Paris mừng 100 năm Thế Chiến chấm dứt, nhưng lo cho Hòa bình
Các báo Pháp số ra đầu tuần, ngày 12/11/2018, dành nhiều bài vở cho lễ kỉ niệm 100 năm chấm dứt Thế Chiến I hôm qua, 11/11 tại Paris, được sự tham gia của khoảng 80 nguyên thủ và thủ tướng.
Paris mừng 100 năm chấm dứt Thế Chiến, nhưng lo cho Hòa bình. Trong ảnh, người tham dự chờ khai mạc Diễn đàn Paris về Hòa bình, 11/11/2018. Reuters/Gonzalo Fuentes
Le Figaro chạy tít trang nhất "Lời hiệu triệu vì Hòa bình của tổng thống Pháp". Les Echos có bài nhận định : "Paris mừng 100 năm Thế Chiến chấm dứt, nhưng lo cho Hòa bình". Nhật báo kinh tế Pháp nhận xét : "kỳ nghỉ cuối tuần vừa qua mang nặng ý nghĩa biểu tượng", một mặt đây là thời điểm hồi tưởng về quá khứ chiến tranh, vinh danh những người lính đã ngã xuống, mặt khác, để củng cố tiến trình hòa giải Pháp – Đức, và hướng đến tương lai.
Một dấu hiệu nữa cho hòa giải Pháp – Đức. Les Echos nhắc lại sự kiện hôm thứ Bảy, 9/11. Lần đầu tiên, kể từ sau Thế Chiến II, một lãnh đạo Đức đã đến khoảnh rừng Compiègne, địa điểm lịch sử nơi các tướng lĩnh đế chế Đức ký thỏa thuận đầu hàng quân đội đồng minh năm 1918. Còn hôm qua, vào lúc Paris chìm trong mưa, trước 84 lãnh đạo các nước, các cựu chiến binh và thân nhân, tổng thống Emmanuel Macron đã có một bài diễn văn dài 20 phút chứa đầy các bài học lịch sử rút ra từ quá khứ đau thương và nhiều sai lầm này, thể hiện quyết tâm chiến đấu cho hòa bình, không chấp nhận "bạo lực", "thái độ co cụm" và "sự nô dịch".
"Biểu tượng rực sáng" hay "thời khắc đoàn kết cuối cùng" ?
Les Echos đặc biệt chú ý đến thái độ lo ngại lộ rõ cho tương lai của Hòa bình, trước hết thể hiện qua một nhận định của tổng thống Pháp, chiều qua, trong bài diễn văn khai mạc Diễn Đàn Paris vì Hòa bình. Macron nói : "Có một điều đầy bất trắc, đó là điều này (tức cuộc tập hợp tưởng niệm hôm Chủ Nhật 11/11/2018 Paris) sẽ được đánh giá như là một biểu tượng rực sáng, hay một thời điểm đoàn kết cuối cùng (của cộng đồng quốc tế), trước khi thế giới rơi vào một cuộc hỗn loạn mới. Tương lai ra sao sẽ phụ thuộc vào chúng ta".
Thủ tướng Đức Angela Merkel và tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres cùng chia sẻ lo ngại này. Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc chỉ đích danh hiểm họa hàng đầu, đó là "sự mù quáng và thái độ ngậm tăm" của lãnh đạo nhiều nước, trong lúc thể chế pháp quyền, các nguyên tắc dân chủ, bị đe dọa khắp nơi, thông tin bị thao túng, chủ nghĩa dân tộc, cực đoan tôn giáo trỗi dậy. Thủ tướng Đức nhấn mạnh đến tình hình tại Yemen trong chiến tranh, được coi là "cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ nhất", 222 xung đột vũ trang trong năm 2017 và 65 triệu người phải tị nạn, sơ tán trên khắp thế giới.
Cũng như nhiều chính trị gia khác, tổng thư ký Liên Hiệp Quốc nhấn mạnh rằng cơ chế đa phương trong hợp tác quốc tế "không chỉ là một hy vọng" cho thế giới, mà là "điều vô cùng cần thiết". Theo Les Echos, nhân dịp Trung Quốc đảm nhiệm ghế chủ tịch luân phiên Hội Đồng Bảo An, đại sứ Pháp François Delattre nhắc lại là : Lịch sử cho thấy quan hệ quốc tế theo kiểu "các vùng ảnh hưởng" báo hiệu các hậu quả hết sức tồi tệ, mà trong thế giới đa cực hiện nay, viễn cảnh này chắc chắn sẽ trở thành hiện thực, nếu không duy trì được "cơ chế đa phương".
Theo Les Echos có một dấu hiệu tích cực. Đó là việc tổng thống Nga Vladimir Putin cho truyền thông Nga biết Moskva sẵn sàng đối thoại toàn diện với Washington về vấn đề Hiệp Ước Tên Lửa Tầm Trung (INF) Nga-Mỹ, vốn bị tổng thống Mỹ đe dọa rút khỏi.
Về cuộc tưởng niệm một thế kỷ kết thúc Đại Chiến Thứ Nhất, tờ báo thiên hữu Le Figaro có bài "tổng thống Pháp cố gắng đảm nhiệm vai trò thủ lĩnh của Hòa bình".
"Những bóng ma xưa"
"Emmanuel Macron một mình. Đối diện là cử tọa toàn thế giới". Theo Le Figaro, tổng thống muốn sử dụng buổi lễ tưởng niệm 70 triệu chiến binh trong Đệ Nhất Thế Chiến (trong đó có hơn 10 triệu người chết, 20 triệu người bị thương) và việc làm sống lại hồi ức về cuộc xung đột khủng khiếp này, để nhấn mạnh đến các thách thức mà thế giới chúng ta hiện đang phải đương đầu.
Tổng thống Pháp đối lập chủ nghĩa yêu nước với chủ nghĩa dân tộc, điều mà theo ông sẽ dẫn đến thảm họa. Trong diễn văn của Emmanuel Macron có đoạn văn nhiều hình ảnh : "Những bóng ma xưa đang trỗi dậy, sẵn sàng thực thi các mục tiêu chất chóc, gây hỗn loạn của chúng. Nhiều hệ tư tưởng mới đang nhào nặn các tôn giáo, cổ vũ cho sự phổ biến chủ nghĩa ngu dân. Lịch sử đôi khi đe dọa sẽ trở lại dòng chảy bi kịch của nó, phá hỏng di sản hòa bình mà chúng ta vẫn tin tưởng là đã được xác lập một cách vững chắc, nhờ xương máu của các thế hệ tiền bối".
Thái độ "thờ ơ" của Donald Trump
Trong cử tọa của tổng thống Pháp, có nguyên thủ Mỹ Donald Trump. Thông điệp lên án chủ nghĩa dân tộc của Emmanuel Macron trực tiếp nhắm đến tổng thống Mỹ, nhưng không chỉ có ông Trump.
Nỗ lực trong việc tìm tranh đấu cho hòa bình trên trường quốc tế, nhưng theo Le Figaro, vị thế của tổng thống Pháp bị đe dọa ngay trong nước. Trả lời báo giới, tổng thống Pháp cho biết ông không bị ám ảnh bởi các thăm dò dư luận. Những kết quả gần đây cho thấy tỉ lệ cử tri ủng hộ đảng Nước Cộng Hòa tiến bước ! (LaREM) của tổng thống Pháp hiện thấp hơn số người ủng hộ phong trào cực hữu dân tộc chủ nghĩa RN của bà Le Pen.
Về cuộc tưởng niệm hôm qua, Libération đặc biệt chú ý đến sự tương phản giữa tổng thống Pháp "long trọng" và tổng thống Mỹ "cô độc". Trong lúc tổng thống Pháp đọc bài diễn văn, Libération quan sát thấy ông Donald Trump có "cái nhìn trống rỗng", "dẩu môi hờn dỗi" và "tỏ ra hết sức thờ ơ". Trong suốt chuyến công du Pháp, tổng thống Mỹ giữ khoảng cách với tất cả. Ông Trump không tham gia đoàn lãnh đạo các nước đi bộ hướng về Khải Hoàn Môn, trước giờ tưởng niệm. Việc tổng thống Mỹ và tổng thống Nga cùng đến sau cho thấy thái độ của hai nhà lãnh đạo này đối với quan hệ đa phương, mà quốc tế đang mong muốn xây dựng.
Ngược lại là hình ảnh tổng thống Pháp và thủ tướng Đức không rời nhau trong suốt hai ngày cuối tuần, mở đầu với chuyến đi đến khoảnh rừng Compiègne (nơi Đức ký thỏa thuận hạ vũ khí năm xưa), để khánh thành một bảng kỷ niệm mới mang dòng chữ ngợi ca "giá trị của hòa giải", ngợi ca "những đóng góp vì Châu Âu, vì hòa bình", được đặt không xa dòng chữ lên án "đế chế Đức" năm xưa.
Châu Âu cần "bứt phá"
Vẫn về nỗ lực vì hòa bình của tổng thống Pháp, Le Figaro có bài xã luận "Bên kia các biểu tượng", với nhận định là "việc đưa ra các biểu tượng dù mạnh mẽ đến đâu cũng sẽ là không đủ". Điều quan trọng là phải có "một hành động bứt phá". Le Figaro nhấn mạnh là các cân bằng chiến lược trên thế giới cần phải được thiết kế lại, trong bối cảnh nước Mỹ của Donald Trump quyết định rút khỏi "trật tự thế giới mà Hoa Kỳ vốn là thế lực bảo trợ". Đã đến lúc Liên Hiệp Châu Âu cần bước vào tuổi trưởng thành, và bảo đảm được khả năng tự vệ.
Tại Châu Âu, hy vọng tập trung vào sự hợp tác của cặp Pháp-Đức, tuy nhiên, theo Le Figaro, "cặp đôi Paris-Berlin hiện đang trong giai đoạn tê liệt".
Lo ngại chính trị Đức tê liệt
"Pháp lo ngại cho tình hình chính trị Đức bị tê liệt" là một bài khác trên Les Echos. Ngày 18/11 tới, tổng thống Pháp sẽ đến Berlin, vừa để cổ vũ cho quan hệ song phương, nhưng cũng để "gây áp lực" nhằm hối thúc phía Đức "có các bước tiến quyết định", nhằm thực thi những cam kết vì Châu Âu, được hai bên nhất trí tại thượng đỉnh Meseberg, tháng 6/2018, vừa qua.
Theo Les Echos, Paris có lý do để lo ngại, vì các ứng cử viên vào chức chủ tịch đảng cầm quyền CDU, kế nhiệm thủ tướng Merkel, được coi là không mấy nhiệt huyết với các vấn đề của Liên Hiệp Châu Âu, ngược lại, mỗi lần nhắc đến Châu Âu là dịp để họ đưa ra các chỉ trích.
Các lãnh đạo chủ chốt ủng hộ dự án Châu Âu đều đứng trước áp lực phải đẩy nhanh một số lĩnh vực hợp tác trọng yếu của khối, trước cuộc bầu cử Nghị Viện Châu Âu, tháng 5/2019, đặc biệt trong các vấn đề : đánh thuế các tập đoàn tin học lớn, tăng cường quản lý biên giới bên ngoài của khối và thúc đẩy dự án xây dựng một lực lượng phòng vệ Châu Âu.
Les Echos có cuộc phỏng vấn Bộ trưởng Kinh tế và Tài chính Pháp. Theo ông Bruno Lemaire, Berlin "chỉ còn vài tuần lễ nữa để quyết định". Bộ trưởng Pháp cảnh báo là, trong lĩnh vực thuế đánh vào các tập đoàn tin học lớn, nếu không có một quyết định thống nhất của Châu Âu, mỗi quốc gia sẽ mạnh ai nấy làm, thị trường chung Châu Âu sẽ trở nên mớ bòng bong.
La Croix nhìn quan hệ Pháp-Đức lạc quan hơn. Xã luận tờ báo công giáo, mang tựa đề "Xây dựng hòa bình", phấn khởi với việc chủ tịch hai Nghị Viện Pháp và Đức vừa thống nhất lập ra một nghị viện Pháp-Đức, nhằm phối hợp tốt hơn các hợp tác giữa các dân biểu hai nước.
Nhiều lý do để cảnh giác với Mỹ
Le Figaro có bài phân tích đáng chú ý về quan hệ giữa Liên Hiệp Châu Âu và Mỹ với tựa đề "Đồng minh Hoa Kỳ, tuy không chắc chắn, nhưng vẫn luôn cam kết vì Châu Âu".
Bên cạnh việc nhấn mạnh đến các gắn bó về chiến lược và về thương mại của Mỹ với Liên Hiệp Châu Âu, Le Figaro cũng lưu ý một số lý do khiến các nước Châu Âu phải hết sức cảnh giác trước việc Washington đơn phương đưa ra các quyết định hệ trọng, ảnh hưởng đến nền tảng an ninh của Liên Âu, mà không tham khảo ý kiến của các đồng minh.
Hai ví dụ được nêu ra là việc chính quyền Trump rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran và thứ hai là tuyên bố sẽ rút khỏi Hiệp Ước Tên Lửa Tầm Trung INF với Nga. Theo chuyên gia Corentin Brustlein, Viện IFRI, hiện tại "không có lý do gì để sợ là Hoa Kỳ không thực thi cam kết bảo vệ Châu Âu trước một hành động xâm lược có thể xảy ra từ Nga", nhưng ông cảnh báo là có những mối đe dọa khác ít nguy hiểm hơn, nhưng có nhiều khả năng xảy ra hơn là đe dọa xâm lược.
Le Figaro cũng dẫn lại phát biểu của tổng thống Pháp, với hãng tin CNN hôm qua, theo đó, Emmanuel Macron tuyên bố thẳng là "không muốn thấy các nước Châu Âu tăng ngân sách quốc phòng, để mua vũ khí Mỹ". Phụ trương Le Monde thì có bài thông báo về tình hình đàm phán thương mại Mỹ-Âu dậm chân tại chỗ.
Trang nhất các báo : Một số tựa khác
Chạy đua vũ trang tin học là chủ đề trang nhất của Libération hôm nay. Libération chạy tựa "Tin tặc : Cuộc chiến tranh lạnh mới", cho biết các đàm phán quốc tế dậm chân tại chỗ, trong lúc nhiều quốc gia gia tăng chạy đua vũ trang tin học.
Thị trường xe hơi Trung Quốc sụt giảm khiến giới đầu tư quốc tế lo ngại là tựa lớn trang nhất của Les Echos. Với 28,7 triệu xe bán ra năm ngoái, Trung Quốc chiếm một phần ba thị trường xe hơi thế giới, tuy nhiên, lần đầu tiên kể từ 30 năm nay, thị trường xe Trung Quốc sụt giảm. Les Echos có bài xã luận "Lá phổi Trung Quốc" nhấn mạnh đến vai trò trụ cột của kinh tế Trung Quốc với thế giới, với dự đoán trong những năm tới, các cường quốc kinh tế sẽ còn phải đối mặt với các cạnh tranh quyết liệt hơn từ Trung Quốc. Cũng về Trung Quốc, Le Figaro có bài cho biết Bắc Kinh gần đây liên tục tấn công vào giới bảo vệ người lao động.
Chủ đề chính của báo La Croix hôm nay là cuộc bầu cử do lực lượng ly khai tại miền đông Ukraine tổ chức, với tựa đề "Vùng ly khai miền đông Ukraine hết ảo tưởng". Phóng sự của tờ báo công giáo cho biết nhiều người dân trước đây tin tưởng vào nước Cộng hòa tự phong Donetsk, nay không nhìn thấy tương lai. Bị cấm vận và phong tỏa từ phía Ukraine, vùng ly khai đang kiệt quệ về kinh tế. Còn theo Le Figaro, cuộc bỏ phiếu bầu tổng thống tại hai nước Cộng Hòa tự phong này (Donetsk và Lugansk) là nhằm củng cố quyền lực của Moskva tại khu vực ly khai thân Nga.
Trọng Thành