Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

06/03/2017

Điểm tin báo chí Pháp - Cuộc chiến quyền lực chưa ngã ngũ

RFI tiếng Việt

Trung Quốc : Cuộc chiến quyền lực chưa ngã ngũ

Hôm Chủ nhật 05/03/2017, Quốc hội Trung Quốc khai mạc phiên họp thường niên. Nhân dịp này báo Le Monde có bài phân tích về các đấu đá – dàn xếp tại Bắc Kinh, với tựa đề "Tập Cận Bình củng cố quyền lực". Một thông điệp chính của bài viết là sau khi khẳng định vị trí lãnh đạo "hạt nhân", ông Tập Cận Bình đang trên đường thâu tóm toàn bộ quyền lực, ít tháng trước kỳ đại hội thứ 19, dự kiến sẽ diễn ra vào cuối năm nay. Tuy nhiên, cuộc chiến quyền lực chưa hẳn đã ngã ngũ.

tq0

Chủ tịch - tổng bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc Tập Cận Bình tại hội nghị Chính Hiệp, Bắc Kinh, 03/03/2017 - REUTERS/Jason Lee

Theo Le Monde, kỳ họp Quốc hội Trung Quốc lần này, kéo dài hai tuần, với 2.900 đại biểu "sẽ là một phong vũ biểu chính trị" về những gì đang diễn ra trong hậu trường quyền lực. Trong đại hội chuyển giao quyền lực cuối năm, ông Tập Cận Bình chắc chắn sẽ ở lại thêm một nhiệm kỳ nữa, nhưng vấn đề là thành phần của Bộ chính trị tương lai, và đặc biệt là nhân sự của Thường vụ Bộ chính trị.

Năm trong số bảy thành viên của cơ quan lãnh đạo tối cao này, về nguyên tắc, sẽ phải về hưu, do quy định tuổi tác, chỉ còn lại ông Tập Cận Bình, và thủ tướng Lý Khắc Cường. Danh sách nhân sự mới sẽ cho thấy ông Tập "thành công đến mức độ nào" trong việc thâu tóm quyền lực. Ủy viên thường vụ Vương Kỳ Sơn – người thuộc phe ông Tập, được mệnh danh là "ông trùm chống tham nhũng" - có khả năng sẽ được ở lại, cho dù ông Vương đã 68 tuổi.

Nhà sử học "độc lập" Chương Lập Phàm (Zhang Lifan) nhận định, vụ bắt giữ tỉ phú Tiêu Kiến Hoa (Xiao Jianhua), đưa từ Hồng Kông về Trung Quốc, hồi tháng Giêng mới đây là một phương tiện của ban lãnh đạo đảng nhằm "răn đe mọi mưu đồ chống đối". Theo ông Chương Lập Phàm, tỉ phú Tiêu Kiến Hoa "nắm được nhiều thông tin quan trọng về các phe phái" trong đảng.

Le Monde so sánh nhiệm kỳ vừa qua của Tập Cận Bình với hai nhiệm kỳ nắm quyền của Hồ Cẩm Đào (Hu Jintao) (2003-2013). Trong khi người tiền nhiệm bị suy yếu bởi các phe phái chống đối trong suốt hai nhiệm kỳ, thì dưới nhiệm kỳ đầu tiên của Tập Cận Bình, "nguyên tắc lãnh đạo tập thể trong đảng", có hiệu lực từ thời Đặng Tiểu Bình (Deng Xiaoping), đã bị chôn vùi, khi ông Tập được tôn làm "lãnh đạo hạt nhân" của đảng.

"Đội quân của Tập" chưa đủ người

Tập Cận Bình bổ nhiệm hàng loạt người thân tín vào các vị trí lãnh đạo chủ chốt, tuy nhiên, theo một nhà ngoại giao nước ngoài, ông Tập còn xa mới thôn tính được các trợ thủ của Hồ Cẩm Đào, vốn trưởng thành trong Đoàn thanh niên, với 80 triệu đoàn viên. Theo nhà quan sát này, ông Hồ Cẩm Đào vẫn còn rất nhiều người ủng hộ trong lực lượng này. Nhiều vị trí lãnh đạo chiến lược, như lãnh đạo khu tự trị Tân Cương (Xinjiang) hay thành phố cảng Thiên Tân (Tianjin) vẫn không nằm dưới sự chỉ huy của ông Tập.

Theo nhà sử học Chương Lập Phàm, Tập Cận Bình "sẽ còn phải thỏa hiệp với các phe phái khác, đặc biệt là phe Đoàn, cho dù lực lượng này đã yếu đi, nhiều lãnh đạo bị ra tòa vì tham nhũng, và ngân sách giảm đến một nửa trong năm 2016", lý do là "đội quân của Tập (như cách người Trung Quốc thường gọi)" "mới chỉ hình thành từ bốn năm nay, chưa đủ người có năng lực và kinh nghiệm để điều hành ở cấp quốc gia".

Ông Chương Lập Phàm cũng dự đoán, rất ít khả năng thủ tướng Lý Khắc Cường sẽ bị thay thế, bởi giữ lại nhân vật này chính là "duy trì sự cân bằng", đặc biệt là "sau giai đoạn chống tham nhũng lúc ban đầu được lòng dân, dân Trung Quốc đã chán nản các cuộc tranh giành quyền lực và muốn kết quả kinh tế cụ thể".

Vẫn thep ông Chương Lập Phàm, về việc lựa chọn người kế vị Tập Cận Bình, hiện tại rất nhiều khả năng vị trí này sẽ trống người. Không giống như chính Tập Cận Bình, đã được chỉ định kế nhiệm ngay từ 5 năm trước khi chính thức trở thành lãnh đạo, tại đại hội mùa thu năm nay, chủ trương của ông Tập ắt hẳn sẽ là "nắm toàn bộ các lá bài (tức các vị trí lãnh đạo chủ chốt) trong tay để tiếp tục là lãnh đạo trung tâm" và như vậy việc chỉ định người kế nhiệm cho đại hội lần tới, sẽ để ngỏ cho tới kỳ họp 2022.

Bắc Kinh cố duy trì ổn định từ nay đến cuối năm

Cũng về chính trị Trung Quốc, báo Les Echos có bài "Bắc Kinh bắt buộc phải đi dây về kinh tế, để đối phó với các nguy cơ tài chính". Theo tờ báo kinh tế Pháp, "toàn bộ vấn đề đối với chính quyền Trung Quốc hiện nay là không được để cho một cơn bão tố nào bùng lên từ đây đến cuối năm". Dự kiến tăng trưởng năm được kéo về mức 6,5% là một trong biện pháp "đi dây" như vậy. Đã qua hẳn thời tăng trưởng cao, nhưng nếu rút xuống quá thấp, Bắc Kinh lo ngại "bất ổn xã hội gia tăng quá độ".

Trong bài phát biểu tại Quốc hội Trung Quốc, thủ tướng Lý Khắc Cường tuyên bố "ổn định là điều cốt yếu", và nỗ lực tập trung vào "kiểm soát các nguy cơ". Theo thủ tướng Trung Quốc, "các nguy cơ mang tính hệ thống hiện đều nằm dưới sự kiểm soát".

Một trong những thách thức hàng đầu với kinh tế Trung Quốc năm nay là giảm sản xuất dư thừa và tìm cách giải quyết các hệ quả. Cụ thể Bắc Kinh sẽ phải giảm sản xuất 50 triệu tấn thép, hơn 150 triệu tấn than trong năm, và hơn 50 triệu kilowat/giờ điện cũng sẽ bị cắt giảm. Việc giảm các hoạt động này đi liền với việc hơn 500.000 chỗ làm trong ngành thép và than sẽ bị mất, riêng trong năm nay.

Tuy nhiên, vấn đề chính là khả năng chính quyền thực thi mục tiêu cải cách ra sao, bởi theo một báo cáo của Greenpeace, sản lượng thép năm ngoái tại Trung Quốc vẫn tăng, cho dù nhu cầu thực sự đã sụt giảm mạnh.

Philippines : Án tử hình trở lại

Cũng về Châu Á, nhưng trong lĩnh vực nhân quyền, báo Les Echos chú ý đến việc "án tử hình trở lại với Philippines". 11 năm sau khi bị hủy bỏ, án tử hình đang trên đường chính thức hóa, đối với tội danh buôn ma túy. Quốc hội Philippines đã thông qua một dự luật do tổng thống Philippines đề xuất, dự luật này chuẩn bị chuyển qua Thượng Viện, và không còn trở ngại này trước khi được chính thức phê chuẩn.

Đối lập Philippines rất lo ngại là trong tình trạng bộ máy công quyền thối nát, luật này rất dễ dẫn đến việc người vô tội bị hành quyết. Giáo hội Công Giáo Philippines, chiếm 80% dân số, cũng rất bất bình về luật này.

Theo Les Echos, tổng thống Philippines đã lạm dụng quyền hành với chiến dịch thanh trừng ma túy đẫm máu, không thông qua tư pháp, với hơn 4.000 trường hợp người bị giết trong những hoàn cảnh đáng ngờ, thì nay với "một phương tiện bổ sung", đó là giết người "hợp pháp", tổng thống Duterte sẽ lại càng thêm lộng hành.

Tiểu thượng đỉnh Pháp-Đức-Ý-Tây Ban Nha

Cuộc họp "bộ tứ" - bốn quốc gia đông dân nhất Châu Âu là Pháp, Đức, Ý và Tây Ban Nha – tại Pháp, để thúc đẩy việc tăng cường xây dựng Châu Âu là một chủ đề thời sự quốc tế được nhiều báo Pháp chú ý. Tờ Les Echos chạy tựa "Tiểu thượng đỉnh để khởi động một Châu Âu theo nhiều tốc độ".

Bộ tứ sẽ chuẩn bị cho một dự án mới nhằm hội nhập Châu Âu ở mức độ cao, với sự tham gia của nhóm một số quốc gia trụ cột. Cuộc thảo luận diễn ra đúng vào lúc toàn khối Châu Âu 27 nước (không kể Anh Quốc) đang chuẩn bị cho một dự án chính trị mới, nhân hội nghị 25/03 tại Roma, kỷ niệm 60 năm Hiệp ước Roma, được coi là Hiệp ước đặt nền móng cho Liên Hiệp Châu Âu.

Les Echos điểm lại lịch sử của sáng kiến nhóm nước hạt nhân Châu Âu, với nhận xét, đây là nỗ lực đầu tiên kể từ năm 1994, nhằm khởi động một dự án xây dựng Châu Âu năng động hơn, với nhiều nhóm quốc gia khác nhau. Dự án năm 1994, còn được gọi là Schauble-Lamers (tên của hai tác giả dự án - cộng sự của thủ tướng Đức Kohl thời đó). Dự án đề nghị lập một nhóm nước Châu Âu chính trị hạt nhân. Tuy nhiên, đề nghị của Đức đã không được chính quyền Pháp lúc đó hưởng ứng.

Mới đây hồi tháng 6/2012, thủ tướng Đức Angela Merkel cũng toan đưa ra một đề nghị tương tự vào lúc tổng thống Pháp François Hollande vừa nhậm chức. Tuy nhiên, chính phủ Pháp cũng tỏ ra lưỡng lự. Theo Les Echos, bối cảnh hiện nay đã rất khác, với việc Anh Quốc quyết định rời Châu Âu, và những tấn công liên tiếp của chính quyền Trump vào Liên Hiệp Châu Âu và NATO, thủ tướng Đức quyết định đứng ra đảm nhiệm nhiều trách nhiệm mới, trong đó có "lĩnh vực phòng vệ" Châu Âu.

Việc nhóm bốn nước Pháp, Đức, Ý và Tây Ban Nha phối hợp lại khiến các nước Visergrad, tức bốn nước Đông và Trung Âu, lo ngại là sự thống nhất của khối 27 nước Liên Hiệp Châu Âu bị đe dọa.

"Luân Đôn và Warsawa lo ngại về bộ tứ Versailles" là tựa bài trên Le Figaro. Tuy nhiên, Le Figaro cũng cho biết, trong số bốn lãnh đạo tham gia vào cuộc họp này, chỉ có thủ tướng Tây Ban Nha Mariano Rajoy là tương đối chắc chắn còn tại vị. Tương lai của thủ tướng Ý phụ thuộc vào cuộc bầu cử đầy bất trắc sắp tới, thủ tướng Đức Merkel chưa chắc đã thành công trong việc tái cử lần thứ tư, còn tổng thống Pháp thì chắc chắn sẽ từ giã quyền lực trong ba tháng tới.

Pháp : Đảng LR phân tâm giữa Fillon và Juppé

Tranh cử tổng thống Pháp là chủ đề chiếm trang nhất hầu hết các nhật báo hôm nay. Tờ báo thiên hữu Le Figaro chạy tựa "Fillon huy động cử tri, Juppé lên tiếng".

Cuộc tranh cử tổng thống Pháp đặc biệt được đánh dấu với cuộc biểu tình với sự tham gia của hàng chục nghìn người ủng hộ ứng cử viên Fillon tại trung tâm Paris chiều qua, và tuyên bố của ông François Fillon tiếp tục tranh cử, bất chấp khả năng bị khởi tố trong nghi án "việc làm giả mạo" (hay vụ Penelopegate).

Báo Les Echos nhận xét : "ứng cử viên François Fillon đã giành chiến thắng trong cuộc huy động cử tri tại quảng trường Trocadero..., và chắc chắn sẽ duy trì được ưu thế trong một vài giờ nữa, nhưng liệu các đối thủ trong đảng của ông có bỏ cuộc ? Về nguyên tắc là không…".

Tờ Le Figaro thiên hữu hối thúc : "Đảng Những Người Cộng Hòa phải khẩn trương thống nhất với nhau. Hoặc là François Fillon, người được cử tri lựa chọn trong cuộc bầu cử sơ bộ của cánh hữu và cánh trung, và người được quần chúng ủng hộ tại Trocardero, hoặc là Alain Juppé, người được uy tín cao trong các thăm dò dư luận và nhiều người có vai vế trong đảng,…Không thể cả hai cùng một lúc, trừ trường hợp cánh hữu muốn chứng kiến trong vai khán giả cuộc đấu vòng hai giữa Marine Le Pen và Emmanuel Macron… Nếu cánh hữu thua trong cuộc bầu cử tháng 5, chỉ vì lý do hoàn cảnh, nước Pháp sẽ tiếp tục trải qua 5 năm nữa, với những hiểu lầm nguy hiểm… và làm trì hoãn các giải pháp cho những vấn nạn của nước Pháp, đến mức không còn có thể sửa chữa được nữa".

Trong khi đó báo thiên tả Libération dự đoán : "49 ngày trước vòng một cuộc bầu cử tổng thống, cánh hữu đang ở trong ngõ cụt. Dù ông Fillon tiếp tục ở lại bất chấp tất cả… và dù cho một người ôn hòa như ông Juppé có được chọn, thì những thành phần cực đoan nhất vẫn sẽ đầu quân cho phong trào Mặt Trận Quốc Gia FN". Xã luận Libération kết luận : "Điều đáng lo ngại nhất, có thể nói là có một không khí Donald Trump trong cuộc tập hợp hôm qua, trong lời hiệu triệu dân chúng đầy xúc cảm và trong không khí kích động chính trị cao độ". 

Xe hơi Pháp tìm lại vị trí dẫn đầu Châu Âu

Trong lĩnh vực kinh tế, sự kiện hãng xe hơi Pháp PSA mua lại công ty Opel Đức, để trở thành tập đoàn xe hơi đứng thứ hai Châu Âu được các báo Pháp rất chú ý. Les Echos chạy tựa trang nhất : "Hợp nhất với Opel, PSA trở thành nhà khổng lồ". PSA là công ty thừa kế hai hãng xe hơi nổi tiếng của Pháp Peugeot và Citroën.

Bệnh hồng cầu lưỡi liềm : Ca trị liệu thành công đầu tiên

Về y tế, Les Echos có bài giới thiệu "Thắng lợi đầu tiên của trị liệu gien chống lại bệnh về gien số một thế giới". Khoảng 7% dân số thế giới (tức 520 triệu người) bị mắc bệnh hồng cầu hình lưỡi liềm (một loại rối loạn máu di truyền). Bệnh hồng cầu lưỡi liềm phổ biến tại nhiều vùng ở Châu Phi và Nam Á, và cho đến nay được coi là không có cách chữa. WHO mới đây phải tuyên bố, đây là vấn đề y tế ưu tiên của thế giới.

Tổng giám đốc Viện Institut Imagine Stanislas Lyonnet khẳng định, trường hợp cậu bé 15 tuổi người Antilles được chữa trị, với sức khỏe hồi phục gần như bình thường là "một bước ngoặt" trong lĩnh vực này. Thành lập năm 2014, Institut Imagine, trụ sở tại Paris, là trung tâm về nghiên cứu, trị liệu các bệnh di truyền hàng đầu của Châu Âu.

Trọng Thành

Quay lại trang chủ
Read 690 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)