Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

08/11/2018

Điểm báo Pháp - Bầu cử giữa kỳ Mỹ

RFI tiếng Việt

Bầu cử giữa kỳ Mỹ : ''Sự khích lệ'' đối với các nền dân chủ

Chủ đề chính của các báo Pháp hôm nay vẫn là kết quả bầu cử giữa kỳ ở Mỹ. Nhiều báo dành trang nhất cho đề tài này.

my1

Lãnh đạo phe Dân Chủ, bà Nancy Pelosi, sau khi có kết quả bầu cử giữa kỳ, Washington, 06/11/2018. ReutersS/Jonathan Ernst

Theo Le Monde "Trường phái Trump đang bám rễ vào chính trường Mỹ, tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là một con đường trải đầy hoa hồng sẽ chờ đón tổng thống Donald Trump trong hai năm tới. Hạ Viện trong tay đảng Dân Chủ sẽ khiến mọi chuyện phức tạp, rắc rối hơn".

Le Monde ra sạp từ chiều hôm qua, chạy tít lớn : "Bầu cử giữa kỳ, hai nước Mỹ đối lập. Chiến thắng rõ ràng của phe Dân Chủ ở Hạ Viện, phe cộng Hòa củng cố vị trí ở Thượng Viện". Tờ báo thiên hữu Le Figaro nhận định : "Trump có thế mạnh cho năm 2020". Chính quyền Trump đã vượt qua thử thách bầu cử giữa kỳ. Sự thắng lợi của phe cộng Hòa ở Thượng Viện cho phép ông Trump hy vọng có được nhiệm kỳ tổng thống thứ hai.

Trong khi đó, báo kinh tế Les Echos nhận định : "Trump sẽ phải lãnh đạo với một Quốc Hội bị chia rẽ. Còn nhật báo thiên tả Libération ca ngợi chiến thắng của các nữ ứng viên phe Dân Chủ : "Đối mặt với Trump : Những người phụ nữ chinh phục chiến thắng".

Xã luận của báo Le Monde "Sự ăn sâu bám rễ của trường phái Trump" nói về hai bài học rút ra từ kỳ bầu cử giữa kỳ Mỹ : Bài học thứ nhất là nền dân chủ không thể bị hủy diệt. Sự tham gia của 114 triệu cử tri Mỹ không chỉ cho thấy sự tham gia tích cực của người dân trong bối cảnh chính trị Mỹ bị phân cực mạnh mẽ, mà còn là dấu hiệu cho thấy người dân vẫn còn tin tưởng vào nền dân chủ. Bài học thứ hai là sự chia rẽ sâu sắc rất đặc trưng cho xã hội Mỹ vẫn còn dai dẳng.

Tổng thống Trump đã thành công trong việc đưa Tòa tối cao ngả sang cánh hữu, nay với sự củng cố của của phe Cộng Hòa ở Thượng Viện có thể bắt đầu chiến dịch tái tranh cử cho năm 2020. Trường phái Trump đang bám rễ vào chính trường Mỹ, tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là một con đường trải đầy hoa hồng sẽ chờ đón tổng thống Donald Trump trong hai năm tới. Hạ Viện trong tay đảng Dân Chủ sẽ khiến mọi chuyện phức tạp, rắc rối hơn.

Báo cánh tả Libération cũng có cùng quan điểm với Le Monde về điểm trên và nhấn mạnh việc phe Dân Chủ nắm được Hạ Viện là một thất bại của tổng thống Mỹ Donald Trump và ông sẽ gặp nhiều khó khăn trong hai năm tới. Cũng theo Libération, chiến thắng của đảng Dân Chủ lần này là "sự khích lệ trở lại" đối với các nền dân chủ trên toàn thế giới. Trái với điều mọi người thường lo sợ, làn sóng chủ nghĩa dân tộc đang dâng cao khắp nơi trên thế giới có thể không phải là không thể chống đỡ nổi.

Quyền lực của Nhà Trắng trong chính sách đối ngoại

Ở trang Quốc tế, báo Le Figaro quan tâm đặc biệt đến chính sách đối ngoại của Mỹ sau kỳ bầu cử giữa kỳ. Trong bài viết "Nhà Trắng chế ngự về đối ngoại", Le Figaro nhận định là ở các nền dân chủ phương Tây, các giai đoạn "sống chung" về chính trị luôn là bài trắc nghiệm về khả năng nguyên thủ một quốc gia thỏa hiệp được với phe đối lập.

Trong lịch sử Mỹ gần đây, các kỳ bầu cử giữa kỳ đều khiến chính quyền phải thay đổi phần nào chính sách đối ngoại. Chẳng hạn, hồi năm 2006, chiến thắng của phe Dân Chủ đã khiến tổng thống George Bush thay đổi sách lược ở Iraq và tạo thuận lợi để có quan hệ hòa dịu hơn với Iran. Năm 2010, chiến thắng của phe Cộng Hòa lại khiến tổng thống Obama ủng hộ chiến dịch can thiệp quân sự ở Lybia do Pháp và Anh cầm đầu. Bốn năm sau, sự thất bại của phe Dân Chủ lại thúc đẩy Obama chú ý hơn tới thỏa thuận hạt nhân với Iran.

Năm nay, ngay sau kỳ bầu cử giữa kỳ, phe Dân Chủ hy vọng chiến thắng ở Hạ Viện sẽ giúp họ gây được sức ép với chính quyền Trump trên một số hồ sơ đối ngoại, chẳng hạn cuộc điều tra về sự can dự của Nga vào bầu cử tổng thống Mỹ 2016, chính sách của Washington với Saudi Arabia, hồ sơ hạt nhân Bắc Triều Tiên.

Tuy nhiên, Le Figaro nhấn mạnh là khả năng thành công của phe Dân Chủ trong các hồ sơ trên là rất thấp. Tại Mỹ, tổng thống là người dẫn dắt chính sách ngoại giao, và Thượng Viện cũng có quyền hành hơn Hạ Viện trong những vấn đề này, nhất là về việc phê chuẩn các hiệp ước.

Brazil : Bolsonaro - Sự trả giá do im lặng

Vẫn liên quan tới bầu cử, báo Libération nhìn lại kết quả bầu cử tổng thống Brazil mới đây. Trong bài viết "Bolsonaro hay sự trả giá do im lặng", Libération nhận định chiến thắng của ứng cử viên cực hữu Bolsonaro ở Brazil là dấu hiệu của sự thiếu hiểu biết về quá khứ và sự truyền tải thông tin sai lệch mà chỉ có giáo dục lịch sử thì không đủ để sửa chữa.

Việc đa phần dân chúng Brazil ăn mừng phấn khởi trước chiến thắng của ứng viên cực hữu Bolsonaro cho thấy rõ điều đó. Họ không có suy nghĩ dù là nhỏ nhất về quá khứ 20 năm dưới thời độc tài quân sự ở Brazil. Theo Libération, luật ân xá được thông qua năm 1979 chịu trách nhiệm phần nào về việc này : không kiện cáo, không xét xử về chế độ độc tài quân sự trước đây. Khác với Argentina và Chile, trong một thời gian dài, Brazil đã chọn con đường im lặng. Giới trẻ ra đời ra cuối thế kỷ XX rất mơ hồ, thậm chí không biết gì về những chế độ đã tàn phá Châu Mỹ Latinh trong những năm 60-70.

Sự tuyên truyền của chế độ quân sự đã khiến người ta chỉ còn nhớ đó là một thời kỳ trật tự và ổn định. Thời gian xa cách, những khó khăn hiện tại cùng với sự phóng đại của truyền thông đã khiến nhiều người lý tưởng hóa giai đoạn nói trên. Sự thiếu tính phê bình trong giáo dục về những giai đoạn độc tài mà Brazil đã trải qua trong thế kỷ XX cũng khiến dân chúng "ân xá" cho chế độ độc tài quân sự.

Những thế hệ trẻ sau này may mắn không phải sống dưới thời phát xít hay chế độ độc tài, nhưng điều đó cũng có nghĩa là họ không được "tiêm phòng" để ngừa "một đại dịch mới". Giáo dục lịch sử giữ vai trò quan trọng nhằm bù đắp sự thiếu hụt về "hệ miễn dịch" của giới trẻ. Tuy nhiên, Libération cũng nhấn mạnh là giáo dục không thể giải quyết hết mọi việc. Quá khứ không bao giờ lặp lại cùng một kiểu. Sách vở cũng không dạy chúng ta điều gì là các chế độ độc tài sẽ ra sao trong một thế giới kỹ thuật số và trong bối cảnh toàn cầu hóa.

Nhưng trong một thế giới được toàn cầu hóa, kinh nghiệm của người này này sẽ giúp người khác biết định hướng. Thông tin không chỉ giúp giới trẻ biết cách so sánh hay phân tích phê bình, mà còn có thể dạy họ biết cách tự bảo vệ để chống đỡ tốt hơn các thể chế độc tài. Quen nói về mọi thứ trên Internet, các thế hệ sống ở thời đại công nghệ số nên nhanh chóng tìm hiểu thế nào là sự bấp bênh trong một chế độ độc tài.

Pháp : Những gương mặt nghèo đói mới

Trong lĩnh vực xã hội Pháp, báo Công giáo La Croix và báo kinh tế Les Echos quan tâm tới tình trạng đói nghèo nhân dịp tổ chức Cứu Tế Công Giáo (Secours catholique) công bố báo cáo thường niên về đói nghèo. Trong bài viết "Các khuôn mặt nghèo đói ngày càng đa dạng", báo La Croix cho biết ngoài các gia đình, nhất là các gia đình di dân nước ngoài, Cứu Tế Công Giáo ghi nhận thêm nhiều đối tượng người nghèo mới, nhất là người có tuổi.

Có nhiều lý do đẩy người ta vào cảnh đói nghèo hoặc khó thoát khỏi tình cảnh này : sự tan vỡ trong gia đình, những khó khăn khác thường phát sinh trong cuộc sống, sự cắt giảm tiền trợ cấp xã hội …

Báo cáo của tổ chức Cứu Tế Công Giáo cũng chú ý tới tình trạng nhiều người trên 50 tuổi rơi vào tình trạng bấp bênh. Họ là những người có sự nghiệp không suôn sẻ, và trợ cấp hưu trí rất thấp. Ngoài ra, còn phải kể tới những người ngấp nghé ngưỡng nghèo : thu nhập không đủ thấp để xếp vào diện người nghèo, nhưng cũng không đủ chi tiêu trong cuộc sống, nhất là do chi phí cho nhà ở, chất đốt, giao thông… tăng quá cao.

Báo kinh tế Les Echos ghi nhận : "Đói nghèo lan tỏa khiến tổ chức Cứu Tế Công Giáo lo ngại". Les Echos quan tâm tới tình trạng ngày càng có nhiều người không thuộc diện nghèo, không được hưởng trợ cấp xã hội cho người nghèo, nhưng phải nhờ tới sự trợ giúp tổ chức Cứu Tế Công Giáo. Những người nước ngoài nói tiếng Pháp không thạo, không có chỗ ở ổn định, những người cha không có con ở cùng và không được hưởng tiền hỗ trợ của Quỹ Trợ Cấp Gia Đình CAF cũng là những người dễ bị ảnh hưởng nhất.

Pháp : người nhập cư ngày càng có trình độ học vấn cao

Vẫn liên quan đến nước Pháp nhưng về người nhập cư, trong bài viết "Những người nhập cư ngày càng có trình độ cao", báo kinh tế Les Echos trích một nghiên cứu của Viện Thống Kê Pháp INSEE theo đó, một phần ba số người trong độ tuổi lao động nhập cư vào Pháp sau năm 1998 có bằng đại học.

Theo nghiên cứu mà INSEE công bố hôm qua 07/11/2018, năm 2015, trên toàn nước Pháp có hơn 6 triệu người nhập cư, tương đương 9,3% dân số Pháp. Nếu chỉ tính số người trong độ tuổi lao động, tỉ lệ này là 10%. Nhóm dân nhập cư trong độ tuổi lao động tới từ Nam Âu là những người sống ở Pháp lâu nhất (hai phần ba tới Pháp trước năm 1998), tiếp theo là Bắc Phi.

45% số người nước ngoài nhập cư vào Pháp trong độ tuổi lao động là nhằm đoàn tụ với gia đình. Hai lý do chính khác là tìm việc làm (25%) và học hành (16%).

Sự thay đổi lớn trong 15 năm qua là có tới 58% người nhập cư vào Pháp trong độ tuổi lao động là phái nữ. Số phụ nữ tới Pháp để học hành cũng nhiều như nam giới. Nhưng thay đổi lớn nhất là trình độ học vấn và nghề nghiệp. Chỉ có 42% số người nước ngoài trong độ tuổi lao động có trình độ thấp. Trong số những người sang Pháp sau năm 1998, một phần ba đã tốt nghiệp đại học. Trước năm 1998, tỉ lệ này chỉ là 21%.

33% số người nhập cư trong độ tuổi lao động đánh giá công việc đầu tiên họ làm ở Pháp kém hơn so với trình độ, kinh nghiệm và năng lực của họ. 33% số người được hỏi cho biết trình độ, khả năng của họ cao hơn so với yêu cầu công việc hiện tại.

Thùy Dương

Quay lại trang chủ
Read 496 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)