Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

17/12/2019

Bốn con hổ Châu Á 3 : Bất ổn xã hội có phải vì thất bại kinh tế ?

The Economist

Hai quả bom xăng, một màu xanh, một màu vàng, được quấn trong một chiếc khăn và đựng trong ba lô. Đeo găng tay xây dựng và mặt nạ Guy Fawkes, những người biểu tình treo chúng trên lan can, giống như những người pha chế rượu trong quán bar. Sau đó, gạch được chuyển đến, chất đống trên một chiếc xe đẩy và được dấu dưới những chiếc ô. Người biểu tình dành mấy phút ném gạch đá và những lời lăng mạ xuống cầu thang của một lối ra tàu điện ngầm, hướng về phía cảnh sát chống bạo động bên dưới. Một ngọn lửa bùng lên khiến cảnh tượng thêm phần kịch tính, đủ để kích thích một phản ứng từ phía cảnh sát : một hộp hơi cay được bắn lên cầu thang. Người biểu tình tản ra, và một hàng cảnh sát tiến lên đằng sau những tấm khiên, vừa đi bắn bắn đạn hơi cay.

hk1

Từng nổi tiếng là một thành phố tiến bộ, Hồng Kông giờ đây được biết đến như một thành phố của các cuộc biểu tình. Gạch, bom xăng và hơi cay đã được ném xuống những khu bất động sản đắt đỏ nhất thế giới. Cuộc đụng độ được mô tả ở trên diễn ra trước một cửa hàng trưng bày của Bulgaria và một chi nhánh của Prada. Nhiều nhà phân tích, bao gồm cả những người trong chính quyền Hồng Kông, cho rằng nguyên nhân cơ bản của các cuộc biểu tình ở thành phố này là sự bất bình về kinh tế, đặc biệt là giá nhà đắt đỏ, tiền lương trì trệ và sự hiện diện phổ biến đến ngột ngạt của các tập đoàn có vai trò thống trị.

Thành phố này chắc chắn là nơi tồn tại sự bất bình đẳng thu nhập lớn. Những chiếc đồng hồ được trưng bày ở cửa hàng của Bulgaria có giá cao hơn lương tháng của hầu hết cư dân ở đây. Và những chiếc xe đẩy chở gạch đá của người biểu tình thường được dùng để chở bìa cứng tái chế được thu lượm bởi những phụ nữa nghèo lớn tuổi, còng lưng đẩy xe. Giá bất động sản cao một cách phi lý. Một cặp vợ chồng gần đây đã bán một chỗ đậu xe trong một khu chung cư cao cấp với giá 760.000 đô la, tương đương với chi phí để mua hơn 14.000 vé đậu xe.

Nếu kinh tế là động lực cơ bản cho tình trạng bất ổn của Hong Kong, thì có thể có giải pháp làm hài lòng cả người biểu tình lẫn các quan chức ở Bắc Kinh. Một chương trình xây dựng nhà ở cấp tốc và thuế theo cấu trúc lũy tiến hơn sẽ làm giảm bất bình đẳng ở Hồng Kông mà không làm Trung Quốc bất an : rốt cuộc, biện pháp đó sẽ làm cho Hồng Kông trông giống như đại lục hơn. Các nhà lập pháp thân Bắc Kinh tại Hồng Kông đã ủng hộ các đề xuất mua tới 700 ha đất từ ​​các nhà phát triển bất động sản tư nhân cho dù họ có muốn bán hay không.

Tương tự, nhiều nhà phân tích đề xuất một giải pháp kiểu Singapore cho các vấn đề của Hồng Kông. Singapore sớm nhận ra rằng việc nhiều người dân được sở hữu nhà ở là yếu tố cần thiết cho sự ổn định xã hội. Hơn 80% dân số sống trong các căn hộ được xây dựng bởi các cơ quan chính phủ, được bán với giá trợ cấp. Phang Sock-Yong thuộc Đại học Quản lý Singapore nói rằng, nếu nói đến nhà ở, Singapore gần giống với "xã hội lý tưởng" được hình dung bởi Thomas Guletty trong cuốn sách "Tư bản trong thế kỷ 21" của ông. Nửa dưới dân số Singapore được sở hữu một phần tư số nhà ở của quốc gia này.

Nhưng bất bình đẳng thu nhập và nhà ở đắt đỏ là những vấn đề lâu nay ở Hồng Kông. Nhưng chúng đã không gây ra tình trạng bất ổn trong quá khứ. Vậy tại sao lại bây giờ ? Và nếu những bất bình về kinh tế đang thúc đẩy những người biểu tình, thì họ lại đang im lặng một cách đáng kinh ngạc về động cơ thực sự đó của họ. Họ thường phàn nàn về sự tàn bạo của cảnh sát và sự xói mòn quyền tự trị của Hồng Kông trước đề cập đến tình trạng việc làm hoặc bất bình đẳng thu nhập. "Chúng tôi nhìn thấy những góc tối của chính phủ", theo lời một người biểu tình tại Đại học Trung văn Hồng Kông (CUHK) vốn đang tức giận vì vụ bắn chết một sinh viên trường đào tạo nghề vào ngày 11 tháng 11. Francis Lee đến từ CUHK và các đồng nghiệp đã khảo sát hàng ngàn người biểu tình trong ba tháng đầu biểu tình. Hơn một nửa trong số đó tự nhận mình là tầng lớp trung lưu hoặc thượng lưu và khoảng 75% có trình độ đại học.

Trung Quốc sẽ không bao giờ dám thừa nhận tình hình ở Hồng Kông có sự tương đồng với Đài Loan. Tiền lương ở Đài Loan đã bị đình trệ trong hai thập niên qua. Đài Bắc cũng là một trong những nơi có giá nhà ở đắt đỏ nhất Châu Á. Nhưng một trong những cơn địa chấn chính trị lớn nhất ở Đài Loan trong những năm gần đây chính là cuộc biểu tình của phong trào "Hoa hướng dương" hồi năm 2014 của các sinh viên phản đối các mối quan hệ thương mại gần gũi hơn với Trung Quốc. Cuộc đấu tranh được cho là gây tổn hại đến lợi ích kinh tế của chính họ. Nhưng nó vừa phản ánh vừa thúc đẩy bản sắc quốc gia khác biệt của Đài Loan.

Trong khi nền kinh tế Hồng Kông không phải là nguyên nhân chính của tình trạng bất ổn ở thành phố này, nó lại là nạn nhân tiêu biểu nhất của tình trạng bất ổn đó. Ban đầu, người biểu tình phá hoại các công ty không đồng cảm với mục đích của họ. Gần đây, hoạt động phá hoại đã trở nên ít phân biệt hơn. "Chúng tôi muốn tạo áp lực cho chính phủ về mặt kinh tế", một sinh viên nói. Từ một cây cầu bị chặn ở CUHK, anh và những người biểu tình khác đang canh giữ một rào chắn làm bằng những thân cây bật gốc, lan can tháo ốc và tháp nhựa phân làn giao thông, tất cả nằm ngổn ngang trên một con đường bận rộn bên dưới.

Tệ hơn cả những thiệt hại vật chất chính là những tác động tâm lý, gây ảnh hưởng đến chi tiêu của người dân. Doanh số bán lẻ đã giảm hơn một phần năm trong tháng 9 và số lượng khách đến Hồng Kông giảm hơn một phần ba. Các nhà hàng và quán bar đã phải chịu sự sụt giảm doanh thu lớn nhất kể từ khi dịch SARS bùng nổ năm 2003.

Nếu các cuộc biểu tình lắng xuống, đống đổ nát có thể nhanh chóng được sửa chữa : Hồng Kông đã di dời các chướng ngại vật thậm chí còn hiệu quả hơn những người biểu tình dựng chúng lên. Nhưng tác hại tâm lý có thể kéo dài. Người đại lục, vốn chiếm hơn ba phần tư khách du lịch đến Hồng Kông, có thể sẽ không muốn chi tiêu thoải mái ở một thành phố nơi khiến họ cảm thấy không được chào đón. Tuy nhiên, Hồng Kông vẫn giữ được vị thế là một trung tâm tài chính. Thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu và hệ thống ngân hàng của thành phố lớn hơn nhiều lần GDP của nó và vẫn khá tách biệt với nền kinh tế địa phương. Các công ty đại lục chiếm 70% lượng trái phiếu phát hành và 55% chỉ số Hang Seng của thị trường chứng khoán.

Vai trò của thành phố này như là một ống dẫn tài chính nối giữa Trung Quốc và thế giới phụ thuộc vào một cơ sở hạ tầng pháp lý và chính sách riêng biệt vốn không thể bị phá hoại hoặc ngăn chặn. Ngay cả khi các cuộc biểu tình nổ ra, Alibaba, gã khổng lồ thương mại điện tử Trung Quốc, đã huy động được hơn 11 tỷ đô la trên thị trường chứng khoán Hồng Kông, con số lớn nhất kể từ năm 2010. Chỉ số chứng khoán Hang Seng cho thấy sự nhạy cảm với cuộc chiến thương mại Trung – Mỹ hơn là với các bất ổn địa phương. Và nếu xét mức tăng đột biến 280% về thanh toán thuế chuyển nhượng bất động sản trong tháng 10, có thể thấy người nước ngoài vẫn có thể tự tin thu gom bất động sản Hồng Kông khi giá giảm nhẹ. Có lẽ họ nhớ đến trường hợp của Li Ka-shing, một trong những người giàu nhất Châu Á, người đã kiếm được một gia tài lớn ở Hồng Kông bằng cách mua bất động sản trong thời kỳ hỗn loạn và bạo lực cánh tả tại thành phố này hồi thập niên 1960.

Đối với những chuyên gia làm việc trong môi trường đa quốc gia, sự ổn định của Singapore hiện có vẻ hấp dẫn, nhất là nếu xét những rủi ro từ việc đi lại khó khăn và các trường học đóng cửa ở Hồng Kông. Nhưng trong vai trò các trung tâm tài chính, hai thành phố này ít giống nhau hơn so với vẻ bề ngoài. Tại Hồng Kông, "chúng tôi đến Trung Quốc và cạnh tranh", theo lời một nhà môi giới người Singapore đã chuyển đến thành phố này nhiều năm trước. Anh nói thêm rằng ở Singapore, "người ta chờ Trung Quốc đến với họ", tự tin rằng Singapore có thể là cửa ngõ để Trung Quốc tiến vào Đông Nam Á. Ông ví các chuyên gia tài chính Singapore là những người chăn cừu bảo vệ bầy cừu của mình, trong khi các chuyên gia tài chính Hồng Kông giống như những tay thợ săn chuyên chủ động săn lùng các thương vụ mới.

Người biểu tình đã cố gắng khai thác địa vị đặc biệt của Hồng Kông để phục vụ cho mục đích riêng của họ. Bằng cách kêu gọi quốc tế, họ đã khiến Quốc hội Mỹ thông qua một dự luật yêu cầu Bộ Ngoại giao đánh giá hằng năm liệu Hồng Kông có đủ mức độ tự trị để được hưởng các ưu đãi riêng biệt theo luật hải quan, thuế và thương mại của Mỹ hay không. Đối diện với các hàng rào ở Đại học Trung văn Hồng Kông có treo bức chân dung của một vị anh hùng bất đắc dĩ của họ : Mitch McConnell, nhà lãnh đạo phe Cộng hòa trong Thượng viện Mỹ.

Điều trớ trêu là, theo nhiều cách, Hồng Kông dường như ngày càng cách xa đại lục. Nhiều người ở Trung Quốc không thể hiểu tại sao thành phố này lại bất mãn đến vậy khi họ được hưởng nhiều đặc quyền hơn so với đại lục.

Nhưng tham vọng chính trị của Hồng Kông chính là một sản phẩm phụ tự nhiên xuất phát từ sự thịnh vượng của nó. Mặc dù vẫn được hưởng nhiều tự do hơn nhiều so với phần còn lại của Trung Quốc, nhưng Hồng Kông vẫn được hưởng ít quyền chính trị hơn so với những gì mà một xã hội giàu có và phát triển như nó thường được hưởng. Chỉ các quốc gia vùng Vịnh giàu dầu mỏ mới có tình trạng thu nhập đầu người cao đi kèm với mức điểm thấp về Chỉ số Dân chủ được công bố bởi The Economist Intelligence Unit (EIU), một công ty con thuộc tập đoàn The Economist. Mặc dù các cuộc biểu tình ở Hồng Kông hiện đang đe dọa sự phát triển của nó, nhưng chúng cũng là hệ quả đến từ chính sự phát triển của thành phố này. 

The Economist

Nguyên tác : "Social unrest in places like Hong Kong is not proof of economic failure", The Economist, 05/12/2019.

Phan Nguyên biên dịch

Nguồn : Nghiên cứu quốc tế, 17/12/2019

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: The Economist
Read 597 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)