Mỹ thâm hụt thương mại cao nhất trong 10 năm (VOA, 07/12/2018)
Thâm hụt thương mại Mỹ trong tháng 10 lên đến mức cao nhất trong một thập niên giữa bối cảnh xuất khẩu đậu nành đã giảm hơn nữa và nhập khẩu hàng tiêu dùng lên đến mức cao kỷ lục.
Một căn nhà đang được rao bán ở Sunnyvale, California
Điều này cho thấy các biện pháp đánh thuế của chính quyền Trump để thu hẹp thâm hụt thương mại không có tác dụng.
Các dữ liệu khác hôm 6/12 cho thấy các công ty tư nhân trong tháng 11 thuê mướn ít công nhân hơn kỳ vọng, cho thấy nhịp độ tăng trưởng việc làm có phần chừng mực.
Các số liệu này, cùng với dữ liệu èo uột về tình hình mua nhà và chi tiêu cho thiết bị của các doanh nghiệp đã tỏ dấu hiệu cho thấy kinh tế đã tăng trưởng chậm lại. Những quan ngại về sức khỏe của kinh tế Mỹ đã làm bấn loạn các thị trường tài chính trong những ngày qua.
Bộ Thương mại cho biết thâm hụt thương mại đã tăng 1,7% lên 55,5 tỷ đô la, mức cao nhất kể từ tháng 10 năm 2008. Mức thâm hụt này giờ đây đã nới rộng thêm trong 5 tháng liên tiếp. Các số liệu trong tháng 9 đã được điều chỉnh để cho thấy mức thâm hụt đã tăng lên 54,6 tỷ đô la thay vì con số được thông báo trước đây là 54 tỷ đô la.
Con số thâm hụt với Trung Quốc vốn nhạy cảm về chính trị đã tăng lên 7,1% lên đến mức kỷ lục 43,1 tỷ đô la trong tháng 10.
Hồi tháng 10, các kinh tế gia được Reuters tham khảo ý kiến đã dự đoán mức thâm thủng thương mại toàn diện sẽ lên đến 55 tỷ đô. Khi được điều chỉnh lạm phát thì mức thâm hụt thương mại hàng hóa từ 87,2 tỷ đô la trong tháng 9 lên 87,9 tỷ trong tháng 10. Con số này, được gọi thâm hụt thương mại thực tế nằm trên mức trung bình trong quý ba.
Thâm hụt thương mại đã khiến tăng trưởng GDP mất 1,91 điểm phần trăm trong quý 3. Dự đoán tăng trưởng cho quý 4 năm này là 2,8%.
Trong tháng 10, xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ của Mỹ đã giảm 0,1% xuống 211 tỷ đô la. Xuất khẩu đậu nành vốn chủ yếu là bán cho Trung Quốc và đã liên tục sụt giảm trong những tháng vừa qua, đã giảm 0,8 tỷ đô la. Xuất khẩu máy bay dân sự và động cơ cũng giảm. Đồng đô la mạnh khiến hàng hóa Mỹ đắt đỏ hơn có lẽ là lý do kiềm hãm đà tăng của xuất khẩu Mỹ.
Nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 0,2% lên 266,5 tỷ đô la – mức cao nhất từ trước đến nay. Nhập khẩu hàng tiêu dùng đã tăng 2 tỷ đô la lên mức cao kỷ lục là 57,4 tỷ đô la.
Nhập khẩu tăng là do nhu cầu trong nước tăng mạnh và đồng đô la mạnh khiến cho hàng hóa nhập khẩu rẻ hơn cho dù có bị chính quyền Trump đánh thuế cao hơn.
*******************
Mỹ yêu cầu Nga hủy các tên lửa vi phạm hiệp ước INF (VOA, 07/12/2018)
Nga phải bỏ các tên lửa hành trình có khả năng hạt nhân và bệ phóng các tên lửa này hay điều chỉnh lại tầm bắn của chúng để chứng tỏ sự tuân thủ của một hiệp ước kiểm soát vũ khí then chốt có từ thời Chiến tranh Lạnh và tránh nguy cơ Mỹ rút ra khỏi hiệp ước, một quan chức cấp cao của Mỹ tuyên bố hôm 6/12.
Đại sứ Mỹ tại Nga Jon Huntsman
"Hoặc là quý vị từ bỏ hệ thống tên lửa, từ bỏ bệ phóng hay thay đổi hệ thống để nó không vượt quá tầm bắn cho phép một cách có thể kiểm chứng", Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ phụ trách kiểm soát vũ khí và an ninh quốc tế Andrea Thompson nói.
Hôm 4/12, Mỹ thông báo họ cho Nga 60 ngày để chấm dứt điều mà Washington cáo buộc là Moscow vi phạm Hiệp ước Vũ khí Hạt nhân Tầm trung vào năm 1987, bằng không, Mỹ sẽ bắt đầu rút ra khỏi hiệp ước.
Đại sứ Mỹ ở Nga Jon Huntsman, người tham gia vào cuộc họp báo với bà Thompson, nói rằng việc Mỹ rút ra khỏi hiệp ước ‘không có nghĩa là chúng tôi sẽ từ bỏ kiểm soát vũ khí’.
"Chúng tôi vẫn cam kết kiểm soát vũ khí, và chúng tôi cần một đối tác đáng tin cậy – điều mà chúng tôi không thấy ở Nga", Đại sứ Huntsman nói.
Moscow phủ nhận rằng các tên lửa này vi phạm hiệp ước trong khi các quan chức Mỹ cho rằng chúng có thể tấn công các mục tiêu Châu Âu với các đầu đạn hạt nhân hay các đầu đạn quy ước.
Tổng thống Nga Vladimir Putin trước đó đã cảnh báo rằng Nga sẽ phát triển tên lửa mà hiệp ước này cấm, nếu như Mỹ rút khỏi hiệp ước.
*******************
Lo ngại rửa tiền, Anh ngưng chương trình ‘visa vàng’ (VOA, 06/12/2018)
Anh sẽ ngưng chương trình cấp thị thực theo dạng đầu tư 2 triệu bảng (2,5 triệu đô), trong nỗ lực chống rửa tiền và tội phạm có tổ chức.
Theo Reuters, trong vòng hai thập kỷ qua, các "đại gia" từ Nga, Trung Đông, và mới đây là Trung Quốc, đã đổ tới London. Tầng lớp giàu có này đã mua các căn biệt thự sang trọng và cả các câu lạc bộ bóng đá.
Việc giới siêu giàu "đổ" hàng chục tỷ đôla đầu tư đã giúp London duy trì vị thế là một trong hai thủ đô tài chính hàng đầu thế giới, dù chính phủ Anh lo ngại về nguồn gốc của các tài sản này.
Việc cấp visa theo dạng đầu tư ba năm cho các công dân không thuộc Liên Hiệp Châu Âu, để đổi lấy 2 triệu bảng đầu tư vào Anh, sẽ bị ngưng lại từ ngày 7/12.
Reuters dẫn tuyên bố của Bộ Nội vụ Anh nói rằng sau khi có các thay đổi, những ai muốn xin thị thực đầu tư cần phải cung cấp thông tin chứng minh về tài chính và các hoạt động kinh doanh do các công ty kiểm toán của Anh thực hiện.
Năm ngoái, có khoảng 1 nghìn đơn xin thị thực theo dạng đầu tư như trên.
Hồi tháng Chín, cơ quan chống tội phạm quốc gia của Anh cho biết đang tăng cường nỗ lực chặn tiền "bẩn" của "giới tinh hoa tham nhũng" chảy vào Anh.