Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

31/01/2020

Thực trạng những đặc khu kinh tế Đông Nam Á của Trung Quốc

The Economist

Các đặc khu kinh tế Đông Nam Á oằn mình dưới ảnh hưởng của Trung Quốc

Ở một vùng xa xôi của miền bắc nước Lào, những rừng tre đã nhường chỗ cho các cần cẩu. Một thành phố đang được xây dựng ở nơi trước đây là rừng rậm : các tòa tháp được bao quanh bởi giàn giáo nằm phủ bóng lên các nhà hàng, quán karaoke và tiệm massage. Trái tim của Đặc khu kinh tế Tam giác vàng (có tên như vậy vì nó nằm ở điểm giao nhau của biên giới Lào, Myanmar và Thái Lan) là một sòng bạc, một khu vực nguy nga với các bức tượng và trần giả La Mã được bao phủ trong các bích họa. Tuy nhiên, sòng bạc này không phục vụ người Lào. Nhân viên chỉ chấp nhận đồng nhân dân tệ Trung Quốc hoặc baht Thái. Biển báo đường phố bằng tiếng Trung và tiếng Anh. Đồng hồ của thành phố được đặt theo giờ Trung Quốc, sớm hơn một giờ so với phần còn lại của Lào.

dackhu1

Đặc khu kinh tế Tam giác vàng (điểm giao nhau của biên giới Lào, Myanmar và Thái Lan) là một sòng bạc, một khu vực nguy nga với các bức tượng và trần giả La Mã được bao phủ trong các bích họa.

Trong thập niên qua, Trung Quốc đã trở thành một trong những nhà đầu tư lớn nhất ở các nước Đông Nam Á : năm 2018, Trung Quốc chiếm gần 80% số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Lào. Một phần vốn này đang chảy dọc theo các tuyến đường quen thuộc đến những nơi như Mandalay, một thành phố ở Myanmar, nơi có một cộng đồng người Hoa lâu đời. Nhưng phần lớn trong số đó đang tràn vào các đặc khu kinh tế để tận dụng các ưu đãi như cấp phép nhanh, thuế phí thấp, và việc kiểm soát lỏng hơn đối với sự dịch chuyển hàng hóa và vốn.

Không cần mất thời gian thuyết phục các doanh nghiệp Trung Quốc. Chính phủ Trung Quốc bắt đầu khuyến khích họ đầu tư ra nước ngoài vào những năm 2000. Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường, kế hoạch khổng lồ của Trung Quốc nhằm phát triển cơ sở hạ tầng ở nước ngoài, đã đẩy nhanh xu hướng này. Ngoài đường sắt, đường cao tốc và đường ống, sáng kiến còn thúc đẩy xây dựng các đặc khu kinh tế, vốn giờ là "một phương thức bành trướng kinh tế được ưa thích của Trung Quốc", theo lời Brian Eyler thuộc Trung tâm Stimson, một viện nghiên cứu chính sách của Mỹ. Theo lời kêu gọi của Sáng kiến Vành đai và Con đường, 160 công ty Trung Quốc đã rót hơn 1,5 tỷ đô la vào các đặc khu kinh tế ở Lào, theo Land Watch Thai, một tổ chức giám sát. Từ năm 2016 đến năm 2018, Trung Quốc đã đầu tư 1 tỷ đô la vào một đặc khu là Sihanoukville, một thành phố biển của Campuchia.

Vốn Trung Quốc đi đâu, lao động Trung Quốc đi theo đó. Ở Mandalay, người Trung Quốc đã tăng từ 1% dân số năm 1983 lên 30% -50% dân số ngày nay. Ở những nơi có đặc khu kinh tế, sự thay đổi thậm chí còn rõ nét hơn. Năm 2019, thống đốc tỉnh Sihanoukville nói với tờ Straits Times rằng số người Trung Quốc ở Sihanoukville đã tăng vọt trong hai năm trước đó lên gần một phần ba dân số. Quyền lực kinh tế của người di cư Trung Quốc tăng theo số lượng của họ. Tại Mandalay, 80% khách sạn, hơn 70% nhà hàng và 45% cửa hàng trang sức được sở hữu và điều hành bởi người Trung Quốc, theo một nghiên cứu thị trường được thực hiện vào năm 2017.

Dòng người di cư đổ vào đã thúc đẩy tình cảm chống Trung Quốc trên toàn khu vực. Nhưng các chính phủ nghèo ở Đông Nam Á vẫn tìm cách lôi kéo các nhà đầu tư Trung Quốc vì họ hy vọng tiền Trung Quốc sẽ kích thích nền kinh tế. Trên một số khía cạnh, những khoản đầu tư này đã đơm hoa kết trái. Ở Lào, đầu tư nước ngoài đã góp phần thúc đẩy tăng trưởng GDP, đạt trung bình 7,7% một năm trong thập niên qua.

Nhưng một nghiên cứu về các đặc khu kinh tế hồi năm 2017 của Tiêu điểm phương Nam, một viện nghiên cứu có trụ sở tại Bangkok, đã kết luận rằng các "cấu trúc pháp lý và quản trị" dành cho các đặc khu ở Campuchia và Myanmar đã "bị kéo lệch để phục vụ lợi ích của các nhà đầu tư và chống lại người dân địa phương và môi trường". Alfredo Perdiguero đến từ Ngân hàng Phát triển Châu Á đồng ý rằng các đặc khu ở Lào, Campuchia và Myanmar "vẫn chưa thể làm lan tỏa lợi ích" ra nền kinh tế nói chung.

Một phần là do các công ty Trung Quốc có xu hướng không thuê người địa phương. Vào năm 2018, các công nhân Lào chỉ giành được 34% số công ăn việc làm được tạo ra bởi tổng cộng 11 đặc khu kinh tế ở Lào, khác xa so với tỉ lệ 90% mà chính phủ đã hứa. Các công ty Trung Quốc lập luận rằng lao động địa phương thiếu kỹ năng, nhưng các nhóm xã hội dân sự ở Myanmar phản ứng bằng cách chỉ ra trường hợp một trường cao đẳng nghề gần Kyaukpyu, một cảng và đặc khu kinh tế do Trung Quốc đề xướng ; không học viên nào tốt nghiệp trường này được thuê để làm việc ở đó, theo một báo cáo được công bố năm ngoái.

Ngoài ra các nguồn cung ứng đầu vào từ địa phương cũng hạn chế. Ví dụ, các nhà máy may tại đặc khu Sihanoukville nhập khẩu vải, cúc và chỉ. Các công nhân và du khách Trung Quốc ở các đặc khu kinh tế Đông Nam Á thường sử dụng các cửa tiệm và nhà hàng thuộc sở hữu của người Trung Quốc, và tránh thuế doanh thu bằng cách trả tiền cho các hàng hóa và dịch vụ thông qua các ứng dụng của Trung Quốc như Alipay. "Tiền thậm chí không rời khỏi Trung Quốc, cơ bản là như vậy", theo lời Sebastian Strangio, tác giả của một cuốn sách sắp phát hành về ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc tại Đông Nam Á. Điều đó, cùng với chính sách miễn giảm thuế, có nghĩa là các chính phủ sở tại giành được rất ít lợi ích : năm 2017, bộ tài chính Lào chỉ thu được 20 triệu đô la từ các đặc khu kinh tế của mình, chiếm chưa đến 1% tổng doanh thu thuế.

Như thường thấy ở các dự án phát triển lớn ở các nước nghèo Đông Nam Á, người dân địa phương hiếm khi được hỏi ý kiến về việc xây dựng các đặc khu. Đặc khu Tam giác vàng được xây dựng trên cánh đồng lúa của làng Ban Kwan ; hơn 100 hộ dân đã buộc phải di dời trái với ý muốn của họ. Và sau đó còn có vấn đề thực thi pháp luật trong các đặc khu, nơi các quy định lỏng lẻo có thể thu hút tội phạm bên cạnh các doanh nghiệp hợp pháp. Năm 2018, chính quyền Mỹ tuyên bố đặc khu Tam giác vàng là một điểm nóng của giới "buôn bán ma túy, buôn người, rửa tiền, hối lộ và buôn bán động vật hoang dã". Họ gọi công ty điều hành đặc khu là một "tổ chức tội phạm xuyên quốc gia", và đã ra lệnh trừng phạt đối với chủ tịch công ty, Zhao Wei. Ông ta phủ nhận những lời buộc tội, gọi hành động này là "đơn phương, trị ngoại pháp quyền, bất hợp lý và bá quyền". Nhưng nhiều người Đông Nam Á có thể cũng sẽ dùng những từ tương tự để nói về cách vận hành của các đặc khu kinh tế trong khu vực này.

The Economist

Nguồn : "South-East Asia is sprouting Chinese enclaves", The Economist, 30/01/2020

Phan Nguyên biên dịch

Nguồn : Nghiên cứu quốc tế, 31/01/2020

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: The Economist
Read 605 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)