Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

28/12/2018

Điểm báo Pháp - Mỹ tạm thắng Trung Quốc hiệp đầu

RFI tiếng Việt

Chiến tranh thương mại : Mỹ tạm thắng Trung Quốc hiệp đầu

Về thời sự quốc tế, Les Echos có chùm bài đáng chú ý về cuộc đọ sức Mỹ-Trung, vừa bước sang một khúc quanh mới. Bài "Thương mại : Trung Quốc quyết định có một số nhân nhượng với Mỹ" nhấn mạnh trước hết là tổng thống Mỹ Donald Trump "có thể khoe khoang là đã đạt được một số kết quả đầu tiên" trong cuộc chiến tranh thuế với Bắc Kinh.

mytrung1

Hình tổng thống Mỹ Donald Trump và chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trên một sạp báo Trung Quốc ngày 03/12/2018. Ảnh AFP/LI XUEREN / XINHUA

Cụ thể là Trung Quốc đã hạ bớt hàng rào thuế quan đối với một số hàng hóa của Mỹ, và tăng cường bảo vệ sở hữu trí tuệ, một đòi hòi hàng đầu của Hoa Kỳ. Kể từ đầu tháng Giêng năm tới, thuế xe hơi từ Mỹ sẽ giảm còn 15% (so với 40% trước đó), và biện pháp này được áp dụng trong ba tháng, tương đương với giai đoạn thương lượng song phương. Bắc Kinh cũng tặng cho Washington một món quà Noel khác, đó là điều chỉnh thuế tạm thời đối với hơn 700 loại hàng hóa Mỹ, nhằm tạo điều kiện cho hàng xuất khẩu Mỹ, trong đó có nhiều mặt hàng quan trọng với Mỹ, như động cơ máy bay, rô-bốt công nghiệp, uranium, đặc biệt là đậu tương, dầu mỏ, khí hóa lỏng. Thuế đối với các mặt hàng công nghệ tin học cũng dự kiến giảm.

Một nhân nhượng đáng kể khác là chính quyền Trung Quốc vừa công bố dự luật về tăng cường quản lý sở hữu trí tuệ, chống việc cưỡng bức chuyển giao công nghệ. Và ngay từ tuần lễ thứ hai của năm mới, một đoàn đàm phán Mỹ sẽ tới Bắc Kinh để thương lượng. Thời gian là một tuần. Theo Les Echos, Hoa Kỳ và Trung Quốc sẽ tiếp tục đàm phán cho đến ngày 1/3, tức hạn chót theo thỏa thuận giữa lãnh đạo hai bên.

Tuy nhiên, theo nhật báo kinh tế Pháp, thắng lợi tạm thời của Mỹ và triển vọng hai bên đạt thỏa thuận là khá mong manh. Trong thời gian tới, tổng thống Mỹ có thể ra một sắc lệnh cấm doanh nghiệp Mỹ mua thiết bị viễn thông của hai tập đoàn hàng đầu Trung Quốc, ZTE và Hoa Vi, với lý do đe dọa an ninh quốc gia.

Nội bộ Trung Quốc phân hóa

Về phản ứng trong nội bộ Trung Quốc, Les Echos ghi nhận là áp lực từ phía nước Mỹ đang đặt lãnh đạo tối cao Tập Cận Bình trước nhiều thách thức. Theo nhà Trung Quốc học Willy Lam (tức Lâm Hòa Lập), đại học Hồng Kông, ông Tập Cận Bình bị chỉ trích ngay trong nội bộ Đảng cộng sản, với lý do đã "đánh giá thấp" quyết tâm của tổng thống Mỹ, cũng như không dự đoán được là việc thuế tăng sẽ ảnh hưởng mạnh đến các khu vực xuất khẩu ở miền đông và miền nam Trung Quốc, cũng như nhiều lĩnh vực công nghiệp trọng điểm khác. Ngay cả báo chí chính thống cũng thay đổi giọng điệu, khi thừa nhận rằng tình hình kinh tế Trung Quốc hiện nay là "rất nghiêm trọng", như ghi nhận của nhà nghiên cứu chính trị độc lập Hoa Pha (Hua Po), sống tại Bắc Kinh. Ông Hoa Pha cho biết nhiều doanh nghiệp phải đóng cửa, thất nghiệp gia tăng.

Cũng về tình hình nội bộ Trung Quốc, bài "Chiến tranh thương mại khiến Trung Quốc chia rẽ" của Le Figaro nói đến mong muốn của nhiều doanh nhân nước này. Le Figaro dẫn lại nhận định của nhà phân tích Duncun Clark, theo đó, khá đông chủ doanh nghiệp hy vọng là tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ gây áp lực với Bắc Kinh, để tiếng nói của khu vực kinh tế tư nhân của Trung Quốc được chính quyền lắng nghe.

Một dấu hiệu khác cho thấy sự lúng túng của Bắc Kinh là một hội nghị trung ương bàn về chiến lược kinh tế, dự kiến diễn ra vào mùa thu, đã bị dời lại, mà không hề có giải thích. Còn tại hội nghị công tác kinh tế trung ương thường niên, do Ban chấp hành trung ương Đảng cộng sản, phối hợp với chính phủ Trung Quốc tổ chức, diễn ra hồi tuần trước, ban lãnh đạo Bắc Kinh đã để ngỏ khả năng thỏa hiệp với Mỹ, nhưng gạt sang một bên chiến lược cải tổ sâu sắc mô hình Nhà nước hiện nay.

Đàn áp mạnh để củng cố nội bộ

Le Monde chú ý đến tình trạng "Trung Quốc sôi sục trước dịp kỷ niệm 30 năm thảm sát Thiên An Môn". Các nhà hoạt động nhân quyền, giới Thiên Chúa Giáo và kể cả những người Mao-ít là các đối tượng đàn áp. Hai trường hợp tiêu biểu được đưa ra là phiên tòa xử kín ngày 26/12, đối với luật sư Vương Toàn Chương (Wang Quanzhang), người cuối cùng trong số 200 nhà hoạt động bị bắt bớ hồi mùa hè 2015. Trường hợp thứ hai là lãnh đạo sinh viên Mao-ít Khưu Chiêm Huyên (Qiu Zhanxuan), bị bắt cũng vào ngày hôm qua, khi chuẩn bị tổ chức kỷ niệm 125 năm ngày Mao Trạch Đông ra đời.

Theo Le Monde, mục tiêu số một của ông Tập Cận Bình hiện nay là tìm mọi cách dẹp các tiếng nói bất đồng, để củng cố sự thống nhất trong đảng, hơn là tiến hành các cải cách về kinh tế.

Tổng thống Mỹ ngày càng độc đoán và cô đơn

Về phía nước Mỹ, tổng thống Donald Trump tuy gặt hái được một số thành công tạm thời trước Trung Quốc, nhưng bị chỉ trích là đang trở thành mối đe dọa với nhiều khu vực. Xã luận La Croix với tựa đề "Sự cô đơn của Donald Trump" nhận xét : "Là đệ tử của chủ trương "phá hủy sáng tạo", tổng thống Hoa Kỳ liên tục đưa ra những phát biểu chấn động, làm tan vỡ đa số quan hệ cân bằng mong manh, vốn đã được xây dựng một cách rất gian nan, từ hàng chục năm nay. Từ hai năm nay, ông Donald Trump đã trở thành một chuyên gia phá hoại".

La Croix nhắc đến quyết định nhanh chóng rút quân Mỹ khỏi Syria cách nay ít hôm làm lợi cho đối thủ Iran, việc tấn công vào Ngân Hàng Trung Ương Mỹ khiến các thị trường hốt hoảng, hay việc siết chặt quyền tị nạn buộc Tòa Án Tối Cao Mỹ phải can thiệp… như là các hành động khiến tổng thống Trump bị nhiều người thân cận rời bỏ, ngày càng trở nên cô lập. Càng cô lập, tổng thống Trump lại càng lún sâu vào chiếc bẫy của chính mình.

La Croix cảnh báo là, việc đưa ra các quyết định táo bạo để phá thế bế tắc là tốt, nhưng phải đi kèm với các giải pháp. Phong cách điều hành của tổng thống Mỹ hiện nay nhìn chung có hại cho nước Mỹ và phần còn lại của thế giới.

"Cỗ máy thương mại thế giới bị hỏng"

Về kinh tế thế giới trước thềm năm mới, báo Les Echos tỏ ra không lạc quan. Xã luận của nhật báo kinh tế với tựa đề "Cỗ máy thương mại thế giới bị hỏng" đưa ra dự báo là tăng trưởng của trao đổi thương mại quốc tế sẽ chậm hơn so với mức tăng của sản xuất hàng hóa.

Đây là điều hoàn toàn ngược lại với tình hình trước năm 2008, khi xuất khẩu tăng trưởng gấp đôi hoạt động sản xuất, và thương mại quốc tế được coi là động lực tăng trưởng toàn cầu, với sự mở cửa của các nước cộng sản cũ và các dây chuyền sản xuất được quốc tế hóa, đặc biệt nhờ công nghệ tin học. Xã luận Les Echos ghi nhận là con đường toàn cầu hóa kiểu như vậy giờ đã ở sau lưng chúng ta, và để thúc đẩy tăng trưởng trong tương lai, thế giới cần đến "một động lực mới".

Đối với các quốc gia phát triển, điều đó có nghĩa là phải ít dựa vào xuất khẩu hơn. Trong bộ ba Mỹ, Trung Quốc và Liên Âu, Les Echos cho rằng, Trung Quốc đã biết cách dựa vào sức mạnh riêng của họ, Hoa Kỳ của tổng thống Trump thì vẫn đang trong ảo ảnh quá khứ vĩ đại, Liên Âu lệ thuộc nặng vào xuất khẩu, cần phải có nỗ lực lớn để thích ứng.

Tít lớn trang nhất của Les Echos hôm nay là khủng hoảng chứng khoán Châu Âu những ngày cuối năm, tiếp theo khủng hoảng chứng khoán New York, sụt đến mức chưa từng thấy vào dịp trước Noel. La Croix tìm cách trả lời cho câu hỏi : Liệu chứng khoán thế giới có nguy cơ sụp đổ hay không ? "2018, năm đen đủi với các tập đoàn tin học Mỹ thuộc nhóm GAFA" là một hồ sơ chính khác của Les Echos.

Liên Âu "dẻo dai", nhưng thiếu dự án lớn

Tuy nhiên, tình hình Châu Âu không hẳn đã tệ như nhiều người thường nghĩ, Le Monde có bài bình luận của nhà báo Alain Franchon với tựa đề "2018, Liên Âu dẻo dai". Tác giả điểm lại một số điều làm nên thế mạnh của Châu Âu, trong đó đồng tiền chung euro. Cho dù bị nhiều chê trách, nhưng ngay cả các chính phủ "dân túy" phản đối đồng euro, như ở Ý, một khi lên nắm quyền cũng ngay lập tức phải từ bỏ dự định này.

Theo Alain Franchon, thế mạnh của Liên Âu là tiến từ từ thông qua các đàm phán liên tục để đạt các đồng thuận nhỏ. Sự đoàn kết của Liên Âu trong thương lượng về Brexit là một ví dụ. Tác giả cũng chỉ ra nhiều điểm yếu khiến Châu Âu không có được các đột phá, đó là thiếu vắng các dự án tập thể lớn của toàn Châu lục.

"Khủng hoảng Áo Vàng" : Một cơ may cho nước Pháp ?

Về tình hình nước Pháp trước thềm năm mới, La Croix giành tựa lớn trang nhất cho chủ đề Khủng hoảng Áo Vàng với câu hỏi "Đây có phải là một cuộc khủng hoảng có ích ?". Hồ sơ chính của tờ báo Công Giáo dành cho chủ đề "Phải chăng khủng hoảng Áo Vàng là một cơ may nước Pháp cần nắm lấy ?". La Croix đặt câu hỏi với triết gia Jean-Marc Ferry. Nhà triết học Pháp nhấn mạnh đến bốn vấn đề mà nước Pháp cần tìm cách giải quyết : Chống bất bình đẳng, hàn gắn rạn nứt do khác biệt quá lớn giữa các vùng miền, siết chặt quan hệ tương trợ xã hội và thúc đẩy nền dân chủ.

Le Monde Le Figaro cùng quan tâm đến "chính sách đánh thuế từ gốc", tức trừ thẳng vào lương, dự kiến sẽ được áp dụng từ ngày đầu năm mới 2019, một biện pháp có nguy cơ bị phản đối mạnh trong xã hội, đúng vào thời điểm Khủng hoảng Áo Vàng chưa chấm dứt.

Pháp : Thất nghiệp giảm, sức mua dự kiến tăng mạnh

Một tin vui đối với nước Pháp là tình trạng thất nghiệp trong năm 2018, theo Les Echos, được cải thiện so với 2017, nếu không tính số liệu của tháng 12. Số người thất nghiệp toàn phần tìm việc giảm hơn 50.000, còn 3,4 triệu người. Cuộc khủng hoảng Áo Vàng đầu tháng 12 này khiến tăng trưởng của Pháp giảm 0,1% GDP, có thể góp phần khiến thất nghiệp gia tăng.

Tuy nhiên, theo Le Monde, trong năm tới 2019, sức mua của người Pháp dự báo sẽ tăng manh, ở mức chưa từng có kể từ 12 năm nay, theo một nghiên cứu của văn phòng BIPE thuộc mạng lưới kiểm toán BDO. Người dân Pháp sẽ tìm lại được mức sống trước 2010, vốn đang có xu hướng tăng, nhưng đặc biệt sẽ tăng mạnh hơn nhờ các biện pháp mà tổng thống Emmanuel Macron vừa đưa ra để đáp ứng các đòi hỏi của phong trào Áo Vàng.

Các báo Pháp cũng đưa tin nhiều về vụ Vinci, tập đoàn quản lý sân bay tư nhân của Pháp, đứng đầu trong lĩnh vực này, vừa mua được hơn 50% cổ phiếu của sân bay Anh Luân Đôn-Gatwick, với 3,2 tỉ euro. Đây là sân bay thứ 46, tại 12 quốc gia, do tập đoàn Vinci quản lý hiện nay.

Khí hậu : Cuộc huy động chữ ký kỷ lục

Báo chí Pháp, đặc biệt là Le Monde có nhiều bài về cuộc huy động chữ ký nhằm chuẩn bị kiện Nhà nước Pháp đã không nỗ lực chống biến đổi khí hậu. Xã luận Le Monde đánh giá, với 1,8 triệu chữ ký trong chưa đầy một tuần lễ, đây là một thành công "chưa từng có" trong lịch sử nước Pháp. Le Monde cũng chỉ ra những khiếm khuyết trong cách tính toán chính xác lượng khí thải quốc gia của nước Pháp, đặc biệt do không tính đến các hàng hóa tiêu thụ tại Pháp, cũng tạo ra khí thải trong quá trình sản xuất, nhưng là ở nơi khác.

Tuy nhiên, vấn đề chủ yếu hiện nay với nước Pháp, theo Le Monde, là xã hội đang "lưỡng lự" và thậm chí "chia rẽ" trong mục tiêu chống biến đổi khí hậu. Chính vì vậy, chính phủ cũng bị đặt trong tình thế khó đưa ra chính sách quyết đoán. Nhưng theo Le Monde, "lựa chọn" cũng chính là trách nhiệm của người điều hành đất nước.

Biến đổi khí hậu 2018 : Ít nhất 2 triệu nạn nhân, hơn 150 tỉ đô la

Về tổng kết các thiệt hại do những hiện tượng khí hậu bất thường, do việc Trái đất bị hâm nóng, theo Le Monde, khoảng 2 triệu người bị chết, bị thương hoặc phải sơ tán trong năm 2018. Thiệt hại này là không thể tính đếm. Bên cạnh tổn thất về con người, chỉ riêng 10 thiên tai lớn nhất năm nay đã khiến nhân loại mất đi từ 85 tỉ đến 96 tỉ đô la. Theo Ngân hàng Thế Giới, thiệt hại mà các nhà bảo hiểm nêu ra thật ra chỉ bằng khoảng 60% so với thiệt hại thực sự. Theo các chuyên gia, đầu tư một đô la cho việc hãm lại đà Trái đất bị hâm nóng sẽ tránh các tổn thất kinh tế gấp từ 4 đến 6 lần.

Trọng Thành

Quay lại trang chủ
Read 570 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)