Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

11/12/2019

Những rủi ro của Việt Nam

Nguyễn Xuân Nghĩa

Cuộc thương chiến giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc vẫn chưa ngã ngũ mà còn có thể kéo dài lan rộng vào việc cải tổ cấu trúc kinh tế của Bắc Kinh. Gặp cảnh ngộ đó, Việt Nam có thể tưởng mình có lợi vì bán hàng nhiều hơn vào thị trường Mỹ khi số nhập khẩu hàng Trung Quốc vào Hoa Kỳ đã giảm mạnh. Nhưng thật ra Việt Nam cũng gặp nhiều rủi ro tiềm ẩn về cả ngoại thương lẫn ngoại tệ. Mục Diễn đàn Kinh tế sẽ tìm hiểu vì sao….

ruiro1

Hôm thượng tuần tháng 11/2019, ông Wilbur Ross đã nhắc nhở Việt Nam rằng rủi ro cho Việt Nam là có thật nếu Việt Nam bán hàng của Tầu vào Mỹ. AFP

Hàng xuất khầu "made in Vietnam"

Nguyên Lam : Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do cùng Nguyên Lam xin kính chào chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa.

Thưa ông, Cục Thống Kê Hoa Kỳ thuộc Bộ Thương Mại cho biết rằng so với cùng kỳ năm ngoái thì số xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường Mỹ trong bốn tháng đầu năm nay đã tăng hơn 38% trong khi hàng hóa Trung Quốc bán vào thị trường Hoa Kỳ lại giảm tới gần 13%. Ai cũng nhìn ra mối tương quan của sự chuyển dịch đó là Việt Nam có lợi trong trận thương chiến đã bùng nổ từ năm ngoái giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc. Nhưng liệu rằng lợi thế đó có thể gây tác dụng ngược là Việt Nam sẽ bị Hoa Kỳ trừng phạt khi bán hàng của Trung Quốc và nhiều xứ khác dưới nhãn hiêu gọi là "Chế tạo tại Việt Nam" hay chăng ? Ông nghĩ thế nào về rủi ro này ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Nhìn trong trường kỳ thì từ năm năm trước rồi, kinh tế Trung Quốc hết giữ vai trò "công xưởng toàn cầu" nhờ lợi thế dân số đông và nhân công rẻ cho nên giới đầu tư cần tìm các thị trường thay thế, trong đó có Việt Nam. Nhưng thật ra, từ nhiều năm nay Việt Nam chưa khai thác nổi lợi thế mới. Nhìn vào ngắn hạn khi hàng hóa Trung Quốc bị Hoa Kỳ áp thuế vì hiệu ứng của trận thương chiến, trong khi hàng Việt Nam lại không bị thuế nhập nội vào Mỹ thì quả nhiên là số xuất cảng của Việt Nam vào Mỹ tăng vọt như chúng ta vừa thấy. Tuy nhiên, vấn đề ở đây là hàng đó có thật là do Việt Nam chế tạo hay chỉ là hàng Trung Quốc hoặc của nước khác được ngụy trang thành hàng Việt Nam ?

Chính quyền Mỹ, từ các Bộ Ngân khố, Thương mại tới đích thân Tổng thống Donald Trump, đã cảnh báo về hiện tượng ấy sau khi áp thuế tới 400% trên thép từ Việt Nam vào tháng Bảy vừa qua vì đấy là thép của xứ khác.

Có lẽ Chính quyền Hà Nội cũng hiểu vậy mà chưa thể kiểm soát hay ngăn nổi tình trạng gian lận đó. Vì vậy, rủi ro cho Việt Nam là có thật nếu Chính quyền Mỹ điều tra và kết luận rằng Việt Nam bán hàng của Tầu vào Mỹ như Tổng trưởng Thương mại Hoa Kỳ, ông Wilbur Ross, đã nhắc vào đầu tháng trước tại Hà Nội.

Nguyên Lam : Giới quan sát quốc tế cho là cả hai Chính quyền Mỹ-Việt đều đang điều tra hiện tượng này với kết quả là Hà Nội đã ngưng bán một số loại ván ép vào thị trường Mỹ sau khi số ván ép của Trung Quốc tuồn vào Việt Nam tăng đến 37% vào quý I của năm nay khi ván ép của Việt Nam bán vào Mỹ lại tăng đến 95% trong cùng kỳ sau khi ván ép của Tầu vào Mỹ bị áp thuế đến 25%. Ông nghĩ sao về chuyện đó ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Quả thật Việt Nam gặp rủi ro lớn nếu hàng của mình cũng bị áp thuế 25% vì đó chỉ là hàng Trung Quốc dùng Việt Nam làm nơi trung chuyển để bán qua Hoa Kỳ. Cái lợi ngắn hạn của sự gian lận không bù nổi sự thiệt hại cho cả nền kinh tế. Vì vậy mà tháng trước quan thuế của Việt Nam đã tịch thu khoảng hơn bốn tỷ đô la nhôm Tầu ngụy danh là nhôm sản xuất tại Việt Nam.

Bài toán cho giới lãnh đạo Hà Nội

Nguyên Lam : Như vậy thưa ông, đâu là bài toán cho giới lãnh đạo Hà Nội ?

ruiro2

Một công nhân ở nhà máy thép tư nhân tại Việt nam (Ảnh minh họa). AFP

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Việt Nam có một hệ thống kiểm soát rất rộng mà nông vì kém hiệu năng mà thừa tham nhũng. Hải quan của Việt Nam chỉ có thể kiểm tra được 5% các hồ sơ xuất nhập khẩu nên hàng của Trung Quốc rất dễ vào Việt Nam rồi dán nhãn Việt mà tái xuất cảng vào Mỹ. Chính quyền Hoa Kỳ biết vậy và dùng đó làm sức ép để phía Việt Nam giảm mức xuất siêu trong luồng giao dịch với Mỹ. Tại Hà Nội, Tổng trưởng Thương Mại Wilbur Ross có phát biểu là việc mua bán giữa đôi bên đã tăng rất mạnh trong 25 năm qua, nhưng Việt Nam lại đạt thặng dư mậu dịch tới 40 tỷ đô la với Hoa Kỳ.

Một giải pháp khai thông cho Hà Nội là nên mua thêm hàng và tiếp nhận đầu tư từ doanh nghiệp Mỹ. Khi đó, vấn đề vẫn lại là cơ chế của Việt Nam, chưa nói tới một khía cạnh quan trọng không kém là việc hợp tác về an ninh và quân sự với Hoa Kỳ trước đà bành trướng và sức ép của Bắc Kinh nếu ta nhớ rằng ngoài Tổng thưởng Thương Mại thì Tổng trưởng Quốc Phòng Mỹ cũng vừa thăm Việt Nam và năm tới sẽ trao cho Hà Nội một chiến hạm thuộc lớp Hamilton của Lực lượng Cảnh sát Duyên phòng Hoa Kỳ.

Nguyên Lam : Ngoài ra, ông còn thấy rủi ro gì khác cho Việt Nam ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Ngoài chuyện ngoại thương, tôi còn thấy một vấn đề khác là ngoại tệ !

Việt Nam hãnh diện là đạt xuất siêu, là xuất nhiều hơn nhập, trong mối quan hệ về ngoại thương với các nước. Nhưng xuất siêu của Việt Nam với Hoa Kỳ đang là vấn đề như chúng ta vừa phân tách ở trên. Đã vậy, theo thống kê của Ngân hàng Thế giới thì Việt Nam còn nhận được một lượng kiều hối rất cao, năm nay có thể lên tới gần 17 tỷ đô la. Nhưng đấy chỉ là mấy con số ảo nếu chúng ta chịu khó đào sâu một chút.

Những con số ảo

Nguyên Lam : Vì sao ông lại gọi đó là những con số ảo ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Nếu nhìn trên tổng thể của kế toán quốc gia thì quả là kinh tế của Việt Nam có đạt thặng dư mậu dịch. Nhưng đi vào chi tiết thì ai đạt mức thặng dư đó ?

Kinh tế Việt Nam còn quá lệ thuộc vào luồng đầu tư trực tiếp của nước ngoài, thường được gọi tắt là FDI, từ Foreign Direct Investment. Các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào Việt Nam để dùng lao động Việt Nam làm gia công và xuất khẩu ra ngoài. Trong khi lượng xuất cảng của các doanh nghiệp có 100% phần vốn của ngoại quốc chiếm tới 70% của số xuất cảng của Việt Nam thì các doanh nghiệp nội địa chỉ chiếm có 30% mà thôi. Nói cho phũ phàng thì doanh nghiệp quốc tế chiếm phần lớn, tỷ trọng đóng góp thuần túy của Việt Nam chỉ có phần nhỏ và sau khi sử dụng công sức của dân Việt doanh nghiệp quốc tế có thể chuyển tiền lời ra ngoài.

Bước kế tiếp, ta nên tự hỏi là doanh nghiệp nội địa cần nhập bao nhiêu để có thể xuất khẩu hàng hóa ra ngoài ? Câu trả lời là Việt Nam đã để mất ngoại tệ khi buôn bán với thế giới, con số đó cho cả năm nay có thể vượt quá 41 tỷ đô la, cao hơn gấp đôi lượng kiều hối được trút vào Việt Nam là khoảng 17 tỷ trong năm nay….

Nguyên Lam : Nghĩa là đằng sau nhưng con số hào nhoáng đó, thật ra Việt Nam lại bị thất thoát ngoại tệ trong luồng giao dịch buôn bán với các nước. Thưa ông, Việt Nam còn bị những rủi ro gì khác ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Hiện tượng tẩu tán tư bản hay thất thoát ngoại tệ còn có nhiều ngả khác nữa, thí dụ như tiền đầu tư vào du học sinh, hay đầu tư vào gia cư địa ốc ở ngoại quốc, năm nay, hai khoản này có thể lên tới ít nhất là sáu tỷ đô la, mà ta chưa nói đến việc đầu tư ra ngoài bị thua lỗ, thậm chí mất sạch vốn.

Việt Nam đang hãnh diện là trong bốn tháng đầu năm nay đã bán được hơn 20 tỷ đô la hàng hóa vào Mỹ thì lại có thể bị trừng phạt nếu là hàng gian lận mượn nhãn "Chế tạo tại Việt Nam" như chúng ta vừa trình bày. Trong khi đó luồng ngoại tệ bị chảy ra ngoài qua ngả nhập khẩu, du học, đầu tư và thất thoát vì thua lỗ có thể vượt quá 40 tỷ trong năm nay. Tức là Việt Nam thật ra thiếu ngoại tệ và đang cuống cuồng đi vay, ít ra là hơn 20 tỷ đô la trong năm nay. Có vay là có trả cả vốn lẫn lời sau này mà cũng chỉ bằng phân nửa kim ngạch ngoại tệ bị chảy ra ngoài. Vì vậy, nạn thương chiến với Hoa Kỳ không là mối hiểm nguy duy nhất, mà rủi ro về thiếu ngoại tệ mới là bài toán đáng ngại cho ngân sách quốc gia. Trong khi đó, kinh tế của Việt Nam vẫn quá lệ thuộc vào kinh tế Trung Quốc, là hiện tượng mà quốc tế gọi là một "nền kinh tế công cụ", hay "captive economy".

Nguyên Lam : Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do cùng Nguyên Lam xin cảm tạ kinh tế gia Nguyễn-Xuân Nghĩa về bài phân tích của tuần này.

Nguyên Lam thực hiện

Nguồn : RFA, 11/12/2019

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Nguyễn Xuân Nghĩa
Read 549 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)