Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

10/03/2017

Trung Đông : Quân khủng bố nhà nước Hồi giáo ngày càng mất đất

RFI tiếng Việt

Syria : Hoa Kỳ tăng cường quân cho mặt trận Raqqa (RFI, 10/03/2017)

Washington đưa sang chiến trường Syria 400 Thủy quân lục chiến và một pháo đội 155 ly tiếp sức cho 500 chiến binh lực lượng đặc nhiệm tại chỗ. Nhiệm vụ của các đơn vị này là "yểm trợ" cho lực lượng địa phương Kurdistan-Syria (FDS) tái chiếm Raqqa, thủ phủ tự xưng của Daesh.

is1

Chiến xa của Lực Lượng Dân Chủ Syria (FDS), ở phía bắc Raqqa, Syria (Ảnh chụp ngày 03/02/2017)REUTERS/Rodi Said

Từ Washington, thông tín viên Anne-Marie Capomaccio phân tích :

"Lực lượng Mỹ đến Syria với nhiều mục đích. Trước hết là chuẩn bị tốt cho các chiến binh địa phương trước khi tung ra trận phản công cuối cùng vào Raqqa, thành phố lớn ở miền bắc Syria hiện vẫn còn nằm trong tay tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo Daesh. Thứ hai là cố vấn cho các cấp chỉ huy vào thời điểm quyết định bảo vệ hậu phương và yểm trợ không quân.

Các chiến binh Mỹ đã bắt đầu bố trí trên diện địa. Đây không phải là một cuộc chuyển quân bí mật mà được hành động công khai với xe bọc thép mang cờ Mỹ.

Sự kiện đưa thêm 400 quân vào chiến trường Syria nâng con số "cố vấn" Mỹ tại Syria lên gấp đôi.

Quyết định này, theo Lầu Năm Góc, đã được chuẩn bị từ trước. Kế hoạch đã được hoàn tất trước bầu cử tổng thống. Trước khi mãn nhiệm, tổng thống Obama cho phép triển khai trực thăng võ trang Apache. Những trực thăng này sẽ tham gia vào trận tái chiếm Raqqa".

Theo AFP, Bộ Ngoại giao Mỹ vừa cho biết sẽ triệu tập một hội nghị cấp ngoại trưởng 68 nước trong liên quân chống Daesh vào ngày 22/03/2017 tới đây. Hội nghị do ngoại trưởng Rex Tillerson chủ trì nhằm "thúc đẩy nỗ lực chung để đánh thắng thánh chiến Hồi Giáo tại Iraq và Syria".

Tú Anh

***************************

Syria : Thổ Nhĩ Kỳ muốn loại phe Kurdistan khỏi liên quân chiếm lại Raqqa (RFI, 10/03/2017)

is2

Một chiến binh thuộc Đơn Vị Bảo Vệ Nhân Dân Kurdistan, tại thành phố Ain Issi, bắc Raqqa, Syria - AFP PHOTO / DELIL SOULEIM

Tổng thống Recep Tayyip Erdogan đến thủ đô Matxcơva ngày 10/03/2017. Đây là chuyến viếng thăm Nga lần thứ hai của nguyên thủ Thổ Nhĩ Kỳ kể từ khi hai nước nối lại quan hệ vào mùa hè năm 2016.

Một phái đoàn hùng hậu tháp tùng tổng thống Erdogan nhân cuộc họp của ban kinh tế hỗn hợp giữa hai nước. Đối với Ankara, điều quan trọng là phải đạt được mức trao đổi thương mại mà hai nước đã từng có trước cuộc khủng hoảng ngoại giao.

Tuy nhiên, theo thông tín viên RFI Muriel Pomponne tại Matxcơva, chuyến công du lần này còn mang ý nghĩa chính trị, nổi cộm với hồ sơ Syria trong khi các bên đang chuẩn bị cuộc phản công nhắm vào Raqqa, thành trì của tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo tại Syria.

"Syria sẽ là chủ đề nổi cộm trong các cuộc đàm thoại giữa hai tổng thống Recep Tayyip Erdogan và Vladimir Putin. Cùng với Iran, hai nước Nga và Thổ Nhĩ Kỳ là đồng minh trong cuộc phản công vào Aleppo và tìm cách đạt được thỏa thuận ngừng bắn tại Syria.

Nhưng hiện nay, các bên bắt đầu giai đoạn phản công chống lại tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo. Thứ Ba (07/03), một cuộc gặp gỡ đã diễn ra tại Antalya (Thổ Nhĩ Kỳ) giữa các bộ tham mưu Nga, Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ nhằm thống nhất về tiến trình tấn công Raqqa, thành trì của Daesh tại Syria, và ít nhất, để tránh xảy ra đụng độ giữa các bên liên quân tham chiến. Hiện tại có ba nhóm đang hoạt động tại miền bắc Syria : quân đội Nga cùng với lực lượng của chính phủ Syria, quân đội Mỹ cùng với Lực Lượng Dân Chủ Syria (FDS), lực lượng người Ả Rập-Kurdistan và cuối cùng là quân đội Thổ Nhĩ Kỳ với lực lượng Quân Đội Tự Do Syria (ALS).

Thổ Nhĩ Kỳ muốn loại phe Kurdistan ra khỏi kế hoạch tấn công. Nhưng vì nhiều lý do trên thực địa, yêu cầu của Ankara ít có cơ hội được thỏa mãn. Tuy nhiên, tổng thống Erdogan vẫn sẽ nêu đề nghị của mình với phía Nga. Trong mọi trường hợp, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ đưa ra đòi hỏi rằng lực lượng người Kurdistan chiếm ít vị trí nhất có thể được trong quá trình chuyển tiếp chính trị tại Syria và trong dự thảo Hiến Pháp".

Thủ tướng Israel cảnh báo Nga âm mưu "hủy diệt dân tộc Do Thái" của Iran

Nga đang cố duy trì mối quan hệ hữu hảo với các nước ở khu vực Trung Đông. Ngày 09/03/2017, nhân chuyến công du Nga, thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã gay gắt chỉ trích Iran, một đồng minh của Nga tại Trung Đông, vì nước Cộng Hòa Hồi Giáo này muốn tiếp bước cha ông "hủy diệt dân tộc Do Thái". Tuy nhiên, tổng thống Putin lại khuyên Israel lật sang trang mới vì "chuyện đó xảy ra vào thế kỷ V trước công nguyên". Người đứng đầu điện Kremlin nhấn mạnh : "Hiện nay, chúng ta đang sống trong một thế giới khác. Vậy chúng ta hãy nói về thế giới này".

Iran bị Israel coi là kẻ thù số một. Nước Cộng Hòa Hồi Giáo không công nhận sự tồn tại của Israel. Trong khi đó, theo AFP ngày 09/03, lực lượng Vệ Binh Cách Mạng Iran đã bắn thử thành công một quả tên lửa Hormuz-2, trúng mục tiêu cách 250 km ngoài biển Oman. Loại tên lửa mới này của Iran có thể bắn trúng mục tiêu cách 300 km. Vụ thử trên được tiến hành vào đúng thời điểm quan hệ giữa Iran và Hoa Kỳ trở nên căng thẳng hơn từ khi Teheran cáo buộc Mỹ gây "căng thẳng" ở vùng Vịnh sau loạt sự cố vào tuần trước.

Thu Hằng

**********************

Iraq : Chiến dịch tái chiếm Mosul, Daesh vẫn kháng cự quyết liệt (RFI, 09/03/2017)

is3

Một tay súng bắn tỉa của quân đội Iraq tại Mosul, ngày 07/03/2017. REUTERS/Thaier Al-Sudani

Sau khi thông báo đã chiếm được phía đông thành Mosul, quân đội Iraq đang tiếp tục tiến đánh khu vực phía tây. Tuy nhiên, chiến dịch tái chiếm hoàn toàn Mosul của quân đội Iraq vẫn còn rất khó khăn và đầy hiểm nghèo.

Thông tín viên RFI tại Trung Đông Orian Verdier cho biết thêm thông tin :

Những ngày gần đây, quân thánh chiến đã tiến hành một trận phản công dữ dội. Cách nay hai hôm, quân đội Iraq khẳng định kiểm soát lại được tòa nhà hành chính của Mosul. Nhưng không lâu sau tuyên bố này, quân của tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo đã bao vây quân đội Iraq. Binh sĩ Iraq càng tiến gần đến trung tâm thành phố, cuộc chiến càng nguy hiểm và phức tạp. 

Tại khu vực này của Mosul, do đường phố nhỏ hẹp và dân cư đông đúc, các cuộc giao tranh đã gây ra nhiều nạn nhân cả phía quân nhân lẫn dân sự. Có rất nhiều nguyên do. Quân thánh chiến xả súng vào những gia đình nào tìm cách chạy trốn. Những thường dân đó cũng có thể bị trúng đạn rốc-kết hay đạn lạc trong lúc có chiến sự. 

Và rồi ngày càng có nhiều thường dân là nạn nhân từ các đợt oanh kích của liên quân quốc tế. Hôm qua, tôi có mặt tại bệnh viện Irbil. Một người đàn ông thuật lại là đã tìm được 10 thi hài thành viên gia đình trong đống đổ nát. Nhiều đợt oanh kích có lẽ đã nhắm vào vùng này vào lúc quân thánh chiến chiếm lấy vị trí để chống lại quân đội.

Mặt khác, theo một quan chức thuộc bộ Quốc Phòng Mỹ, lãnh đạo quân thánh chiến Daesh Abu Bakr al-Baghdadi dường như không còn ở Mosul nữa. Đây cũng là nơi người này xuất hiện công khai một lần duy nhất vào tháng 7/2014. Hoa Kỳ cho rằng, ít lâu sau khi các chiến binh Hồi giáo chiếm được thành phố lớn thứ hai này của Iraq, Abu Bakr al-Baghdadi có thể không còn ảnh hưởng chiến thuật nào lên cách tiến hành các trận đánh. 

Liên quan đến Syria, Hoa Kỳ đã cho triển khai một dàn hỏa pháo để hỗ trợ trận tấn công vào Raqqa. Sự việc đánh dấu một chuyển hướng mới về nhiệm vụ của binh sĩ Mỹ tại Syria. Trả lời Washington Post, một quan chức Quốc Phòng Mỹ xác nhận dàn hỏa pháo có cỡ nòng 155mm đã đến Syria và "sẵn sàng thực thi nhiệm vụ".

Minh Anh

Quay lại trang chủ
Read 727 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)