Thương mại Mỹ-Trung : Kế hoãn binh (RFI, 04/12/2018)
Khuya ngày 01/12/2018 tại Buenos Aires, Mỹ và Trung Quốc tạm đạt thỏa thuận về thương mại trong thời hạn 90 ngày. Thế giới thở phào nhẹ nhõm vào lúc chiến tranh thương mại đã đè nặng lên tăng trưởng toàn cầu, kinh tế của Trung Quốc thấm mệt, nhiều doanh nghiệp Mỹ cũng đau đầu.
Tổng thống Donald Trump (trái) và chủ tịch Tập Cận Bình tại Bắc Kinh. Ảnh tháng 11/2017. JIM WATSON / AFP
Nhưng mọi người đều ý thức rằng hiệp định đình chiến đó rất mong manh, "hòa ước" còn xa vời. San bằng những bất đồng sâu rộng trong vỏn vẹn 90 ngày la nhiệm vụ "bất khả thi". Thỏa thuận được thông báo tại Argentina bên lề thượng đỉnh G20 gồm những gì ?
"Án treo" 25 % thuế nhập khẩu
Phía Washington tạm ngưng biện pháp đòi đánh thuế 25% vào 200 tỷ đô la hàng của Trung Quốc nhập vào Mỹ. Nhưng vẫn giữ mức thuế nhập khẩu là 10 % mà Nhà Trắng áp đặt từ mùa hè tới nay hiện tại. Nhượng bộ này chỉ có hiệu lực 90 ngày.
Ba tháng là thời hạn để tiếp tục đàm phán hòng đem lại những "thay đổi cơ bản" trong quan hệ mậu dịch song phương. Những "thay đổi cơ bản đó" bao hàm vế chuyển giao công nghệ, sở hữu trí tuệ và cơ bản là thâm hụt mậu dịch 375 tỷ đô la của Mỹ với bạn hàng Trung Quốc.
Cũng Hoa Kỳ thông báo Bắc Kinh cam kết sẽ mua "một khối lượng đáng kể" - nhưng chưa biết đích xác là bao nhiêu - những sản phẩm của Mỹ từ nông nghiệp, công nghiệp đến năng lượng để khắc phục tình trạng bất cân đối thương mại giữa hai bên.
Rời Buenos Aires, trên đường về lại Washington, tổng thống Trump trên Twitter thông báo Trung Quốc hứa "giảm và xóa bỏ" thuế đánh vào xe hơi Mỹ, biên độ thuế hiện tại là 40%. Về điểm này trước mắt Bắc Kinh vẫn im lặng. Năm ngoái Trung Quốc là thị trường mua xe hơi số 1 thế giới với 51 ty đô la, mà 13,5 tỷ trong số đó là xe nhập từ bắc Mỹ (trong đó có không ít kiểu xe Đức BMW hay Mercedes sản xuất tại Mỹ)
Bộ trưởng tài chính Steven Mnuchin cho biết tổng thống Trump và chủ tịch Tập đã thảo luận "trên 145 điểm khác nhau" và Bắc Kinh cam kết không phá giá đồng tiền đế kích thích xuất khẩu. Biện pháp phá giá đồng tiền để kích thích xuất khẩu gây thiệt hại cho người lao động Mỹ
Còn về phía Trung Quốc, người duy nhất trong đoàn đàm phán phát biểu nhiều với báo chí là ngoại trưởng Vương Nghị. Ông đánh giá thỏa thuận vừa đạt được tại Argentina "có lợi cho cả đôi bên".
Trả lời đài RFI cố vấn Trung Tâm Nghiên Cứu Về Triển Vọng Và Thông Tin Quốc Tế CEPII, Michel Aglietta ghi nhận việc Trung Quốc phải nhượng bộ là điều gần như hiển nhiên :
"Trong khuôn khổ hiện tại, xuất khẩu của Trung Quốc sang thị trường Mỹ chiếm 20% tổng kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc. Tức là Mỹ mua vào 1/5 hàng Trung Quốc bán ra nước ngoài. Đây là một khối lượng rất lớn. Nếu như Mỹ đánh thuế 10 hay 25% vào một khối lượng hàng hóa nhất định của Trung Quốc thì ảnh hưởng theo tôi, sẽ không nhiều. Nhưng nếu đánh thuế vào toàn bộ hàng của Trung Quốc bán sang thị trường Hoa Kỳ thì tổng kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc ra toàn thế giới sẽ giảm khoảng 4,5% và khi đó tăng trưởng của Trung Quốc bị đe dọa".
Một tin vui trong ngắn hạn
Một ngày sau thỏa thuận tạm ngưng "leo thang" trong các đòn ăn miếng trả miếng lẫn nhau giữa hai ông khổng lồ trên thế giới, chứng khoán từ Âu sang Á và đương nhiên là ở Hoa Kỳ đã tăng. Giá dầu thô cũng tăng lên đôi chút sau khi đã giảm sụt trong bốn tuần lễ liên tiếp trước viễn cảnh sản xuất, xuất khẩu và tiêu thu khởi sắc trở lại.
Ngân hàng JP Morgan nhìn nhận Bắc Kinh và Washington đã có những "nhượng bộ đáng kể". Westpac Bangking của Úc xem đây là kịch bản "tối ưu trong ngắn hạn". Giám đốc cơ quan đầu tư của Nhật SBI, Tsutomu Soma đánh giá, trong cuộc đọ sức kéo dài từ đầu năm 2018, Mỹ "thắng đến 8 phần 10. Trung Quốc không có sự chọn lựa nào khác".
Thỏa thuận về hình thức ?
Nhà chính trị học tại Bắc Kinh, Hoa Bảo (Hua Po) nói với hãng tin Pháp AFP : thỏa thuận hai ông Tập Cận bình và Donald Trump đạt được về hình thức, cho phép đôi bên cứu vãn danh dự. Về thực chất Trung Quốc và Mỹ cùng đang cần kéo dài thời gian. Ít ra là trong ba tháng, Bắc Kinh giảm bớt được áp lực kinh tế, trong bối cảnh tăng trưởng đã chựng lại vì hiệu ứng trừng phạt của Washington.
Vẫn theo chuyên gia này, đối với tổng thống Hoa Kỳ, ông Trump đã trở về nước với những thành tích cụ thể sau cuộc bầu cử giữa kỳ vừa qua, mà đảng Cộng Hòa đã đánh mất đa số ở Hạ Viện. Chính quyền Trump trút bớt gánh nặng qua việc Trung Quốc hứa hẹn mua nông phẩm Mỹ nhiều hơn.
Có điều như ghi nhận của một cựu quan chức bộ tài chính Mỹ, Brad Setser, sau buổi làm việc và tiệc tối ở Argentina, vấn đề còn lại là Bắc Kinh và Washington phải tìm được một sân chơi chung để xây dựng một thỏa thuận thực sự giải quyết dứt điểm những bất đồng sâu rộng.
Ba điểm then chốt gây bất đồng vẫn tồn tại
Nhìn lại cuộc đọ sức thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, chính quyền Trump bất bình trên ba điểm : một là thâm hụt cán cân thương mại với Trung Quốc, hai là tố cáo Bắc Kinh "đánh cắp công nghệ" của Mỹ và thứ ba là không tôn trọng các quyền sở hữu trí tuệ.
Về điểm thứ nhất, nhìn vào mức thâm hụt 375 tỷ đô la của Hoa Kỳ so với Trung Quốc tổng thống Donald Trump tố cáo Bắc Kinh trợ giá cho các doanh nghiệp, bán phá giá, cạnh tranh bất bình đẳng với các hãng của Mỹ.
Đành rằng nhân cuộc họp đầu tiên với tổng thống Mỹ từ khi nổ ra chiến tranh thương mại mà đôi bên đã dùng những "vũ khí hạng nặng" tấn công lẫn nhau (đánh thuế lên 50 tỷ đô la hàng của lẫn nhau, rồi 100 tỷ và 200 tỷ ...), chủ tịch Tập Cận Bình có hứa nhập hàng của Mỹ nhiều hơn, để thu hẹp thâm hụt trong cán cân thương mại. Cam kết này là một tin vui đối với tổng thống Mỹ sau khi Bắc Kinh đòi đánh thuế 25 % vào lúa mì, ngũ cốc của Mỹ bán sang Trung Quốc. Nhưng lấp đầy khoảng trống 375 tỷ đô la trong cán cân thương mại song phương là điều không tưởng. Hơn nữa những lời hứa chung chung này không đủ sức làm Donald Trump hài lòng.
Điểm nóng thứ hai trong quan hệ thương mại song phương là vế bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ. Mỹ tố Trung Quốc vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, cướp bằng sáng chế của các công ty Hoa Kỳ thông qua các hợp đồng liên doanh và qua ngả chuyển giao công nghệ.
Washintong ước tính thiệt hại của các công ty Mỹ trong vụ này là 600 tỷ đô la.
Trong báo cáo gần đây, đại diện thương mại Mỹ, Robert Lighthizer còn nêu đích danh Bắc Kinh hỗ trợ các chiến dịch tấn công tin học nhắm vào các doanh nghiệp Mỹ. Trên cả hai điểm vừa nêu, tuần qua, Tập Cận Bình cam kết một cách chung chung, sẽ "tạo môi trường thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp nước ngoài". Có điều, không chỉ một mình Mỹ và cả Liên Hiệp Châu Âu đều ghi nhận đến nay, lời nói của Bắc Kinh không đi đôi với việc làm.
Khúc mắc thứ ba và cũng là cốt lõi sâu xa trong cuộc đọ sức Mỹ-Trung hiện tại là một cuộc chạy đua về công nghệ giữa hai ông khổng lồ kinh tế thế giới. Về điểm nhậy cảm này, cả Mỹ lẫn Trung Quốc đều khá kín tiếng sau cuộc họp Buenos Aires vừa qua. Hơn nữa, theo các nguồn tin thân cận, thương mại chỉ là một trong những lĩnh vực mà hai ông Trump và Tập đã đề cập đến vừa qua, bên cạnh một số những hồ sơ khác như là Biển Đông và Đài Loan.
Nhìn từ Pháp, giáo sư kinh tế Mary Françoise Renard, đại học Clermond-Auvergne cho rằng cuộc đọ sức mậu dịch Mỹ-Trung hiện nay sẽ kéo dài, và Trung Quốc đã có những nước chuẩn bị từ trước bằng cách mở rộng ảnh hưởng khắp nơi, đặc biệt là Châu Á :
"Đúng là Trung Quốc từng di dời cơ sở sản xuất sang một số các quốc gia trong vùng Châu Á, chủ yếu là để tận dụng nhân công rẻ, nhưng Bắc Kinh cũng có thể coi đây là một trong những giải pháp để lách trừng phạt của Hoa Kỳ. Chính vì thế mà Trung Quốc cần đến các đối tác Châu Á và đặc biệt là trong vùng Đông Nam Á. Thêm vào đó những đối tác này cũng là những khách hàng thay thế được phần nào những thiệt hại bên phía thị trường Mỹ".
Dù vậy theo Mary Françoise Renard, đại học Clermond-Auvergne, những đòn tấn công thương mại của chính quyền Trump vừa gây khó khăn cho Trung Quốc nhưng cũng vừa là cú hích để Bắc Kinh nhanh chóng chuyển đổi mô hình kinh tế, dựa trên tiêu thụ nội địa :
"Ngoài yếu tố liên quan đến chiến tranh thương mại với Hoa Kỳ, Trung Quốc cần đến sức mua của thị trường nội địa để vực dậy đà tiêu thụ. Đây là điều mà Bắc Kinh đã làm trong những năm gần đây. Thị trường trong nước vừa là một giải pháp trong cuộc đọ sức thương mại với Washington hiện tại, vừa là một giải pháp cho tương lai lâu dài".
Cố vấn của Trung Tâm Nghiên Cứu Về Triển Vọng Và Thông Tin Quốc Tế CEPII, Michel Aglietta xem sức mua và dân số của Trung Quốc là những lợi thế của Bắc Kinh
"Thị trường Trung Quốc còn rất nhiều tiềm năng, vẫn còn 40 % dân số Trung Quốc sống ở nông thôn, điều đó có nghĩa là tỷ lệ độ thị hóa vẫn chưa bão hòa. Với 1,5 tỷ dân Trung Quốc rất có giá trong mắt các nhà đầu tư và doanh nghiệp quốc tế".
Thanh Hà
********************
Thỏa thuận hưu chiến thuế : Mỹ ép Bắc Kinh sớm có biện pháp cụ thể (RFI, 04/12/2018)
Sau khi tổng thống Mỹ và chủ tịch Trung Quốc đạt thỏa thuận hưu chiến thương mại trong vòng ba tháng, hôm qua 03/12/2018, Washington gia tăng áp lực buộc Bắc Kinh "sớm có các biện pháp cụ thể".
Cố vấn kinh tế của tổng thống Mỹ, ông Larry Kudlow, trả lời phỏng vấn tại Nhà Trắng, Washington, 06/04/2018. Reuters/Kevin Lamarque/File Photo
Reuter cho hay, theo cố vấn kinh tế của Nhà Trắng Larry Kudlow, Bắc Kinh cần nhanh chóng thực hiện các cam kết với Mỹ, nhằm chấm dứt nạn đánh cắp sở hữu trí tuệ, cưỡng bức chuyển giao công nghệ, hay giảm thuế xe hơi nhập khẩu từ Mỹ. Cố vấn kinh tế của tổng thống Trump cho biết là bộ trưởng tài chính Steve Muchin và đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer đã có buổi làm việc riêng với phó thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc (Liu He) tại Argentina, và phó thủ tướng Trung Quốc cho biết Bắc Kinh sẽ nhanh chóng thực thi các cam kết giữa hai nguyên thủ.
Cố vấn kinh tế của Nhà Trắng nhấn mạnh là Washington có nhiều kinh nghiệm về việc Trung Quốc đã nhiều lần thất hứa. Tuy nhiên, theo ông Kudlow, điểm khác biệt là hồ sơ này có sự can dự "chưa từng thấy" của chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Ông Larry Kudlow cũng bày tỏ hy vọng là chính phủ Trung Quốc sẽ nhanh chóng xóa bỏ hoàn toàn thuế nhập khẩu xe hơi Mỹ. Hiện tại Bắc Kinh cam kết giảm 40% thuế nhập khẩu xe hơi.
Tổng thống Mỹ đã chỉ định đại diện thương mại Robert Lighthizer đóng vai trò giám sát đợt đàm phán mới với Bắc Kinh. Robert Lighthizer được coi là một trong những người có quan điểm cứng rắn nhất với Trung Quốc trong chính quyền Mỹ. Ông cũng từng là người chủ trì cuộc thương lượng với Canada và Mêhicô về một hiệp định thương mại mới, vừa được thông qua cách nay hai tháng.
Mỹ tái khẳng định "vai trò trụ cột" trong cuộc chiến bảo vệ "thế giới tự do"
Trong một phát biểu hôm nay 04/12, tại Bruxelles tại một viện tư vấn, trước khi tới trụ sở NATO, ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tái khẳng định quan điểm của tổng thống Donald Trump, là Hoa Kỳ sẽ tiếp tục "vai trò trụ cột" trong cuộc chiến bảo vệ "thế giới tự do", trước các đe dọa từ Trung Quốc, Nga và Iran.
Ngoại trưởng Mỹ nhấn mạnh là : "Nhiều thế lực xấu đã lợi dụng xu hướng co lại của nước Mỹ, để lấn sân", chính vì vậy mà tổng thống Donald Trump quyết định sẽ hành động để đảo ngược lại xu hướng này.
Phát biểu của ngoại trưởng Mỹ được đưa ra ngay sau khi, tổng thống Donald Trump, ngày hôm qua 03/12, tuyên bố khẳng định quyết tâm của Hoa Kỳ cộng tác với Trung Quốc và Nga để chấm dứt "cuộc chạy đua vũ trang" hết sức tốn kém hiện nay, mà theo ông, đang trở nên "vượt tầm kiểm soát".
Trọng Thành
**********************
Biển Đông bị gác lại trong cuộc đối thoại Trump-Tập (RFI, 04/12/2018)
Hoa Kỳ và Trung Quốc dường như tạm gác bất đồng về Biển Đông, trong cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo bên lề hội nghị G20 cuối tuần qua. Tờ South China Morning Post hôm 04/12/2018 dẫn lời các nhà phân tích cho rằng, đó là nhằm tránh ảnh hưởng đến đàm phán thương mại.
Cuộc họp Mỹ-Trung tại Argentina ngày 01/12/2018. 路透社 Reuters
Cho dù đôi bên bất đồng sâu sắc về Biển Đông, nhưng vấn đề này không có trong thông cáo chung được công bố sau cuộc họp Trump-Tập. Thay vào đó, bên cạnh hồ sơ thương mại, tổng thống Mỹ Donald Trump và chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thảo luận về Đài Loan, Bắc Triều Tiên và quy định về việc sử dụng chất gây nghiện tổng hợp fentanyl.
Nhà bình luận quân sự Song Zhongping cho rằng bất đồng về Biển Đông quá lớn để có thể vượt qua, việc tạm gác qua một bên hồ sơ này giúp tập trung vào việc giải quyết các tranh chấp thương mại. Trung Quốc yêu sách lợi ích của mình tại vùng biển này, trong khi Hoa Kỳ nhấn mạnh đến quyền tự do hàng hải.
Hoa Kỳ không yêu sách chủ quyền Biển Đông, nhưng lên án việc Trung Quốc quân sự hóa vùng biển này, và thường xuyên gởi chiến hạm đến tuần tra.
Cả Washington và Bắc Kinh đều cho rằng cuộc gặp Trump-Tập đã thành công. Nhưng nếu phía Mỹ tuyên bố hai bên sẽ phải giải quyết bảy vấn đề kinh tế trong vòng 90 ngày, nếu không Nhà Trắng sẽ nâng mức thuế, thì Trung Quốc lại im lặng về kỳ hạn do Mỹ đặt ra.
Thụy My
*********************
Donald Trump sẽ thảo luận vấn đề ‘chạy đua vũ trang’ với Trung Quốc, Nga (VOA, 04/12/2018)
Hôm 3/12, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết ông sẽ thảo luận các vấn đề quân sự với Trung Quốc và Nga trong tương lai, với hy vọng sẽ kết thúc những gì ông mô tả là một cuộc chạy đua vũ trang với hai quốc gia này.
Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump phát biểu tại G20 Argentina, ngày 1/12/2018.
Ông Trump viết trên Twitter hôm 3/12, một ngày sau khi gặp các lãnh đạo Trung Quốc và Nga tại Hội Nghị G20 ở Argentina : "Tôi chắc chắn rằng, vào một thời điểm nào đó trong tương lai, Chủ tịch Tập Cận Bình và tôi, cùng với Tổng thống Nga Putin, sẽ bắt đầu bàn về một sự trì hoãn có ý nghĩa đối với những gì đã trở thành một cuộc chạy đua vũ trang lớn và không kiểm soát được. Hoa Kỳ đã chi 716 tỷ đôla trong năm nay. Thật là khiếp ! "
Ông Trump không cho biết thêm chi tiết. Nhưng vào tháng 8 năm nay, ông đã ký một dự luật chi tiêu quốc phòng trị giá 716 tỷ đôla, gia tăng các hạn chế đầu tư đối với Trung Quốc vào các công ty công nghệ của Mỹ, và tăng chi tiêu phòng thủ tên lửa của Mỹ.
Khi được hỏi về phát biểu của Tổng thống Trump, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng nói Trung Quốc cam kết thực hiện các chính sách hòa bình.
Ông Cảnh nói tại một cuộc họp báo : "Chúng tôi chưa bao giờ chạy đua vũ trang và không gây ra mối đe dọa cho bất kỳ quốc gia nào".
Cũng trong năm nay, Quân đội Mỹ đã đặt chính sách chống lại Trung Quốc và Nga vào trung tâm của một chiến lược quốc phòng mới, và sẽ rút quân khỏi các nơi khác trên thế giới để dồn sự hỗ trợ các ưu tiên mới này.
Đồng thời, Washington đã thảo luận công khai về việc loại bỏ một hiệp ước kiểm soát vũ khí hạt nhân mang tính bước ngoặt với Nga, một hiệp ước có hiệu lực từ năm 1987.
Trong tháng 3, Trung Quốc đã công bố tăng 8,1% chi tiêu quốc phòng, nhằm thúc đẩy một chương trình hiện đại hóa quân sự đầy tham vọng, khiến các nước láng giềng, đặc biệt là Nhật Bản và Đài Loan lo lắng.
Truyền thông nhà nước Trung Quốc nói rằng mức chi tiêu quốc phòng như vậy là còn khiêm tốn và thấp, và nói thêm rằng Bắc Kinh không có ý định chạy đua vũ trang với Hoa Kỳ.
Bắc Kinh nói rằng ngân sách quốc phòng của Trung Quốc không lớn, chỉ chiếm một phần tư chi tiêu quốc phòng của Hoa Kỳ, và cũng không phải là quốc gia có tốc độ chi tiêu quốc phòng nhanh nhất. Nhưng con số chi tiêu quốc phòng của Bắc Kinh được thế giới theo dõi chặt chẽ để dò xét các ý định chiến lược của Trung Quốc trong khi nước này đang phát triển khả năng quân sự mới, bao gồm cả máy bay chiến đấu tàng hình, tàu sân bay và tên lửa chống vệ tinh.