Pháp và Châu Âu mong đợi gì từ chuyến công du Paris của Tập Cận Bình ? (RFI, 25/03/2019)
Đáp lời mời của tổng thống Pháp Emmanuel Macron nhân chuyến công du Bắc Kinh năm 2018, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có chuyến thăm cấp Nhà nước tại Paris trong vòng ba ngày, bắt đầu từ ngày 24/03/2019. Vậy Bắc Kinh muốn gì từ Paris và Bruxelles ? Và phản ứng của Pháp và Châu Âu ra sao ?
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại buổi ký kết thỏa thuận với Ý tại Villa Madama, Roma, ngày 23/03/2019. Reuters/Yara Nardi
Theo giới quan sát, chuyến đi của Tập Cận Bình nhằm thực hiện một "chiến dịch ve vãn" nước Pháp và Liên Hiệp Châu Âu. Hoạt động ngoại giao này diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc và Hoa Kỳ lao vào một cuộc chiến thương mại chưa từng có. Nền kinh tế của Trung Quốc bị trì trệ và dự án "Con đường Tơ Lụa Mới" đi từ Á sang Âu, qua cả Châu Phi vẫn gặp phải sự chần chừ, do dự, thậm chí là lo ngại từ phía các nước Châu Âu.
Nhận định về chuyến thăm Pháp, ông Jean-Paul Tchang, chuyên gia về kinh tế và đồng sáng lập viên tờ La Lettre de la Chine – Thư từ Trung Quốc, trên đài truyền hình France Info cho rằng "Trung Quốc hy vọng lôi kéo được Pháp có một cái nhìn tích cực hơn về mối quan hệ hợp tác với Trung Quốc" và đây sẽ là "một thông điệp cho các đối tác Châu Âu khác".
Do vậy, ông Tập Cận Bình, trong mục diễn đàn trên Le Figaro đã ca ngợi hết lời mối quan hệ hữu hảo giữa Trung Quốc và Pháp từ 55 năm qua và kêu gọi gia tăng hợp tác thương mại và đầu tư. Ông đặc biệt nhấn mạnh đến các lĩnh vực mà đôi bên có thể thắt chặt hợp tác nhiều hơn như năng lượng hạt nhân, hàng không, không gian, nông nghiệp và cả trong công nghiệp.
Thế nhưng, những lời mời mọc hợp tác "đôi bên cùng có lợi" của ông Tập Cận Bình cũng không làm xóa tan được mối ngờ vực của giới chuyên gia Pháp về tham vọng bá quyền của Bắc Kinh và nhất là tìm cách thâu tóm các ngành công nghệ mũi nhọn của Châu Âu thông qua các dự án đầu tư.
Theo bà Sophie Boisseau de Rocher, Trung tâm Châu Á, Viện Quan hệ Quốc tế Pháp trên làn sóng RFI, điểm yếu của Bắc Kinh hiện nay là chưa đủ tự tin nâng cấp công nghệ của mình trong khi Châu Âu vẫn là một sân chơi hấp dẫn trong lĩnh vực này. Vì vậy, trong trước mắt, Bắc Kinh vẫn còn cần đến Lục Địa Già. Làm thế nào lôi kéo các ngành công nghệ của Châu Âu vào mạng lưới công nghệ Trung Quốc để rồi sau đó áp đặt các chuẩn mực của mình là mục tiêu chính trong dài hạn của Bắc Kinh.
Đây chính là điểm khiến cho tổng thống Pháp và một số đồng nhiệm Châu Âu lo ngại, theo như giải thích của bà Sophie Boisseau de Rocher : "Châu Âu lo ngại đây là một dự án bá quyền. Có nghĩa là nếu dự án được thực hiện và khai thác như phía Trung Quốc trình bày thì người ta thấy là các nguồn tài chính, nhân lực và sản phẩm, tất cả đều là của Trung Quốc. Gần 90% dự án Con đường tơ lụa hoạt động với các sản phẩm, chuẩn mực của Trung Quốc. Đây hoàn toàn không phải là dự án mà các bên cùng có lợi, có đi có lại, như phía Trung Quốc rao giảng. Không thể chấp nhận một dự án được thực hiện trong các điều kiện như vậy tại Châu Âu.
Đối với Châu Âu, điều quan trọng hiện nay là phải thuyết phục Tập Cận Bình và giới lãnh đạo ở Bắc Kinh xem xét lại dự án của họ, để Châu Âu không cảm thấy bị thiệt thòi, tổn hại lợi ích do việc thực hiện dự án Con đường tơ lụa, làm sao để dự án có thể đóng góp một cách đầy đủ vào sự phát triển của Châu Âu. Và quả thực, Châu Âu đã điều chỉnh được phần nào sự lệch lạc của dự án ban đầu mà tôi vừa nói tới".
Tóm lại, liệu chủ nhân điện Elysée có cưỡng lại được những bẫy mồi do Tập Cận Bình giăng ra hay không ? Làm thế nào thuyết phục và kìm hãm được tham vọng bá quyền của Trung Quốc ? Đây sẽ làm một bài toán khó đối với tổng thống Emmanuel Macron.
Minh Anh
******************
Nghênh tiếp Tập Cận Bình, Macron muốn Bắc Kinh bớt tham vọng bá quyền (RFI, 25/03/2019)
Sau chuyến ghé thăm chớp nhoáng Monaco và buổi gặp riêng rồi ăn tối cùng tổng thống Pháp Emmanuel Macron tại thị trấn Beaulieu-sur-Mer, vùng Côte d’Azur, miền nam nước Pháp vào hôm qua, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã lên Paris hôm nay, 25/03/2019, chính thức bắt đầu ba ngày công du cấp Nhà Nước tại Pháp.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trước đội quân danh dự tại Khải Hoàn Môn Paris (Pháp) ngày 25/03/2019. Francois Mori/Pool via Reuters
Theo AFP, khi nghênh đón ông Tập Cận Bình, tổng thống Pháp sẽ cố thuyết phục Trung Quốc chấp nhận hành xử theo các quy tắc trong quan hệ đa phương, trong bối cảnh nội bộ Liên Hiệp Châu Âu đang chia rẽ trước cuộc tấn công ngoại giao - thương mại của Bắc Kinh.
Sau nghi thức đón tiếp long trọng dưới chân Khải Hoàn Môn Paris, là cuộc hội kiến giữa hai lãnh đạo Pháp-Trung tại điện Elysées, theo sau là một cuộc tiếp xúc với báo chí, trước buổi đại yến chính thức.
Như thông lệ, chuyến công du là dịp để hai bên ký kết các hợp đồng thương mại hay thỏa thuận hợp tác, nhưng đối với giới quan sát, vế quan trọng hơn cả sẽ là hội nghị thượng đỉnh 3+1 vào ngày mai, 26/03, giữa chủ tịch Trung Quốc một bên, và bên kia là tổng thống Pháp, thủ tướng Đức cùng với chủ tịch Ủy Ban Châu Âu.
Cuộc họp theo sáng kiến của ông Macron phản ánh chủ trương của nước Pháp muốn thúc đẩy một lập trường chung của Liên Hiệp Châu Âu nhằm thúc giục Trung Quốc giảm bớt các tham vọng đang làm thay đổi cục diện của thế giới, và ảnh hưởng đến các lợi ích của Châu Âu.
Một trong những mũi tiến công của Bắc Kinh vào Châu Âu hiện đang khiến Paris, Berlin và Bruxelles quan ngại là Sáng Kiến Một Vành Đai Một Con Đường của chính chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Bắc Kinh mới đây đã chiêu dụ được Ý, một cường quốc G7 từng là một trong những sáng lập viên Liên Hiệp Châu Âu. Rôma đã đi theo Trung Quốc bất chấp thái độ bất bình của các đồng minh.
Ngay hôm qua, sau buổi ăn tối với chủ tịch Trung Quốc, tổng thống Pháp đã xác định trong một tin nhắn twitter rằng "chuyến công du này (của ông Tập Cận Bình) sẽ củng cố quan hệ đối tác chiến lược Pháp-Trung Quốc và khẳng định vai trò của Pháp, Châu Âu và Trung Quốc trong việc ủng hộ mạnh mẽ chủ nghĩa đa phương".
Trọng Nghĩa
***********************
Con đường tơ lụa gập ghềnh của Trung Quốc ở Pháp (RFI, 25/03/2019)
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đặt chân đến Pháp từ hôm qua, 24/03/2019, sau chuyến thăm nước Ý, nơi mà sáng kiến Một Vành Đai Một Con Đường của ông - tên tắt tiếng Anh là BRI – đã gặt hái nhiều kết quả. Tuy nhiên, theo giới quan sát, nhân 3 ngày công du Pháp, chính thức khởi sự hôm 25/03, sáng kiến còn được gọi là Con đường tơ lụa mới có rất nhiều khả năng không được đón tiếp thuận lợi do thái độ nghi kỵ của Pháp.
Tổng thống Pháp Macron đón tiếp chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Binh tại Villa Kérylos, Beaulieu-sur-Mer, gần Nice, miền nam Pháp, tối 24/03/2019. Reuters/Jean-Paul Pelissier
Trên danh nghĩa, sáng kiến của Trung Quốc về việc xây dựng cả một hệ thống hạ tầng cơ sở, đường sắt, đường biển nối liền các quốc gia từ Á sang Âu sẽ thúc đẩy giao thương và hợp tác có lợi cho tất cả các nước. Thế nhưng đối với Pháp cũng như là nhiều thành viên Liên Hiệp Châu Âu, đây là những con đường trên thực tế không phải là hai chiều như Bắc Kinh luôn phô trương, mà chủ yếu phục vụ cho lợi ích của Trung Quốc.
Quan điểm rất dè dặt của Paris về Con đường tơ lụa mới
Ngay từ trước lúc chủ tịch Trung Quốc đặt chân xuống Pháp, Paris đã liên tiếp tung ra nhiều tín hiệu, nêu rõ quan điểm dè dặt của Pháp đối với sáng kiến của ông Tập Cận Bình.
Nhân chuyến viếng thăm Nairobi, thủ đô xứ Kenya ở Châu Phi hôm 13/03/2019, dù không nêu đích danh, nhưng tổng thống Pháp Emmanuel Macron như đã gởi một thông điệp đến Trung Quốc, vốn hiện diện mạnh mẽ ở Châu Phi, khi nhắc đến "những con đường tơ lụa" trong lịch sử vốn không hề là những con đường một chiều.
Tổng thống Pháp đã nói nguyên văn : "Các con đường tơ lụa là những con đường được Marco Polo mở ra và đã hoạt động hai chiều".
Ngoại trưởng Pháp Jean Yves Le Drian thì nói thẳng hơn một chút. Trên kênh truyền hình Pháp BFMTV hôm thứ Sáu 22/03 vừa qua, ông đã xác định rằng "Nếu cần nói về một Con đường tơ lụa mới, thì đó phải là một con đường đi theo cả hai chiều".
Trong bối cảnh đó, giới phân tích cho rằng trong các cuộc tiếp xúc với ông Tập Cận Bình nhân dịp ông thăm Pháp, tổng thống Macron sẽ nhấn mạnh trên yếu tố "hỗ tương" trong vấn đề tiếp cận thị trường Trung Quốc, cho đến nay vẫn còn khép kín đối với phương Tây.
Theo hãng tin Pháp AFP, một điểm khác cũng sẽ được ông Macron nêu lên là quan ngại của Pháp và Châu Âu trước các đòi hỏi từ phía Bắc Kinh, buộc các công ty xí nghiệp nước ngoài phải chuyển giao công nghệ thiết yếu nếu muốn đầu tư vào Trung Quốc.
Con đường tơ lụa vận hành với hơn 90% sản phẩm Trung Quốc
Đối với giới chuyên gia Pháp, việc Paris cũng như một số nước Châu Âu dè dặt trước dự án Một Vành Đai Một Con Đường của Trung Quốc không phải là không có cơ sở.
Trả lời RFI, chuyên gia Pháp Sophie Boisseau du Rocher thuộc Viện Nghiên Cứu Quan Hệ Quốc Tế Pháp IFRI, tác giả quyển biên khảo "Trung Quốc l(v)à thế giới - La Chine e(s)t le monde" giải thích :
"Các con đường tơ lụa hoạt động với hơn 90% là sản phẩm Trung Quốc, sản phẩm tài chính, hạ tầng cơ sở v.v… Và đó hoàn toàn không phải là đề án hai bên cùng có lợi mà Trung Quốc rao bán cho chúng ta. Không thể mở ra các con đường tơ lụa đó ở Châu Âu trong những điều kiện như vậy.
Do đó, vấn đề quan trọng hiện nay là phải thuyết phục ông Tập Cận Bình và ê kíp của ông ấy rằng họ cần xem xét lại "bài bản"của họ, sao cho Châu Âu không bị thiệt khi thực hiện dự án các con đường tơ lụa, mà ngược lại có thể đóng góp đầy đủ vào sáng kiến đó, tức là làm sao điều chỉnh lại phần nào sự mất cân đối được nêu lên".
Yêu cầu Bắc Kinh "sửa bài", theo nữ chuyên gia Pháp, rất cần thiết vì một trong những mục tiêu của các con đường tơ lụa mới đó là tiếp cận Châu Âu để thụ hưởng công nghệ học tiên tiến của Châu Âu :
"Điều mà Trung Quốc quan tâm là trở thành cường quốc số 1 thế giới, có năng lực áp đặt công nghệ học của họ, những phát minh sáng chế của họ, các tiêu chuẩn của họ trên phần còn lại của thế giới, như Mỹ có lúc đã từng làm.
Châu Âu là một địa bàn có công nghệ học và phát minh sáng chế cao cấp, cho nên Trung Quốc rất quan tâm, không chỉ để thâu tóm công nghệ học mà còn để tạo ra những loại công nghệ mà họ sẽ áp đặt cho chúng ta về sau".
Vai trò của Pháp
Theo chuyên gia Valérie Niquet, thuộc trung tâm nghiên cứu chiến lược FRS, trả lời RFI, thì vẫn còn thời gian để Pháp và Châu Âu xoay chuyển tình thế, với một Trung Quốc sẵn sàng thương lượng hơn trước đây :
"Trung Quốc bị tác hại từ cuộc chiến thương mại với Mỹ và Donald Trump nhiều hơn là họ thừa nhận. Tăng trưởng của Trung Quốc tiếp tục chậm lại, cho nên họ cần đến Châu Âu và Pháp. Paris đóng một vai trò đặc biệt quan trọng từ khi có Brexit, do việc Pháp đã trở thành một động lực của Liên Hiệp Châu Âu.
Trung Quốc hy vọng có được hậu thuẫn của Pháp, hay ít ra đảo ngược tình thế hiện nay vì ở Bắc Kinh, giới lãnh đạo đã cảm nhận được là hình ảnh một Trung Quốc oai phong, có thể mang lại giải pháp cho mọi cuộc khủng hoảng kinh tế mà thế giới kinh qua, đã bị sứt mẻ nhiều, và chủ đề nóng hiện nay là yêu cầu Bắc Kinh có qua có lại, mở cửa thị trường, điều mà cho đến bây giờ Trung Quốc không muốn đáp ứng cho các tác nhân Pháp".
Tuy nhiên, cuộc đọ sức Mỹ-Trung hiện nay có thể tác động ngược lại đối với Châu Âu. Chuyên gia Emmanuel Dubois de Prisque, thuộc tạp chí Monde Chinois - Nouvelle Asie phân tích :
"Cách đây không lâu Trung Quốc đã thông qua một văn kiện để đầu tư nước ngoài vào Trung Quốc được dễ dàng hơn, cho nên tôi nghĩ là thỏa thuận về đầu tư có cơ may tiến triển.
Tuy nhiên đối với Trung Quốc, khả năng nhượng bộ, dễ dãi đối với Châu Âu sẽ rất tế nhị, mặc dù họ đã sẵn sàng nhượng bộ nhiều đối với Mỹ.
Đứng về góc độ thương mại quốc tế, Trung Quốc thiên về việc nhượng bộ Mỹ, vì Donald Trump, vì sự lệ thuộc rất quan trọng của Trung Quốc vào công nghệ học Mỹ. Người ta đã thấy chuyện gì đã xẩy ra với ZTE cách đây vài tháng. Tập đoàn viễn thông Trung Quốc tương đương với Hoa Vi này, chút nữa là biến mất do trừng phạt của Mỹ.
Cho nên ngày nay người ta thấy rõ là Trung Quốc rất lo ngại về những gì có thể xẩy ra ở phía Mỹ hơn là từ phíaChâu Âu, và sẵn sàng nhượng bộ nhiều hơn đối với Mỹ hơn là với Châu Âu".
Đây có thể là một lý do khiến tổng thống Pháp kêu gọi đến thủ tướng Đức Angela Merkel và chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Jean Claude Juncker, mời hai người đến Paris cùng gặp chủ tịch Trung Quốc vào thứ Ba, 26/03.
Mai Vân
********************
RSF báo động Trung Quốc áp đặt "Trật tự thế giới mới về truyền thông" (RFI, 25/03/2019)
Trong bản báo cáo mang tên "Trật tự thế giới mới về truyền thông do Trung Quốc lũng đoạn" được công bố hôm nay 25/03/2019, tổ chức Phóng viên Không biên giới (RSF) có trụ sở tại Paris lên tiếng báo động về chiến lược của Bắc Kinh nhằm kiểm soát thông tin ở ngoài nước, ngăn chận những chỉ trích. Mưu toan này đang đe dọa tự do báo chí trên thế giới.
Micro dày đặc của giới truyền thông Nhà nước Trung Quốc tại Đại sảnh đường Nhân dân ở Bắc Kinh trong kỳ họp của Quốc Hội ngày 05/03/2019. Reuters/Thomas Peter
RSF tố cáo, không chỉ dùng "Vạn lý Hỏa thành" để siết chặt người dân Hoa lục, Trung Quốc còn thông qua các đại sứ quán và Viện Khổng Tử trên thế giới để áp đặt quan điểm, giấu đi những chương đen tối trong lịch sử.
Bản báo cáo bằng ba thứ tiếng Pháp, Anh, Hoa nêu cụ thể chiến lược của bộ máy tuyên truyền Trung Quốc. Bên cạnh việc hiện đại hóa các công cụ truyền thanh truyền hình ở ngoại quốc, Bắc Kinh còn ồ ạt tung tiền ra mua quảng cáo, thâm nhập vào các cơ quan truyền thông ngoại quốc…Không chỉ có thế, Trung Quốc còn hăm dọa, gây sức ép, sách nhiễu khắp nơi, với quy mô hầu như công nghiệp.
Bắc Kinh thường xuyên mua những trang báo của các tờ báo uy tín quốc tế như Wall Street Journal, Le Figaro hay Daily Telegraph để đăng những bài viết tuyên truyền nhắm vào độc giả các nước, một việc mà RSF gọi là sử dụng "con ngựa thành Troie".
Ông Christophe Deloire, tổng thư ký RSF nhấn mạnh : "Theo cách nghĩ của chế độ Bắc Kinh, các nhà báo không thể là tiếng nói phản biện, mà là công cụ tuyên truyền cho Nhà nước. Nếu các nền dân chủ không phản ứng lại, Trung Quốc sẽ áp đặt mô hình của họ, dần dà tràn ngập các cơ quan truyền thông trên thế giới, cạnh tranh với báo chí chân chính".
Chỉ trong một thập niên qua, Bắc Kinh đã đầu tư quy mô vào truyền thông : tập đoàn CGTN phát thanh, truyền hình ra 140 nước, và đài phát thanh quốc tế Trung Quốc có đến 65 thứ tiếng. Trung Quốc cũng chi tiền mời đến vài chục ngàn nhà báo các nước đang phát triển đến tập huấn tại Bắc Kinh, để đối lấy những bài viết có lợi cho chế độ. Còn báo chí của cộng đồng người Hoa ở nước ngoài, trước đây thường xuyên chỉ trích Bắc Kinh, thì hầu như đều bị mua lại, nhập vào bộ máy tuyên truyền của Đảng Cộng Sản Trung Quốc.
Bắc Kinh cũng xuất khẩu các phương tiện kiểm duyệt và giám sát như công cụ tìm kiếm Bách Độ (Baidu), ứng dụng WeChat ; khuyến khích các nhà nước độc tài sao chép các biện pháp trấn áp của mình, đặc biệt tại Đông Nam Á.
Cuối cùng, Trung Quốc sử dụng bạo lực và hăm dọa để dập tắt những tiếng nói ly khai, kể cả tại các nước dân chủ. Từ các nhà báo độc lập cho đến ban biên tập các tòa soạn lớn, từ nhà xuất bản đến các mạng xã hội ; theo RSF, ngày nay không còn mắt xích nào trong chuỗi sản xuất thông tin thoát khỏi "bàn tay vô hình" của Bắc Kinh. Bản thân đại sứ Trung Quốc ở các nước cũng không ngần ngại đả kích một cách kém ngoại giao những bài báo nào đặt lại vấn đề những tuyên bố chính thức của chế độ.
Phóng viên Không biên giới nhận định, trước những tấn công dồn dập của Trung Quốc, các nước dân chủ vẫn chưa có những phản ứng cần thiết.
Thụy My
*****************
Vợ của chủ tịch Interpol mất tích đòi Macron chất vấn Tập Cận Bình (RFI, 25/03/2019)
Người vợ của ông Mạnh Hoành Vĩ (Meng Hongwei), cựu chủ tịch tổ chức Cảnh Sát Quốc Tế Interpol, bị bắt cóc cách đây sáu tháng, đã yêu cầu tổng thống Pháp Emmanuel Macron nêu ra vụ này với ông Tập Cận Bình nhân chuyến viếng thăm chính thức của chủ tịch Trung Quốc bắt đầu hôm nay 25/03/2019.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đón tiếp chủ tịch Tập Cận Bình khi ông đến dự buổi ăn tối ở Villa Kérylos, Beaulieu-sur-Mer, gần Nice, miền nam Pháp. Ảnh tối 24/03/2019. Reuters/Jean-Paul Pelissier/Pool
Trong lá thư gởi đến Phủ tổng thống Pháp, bà Grace Meng muốn được biết chồng bà hiện đang ở đâu và tình trạng của ông như thế nào. Bà đòi hỏi phải cho luật sư vào thăm ông Mạnh Hoành Vĩ cũng như hỗ trợ tư pháp cho ông.
Vợ cựu chủ tịch Interpol viết : "Gia đình tôi cũng như những gia đình khác đang cùng hoàn cảnh, yêu cầu nước Pháp - vốn được toàn thế giới tôn trọng và lắng nghe nhờ các giá trị của Pháp quốc và sự gắn bó với nhân quyền - trao thông điệp này trong dịp tiếp ông Tập Cận Bình".
Ông Mạnh Hoành Vĩ bị mất tích vào tháng 9/2018 lúc đang là chủ tịch Interpol. Đến ngày 07/10/2018, Interpol nhận được một lá thư từ chức của ông, sau khi Bắc Kinh thông báo Mạnh Hoành Vĩ đang bị điều tra vì "nhận hối lộ".
Nhưng theo bà Mạnh, thì chồng bà "bị bắt cóc, từ nửa năm nay gia đình không hề nhận được tin tức, chưa có quyết định gì của tư pháp và không được trợ giúp của luật sư". Bản thân bà cũng bị đe dọa, phải xin tị nạn tại Pháp. Hôm 26/2, bà Mạnh đã khởi kiện vụ "mưu toan bắt cóc", "tội phạm có tổ chức".
Người Tây Tạng và Duy Ngô Nhĩ biểu tình tại Paris chống Tập Cận Bình
Hôm qua 24/3 khoảng một ngàn người đã biểu tình gần tháp Eiffel, đòi tổng thống Pháp Emmanuel Macron nêu yêu sách của người Tây Tạng và Duy Ngô Nhĩ trước ông Tập Cận Bình. Tây Tạng bị Trung Quốc chiếm đóng vừa chẵn 70 năm, còn người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương bị Bắc Kinh đàn áp, cưỡng bức đi cải tạo. Những người biểu tình quấn cờ Tây Tạng nằm trên quảng trường Trocadéro, tượng trưng cho 153 nhà sư đã tự thiêu chống sự đô hộ của Trung Quốc.
Về phía Human Rights Watch (HRW) kêu gọi tổng thống Macron chất vấn ông Tập Cận Bình về tình trạng vi phạm nhân quyền tại Trung Quốc, mà theo tổ chức phi chính phủ này đã đạt đến một tầm cỡ chưa từng thấy trong những năm gần đây.
Thụy My