Hàn Quốc nói rằng tự động truy tìm các mối tiếp xúc gần của những ca nhiễm mới bằng cách sử dụng công nghệ di động sẽ mang lại kết quả sau mười phút thay vì 24 giờ.

Sự gia tăng mạnh mẽ này của quyền lực nhà nước đã diễn ra mà hầu như không có thời gian để tranh luận. Một số người sẽ tự trấn an rằng điều này chỉ là tạm thời và nó sẽ không để lại hệ quả, như trường hợp bệnh cúm Tây Ban Nha cách đây một thế kỷ. Tuy nhiên, quy mô của phản ứng làm cho Covid-19 giống như một cuộc chiến hoặc một cuộc Đại suy thoái. Và ở đây lịch sử cho thấy các cuộc khủng hoảng thường dẫn đến một nhà nước lớn hơn vĩnh viễn với nhiều quyền hạn và trách nhiệm hơn so với khả năng mà các khoản thuế có thể chi trả cho họ. Nhà nước phúc lợi, thuế thu nhập, quốc hữu hóa, tất cả đều bắt nguồn từ các cuộc xung đột và khủng hoảng.

Như danh sách đó cho thấy, một số thay đổi ngày hôm nay là điều đáng mong muốn. Sẽ rất tốt nếu các chính phủ được chuẩn bị tốt hơn cho đại dịch tiếp theo ; tương tự là nếu họ đầu tư vào y tế công cộng, kể cả ở Mỹ, nơi rất cần cải cách. Một số nước cần chi trả tiền lương cho người nghỉ bệnh một cách tử tế.

Những thay đổi khác có thể ít rõ ràng hơn, nhưng sẽ khó đảo ngược vì chúng được ủng hộ bởi các nhóm cử tri nhiều quyền lực ngay cả trước khi xảy ra đại dịch. Một ví dụ là việc nới lỏng thỏa thuận của khu vực đồng euro vốn có mục tiêu áp đặt kỷ luật lên việc vay mượn của các nước thành viên. Tương tự như vậy, Anh đã áp đặt quyền kiểm soát của nhà nước lên ngành đường sắt, một bước đi được cho là tạm thời nhưng có thể sẽ không bao giờ được rút lại.

Đáng lo ngại hơn là sự lây lan của những thói quen xấu. Chính phủ có thể rút lui vào tình trạng tự cung tự cấp. Một số sợ bị hết các nguyên liệu sản xuất thuốc, nhiều trong số đó được sản xuất tại Trung Quốc. Nga đã áp đặt lệnh cấm tạm thời xuất khẩu ngũ cốc. Các nhà công nghiệp và chính trị gia đã mất niềm tin vào chuỗi cung ứng. Đó chỉ là một bước đi nhỏ dẫn tới sự ủng hộ về lâu dài của nhà nước đối với các công ty chủ chốt của quốc gia, những công ty sẽ được cứu trợ bởi tiền thuế của dân. Triển vọng thương mại quốc tế vốn đã mờ mịt nay lại càng mù mịt thêm. Và về lâu dài, một sự mở rộng quá mức và kéo dài của quyền lực nhà nước cùng với nợ công cao hơn đáng kể có khả năng dẫn đến một loại chủ nghĩa tư bản chậm chạp, kém năng động hơn.

Nhưng đó không phải là vấn đề lớn nhất. Những lo lắng lớn hơn nằm ở nơi khác, như việc lạm dụng quyền lực và các mối đe dọa đối với tự do. Một số chính trị gia đã tranh thủ vun vén thêm quyền lực, như ở Hungary, nơi chính phủ đang tìm cách thông qua một tình trạng khẩn cấp vô thời hạn. Thủ tướng Israel Binyamin Netanyahu dường như coi cuộc khủng hoảng là cơ hội để trốn tránh một phiên tòa xử tội tham nhũng đối với ông.

Đáng lo ngại nhất là việc giám sát người dân quá mức. Thu thập và xử lý dữ liệu sâu rộng sẽ gia tăng vì nó mang lại lợi thế thực sự trong việc quản lý bệnh. Nhưng điều đó cũng mang lại cho nhà nước quyền truy cập thường xuyên vào hồ sơ y tế và dữ liệu điện tử của công dân. Nhà nước sẽ đối mặt với cám dỗ là tiếp tục sử dụng giám sát sau đại dịch, tương tự như trường hợp luật chống khủng bố được gia hạn sau ngày 9/11. Điều này có thể bắt đầu với việc truy tìm các trường hợp bị bệnh lao hoặc những người buôn ma túy. Không ai biết nó sẽ kết thúc ở đâu, đặc biệt là trong bối cảnh đối phó với Covid-19, một nhà nước Trung Quốc giám sát điên cuồng người dân được coi như một mô hình.

Giám sát có thể là rất cần thiết để đối phó với Covid-19. Các quy định với các điều khoản giám sát và chấm dứt hiệu lực được đưa vào sẵn sẽ có thể giúp ngăn chặn tình trạng lạm quyền. Nhưng hàng rào bảo vệ chính chống lại những nhà nước quá nhiều quyền lực, trong công nghệ lẫn nền kinh tế, sẽ chính là người dân. Họ phải nhớ rằng một chính phủ phù hợp với chống dịch không phù hợp với cuộc sống thường nhật của họ.

The Economist

Nguyên tác : "The state in the time of covid-19", The Economist, 26/03/2020.

Phan Nguyên biên dịch

Nguồn : Nghiên cứu quốc tế, 27/03/2020

Published in Diễn đàn

Khi nói về Con đường tơ lụa trên biển, ta không thể không đề cập đến các chuyến thám hiểm của đô đốc Trịnh Hòa. Đô đốc "thái giám" Trịnh Hòa, một người Hồi giáo trong triều đình nhà Minh, đã dẫn đầu bảy cuộc thám hiểm vào đầu thế kỷ 15 với một hạm đội lớn gồm những chiếc thuyền buồm còn được gọi là "thuyền châu báu". Luận điệu chính thức nói rằng ông đi nước ngoài để làm sứ giả hòa bình, mang theo châu báu để tặng các quốc vương và tù trưởng ông gặp trải dài từ Đông Nam Á cho đến Đông Phi. Ông đã mang về cống nạp cho hoàng đế nhiều vật phẩm quý như một con hươu cao cổ. Bản chất hòa bình trong các chuyến thám hiểm của Trịnh Hòa được tô vẽ rất nhiều – vì hạm đội được trang bị vũ khí đầy đủ và vẫn có một số cuộc đụng độ xảy ra. Tuy nhiên, ít câu chuyện nào cho thấy rõ sự kết hợp giữa sức mạnh cứng và các lợi ích thể hiện mối quan hệ triều cống của Trung Quốc với những quốc gia khác như câu chuyện này. Những người man di vẫn đáng để thiết lập quan hệ nếu họ chấp nhận ưu thế văn hóa, quân sự của Trung Quốc và sẵn sàng đồng hóa theo tư tưởng của Trung Quốc.

dangam1

Các nhà chiến lược Mỹ cho rằng Trung Quốc đang gửi các đội tàu châu báu hiện đại cùng với những món quà như lời đề nghị xây dựng cảng, nhằm mở đường cho việc triển khai tàu chiến trong tương lai.

Ý niệm về các sứ giả mang lại hòa bình thấm nhuần trong các bản lược đồ của Con đường tơ lụa trên biển thế kỷ 21. Điều nổi bật là sự mơ hồ và không rõ ràng của những nét vẽ tham vọng. Các tuyến đường trong biểu đồ thể hiện những đường cong mỹ miều. Các điểm được xác định trên đó phần lớn là những địa điểm được lấy từ các trung tâm buôn bán gia vị trong lịch sử hơn là những nơi đang được xây dựng nhằm để đầu tư (chẳng hạn như không đề cập đến căn cứ quân sự ở Djibouti). Ngược lại, quan điểm của Lầu Năm Góc lại cứng rắn hơn. Các nhà chiến lược Mỹ cho rằng Trung Quốc đang gửi các đội tàu châu báu hiện đại cùng với những món quà như lời đề nghị xây dựng cảng, nhằm mở đường cho việc triển khai tàu chiến trong tương lai.

Trung Quốc xem nhẹ những cáo buộc như vậy. Tuy nhiên, hiếm khi các nhà phân tích có thể dễ dàng tách biệt mục đích thương mại khỏi chiến lược dọc các con đường hàng hải. Gần như tất cả mọi thứ có tiềm năng đều có thể được sử dụng để vừa kiếm tiền vừa thể hiện sức mạnh.

Con đường này bắt đầu một cách dường như "ngây thơ trong trắng" xuyên Biển Đông. Rõ ràng ta đã thấy một nghịch lý hiển nhiên. Đây là một cuộc đối đầu địa chính trị giữa các quốc gia ven biển về các yêu sách hàng hải trên Biển Đông của họ, nhưng không yêu sách nào phi lý hơn yêu sách (Đường lưỡi bò) của Trung Quốc. Trung Quốc đang tích cực áp đặt các yêu sách của mình (và coi thường những yêu sách khác) thông qua sự hiện diện của lực lượng hải quân, hải cảnh, và đội tàu đánh cá, cũng như hoạt động xây đảo nhân tạo lớn xung quanh các rạn san hô và bãi đá để tạo đường băng, bến cảng và căn cứ quân sự.

Cách tiếp cận này mâu thuẫn với những lời kêu gọi thúc đẩy hợp tác cùng có lợi, vì hòa bình được thể hiện trong Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI). Nhưng mâu thuẫn đó có thể hiểu được nếu ta nhìn nhận nếu giúp các nước láng giềng tham gia xây cảng và các dự án khác, đồng thời thống trị các tuyến đường biển với các tàu Trung Quốc, Trung Quốc hy vọng sẽ giải quyết được vấn đề chủ quyền bằng cách khiến các nước láng giềng ít có sự lựa chọn nào khác ngoài việc ngã vào tay mình.

Cho đến nay, hầu hết các khoản đầu tư của Trung Quốc là vào các cảng thương mại. Sự thúc đẩy hàng hải đang được dẫn dắt bởi một số ít các doanh nghiệp nhà nước khổng lồ có liên quan chặt chẽ với các nhà lãnh đạo Đảng cộng sản. Công ty Xây dựng Giao thông Trung Quốc (CCCC) là công ty lớn nhất trong BRI. Cosco, một công ty vận tải biển khổng lồ, là hãng container lớn thứ ba thế giới hiện đang đầu tư vào 61 cảng trên toàn cầu. China Merchants, được thành lập như một doanh nghiệp yêu nước vào năm 1872 để thu hút vốn Trung Quốc nhằm đối đầu với các hãng tàu phương Tây, hiện đang quản lý 36 cảng tại 18 quốc gia. Kể từ năm 2010, hơn 20 tỷ đô la tiền Trung Quốc đã được đổ vào các cảng nước ngoài.

Một khái niệm quan trọng là "cảng – khu công nghiệp – thành phố" : một cảng sẽ có nhiều khả năng phát triển mạnh hơn nếu có vùng nội địa dưới dạng các khu công nghiệp và một thành phố đang phát triển. Ví dụ của mô hình này là Kuantan trên bờ đông bán đảo Malaysia và Gwadar ở Pakistan trên Biển Ả Rập. Ở cả hai nơi, các khu công nghiệp do Trung Quốc xây dựng đang được hình thành sát với các khu cảng mới, với kế hoạch mở rộng đô thị. Tại Colombo ở Sri Lanka, bên cạnh cảng container sầm uất do China Merchants kiểm soát, CCCC đã giành được 269 ha đất giáp biển để mở rộng khu kinh doanh và xây dựng các căn hộ hào nhoáng. Hiện vẫn chưa rõ liệu các dự án như vậy nhằm phục vụ mục đích đầu cơ bất động sản của dân địa phương giàu có và mong muốn gửi tiền ra nước ngoài của dân Trung Quốc, hay những dự án vậy là sự phát triển hữu cơ của thành phố. Thái độ của người dân bản địa đối với các dự án thường phụ thuộc vào câu trả lời cho câu hỏi này.

Một kế hoạch khác là đưa các cảng lớn đóng vai trò là trung tâm trung chuyển khu vực nơi các tàu container lớn nhất có thể cập cảng ; dỡ hàng hóa của họ xuống và gửi lên các tàu nhỏ hơn đi tới các cảng khu vực khác. Colombo là một ví dụ. Sri Lanka nằm ở ngã tư của các tuyến đường vận chuyển lớn ở Ấn Độ Dương và Colombo là một trong những cảng container tấp nập và nhiều lợi nhuận nhất thế giới.

Thành công đáng chú ý của một cảng trung chuyển là sự tham gia của Cosco ở Piraeus, bến cảng cổ xưa của Athens. Trung Quốc đã xuất hiện khi cuộc khủng hỏang tài chính năm 2008 khiến Hy Lạp suy sụp. Cosco đã thuê hai bến cảng container bằng một hợp đồng dài hạn với cam kết sẽ xây dựng một bến cảng thứ ba. Không lâu sau, sự tương phản giữa năng suất của cảng do Trung Quốc quản lý và cảng do Hy Lạp quản lý, vốn kém hiệu quả và bị các công đoàn chi phối, trở nên rõ ràng hơn bao giờ hết. Chính phủ cánh tả thời đó đã từ chối việc bán bến cảng đó. Nhưng vào năm 2016, khi cần tiền để đổi lấy gói cứu trợ thứ ba từ EU, họ đã đồng ý cho Cosco toàn quyền kiểm soát cảng. Cosco đã đầu tư 5 tỷ đô la, hứa hẹn sẽ thực hiện tất cả mọi thứ từ kinh doanh sửa chữa tàu cho đến việc biến nhà kho thành khách sạn cho hành khách tàu du lịch.

Dưới sự quản lý của Cosco, khối lượng container đã tăng hơn 700%. Năm tới Piraeus có thể vượt qua Valencia ở Tây Ban Nha để trở thành cảng lớn nhất Địa Trung Hải và lớn thứ bảy ở Châu Âu. Giá trị của nó đối với các nhà xuất khẩu Châu Á là một trung tâm trung chuyển. Hàng hóa đến Piraeus qua kênh đào Suez nhanh chóng được chuyển đến các khu vực khác của Địa Trung Hải. Điều đó giúp tiết kiệm thời gian và tiền bạc so với việc dỡ hàng tại các cảng khổng lồ ở Bắc Âu, chẳng hạn như Rotterdam (mặc dù Cosco cũng có cổ phần ở đó). Cosco cũng đang đầu tư vào một tuyến đường sắt để gửi hàng hóa từ Piraeus đến bán đảo Balkan và xa hơn là đến cụm sản xuất của Đức ở Đông Âu. Tuyến đường sắt kết nối gọn gàng đất liền với đường biển.

Djibouti chao đảo

Nhưng bên cạnh thành công lại có những dự án cảng Trung Quốc bị đình trệ kỳ lạ hoặc đáng ngờ. Sự kết hợp giữa tiềm năng thương mại và quân sự là rõ ràng ở nước Djibouti nhỏ bé, nơi án ngữ con đường tiếp cận Biển Đỏ và Kênh đào Suez. Năm 2017, Trung Quốc đã mở căn cứ quân sự đầu tiên ở Djibouti, trên danh nghĩa là dành cho lực lượng gìn giữ hòa bình của Trung Quốc ở vùng Sừng Châu Phi cũng như để chống cướp biển. Chính quyền Djibouti đã không quá bận tâm về việc tiếp nhận căn cứ này miễn là họ kiếm được tiền từ nó, và căn cứ của Trung Quốc không nằm quá xa so với căn cứ của Mỹ, Pháp và Nhật Bản.

Nhưng một vài tháng sau đó, chính phủ Djibouti đã quốc hữu hóa cảng chính, phá vỡ thỏa thuận dài hạn mà họ đã ký với DP World, nhà điều hành cảng đến từ Dubai. Ngay sau đó, họ đã trao một cổ phần tại cảng cho China Merchants, công ty tiếp quản việc điều hành cảng trên. Các tòa trọng tài quốc tế đã ra phán quyết ủng hộ DP World, mặc dù điều đó khó có thể khiến China Merchants phải rời đi. Do đó, một doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc đang nắm gần như tất cả các nguồn cung cấp hàng hóa cho các căn cứ khác, một điều gây báo động cho Hoa Kỳ và các đồng minh. Tương tự, bây giờ Trung Quốc có thể chiếm thế thượng phong ở Djibouti, nhưng tình hình tài chính của Djibouti là nguy hiểm nhất trong số tất cả các nước tham gia BRI, và hơn một nửa số nợ của họ là nợ Trung Quốc. Đối với những người chống Trung Quốc, điều đó có nghĩa là Trung Quốc đang nắm giữ tất cả các quân bài. Các nhà phân tích chỉ ra rủi ro đối với danh tiếng của Trung Quốc trong trường hợp Djibouti vỡ nợ.

Một trường hợp khác là Hambantota, một cảng ở cực nam Sri Lanka thường được coi là ví dụ điển hình của "ngoại giao bẫy nợ". Khai trương vào năm 2010, China Merchants nắm quyền kiểm soát cảng mới vào năm 2017 trong một hợp đồng thuê 99 năm khi chính phủ không thể trả nợ. Cáo buộc bẫy nợ là không chính xác bởi Trung Quốc đã xây dựng cảng chủ yếu để lấy lòng vị tổng thống bấy giờ là Mahinda Rajapaksa (hiện là thủ tướng đương nhiệm), tại một khu vực vốn là căn cứ chính trị của gia đình ông. Các doanh nghiệp Trung Quốc đã kiếm được rất nhiều tại cảng Colombo. Bên cạnh đó, do tính rủi ro của dự án, các ngân hàng Trung Quốc phải tính lãi suất thương mại đối với dự án này.

Nói cách khác, không có kế hoạch nào được tính trước cả. Tuy nhiên, Hambantota nằm ở vị trí chiến lược, chỉ cách một trong những tuyến đường biển nhộn nhịp nhất thế giới vài dặm về phía bắc. Hơn nữa, một khi các cơ sở tiếp nhiên liệu được lắp đặt và tàu bắt đầu vào tiếp liệu, Hambantota sẽ không còn là một khoản đầu tư lãng phí như hiện nay nữa. Do đó, Trung Quốc sẽ có thêm một bước đệm chiến lược ở Ấn Độ Dương trong những năm tới.

Những cáo buộc về chính sách ngoại giao bẫy nợ đặc biệt nhiều ở khu vực Nam Thái Bình Dương. Vào tháng 11 năm 2018, Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence đã nói với các nhà lãnh đạo Châu Á-Thái Bình Dương : "Đừng chấp nhận nợ nước ngoài có thể làm tổn hại đến chủ quyền của bạn". Những hiểm họa sẽ đặc biệt cao đối với các nền kinh tế mong manh và dễ tổn thương. Tuy nhiên, một nghiên cứu của Roland Rajah, Alexandre Dayant và Jonathan Pryke của Viện Lowy, một viện nghiên cứu chính sách ở Sydney, vẽ ra một bức tranh cân bằng hơn về các hoạt động của Trung Quốc ở Nam Thái Bình Dương. Họ kết luận rằng Trung Quốc không theo đuổi chính sách cố tình gài bẫy. Tonga là nơi duy nhất Trung Quốc chiếm hơn một nửa số nợ. Trong khi đó, gần như tất cả các khoản cho vay chính thức đều dưới dạng các khoản vay ưu đãi với lãi suất thấp và thời gian ân hạn dài, một sự tương phản rõ rệt với việc cho vay của Trung Quốc ở các khu vực khác trên thế giới.

Chắc chắn quy mô cho vay của Trung Quốc mang nhiều rủi ro trong tương lai. Nhưng cuộc tranh luận về chính sách "ngoại giao bẫy nợ" không nên làm lu mờ các vấn đề nổi bật hơn trong các hoạt động của Trung Quốc tại Nam Thái Bình Dương. Đối với Pryke của Viện Lowy, chúng bao gồm cả chất lượng các khoản cho vay của Trung Quốc và cách các mối quan hệ ngoại giao được vun đắp. Ông lập luận rằng "Trung Quốc đang sử dụng tham nhũng để bôi trơn sự can dự của họ". Bằng những thỏa thuận mờ ám với các chính trị gia, Trung Quốc đang làm suy yếu các thể chế cai trị vốn đã lỏng lẻo.

Có những cáo buộc khác về các dự án làm trầm trọng thêm các vấn đề trong nước ở các quốc gia mà chúng được thực hiện. Vào tháng 1, Chủ tịch Tập Cận Bình đã trở thành nhà lãnh đạo Trung Quốc đầu tiên đến thăm Myanmar sau 20 năm, một chuyến có nhiều lợi ích đi kèm. Với một cảng nước sâu đang được xây dựng tại Kyaukpyu ở bang Rakhine, một hành lang sẽ kết nối các phần đất liền tây nam Trung Quốc với Ấn Độ Dương. Myanmar sẽ cung cấp cho Trung Quốc một tuyến năng lượng quan trọng từ Kyaukpyu đến Côn Minh, thủ phủ của Vân Nam, tỉnh cực tây nam của nước này. Một đường ống có khả năng bơm 12 tỷ mét khối khí đốt mỗi năm từ các mỏ khí trong Vịnh Bengal. Một đường ống thứ hai là để vận chuyển dầu từ Trung Đông. Một tuyến đường sắt theo kế hoạch sẽ chạy từ Kyaukpyu đến Côn Minh qua Mandalay, một thành phố ở miền trung Myanmar nơi Trung Quốc có sự hiện diện lớn.

Các đường ống có giá trị đặc biệt đối với Trung Quốc, nước từ lâu đối mặt với điều mà các nhà chiến lược gọi là "Lưỡng nan Malacca". Eo biển Malacca, nơi hải quân Mỹ thống trị, là khu vực hàng hải tấp nập nhất thế giới, với gần một phần ba lượng thương mại hàng hải thế giới đi qua hàng năm, bao gồm 80% nhập khẩu năng lượng của Trung Quốc. Mối lo ngại của Trung Quốc là vào thời điểm khủng hỏang hoặc chiến tranh, Mỹ và các đồng minh có thể chặn eo biển, làm tắc nghẽn hàng hóa đến Trung Quốc.

Nhưng hành lang dự kiến được xây dựng ở Myanmar chạy qua một khu vực xung đột và cực kỳ phức tạp, nơi có hơn một chục lực lượng nổi dậy ở vùng biên giới được tài trợ bởi các tập đoàn buôn ma túy, đá quý, gỗ hiếm có liên hệ với Trung Quốc. Bên cạnh khả năng mang lại hòa bình và phát triển, các dự án của Trung Quốc cũng có khả năng làm trầm trọng thêm những cuộc xung đột sắc tộc. Đối với chính phủ Myanmar, Trung Quốc quá lớn để có thể phớt lờ. Nhưng họ cũng quá lớn nên khó có thể bị chi phối, và nhiều người trong chính phủ Myanmar, từ Aung San Suu Kyi trở xuống, đều có mối quan hệ lâu dài với phương Tây và Nhật Bản. Hiện tại, Myanmar đang căng thẳng với phương Tây bởi quân đội Myanmar giết hại người Hồi giáo Rohingya. Ông Tập biết chắc rằng tình trạng này sẽ không kéo dài.

Các khía cạnh chiến lược của Con đường tơ lụa trên biển không chỉ liên quan tới các cảng. Các công ty kỹ thuật Trung Quốc đã vận động quân đội Thái Lan cho đào một con kênh dài 100km băng qua eo đất Kra ở phía nam Thái Lan. Những người ủng hộ nói rằng các tàu từ Biển Ả Rập đến Đông Á sẽ rút ngắn được 1.200km trên hải trình của họ. Hải quân Trung Quốc sẽ có thể nhanh chóng đến Ấn Độ Dương. Một kênh đào như vậy sẽ đặt Thái Lan vào trung tâm của nền kinh tế thương mại điện tử khu vực vốn dựa trên thời gian giao hàng nhanh chóng.

Không phải mọi việc sẽ diễn ra suôn sẻ cho Trung Quốc

Mặc dù các vị tướng muốn phát triển, họ vẫn có nhiều quan ngại về kênh đào Kra. Họ sợ sự thống trị của Trung Quốc. Hơn nữa, phía nam Thái Lan rất phức tạp do tồn tại một cuộc nổi dậy kéo dài của người Hồi giáo – một cuộc tấn công vào một trạm kiểm soát an ninh hồi tháng 11 đã khiến 15 người chết. Nhiệm vụ thiêng liêng của quân đội luôn luôn là đảm bảo sự ổn định trong nước. Việc chia đôi Thái Lan và cô lập miền nam Hồi giáo đang bất ổn làm cho họ không yên tâm.

Do vậy không phải mọi việc sẽ diễn ra suôn sẻ theo mong muốn của Trung Quốc. Chắc chắn, họ là một thế lực địa chính trị Á-Âu – sự kết hợp giữa sức mạnh kinh tế và phạm vi địa lý. Nhưng dọc theo cả vành đai lẫn con đường, những nỗ lực của Trung Quốc mâu thuẫn với các cường quốc khác. Ở lục địa Á-Âu, khi Con đường tơ lụa được tái sinh, các đế chế cũ khác đã ghi dấu ấn của mình dọc theo con đường này. Thổ Nhĩ Kỳ có mối quan hệ sắc tộc lâu đời với các dân tộc gốc Thổ ở Trung Á, và có chuyên môn trong xây dựng và kinh doanh. Iran, mặc dù phải đối mặt với sự thù địch và trừng phạt của Mỹ, đã biến việc phát triển quan hệ với Trung Á thành một chính sách cơ bản. Đối với Ấn Độ Dương, Ấn Độ vẫn là cường quốc hải quân khu vực. Tại Colombo, cùng với China Merchants, Ấn Độ và Nhật Bản hiện đang hợp tác phát triển một cảng container mới.

Trung Quốc tuyên bố rằng hợp tác "tất cả cùng thắng" là những gì BRI hướng tới. Liệu ai muốn điều gì khác ? Tuy nhiên, dọc theo con đường tơ lụa kỹ thuật số đang dần nổi lên, tình hình ngày càng giống trò chơi với "tổng bằng không".

The Economist

Nguyên tác : "China is making substantial investment in ports and pipelines worldwide", The Economist, 06/02/2020

Đỗ Minh Châu biên dịch

Lê Hồng Hiệp biên tập

Nguồn : Nghiên cứu quốc tế, 02/03/2020

Published in Diễn đàn

Các đặc khu kinh tế Đông Nam Á oằn mình dưới ảnh hưởng của Trung Quốc

Ở một vùng xa xôi của miền bắc nước Lào, những rừng tre đã nhường chỗ cho các cần cẩu. Một thành phố đang được xây dựng ở nơi trước đây là rừng rậm : các tòa tháp được bao quanh bởi giàn giáo nằm phủ bóng lên các nhà hàng, quán karaoke và tiệm massage. Trái tim của Đặc khu kinh tế Tam giác vàng (có tên như vậy vì nó nằm ở điểm giao nhau của biên giới Lào, Myanmar và Thái Lan) là một sòng bạc, một khu vực nguy nga với các bức tượng và trần giả La Mã được bao phủ trong các bích họa. Tuy nhiên, sòng bạc này không phục vụ người Lào. Nhân viên chỉ chấp nhận đồng nhân dân tệ Trung Quốc hoặc baht Thái. Biển báo đường phố bằng tiếng Trung và tiếng Anh. Đồng hồ của thành phố được đặt theo giờ Trung Quốc, sớm hơn một giờ so với phần còn lại của Lào.

dackhu1

Đặc khu kinh tế Tam giác vàng (điểm giao nhau của biên giới Lào, Myanmar và Thái Lan) là một sòng bạc, một khu vực nguy nga với các bức tượng và trần giả La Mã được bao phủ trong các bích họa.

Trong thập niên qua, Trung Quốc đã trở thành một trong những nhà đầu tư lớn nhất ở các nước Đông Nam Á : năm 2018, Trung Quốc chiếm gần 80% số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Lào. Một phần vốn này đang chảy dọc theo các tuyến đường quen thuộc đến những nơi như Mandalay, một thành phố ở Myanmar, nơi có một cộng đồng người Hoa lâu đời. Nhưng phần lớn trong số đó đang tràn vào các đặc khu kinh tế để tận dụng các ưu đãi như cấp phép nhanh, thuế phí thấp, và việc kiểm soát lỏng hơn đối với sự dịch chuyển hàng hóa và vốn.

Không cần mất thời gian thuyết phục các doanh nghiệp Trung Quốc. Chính phủ Trung Quốc bắt đầu khuyến khích họ đầu tư ra nước ngoài vào những năm 2000. Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường, kế hoạch khổng lồ của Trung Quốc nhằm phát triển cơ sở hạ tầng ở nước ngoài, đã đẩy nhanh xu hướng này. Ngoài đường sắt, đường cao tốc và đường ống, sáng kiến còn thúc đẩy xây dựng các đặc khu kinh tế, vốn giờ là "một phương thức bành trướng kinh tế được ưa thích của Trung Quốc", theo lời Brian Eyler thuộc Trung tâm Stimson, một viện nghiên cứu chính sách của Mỹ. Theo lời kêu gọi của Sáng kiến Vành đai và Con đường, 160 công ty Trung Quốc đã rót hơn 1,5 tỷ đô la vào các đặc khu kinh tế ở Lào, theo Land Watch Thai, một tổ chức giám sát. Từ năm 2016 đến năm 2018, Trung Quốc đã đầu tư 1 tỷ đô la vào một đặc khu là Sihanoukville, một thành phố biển của Campuchia.

Vốn Trung Quốc đi đâu, lao động Trung Quốc đi theo đó. Ở Mandalay, người Trung Quốc đã tăng từ 1% dân số năm 1983 lên 30% -50% dân số ngày nay. Ở những nơi có đặc khu kinh tế, sự thay đổi thậm chí còn rõ nét hơn. Năm 2019, thống đốc tỉnh Sihanoukville nói với tờ Straits Times rằng số người Trung Quốc ở Sihanoukville đã tăng vọt trong hai năm trước đó lên gần một phần ba dân số. Quyền lực kinh tế của người di cư Trung Quốc tăng theo số lượng của họ. Tại Mandalay, 80% khách sạn, hơn 70% nhà hàng và 45% cửa hàng trang sức được sở hữu và điều hành bởi người Trung Quốc, theo một nghiên cứu thị trường được thực hiện vào năm 2017.

Dòng người di cư đổ vào đã thúc đẩy tình cảm chống Trung Quốc trên toàn khu vực. Nhưng các chính phủ nghèo ở Đông Nam Á vẫn tìm cách lôi kéo các nhà đầu tư Trung Quốc vì họ hy vọng tiền Trung Quốc sẽ kích thích nền kinh tế. Trên một số khía cạnh, những khoản đầu tư này đã đơm hoa kết trái. Ở Lào, đầu tư nước ngoài đã góp phần thúc đẩy tăng trưởng GDP, đạt trung bình 7,7% một năm trong thập niên qua.

Nhưng một nghiên cứu về các đặc khu kinh tế hồi năm 2017 của Tiêu điểm phương Nam, một viện nghiên cứu có trụ sở tại Bangkok, đã kết luận rằng các "cấu trúc pháp lý và quản trị" dành cho các đặc khu ở Campuchia và Myanmar đã "bị kéo lệch để phục vụ lợi ích của các nhà đầu tư và chống lại người dân địa phương và môi trường". Alfredo Perdiguero đến từ Ngân hàng Phát triển Châu Á đồng ý rằng các đặc khu ở Lào, Campuchia và Myanmar "vẫn chưa thể làm lan tỏa lợi ích" ra nền kinh tế nói chung.

Một phần là do các công ty Trung Quốc có xu hướng không thuê người địa phương. Vào năm 2018, các công nhân Lào chỉ giành được 34% số công ăn việc làm được tạo ra bởi tổng cộng 11 đặc khu kinh tế ở Lào, khác xa so với tỉ lệ 90% mà chính phủ đã hứa. Các công ty Trung Quốc lập luận rằng lao động địa phương thiếu kỹ năng, nhưng các nhóm xã hội dân sự ở Myanmar phản ứng bằng cách chỉ ra trường hợp một trường cao đẳng nghề gần Kyaukpyu, một cảng và đặc khu kinh tế do Trung Quốc đề xướng ; không học viên nào tốt nghiệp trường này được thuê để làm việc ở đó, theo một báo cáo được công bố năm ngoái.

Ngoài ra các nguồn cung ứng đầu vào từ địa phương cũng hạn chế. Ví dụ, các nhà máy may tại đặc khu Sihanoukville nhập khẩu vải, cúc và chỉ. Các công nhân và du khách Trung Quốc ở các đặc khu kinh tế Đông Nam Á thường sử dụng các cửa tiệm và nhà hàng thuộc sở hữu của người Trung Quốc, và tránh thuế doanh thu bằng cách trả tiền cho các hàng hóa và dịch vụ thông qua các ứng dụng của Trung Quốc như Alipay. "Tiền thậm chí không rời khỏi Trung Quốc, cơ bản là như vậy", theo lời Sebastian Strangio, tác giả của một cuốn sách sắp phát hành về ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc tại Đông Nam Á. Điều đó, cùng với chính sách miễn giảm thuế, có nghĩa là các chính phủ sở tại giành được rất ít lợi ích : năm 2017, bộ tài chính Lào chỉ thu được 20 triệu đô la từ các đặc khu kinh tế của mình, chiếm chưa đến 1% tổng doanh thu thuế.

Như thường thấy ở các dự án phát triển lớn ở các nước nghèo Đông Nam Á, người dân địa phương hiếm khi được hỏi ý kiến về việc xây dựng các đặc khu. Đặc khu Tam giác vàng được xây dựng trên cánh đồng lúa của làng Ban Kwan ; hơn 100 hộ dân đã buộc phải di dời trái với ý muốn của họ. Và sau đó còn có vấn đề thực thi pháp luật trong các đặc khu, nơi các quy định lỏng lẻo có thể thu hút tội phạm bên cạnh các doanh nghiệp hợp pháp. Năm 2018, chính quyền Mỹ tuyên bố đặc khu Tam giác vàng là một điểm nóng của giới "buôn bán ma túy, buôn người, rửa tiền, hối lộ và buôn bán động vật hoang dã". Họ gọi công ty điều hành đặc khu là một "tổ chức tội phạm xuyên quốc gia", và đã ra lệnh trừng phạt đối với chủ tịch công ty, Zhao Wei. Ông ta phủ nhận những lời buộc tội, gọi hành động này là "đơn phương, trị ngoại pháp quyền, bất hợp lý và bá quyền". Nhưng nhiều người Đông Nam Á có thể cũng sẽ dùng những từ tương tự để nói về cách vận hành của các đặc khu kinh tế trong khu vực này.

The Economist

Nguồn : "South-East Asia is sprouting Chinese enclaves", The Economist, 30/01/2020

Phan Nguyên biên dịch

Nguồn : Nghiên cứu quốc tế, 31/01/2020

Published in Diễn đàn

Vào ngày 15/01/2020, sau ba năm thương chiến cay đắng, Mỹ và Trung Quốc sẽ ký một thỏa thuận "giai đoạn một" để cắt giảm thuế quan và buộc Trung Quốc phải mua thêm nông sản Mỹ. Đừng bị lừa vì điều đó. Thỏa thuận khiêm tốn này không thể che đậy được thực tế mối quan hệ quan trọng nhất của thế giới đang ở thời điểm nguy hiểm nhất kể từ trước khi Richard Nixon và Mao Trạch Đông tái lập các mối liên hệ cách đây năm thập niên. Mối đe dọa đối với phương Tây từ chủ nghĩa chuyên chế công nghệ cao của Trung Quốc đã trở nên quá rõ ràng. Tất cả mọi thứ từ các công ty trí tuệ nhân tạo tiên phong của Trung Quốc cho đến các trại cải tạo ở Tân Cương đều gây nên tình trạng báo động khắp thế giới.

mytrung1

Điều rõ ràng tương tự là những phản ứng có phần không nhất quán của Mỹ, từ yêu cầu chính phủ Trung Quốc mua đậu nành của Iowa cho đến đòi hỏi Trung Quốc phải từ bỏ mô hình kinh tế do nhà nước lãnh đạo. Hai bên từng nghĩ rằng cả hai có thể phát triển thịnh vượng cùng nhau ; ngày nay, mỗi nước đều có tầm nhìn về việc mình thành công còn nước kia phải bị tụt lại phía sau. Việc gỡ bỏ một phần mối quan hệ của họ đang diễn ra. Trong thập niên 2020, thế giới sẽ chứng kiến việc gỡ bỏ mối quan hệ này sẽ đi xa đến đâu, và thiệt hại là tới mức nào, và liệu khi đối đầu với Trung Quốc, Mỹ có bị buộc phải thỏa hiệp các giá trị của mình hay không.

Gốc rễ của sự chia tách giữa hai siêu cường bắt nguồn từ 20 năm trước. Khi Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới năm 2001, các nhà cải cách ở Trung Quốc và bạn bè ở nước ngoài đều mơ mộng rằng Trung Quốc sẽ tự do hóa nền kinh tế, và có lẽ, cả nền chính trị, làm cho Trung Quốc hòa nhập vào trật tự thế giới do Mỹ lãnh đạo.

Tầm nhìn đó đã chết. Phương Tây đã phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng tài chính và trở nên hướng nội. Hành vi của Trung Quốc đã được cải thiện theo một số cách : ví dụ, thặng dư thương mại khổng lồ của Trung Quốc đã giảm xuống còn 3% GDP. Nhưng Trung Quốc cũng có một hình thức độc tài thậm chí còn đen tối hơn dưới thời Chủ tịch Tập Cận Bình, đồng thời ngày càng nhìn nước Mỹ với một ánh mắt ngờ vực và khinh miệt. Như mọi cường quốc mới nổi, Trung Quốc khao khát phát huy tầm ảnh hưởng của mình, vốn đang tăng lên cùng tầm vóc của nó. Trung Quốc muốn trở thành một người thiết lập quy tắc thương mại toàn cầu, cùng với kiểm soát thông tin, tiêu chuẩn thương mại và tài chính. Họ cũng đã xây dựng các căn cứ quân sự ở Biển Đông, can thiệp vào cộng đồng người Hoa hải ngoại gồm 45 triệu người và bắt nạt những người chỉ trích ở nước ngoài.

Tổng thống Donald Trump đã đáp trả bằng chính sách đối đầu đã giành được sự ủng hộ của lưỡng đảng ở Mỹ. Tuy nhiên, những nhân vật diều hâu đối với Trung Quốc vốn chiếm đa số tại các cơ quan và hội đồng quản trị các công ty ở Washington vẫn chưa thống nhất được việc liệu mục tiêu của Mỹ có nên là giảm thâm hụt thương mại song phương, hay tìm kiếm lợi nhuận cho các cổ đông tại các công ty con của Mỹ ở Trung Quốc, hay một chiến dịch địa chính trị để ngăn chặn sự bành trướng của nước này. Trong khi đó, ông Tập hôm thì kêu gọi tự lực dân tộc, hôm thì hô hào ủng hộ toàn cầu hóa, còn Liên Hiệp Châu Âu vẫn không chắc liệu họ có phải là một đồng minh ngày càng xa lạ của Mỹ, một đối tác của Trung Quốc, hay một siêu cường tự do đang tỉnh giấc.

Suy nghĩ không nhất quán mang lại những kết quả không nhất quán. Huawei, một gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc, đối mặt với một chiến dịch gây áp lực không nhất quán như vậy của Mỹ nên doanh số của họ vẫn tăng 18% trong năm 2019, lên mức kỷ lục 122 tỷ đô la. EU đã hạn chế đầu tư của Trung Quốc, trong khi Ý lại tham gia chương trình Vành đai và Con đường của Trung Quốc. Trong năm 2019, Trung Quốc đã hứa hẹn sẽ mở cửa các thị trường tài chính lớn và nhiều tiềm năng của mình cho Phố Wall trong khi họ đang làm suy yếu nền pháp quyền ở Hồng Kông, một trung tâm tài chính toàn cầu. Thỏa thuận thương mại "giai đoạn một" cũng sẽ đi theo mẫu hình này. Nó pha trộn các mục tiêu trọng thương với các mục tiêu tư bản (tự do), vừa giữ nguyên hầu hết các mức thuế quan, vừa gác qua một bên những bất đồng sâu sắc hơn để giải quyết sau. Mục tiêu chiến thuật của Trump là giúp nền kinh tế khởi sắc trong một năm bầu cử ; còn Trung Quốc thì vui vẻ câu giờ.

Sự không nhất quán về địa chính trị dẫn tới sự không an toàn lẫn bất ổn. Đúng vậy, nó vẫn chưa gây ra tổn thất kinh tế lớn - kể từ năm 2017, dòng chảy thương mại và đầu tư trực tiếp song phương đã giảm lần lượt 9% và 60%, nhưng nền kinh tế thế giới vẫn tăng trưởng khoảng 3% trong năm 2019. Một số doanh nghiệp, như 4.125 quán cà phê của Starbucks ở Trung Quốc, vẫn không hề bị ảnh hưởng. Nhưng đối đầu không ngừng lan rộng sang các lĩnh vực mới. Các khu học xá của Mỹ đang bị xáo trộn bởi một "nỗi sợ cộng sản" mới về khả năng gián điệp và đe dọa của Trung Quốc. Các cuộc cãi vã nổi lên về việc các vận động viên thể thao (môn bóng rổ - ND) khấu đầu trước áp lực của Trung Quốc, quyền thả neo của tàu hải quân Mỹ (tại Hồng Kông - ND), rồi việc Mỹ kiểm duyệt TikTok, một ứng dụng của Trung Quốc được sử dụng bởi thanh thiếu niên trên toàn thế giới. Ngoài ra, ẩn sau bức tranh đó là nguy cơ đối đầu giữa hai siêu cường xoay quanh vấn đề Đài Loan, nơi sẽ tổ chức bầu cử trong tháng Giêng này.

Mỗi bên đang lên kế hoạch để tiến hành sự cắt giảm hợp tác nhằm hạn chế ảnh hưởng hàng ngày của bên kia, làm giảm mối đe dọa dài hạn của họ và giảm thiểu rủi ro bị phá hoại về kinh tế. Điều này cần đến một loạt các tính toán đặc biệt phức tạp, bởi vì hai siêu cường đang có mức độ đan xen lợi ích chặt chẽ. Về công nghệ, hầu hết các thiết bị điện tử ở Mỹ được lắp ráp tại Trung Quốc, và, ngược lại, các công ty công nghệ Trung Quốc phụ thuộc vào các nhà cung cấp nước ngoài đối với hơn 55% linh kiện đầu vào cao cấp dành cho các sản phẩm robot, 65% đầu vào trong ngành điện toán đám mây, và 90% đầu vào trong ngành bán dẫn. Phải mất từ ​​10 đến 15 năm nữa Trung Quốc mới có thể tự cung cấp chip máy tính và Mỹ mới có thể chuyển hết các nhà cung cấp ra khỏi Trung Quốc. Tương tự như vậy là ngành tài chính, vốn có thể trở thành một phương tiện để hai bên trừng phạt lẫn nhau. Đồng nhân dân tệ (CNY) chỉ chiếm 2% thanh toán quốc tế và các ngân hàng Trung Quốc nắm giữ hơn 1 nghìn tỉ đô la tài sản định danh bằng đồng đô la Mỹ. Một lần nữa, việc chuyển các đối tác thương mại sang sử dụng nhân dân tệ và giảm số tài sản bằng đồng đô la (USD) của các ngân hàng sẽ mất ít nhất một thập niên, có thể lâu hơn. Còn trong lĩnh vực nghiên cứu, Trung Quốc vẫn đang đào tạo những tài năng giỏi nhất và tìm ra những ý tưởng tốt nhất của mình tại các trường đại học nổi tiếng thế giới của Mỹ - hiện tại có 370.000 sinh viên đại lục đang theo học tại các cơ sở ở Hoa Kỳ.

Nếu sự đối đầu giữa hai siêu cường vượt ra ngoài tầm kiểm soát, thiệt hại sẽ rất lớn. Để xây dựng hai chuỗi cung ứng phần cứng công nghệ song song nhau sẽ tiêu tốn thêm khoảng 2 nghìn tỉ đô la hoặc hơn, tức khoảng 6% tổng GDP của cả hai nước. Biến đổi khí hậu, một thách thức lớn vốn có thể mang lại điểm đồng, thậm chí còn khó xử lý hơn nữa. Tương tự, hệ thống các liên minh, vốn là một trụ cột của sức mạnh Mỹ, cũng bị ảnh hưởng. Trung Quốc đang là nhà cung cấp hàng nhập khẩu lớn nhất của khoảng 65 quốc gia và vùng lãnh thổ, và nếu bị yêu cầu phải lựa chọn một bên, không phải tất cả đều sẽ chọn Chú Sam, nhất là nếu Mỹ tiếp tục theo đuổi chính sách "nước Mỹ trước tiên". Những điều quý giá nhất chính là những nguyên tắc thực sự làm cho nước Mỹ vĩ đại : các quy tắc toàn cầu, thị trường mở, tự do ngôn luận, tôn trọng các đồng minh và các quy trình thận trọng. Vào những năm 2000, người ta thường hỏi Trung Quốc có thể trở nên giống Mỹ đến mức nào.

Trong những năm 2020, câu hỏi lớn hơn là liệu một sự

phân ly hoàn toàn giữa hai siêu cường có thể khiến nước Mỹ ngày càng giống Trung Quốc hơn hay không.

The Economist

Nguyên tác : "Don’t be fooled by the trade deal between America and China", The Economist, 02/01/2020.

Phan Nguyên biên dịch

Nguồn : Nghiên cứu quốc tế, 05/01/2020

Published in Diễn đàn

Ngay cả trong thời kỳ hoàng kim, các con hổ cũng gặp phải những kẻ gièm pha. Hai mươi lăm năm trước vào đúng tháng này, Paul Krugman, một nhà kinh tế, đã viết trên tờ Foreign Affairs, một tạp chí chính sách của Mỹ, một bài có tựa đề "Những hiểu lầm về Sự thần kỳ Châu Á". Ông lập luận rằng khi nhìn kỹ lại, các nền kinh tế dường như năng động của Châu Á cho thấy "ít bằng chứng một cách đáng ngạc nhiên về sự cải thiện năng suất". Thay vào đó, tăng trưởng của họ phụ thuộc vào việc gia tăng nhanh chóng đầu vào về lao động, vốn, v.v… Đó là một phép màu dựa trên "mồ hôi" (perspiration) chứ không phải sự "sáng tạo" (inspiration). Đặc biệt, Singapore "đã tăng trưởng thông qua việc huy động các nguồn lực có thể khiến Stalin cũng phải tự hào", Krugman viết.

bon1

Mô hình tăng trưởng dựa trên mồ hôi này phải đối mặt với một số giới hạn tự nhiên. Tỷ lệ việc làm không thể tăng mãi mãi. Và sự tích lũy tư bản cuối cùng sẽ bước vào giai đoạn lợi nhuận giảm dần. Do đó, tốc độ tăng trưởng của các con hổ chắc chắn sẽ chậm lại.

Về điểm cuối, Krugman rõ ràng đã đúng. Các con hổ Châu Á đã tăng trưởng trung bình chỉ 3% trong thập niên này, giảm từ mức 8% so với đầu những năm 1990. Nhưng sự pha trộn giữa "mồ hôi" và "sáng tạo" của họ giờ tốt hơn những gì Krugman lo sợ. Khi đóng góp của lao động giảm xuống, năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP), một thước đo về năng suất (vẫn còn gây tranh cãi về mặt lý thuyết), đã đóng góp nhiều hơn. Từ năm 2000 đến 2017, chỉ số này của các con hổ đã tăng nhanh ít nhất gấp đôi so với ở Mỹ, theo Tổ chức Năng suất Châu Á có trụ sở tại Tokyo.

Sự so sánh khiến các con hổ sợ nhất không phải với quá trình công nghiệp hóa kiểu Stalin của Liên Xô mà là sự trì trệ kéo dài của Nhật Bản. Cuộc sống ở Nhật Bản, đối với nhiều người, là thoải mái và sung túc. Nhưng nền kinh tế của nước này đã hụt hơi. GDP bình quân đầu người của Nhật Bản tính theo ngang giá sức mua đạt mức 85% của người Mỹ năm 1990 ; ngày nay tỉ lệ này chỉ gần 70%. Một nguyên nhân khiến Nhật Bản bị trì trệ kéo dài là tình trạng lão hóa dân số : dân số Nhật giờ đây già hơn tất cả các nước ngoại trừ xứ Monaco nhỏ bé. Nhưng trong ba thập niên tới, các con hổ sẽ già đi còn nhanh hơn những gì Nhật Bản đã trải qua. Các con hổ cũng thấy nhiều hình ảnh bản thân trong mô hình kinh tế của Nhật Bản, từng là hình mẫu cho họ noi theo. Hàn Quốc và Đài Loan đều mạnh về chế tạo hơn so với dịch vụ, và cả bốn nước đều phụ thuộc rất lớn vào xuất khẩu để tạo ra tăng trưởng nguồn cầu. Liệu họ có lặp lại thất bại của Nhật Bản đúng như cách họ đã sao chép thành công của nước này ?

Lặp lại khó khăn của Nhật Bản cũng không phải hoàn toàn là một thảm họa : nhiều quốc gia vốn lo lắng về bẫy thu nhập trung bình sẽ thấy thoải mái nếu rơi vào bẫy thu nhập tương đương mức của Nhật Bản. Nhưng các con hổ vẫn có thể khao khát đạt được mức tốt hơn. Bất chấp các tương đồng với Nhật Bản, họ cũng khác Nhật Bản ở nhiều khía cạnh.

So với Nhật Bản trong những năm bong bóng, họ là những nền kinh tế bảo thủ về tài chính. Kể từ sau khủng hoảng tài chính Châu Á năm 1997-98, họ đã duy trì các tấm đệm tài chính lớn cho các ngân hàng của mình và đi tiên phong trong việc áp đặt các giới hạn thận trọng vĩ mô đối với các khoản vay. Ngoài ra, các con hổ thậm chí còn phụ thuộc sâu sắc hơn vào hệ thống thương mại toàn cầu và đều cho thấy quyết tâm giữ vững vị trí hàng đầu toàn cầu. Cả bốn nền kinh tế đều thích tự hào về vị trí của mình trong nhóm đứng đầu các bảng xếp hạng như về chỉ số năng lực cạnh tranh toàn cầu của Diễn đàn Kinh tế Thế giới hoặc Ngân hàng Thế giới.

Nếu các con hổ vấp ngã, đó sẽ là vì lý do riêng của họ, chứ không phải vì họ đang lặp lại sai lầm của Nhật Bản. Đài Loan muốn giảm bớt các sợi dây kinh tế với Trung Quốc, nhưng điều này đang khó thực hiện vì Trung Quốc nay là trung tâm của trọng lực kinh tế Châu Á. Sự tức giận về tình trạng tập trung quyền lực kinh tế ở Hàn Quốc đã dẫn đến nhu cầu về một hệ thống công bằng hơn. Nhưng nhiều phản hồi của chính phủ đã không hiệu quả hoặc phản tác dụng.

Hệ thống chính trị được quản lý cẩn thận của Singapore đã bị căng thẳng nhiều hơn, và sự phản đối nhập cư cho thấy nước này không miễn nhiễm trước chủ nghĩa dân túy vốn đang trỗi dậy trên toàn thế giới. Đáng buồn thay, Hồng Kông là con hổ có nguy cơ sẽ tụt lùi lớn nhất. Thật dễ hiểu khi người dân Hồng Kông, thành công và hiểu biết, muốn tự đưa ra các quyết định lớn cho bản thân mình. Tuy nhiên, các nhà cầm quyền của họ sẽ không muốn điều đó.

Vì vậy, sẽ hợp lý khi có một cái nhìn cân bằng về các con hổ. Vẫn còn nhiều điều có thể lạc hướng đối với họ. Tuy nhiên, cũng có nhiều điều có thể tiếp tục đi đúng hướng. Họ từng có rất nhiều điểm mạnh. Hàn Quốc đã nổi lên như một cường quốc về nghiên cứu, đồng thời xây dựng các thương hiệu toàn cầu mạnh, từ điện thoại thông minh đến các thần tượng nhạc pop. Đài Loan, trong hoàn cảnh khó khăn nhất về địa chính trị, đã tự biến mình thành một nhân tố thiết yếu trong chuỗi cung ứng toàn cầu, đồng thời phát triển một hệ sinh thái sinh động gồm các doanh nghiệp nhỏ. Hồng Kông, bất chấp các tai ương hiện tại, đã trở thành cầu nối tài chính giữa Trung Quốc và thế giới. Singapore đứng đầu lớp hổ theo nhiều cách : họ có nền kinh tế đa dạng dù là một nước nhỏ, và đã xoa dịu được tình trạng bất bình đẳng vốn đi kèm với sự thịnh vượng gần đây.

Các con hổ cũng quan trọng đối với phần còn lại của thế giới. Hồ sơ của họ trong những năm bùng nổ vẫn là một tài liệu tham khảo quan trọng cho các nước đang phát triển khác noi theo. Kinh nghiệm của họ trong hai thập niên qua cho thấy các quốc gia có thể leo từ mức thu nhập trung bình lên tầm cao hơn như thế nào. Hồ sơ của họ trong vài thập niên tới cũng sẽ thu hút sự quan tâm của các nước phát triển.

Bộ tứ này có thể được xem là trường hợp thử nghiệm cho tương lai. Họ thường là những người tiên phong cho các công nghệ mới nhờ vào các công ty sáng tạo của họ. Và xã hội của họ đang phải đối mặt với vấn đề điển hình về các thế lưỡng nan mà các nước giàu đang đối mặt : làm thế nào để đối phó với tình trạng lão hóa dân số ; bảo vệ công nhân trước tác động của tự động hóa ; phục hồi tăng trưởng năng suất ; giữ quan hệ gần gũi với cả Mỹ và Trung Quốc ; và làm thế nào thúc đẩy tiền lương trì trệ và giữ giá bất động sản không tăng vọt.

Nhiều thập niên trước khi họ được đặt biệt danh là các con hổ, các nền kinh tế nhỏ hơn của Châu Á được ví von với một loài động vật khác : đàn ngỗng bay, với Nhật Bản là con ngỗng đầu đàn. Trong tự nhiên, cũng như trong kinh tế học, các con ngỗng bay sau sẽ bay dễ dàng hơn khi có con ngỗng đầu đàn dẫn dắt, bởi chúng được hưởng lợi từ luồng gió mà con ngỗng đầu đàn tạo ra. Nhưng phép ẩn dụ ban đầu này đã quên nói đến việc các con ngỗng thường thay phiên nhau làm con ngỗng đầu đàn. Hồng Kông, Singapore, Đài Loan và Hàn Quốc đã dành nhiều thập niên thoải mái bay sau các nền kinh tế tiên tiến hơn. Tin tốt và cũng là tin xấu là giờ đây không còn ai để họ bay theo nữa.

The Economist

Nguyên tác : "Where do the Asian tiger economies go from here ?", The Economist, 05/12/2019.

Phan Nguyên biên dịch

Nguồn : Nghiên cứu quốc tế, 26/12/2019

Published in Diễn đàn

Vào lúc 4g30 sáng, hàng trăm người đã tràn ra đường bên ngoài ga Namguro ở Seoul. Họ không tới đây để đón tàu, vốn chỉ hoạt động sau một giờ nữa. Họ cũng không bị thu hút bởi các quán ăn sáng (bán xúc xích và bánh mỳ dẹt), các phòng hát trên lầu (cung cấp dịch vụ karaoke) hoặc các spa dưới tầng hầm (cung cấp những gì ai cũng biết). Thay vào đó, họ đến đây để cung cấp sức lao động của mình nhằm đổi lấy một ngày lương tại bất kỳ công trường xây dựng nào đang cần thêm lao động. Trong khi chờ được trả giá, họ hút thuốc, ngồi xổm và ho. Và họ không nói tiếng Hàn mà là tiếng Quan thoại.

tiger1

Liệu dân số già hóa có làm suy yếu sinh hoạt kinh tế ?

Hàn Quốc từng là một nước xuất khẩu lao động ròng. Vào những năm 1970, các công nhân của các công ty nước này đã xây dựng những con đường ở Ả Rập Saudi, thường vào ban đêm dưới ánh đèn. Nhưng những người nhập cư, bao gồm cả những người Trung Quốc đang tập trung tại Namguro, hiện chiếm tỷ lệ ngày càng tăng trong lực lượng lao động.

Bất chấp những lo lắng về việc làm trong nền kinh tế của các con hổ, tỷ lệ thất nghiệp của họ vẫn thấp một cách đáng ghen tị : dưới 4% ở tất cả các nước này. Nỗi lo lắng lâu dài của họ sẽ là sự thiếu hụt không phải về việc làm mà là về những người trong độ tuổi lao động. Dân số trong độ tuổi lao động truyền thống (từ 15-64) đã giảm ở cả bốn nền kinh tế. Đến năm 2040, tỉ lệ người trong độ tuổi lao động so với số người cao tuổi của họ sẽ còn thấp hơn cả Nhật Bản ngày nay. Trong khoảng thời gian 20 năm tới, những con hổ này sẽ già đi nhanh như tình trạng Nhật Bản đã trải qua trong hơn 30 năm.

Tỷ lệ sinh của các con hổ thuộc nhóm mười nước thấp nhất trên toàn thế giới : thấp đến mức mỗi năm số sinh mới dự kiến ​​ch bng 55% so vi la thế h cha m ca h. Chính ph các nước này đã c gng mà không đạt nhiu thành công để đảo ngược xu hướng này. Mt s thm chí đã th c bin pháp mai mi. Mng lưới Phát trin Xã hi Singapore đã t chc các bữa ăn tối, xem phim và chơi cờ. Một cơ quan mai mối có chứng nhận sẽ giúp bạn tìm được đối tác lý tưởng của mình với sự trợ giúp của trò xếp hình Lego. Tại Đài Loan, chính phủ đã tổ chức các chuyến tham quan bằng xe đạp và hẹn hò nhanh, bên cạnh các sự kiện khác. Nhưng một quan chức cấp cao đã thẳng thừng đánh giá rằng : "Hoàn toàn vô tác dụng".

tigers2

Dự báo số người trong độ tuổi lao động so với năm 2015.

Một lý do là văn hóa làm việc ở đây. "Nếu một quốc gia yêu cầu người dân của họ làm việc cả ngày đêm thì không có gì lạ khi tỷ lệ sinh quá thấp như vậy", theo lời Joyce Yang, người đã bỏ một việc làm về quan hệ công chúng tại Đài Bắc sau quá nhiều lần kết thúc ngày làm việc lúc nửa đêm. Tại Hàn Quốc, chính phủ của Tổng thống Moon đã giảm thời gian làm việc tối đa xuống còn 52 giờ (mặc dù các trường hợp ngoại lệ vẫn tồn tại). Cô Yang đã chọn một giải pháp triệt để hơn : chuyển sang Úc, từ đó cô kêu gọi 30.000 người theo dõi mình trên Facebook từ bỏ thói quen tham công tiếc việc. Cô nói "Người Đài Loan không có thời gian để sống".

Thời gian là một hạn chế ; một hạn chế khác nữa là chi phí. Mặc dù toàn xã hội được hưởng lợi từ sức sống của mỗi thế hệ mới, nhưng chi phí nuôi dạy trẻ em đè nặng lên một nhóm duy nhất : phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ. Với cha mẹ già phải chăm lo cộng với rất ít sự giúp đỡ từ chồng (đàn ông chỉ làm 1/5 công việc gia đình ở Hàn Quốc) và sự trợ giúp không thỏa đáng từ nhà nước, nhiều phụ nữ đã chọn kết hôn muộn nếu kết hôn, và chỉ có một con, nếu muốn sinh nở.

Tình trạng khó khăn của họ càng trở nên tồi tệ hơn bởi một trong những điều các con hổ tự hào nhất : sự cam kết đối với giáo dục. Mặc dù các con hổ này đều cung cấp giáo dục công chất lượng tử tế, nhiều phụ huynh cảm thấy phải chi tiền cho những trường tư đắt tiền và việc học thêm. Một số nỗ lực bổ sung này có thể giúp nâng cao kiến ​​thc và năng sut trong tương lai cho tr em. Nhưng phn ln trong số đó chỉ là nhằm tạo dựng hồ sơ, một nỗ lực để cải thiện vị trí của đứa trẻ trong dòng người xếp hàng xin vào các trường đại học tốt nhất, và để giành được những công việc tốt nhất sau khi ra trường. Giáo dục đã trở thành một cuộc chạy đua vũ trang, trong đó việc một phụ huynh chi thêm tiền và thời gian buộc những người khác cũng phải chạy theo.

Tại Hàn Quốc, ông Moon đã hứa sẽ thực hiện nhiều hành vi giảm tải giáo dục. Ông muốn hợp nhất các trường đại học vào một mạng lưới duy nhất, san phẳng hệ thống phân cấp các trường và thậm chí không khuyến khích các nhà tuyển dụng thuê nhân viên trên cơ sở hồ sơ học tập. Một số những đề xuất này dường như không thể thực hiện được. Các nhà phê bình gọi đó là "cuộc chiến đối với chế độ nhân tài". Nhưng có một sự phân biệt giữa tài năng, thứ cần được tưởng thưởng, với những nỗ lực lãng phí để chứng minh tài năng, thứ gây tổn hại. Các "mẹ hổ" có nguy cơ làm tổn thương chính các con hổ của mình.

Đối mặt với gánh nặng này, một số phụ huynh đã gian lận bằng cấp cho con cái. Một bài báo khoa học năm 2009 về yếu tố tiền thân di truyền của bệnh tật được cho là do con gái của Cho Kuk, Bộ trưởng Tư pháp của ông Moon, làm đồng tác giả, mặc dù lúc đó cô ấy chỉ là một học sinh. Ông Cho đã buộc phải từ chức trong tai tiếng.

Giải pháp

Để cải thiện cấu trúc độ tuổi bất lợi, các con hổ sẽ phải kết hợp tuần làm việc ngắn hơn với cuộc sống làm việc dài hơn. Họ sẽ cần nhiều người như Neo Kwee Leng hơn. Khi gần 60 tuổi, ông từ bỏ công việc kinh doanh tiểu thương của mình để dành cả ngày hoạt động tại trung tâm "Loving Heart", một trung tâm dành cho người cao tuổi ở Singapore. Đó không phải là nghỉ hưu : ông tham gia với tư cách là nhà quản lý. Đó hóa ra cũng không phải là một công việc nhẹ nhàng hơn. Khoảng 100 người ghé thăm hàng ngày, mỗi người có một nhu cầu khác nhau. Một số người đến kiểm tra y tế, một số vào chơi đàn ukulele, còn những người khác vào chỉ để trò chuyện.

Vì vậy, ông Neo đã nâng cấp các kỹ năng quản lý, học Excel và phân tích dữ liệu. "Phần khó khăn nhất là thị lực của tôi", ông nói. Ông cũng đã điều hành các hội thảo về sử dụng điện thoại thông minh. Quá trình đào tạo lại – của ông và những người khác – nằm trong chương trình SkillsFuture, một chương trình của chính phủ nhằm thúc đẩy văn hóa học tập trọn đời.

Tại các nền kinh tế con hổ, "trọn đời" có thể thực sự dài. Cũng như việc các nước này có tỷ lệ sinh thấp nhất, họ cũng là những nước có tuổi thọ cao nhất. Ngay cả ở tuổi 60, người dân của họ vẫn có thể sống thêm 25 năm nữa hoặc hơn, đủ thời gian để thành thạo cả Excel và ukulele.

Một cách khác để những con hổ đối phó với tình trạng già hóa dân số là cho phép nhập cư nhiều hơn. Người nước ngoài chiếm 6% lực lượng lao động tại Đài Loan và khoảng 3,3% tại Hàn Quốc. Đó là mức thấp theo tiêu chuẩn phương Tây, nhưng cao hơn Nhật Bản, nơi người nước ngoài chỉ chiếm 2%. Ở Hồng Kông và Singapore, sự phụ thuộc vào người nhập cư còn lớn hơn nhiều. Phần lớn dân số Hồng Kông (39%) được sinh ra ở nơi khác, bao gồm hơn 2,2 triệu người từ các vùng khác của Trung Quốc. Người sinh ra ở nước ngoài vẫn chiếm các vị trí cao trong các tòa án, cơ quan quản lý và thậm chí cả lực lượng cảnh sát. Thành phố cũng phụ thuộc vào hơn 380.000 người giúp việc và bảo mẫu (hầu hết đến từ Philippines và Indonesia), những người chiếm hơn 8% lực lượng lao động.

Singapore có 1,4 triệu lao động nước ngoài, tức hơn một phần ba lực lượng lao động. Chính phủ tin rằng người nhập cư là cần thiết để làm những công việc có tay nghề thấp mà người Singapore sẽ không muốn làm. Một sách trắng năm 2013 dự báo dân số sẽ tăng lên mức 6,9 triệu người vào năm 2030, từ mức 5,7 triệu hiện nay. Sách trắng đã vô tình tiết lộ giới hạn độ mở của Singapore. Dự báo này làm dấy lên lo ngại rằng những người nhập cư sẽ làm quá tải cơ sở hạ tầng và dịch vụ công của thành phố. Trong một trong những cảnh tượng hiếm hoi nhất ở Singapore, một vài ngàn người đã biểu tình trong một công viên, một số giơ cao các tấm biển ghi "Singapore dành cho người Singapore".

Nhập cư không phải là cách duy nhất để tận dụng lợi thế lực lượng lao động dồi dào của những nước khác. Bên cạnh nhập khẩu lao động, các con hổ cũng có thể xuất khẩu vốn. Bằng cách cho vay và đầu tư ra nước ngoài, họ cũng tận dụng được lực lượng lao động nước ngoài mà không gặp phải tất cả những khó khăn trong việc đưa những công nhân đó sang nước mình. Tại Hồng Kông, thu nhập ròng hàng năm từ các tài sản nước ngoài này đã lên tới gần mức 2.500 USD mỗi người.

Các con hổ đã tích lũy các khoản đầu tư ở nước ngoài bằng cách liên tục bán nhiều thứ cho phần còn lại của thế giới hơn so với mức họ mua. Thặng dư tài khoản vãng lai của Singapore năm ngoái là một con số khổng lồ, lên tới 18% GDP. Sự mất cân bằng thương mại này chưa gây ra nhiều chú ý hay chỉ trích từ Mỹ. Nhưng điều đó có thể thay đổi. Suy cho cùng, bốn nền kinh tế này đều xứng đáng được thế giới chú ý kỹ càng.

The Economist

Nguyên tác :"Will age weaken the Asian tiger economies ?", The Economist, 05/12/2019.

Phan Nguyên biên dịch

Nguồn : Nghiên cứu quốc tế, 25/12/2019

Published in Diễn đàn

Eo biển Đài Loan thường được mô tả là một điểm nóng tiềm tàng. Trên vùng biển hẹp này, Trung Quốc đang chỉa hàng ngàn tên lửa vào quốc gia mà họ coi là một tỉnh nổi loạn. Nhưng đối với những người làm việc tại Formosa 1, một trang trại điện gió ngoài khơi, eo biển này là một cái gì đó rất khác. "Đây là nơi có luồng gió tốt nhất thế giới". Một kỹ sư cất lời, mắt nhìn vào một cụm tuabin trên mặt nước màu lam ngọc.

bon1

Nhiều doanh nghiệp Đài Loan lo ngại hòn đảo sẽ thiếu điện, đe dọa nền kinh tế. Cuộc tranh luận đã có lúc trở nên quá lố : các nhà lập pháp đã ẩu đả với nhau ngay trong quốc hội.

Khi bắt đầu hoạt động vào cuối năm nay, đây sẽ là trang trại điện gió ngoài khơi có quy mô thương mại đầu tiên của Châu Á bên ngoài Trung Quốc và là trang trại đầu tiên trong số nhiều trang trại tương tự được quy hoạch ở eo biển này. Việc Đài Loan đón nhận điện gió đi kèm với quyết định loại bỏ dần năng lượng hạt nhân. Nhiều doanh nghiệp lo ngại điều này sẽ khiến hòn đảo thiếu điện, đe dọa nền kinh tế. Cuộc tranh luận đã có lúc trở nên quá lố : các nhà lập pháp đã ẩu đả với nhau trong quốc hội.

Năm 2017, một sự cố mất điện lớn bao trùm phía bắc Đài Loan. Nhưng Tổng thống Thái Anh Văn đang theo đuổi kế hoạch để tạo ra một "đất nước không điện hạt nhân" vào năm 2025. Đối với các nhà phê bình, đó là một ví dụ rõ ràng về việc hệ thống chính trị có thể dễ dàng bị các nhà hoạt động kiên quyết thay đổi như thế nào, cho dù đó là những người hoạt động bảo vệ môi trường hoặc chống tự do thương mại. Nó cũng nêu bật một câu hỏi lâu nay : Dân chủ có hại cho sự thịnh vượng hay không ?

Quan điểm này thường được nghe thấy ở Trung Quốc. "Đài Loan có gì để khoe trong 20 năm dân chủ đã qua ? Trên tất cả, đó là một sự suy giảm nhanh chóng về kinh tế", Zhang Weiwei, một học giả Trung Quốc, đã viết như vậy trong một bài tiểu luận. Nhưng ý kiến ​​tương tự cũng được nêu lên ở một số con hổ khác. Trong các thế hệ lớn tuổi ở Hàn Quốc và Đài Loan vẫn tồn tại nỗi hoài niệm về Park Chung-hee và Tưởng Kinh Quốc, những lãnh đạo chuyên chế đã dẫn dắt họ trong những năm bùng nổ kinh tế. "Bạn không thể ăn dân chủ", Terry Gou, người sáng lập hãng Foxconn của Đài Loan, nói. (Nhưng dân chủ cũng không thể "tiêu hóa" được ông ấy : cuối cùng ông quyết định không tham gia cuộc bầu cử tổng thống Đài Loan sau khi biết rõ không có cơ hội chiến thắng).

Nền chính trị tự do hơn ở Hàn Quốc và Đài Loan không phải lúc nào cũng mang lại cho họ vinh quang. Trong số bảy tổng thống dân cử từ năm 1987 của Hàn Quốc, ba người đã bị kết tội tham nhũng và một người tự sát để thoát khỏi một vụ bê bối. Trong số bốn tổng thống Đài Loan kể từ năm 1996, ba người bị buộc tội tham nhũng, một trong số đó đã bị kết án 19 năm tù. Tất cả cuộc đời chính trị rồi sẽ kết thúc trong thất bại, Enoch Powell, một chính trị gia người Anh gây tranh cãi, từng nói như vậy. Tuy nhiên, rất ít người có kết cục tồi tệ đến mức như của các tổng thống Hàn Quốc và Đài Loan.

Tuy nhiên, kể từ khi Hồng Kông được bàn giao cho Trung Quốc vào năm 1997, các nhà lãnh đạo ở đây cũng không phải là tấm gương quảng bá cho nền chính trị phi dân chủ. Trưởng đặc khu đầu tiên từ chức sớm, người thứ hai rốt cuộc cũng đi tù, và người thứ ba không được lòng dân đến mức không thể phục vụ nhiệm kỳ thứ hai. Trong khi đó, trưởng đặc khu hiện tại bị ghét đến nỗi các cuộc bầu cử địa phương gần đây, thường là một vấn đề không quan trọng, đã bị biến thành một cuộc trưng cầu dân ý trên thực tế về sự lãnh đạo của bà. Còn Singapore lâu nay gắn chặt với các lý tưởng "nhân tài trị" (meritocratic), nhưng mối thâm thù giữa những người con của Lý Quang Diệu, người cha sáng lập của đất nước, đã cho thấy một khía cạnh xấu xí hơn của nền chính trị chóp bu nước này.

Khi bốn con hổ được gán cho biệt danh đó, không ai trong số họ từng tổ chức các cuộc bầu cử cạnh tranh. Nhưng đến giờ hai trong số đó đã trở thành những nền dân chủ sôi động ; hai con hổ còn lại thì không. Do đó, bốn con hổ mang lại sự đa dạng mà các nhà khoa học xã hội cần khi muốn kiểm tra tác động của các biến khác nhau. Nền chính trị ồn ào của Đài Loan và Hàn Quốc có thể được so sánh với "nền dân chủ được quản lý" của Singapore, hay hệ thống không mang tính đại diện của Hồng Kông, cũng như với chính quá khứ phi dân chủ của họ. Những so sánh như vậy cho thấy điều gì ?

Cả Hàn Quốc và Đài Loan đã phát triển nhanh hơn trong những thập niên trước khi họ trở thành các nền dân chủ so với giai đoạn sau khi dân chủ hóa. Nhưng Hồng Kông và Singapore cũng từng tăng trưởng nhanh hơn so với hiện tại. Do đó, sự chậm lại của cả bốn nền kinh tế không thể bị đổ lỗi cho dân chủ. Singapore gần đây đã phát triển nhanh hơn so với những con hổ dân chủ. Nhưng Hồng Kông thường tăng trưởng chậm hơn (so với Hàn Quốc và Đài Loan).

Nhiều nghiên cứu mang tính hệ thống cũng đưa ra các kết luận pha trộn. Một bài báo mang tính bước ngoặt năm 1996 của Robert Barro thuộc Đại học Harvard đã đưa ra kết luận "khó chịu" rằng quá dân chủ có xu hướng gây ảnh hưởng (nhẹ) đến tăng trưởng. Ông suy đoán rằng sự phân phối lại thu nhập cần thiết để xoa dịu đa số cử tri có thể làm suy yếu động lực đối với đầu tư và việc làm. Các bài tập thống kê của ông cho thấy rằng một mức độ tự do chính trị vừa phải là tốt nhất : thực tế, ở mức như của Singapore hiện tại là phù hợp.

Nhưng các nhà dân chủ có thể thấy ấm lòng từ kết luận dễ chịu hơn của các nghiên cứu kinh tế mới hơn. Daron Acemoglu của của trường MIT và các đồng tác giả tính toán rằng dân chủ làm tăng thêm khoảng 20% GDP đầu người của một quốc gia trong dài hạn. Một lý do là dân chủ khuyến khích sự cởi mở và sự cam kết đối với giáo dục và y tế. Vì Singapore và Hồng Kông vẫn mở và đầu tư mạnh cho giáo dục và y tế, họ đã đạt được một số lợi ích kinh tế tồn tại ở các nền dân chủ trưởng thành.

Hậu quả khi không có quyền bầu cử

Đóng góp khác của dân chủ cho tăng trưởng, theo Acemoglu và các đồng tác giả, là giúp xoa dịu tình trạng bất ổn xã hội. Những kinh nghiệm gần đây của các con hổ đã giúp xác tín cho ông. Năm 2016, người Hàn Quốc phát hiện ra rằng tổng thống của họ, Park Geun-hye, đã bị thao túng bởi một cố vấn bí ẩn ở hậu trường. Tiết lộ này đã khiến hàng triệu người biểu tình xuống đường, giống như sự chán ghét của người Hồng Kông đối với ảnh hưởng của đại lục đã đưa hàng trăm ngàn người xuống đường biểu tình kể từ tháng Sáu.

Ở Hàn Quốc dân chủ, hệ thống chính trị đã có thể giải quyết được vấn đề này. Cơ quan lập pháp bắt đầu các thủ tục luận tội chính thức ; phán quyết của nó đã được tòa án hiến pháp tán thành ; bà Park đã bị loại khỏi quyền lực và bỏ tù ; và một cuộc bầu cử đã được tổ chức để tìm người kế nhiệm. Trong khi đó tại Hồng Kông, trưởng đặc khu Carrie Lam dường như thậm chí không có quyền tự từ chức, khi bà thú nhận trong một bài phát biểu bị rò rỉ với các doanh nhân rằng bà không còn lựa chọn nào khác ngoài việc tiếp tục chiến đấu.

Bởi vì hệ thống chính trị nửa vời của Hồng Kông đã không thể đáp ứng lại sự giận dữ của người biểu tình, cảnh sát đã buộc phải đối phó với điều đó. Nhiệm vụ của họ đã khiến cảnh sát cảm thấy vừa tức giận vừa quyền lực. Họ là công cụ duy nhất giúp chính phủ xử lý vấn đề, vì vậy chính phủ không muốn làm cho lực lượng cảnh sát cảm thấy bất mãn. Nỗi sợ đó đã ngăn chính phủ mở một cuộc điều tra khả tín về các hành vi sai trái của cảnh sát. Nhưng tình trạng thiếu trách nhiệm giải trình đã khiến người biểu tình càng tức giận, một số người thấy ít lý do để tôn trọng luật pháp nếu luật pháp không áp dụng đối với chính những người giúp thực thi pháp luật. Cuộc đối đầu đã khiến nền kinh tế rơi vào suy thoái, điều có khả năng tiếp tục vào năm tới. Dù dân chủ chưa chắc giúp thúc đẩy tăng trưởng, nhưng nếu nguyện vọng dân chủ không được đáp ứng thì nó chắc chắn có thể gây tổn hại cho tăng trưởng.

Chắc chắn là các con hổ dân chủ, vốn chỉ mới vài chục năm tuổi, cũng gặp nhiều khó khăn. Formosa 1, trang trại gió ngoài khơi của Đài Loan, đã bị các phương tiện truyền thông địa phương chỉ trích vì quá đắt đỏ và đã phải đối mặt với tám năm đánh giá chi tiết về tác động môi trường. Quá trình này đã diễn ra "kỹ lương hơn cả ở Châu Âu", theo Matthias Bausenwein, chủ tịch của Ørsted Asia Pacific, cổ đông lớn nhất của dự án. Nhưng sau khi vượt qua quá trình rắc rối đó, ông nói rằng cam kết của Đài Loan đối với điện gió trông chắc chắn hơn.

Trong bất cứ trường hợp nào, các nhà lập pháp Đài Loan cũng có những điều mới cần phải đấu tranh. Năm 2018, một cuộc ẩu đả khác đã nổ ra trong cơ quan lập pháp, lần này là về việc cắt giảm lương hưu cho công chức. Dù có dùng tới nắm đấm hay không, đó cũng là một vấn đề mà tất cả các con hổ phải vật lộn : số lượng người già ngày càng tăng và phải giải quyết vấn đề đó như thế nào.

The Economist

Nguyên tác : "Does democracy hurt or help growth in the tiger economies of Asia ?", The Economist, 05/12/2019.

Phan Nguyên dịch

Nguồn : Nghiên cứu quốc tế, 20/12/2019

Published in Diễn đàn

Hai quả bom xăng, một màu xanh, một màu vàng, được quấn trong một chiếc khăn và đựng trong ba lô. Đeo găng tay xây dựng và mặt nạ Guy Fawkes, những người biểu tình treo chúng trên lan can, giống như những người pha chế rượu trong quán bar. Sau đó, gạch được chuyển đến, chất đống trên một chiếc xe đẩy và được dấu dưới những chiếc ô. Người biểu tình dành mấy phút ném gạch đá và những lời lăng mạ xuống cầu thang của một lối ra tàu điện ngầm, hướng về phía cảnh sát chống bạo động bên dưới. Một ngọn lửa bùng lên khiến cảnh tượng thêm phần kịch tính, đủ để kích thích một phản ứng từ phía cảnh sát : một hộp hơi cay được bắn lên cầu thang. Người biểu tình tản ra, và một hàng cảnh sát tiến lên đằng sau những tấm khiên, vừa đi bắn bắn đạn hơi cay.

hk1

Từng nổi tiếng là một thành phố tiến bộ, Hồng Kông giờ đây được biết đến như một thành phố của các cuộc biểu tình. Gạch, bom xăng và hơi cay đã được ném xuống những khu bất động sản đắt đỏ nhất thế giới. Cuộc đụng độ được mô tả ở trên diễn ra trước một cửa hàng trưng bày của Bulgaria và một chi nhánh của Prada. Nhiều nhà phân tích, bao gồm cả những người trong chính quyền Hồng Kông, cho rằng nguyên nhân cơ bản của các cuộc biểu tình ở thành phố này là sự bất bình về kinh tế, đặc biệt là giá nhà đắt đỏ, tiền lương trì trệ và sự hiện diện phổ biến đến ngột ngạt của các tập đoàn có vai trò thống trị.

Thành phố này chắc chắn là nơi tồn tại sự bất bình đẳng thu nhập lớn. Những chiếc đồng hồ được trưng bày ở cửa hàng của Bulgaria có giá cao hơn lương tháng của hầu hết cư dân ở đây. Và những chiếc xe đẩy chở gạch đá của người biểu tình thường được dùng để chở bìa cứng tái chế được thu lượm bởi những phụ nữa nghèo lớn tuổi, còng lưng đẩy xe. Giá bất động sản cao một cách phi lý. Một cặp vợ chồng gần đây đã bán một chỗ đậu xe trong một khu chung cư cao cấp với giá 760.000 đô la, tương đương với chi phí để mua hơn 14.000 vé đậu xe.

Nếu kinh tế là động lực cơ bản cho tình trạng bất ổn của Hong Kong, thì có thể có giải pháp làm hài lòng cả người biểu tình lẫn các quan chức ở Bắc Kinh. Một chương trình xây dựng nhà ở cấp tốc và thuế theo cấu trúc lũy tiến hơn sẽ làm giảm bất bình đẳng ở Hồng Kông mà không làm Trung Quốc bất an : rốt cuộc, biện pháp đó sẽ làm cho Hồng Kông trông giống như đại lục hơn. Các nhà lập pháp thân Bắc Kinh tại Hồng Kông đã ủng hộ các đề xuất mua tới 700 ha đất từ ​​các nhà phát triển bất động sản tư nhân cho dù họ có muốn bán hay không.

Tương tự, nhiều nhà phân tích đề xuất một giải pháp kiểu Singapore cho các vấn đề của Hồng Kông. Singapore sớm nhận ra rằng việc nhiều người dân được sở hữu nhà ở là yếu tố cần thiết cho sự ổn định xã hội. Hơn 80% dân số sống trong các căn hộ được xây dựng bởi các cơ quan chính phủ, được bán với giá trợ cấp. Phang Sock-Yong thuộc Đại học Quản lý Singapore nói rằng, nếu nói đến nhà ở, Singapore gần giống với "xã hội lý tưởng" được hình dung bởi Thomas Guletty trong cuốn sách "Tư bản trong thế kỷ 21" của ông. Nửa dưới dân số Singapore được sở hữu một phần tư số nhà ở của quốc gia này.

Nhưng bất bình đẳng thu nhập và nhà ở đắt đỏ là những vấn đề lâu nay ở Hồng Kông. Nhưng chúng đã không gây ra tình trạng bất ổn trong quá khứ. Vậy tại sao lại bây giờ ? Và nếu những bất bình về kinh tế đang thúc đẩy những người biểu tình, thì họ lại đang im lặng một cách đáng kinh ngạc về động cơ thực sự đó của họ. Họ thường phàn nàn về sự tàn bạo của cảnh sát và sự xói mòn quyền tự trị của Hồng Kông trước đề cập đến tình trạng việc làm hoặc bất bình đẳng thu nhập. "Chúng tôi nhìn thấy những góc tối của chính phủ", theo lời một người biểu tình tại Đại học Trung văn Hồng Kông (CUHK) vốn đang tức giận vì vụ bắn chết một sinh viên trường đào tạo nghề vào ngày 11 tháng 11. Francis Lee đến từ CUHK và các đồng nghiệp đã khảo sát hàng ngàn người biểu tình trong ba tháng đầu biểu tình. Hơn một nửa trong số đó tự nhận mình là tầng lớp trung lưu hoặc thượng lưu và khoảng 75% có trình độ đại học.

Trung Quốc sẽ không bao giờ dám thừa nhận tình hình ở Hồng Kông có sự tương đồng với Đài Loan. Tiền lương ở Đài Loan đã bị đình trệ trong hai thập niên qua. Đài Bắc cũng là một trong những nơi có giá nhà ở đắt đỏ nhất Châu Á. Nhưng một trong những cơn địa chấn chính trị lớn nhất ở Đài Loan trong những năm gần đây chính là cuộc biểu tình của phong trào "Hoa hướng dương" hồi năm 2014 của các sinh viên phản đối các mối quan hệ thương mại gần gũi hơn với Trung Quốc. Cuộc đấu tranh được cho là gây tổn hại đến lợi ích kinh tế của chính họ. Nhưng nó vừa phản ánh vừa thúc đẩy bản sắc quốc gia khác biệt của Đài Loan.

Trong khi nền kinh tế Hồng Kông không phải là nguyên nhân chính của tình trạng bất ổn ở thành phố này, nó lại là nạn nhân tiêu biểu nhất của tình trạng bất ổn đó. Ban đầu, người biểu tình phá hoại các công ty không đồng cảm với mục đích của họ. Gần đây, hoạt động phá hoại đã trở nên ít phân biệt hơn. "Chúng tôi muốn tạo áp lực cho chính phủ về mặt kinh tế", một sinh viên nói. Từ một cây cầu bị chặn ở CUHK, anh và những người biểu tình khác đang canh giữ một rào chắn làm bằng những thân cây bật gốc, lan can tháo ốc và tháp nhựa phân làn giao thông, tất cả nằm ngổn ngang trên một con đường bận rộn bên dưới.

Tệ hơn cả những thiệt hại vật chất chính là những tác động tâm lý, gây ảnh hưởng đến chi tiêu của người dân. Doanh số bán lẻ đã giảm hơn một phần năm trong tháng 9 và số lượng khách đến Hồng Kông giảm hơn một phần ba. Các nhà hàng và quán bar đã phải chịu sự sụt giảm doanh thu lớn nhất kể từ khi dịch SARS bùng nổ năm 2003.

Nếu các cuộc biểu tình lắng xuống, đống đổ nát có thể nhanh chóng được sửa chữa : Hồng Kông đã di dời các chướng ngại vật thậm chí còn hiệu quả hơn những người biểu tình dựng chúng lên. Nhưng tác hại tâm lý có thể kéo dài. Người đại lục, vốn chiếm hơn ba phần tư khách du lịch đến Hồng Kông, có thể sẽ không muốn chi tiêu thoải mái ở một thành phố nơi khiến họ cảm thấy không được chào đón. Tuy nhiên, Hồng Kông vẫn giữ được vị thế là một trung tâm tài chính. Thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu và hệ thống ngân hàng của thành phố lớn hơn nhiều lần GDP của nó và vẫn khá tách biệt với nền kinh tế địa phương. Các công ty đại lục chiếm 70% lượng trái phiếu phát hành và 55% chỉ số Hang Seng của thị trường chứng khoán.

Vai trò của thành phố này như là một ống dẫn tài chính nối giữa Trung Quốc và thế giới phụ thuộc vào một cơ sở hạ tầng pháp lý và chính sách riêng biệt vốn không thể bị phá hoại hoặc ngăn chặn. Ngay cả khi các cuộc biểu tình nổ ra, Alibaba, gã khổng lồ thương mại điện tử Trung Quốc, đã huy động được hơn 11 tỷ đô la trên thị trường chứng khoán Hồng Kông, con số lớn nhất kể từ năm 2010. Chỉ số chứng khoán Hang Seng cho thấy sự nhạy cảm với cuộc chiến thương mại Trung – Mỹ hơn là với các bất ổn địa phương. Và nếu xét mức tăng đột biến 280% về thanh toán thuế chuyển nhượng bất động sản trong tháng 10, có thể thấy người nước ngoài vẫn có thể tự tin thu gom bất động sản Hồng Kông khi giá giảm nhẹ. Có lẽ họ nhớ đến trường hợp của Li Ka-shing, một trong những người giàu nhất Châu Á, người đã kiếm được một gia tài lớn ở Hồng Kông bằng cách mua bất động sản trong thời kỳ hỗn loạn và bạo lực cánh tả tại thành phố này hồi thập niên 1960.

Đối với những chuyên gia làm việc trong môi trường đa quốc gia, sự ổn định của Singapore hiện có vẻ hấp dẫn, nhất là nếu xét những rủi ro từ việc đi lại khó khăn và các trường học đóng cửa ở Hồng Kông. Nhưng trong vai trò các trung tâm tài chính, hai thành phố này ít giống nhau hơn so với vẻ bề ngoài. Tại Hồng Kông, "chúng tôi đến Trung Quốc và cạnh tranh", theo lời một nhà môi giới người Singapore đã chuyển đến thành phố này nhiều năm trước. Anh nói thêm rằng ở Singapore, "người ta chờ Trung Quốc đến với họ", tự tin rằng Singapore có thể là cửa ngõ để Trung Quốc tiến vào Đông Nam Á. Ông ví các chuyên gia tài chính Singapore là những người chăn cừu bảo vệ bầy cừu của mình, trong khi các chuyên gia tài chính Hồng Kông giống như những tay thợ săn chuyên chủ động săn lùng các thương vụ mới.

Người biểu tình đã cố gắng khai thác địa vị đặc biệt của Hồng Kông để phục vụ cho mục đích riêng của họ. Bằng cách kêu gọi quốc tế, họ đã khiến Quốc hội Mỹ thông qua một dự luật yêu cầu Bộ Ngoại giao đánh giá hằng năm liệu Hồng Kông có đủ mức độ tự trị để được hưởng các ưu đãi riêng biệt theo luật hải quan, thuế và thương mại của Mỹ hay không. Đối diện với các hàng rào ở Đại học Trung văn Hồng Kông có treo bức chân dung của một vị anh hùng bất đắc dĩ của họ : Mitch McConnell, nhà lãnh đạo phe Cộng hòa trong Thượng viện Mỹ.

Điều trớ trêu là, theo nhiều cách, Hồng Kông dường như ngày càng cách xa đại lục. Nhiều người ở Trung Quốc không thể hiểu tại sao thành phố này lại bất mãn đến vậy khi họ được hưởng nhiều đặc quyền hơn so với đại lục.

Nhưng tham vọng chính trị của Hồng Kông chính là một sản phẩm phụ tự nhiên xuất phát từ sự thịnh vượng của nó. Mặc dù vẫn được hưởng nhiều tự do hơn nhiều so với phần còn lại của Trung Quốc, nhưng Hồng Kông vẫn được hưởng ít quyền chính trị hơn so với những gì mà một xã hội giàu có và phát triển như nó thường được hưởng. Chỉ các quốc gia vùng Vịnh giàu dầu mỏ mới có tình trạng thu nhập đầu người cao đi kèm với mức điểm thấp về Chỉ số Dân chủ được công bố bởi The Economist Intelligence Unit (EIU), một công ty con thuộc tập đoàn The Economist. Mặc dù các cuộc biểu tình ở Hồng Kông hiện đang đe dọa sự phát triển của nó, nhưng chúng cũng là hệ quả đến từ chính sự phát triển của thành phố này. 

The Economist

Nguyên tác : "Social unrest in places like Hong Kong is not proof of economic failure", The Economist, 05/12/2019.

Phan Nguyên biên dịch

Nguồn : Nghiên cứu quốc tế, 17/12/2019

Published in Diễn đàn

Trong một chiến dịch bắt đầu từ Singapore, mọi thứ thật khắc nghiệt và đẫm máu. Tháng trước, Jack và 49 người khác đã lên một máy bay vận tải và nhảy dù xuống một hòn đảo. Nhiệm vụ của họ rất đơn giản : giết hoặc bị giết. Jack nhặt lựu đạn và tìm đường đến một nhà máy bỏ hoang. Anh ta cúi thấp mình để giữ an toàn, nghĩ rằng đã không bị phát hiện. Nhưng anh ta đã nhầm. Sau một loạt đạn là sự im lặng bao trùm. Jack đã một lần nữa không thể vượt qua level đầu tiên.

tiger3

Chào mừng các bạn đến với Free Fire, một trong những trò chơi chiến đấu được download nhiều nhất dành cho điện thoại trong năm nay. Nhà phát triển của nó là Sea Group, một công ty internet được thành lập tại Singapore một thập niên trước, hiện trị giá 17 tỷ đô la. Bên cạnh trò chơi đình đám của mình, tập đoàn cũng có một ứng dụng thương mại điện tử, Shoppee, phổ biến hơn nhiều so với Amazon ở Đông Nam Á. Thành công của công ty phản ánh một sự thay đổi quan trọng trong nền kinh tế của các con hổ.

Trong những năm bùng nổ, nhiều công ty lớn nhất của các con hổ lớn lên là nhờ chính sách của chính phủ. Các chaebol Hàn Quốc đã được trao tín dụng rẻ và miễn giảm thuế. Các công ty dẫn đầu ngành bán dẫn Đài Loan là những thực thể tách ra từ các tổ chức nghiên cứu của nhà nước. Các ông trùm Hồng Kông đã nuôi dưỡng quan hệ chặt chẽ với các quan chức và được hưởng lợi từ các chính sách đất đai của họ. Các công ty lớn nhất Singapore sâu xa cũng thuộc sở hữu của nhà nước.

Sea đại diện cho một cái gì đó khác biệt. Thành công của nó có ít mối liên hệ trực tiếp đến chính sách của chính phủ. Các nhà kỹ trị của Singapore, tác giả của nhiều bản kế hoạch phát triển kinh tế chi tiết, có lẽ không bao giờ mơ về một trò chơi chiến đấu nhiều người chơi bao gồm các nhân vật như một nữ hoàng sắc đẹp trở thành trùm buôn bán vũ khí. Ông Lý Quang Diệu hẳn sẽ không thích. Nhưng các quan chức ngày nay lại cảm thấy biết ơn về điều đó.

Chính sách công nghiệp là một nhân tố lớn góp phần giúp các con hổ cất cánh. Ngay cả Quỹ Tiền tệ Quốc tế, thông thường là một bên hay hoài nghi, đã xuất bản một bài báo dài trong năm nay nói về sự thành công của các mô hình do chính phủ lãnh đạo của họ. Nhưng những gì hiệu quả cho một quốc gia đang phát triển không nhất thiết cũng hiệu quả với một quốc gia giàu có. Vào những năm 1970, các con hổ có thể theo chân các quốc gia khác. Việc Hàn Quốc tập trung vào công nghiệp được sao chép tự do từ Nhật Bản. Họ cũng có thể mua các công nghệ tiên tiến, như Đài Loan đã làm trong lĩnh vực bán dẫn. Và họ có thể giành giật các nhà nghiên cứu.

Tiến bộ công nghệ không tự đến

Nhưng bây giờ thử thách rất khác. Khi các quan chức và doanh nhân nhìn về phía trước, họ chỉ thấy một màn sương khói mù mịt của tương lai. Nghe có vẻ hợp lý nếu phát triển các chiến lược quốc gia về trí tuệ nhân tạo hoặc điện toán lượng tử. Nhưng bằng cách nào ? Không có công nghệ để sao chép vì chúng chưa được tạo ra. Những đổi mới thực thụ rất khó được xác định từ trước. Vì vậy, nhiệm vụ ở đây là tập trung vào việc tạo điều kiện thích hợp cho các công ty tiến lên phía trước và nắm bắt những bước đột phá khi chúng xuất hiện.

tiger1

Kế hoạch của các con hổ ngày nay đôi khi nghe có vẻ giống như các chính sách công nghiệp lỗi thời. Tổng thống Thái Anh Văn (Tsai Ing-wen) của Đài Loan có "Kế hoạch các ngành công nghiệp sáng tạo 5+2", để mắt đến các lĩnh vực như năng lượng xanh và máy móc thông minh. Singapore có 23 Bản đồ Chuyển đổi Công nghiệp, bao gồm mọi ngành, từ sản xuất thực phẩm đến hàng không vũ trụ. Hàn Quốc đặt mục tiêu đầu tư 30 nghìn tỉ won (hơn 25 tỷ đô la) trong năm năm vào tám ngành công nghiệp mới nổi, từ trí tuệ nhân tạo đến phương tiện tự hành.

Nhưng nếu nhìn kỹ hơn một chút, chúng ta sẽ thấy sự khác biệt so với các kế hoạch quá khứ trở nên rõ ràng. Đây không phải là kết quả của sự thực thi từ trên xuống về mặt lập kế hoạch mà xuất phát từ các cuộc thảo luận với các công ty và chuyên gia. Và vấn đề không phải là đề xuất trợ cấp cho lĩnh vực này hay lĩnh vực kia mà là tìm ra những mảng ghép hỗ trợ cần thiết. "Quy trình xây dựng kế hoạch cũng quan trọng không kém gì sản phẩm cuối cùng", Gabriel Lim, thư ký thường trực Bộ Công thương Singapore, nói.

tiger2

Một số yếu tố là rõ ràng : cơ sở hạ tầng tốt, từ các bến cảng đến internet ; cởi mở với thương mại ; lực lượng lao động có trình độ học vấn cao ; và chi tiêu nhiều cho nghiên cứu và phát triển (xem biểu đồ). Nhưng các con hổ cũng có những cách sáng tạo để thúc đẩy đổi mới.

Đài Loan có một trong những khuôn khổ mạnh mẽ nhất thế giới để khuyến khích cho vay đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME), loại công ty có nhiều ý tưởng nhưng ít tài nguyên. Họ kết hợp một hệ thống chia sẻ thông tin tập trung hóa về hiệu quả của các công ty với các lựa chọn về đảm bảo tín dụng, giúp các ngân hàng tự tin hơn khi cho vay. "Khi tôi giải thích hệ thống của chúng tôi với các chủ ngân hàng ở các quốc gia khác, bạn có thể thấy họ chảy nước miếng", Lee Chang-Ken, chủ tịch Cathay Financial Holdings, tập đoàn tài chính lớn nhất Đài Loan, nói. Các khoản cho vay dành cho SME hiện chiếm 64% số khoản vay của các ngân hàng dành cho doanh nghiệp tư nhân ở Đài Loan, tăng từ mức 41% hồi năm 2005. Singapore đã tạo ra một nhà máy trình diễn lớn cho phép các SME tiếp cận với thiết bị robot và máy in 3D tối tân. Các cơ sở tương tự cũng tồn tại ở Hồng Kông. Nếu một doanh nhân có một ý tưởng tuyệt vời, họ không còn cần phải có một số vốn khổng lồ để đưa nó vào cuộc sống.

Tuy nhiên, các quan chức của các con hổ cũng biết giới hạn của họ. Những quyết định lớn ngày nay được đưa ra trong các phòng họp của công ty : món cược của Samsung vào điện thoại màn hình gập ; khoản đầu tư khổng lồ của TSMC nhằm nâng cao công suất tại Đài Loan ; sự trỗi dậy của các công ty khởi nghiệp như Sea ở Singapore ; hay việc Sàn giao dịch chứng khoán Hồng Kông muốn duy trì vị thế thị trường tài chính hàng đầu Châu Á (ngay cả khi nỗ lực của họ nhằm mua lại Sở giao dịch chứng khoán Luân Đôn đã thất bại). Các quản chức quản lý kinh tế bây giờ điều hành từ phía sau hậu trường.

Các con hổ cũng đã bắt đầu tập trung vào các bộ phận của nền kinh tế vẫn còn cách xa biên giới công nghệ. Mặc dù có thế mạnh về chế tạo, năng suất của ngành dịch vụ của họ vẫn chỉ mới bằng một nửa so với Mỹ, theo một số ước tính. Một phần lý do là sự hạn chế của quy mô thị trường : một chuỗi bán lẻ ở một quốc gia có 6 triệu dân bị hạn chế hơn nhiều so với một thị trường 1,3 tỷ người chẳng hạn. Nhưng một phần hạn chế này là do họ tự gây ra. Hàn Quốc áp đặt các rào cản pháp lý cao đối với các ngành công nghiệp dịch vụ của mình, cao hơn bất kỳ thành viên OECD nào khác ngoại trừ Bỉ.

Singapore là con hổ mạnh dạn nhất trong việc cố gắng đưa khu vực dịch vụ của mình lên cao, từ các nhà hàng đến các công ty xây dựng. Nước này đã tinh chỉnh các biện pháp đo lường năng suất (ví dụ, diện tích sàn được xây dựng bởi một công nhân mỗi ngày). Họ xác định các công ty triển vọng và cung cấp trợ giúp : phát triển các kế hoạch kinh doanh mới, ví dụ như hướng dẫn họ mở rộng ra nước ngoài. Edward Robinson, kinh tế trưởng của Cơ quan Tiền tệ Singapore, tin rằng các nước giàu Châu Á có lợi thế trong việc hiện đại hóa lĩnh vực dịch vụ của mình. Do có rất nhiều người được đào tạo để làm các công việc công nghệ cao, họ có điều kiện để triển khai các công cụ kỹ thuật số nhằm phục vụ người dân hiệu quả hơn.

Không theo kịp

Ở Hwaseong, cách Seoul 35km về phía nam, một khu làng mới xây có tốc độ mạng 5G làm bất cứ thành phố nào cũng phải ghen tị. Du khách cũng sẽ tìm thấy những tiện nghi thiết yếu khác, như trường học, tiệm rửa xe và nhà hàng phục vụ món chân gà. Nghe hấp dẫn là vậy nhưng thực ra các tòa nhà đều là giả. Thị trấn mô hình, được xây dựng bởi Viện Nghiên cứu và Thử nghiệm ô tô Hàn Quốc, được sử dụng để kiểm tra các phương tiện tự lái, giống như chiếc xe Kia đã hoàn thành một hành trình quanh làng vào một buổi chiều gần đây. Đạt tốc độ gần 70 km/h, chiếc xe đã đối phó được với những tia sáng mặt trời chói lòa và vạch kẻ đường phản quang có thể gây nhầm lẫn cho thị giác máy tính. Kỹ thuật viên ngồi ghế lái khoanh hai tay trên ngực khi vô lăng tự xoay.

Hàn Quốc có những cơ sở hạ tầng tốt nhất thế giới cho các phương tiện tự lái, bao gồm các nhà sản xuất chip và nhà sản xuất ô tô đẳng cấp thế giới, cũng như mạng lưới 5G đang phát triển. Chính phủ luôn hỗ trợ, cho phép vận hành thử trên những cung đường thật đối với các phương tiện đã hoàn thành thử nghiệm tại các địa điểm thử. Vậy tại sao theo công ty tư vấn KPMG, Hàn Quốc chỉ xếp thứ 13 trong danh sách các quốc gia chuẩn bị tốt nhất cho xe tự hành ?

Một lý do là sự ngờ vực của nước này đối với các công nghệ liên quan khác, chẳng hạn như các ứng dụng chia sẻ xe. Một dịch vụ phổ biến, Kakao Mobility, đã bị phản đối mạnh mẽ bởi các tài xế taxi truyền thống tại các cuộc biểu tình ở Seoul. Để phản đối sự xuất hiện của các ứng dụng như vậy, bốn tài xế lớn tuổi đã tự thiêu.

Sự đổi mới, mặc dù được tôn vinh bởi các doanh nhân và các nhà hoạch định chính sách, không giúp nền kinh tế tăng năng suất cho đến khi nó được áp dụng rộng rãi. Như Paul David của Đại học Stanford từ lâu đã chỉ ra, phải đến những năm 1920, bốn thập niên sau khi nhà máy điện đầu tiên của Thomas Edison ra đời, các nhà sản xuất mới nắm bắt được một "ứng dụng sát thủ" của điện, qua đó thiết kế các nhà máy phù hợp có các dây chuyền lắp ráp dựa vào mô tơ điện.

Sự cảnh giác của Hàn Quốc đối với các ứng dụng chia sẻ xe làm nổi bật một cơ sở hạ tầng mà các con hổ thiếu nhất : hệ thống an sinh xã hội hoạt động tốt. Chìa khóa để tiến bộ trong một công nghệ mới, như xe tự hành chẳng hạn, có thể không phải là một mạng 5G tốt hơn mà là một hệ thống lương hưu tốt hơn. Nếu không có một tấm đệm dành cho những người bị bỏ lại phía sau bởi tiến bộ công nghệ, việc hỗ trợ cho bản thân các tiến bộ công nghệ đó sẽ khó khăn hơn ngay từ đầu.

Những con hổ luôn giỏi huy động các nguồn lực một cách nhanh chóng. Họ cũng đang trở nên giỏi hơn trong việc phân bổ chúng một cách sáng tạo. Nhưng như những dấu hiệu gần đây của sự bất mãn xã hội cho thấy, một số con hổ trong số đó hiện đang vật lộn để có thể thu hút được sự ủng hộ của công chúng một cách hiệu quả.

The Economist

Nguyên tác "Asian-tiger governments are steering their economies with a lighter touch ", The Economist, 05/12/2019

Phan Nguyên biên dịch

Nguồn : Nghiên cứu quốc tế, 13/12/2019

Published in Diễn đàn
Trang 1 đến 2