Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

11/04/2019

Điểm báo Pháp - Khối 16+1 và Trung Quốc

RFI tiếng Việt

Khối 16+1 : Nhiều nước thành "luật sư" bảo vệ Trung Quốc tại Châu Âu

Sau thượng đỉnh thường niên giữa Liên Hiệp Châu Âu và Trung Quốc, thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường sang Croatia dự thượng đỉnh 16+1.

khoi1

Thủ tướng Trung Quốc, Lý Khắc Cường, tại Croatia, ngày 10/04/2019. AFP

Thượng đỉnh giữa 16 nước Đông-Trung Âu và Trung Quốc diễn ra trong ba ngày 10-12/04/2019. Báo La Croix giới thiệu bài viết "Những người bạn Châu Âu của Trung Quốc tập trung tại Dubrovnik".

Thượng đỉnh 16+1 bắt đầu từ năm 2012, 16 nước Châu Âu tham gia là Estonia, Ba Lan, Cộng hòa Czech, Hungary, Slovakia, Romania, Bulgaria, Croitia… trong đó có 11 thành viên Liên Âu, bị hấp dẫn bởi sức mạnh tài chính và khả năng đầu tư của Trung Quốc. Về phía Trung Quốc, Bắc Kinh tranh thủ thượng đỉnh 16+1 để phục vụ dự án "Con đường tơ lụa mới" và chiến lược gây ảnh hưởng về kinh tế và chính trị tại Châu Âu. Trong số các dự án xây dựng hạ tầng cơ sở, đáng nói nhất là tuyến đường sắt cao tốc từ Athens (Hy Lạp) đến Budapest (Hungary), chạy qua Beograd (Serbia).

Báo cáo của Hội nghị Munich về an ninh hồi tháng 02/2019 đã nhấn mạnh : "Trung Quốc có thể sử dụng sức mạnh kinh tế vào mục đích chính trị. Các dự án của Trung Quốc không phải lúc nào cũng phù hợp với tiêu chuẩn Châu Âu về phát triển bền vững và tính minh bạch. Ảnh hưởng kinh tế của Trung Quốc bao gồm các nguy cơ cho khu vực, nhất là về nợ, bởi vì một phần lớn tiền đầu tư là dưới dạng các khoản tiền cho vay".

Quả thực, 1/5 tổng số tiền Macedonia nợ nước ngoài là từ Trung Quốc. Tỉ lệ này ở Montenegro là 39%. Montenegro đã vay Bắc Kinh 809 triệu euro để xây một phần đường cao tốc tới Serbia. Còn Bosnia- Herzegovina mới thông qua khoản vay 600 triệu euro của Ngân hàng Ngoại thương Trung Quốc cho dự án xây một nhà máy nhiệt điện than ở Tuzla, với sự tham gia của 3 doanh nghiệp Trung Quốc.

Chỉ trong một vài năm, tập đoàn năng lượng Nhà nước Trung Quốc CEFC đã chi hơn 1 tỉ đô la vào Cộng hòa Czech để mua hãng hàng không quốc gia, một nhà máy bia và một đội bóng của Czech. La Croix chơi chữ, nhấn mạnh để đổi lấy những khoản tiền đầu tư nói trên, nhiều nước trong nhóm 16+1 trở thành "luật sư" bảo vệ Bắc Kinh ở Châu Âu.

Từ vài tháng nay, Ủy ban Châu Âu nỗ lực tìm cách chống đỡ trước các đòn tấn công kinh tế của Trung Quốc. Tuy nhiên, sự đề phòng của Liên Hiệp Châu Âu không cản trở được Croatia, nước gia nhập Liên Âu từ năm 2013, ký 9 thỏa thuận song phương mới với Trung Quốc nhân thượng đỉnh 16+1 năm nay.

Tổng thống Brazil Bolsonaro : Donald Trump của miền nhiệt đới ?

Chỉ sau 100 ngày kể từ khi Bolsonaro chính thức nắm quyền tổng thống Brazil, người dân đã hiểu ra rằng ông không phải là "người cứu nguy cho dân tộc" như họ từng trông chờ. Trong bài xã luận có tiêu đề "Bolsonaro, Trump của miền nhiệt đới", báo Le Monde cho biết là theo nhiều thăm dò ý kiến ở Brazil, chỉ có 32% số người được hỏi ủng hộ tổng thống. Đây là tỉ lệ tín nhiệm thấp kỷ lục được ghi nhận trong giai đoạn đầu nhiệm kỳ của một vị tổng thống Brazil.

Trong suốt 30 năm làm dân biểu, Jair Bolsonaro nổi tiếng về sự thô thiển và khiêu khích, hơn là nhờ thành tích trong công việc lập pháp. Và nay khi đã thành tổng thống, ông vẫn chưa đảm đương được trọng trách hàn gắn đất nước - vốn bị chia rẽ nặng nề từ sau khi tổng thống Dilma Roussef bị phế truất vào năm 2016. Bolsonaro vẫn hành xử như đang trong chiến dịch vận động tranh cử, chỉ chú tâm vào thành phần cử tri cực đoan nhất, mà là quên đi những người dân còn lại đang phải đối đầu với những thách thức khổng lồ.

Được sự hỗ trợ của các con trai, những người hiện diện khắp nơi ở "chóp bu nhà nước", cho dù họ không có chức vụ chính thức, tổng thống Bolsonaro điều hành đất nước bằng các tin nhắn Twitter và Livestream - video trực tiếp - trên Facebook. Bolsonaro cho thấy ông có nhiều điểm giống với tổng thống Mỹ. Người ta gọi ông là "Trump của miền nhiệt đới".

Tuy nhiên, báo Le Monde nhấn mạnh nếu tổng thống Mỹ có được những số liệu thống kê kinh tế có thể khiến người dân hài lòng, thì tại Brazil, kinh tế vẫn trượt dốc, tỉ lệ thất nghiệp, nợ công và thâm hụt ngân sách đều tăng. Trong quý đầu nhiệm kỳ của tổng thống Bolsonaro, chính phủ hoàn thành chưa đến 1/5 số mục tiêu đã đề ra. Bolsonaro khiến mọi người có cảm giác ông không có ý tưởng cụ thể về cách thức lãnh đạo đất nước.

Chính ông Bolsonaro hôm 05/04/2019 đã thừa nhận sự thất bại : "Hãy tha thứ cho những thiếu sót : Tôi không được sinh ra để làm tổng thống, tôi được sinh ra để làm một quân nhân". Nhưng thực tế là Bolsonaro đã bị giáng thành quân dự bị sau một phiên tòa về tội vô kỷ luật khi mới 33 tuổi. Le Monde kết luận, sự thật nói trên khiến người dân Brazil không thể yên tâm về tổng thống. Họ cần các kết quả cụ thể hơn là sự vênh vang của viên một sĩ quan dự bị.

Đảm bảo an ninh nước sạch, thách thức mới cho các đô thị

Trong lĩnh vực an ninh, báo Les Echos chú ý đến "An ninh cho hệ thống cấp nước, thách thức mới của các đô thị". Đảm bảo an ninh cho hệ thống cấp nước là thách thức ngày càng lớn mà một thành phố trong tương lai phải học cách quản lý.

Hồi tháng 10/2016, cơ quan quản lý nước Rhin-Meuse của Pháp bị tin tặc tấn công và mất hàng triệu dữ liệu về chất lượng nguồn nước. Vào tháng 03/2016, một nhà máy nước sạch của Mỹ bị tấn công mạng. Tin tặc đã thay đổi liều lượng hóa chất xử lý nước.

Les Echos cho biết nạn khủng bố nhắm vào hệ thống nước không nhiều nhưng cũng không phải là không có. Hồi năm 2017, tại Ý, một người Morocco muốn làm nhiễm độc nguồn nước sạch ở Roma. Năm 2018, một vụ tương tự nhắm vào mạng lưới cung cấp nước sạch trên đảo Sardaigne.

Theo Franck Galland, một chuyên gia về "an ninh nước", vấn đề thường gặp nhất là việc các thanh niên phá hoại bể chứa nước của thành phố, chẳng hạn đổ hóa chất vào nước. Giá kim loại tăng cũng kéo theo nhiều vụ ăn cắp đường ống, thiết bị bằng đồng và inox.

Việc đảm bảo sự an toàn cho hệ thống cấp nước sạch bắt đầu từ năm 2008, nhưng chỉ hạn chế ở các cơ quan lớn phụ trách hệ thống cấp nước ở đô thị. Theo chuyên gia Franck Galland, hoạt động này cần mở rộng ra cả hệ thống thoát nước thải và các nhà máy làm sạch nước đã qua sử dụng. Quả thực, hồi năm 2007, Queensland (Úc) bị ô nhiễm nặng vì một nhân viên cũ của nhà máy lọc nước thải nước bẩn đã khiến hệ thống làm sạch nước ngưng hoạt động. Một lượng lớn nước bẩn không qua xử lý bị đổ thẳng vào các nguồn nước tự nhiên.

Pháp : Thuốc trừ sâu diệt cỏ vẫn được sử dụng nhiều

Trong lĩnh vực nông nghiệp và môi trường, sinh thái, báo La Croix đặt câu hỏi "Tại sao thuốc trừ sâu không giảm ?". Tại Pháp, việc sử dụng thuốc trừ sâu, diệt cỏ tiếp tục tăng cho dù từ năm 2008 chính phủ đã đề ra hai kế hoạch hướng tới giảm lượng hóa chất trong nông nghiệp. Hôm 10/04, chính phủ Pháp cũng đề ra mục tiêu từ nay đến năm 2025 giảm 1/2 lượng thuốc trừ sâu diệt cỏ và đến năm 2020 loại bỏ được thuốc diệt cỏ glyphosate.

Bà Claudine Joly, phụ trách các vấn đề về thuốc trừ sâu diệt cỏ thuộc FNE - Liên đoàn các hiệp hội bảo vệ thiên nhiên, môi trường của Pháp, nhận định việc sử dụng các hóa chất nói trên là một dạng "bảo hiểm rủi ro" đối với nhà nông. Suốt 70 năm qua, việc sử dụng thuốc trừ sâu diệt cỏ tỏ ra hiệu quả và mang lại lợi nhuận cho nông dân nhờ mang lại năng suất cao và ổn định. Các nhà phân phối và người tiêu dùng cũng có lợi vì việc sử dụng hóa chất giúp giảm giá nông phẩm. Trong khi đó, các vấn đề về sức khỏe và môi trường bị gạt ra ngoài lề.

Tuy nhiên, ông Christian Durlin, một nhà quản lý của Liên đoàn quốc gia các nghiệp đoàn của các nhà sản xuất nông nghiệp lưu ý là chỉ số sử dụng hóa chất tính theo diện tích trồng trọt tăng không có nghĩa là tổng lượng thuốc trừ sâu diệt cỏ được sử dụng tăng. Theo ông, nếu tính về số lượng, thì lượng hóa chất sử dụng trong nông nghiệp vẫn giữ ở mức ổn định.

Ông cũng nhấn mạnh tần suất phun thuốc tăng cũng là do việc sử dụng chất glyphosate giảm, các hóa chất khác kém hiệu quả hơn nên phải phun thuốc nhiều lần hơn, ngoài ra cũng phải nói tới tình trạng có thêm nhiều bệnh khó diệt trừ hơn bằng hóa chất nên cũng phải sử dụng nhiều thuốc hơn.

Đại diện Liên đoàn quốc gia các nghiệp đoàn của các nhà sản xuất nông nghiệp còn khẳng định với báo La Croix là từ mười năm nay, nông dân Pháp cũng đã có nhiều tiến bộ, giảm liều lượng hóa chất, cải thiện điều kiện phun thuốc và chú ý hơn đến sự an toàn của người dân sống trong khu vực và người tiêu dùng. Theo ông Christian Durlin, các mục tiêu của chính phủ Pháp sẽ không đạt được nếu nhà chức trách không chú ý đến điều kiện thực tế. Ông Durlin kết luận : Muốn thay đổi mọi chuyện thì phải thay đổi cách tiếp cận vấn đề.

Trang nhất các báo Pháp

Trang nhất các báo Pháp hôm nay dàn trải trên nhiều đề tài. Về thời sự nước Pháp, Libération quan tâm đến dự án tư hữu hóa công ty quản lý các sân bay Paris (Aéroport de Paris - ADP) và chơi chữ qua hàng tựa lớn : "Chống bán ADP - đường đua của công dân". Trong khi các nghị sĩ thuộc các đảng đối lập đã đề xuất trưng cầu dân ý theo sáng kiến công dân, thì việc huy động đông đảo công luận phản đối việc tư nhân hóa các sân bay Paris có thể khiến dự án của chính quyền Pháp gặp trở ngại.

Liên quan tới Liên Hiệp Châu Âu, báo La Croix nhận định "Brexit gây rạn nứt Anh Quốc", còn Le Figaro nói về "Bầu cử Nghị Viện Châu Âu : Macron muốn chỉ huy chiến dịch tranh cử". Nhìn ra thế giới, Le Monde hướng sự quan tâm đến Trung Đông qua hàng tựa "Bầu cử tại Israel : Thủ tướng Netanyahou thắng cược". Còn báo kinh tế Les Echos chú ý đến vụ "Renault - Nissan - Mitsubishi tái thiết liên minh".

Thùy Dương

Quay lại trang chủ
Read 517 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)