Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

26/12/2019

Bốn con hổ Châu Á 6 : Tương lai nào đang đón chờ ?

The Economist

Ngay cả trong thời kỳ hoàng kim, các con hổ cũng gặp phải những kẻ gièm pha. Hai mươi lăm năm trước vào đúng tháng này, Paul Krugman, một nhà kinh tế, đã viết trên tờ Foreign Affairs, một tạp chí chính sách của Mỹ, một bài có tựa đề "Những hiểu lầm về Sự thần kỳ Châu Á". Ông lập luận rằng khi nhìn kỹ lại, các nền kinh tế dường như năng động của Châu Á cho thấy "ít bằng chứng một cách đáng ngạc nhiên về sự cải thiện năng suất". Thay vào đó, tăng trưởng của họ phụ thuộc vào việc gia tăng nhanh chóng đầu vào về lao động, vốn, v.v… Đó là một phép màu dựa trên "mồ hôi" (perspiration) chứ không phải sự "sáng tạo" (inspiration). Đặc biệt, Singapore "đã tăng trưởng thông qua việc huy động các nguồn lực có thể khiến Stalin cũng phải tự hào", Krugman viết.

bon1

Mô hình tăng trưởng dựa trên mồ hôi này phải đối mặt với một số giới hạn tự nhiên. Tỷ lệ việc làm không thể tăng mãi mãi. Và sự tích lũy tư bản cuối cùng sẽ bước vào giai đoạn lợi nhuận giảm dần. Do đó, tốc độ tăng trưởng của các con hổ chắc chắn sẽ chậm lại.

Về điểm cuối, Krugman rõ ràng đã đúng. Các con hổ Châu Á đã tăng trưởng trung bình chỉ 3% trong thập niên này, giảm từ mức 8% so với đầu những năm 1990. Nhưng sự pha trộn giữa "mồ hôi" và "sáng tạo" của họ giờ tốt hơn những gì Krugman lo sợ. Khi đóng góp của lao động giảm xuống, năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP), một thước đo về năng suất (vẫn còn gây tranh cãi về mặt lý thuyết), đã đóng góp nhiều hơn. Từ năm 2000 đến 2017, chỉ số này của các con hổ đã tăng nhanh ít nhất gấp đôi so với ở Mỹ, theo Tổ chức Năng suất Châu Á có trụ sở tại Tokyo.

Sự so sánh khiến các con hổ sợ nhất không phải với quá trình công nghiệp hóa kiểu Stalin của Liên Xô mà là sự trì trệ kéo dài của Nhật Bản. Cuộc sống ở Nhật Bản, đối với nhiều người, là thoải mái và sung túc. Nhưng nền kinh tế của nước này đã hụt hơi. GDP bình quân đầu người của Nhật Bản tính theo ngang giá sức mua đạt mức 85% của người Mỹ năm 1990 ; ngày nay tỉ lệ này chỉ gần 70%. Một nguyên nhân khiến Nhật Bản bị trì trệ kéo dài là tình trạng lão hóa dân số : dân số Nhật giờ đây già hơn tất cả các nước ngoại trừ xứ Monaco nhỏ bé. Nhưng trong ba thập niên tới, các con hổ sẽ già đi còn nhanh hơn những gì Nhật Bản đã trải qua. Các con hổ cũng thấy nhiều hình ảnh bản thân trong mô hình kinh tế của Nhật Bản, từng là hình mẫu cho họ noi theo. Hàn Quốc và Đài Loan đều mạnh về chế tạo hơn so với dịch vụ, và cả bốn nước đều phụ thuộc rất lớn vào xuất khẩu để tạo ra tăng trưởng nguồn cầu. Liệu họ có lặp lại thất bại của Nhật Bản đúng như cách họ đã sao chép thành công của nước này ?

Lặp lại khó khăn của Nhật Bản cũng không phải hoàn toàn là một thảm họa : nhiều quốc gia vốn lo lắng về bẫy thu nhập trung bình sẽ thấy thoải mái nếu rơi vào bẫy thu nhập tương đương mức của Nhật Bản. Nhưng các con hổ vẫn có thể khao khát đạt được mức tốt hơn. Bất chấp các tương đồng với Nhật Bản, họ cũng khác Nhật Bản ở nhiều khía cạnh.

So với Nhật Bản trong những năm bong bóng, họ là những nền kinh tế bảo thủ về tài chính. Kể từ sau khủng hoảng tài chính Châu Á năm 1997-98, họ đã duy trì các tấm đệm tài chính lớn cho các ngân hàng của mình và đi tiên phong trong việc áp đặt các giới hạn thận trọng vĩ mô đối với các khoản vay. Ngoài ra, các con hổ thậm chí còn phụ thuộc sâu sắc hơn vào hệ thống thương mại toàn cầu và đều cho thấy quyết tâm giữ vững vị trí hàng đầu toàn cầu. Cả bốn nền kinh tế đều thích tự hào về vị trí của mình trong nhóm đứng đầu các bảng xếp hạng như về chỉ số năng lực cạnh tranh toàn cầu của Diễn đàn Kinh tế Thế giới hoặc Ngân hàng Thế giới.

Nếu các con hổ vấp ngã, đó sẽ là vì lý do riêng của họ, chứ không phải vì họ đang lặp lại sai lầm của Nhật Bản. Đài Loan muốn giảm bớt các sợi dây kinh tế với Trung Quốc, nhưng điều này đang khó thực hiện vì Trung Quốc nay là trung tâm của trọng lực kinh tế Châu Á. Sự tức giận về tình trạng tập trung quyền lực kinh tế ở Hàn Quốc đã dẫn đến nhu cầu về một hệ thống công bằng hơn. Nhưng nhiều phản hồi của chính phủ đã không hiệu quả hoặc phản tác dụng.

Hệ thống chính trị được quản lý cẩn thận của Singapore đã bị căng thẳng nhiều hơn, và sự phản đối nhập cư cho thấy nước này không miễn nhiễm trước chủ nghĩa dân túy vốn đang trỗi dậy trên toàn thế giới. Đáng buồn thay, Hồng Kông là con hổ có nguy cơ sẽ tụt lùi lớn nhất. Thật dễ hiểu khi người dân Hồng Kông, thành công và hiểu biết, muốn tự đưa ra các quyết định lớn cho bản thân mình. Tuy nhiên, các nhà cầm quyền của họ sẽ không muốn điều đó.

Vì vậy, sẽ hợp lý khi có một cái nhìn cân bằng về các con hổ. Vẫn còn nhiều điều có thể lạc hướng đối với họ. Tuy nhiên, cũng có nhiều điều có thể tiếp tục đi đúng hướng. Họ từng có rất nhiều điểm mạnh. Hàn Quốc đã nổi lên như một cường quốc về nghiên cứu, đồng thời xây dựng các thương hiệu toàn cầu mạnh, từ điện thoại thông minh đến các thần tượng nhạc pop. Đài Loan, trong hoàn cảnh khó khăn nhất về địa chính trị, đã tự biến mình thành một nhân tố thiết yếu trong chuỗi cung ứng toàn cầu, đồng thời phát triển một hệ sinh thái sinh động gồm các doanh nghiệp nhỏ. Hồng Kông, bất chấp các tai ương hiện tại, đã trở thành cầu nối tài chính giữa Trung Quốc và thế giới. Singapore đứng đầu lớp hổ theo nhiều cách : họ có nền kinh tế đa dạng dù là một nước nhỏ, và đã xoa dịu được tình trạng bất bình đẳng vốn đi kèm với sự thịnh vượng gần đây.

Các con hổ cũng quan trọng đối với phần còn lại của thế giới. Hồ sơ của họ trong những năm bùng nổ vẫn là một tài liệu tham khảo quan trọng cho các nước đang phát triển khác noi theo. Kinh nghiệm của họ trong hai thập niên qua cho thấy các quốc gia có thể leo từ mức thu nhập trung bình lên tầm cao hơn như thế nào. Hồ sơ của họ trong vài thập niên tới cũng sẽ thu hút sự quan tâm của các nước phát triển.

Bộ tứ này có thể được xem là trường hợp thử nghiệm cho tương lai. Họ thường là những người tiên phong cho các công nghệ mới nhờ vào các công ty sáng tạo của họ. Và xã hội của họ đang phải đối mặt với vấn đề điển hình về các thế lưỡng nan mà các nước giàu đang đối mặt : làm thế nào để đối phó với tình trạng lão hóa dân số ; bảo vệ công nhân trước tác động của tự động hóa ; phục hồi tăng trưởng năng suất ; giữ quan hệ gần gũi với cả Mỹ và Trung Quốc ; và làm thế nào thúc đẩy tiền lương trì trệ và giữ giá bất động sản không tăng vọt.

Nhiều thập niên trước khi họ được đặt biệt danh là các con hổ, các nền kinh tế nhỏ hơn của Châu Á được ví von với một loài động vật khác : đàn ngỗng bay, với Nhật Bản là con ngỗng đầu đàn. Trong tự nhiên, cũng như trong kinh tế học, các con ngỗng bay sau sẽ bay dễ dàng hơn khi có con ngỗng đầu đàn dẫn dắt, bởi chúng được hưởng lợi từ luồng gió mà con ngỗng đầu đàn tạo ra. Nhưng phép ẩn dụ ban đầu này đã quên nói đến việc các con ngỗng thường thay phiên nhau làm con ngỗng đầu đàn. Hồng Kông, Singapore, Đài Loan và Hàn Quốc đã dành nhiều thập niên thoải mái bay sau các nền kinh tế tiên tiến hơn. Tin tốt và cũng là tin xấu là giờ đây không còn ai để họ bay theo nữa.

The Economist

Nguyên tác : "Where do the Asian tiger economies go from here ?", The Economist, 05/12/2019.

Phan Nguyên biên dịch

Nguồn : Nghiên cứu quốc tế, 26/12/2019

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: The Economist
Read 683 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)