Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

16/03/2017

Điểm tin báo chí Pháp - Internet, Thổ Nhĩ Kỳ và Châu Âu

RFI tiếng Việt

Internet, "mặt trận" mới giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Châu Âu

Liên Hiệp Châu Âu thở phào nhẹ nhõm trước thất bại của đảng cực hữu bài Châu Âu và chống Hồi giáo trong cuộc bầu cử Hà Lan ngày 15/03/2017. Nhưng căng thẳng với Ankara vẫn chưa thuyên giảm, sau vụ tin tặc Thổ Nhĩ Kỳ cướp đoạt tài khoản Twitter của nhiều tổ chức quốc tế, với thông điệp tố cáo Hà Lan và Đức hành xử như quân phát xít thời Đức Quốc Xã.

internet1

Twitter, nạn nhân của trưng cầu dân ý Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh minh họa. Reuters

Les Echos ghi nhận : "Châu Âu bực mình vì những hành động và lời lẽ thái quá của tổng thống Erdogan", khi tuyên bố : việc Amsterdam cấm các bộ trưởng Thổ Nhĩ Kỳ đặt chân lên lãnh thổ Hà Lan vận động cho cuộc trưng cầu dân ý sắp tới chứng tỏ quốc gia bắc Âu này không phải là "một nền văn minh".

Với Le Figaro, "khủng hoảng giữa Liên Hiệp Châu Âu và Thổ Nhĩ Kỳ trở nên nghiêm trọng hơn và đã tràn sang cả lĩnh vực Internet". Không chỉ dùng võ mồm, Ankara đã tung ra một loại vũ khí được tờ báo này gọi là "vũ khí tuyên truyền hàng loạt".

Với một thông điệp, cùng lúc, một nhóm tin tặc được cho là của Thổ Nhĩ Kỳ bắn trúng tới hàng ngàn mục tiêu, từ tài khoản Twitter của bộ Tài Chính Pháp, đến câu lạc bộ bóng đá Borussia Dortmund, từ nhật báo uy tín Die Welt của Đức đến mạng xã hội cá nhân của tay chơi quần vợt người Đức Boris Becker, từ nhà hát giao hưởng Philharmonie của Berlin đến tổ chức Ân Xá Quốc Tế.

Về mặt kỹ thuật, một vụ tấn công tin học không cần phải "quá tinh vi mà vẫn có thể có hiệu quả như thường". Cho dù chưa có bằng chứng là ai đứng đằng sau vụ tấn công "hàng loạt" trên mạng ngày 15/03/2017, nhưng Le Figaro cho rằng, phương pháp làm việc của "tác giả" chiến dịch cướp đoạt tài khoản trên Twitter nói trên rất giống với cách làm việc của nhóm mang tên Syrian Electronic Army chuyên đột nhập vào mạng xã hội cá nhân để ca ngợi tổng thống Syria, Bachar al-Assad. Báo New York Times, hãng thông tấn Mỹ AP và nhật báo Pháp Le Monde từng là nạn nhân của Syrian Electronic Army.

Phản ứng phụ vì xung khắc Liên Hiệp Châu Âu – Thổ Nhĩ Kỳ

Chung quy cũng chỉ vì trưng cầu dân ý ngày 16/04/2017 khi cử tri Thổ Nhĩ Kỳ được hỏi có chấp nhận thay đổi Hiến Pháp, tăng quyền cho tổng thống hay không, mà căng thẳng giữa Ankara với nhiều thành viên trong Liên Hiệp Châu Âu không ngừng gia tăng.

Công dân Thổ, sống ở nước ngoài vẫn có quyền đi bỏ phiếu. Đức và Hà Lan là hai quốc gia có cộng đồng người Thổ Nhĩ Kỳ lớn nhất thế giới. Có điều xung khắc nói trên đang gây ra những tác động phụ ngoài dự kiến.

Le Figaro trích lời bộ trưởng Quốc Phòng Đức, Ursula von der Leyen : Berlin bị đặt vào thế khó xử, nhưng không thể gạt Ankara ra ngoài Liên Minh Bắc Đại Tây Dương, nhất là khi mà Đức đang có quân đóng tại căn cứ Incirlik- miền nam Thổ Nhĩ Kỳ.

Còn với Hà Lan, căng thẳng với Thổ Nhĩ Kỳ nổ ra ngay vào thời điểm quốc gia với 17 triệu dân này bầu lại Quốc Hội cho một nhiệm kỳ 4 năm. Đảng Tự Do của dân biểu Châu Âu Geert Wilders với chủ trương chống Hồi giáo, chống người nhập cư đã buộc đảng cầm quyền phải có thái độ cứng rắn hơn với chính quyền Ankara.

Hà Lan đã vậy còn Pháp và Đức thì sao ?

Vẫn về bầu cử Hà Lan, lãnh đạo đảng cực hữu Wilders không được toại nguyện – đảng của ông về nhì, nhưng bị đảng thân hữu của thủ tướng Marke Rutte bỏ lại xa phía sau, là một tin vui với Châu Âu, trước hai cuộc bầu cử quan trọng tại hai đối tác hàng đầu của Liên Hiệp Châu Âu là Pháp và Đức.

Báo chí quốc tế hồi hộp theo dõi bước tiến của đảng cực hữu Pháp, Mặt Trận Quốc Gia – FN (Front National). Le Monde cho biết sau khi đã mạnh mẽ phê phán ửng cử viên François Fillon của đảng cánh hữu Những Người Cộng Hòa LR (Les Républicains) "cố đấm ăn xôi", vẫn ra tranh cử dù bị tai tiếng về vụ việc làm giả liên quan trực tiếp đến vợ và con ông, báo chí Berlin xoáy vào sự "tan rã" của đảng này, thì giờ đây đang chuyển hướng về phía bà Marine Le Pen, lãnh đạo đảng có chủ trương chống Châu Âu và bài ngoại.

Truyền thông Anh cũng đang "sôi động" về hiện tượng Marine Le Pen không kém.

Trong khi đó, đại diện của phong trào Tiến Bước, Emmanuel Macron đến Berlin ngày 16/03/2017 và sẽ được thủ tướng Đức bà Angela Merkel dành thì giờ để tiếp. Les Echos, chạy tựa "Macron đang bồi đắp cho hình ảnh một nguyên thủ quốc gia tương lai của mình".

Libération thiên tả lưu ý độc giả : ứng cử viên đảng cánh hữu Fillon "điên tiết" khi thấy ông không độc quyền là ứng cử viên duy nhất tới nay được tiếp kiến lãnh đạo Đức. Tác giả bài báo nhấn mạnh : vào lúc Đức đang lo sợ đảng cực hữu bước vào điện Elysée, với Berlin, có lẽ ứng cử viên tổng thống Macron là một lá chắn vững chắc hơn François Fillon.

Chính sách tiền tệ của Mỹ

Nhìn tới phần thời sự kinh tế, sự kiện được bình luận nhiều trong ngày là ngân hàng trung ương Mỹ quyết định tăng lãi suất chỉ đạo. Đây là lần thứ nhì bà Janet Yellen "siết chặt thêm chính sách tiền tệ của Mỹ từ khi tổng thống Trump đắc cử".

Theo Les Echos thông điệp chính của Cục Dự Trữ Liên Bang Hoa Kỳ gửi tới toàn thế giới là "kinh tế Mỹ đang hoạt động rất tốt". Fed còn dự trù 2 đợt tăng lãi suất chỉ đạo trong năm 2017. Với Le Monde, quyết định nói trên cho thấy thống đốc Yellen có tính đến cả yếu tố "kích cầu" của chính quyền Trump. Nhà Trắng chờ đợi GDP của Mỹ tăng 3 % vào năm 2018.

Les Echos dành hẳn một bài báo để nói về kế hoạch ngân sách của chính quyền Trump. Một chi tiết rất lạ : các cộng tác viên và ban cố vấn của tổng thống Hoa Kỳ đã không dựa trên hàng trăm bản tổng kết, thống kê của năm 2017 để từ đó phác họa ngân sách cho năm tới. Ê-kíp này đã lập ra một "dự luật ngân sách từ những bài phát biểu của Donald Trump" do vậy bài báo trên Les Echos mang tựa đề : "Trump trình làng ngân sách của thời đại America First".

Doanh nghiệp Nhà nước Trung Quốc, những cái xác không hồn

Bài vở về Châu Á trên các tờ báo Paris khá hiếm hoi, nhưng với tựa đề "Những doanh nghiệp thây ma ám ảnh Trung Quốc" đập vào mắt độc giả báo Le Monde.

Bài báo mở đầu với hình ảnh lớp lớp công nhân từ nhà máy thép Đông Bắc (Dongbei Special Steel) tan sở. Trên trang mạng của tập đoàn, Đông Bắc được giới thiệu là một trong những ngọn hải đăng của nền công nghiệp nặng Trung Quốc, tuyển dụng 7.000 nhân viên và ký hợp đồng với 3.000 cộng tác viên không thường trực. Website của ông khổng lồ này trong ngành không đả động đến núi nợ chín tỷ rưỡi euro của công ty, hay Đông Bắc đã suýt phải tuyên bố phá sản.

Tập đoàn thép Đông Bắc không là một trường hợp riêng lẻ. Ở vào thời kỳ GDP tăng trưởng trên 10 % các khoản thua lỗ của các tập đoàn Nhà nước Trung Quốc vẫn được bù đắp, che đậy bằng tín dụng với lãi suất 0 % dồn dập đổ vào để giữ cho những "thây ma" ấy đứng vững. Khi thời buổi khó khăn hơn, chính sách đó không tiếp tục tồn tại được lâu dài.

Chiếm 10 % sản xuất của toàn quốc, nhưng các tập đoàn Nhà nước lại hút đến 40 % tín dụng của ngân hàng và trợ cấp của chính phủ. Theo cơ quan thẩm định rủi ro Moody’s của Mỹ, các tập đoàn nhà nước Trung Quốc đang nắm trong tay một khoản nợ tương đương với 115 % tổng sản phẩm nội địa của nền kinh tế thứ hai trên thế giới. Tổng số nợ của cả nước Trung Quốc thì đã gần bằng 280 % GDP.

Phát biểu trước Quốc Hội vừa qua, thủ tướng Lý Khắc Cường đã mạnh dạn tuyên bố : giảm bớt nợ và khả năng sản xuất dư thừa là ưu tiên của Bắc Kinh. Nhưng Le Monde nhận định : Trung Quốc chỉ mạnh miệng tuyên bố vậy thôi nhưng sẽ rất rón rén khi phải thực hiện.

Bởi lẽ chẳng ai dại gì gây nên một làn sóng thất nghiệp, đe dọa đến ổn định trong xã hội. Bằng chứng rõ rệt nhất được tờ báo đưa ra là trong cùng một bài diễn văn đọc trước Quốc Hội, ở đoạn trên thì ông Lý Khắc Cường tuyên bố giảm bớt nợ nần, để rồi kết thúc diễn văn bằng hứa hẹn đầu tư thêm 355 tỷ euro vào các dự án đường sắt, xa lộ và giao thông đường thủy.

Renault và vụ Dieselgate

Sau Volkswagen, đến lượt hãng xe Renault bị tai tiếng gian lận kiểm tra lượng phát thải từ xe chạy bằng dầu diesel. Le Figaro lo ngại, vụ tai tiếng có thể lan tới tận ông chủ tịch tổng giám đốc đầy quyền lực Carlos Ghoshn. "Carlos Goshn và Renault trong tầm ngắm" của các nhà điều tra Pháp, tựa trên Les Echos. "Renault, hội chứng Volkswagen", tựa của Le Monde.

La Croix bồi thêm : cung cách làm ăn, gian lận về tỷ lệ thải khí của xe chạy bằng dầu diesel của tập đoàn xe hơi Renault thực ra đã có từ những năm 1990 và tất cả các kiểu xe dùng diesel của nhãn hiệu có logo hình quả trám đều bị "dính" vào tai tiếng này.

Người Pháp hạnh phúc trong công việc làm

Về câu hỏi bạn có hài lòng với công việc làm của mình hay không, phần lớn người lao động Pháp trả lời là có.

Theo thăm dò của công đoàn CFDT thực hiện được báo La CroixLibération trích dẫn, hơn 54 % những người được hỏi cho biết "hài lòng" với công việc, cảm thấy họ có ích cho những gì mình làm. Một yếu tố quan trọng khác là có tới 65 % cảm thấy "khả năng sáng tạo của họ được công ty trân trọng" và có tới 77,4 % cho biết, dù ít hay nhiều, họ thấy "hạnh phúc" khi đến sở làm ; ¾ những người được hỏi cho biết có mối quan hệ rất tốt với đồng nghiệp.

2050, người Saudi Arabia giàu hơn người Mỹ

Theo dự phóng của cơ quan kiểm toán PwC, đến năm 2050 thu nhập bình quân đầu người ở Mỹ đang từ hạng nhất thế giới hiện nay sẽ bị Saudi Arabia qua mặt. Les Echos chỉ ra rằng hiện tại, theo thứ tự, Mỹ, Saudi Arabia và Hà Lan đang dẫn đầu trong số các quốc gia có thu nhập bình quân đầu người cao nhất thế giới.

Theo thứ tự GDP đầu người ở Hoa Kỳ là 57.300 đô la, tại Saudi Arabia là 53.800 và Hà Lan 51.000 đô la. Đến giữa thế kỷ 21, thì người Mỹ sẽ thua xa thần dân của quốc vương Saudi Arabia với thu nhập bình quân đầu người chừng độ 87.700 đô la thay vì gần 102.000 đô la một năm ở Riyad.

Vẫn theo bản dự phóng này, Pháp đang từ hạng 8 rơi xuống hạng 10. Trung Quốc thì đang từ hạng 21 nhảy vọt lên ba hạng, còn Việt Nam thì đang từ hạng 29 vươn lên thành 27 với GDP đầu người khoảng 28.200 đô la một năm.

Phố cổ Hội An và bể bơi Olympic

Nếu có ý định du lịch Việt Nam, trong nhãn quan của Le Figaro, Hội An là điểm đến không thể bỏ qua. Tờ báo dành một trang lớn nói về một thành phố nhỏ bé với 120.000 dân, nơi có một chiếc cầu vắt ngang qua con sông Thu Bồn. Từ năm 1999 Hội An được UNESCO công nhận là di sản thế giới.

Tác giả bài báo không quên nhắc đến những sinh hoạt sống động của phố cổ với lễ hội rước đèn, với những hàng quán nhộn nhịp suốt ngày đêm, với những hiệu may tràn ngập trên con lộ chính.

Cách trung tâm cổ kính đó chừng 15 phút là khu nghỉ mát và nhà hàng thuộc khách sạn Four Seasons vừa khánh thành bên bãi biển Hà My. Và trong khuôn viên khu nghỉ dưỡng sang trọng vừa mở cửa đón khách hạng sang, có cả bể bơi đúng kích cỡ của các hồ tắm Olympic. Lạc vào khu này, du khách thiếu chút nữa quên mất rằng, Việt Nam còn là một nước cộng sản.

Thanh Hà

Quay lại trang chủ
Read 695 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)