Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

17/12/2018

Điểm báo Pháp - Nga đẩy quân cờ xuống Châu Phi

RFI tiếng Việt

Nga đẩy quân cờ xuống Châu Phi để phá Tây phương

Khủng hoảng Áo Vàng tạm lắng, chính phủ thoát hiểm nhưng nước Pháp trả giá cao. COP24 kết thúc, nhiệt độ vẫn tăng, nhiều quốc gia vẫn ngủ. Brexit, tuần lễ đầy bất trắc. Chiến lược Châu Phi của Putin. Đây là một số chủ đề được chọn lọc trên báo chí Pháp trong thời khắc cuối năm.

ngaphi1

Một người lính Trung Phi trang bị súng AK47 ở Bangui, 14/03/2018. FLORENT VERGNES / AFP

Trang nhất các nhật báo Pháp, màu sắc xung đột "Macron-Áo Vàng" không còn nữa mà nhường chỗ cho những tựa có tính hòa giải : Khủng hoảng qua rồi nhưng khó khăn còn tồn đọng, làm cách nào hàn gắn hai nước Pháp, tựa của Le Figaro.

Với tựa "Cuộc nổi dậy ở các giao điểm lưu thông" một đặc phái viên của Le Monde túc trực bên cạnh một nhóm Áo Vàng ghi lại những gì diễn ra trong hơn một tháng huy động. Tuy nhiên, hồ sơ lớn của nhật báo độc lập tập trung vào chiến lược can thiệp của Nga vào sân sau của Tây phương mà đối tượng số một là "nước Pháp".

Con tốt Trung Phi và chiến thuật "ném sỏi" của Nga

Bài thứ nhất, "Con tốt Trung Phi trên bàn cờ Nga", cho biết từ khi Pháp tập trung quân đối phó với khủng bố ở địa bàn sa mạc Sahara, Moskva đưa hàng loạt cố vấn quân sự, vũ khí vào Trung Phi, gia tăng quan hệ với thủ lĩnh các nhóm võ trang và gây rối loạn tiến trình hòa giải của Liên Hiệp Quốc. Phân tâm vì các hồ sơ nóng bỏng trên thế giới, Paris không thấy Nga vào Trung Phi, một nước nghèo chỉ có 5 triệu dân, chìm trong nội chiến, chẳng có trọng lượng nào trên bàn cờ chiến lược quốc tế đang chuyển mình với những cuộc đấu đá từ kinh tế cho đến quân sự. Từ đầu năm 2018, một cách ồn ào và vô trật tự, Nga tung vào thủ đô Bangui từng đoàn quân nhân, công ty bảo vệ, doanh nghiệp, ngoại giao… So với Trung Quốc thì phương tiện của Nga chẳng là bao, nhưng thể hiện quyết tâm trở lại Châu Phi sau một thời gian dài vắng bóng vì Liên Xô sụp đổ.

Sự kiện Nga chọn Trung Phi, nơi mà các tướng lãnh Pháp gọi là "tổ vi trùng" mang ý nghĩa gì ? Theo giới phân tích, Nga đã lợi dụng một nghị quyết của Hội Đồng Bảo An vào cuối năm 2017, cho phép Nga được miễn trừ lệnh cấm vận vũ khí, để cùng với Pháp tái võ trang quân đội Trung Phi. Súng Pháp thì đắt, Paris định sử dụng số súng AK47 tịch thu ở vịnh Aden chuyển cho Trung Phi nhưng bị Nga dùng quyền phủ quyết. Thế là đầu năm sau từng đợt súng Nga đổ vào Trung Phi… với đèn xanh của Liên Hiệp Quốc, rồi cố vấn, rồi huấn luyện viên…

Mục tiêu của Nga là gì ? Theo Arnaud Kalika, nguyên là chuyên gia của an ninh quân đội Pháp và về địa chính trị hậu Liên Xô, trong bài "Nga ném sỏi dò đường và chờ kết quả" cho biết : thứ nhất là Nga trắng tay ở Châu Phi từ khi Liên Xô tan hàng. Trong bối cảnh bị cấm vận quốc tế, nhu cầu kinh tế, thị trường xuất khẩu, nhất là vũ khí, và nhập khẩu tài nguyên trở thành cấp bách. Nga cũng thiếu quặng mỏ kim loại và khoáng chất hiếm.

Ngoài lý do kinh tế, sự hiện diện của Nga tại Châu Phi mang thông điệp chính trị đối với các lãnh đạo địa phương : hãy xem gương Libya, chơi với Nga an toàn hơn với Tây phương. Trong vòng công du Châu Phi hồi tháng 6, giám đốc Hội Đồng An Ninh Nga, Nikolai Patrouchev đề nghị "trợ giúp trọn gói" : chống khủng bố, chống nổi dậy và đề phòng phong trào cách mạng nhung.

Theo chuyên gia Arnaud Kalika, Nga cần có tiếng nói trên trường quốc tế. Vào lúc Mỹ có ý tài giảm binh bị ở Châu Phi, Moskva không có phương tiện dồi dào nhưng sẵn sàng nhảy vào chiếm chỗ trống, hiện diện khắp nơi.

Đối với Trung Quốc, 200 tỉ đô la trao đổi với Châu Phi, thì Nga bị bỏ xa ở phía sau. Từ cuối thập niên 1980, Moskva nghiên cứu tìm hiểu hành động của Bắc Kinh, cách thức chinh phục thị trường, qua nhiều tài liệu nghiên cứu hàn lâm đã được phổ biến. Kết luận của Nga như sau : Trung Quốc đưa người sang Châu Phi còn chúng tôi đến giúp người Châu Phi có công ăn việc làm.

Mũi xung kích của Nga là ai ? Theo Arnaud Kalika, các tổ hợp công nghệ vũ khí, ngoại giao, cơ quan mật vụ GRU hỗ trợ các "phi vụ" chính thức, rồi FSB và an ninh tư nhân bảo vệ quyền lợi riêng của các nhà đầu tư.

Dư luận viên… đánh Pháp

Trong chiều hướng trở lại Châu Phi, Nga cũng sử dụng trục tuyên truyền và quyền lực mềm : lập đài Russia Today tiếng Anh, tiếng Pháp phát hình ở Châu Phi, các hãng tin tiếng Anh của Itar Tass, Interfax và Sputnik Châu Phi cắm dùi tại chỗ. Còn đạo binh "dư luận viên" thì do Evgueni Prigojin điều hành.

Nhân vật này, có biệt danh là "đầu bếp của Putin" : thời Liên Xô, ở tù 9 năm. Thời hậu cộng sản, tham gia vào đường dây buôn súng lậu. Evgueni Prigojin hiện làm chủ công ty an ninh tư nhân Wagner tuyển mộ lính đánh thuê tham chiến ở Syria, Ukraine và Châu Phi. Sewa, một chi nhánh của Wagner đang hoạt động tại Trung Phi. Evgueni Prigojin cũng nằm trong danh sách những người Nga bị tư pháp Mỹ truy tố trong nghi án can thiệp vào bầu cử Mỹ.

Trên mạng Sputnik Châu Phi, nước Pháp là mục tiêu bị tấn công nhiều nhất.

Chính quyền Pháp tìm cách thoát khỏi khủng hoảng

Ngày đầu tiên của thời gian còn lại trong nhiệm kỳ của Macron, liệu tổng thống xóa bài làm lại ? Libération đặt câu hỏi. Làm việc phải được trả công xứng đáng, Les Echos ghi đậm lời cam kết "tăng lương, bớt thuế" của thủ tướng Edouard Philippe nhằm xoa dịu thành phần dân chúng có mức thu nhập thấp nhưng nhật báo kinh tế không quên ghi thêm hóa đơn : 3,2% thâm thủng ngân sách.

Đó là những bình luận về các giải pháp thoát khủng hoảng của chính phủ Pháp mà báo chí gián tiếp muốn nói là khó thực hiện vô cùng. Le Figaro cảnh báo : phân chia xã hội nghiêm trọng mà hóa đơn cũng nặng vô cùng. Les Echos thì nói đến những đe dọa lên kinh tế quốc gia, tinh thần giới doanh nghiệp xuống thấp. Libération nhấn mạnh đến quyết tâm của tổng thống Macron lật qua trang khủng hoảng để mở đường đối thoại với dân chúng. Cuộc đối thoại đã bắt đầu, nhất là ở nông thôn nơi xa mặt trời, chịu nhiều thiệt thòi hơn dân thành thị, cửa cơ quan chính quyền địa phương rộng mở đón ý kiến đề nghị cải thiện đời sống cụ thể.

Brexit : Trưng cầu dân ý nữa là xong ?

Thỏa thuận Brexit trong tay nhưng "Theresa May tự đặt mình trong ngõ cụt", đó là bình luận của Le Monde.

Thủ tướng Anh "kẹt cứng" bởi vì không có cách nào được đa số ở Quốc hội chấp thuận thỏa thuận Brexit : cả phe ủng hộ lẫn chống Brexit… đều bác. Đó là lỗi của thủ tướng vì sợ bị thua nên cứ chạy theo ve vuốt thành phần cực đoan muốn ly dị với Bruxelles, thay vì nỗ lực tìm đồng thuận trong phe bảo thủ. Le Monde đề nghị bà Theresa May trao quyền quyết định cho những người phải trả giá cho Brexit (tức là tổ chức trưng cầu dân ý lần thứ hai) : đó là cử tri.

COP24 : Họp nhiều mà kết quả chẳng bao nhiêu

COP24, điểm hẹn của những thiện chí tối thiểu, của một số quốc gia thiếu tinh thần trách nhiệm đối với thế hệ mai sau. Giải pháp tốt nhất là "thích nghi với khí hậu" theo nhận định của một nhà phân tích trên Les Echos.

Trong khi các đồng nghiệp kẻ thẩm định COP24 đã thất bại, người cho là "thành công tối thiểu", thậm chí đặt câu hỏi có nên tiếp tục tổ chức "hội nghị quốc tế tốn kém" vô ích hay không như tựa của La Croix, báo Les Echos cho là nếu không thành công trong việc làm cho khí hậu hợp với nhân loại, thì nhân loại phải tìm cách sống cho phù hợp với khí hậu : tránh vùng đất lở, thay đổi thực phẩm, cách canh tác, cách làm việc… Đầu tiên là dời làng mạc sâu vào đất liền. Libération kêu gọi "thực thi ngay những đồng thuận tối thiểu".

Phần Lan : Số một về giáo dục

Về giáo dục, tại sao Phần Lan được xem là gương mẫu số một thế giới. Quốc gia Bắc Âu tổ chức như thế nào mà những nước Châu Á, cho dù đứng đầu bảng xếp hạng về thành tích học sinh giỏi phải thán phục, học hỏi kinh nghiệm.

Trang xã hội của Le Figaro đề tựa : hệ thống giáo dục Phần Lan vẫn được xem là điểm dựa của thế giới. Điểm đặc sắc của Phần Lan là học sinh tiểu học, một khi đến trường, được tự do sinh hoạt như ở nhà. Cấp trung học cơ sở, mỗi học sinh làm một việc không em nào giống em nào. Sinh hoạt thủ công được điểm cao. Môi trường thiên nhiên chung quanh phải tốt, cho phép sinh hoạt ngoài trời. Giáo viên được đào tạo kỹ, trình độ Tú tài +5, giỏi chuyên môn và được học sinh kính trọng.

Theo một nhà báo Đài Loan, "sở dĩ học sinh ở Châu Á đứng đầu vì học gấp đôi, học thêm cho đến tối khuya". Còn giáo dục ở Phần Lan, "quân bình hơn, đưa đến kết quả tốt không kém". Mô hình này được những nhà chính trị và giáo dục thế giới xem là kiểu mẫu kể cả giới chức Châu Á, nơi mà trình độ học sinh được xem là đứng đầu thế giới. Một viên chức giáo dục chia sẻ : chắc chắn chúng tôi phải điều chỉnh lại lối dạy. Tiếng thơm thu hút quan sát viên đông đến mức, trường Espoo, ở phía tây Helsinki phải bắt người tham quan phải trả lệ phí, giống như các tour du lịch.

Đội tuyển bóng ném nữ của Pháp đăng quang Châu Âu

Cuối cùng, tin vui nữ đội tuyển bóng ném Pháp chiến thắng đội Nga trong trận chung kết vô địch Cúp Châu Âu chiều Chủ nhật, tại Paris, được chào mừng trên trang thể thao một cách trân trọng : Bóng ném, đội nữ Áo Lam tăng niềm vui gắp bội. Đương kim vô địch thế giới đánh bại đội Nga giành vô địch Châu Âu.

Libération nhắc thêm hai chiến tích : Huy chương bạc Thế Giới 2016, thua Nga. Huy chương đồng Cúp Châu Âu 2016 và huy chương vàng Thế giới 2017.

Tú Anh

Quay lại trang chủ
Read 477 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)