Hậu trường "ngoại giao cuồng loạn" của Trung Quốc tại APEC (RFI, 22/11/2018)
Lần đầu tiên trong lịch sử 20 năm thành lập, hội nghị thượng đỉnh APEC kết thúc hôm Chủ nhật 17/11/2018 đã không ra được thông cáo chung, chỉ vì sự phản đối của một thành viên duy nhất – đó là Trung Quốc. Hội nghị thất bại, nhưng các quan chức Trung Quốc lại vỗ tay vang dội, trước sự ghét bỏ của những nhà ngoại giao các nước khác. Đó là ghi nhận của nhà báo Josh Rogin, được tờ Washington Post gởi đến Papua New Guinea để tường thuật về APEC.
Cờ Trung Quốc phủ rợp đại lộ chính tại Port Moresby, Papua New Guinea do Bắc Kinh tài trợ, ngày 16/11/2018. Reuters/David Gray
Nhưng đó chỉ là sự cố cuối cùng trong suốt một tuần lễ qua. Đoàn đại biểu chính thức của Trung Quốc đã trình diễn một loạt những màn mà nhà báo Rogin đánh giá là hung hăng, dọa nạt, hoang tưởng và kỳ quặc, nhằm cố gắng khống chế, gây áp lực lên nước chủ nhà cũng như tất cả các thành viên khác, để rốt cuộc họ phải chiều theo yêu cầu của Bắc Kinh.
Một quan chức Mỹ có trách nhiệm trong các cuộc đàm phán nói với tác giả : "Điều này gần như đã trở thành thông lệ trong các quan hệ chính thức của Trung Quốc : đó là ngoại giao cuồng loạn. Họ vòng vo cứ như họ đã là chủ, và cố đạt cho được những gì mình muốn thông qua dọa nạt".
Ngay cả trước khi hội nghị thượng đỉnh bắt đầu, và còn tiếp tục cho đến lúc bế mạc, quan chức Trung Quốc lợi dụng mọi cơ hội để ép buộc thô bạo hoặc phá bĩnh nước chủ nhà Papua New Guinea (PNG) và các thành viên khác. Chiến thuật của Trung Quốc bao gồm cả thói côn đồ với truyền thông quốc tế, xông vào các tòa nhà chính phủ dù không ai mời, phủ đầy thủ đô Port Moresby bằng các khẩu hiệu tuyên truyền cho Bắc Kinh, và thậm chí rất có thể đã tấn công tin học để chặn thông điệp của phó tổng thống Mike Pence, trưởng phái đoàn Hoa Kỳ.
Cờ Trung Quốc phủ kín thủ đô nước chủ nhà
Tác giả Josh Rogin tháp tùng ông Pence, và thượng đỉnh APEC là chặng cuối của vòng công du Châu Á, gồm Nhật Bản, Úc, Singapore – nơi diễn ra hội nghị thượng đỉnh ASEAN. Chặng dừng ở PNG là cuộc so găng giữa ông Pence và Tập Cận Bình. Chủ tịch Trung Quốc đã có mặt ở Port Moresby nhiều ngày trước đó trong chuyến viếng thăm chính thức.
Nỗ lực "tấn công quyến rũ" của Trung Quốc hiển hiện khắp mọi nơi. Phái đoàn từ Hoa lục đã treo kín cờ Trung Quốc trên các con đường của Port Moresby cho chuyến thăm của ông Tập. Chính phủ PNG yêu cầu gỡ những lá cờ này xuống trước thượng đỉnh APEC. Các quan chức Trung Quốc cuối cùng đã tháo xuống, nhưng sau đó lại thay thế bằng những lá cờ màu đỏ vững chải, gần như giống y với quốc kỳ Trung Quốc, chỉ không có những ngôi sao vàng mà thôi.
Một biểu ngữ khổng lồ treo dọc theo một đường phố chính, ca ngợi sáng kiến "Một vành đai, một con đường" của Trung Quốc "không chỉ là con đường của hợp tác và đôi bên cùng có lợi, mà còn là con đường của hy vọng và hòa bình !". Trong bài phát biểu ở APEC, ông Pence đã gọi đó là "một vành đai siết chặt" và "con đường một chiều".
Động thái thị uy đầu tiên của Trung Quốc là cấm tất cả báo chí quốc tế dự cuộc gặp của ông Tập với các nhà lãnh đạo tám nước Thái Bình Dương. Các nhà báo từ khắp khu vực đã lặn lội đến để dự sự kiện, và chính phủ PNG đã cấp phép cho họ. Nhưng quan chức Trung Quốc đã chận không cho các phóng viên vào trong tòa nhà, chỉ cho báo chí nhà nước từ Hoa lục đưa tin. Một viên chức Mỹ gọi đây là "cú đá vào lưới nhà", vì sau đó các nhà báo chỉ có thể viết về cách đối xử thô bạo của Trung Quốc mà thôi.
Xông vào Bộ Ngoại giao, la ó trong phòng họp…
Từ đó trở đi, mọi việc trở nên tồi tệ hơn. Hôm thứ Bảy 1/11, ông Tập và ông Pence là hai diễn giả chính thức cuối cùng, trong buổi thảo luận công khai của hội nghị. Hai ông phát biểu trên một chiếc tàu neo ở bờ biển, trong khi đa số phóng viên ở trên bờ, tại Trung tâm báo chí quốc tế. Nhưng năm phút sau khi phó tổng thống Pence bắt đầu nói, mạng internet ở Trung tâm báo chí đã bị sập, có nghĩa là hầu hết các nhà báo chẳng nghe được gì, nên không thể tường thuật trực tiếp.
Ngay khi ông Pence vừa kết thúc bài diễn văn, internet ở Trung tâm báo chí lại hoạt động như có phép lạ. Một viên chức Mỹ nói với tác giả, dù không chắc Trung Quốc là thủ phạm, đang điều tra xem điều gì đã xảy ra. Một viên chức khác hỏi : "Internet có trục trặc gì với diễn giả trước ông Pence không ?" (Chẳng có gì). "Và diễn giả đó là ai ?" (Chính là ông Tập).
Câu chuyện sau đó còn trở nên quái lạ hơn. Phía sau hậu trường, các nước thành viên thảo luận kịch liệt về bản thông cáo chung. Phái đoàn Trung Quốc, không hài lòng với diễn tiến cuộc đàm phán, đã đòi gặp ngoại trưởng PNG. Ông từ chối gặp, vì không muốn ảnh hưởng đến sự trung lập của nước chủ nhà trong hội nghị thượng đỉnh.
Quan chức Trung Quốc không chấp nhận sự chối từ này. Họ đến Bộ Ngoại giao, xông thẳng vào văn phòng của ngoại trưởng, yêu cầu ông phải gặp họ. Ngoại trưởng PNG đành phải gọi cảnh sát đến tống những vị khách không mời ra khỏi tòa nhà. Tất cả các nhà ngoại giao đã có trò chuyện với nhà báo Josh Rogin tại PNG đều sững sờ trước hành động của Trung Quốc. Nhưng đó chưa phải đã hết.
Các cuộc đàm phán tiếp diễn cho đến Chủ nhật 17/11, và thái độ tệ hại của phái đoàn Trung Quốc vẫn tiếp tục. Quan chức Trung Quốc bị ám ảnh về bản thông cáo chung cho đến nỗi họ bắt đầu thúc đẩy tổ chức những cuộc gặp từng nhóm nhỏ các nước bên lề hội nghị. Trong các phiên họp chính thức, đoàn Trung Quốc la ó ầm ĩ những nước nào "âm mưu" chống lại Bắc Kinh. Theo các viên chức Mỹ, không có đại biểu nào khác trong phòng họp la hét một cách bất nhã như thế.
Cuối cùng, toàn bộ 20 quốc gia đều đồng thuận với thông cáo chung, trừ Trung Quốc. Phái đoàn Trung Quốc phản đối chủ yếu câu : "Chúng tôi đồng ý chống lại chủ nghĩa bảo hộ, trong đó bao gồm mọi hoạt động thương mại không công bằng". Họ cho rằng đây là nhằm điểm mặt chỉ tên Trung Quốc.
Vỗ tay nhiệt liệt mừng hội nghị APEC thất bại !
Trong phiên thảo luận, các quan chức Trung Quốc có thái độ chống đối, phát biểu dài dòng chán ngắt, dù biết rằng thời gian hạn hẹp và các nhà lãnh đạo thế giới còn phải lên phi cơ về nước. Khi thời gian đã hết, và thế là hội nghị thượng đỉnh chính thức thất bại, phái đoàn Trung Quốc trong gian phòng gần bên địa điểm đàm phán chính đã vỗ tay ào ào như sấm động !
Tác giả Josh Rogin rút ra ba kết luận từ vở bi hài kịch những sai lầm của chính quyền Trung Quốc. Trước hết, họ hành xử một cách ngày càng vô liêm sỉ và thô bạo. Điều này đặc biệt đúng đối với những nước nhỏ ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương, như Papua New Guinea, vốn đang ngập ngụa trong các dự án và gánh trên vai những món nợ khổng lồ.
Thứ hai, tính chất hoang tưởng và siêu nhạy cảm trong phần lớn thái độ của Trung Quốc, là dấu hiệu rõ ràng chứng tỏ Bắc Kinh cảm thấy đang bị Hoa Kỳ và đồng minh đe dọa. Đó là điều mà người Mỹ cần ý thức khi thương lượng với Trung Quốc.
Cuối cùng, việc Bắc Kinh hành xử theo cung cách làm các nước khác xa lánh - một điều đi ngược lại với quyền lợi của chính Trung Quốc - cho thấy những hành động chính thức của Trung Quốc được kiểm soát từ trên đỉnh xuống, và thường cản trở những quyết định đúng đắn. Ngay cả khi phái đoàn Trung Quốc thấy rằng chiến thuật của mình phản tác dụng, họ cũng không có quyền thay đổi.
Theo tác giả, đó cũng là hình ảnh của chính quyền Trung Quốc ngày nay : ngạo mạn, thiếu tự tin, thiếu kiềm chế, không còn muốn chứng tỏ sẽ tôn trọng các quy định của cộng đồng quốc tế từ nhiều thập niên qua. Đối mặt với thực tế ấy như thế nào, đây là cuộc tranh luận mà thế giới cần phải nghiêm túc khởi đầu ngay từ bây giờ.
Thụy My
*******************
Mỹ-Trung khẩu chiến tại WTO (VOA, 22/11/2018)
Hoa Kỳ và Trung Quốc hôm 21/11 lời qua tiếng lại tại Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) khi đại sứ Mỹ cáo buộc Bắc Kinh đã sử dụng WTO để theo đuổi các chính sách phi thị trường trong khi một quan chức Trung Quốc nói rằng chính Washington mới là bên vi phạm luật lệ.
Ông Dennis Shea, đại sứ Mỹ tại WTO
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã làm cho các đối tác thương mại Mỹ nổi giận khi dựng lên bức tường quan thuế đối với nhôm và thép nhập khẩu với lý do quan ngại an ninh quốc gia. Mỹ cũng đánh thuế cao vào hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc với các buộc ăn cắp sở hữu trí tuệ của Mỹ.
Tại một cuộc họp của WTO hôm 21/11, nơi một loạt các tranh chấp pháp lý về các chính sách thương mại của Trump bước vào giai đoạn phán xử, Đại sứ Mỹ Dennis Shea nói rằng Trung Quốc đã sử dụng WTO để thúc đẩy các chính sách ‘phi thị trường’, vốn đã bóp méo các thị trường thế giới và dẫn đến năng lực sản xuất dư thừa, nhất là nhôm và thép.
Quan chức Trung Quốc phản bác lại rằng Bắc Kinh không muốn tham gia vào trò đổ tội và nói rằng Mỹ đã không thể chứng minh cho những cáo buộc ‘vô căn cứ’ về kinh tế Trung Quốc mà Mỹ dùng để che giấu cho những vi phạm của Mỹ về luật lệ của WTO.
Cả hai phía đều cáo buộc nhau là đạo đức giả.
Đại sứ Shea nói rằng WTO nên gạt qua vụ kiện Trung Quốc đưa ra cùng với những vụ kiện của EU, Canada, Mexico, Na Uy, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ bởi vì những quy tắc của WTO cho phép ngoại lệ trong những trường hợp ảnh hưởng đến an ninh quốc gia.
Phía Mỹ cũng bắt đầu quy trình tố tụng của họ để kiện những biện pháp đánh thuế trả đũa của Canada, Mexico, Trung Quốc và EU. Những nước này nói rằng thuế kim loại của ông Trump là biện pháp bảo hộ rõ ràng của Mỹ.
Đáp trả lại than phiền của Mỹ về sở hữu trí tuệ, đại diện của Trung Quốc nhấn mạnh rằng WTO vẫn còn những vụ tranh chấp vẫn chưa được giải quyết, trong đó có phán quyết hồi năm 2004 trước vi phạm của Mỹ đối với thỏa thuận của WTO về các khía cạnh liên quan đến thương mại của quyền sở hữu trí tuệ.
*****************
Kinh tế thế giới đã qua đỉnh điểm, đối mặt với chiến tranh thương mại (VOA, 21/11/2018)
Một tổ chức theo dõi kinh tế toàn cầu nói sự tăng trưởng của kinh tế thế giới đã qua đỉnh điểm và đang đối mặt với những rủi ro ngày càng tăng, từ những xung đột thương mại cho tới các mức lãi xuất cao hơn.
Hình ảnh tượng bò tót bên ngoài một khu mua sắm ở Bắc Kinh, Trung Quốc. Chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đang ảnh hưởng tới việc kinh doanh trên toàn cầu trong khi kinh tế thế giới đã qua giai đoạn đỉnh cao.
Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), chuyên tư vấn cho các nền kinh tế giàu nhất thế giới, hôm 21/11 nói họ đã hạ giảm dự báo cho tăng trưởng toàn cầu trong năm tới từ 3,7% xuống còn 3,5%.
Cơ quan có trụ sở ở Paris, Pháp, nói rằng trong khi các thị trường lao động đang trong tình trạng lành mạnh tại các nền kinh tế lớn như Mỹ, thì thương mại và đầu tư đã bị ảnh hưởng bởi các sắc thuế cao. Tổng thống Mỹ Donald Trump đã áp thuế lên nhiều đối tác thương mại và leo thang xung đột trả đũa với Trung Quốc.
Người đứng đầu OECD Angel Gurria nói : "Các xung đột thương mại và những bấp bênh về chính trị đang làm tăng những khó khăn mà các chính phủ phải đối mặt trong nỗ lực đảm bảo tăng trưởng kinh tế tiếp tục cao, ổn định và bao gồm mọi thành phần".