Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

20/02/2019

Điểm báo Pháp - Pháp : Nạn bài Do Thái trỗi dậy

RFI tiếng Việt

Pháp : Nạn bài Do Thái trỗi dậy khi thực trạng xã hội bị mất cân bằng

Nạn bài Do Thái trỗi dậy tại Pháp là chủ đề chính trên các nhật báo Pháp số ra ngày 20/02/2019. Gần 100 ngôi mộ của người Do Thái ở nghĩa trang Quatzenheim (vùng Bas-Rhin, miền đông nước Pháp) bị bôi bẩn và vẽ hình chữ thập Đức quốc xã ; những lời xúc phạm cực đoan, bài Do Thái mà nạn nhân là nhà triết học Alain Finkielkraut bên lề cuộc biểu tình Áo Vàng vào cuối tuần trước, những sự kiện này đã khiến công luận Pháp phẫn nộ và lên án.

bai1

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron viếng nghĩa trang người Do Thái bị bôi bẩn ở Quatzenheim, miền đông nước Pháp. Ảnh ngày 19/02/2019. Frederick Florin/Pool via Reuters

Tối 19/02/2019, 15 chính đảng Pháp và đông đảo người dân đã tập trung tại quảng trường Cộng hòa (Paris) để bày tỏ "Nước Pháp nói không với chủ nghĩa bài Do Thái" theo nhận xét của Le Figaro ; "Bài Do Thái : Vấn đề liên quan đến tất cả mọi người" là nhận định của La Croix. Hàng nghìn người tập hợp tối qua thể hiện "Nền Cộng hòa phản đối chủ nghĩa bài Do Thái", theo hàng tựa trên trang nhất của Libération.

Theo xã luận của Libération, họ muốn "thể hiện tinh thần tương ái quốc gia đối với người Pháp gốc Do Thái bị tổn thương, bàng hoàng vì những hành động hận thù lặp đi lặp lại". Tấn công vào người Pháp gốc Do Thái là tấn công vào mọi công dân Pháp. Bởi vì, thứ nhất, giữa nền Cộng hòa và người Pháp gốc Do Thái có một thỏa thuận lịch sử : Mọi người đều có quyền bình đẳng, trong đó có cả người gốc Do Thái.

Tiếp theo, đã đến lúc phải nhắc lại rằng một xã hội bị ám ảnh bản sắc và tự do nhận theo một nhóm tôn giáo hay tộc người phải tự loại trừ vào thời điểm lựa chọn trước các nguyên tắc toàn cầu, đã được công bố năm 1789 và đã kéo dài trong suốt các cuộc đấu tranh vì công bằng. Khi một số người bị tấn công, công dân Pháp cần đoàn kết để bảo vệ những di sản dân chủ và cộng hòa, được cho là thành trì vững chắc duy nhất để chống lại những hành động thiếu khoan dung.

Tại sao tình trạng bài Do Thái lại trỗi dậy vào thời điểm này ? Theo giáo sư Alain Chouraqui, trong bài phỏng vấn trên Le Monde, "lịch sử Châu Âu cho thấy rằng tình trạng bài Do Thái là chỉ số biểu lộ của một hiện trạng xã hội bất ổn. Người Do Thái thường được xem là thuộc tầng lớp tinh hoa, trong đó có giới trí thức và tài chính, và khi một phong trào tấn công vào giới tinh hoa, thì cũng nhanh chóng tấn công vào người Do Thái". Dù đối lập về hệ tư tưởng, cả hai phe cựu tả, cực hữu tham gia phong trào Áo Vàng có hai điểm chung từng khiến họ xích lại gần nhau trong lịch sử : bác bỏ hệ thống và bài người Do Thái.

Xuống đường để lên án "lòng hận thù đang lan rộng", thể hiện tình đoàn kết với cộng đồng Do Thái và sự gắn bó với nền Cộng hòa, nhưng theo xã luận của La Croix, những người tham gia tập trung tối hôm qua hiểu rằng hành động của họ sẽ không chấm dứt được sự tình trạng bài Do Thái. Nhưng "làm thế nào để ngừng sự thù hận ?" là câu hỏi được liên tục đặt ra trong "cuộc tập trung chống bài Do Thái", theo Libération. Phải chăng đã đến lúc cần tăng cường luật pháp, trong đó liên quan đến cả những lời lẽ hằn thù lan rộng trên mạng xã hội mà hiện nay vẫn không bị trừng phạt ?

Pháp - Đức hợp tác thúc đẩy xuất khẩu vũ khí

Pháp và Đức muốn cứu ngành công nghiệp Châu Âu trước hai đối thủ nặng ký Trung Quốc và Hoa Kỳ. Ngày 19/02/2019, bộ trưởng kinh tế hai nước nhấn mạnh rằng đã đến lúc Liên Hiệp Châu Âu phải đề ra một chiến lược công nghiệp chung ngay trong thượng đỉnh diễn ra vào tháng Ba.

Theo nhận định của nhật báo kinh tế Les Echos, "Paris và Berlin muốn tạo ra những nhà vô địch Châu Âu". Nguyện vọng này được thể hiện rõ trong việc chuẩn bị một chính sách công nghiệp phù hợp với thế kỷ XXI. Và lĩnh vực áp dụng đầu tiên là pin điện. Công ty liên doanh sẽ nhận được 1,7 tỉ euro đầu tư ban đầu từ vốn nhà nước và sẽ thành lập hai nhà máy ở Đức và Pháp. Các thành viên Liên Hiệp Châu Âu khác được mời tham gia dự án.

"Paris và Berlin muốn thay đổi quy định để xây dựng ngành công nghiệp tương lai của Châu Âu" là nhận định của Le Figaro nhằm hành động và để không còn bị phụ thuộc vào cạnh tranh từ Trung Quốc và Hoa Kỳ. Quan ngại này được bộ trưởng kinh tế Pháp Bruno Le Maire nhấn mạnh trong phát biểu : "Châu Á tiến lên, Trung Quốc mở rộng, những con đường tơ lụa đang nuốt hết trên đường tiến, vậy mà Châu Âu lại bất động".

Vấn đề đặt ra là nếu Pháp đã quen với kiểu chiến lược công nghiệp, thì dự án này lại là một cuộc cách mạng nhỏ bên phía Đức, nơi ngành công nghiệp thường không lẫn lộn với chính trị. Thất bại rút ra từ trường hợp hợp nhất Siemens và Alstom là bài học cho cả hai nước nên Berlin và Paris muốn thay đổi quy định về cạnh tranh.

Châu Âu bị chia rẽ vì số phận của công dân tham gia thánh chiến

Chỉ bằng hai tin nhắn trên Twitter : "Chúng tôi rút" và "Không có giải pháp thay thế, vì chúng tôi có lẽ buộc phải thả họ", tổng thống Mỹ Donald Trump đang khiến Liên Hiệp Châu Âu bối rối về việc tiếp nhận lại công dân tham gia thánh chiến ở Syria và Iraq.

Le Monde nhận định : "Liên Hiệp Châu Âu bị chia rẽ về số số phận của công dân tham gia thánh chiến" vì không thông qua được một lập trường chung. Lãnh đạo ngành ngoại giao Châu Âu Federica Mogherini thông báo "sẽ không có quyết định ở cấp Liên Hiệp Châu Âu. Quyết định thuộc thẩm quyền của mỗi chính phủ".

Để công dân Châu Âu tham gia thánh chiến ở lại Syria và Iraq, kiểm soát việc họ trở về Châu Âu từng trường hợp một hoặc bắt giữ họ ngay khi họ đến biên giới ? Cả ba giải pháp đều không thuyết phục hoàn toàn các thành viên Liên Hiệp Châu Âu.

Thái tử Saudi Arabia khuấy động căng thẳng Ấn Độ-Pakistan

Thời sự Châu Á nổi bật với chuyến công du hai nước Nam Á của thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman (MbS).

Đánh giá về hai chuyến công du này, Les Echos cho rằng "Riyadh đặt cược cùng lúc vào cả Ấn Độ và Pakistan" để tìm kiếm đối tác và gây ảnh hưởng, khẳng định vị trí số 1 trên thế giới về dầu lửa. Thái tử Saudi Arabia cho rằng chuyến công du của mình nhằm "góp phần giảm căng thẳng" giữa Ấn Độ và Pakistan.

Tuy nhiên, nhật báo Le Figaro không chia sẻ cùng quan điểm và cho rằng "MbS khuấy động căng thẳng giữa Ấn Độ và Pakistan". Le Figaro cho rằng thái tử Saudi Arabia đã phạm sai lầm khi kết hợp chuyến thăm chính thức Pakistan và đến Ấn Độ - hai cường quốc hạt nhân, hai nước láng giềng nhưng luôn căng thẳng với nhau.

Đến Islamabad vào Chủ Nhật tuần trước, Mohammed bin Salman trở về nước tối thứ Hai và sau đó bay đến New Delhi vào thứ Ba 19/02/2019. Hai chuyến công du diễn ra dường như không đúng thời điểm do cuộc khủng bố đẫm máu nhắm vào quân đội Ấn Độ do một tổ chức khủng bố ở Pakistan tiến hành. Vậy mà, trong chuyến công du Pakistan, MbS không một lần lên án tổ chức khủng bố Jaish-e-Mohammed. Thêm vào đó, trong khi Ấn Độ tìm cách cô lập nước láng giềng trên trường quốc tế, thái tử Saudi Arabia lại tuyên bố đầu tư vào nước đồng minh Pakistan 21 tỉ đô la.

Ấn Độ cũng phụ thuộc nhiều mặt vào Saudi Arabia, như dầu lửa-khí đốt và 2,7 triệu lao động Ấn Động đang làm việc ở quốc gia Trung Đông và hàng năm gửi về nước 11 tỉ đô la. Chỉ còn ba tháng sẽ diễn ra bầu cử Quốc hội tại Ấn Độ, chính phủ của thủ tướng Modi có thể được hưởng lợi nếu MbS biến những lời hứa đầu tư thành hiện thực, đặc biệt trong lĩnh vực năng lượng, trong bối cảnh đảng BJP của thủ tướng Modi bị chỉ trích về những kết quả xấu trong lĩnh vực kinh tế.

Brexit làm Anh Quốc khan hiếm dược phẩm

Trên lĩnh vực xã hội, nhật báo Le Monde có bài phóng sự về nguy cơ khan hiếm biệt dược tại Anh Quốc. Trước thời hạn Brexit, rất nhiều người bệnh tìm đủ cách để tích thuốc điều trị dù bị cấm.

Tình trạng khan hiếm thuốc không phải chỉ do Brexit gây ra, mà còn do hai nhà máy dược phẩm của Anh đã bị mất giấy chứng nhận vào năm 2017. Thêm vào đó là một số hóa chất xuất xứ từ Trung Quốc và Ấn Độ ngày càng khan hiếm trên thị trường. Tuy nhiên, "bất trắc xung quanh Brexit làm vấn đề thêm căng thẳng", theo nhận định của ông Simon Dukes, giám đốc Ủy Ban đàm phán về dịch vụ dược phẩm Anh (PSNC).

Để đối phó với khả năng khan hiếm thuốc, chính quyền Anh đã đưa ra một số biện pháp : ra lệnh cho các phòng bào chế Anh trữ thêm kho thuốc nhiều hơn sáu tuần so với thông thường ; ký hợp đồng thuê nhiều máy bay và tầu thủy để sẵn sàng vận chuyển các mặt hàng khẩn cấp ; các hiệp hội về các căn bệnh thường xuyên lập báo cáo tình hình trên thực địa.

Ẩn sau mối lo lắng là sự thiếu tin tưởng của người dân đối với chính phủ Anh. Chính quyền thường xuyên nhắc lại rằng mọi chuyện sẽ ổn, nhưng cho tới nay vẫn từ chối công bố các bước chuẩn bị của mình.

Pháp cũng thiếu thuốc men

Không chỉ Anh, mà Pháp cũng đang trải qua giai đoạn thiếu thuốc men mà theo Le Figaro, tình trạng này chưa bao giờ lại làm "các phòng bào chế lo ngại" đến như vậy.

Ví dụ có 538 lần thiếu thuốc được thống kê trong năm 2017, so với 400 lần trong năm 2014. Một phần ba dân Pháp gặp phải tình trạng này trong 6 tháng vừa qua. Những loại thuốc bị thiếu là các loại vacxin, thuốc chống ung thư, chống động kinh.

Để đối phó với tình trạng này, trong kế hoạch hành động, các nhà công nghiệp dược phẩm đã tăng cường bắt buộc đảm bảo kho dự trữ đối với những loại thuốc ưu tiên, tương đương với khoảng 5% đến 10% kho thuốc của Pháp ; kêu gọi Nhà nước thay đổi cơ chế gọi thầu bệnh viện, hiện hạn chế ở một hoặc hai nhà cung cấp ; tạo điều kiện cho việc duy trì hoặc di dời trong khu vực Châu Âu các khu sản xuất hoạt chất cho các loại thuốc cần thiết. Theo Le Figaro, đây là cách để đảm bảo "tính độc lập dịch tễ" của Châu Âu.

Karl Lagerfeld, cây đại thụ thời trang thế giới, qua đời

Thế giới vừa mất gương mặt tiêu biểu của làng thời trang, nhà tạo mẫu người Đức Karl Lagerfeld, qua đời hôm 19/02, thọ 85 tuổi. Cuộc đời, sự nghiệp, những kỷ niệm về nhà thiết kế thời trang, giám đốc nghệ thuật của Chanel được nhiều nhật báo đăng tải.

Le Figaro dành nguyên phụ trang "Le Figaro et vous" để nói về "Monstre sacré" (Quái vật linh thiêng), người cuối cùng kết nối thời kỳ hoàng kim của thời trang và ngành công nghiệp may mặc toàn cầu hóa. Từ năm 1983, nhà thiết kế người Đức, đam mê văn hóa-văn minh Pháp, đã trở thành hình ảnh không thể tách rời của Chanel.

Theo Les Echos, mất Karl Lagerfeld, thương hiệu Chanel bổ nhiệm Virginie Viard, cánh tay phải của nhà tạo mẫu, vào vị giám đốc nghệ thuật tạm quyền, trong khi chờ đợi tìm được một gương mặt mới, ấn tượng, sáng tạo thay thế "quái vật linh thiêng cuối cùng".

Thu Hằng

Quay lại trang chủ
Read 480 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)