Pháp và "ngoại giao Rafale" tại Châu Á
Các hợp đồng bán vũ khí, nhất là các chiến đấu cơ, vẫn là biểu hiện rõ rệt nhất cho các tham vọng địa chính trị của Pháp, qua một chuyến đi của không quân Pháp mùa hè vừa qua tại Châu Á. Đó là ghi nhận của nguyệt san Le Monde diplomatique tháng 12/2018, trong một bài viết với hàng tựa "Ngoại giao Rafale".
Chiến đấu cơ Pháp Rafale tham gia tập trận tại Úc, căn cứ không quân Darwin, ngày 24/07/2018.Australian Defence Force/Handout via REUTERS
"Lần cuối cùng mà chúng tôi đến đây, đó là để thả bom". Một sĩ quan không quân Pháp đã nói như vậy khi ca ngợi cuộc hạ cánh "lịch sử" của 3 chiếc Rafale, những chiến đấu cơ đầu tiên của Pháp đáp xuống miền bắc Việt Nam kể từ năm 1954.
Theo Le Monde diplomatique, cuộc gặp gỡ giữa các tướng lãnh không quân Việt, Pháp đã diễn ra trong khuôn khổ chuyến công tác Pegase (triển khai lực lượng không quân quy mô tại Đông Nam Á), mà không quân Pháp tiến hành từ ngày 19/08 đến 04/09/2018. Trong mỗi nước mà họ đến thăm (Indonesia, Malaysia, Việt Nam, Singapore, Ấn Độ), 3 chiếc Rafale, 1 chiếc máy bay vận tải quân sự A400M và 1 chiếc A310 lo về hậu cần, đã chứng tỏ cho thấy là Pháp có thể triển khai được những gì để giúp cho các đối tác.
Le Monde diplomatique cho biết đây là chiến dịch đầu tiên của không quân Pháp tại Châu Á, buộc họ phải thích ứng với một môi trường xa lạ. Về mặt văn hóa và chiến lược, đối với quân đội Pháp, Châu Á là vùng quen thuộc của các thủy thủ, trong khi không quân thì nắm rõ vùng Châu Phi và Trung Đông hơn.
Tại Djakarta và Kuala Lumpur, các sĩ quan cao cấp của không quân Indonesia và Malaysia đã được mời lên chiếc Rafale, thậm chí được cho lái thử. Tại hai nước này, cũng như tại Việt Nam, các quan chức quân sự và dân sự đã được lên xem bay biểu diễn trên chiếc phi cơ vận tải quân sự A4000M. Trong suốt chuyến đi, các phi công Pháp đã không ngừng nhắc đi nhắc lại : Pháp cũng là một cường quốc Châu Á.
Theo Le Monde diplomatique, khi đem theo những chiến đấu cơ Rafale, Pháp cũng nêu lên khả năng lập liên minh với các nước Đông Nam Á, nhưng để chống lại ai ? Đa số các quân đội trong vùng đều lo ngại Trung Quốc. Ai cũng nghĩ đến những căng thẳng ở vùng Biển Đông. Trong hai chặng Malaysia và Việt Nam, không quân Pháp đã đề nghị bay sát vùng không phận mà Bắc Kinh khẳng định chủ quyền.
Nhiều phương án đã được dự trù, cứng rắn nhất là triển khai toàn bộ phi đội, gồm cả 3 chiếc Rafale, bay tại khu vực không phận đang tranh chấp. Giải pháp ôn hòa nhất là đi theo những đường bay của hàng không dân dụng, cách xa các khu vực tranh chấp. Cuối cùng, phủ tổng thống Pháp đã chọn phương án ôn hòa. Đại sứ quán Pháp ở Bắc Kinh đã muốn chọn phương án cứng rắn, nhưng các nhà ngoại giao Trung Quốc đã bày tỏ sự phẫn nộ với Bộ Ngoại giao Pháp, yêu cầu nước Paris đừng "tiếp tay" cho Anh Mỹ.
Theo Le Monde diplomatique, trong khoảng thời gian từ 2008-2017, đa số nước mà không quân Pháp ghé thăm trong khuôn khổ Pegase cũng chính là những nước mua vũ khí Pháp nhiều nhất. Riêng tại Đông Nam Á, Singapore chiếm hạng 8 trong số các nước mua vũ khí Pháp nhiều nhất, Malaysia hạng 11 và Indonesia hạng 15.
Nước Pháp bị chia rẽ vì thuế
"Pháp chống lại Pháp". Với hàng tựa này trên trang nhất, tuần báo L’Express cảnh báo về tình trạng chia rẽ trầm trọng giữa hai khối tại Pháp, một bên là những người được hưởng lợi từ thành quả của toàn cầu hóa và bên kia là những người bị thua thiệt, bị lãng quên.
Trong bài viết tựa đề : "Nỗi bất mãn về thuế khóa của những kẻ bị lãng quên trong nền Cộng Hòa", tờ báo cho biết, được thổi bùng lên do việc tăng giá xăng dầu, sự phẫn nộ đã âm ỉ từ nhiều tháng qua, nhất là tại những vùng mà Nhà nước bỏ rơi. L’Express trích lời Sylvaine, một cư dân ở thị trấn Blanc, tỉnh Indre, than thở : "Chúng tôi đã mất trụ sở tòa án, chi nhánh Pôle emploi (cơ quan tìm việc làm), bây giờ cả nhà bảo sanh cũng đóng cửa luôn. Các dịch vụ công lần lượt biến mất". Đồng hương Noelle thì nuốt giận nói : "Họ không thèm nghe chúng tôi, thì chúng tôi lên Paris để lên tiếng cho họ nghe".
Theo L’Express, nghịch lý là ở chỗ đó : những người phản đối điều mà họ gọi là "trấn lột thuế" thường là những người đã bất mãn vì Nhà nước đóng cửa trường học và trạm bưu điện ở địa phương họ. Thực tế đúng là tỷ lệ của toàn bộ các khoản đóng góp bắt buộc, tức toàn bộ các thuế tính trên GDP, ở Pháp đã lên tới 45,3% năm 2017, theo số liệu của Viện Quốc gia Thống kê và Nghiên cứu kinh tế (INSEE), một kỷ lục mới. Cũng năm ngoái, toàn bộ số tiền đóng thuế và đóng góp xã hội mà dân Pháp phải trả đã vượt qua ngưỡng 1.000 tỷ euro (chính xác là 1.038 tỷ), theo báo cáo gần đây của Ủy ban Tài chính Hạ viện. Con số này được dự báo sẽ còn tiếp tục tăng lên tới 1054 tỷ năm 2018 và 1070 tỷ năm 2019.
Thuế nhiều như thế để làm gì vậy ? Một số người nóng nảy đã vội thẳng thừng bác bỏ mô hình xã hội Pháp. Nhưng họ quên rằng tại Pháp, tuy hệ thống an sinh xã hội ngày càng bị mất đi hiệu quả, Nhà nước vẫn bảo đảm được những phúc lợi xã hội như giáo dục miễn phí từ năm 3 tuổi, bảo hiểm y tế cho tất cả mọi người, trợ cấp cho người thất nghiệp, thu nhập tối thiểu cho người già…
Vấn đề là càng ngày dân Pháp càng bớt đồng tình với thuế, trong khi sự đồng tình này chính là nền tảng cơ bản của nền Cộng Hòa, nhất là trong tầng lớp trung bình và tầng lớp bình dân. Theo kết quả nghiên cứu của nhà xã hội học Alexis Spire, càng xuống phía dưới nấc thang xã hội, tâm lý bất mãn về thuế càng tăng. Chính những người có thu nhập thấp và có bằng cấp thấp nhất nghĩ rằng thuế hiện nay là quá cao và bất công.
Sự cách biệt trong cái nhìn về thuế còn gắn liền với sự cách biệt giữa các vùng lãnh thổ. Cũng theo điều tra của nhà xã hội học Spire, khi được hỏi Pháp có phải là quốc gia mà người dân đóng quá nhiều thuế hay không, chỉ có 39% dân Paris là "hoàn toàn đồng ý", trong khi tỷ lệ này ở các vùng nông thôn lên tới 58% và ở các thành phố nhỏ là 62%.
Serebrennikov : Lại một đạo diễn gây khó chịu cho Putin
Chuyển sang nước Nga, tuần báo L’Obs kỳ này dành đến 3 trang để nói về Kirill Serebrennikov, một đạo diễn cũng đang gây khó chịu cho tổng thống Vladimir Putin.
Tại Liên hoan phim Cannes kỳ năm ngoái, chiếc ghế của Serebrennikov đã bị bỏ trống, vì đạo diễn Nga bị chế độ Putin quản thúc tại gia nên không thể đến Pháp, nhưng bộ phim "Leto" (Mùa hè) của ông, tham gia tranh giải, đã nói thay cho ông. "Leto" nói về Kino, nhóm nhạc rock nổi tiếng nhất của thời kỳ perestroika. Viktor Tsoi, một trong những người sáng lập nhóm nhạc thì được xem là biểu tượng của sự thay đổi. Sau khi anh qua đời vì tai nạn xe hơi, ngay cả tờ Pravda năm 1990 cũng đã đưa hàng tựa : "Vị anh hùng cuối cùng của Nga".
Nhưng thật ra trong phim "Leto", Serebrennikov quan tâm nhiều hơn đến nhân vật Mike Naumenko, một thành viên khác nhóm nhạc Kino. Giống như Serebrennikov, Naumenko cũng là gương mặt tiêu biểu của xu thế đổi mới, nhưng thừa biết đổi mới đó sẽ chỉ là ảo tưởng. Từ hơn một năm nay, Serebrennikov đã bị chính quyền khóa miệng và giờ đây đang chờ ngành tư pháp của Putin quyết định số phận của mình.
Là giám đốc Nhà hát Gogol từ năm 2012, Serebrennikov đã hiện đại hóa hoạt động của nhà hát nổi tiếng này, biến nó thành một nơi sáng tạo độc đáo. Nhưng càng thành công, vị đạo diễn này càng gây khó chịu cho chính quyền Putin. Một số bộ phim của ông không ngần ngại đả kích những thành phần cuồng tín trong Giáo hội Chính Thống Giáo, trong khi đây chính là chổ dựa của Putin. Serebrennikov ủng hộ nhóm Pussy Riot, đấu tranh cho quyền của giới đồng tính.
Hậu quả là ngày 23/05/2017, đạo diễn Nga đã bị triệu tập lên với tư cách nhân chứng, nhà của ông bị khám xét để điều tra về một vụ biển thủ công quỹ. Theo L’Express, vụ Serebrennikov chính là phản ánh cuộc đối đầu giữa phe cứng rắn và phe ôn hòa trong chính quyền Putin.
Khủng hoảng đức tin tại Ba Lan
Về tôn giáo, tờ L’Express tuần này đưa chúng ta đến Ba Lan, nơi mà thành công của bộ phim "Kler" (Tu sĩ) , đặt công luận nước này đối diện với những tội lỗi của Giáo hội đầy thế lực, 13 năm sau khi giáo hoàng John Paul đệ nhị qua đời.
Với 5 triệu lượt người vào xem chỉ trong vòng một tháng, đây là thành công điện ảnh đứng hàng thứ ba tại Ba Lan kể từ khi chủ nghĩa cộng sản sụp đổ. Theo L’Express, thành công này của đạo diễn Wojciech Smarzowski không phải là vô cớ. Kể từ sau cái chết của vị giáo hoàng gốc Ba Lan năm 2005, Giáo hội Công giáo không còn là một đề tài cấm kỵ ở Ba Lan nữa. Đối với Marek Lisinski, người đã bị một linh mục lạm dụng tình dục vào năm 13 tuổi, "Kler" coi như là một phim tài liệu. Tất cả những cảnh ấu dâm trong phim đều là chuyện có thật.
L’Express cho biết, ngày 07/10 vừa qua, tức là khoảng 10 ngày sau khi phim được trình chiếu, hiệp hội "Hãy đừng sợ" (tên đặt theo câu nói nổi tiếng của Giáo hoàng John Paul đệ nhị), do ông Marek Lisinski sáng lập, đã tổ chức một cuộc tuần hành chưa từng để lên án nạn ấu dâm trong Giáo hội Công giáo Ba Lan. Khoảng 200 người đã xuống đường và kéo đến tòa tổng giám mục với các biểu ngữ như "Hãy bỏ tù bọn ấu dâm".
Cuộc biểu tình này, cũng như thành công của phim "Kler", đã thúc đẩy ngày càng nhiều người mạnh dạn lên tiếng tố cáo những hành vi ấu dâm của các linh mục. Nhưng theo thẩm định của Marek Lisinski, có thể sẽ chỉ có khoảng 60 vụ là được đưa ra tòa và con số các vụ được công khai hóa chỉ là phần nổi của tảng băng chìm.
Theo L’Express, im lặng kể từ khi phim "Kler" được trình chiếu, Hội đồng Giám mục Ba Lan ngày 19/11 vừa qua đã lên tiếng xin lỗi "Chúa, các nạn nhân bị lạm dụng tình dục, gia đình của họ, vì những vết thương mà các linh mục gây ra"... Hội đồng Giám mục cho biết là ở mỗi giáo xứ nay đều có một người đại diện thu thập những thông tin về các vụ ấu dâm, hỗ trợ các nạn nhân và gia đình của họ, đồng thời chuyển những ca đã được xác nhận đến Tòa Thánh và viện công tố để xử lý theo giáo luật và pháp luật.
Kinh doanh cần sa
Trang nhất của tuần báo Courrier International tuần này được dành cho đề tài kinh doanh cần sa, nhân sự kiện ngày 17/10 vừa qua, sau nhiều bang của Mỹ, đến lượt Canada hợp pháp hóa cần sa sử dụng vào mục đích giải trí (để phân biệt với cần sa dùng để chữa bệnh).
Thuế đánh vào cần sa sẽ là một nguồn thu dồi dào mà nhiều nước cũng rất quan tâm, kể cả những nước ở Châu Á, vốn có chính sách rất khắc nghiệt đối với người hút cần sa. Courrier International trích dịch một bài trên nhật báo Mỹ The Wall Street Journal, cho biết, với việc Canada hợp pháp hóa cần sa, các nhà sản xuất rượu bia đang tự hỏi họ có nên đầu tư vào lĩnh vực này nữa hay không. Mối lo lớn nhất của các công ty trong lĩnh vực này là người ta sẽ uống ít rượu bia hơn nếu có thêm nhiều nước hợp pháp hóa cần sa. Theo tờ báo này, giá cổ phiếu các công ty kinh doanh cần sa đã tăng vọt và các công ty khởi nghiệp start-up trong lĩnh vực này cũng đang mọc lên như nấm. Buôn bán cần sa thu lời nhiều, nhưng cũng có thể bị lỗ nặng.
Trong khi đó, theo nhật báo Visao của Bồ Đào Nha được Courrier International trích dịch, do có khí hậu nóng và khô, Bồ Đào Nha đang thu hút rất nhiều nhà sản xuất cần sa của Bắc Mỹ. Họ dự tính sẽ cung cấp cho toàn Châu Âu, đầu tiên là cung cấp cần sa dùng để chữa bệnh. Hiện giờ việc sản xuất, buôn bán và tiêu thụ cần sa vẫn bị cấm ở Bồ Đào Nha. Nhưng kể từ năm 2001, hút cần sa không còn bị coi là một tội hình sự nữa, mà người vi phạm chỉ bị phạt tiền. Còn các thuốc có chất cần sa thì phải có giấy phép của cơ quan y tế, và chỉ được bán ở hiệu thuốc theo toa bác sĩ.
Đối với các nhà sản xuất Bắc Mỹ, Bồ Đào Nha là một cửa ngõ để thâm nhập thị trường Châu Âu, một thị trường béo bở với dân số đông gấp hai lần dân số Canada và Hoa Kỳ, vì trong số 41 quốc gia trên thế giới đã cho phép cần sa vào mục đích chữa bệnh, có đến 25 nước là ở Châu Âu.
Còn theo tờ nhật báo Hồng Kông South China Morning Post, ngay tại Châu Á, các chốt chặn cũng đã bắt đầu được tháo gỡ, từ Nepal đến Hàn Quốc, từ Thái Lan đến Trung Quốc. Tờ báo viết : "Châu Á trừng trị rất nghiêm khắc việc tiêu thụ và buôn ma túy, nhưng nay pháp luật tại nhiều nước đã thay đổi, vì cần sa, sau một thời gian bị xem là tai họa cho giới trẻ, nay trở thành một nguồn thu hấp dẫn.
Thanh Phương