Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

17/12/2019

Người giúp cựu sĩ quan KGB Vladimir Putin trở thành tổng thống

Steve Rosenberg

Qua các thời đại, các nhà lãnh đạo Nga đã giành được quyền lực theo nhiều cách khác nhau.

putin1

Ông Putin, cựu sĩ quan KGB tại Cung điện Kremlin ở Moscow năm 2019

Đối với Sa hoàng, đó là do sinh ra ; Vladimir Lenin thông qua cách mạng ; tổng bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô thì bằng cách leo lên các vị trí trong bộ chính trị và chờ đến lượt được lên chức.

Nhưng 20 năm trước, Vladimir Putin đã được trao quyền lực tại Kremlin. Cựu sĩ quan của KGB - cơ quan mật vụ của Nga - đã được Tổng thống Boris Yeltsin cùng bộ sậu tuyển chọn để đưa Nga tiến vào Thế kỷ 21.

Nhưng tại sao Putin được chọn ?

'Người phó tài giỏi'

Valentin Yumashev đóng vai trò quan trọng trong việc Vladimir Putin trở thành tổng thống Nga. Ông từng là nhà báo trước khi trở thành quan chức tại Kremlin, hiếm khi Yumashev trả lời phỏng vấn, nhưng ông đã đồng ý gặp tôi và kể câu chuyện của ông.

Yumashev là một trong những phụ tá đáng tin cậy nhất của Boris Yeltsin - ông kết hôn với con gái của ông Yeltsin, Tatyana. Là quản lý nhân sự của Yeltsin, năm 1997, ông Yumashev đã giao cho ông Putin công việc đầu tiên tại Điện Kremlin.

"Anatoly Chubais, giám đốc điều hành sắp mãn nhiệm của Yeltsin, nói với tôi rằng ông biết một người quản lý mạnh mẽ, người sẽ làm một phó tướng đắc lực cho tôi", Yumashev nhớ lại.

"Ông ấy giới thiệu tôi với Vladimir Putin và chúng tôi bắt đầu làm việc cùng nhau. Tôi ngay lập tức nhận ra năng lực tuyệt vời của Putin. Ông ấy rất xuất sắc trong việc đưa ra các ý tưởng, trong việc phân tích và tranh luận về các quan điểm của mình. "Có một khoảnh khắc, tôi đã tự hỏi, khi nào người đàn ông này trở thành tổng thống ?

"Yeltsin có một vài ứng cử viên trong đầu, như Boris Nemtsov, Sergei Stepashin và Nikolai Aksenenko. Yeltsin và tôi đã nói rất nhiều về những người có thể kế vị. Và chúng tôi nhắc đến Putin.

"Yeltsin hỏi tôi : 'Ông nghĩ gì về Putin ?'. Tôi nghĩ anh ấy là một ứng cử viên tuyệt vời, tôi trả lời. Tôi nghĩ ông nên xem xét người này. Cung cách làm việc của người này cho thấy rằng anh ấy đã sẵn sàng cho những trách nhiệm khó khăn hơn".

Liệu quá khứ từng làm việc KGB có cản trở Putin ?

"Rất nhiều đặc vụ KGB đã rời khỏi tổ chức như Putin. Việc ông ta là cựu điệp viên KGB chẳng có vấn đề gì. Putin đã thể hiện mình là một người theo chủ nghĩa tự do và là một nhà dân chủ, người muốn tiếp tục cải cách".

Kế thừa trong bí mật

Vào tháng 8/1999, ông Vladimir Yeltsin bổ nhiệm Vladimir Putin làm thủ tướng. Đó là dấu hiệu rõ ràng rằng Tổng thống Yeltsin đang chuẩn bị để Putin kế nhiệm tại Điện Kremlin.

Ông Yeltsin vẫn còn một năm trước khi kết thúc nhiệm kỳ, nhưng vào tháng 12/1999, ông đã đưa ra quyết định bất ngờ là đi sớm.

"Ba ngày trước Tết, Yeltsin triệu tập Putin. Ông ấy yêu cầu tôi có mặt, và cả Alexander Voloshin, nhân viên mới của ông ấy nữa. Ông ấy nói với Putin rằng ông sẽ không ở lại tới tận tháng Bảy. Ngày 31/12, ông ấy từ chức.

"Chỉ có một nhóm nhỏ người biết : tôi, Voloshin, Putin và con gái của Yeltsin, Tatyana. Yeltsin thậm chí còn không nói với vợ".

Ông Yumashev được giao nhiệm vụ viết bài phát biểu từ chức của Yeltsin.

"Đó là một bài phát biểu khó viết. Chắc chắn văn bản sẽ đi vào lịch sử. Thông điệp rất quan trọng. Đó là lý do tại sao tôi viết dòng nổi tiếng 'Hãy tha thứ cho tôi'.

"Người Nga đã phải chịu cú sốc và căng thẳng như vậy trong những năm 1990. Yeltsin phải nói về những điều này".

Vào đêm giao thừa năm 1999, Boris Yeltsin ghi hình phát biểu trên truyền hình cuối cùng của mình ở Điện Kremlin.

"Nó đến như một cú sốc cho tất cả mọi người tại đó. Ngoại trừ tôi, người đã viết bài phát biểu. Mọi người bật khóc. Đó là một khoảnh khắc xúc động.

"Nhưng điều quan trọng là tin tức không bị rò rỉ. Vẫn còn bốn giờ trước khi có thông báo chính thức. Vì vậy, mọi người phải ở trong căn phòng lúc đó bị khóa cửa. Họ không được phép rời đi. Tôi lấy băng và lái xe tới đài truyền hình. Bài phát biểu được phát vào giữa trưa. "

Vladimir Putin trở thành quyền tổng thống. Ba tháng sau, ông giành chiến thắng trong cuộc bầu cử.

Một thành viên của 'Gia đình' ?

Valentin Yumashev thường được xem là một thành viên của "Gia đình" - vòng tròn gồm những người 'thân tín' của Boris Yeltsin - được cho là đã gây ảnh hưởng đến ông ta vào cuối những năm 1990.

Ông Yumashev nói rằng "Gia đình" chỉ là "một huyền thoại".

Nhưng chẳng có mấy nghi ngờ việc trong những năm 1990, sức khoẻ của Tổng thống Yeltsin bị suy yếu, nhà lãnh đạo Kremlin đã đặt niềm tin của mình, ngày càng nhiều, vào một nhóm nhỏ gồm người thân, bạn bè và các doanh nhân.

putin2

Ông Boris Yeltsin (trái) và ông Vladimir Putin tại một cuộc diễu hành Ngày Chiến thắng ở Quảng trường Đỏ của Moscow vào tháng 5/2000

"Đoàn tùy tùng của Putin không gây ảnh hưởng như thế này", nhà khoa học chính trị Valery Solovei giải thích.

"Có hai loại người mà Putin hướng tới : những người bạn thời thơ ấu, như anh em Rotenberg và những người từng phục vụ trong KGB Xô Viết.

"Nhưng ông ấy không đánh giá cao quá mức lòng trung thành của họ. Yeltsin tin tưởng các thành viên trong gia đình ông ấy. Putin không tin tưởng ai cả".

'Không hối tiếc - Người Nga tin tưởng Putin'

Ông Putin vẫn nắm giữ được quyền lực, với tư cách là tổng thống hoặc thủ tướng, trong 20 năm. Trong thời gian đó, ông đã xây dựng một hệ thống quyền lực quanh mình. Nga đã trở thành một quốc gia ngày càng độc tài, với ít quyền và tự do dân chủ hơn.

"Yeltsin tin rằng ông có một nhiệm vụ và Putin cũng vậy", ông Solovei nói. "Yeltsin tự coi mình là Moses : ông muốn dẫn dắt đất nước của mình thoát khỏi chế độ nô lệ cộng sản.

"Nhiệm vụ của Putin là trở về quá khứ. Ông muốn trả thù những gì ông gọi là 'thảm họa địa chính trị lớn nhất của thế kỷ 20', sự sụp đổ của Liên Xô. Ông và đoàn tùy tùng của ông, cựu sĩ quan KGB, tin rằng sự hủy diệt của Liên Xô là do tình báo phương Tây".

Giờ đây, hầu như không thể nhận ra Vladimir Putin là nhân vật theo chủ nghĩa tự do mà ông Yumashev nhớ lại. Vậy, sếp cũ của Putin có hối hận khi trao cho ông ta công việc không ?

"Tôi không hối tiếc", ông Yumashev nói và khẳng định thêm : "Rõ ràng là người Nga vẫn tin tưởng Putin".

Tuy nhiên, ông Yumashev nghĩ rằng việc từ chức của ông Vladimir Yeltsin sẽ là bài học cho tất cả các tổng thống Nga, bài học là "việc từ chức và nhường chỗ cho những người trẻ tuổi là rất quan trọng. Đối với Yeltsin, điều này là cực kỳ quan trọng".

Steve Rosenberg

Nguồn : BBC News, Moscow, 17/12/2019

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Steve Rosenberg
Read 504 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)