Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Trong buổi lễ bàn giao công tác của cựu Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, ông đã "xin nói thêm một ý về vụ Việt Á : "Gia đình tôi, vợ, các con tôi không tư lợi, tham nhũng liên quan đến Việt Á, chưa bao giờ gặp giám đốc Việt Á, điều này đã được Ủy ban Kiểm tra Trung ương kết luận rõ ràng".

ubkt1

Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã kết luận rồi, gia đình ông Phúc không phải là ‘trùm cuối’ của vụ đại án kit-test Việt Á.

Sở dĩ ông Nguyễn Xuân Phúc lên tiếng như vậy vì ngay từ khi mới bắt đầu vụ án Việt Á, khi bàn về ai là chủ nhân góp 80% vốn vào công ty này, dư luận đồn đãi rằng đó là phần hùn của thân nhân ông Nguyễn Xuân Phúc từ hồi ông còn giữ chức Thủ tướng Chính phủ.

Cho đến ngày ông Nguyễn Xuân Phúc cáo lão hồi hưu, thắc mắc ai là chủ nhân của 80% vốn ở công ty Việt Á vẫn là bí ẩn ; và điều này không phải là vấn đề mà bài viết này muốn đề cập.

Thắc mắc lớn nhất ở đây trong vụ việc ông Nguyễn Xuân Phúc, là pháp luật nào quy định về quyền hạn của Ủy ban Kiểm tra Trung ương trong kết luận ai phạm tội, ai không có tội ?

Lưu ý, Hiến pháp 2013, Điều 31.1, ghi : "Người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự luật định và có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật".

Như vậy về nguyên tắc thì cho dù phía Ủy ban Kiểm tra Trung ương có kết luận ông Nguyễn Xuân Phúc cùng gia đình có dấu hiệu tư lợi, tham nhũng liên quan đến Việt Á, thì kết luận này là vô hiệu đối với pháp luật Việt Nam, vì Ủy ban Kiểm tra Trung ương không phải là Tòa án. Ủy ban Kiểm tra Trung ương cũng không phải là cơ quan điều tra của ngành công an, và Ủy ban Kiểm tra Trung ương cũng không có quyền công tố như Viện Kiểm sát.

Theo tự giới thiệu trên trang thông tin điện tử Ủy ban Kiểm tra Trung ương, thì đây là Uỷ ban Kiểm tra Trung ương là cơ quan kiểm tra, giám sát chuyên trách của Ban Chấp hành Trung ương, thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Điều lệ Đảng ; tham mưu, giúp Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư chỉ đạo, hướng dẫn và tổ chức thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng.

Ông Nguyễn Xuân Phúc lúc là Chủ tịch nước, ông cũng đồng thời giữ luôn vị trí Trưởng Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương – đây là là cơ quan tham mưu, giúp Bộ Chính trị chỉ đạo việc triển khai thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng cộng sản Việt Nam về công tác cải cách tư pháp.

Với cách diễn giải "Gia đình tôi, vợ, các con tôi không tư lợi, tham nhũng liên quan đến Việt Á, chưa bao giờ gặp giám đốc Việt Á, điều này đã được Ủy ban Kiểm tra Trung ương kết luận rõ ràng", cho thấy ông Nguyễn Xuân Phúc gián tiếp nhìn nhận ở Việt Nam vẫn chưa thể có tư pháp độc lập.

Khi chưa có tư pháp độc lập thì minh bạch của quá trình tư pháp là một kỳ vọng mà người dân khát khao được có. Việc bảo đảm sự độc lập của ngành tòa án gần như là điều vô vọng, vì nói như ông Nguyễn Xuân Phúc thì Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã kết luận ông không liên quan tham nhũng trong đại án Việt Á. Mai này khi các cấp tòa có xét xử vụ án này đi nữa, thì dù có ra sao cũng không thể nghịch ý phán quyết của Ủy ban Kiểm tra Trung ương.

Một lưu ý ở đây về chuyện không thể nghịch ý, đó là quyết định của các "quan tòa" – nhìn nhận một cách thẳng thắn – đang tiếp tục vẫn chịu sự ràng buộc nhất định, vì thẩm phán có được tái bổ nhiệm hay không đều phải có nhận xét của cấp ủy.

Về lý thuyết thì cá nhân thẩm phán, họ phải độc lập trước mọi áp lực chính trị, tài chính cũng như dư luận xã hội… Thế nhưng ở Việt Nam thì trước tiên để làm thẩm phán, người đó phải đạt tiêu chuẩn chính trị tối thiểu là đảng viên, hoặc luôn phải nghe theo "định hướng" của Đảng.

Vậy nên ở đây ông cựu Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc rất khôn ngoan khi ‘đánh tiếng’ với công luận, rằng Đảng đã kết luận ông không có tham nhũng, thì chắc chắn chẳng thẩm phán nào dám tuyên ông có tội (!?)

Hoài Nguyễn

Nguồn : VNTB, 06/02/2023

Published in Diễn đàn

Sẽ có cuộc cách mạng về cơ cấu nhân sự Đảng ?

Nguyễn Huỳnh, VNTB, 22/04/2022

Ghi nhận tại Hội thảo trực tuyến lấy ý kiến góp ý Đề án "Về xây dựng tổ chức cơ sở đảng và đảng viên"tại 21 điểm cầu tỉnh ủy, thành ủy ; điểm cầu Hội trường tầng G, Ban Tổ chức Trung ương và điểm cầu Phòng họp Vụ Địa phương III, có đề xuất Trung ương không tiếp tục thực hiện mô hình tổ chức cơ sở đảng ở 02 Đảng bộ Khối cơ quan Đảng, Mặt trận đoàn thể và Khối chính quyền cấp huyện để giảm bớt tầng nấc trung gian giữa chức năng của đảng ủy, ban thường vụ huyện, thị, thành ủy và các chi bộ trực thuộc.

cocau1

Trước thềm Hội nghị Trung ương 5, khóa XIII của Đảng, nhiều tín hiệu cho thấy khả năng sẽ có một cải cách mạnh mẽ trong hệ thống quản lý lâu nay của Đảng.

Đối với phương án sắp xếp đảng bộ cơ sở trong cơ quan, đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn nhiều tỉnh, thành phố nên thống nhất trụ sở chính đóng ở tỉnh nào thì tổ chức đảng, các đoàn thể quần chúng trực thuộc đầu mối của đảng ủy khối của tỉnh đó để đảm bảo tính lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền cùng cấp.

Theo số liệu ghi nhận từ Đề án, toàn Đảng có khoảng 52.000 tổ chức cơ sở đảng với hơn 5,2 triệu đảng viên và nhiều loại hình tổ chức cơ sở đảng : xã, phường, thị trấn ; cơ quan đảng, nhà nước, mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị-xã hội ; các đơn vị sự nghiệp ; các loại hình doanh nghiệp ; các đơn vị quân đội, công an ; các đơn vị ở ngoài nước.

Từ sau Nghị quyết số 22-NQ/TW ngày 2-2-2008 của Ban Chấp hành Trung ương khóa X về "Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên", đã có 119 văn bản nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư về các vấn đề liên quan đến tổ chức cơ sở đảng và đảng viên.

Đáng chú ý là dự thảo của Đề án đặt mục tiêu đến năm 2025 phấn đấu cơ bản trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố là đảng viên, năm 2030 phấn đấu trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố, được đánh giá là "thiếu thực tế", cần phải xem xét, điều chỉnh cho phù hợp với thực tế của các địa phương và có tính khả thi trong triển khai thực hiện.

Một vấn đề được đánh giá là khá nhạy cảm được đặt ra là nên chăng việc chấm dứt duy trì mô hình chi bộ quân sự xã, phường, thị trấn vì tính hiệu quả của nó ?.

Theo ghi nhận của Cục Chính trị Quân khu 1, hoạt động của chi bộ quân sự xã đang có nhiều hạn chế, như : Lãnh đạo công tác tham mưu cho cấp ủy, chính quyền về nhiệm vụ quốc phòng, quân sự ; xây dựng lực lượng dân quân cơ động, dân quân thường trực.

Việc duy trì sinh hoạt chi bộ có nơi chưa đều, nội dung và chất lượng sinh hoạt còn hạn chế ; nhiều chi bộ chưa kết nạp được đảng viên. Chỉ đạo hoạt động của chính trị viên Ban Chỉ huy quân sự xã, phường, thị trấn chưa thường xuyên nên có nội dung chất lượng hạn chế.

Về cơ cấu đảng viên, theo hướng dẫn của Ban Tổ chức Trung ương, đảng viên là dân quân sinh hoạt ở chi bộ quân sự, do vậy làm giảm tỷ lệ lãnh đạo của chi bộ thôn, bản, gây khó khăn cho việc xóa thôn, bản "trắng" chi bộ, nhất là ở các xã vùng sâu, biên giới.

Đảng viên của chi bộ quân sự xã cư trú phân tán, có nơi xa trung tâm xã, không tiện sinh hoạt. Mặt khác, số đảng viên này thường là lao động chính trong gia đình, ngành nghề đa dạng, có thời điểm đi làm ăn xa không tham gia sinh hoạt đầy đủ, trong khi nhiệm vụ chính của công tác quốc phòng, quân sự địa phương thường thực hiện ở một số thời điểm nhất định nên nội dung sinh hoạt còn đơn điệu.

Đoàn viên trong lực lượng dân quân phân tán ở các thôn, bản ; chủ yếu tham gia hoạt động ở các thôn, bản, chỉ tập trung theo yêu cầu nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, thực hiện các nhiệm vụ đột xuất của địa phương nên việc thành lập chi đoàn thanh niên trong lực lượng dân quân khó khăn.

Công tác tạo nguồn phát triển đảng viên mới còn bất cập do không thành lập được chi đoàn thanh niên trong trung đội dân quân ; thời gian tham gia dân quân thường trực ngắn chỉ từ 6 tháng đến 2 năm, trong khi chiến sĩ dân quân cư trú ở các thôn, bản không có thời gian công tác liên tục 1 năm với đảng viên trong chi bộ quân sự…

Ngoài ra việc thành lập chi bộ quân sự xã trong đó cơ cấu thành phần của chi bộ như hiện nay gặp phải không ít khó khăn, vướng mắc, như : Chủ tịch UBND xã là chủ tịch hội đồng nghĩa vụ quân sự xã, chịu trách nhiệm về công tác quân sự quốc phòng, nhưng không tham gia sinh hoạt tại chi bộ nên không nắm bắt kịp thời các chủ trương của chi bộ.

Chi bộ không có các tổ chức đoàn thể, không có lực lượng dân quân thường trực ; do đó, nguồn phát triển đảng viên của chi bộ gặp nhiều khó khăn (chủ yếu là dân quân). Đảng viên thuộc chi bộ chủ yếu tuổi đời trẻ, có trình độ văn hóa nhưng không tham gia sinh hoạt tại chi bộ thôn, tổ dân phố ; trong khi đó, đảng viên ở các thôn, tổ dân phố có số lượng ít, tuổi đời cao, đau ốm, xin miễn sinh hoạt nhiều nên ảnh hưởng đến chất lượng hoạt động…

Dự kiến nếu không có thay đổi vào giờ chót thì Đề án "Về xây dựng tổ chức cơ sở đảng, đảng viên" sẽ được trình Ban Chấp hành Trung ương thông qua ở Hội nghị Trung ương 5, khóa XIII diễn ra trước khi bắt đầu Kỳ họp thứ 3 của Quốc hội được thông báo là khai mạc vào thứ hai, ngày 23/5/2022.

Nguyễn Huỳnh

Nguồn : VNTB, 22/04/2022

**********************

Ủy ban Kiểm tra Trung ương đang xướng tên ai ?

Nguyễn Nam, VNTB, 21/04/2022

Trước thềm Hội nghị Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam lần thứ 5 – khóa XIII dự kiến diễn ra vào tháng 5 năm 2022, trong hai ngày 19 và 20/4/2022, tại Hà Nội, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã họp kỳ thứ 14 và đã xem xét, kết luận một số nội dung sau – trích thông cáo báo chí :

cocau02

Thông thường thì sau khi Ủy ban Kiểm tra Trung ương của Đảng xướng tên ai, thì thời gian sau đó những cá nhân này sẽ được đưa vào vòng tố tụng, hoặc sẽ phải rời chính trường với các đe dọa hình sự trong tương lai.

Gọi tên Saigon Co.op

Ban Thường vụ Đảng ủy Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại Thành phố Hồ Chí Minh (Saigon Co.op) và đồng chí Diệp Dũng, nguyên Thành ủy viên, nguyên Bí thư Đảng ủy, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Saigon Co.op, Ủy ban Kiểm tra Trung ương nhận thấy :

Ban Thường vụ Đảng ủy Saigon Co.op đã thiếu trách nhiệm, vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ và Quy chế làm việc ; buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, thiếu kiểm tra, giám sát, để Hội đồng quản trị, Ban Kiểm soát và nhiều cán bộ, đảng viên vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong việc ký kết hợp đồng hợp tác đầu tư, huy động vốn, tăng vốn điều lệ, tổ chức Đại hội thường niên.

Đồng chí Diệp Dũng đã vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, vi phạm Quy định những điều đảng viên không được làm và trách nhiệm nêu gương trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao.

Những vi phạm nêu trên đã gây hậu quả rất nghiêm trọng, thiệt hại lớn tiền và tài sản của tập thể, gây dư luận xấu, ảnh hưởng đến uy tín của tổ chức đảng và Saigon Co.op.

Xét nội dung, tính chất, mức độ, hậu quả vi phạm ; căn cứ quy định của Đảng, Ủy ban Kiểm tra Trung ương quyết định thi hành kỷ luật Cảnh cáo Ban Thường vụ Đảng ủy Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại Thành phố Hồ Chí Minh nhiệm kỳ 2015 – 2020 và đồng chí Nguyễn Thành Nhân, nguyên Phó Bí thư Đảng ủy, nguyên Ủy viên Hội đồng quản trị, nguyên Tổng Giám đốc Saigon Co.op.

Ủy ban Kiểm tra Trung ương đề nghị Ban Bí thư xem xét, thi hành kỷ luật đồng chí Diệp Dũng, nguyên Thành ủy viên, nguyên Bí thư Đảng ủy, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Saigon Co.op.

Xem xét trách nhiệm của một số đồng chí có liên quan, Ủy ban Kiểm tra Trung ương quyết định :

– Thay đổi hình thức kỷ luật Khiển trách bằng hình thức Cảnh cáo đối với các đồng chí : Nguyễn Vũ Toàn, nguyên Đảng ủy viên, nguyên Ủy viên Hội đồng quản trị, nguyên Phó Tổng Giám đốc Saigon Co.op ; Nguyễn Thanh Hùng, Ủy viên Hội đồng quản trị Saigon Co.op, Phó Bí thư Chi bộ, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc Hợp tác xã Củ Chi ; Hồ Ngọc Hoàng Dũng, Thành viên Ban Kiểm soát Saigon Co.op, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc Hợp tác xã Phường 6, Quận 4.

– Kỷ luật Khiển trách đồng chí Hàng Thanh Dân, Ủy viên Hội đồng quản trị Saigon Co.op, Bí thư Chi bộ, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc Hợp tác xã Thương mại Quận 3.

– Các đồng chí : Quách Cường, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy, Ủy viên Hội đồng quản trị Saigon Co.op ; Hồ Mỹ Hòa, Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy, Ủy viên Hội đồng quản trị, Giám đốc Phòng Tài chính Saigon Co.op, tuy có vi phạm, khuyết điểm đến mức phải xem xét thi hành kỷ luật, song các đồng chí đã thẳng thắn đấu tranh với những việc làm sai trái của đồng chí Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng quản trị ; chủ động, kịp thời báo cáo với các cơ quan chức năng ; trong quá trình kiểm tra, kiểm điểm đã cầu thị, nghiêm túc, nhận vi phạm, khuyết điểm, tự nhận hình thức kỷ luật. Ủy ban Kiểm tra Trung ương quyết định không thi hành kỷ luật các đồng chí Quách Cường và Hồ Mỹ Hòa.

Ủy ban Kiểm tra Trung ương đề nghị Ban Thường vụ Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh chỉ đạo, xem xét, xử lý kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên có liên quan đến các vi phạm nêu trên.

Xướng danh Tỉnh ủy ‘thủ đô resort’ Bình Thuận

Thực hiện kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương tại Kỳ họp thứ 12 về vi phạm của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Thuận và một số tổ chức, cá nhân ; căn cứ các quy định của Đảng, Ủy ban Kiểm tra Trung ương quyết định thi hành kỷ luật :

– Khai trừ ra khỏi Đảng các đồng chí : Lê Nguyễn Thanh Danh, nguyên Phó Bí thư Đảng ủy, nguyên Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường ; Ngô Hiếu Toàn, Đảng ủy viên, Phó Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Bình Thuận.

– Cảnh cáo các đồng chí : Lê Tuấn Phong, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Bí thư Ban cán sự đảng, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận và Nguyễn Trần Nam, nguyên Ủy viên Ban cán sự đảng, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng.

– Khiển trách các đồng chí : Đặng Công Huẩn, Ủy viên Ban cán sự đảng, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ và Vũ Văn Họa, Ủy viên Ban cán sự đảng, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước vì đã vi phạm trong chỉ đạo thanh tra, giải quyết tố cáo và kiểm toán tại tỉnh Bình Thuận.

Ủy ban Kiểm tra Trung ương đề nghị Bộ Chính trị, Ban Bí thư xem xét, thi hành kỷ luật Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Thuận các nhiệm kỳ 2010-2015, 2015-2020 ; Ban cán sự đảng UBND tỉnh Bình Thuận các nhiệm kỳ 2011-2016, 2016-2021 và các đồng chí : Huỳnh Văn Tí, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy ; Nguyễn Mạnh Hùng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy ; Lê Tiến Phương, nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy, nguyên Bí thư Ban cán sự đảng, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh ; Nguyễn Ngọc Hai, nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy, nguyên Bí thư Ban cán sự đảng, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh ; Lương Văn Hải, nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, nguyên Phó Bí thư Ban cán sự đảng, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh ; Hồ Lâm, nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Bí thư Đảng ủy, nguyên Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Thuận.

"Điểm danh" tướng lãnh Bộ Công an

Xét đề nghị của Ban Thường vụ Đảng ủy Công an Trung ương, căn cứ quy định của Đảng, Ủy ban Kiểm tra Trung ương quyết định thi hành kỷ luật :

– Khiển trách đồng chí Trung tướng Hồ Thanh Đình, nguyên Ủy viên Đảng ủy Công an Trung ương, nguyên Bí thư Đảng ủy, nguyên Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý trại giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng, Bộ Công an, do đã thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, thiếu kiểm tra, giám sát trong việc đề nghị xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù đối với phạm nhân Phan Sào Nam vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước và quy định của Bộ Công an.

– Cảnh cáo đồng chí Thiếu tướng Tống Mạnh Chinh, nguyên Bí thư Đảng ủy, nguyên Giám đốc Bệnh viện 30-4, Bộ Công an do đã vi phạm quy định trong đấu thầu, mua sắm trang thiết bị y tế và thanh quyết toán bảo hiểm y tế.

Nguyễn Nam

Nguồn : VNTB, 21/04/2022

Published in Diễn đàn
mercredi, 31 octobre 2018 23:43

Kiểm thế thì… "cha" cũng khóc !

Có lẽ Ủy ban Kiểm tra của Ban Chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam Khóa 12 không dè kết luận của kỳ họp lần thứ 30 (từ 17 tháng 10 đến 19 tháng 10) lại trở thành một thứ… chổi chà, quét sạch mọi nỗ lực chứng minh Tổng Bí thư đang cố gắng "chỉnh đốn" để Đảng trở thành… "trong sạch, vững mạnh".

kiem1

Chổi chà, quét sạch mọi nỗ lực để trở thành… "trong sạch, vững mạnh".

***

Từ đầu năm 2016 đến giờ, Ủy ban Kiểm tra của Ban chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam Khóa 12 đã "tả xung, hữu đột", hết đề nghị kỷ luật tổ chức Đảng này (Thành ủy, Tỉnh ủy, Đảng ủy cấp bộ - ngành), tới đề nghị kỷ luật hàng chục đảng viên cao cấp khác, không tha cả Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam đương nhiệm có sai sót lẫn đã nghỉ hưu và đã từng lầm lỗi.

Hình như trọng trách quá lớn (giám sát, kiểm tra, thi hành kỷ luật, bảo vệ thanh danh, uy tín của Đảng cộng sản Việt Nam) nên Ủy ban Kiểm tra của Ban chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam không ngần ngại lội ngược dòng, quay về học tập một số chính thể quân chủ chuyên chế Châu Á, ứng dụng hình thức xử lý chưa từng thấy trong các nền cộng hòa, kể cả cộng hòa xã hội chủ nghĩa : Đề nghị tước bỏ những chức vụ mà các đương sự bị xác định là vi phạm kỷ luật đã từng mang !

Tác động từ đề nghị kỷ luật Đinh La Thăng – mở đường cho việc truy cứu trách nhiệm, xử lý hình sự một Ủy viên Bộ Chính trị đương nhiệm không phải là nhỏ. Thậm chí đã có một vài người ví von Ủy ban Kiểm tra của Ban chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam Khóa 12 như… "Phủ Khai Phong".

Tuy nhiên "Phủ Khai Phong" thời nay ở Việt Nam chỉ mở cửa công đường đúng một lần và giống như Bao Công, Ủy ban Kiểm tra Ban chấp hành Trung ương Đảng chỉ thực thi công lý với một "hoàng thân, quốc thích", lờ đi trách nhiệm của cả "Triều đình" lẫn "Thánh Thượng", cho dù "Thánh Thượng" lẫn "Triều đình" nhiều lần khẳng định, muốn "trong sạch, vững mạnh" thì dứt khoát không thể tha người đứng đầu cơ quan, tổ chức để xảy ra sai phạm.

Ngoài Đinh La Thăng – hy lễ duy nhất tế nhân tâm, "Phủ Khai Phong" thời nay ở Việt Nam chỉ đề nghị cách chức và tước bỏ những chức vụ mà "hoàng thân, quốc thích" từng mang. Khi tương lai được bảo đảm, ai cũng có thể sống an nhàn với những thứ đã thu thập được, "Phủ Khai Phong" thời nay ở Việt Nam hoàn thành thêm một trọng trách nữa, vừa tỏ cho thần dân thấy "Thánh thượng", "Triều đình" hết sức "nghiêm minh", không ngừng "chỉnh đốn", vừa không để cho "hoàng thân, quốc thích" nào nảy sinh mưu đồ "tạo phản". 

Đó là kiểm tra mà không để lòi ra… "cha" của những thứ cần phải kiểm hay đã kiểm !

***

Nếu cứ tiếp tục như thế thì công cuộc "chỉnh đốn" để Đảng "trong sạch, vững mạnh" tạm… ổn vì ngoài công dân, ở Việt Nam vẫn còn những người chấp nhận thân phận… "thần dân" nhưng kỳ họp vừa rồi, Ủy ban Kiểm tra của Ban chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam khóa 12… tham không đúng chỗ.

Thay vì chỉ hít, ngửi một số tổ chức Đảng (Đảng ủy Tổng cục Cảnh sát, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Tĩnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Phước, Ban Thường vụ Huyện ủy Hướng Hóa - Quảng Trị), một số cá nhân (Trung tướng Nguyễn Công Sơn, Trung tướng Nguyễn Văn Ba – từng là Tổng cục phó Tổng cục Cảnh sát, Thiếu tướng Lê Đình Nhường – từng là Chánh Văn phòng Cục Cảnh sát điều tra, Thiếu tướng Nguyễn Huy Mạ - từng là Cục trưởng Cục Hồ sơ nghiệp vụ cảnh sá, Thiếu tướng Nguyễn Đức Thịnh – từng là Cục trưởng Cục Cảnh sát kinh tế, Đại tá Nguyễn Thanh Trang – từng là Phó Văn phòng Cục Cảnh sát điều tra, Đại úy Nguyễn Chí Trung – từng là một Phó phòng của Văn phòng Cục Cảnh sát điều tra, Thiếu tướng Phan Tấn Tài - Phó Tư lệnh Quân khu 7, bà Hồ Thị Lệ Hà - Tỉnh ủy viên, Bí thư huyện Hướng Hóa, ông Võ Thanh - Phó Bí thư huyện Hướng Hóa, ông Đặng Trọng Vân - Phó Bí thư kiêm Chủ tịch UBND huyện Hướng Hóa), rõ ràng đã bốc mùi, Ủy ban Kiểm tra của Ban chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam khóa 12 lại muốn ngửi, hít thêm về "tư tưởng".

Theo Thông cáo báo chí về Kỳ họp lần thứ 30 của Ủy ban Kiểm tra Ban chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam thì những sai phạm của các cá nhân lãnh đạo Tổng cục Cảnh sát, khiến Tổng cục trưởng (Trung tướng Phan Văn Vĩnh), Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm công nghệ cao (Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hóa) bị tống giam, rồi vi phạm pháp luật trong "điều tra – xử lý một số vụ án", "thực hiện một số dự án đầu tư, mua sắm trang thiết bị", hoặc "sai phạm về tài chính" ở Tỉnh ủy Hà Tĩnh, Tỉnh ủy Bình Phước, hay sai phạm của Phó Tư lệnh Quân khu 7 "ký hợp đồng chuyển nhượng hai khu đất quốc phòng cho doanh nghiệp mà không thực hiện đầy đủ trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật",… đều không "nghiêm trọng" bằng sai phạm của ông Chu Hảo !

Không phải tự nhiên mà sau khi Ủy ban Kiểm tra của Ban chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam Khóa 12 công bố kết luận của Kỳ họp lần thứ 30, một lô, một lốc các ông, kể cả ông Chu Hảo tuyên bố ly khai Đảng và càng ngày càng nhiều người công khai cho rằng cần phải kiểm tra lại Ủy ban Kiểm tra của Ban chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam khóa 12.

Xem những sai phạm liên quan tới lợi dụng chức vụ quyền hạn để nhũng lạm, che chắn cho tội phạm, sang đoạt công sản không… nghiêm trọng bằng phổ biến tri thức, đóng góp ý kiến để có thể xây dựng thành công một xã hội thật sự công bằng, dân chủ, văn minh thì ắt phải bị… tổ trác. Chưa bao giờ lên sân khấu, kể cả sân khấu của những câu lạc bộ tổ chức vũ thoát y mà không mặc quần lại được xem là… nên cả.

Tuy đảm trách vai trò giám sát, kiểm tra, thi hành kỷ luật để bảo vệ thanh danh, uy tín của Đảng cộng sản Việt Nam nhưng Ủy ban Kiểm tra của Ban chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam Khóa 12 không nhận ra có ít nhất hai loại đảng viên. Một loại nương nhờ Đảng để "vinh thân, phì gia" và một loại Đảng cần nương nhờ để che… hạ thể. Học tập, làm theo Chủ tịch Hồ Chí Minh mà quên điều đó thì rõ ràng là học… chưa tới nơi, tới chốn.

Với loại thứ nhất, Ủy ban Kiểm tra của Ban chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam Khóa 12 có nhân danh Đảng, thay mặt Đảng vụt cho mấy gậy, các đồng chí ấy cũng sẽ cun cút về chỗ Đảng chỉ, bởi quyền lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối của Đảng đồng nghĩa với lợi ích cá nhân của các đồng chí ấy được bảo đảm một cách lâu dài. Song loại thứ hai thì không.

***

Ủy ban Kiểm tra của Ban chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam Khóa 12 chỉ mới kết luận "đồng chí Chu Hảo" có "sai phạm rất nghiêm trọng" và đề nghị "xem xét, kỷ luật". Tổng Bí thư, Bộ Chính trị, Ban Bí thư chưa kịp có ý kiến thì "đồng chí Chu Hảo" đã thôi, không thèm làm "đồng chí" nữa. Ngoài "đồng chí Chu Hảo", Đảng mất thêm một mớ "đồng chí" nữa. Chuyện này mới thật sự "ảnh hưởng đến uy tín của tổ chức Đảng".

Kiểm tra lẽ ra không được để lòi ra… "cha", giờ rõ ràng là "cha" cũng… khóc. Kỷ luật là để thị… "chúng". "Chúng" không… kinh, dân thêm khinh khiến "cha" lúng túng. Lờ đi, không công bố biện pháp kỷ luật "nguyên đồng chí" Chu Hảo thì dở mà làm tới thì khác gì "Đ… mẹ Tổng Bí thư nói dóc" về chuyện "đổi mới toàn diện, đồng bộ, đặc biệt là đổi mới tư duy lý luận, phát huy tự do tư tưởng, bảo đảm dân chủ, khuyến khích những tìm tòi sáng tạo để đặc biệt là vượt qua khó khăn, thách thức, đưa đất nước tiến lên" ?

Đồng Phụng Việt

Nguồn : RFA, 31/10/2018 (DongPhungViet's blog)

Published in Diễn đàn