Đối đầu Mỹ - Trung : Tương lai thế giới bất định trước nguy cơ bị chia thành hai cực (RFI, 13/05/2019)
Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung không còn đơn thuần là một cuộc đọ sức thuế quan mà là cuộc đối đầu trên mọi phương diện. Căng thẳng quan hệ ngày càng gay gắt giữa hai cường quốc kinh tế hàng đầu thế giới có nguy cơ làm đảo lộn các mối quan hệ quốc tế, gây ra những chia rẽ bất định.
Từ trái sang phải : Đại diện Thương Mại Mỹ Robert Lighthizer, bộ trưởng Tài Chính Mỹ Steven Mnuchin, phó thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc và thống đốc Ngân hàng Trung Quốc Dịch Cương tại Bắc Kinh, ngày 29/03/2019.Nicolas Asfouri/Pool via Reuters
Thế giới trong tương lai sẽ phải theo ai ? Trung Quốc hay là Hoa Kỳ ? Một câu hỏi khiến nhiều nước lâm vào tình cảnh khó xử. Nhưng có một điều chắc chắn như nhận định của bà Alice Ekman, chuyên gia về Trung Quốc, Viện Quan hệ Quốc tế Pháp (IFRI), nếu nhìn từ cuộc chiến thương mại cho đến các căng thẳng trên Biển Đông, "rõ ràng thế giới đang bước vào một giai đoạn đối đầu mạnh mẽ và lâu dài giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ".
Kể từ khi tỉ phú địa ốc Donald Trump bước chân vào Nhà Trắng, Hoa Kỳ đã có những thay đổi triệt để về trục chiến lược. Sự thay đổi này không chỉ tác động mạnh mẽ đến mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc mà cả vấn đề an ninh toàn cầu, theo như ghi nhận của ông Brahma Chellaney, giáo sư hội đồng cố vấn Ấn Độ Center for Policy Research. Và sự thay đổi đó được nguyên thủ Mỹ thực hiện theo từng bước.
Đầu tiên hết là phá vỡ trật tự đa phương do Hoa Kỳ và phương Tây thiết lập sau khi Đệ Nhị Thế Chiến kết thúc. Và bây giờ là bước thứ hai, đối đầu với một Trung Quốc đang trỗi dậy ngày càng mạnh mẽ. Cuộc đọ sức này được bắt đầu với trận thương chiến dữ dội chưa từng có với việc áp đặt một loạt các biện pháp thuế quan.
Giáo sư Brahma Chellaney nhắc lại là nhiều đời tổng thống Mỹ liên tiếp, từ Richard Nixon cho đến Barack Obama đã "giúp sức" cho Trung Quốc trỗi dậy như là một cường quốc kinh tế. Nhờ vậy mà Trung Quốc mới có thể gia nhập vào Tổ chức Thương mại Quốc tế WTO năm 2011. Đối với ông Donald Trump, đây quả là một "sai lầm chết người".
Mỹ và phương Tây đã bị Trung Quốc đánh lừa khi vờ chơi lá bài "phương Tây hóa". Nhưng với Bắc Kinh đó là một thắng lợi to lớn, bởi vì kể từ năm 2001, thặng dư thương mại của Trung Quốc tăng vọt và nguồn dự trữ ngoại tệ nước này ngày càng dồi dào.
Hiện tại chính sách đối đầu của Donald Trump dường như chưa gây ra những hệ quả tai hại to lớn nào cho nước Mỹ, nhưng không vì thế mà không có rủi ro trước sức mạnh kinh tế ngày càng lớn và khả năng bành trướng tầm ảnh hưởng địa chính trị của Trung Quốc.
Trả lời câu hỏi của AFP, ông Jean-François Di Meglio, chủ tịch văn phòng cố vấn Asia Centre, lưu ý : "Sỉ nhục người Trung Quốc, điều đó có nguy cơ đẩy những người kế nhiệm ông Donald Trump vào một thế nan giải với Trung Quốc, vốn không phải là Bắc Triều Tiên, Nhật Bản, Canada, Châu Âu hay là Mexico, những tác nhân địa chính trị có tầm cỡ nhỏ hơn mà ông Trump ngược đãi và không gặp chút hề hấn gì".
Từ những quan sát này, bà Ekman dự báo, trong dài hạn, thế giới có thể bị phân hóa thành "hai cực đối đầu, với hai tầm nhìn về toàn cầu hóa khác nhau". Mỗi bên sẽ do một nước dẫn đầu và tồn tại song song. Sự phân cực đó không chỉ hiện hữu trong thương mại mà cả trong quan hệ quốc tế thông qua một hình thức cạnh tranh mới giữa các hệ thống cơ sở hạ tầng, các chuẩn mực, định chế quốc tế…
Cuối cùng bà Alice Ekman kết luận, nếu theo đúng sơ đồ này, các nước khác sẽ buộc phải có lựa chọn dựa trên các ưu tiên chính trị, sự gần gũi về địa lý cũng như mức độ phụ thuộc kinh tế vào Trung Quốc hay Hoa Kỳ.
Minh Anh
*****************
Nguyên thủ Mỹ - Trung có thể gặp nhau vào cuối tháng 6 tại Nhật (RFI, 13/05/2019)
Trên đài truyền hình Mỹ Fox News ngày hôm qua 12/05/2019, Larry Kudlow, cố vấn kinh tế của tổng thống Mỹ, cho biết, bên lề thượng đỉnh G20 được tổ chức vào cuối tháng Sáu tại Nhật Bản, nguyên thủ Mỹ và Trung Quốc có thể gặp nhau để thảo luận về quan hệ thương mại song phương.
Ảnh minh họa : Cờ Trung Quốc và Hoa Kỳ, chụp ngày 10/05/2019. Reuters/Aly Song
Theo cố vấn kinh tế Mỹ, được Reuters trích dẫn, hai tuần lễ vừa qua, phía Trung Quốc đã hủy bỏ một số cam kết đạt được trong các vòng thương lượng trước đó. Điều khó nhất hiện nay trong đàm phán là thuyết phục được Trung Quốc chấp nhận "luật hóa" các cam kết của họ.
Trên Twitter, ngày hôm qua, tổng thống Mỹ Donald Trump không nói đến khả năng gặp đồng nhiệm Trung Quốc, đồng thời ông tiếp tục tố cáo Bắc Kinh hủy bỏ các cam kết và muốn đàm phán lại. Nguyên thủ Mỹ tái khẳng định sẽ "thu về hàng tỉ đô la thuế" đánh vào hàng nhập khẩu của Trung Quốc.
Các cuộc đàm phán giữa Mỹ và Trung Quốc trong hai ngày 09 và 10/05 tại Washington không đạt được kết quả. Tổng thống Donald Trum đã yêu cầu các cơ quan chức năng Hoa Kỳ khởi động thủ tục áp dụng mức thuế cao đối với toàn bộ hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc. Trong khi đó, phó thủ tướng Lưu Hạc dẫn đầu đoàn đàm phán Trung Quốc, hôm thứ Bảy 11/05 tuyên bố là hai bên đã đồng ý sẽ tiếp tục các cuộc đàm phán thương mại tại Bắc Kinh.
Tuy nhiên, hôm nay, chính quyền Trung Quốc, thông qua lời phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Cảnh Sảng tuyên bố "Bắc Kinh sẽ không bao giờ nhượng bộ trước các áp lực từ bên ngoài. Trung Quốc tự tin và có đủ khả năng cần thiết để bảo vệ các quyền lợi chính đáng của mình".
Các thông tin nóng – lạnh liên quan đến vòng đàm phán thương mại Mỹ-Trung đã làm cho thị trường chứng khoán Trung Quốc chao đảo. Trong tuần qua, chỉ số trên các thị trường Trung Quốc giảm 4,5%.
Minh Anh
********************
Trump cảnh báo Trung Quốc chớ trả đũa thuế, nhắc tới Việt Nam (VOA, 13/05/2019)
Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 13/5 cảnh báo Trung Quốc không nên trả đũa việc áp thuế của ông tuần trước, đồng thời nhắc tới Việt Nam.
Nguyên thủ Hoa Kỳ cũng cảnh cáo Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình rằng Bắc Kinh "sẽ rất đau" nếu không đồng ý với một thỏa thuận thương mại, theo AP.
Ông Trump tweet như trên sau khi hai nước không đạt được một thỏa thuận trong các cuộc đàm phán mới nhất.
Chính quyền của ông Trump đã nâng thuế đối với hàng hóa nhập khẩu của Trung Quốc trị giá 200 tỷ đôla, sau khi cáo buộc rằng Bắc Kinh đã quay lưng lại đối với các cam kết đưa ra trong các cuộc thương thảo trước đó.
Nhà lãnh đạo Mỹ viết trên Twitter rằng Trung Quốc "đã có một thỏa thuận tuyệt vời, gần hoàn tất" nhưng đã "rút lui".
Ông Trump nhấn mạnh rằng thuế mà Hoa Kỳ áp đặt lên hàng hóa Trung Quốc sẽ không tác động lên người tiêu dùng Mỹ.
Tổng thống Mỹ viết rằng không có "lý do gì để người dân Mỹ phải trả cho thuế" đánh vào hàng hóa Trung Quốc.
Ông cũng nhắc tới Việt Nam khi nói tới cuộc chiến thương mại đang leo thang với Trung Quốc.
"Thuế nhập khẩu có thể hoàn toàn tránh được nếu các quý vị mua hàng từ một nước không bị áp thuế nhập khẩu, hoặc mua hàng từ nước Mỹ (đây điều lý tưởng nhất !). Không có thuế nhập khẩu ở đây", ông Trump viết trên Twitter hôm 13/5/2019.
"Nhiều công ty bị áp thuế nhập khẩu cũng sẽ rời khỏi Trung Quốc để chuyển tới Việt Nam và các nước tương tự ở Châu Á. Đó là lý do tại sao Trung Quốc lại muốn chốt thỏa thuận với Mỹ như thế".
*******************
Trung Quốc trả đũa với việc áp biểu thuế mới lên các mặt hàng của Mỹ (BBC, 13/05/2019)
Trung Quốc nói sẽ áp thuế lên lượng hàng hóa Mỹ trị giá 60 tỷ đô la, bắt đầu từ 1/6, khiến cuộc chiến thương mại giữa hai nước càng lớn thêm.
Quan hệ thương mại Mỹ - Trung . Ảnh minh họa
Quyết định của Bắc Kinh được đưa ra ba ngày sau khi Hoa Kỳ đánh thuế ở mức tăng hơn gấp đôi đối với các mặt hàng Trung Quốc trị giá 200 tỷ đô la.
Trước đó, Tổng thống Donald Trump bác bỏ việc người tiêu dùng Mỹ sẽ phải trả giá cho việc áp thuế cao hơn lên đồ nhập khẩu từ Trung Quốc, và cảnh báo Trung Quốc chớ có theo chân Mỹ.
Nhưng Bắc Kinh nói họ sẽ không nuốt bất kỳ "trái đắng" nào làm hại tới lợi ích của họ.
Biểu thuế mới của Trung Quốc sẽ áp dụng đối với hơn 5.000 sản phẩm Mỹ, với mức từ 5% đến 25%.
Quyết định của Bắc Kinh được công bố trong một tuyên bố của Ủy ban Chính sách Thuế quan thuộc Quốc vụ viện Trung Quốc.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao nước này, Cảnh Sảng, nói tại cuộc họp báo ở Bắc Kinh rằng Trung Quốc sẽ "không bao giờ đầu hàng trước áp lực bên ngoài".
"Trung Quốc chớ có trả đũa - sẽ chỉ tồi tệ hơn thôi !" ông Trump đăng tin trên Twitter ngay trước khi có tin về quyết định của Trung Quốc.
Ông Trump cũng nói Trung Quốc đã "tận dụng lợi thế trước Mỹ trong rất nhiều năm".
Ông nói thêm rằng người tiêu dùng Mỹ sẽ tránh được tác động của biểu thuế quan bằng việc mua sản phẩm tương tự nhưng từ các nguồn khác.
"Nhiều công ty bị đánh thuế sẽ rời Trung Quốc sang Việt Nam và các nước khác ở Châu Á. Đó là lý do vì sao Trung Quốc cấp thiết muốn đạt được thỏa thuận này !" ông nói.
Sau khi Trung Quốc công bố quyết định đánh thuế, cổ phiếu tại Phố Wall tụt trước phiên giao dịch chính thức, cho thấy những tổn thất to lớn sẽ xảy ra một khi thị trường hoạt động, do phản ứng của các nhà đầu tư đối với vòng đánh thuế ăn miếng trả miếng mới nhất giữa hai bên.
Cổ phiếu của các nhà sản xuất xe hơi bị ảnh hưởng đặc biệt nặng nề - cả Ford và General Motors đều mở cửa với mức sụt 2%.
Các thị trường Châu Âu cũng cho thấy tình trạng sút giảm, với chỉ số FTSE 100 ở London giảm khoảng 0,5%, còn các chỉ số chính tại Frankfurt và Paris giảm hơn 1%.
Cuộc chiến thương mại đã diễn ra như thế nào
Mỹ nói rằng thặng dư thương mại của Trung Quốc đối với Mỹ là kết quả của việc kinh doanh không công bằng, trong đó có việc nhà nước Trung Quốc hỗ trợ cho các công ty nội địa.
Mỹ cũng cáo buộc Trung Quốc đánh cắp tài sản trí tuệ từ các hãng của Mỹ.
Vòng đàm phán thương mại mới nhất Mỹ-Trung đã kết thúc tại Washington hôm thứ Sáu mà không đạt thỏa thuận nào.
Cách tiếp cận của ông Trump trong cuộc tranh cãi đã khiến ông có ít nhiều khúc mắc với cố vấn kinh tế hàng đầu của mình, Larry Kudlow, người từng nói "cả hai bên đều thiệt hại".
******************
Sáu công ty Trung Quốc bị cấm xuất khẩu hàng hóa nhạy cảm của Mỹ (VOA, 13/05/2019)
Hôm 13/5, Bộ Thương mại Hoa Kỳ ra thông cáo cấm sáu doanh nghiệp công nghệ Trung Quốc, một công ty Pakistan và năm công ty có trụ sở tại Các Tiểu vương quốc Ảrập Thống nhất, xuất khẩu các công nghệ nhạy cảm của Hoa Kỳ cùng các hàng hóa khác, theo Reuters.
Bộ Thương mại Hoa Kỳ Wilbur Ross tại Bắc Kinh, ngày 03/06/2018.
Trong một tuyên bố, Bộ Thương mại cho biết, bốn công ty Trung Quốc đã cố gắng mua hàng hóa có nguồn gốc từ Hoa Kỳ nhằm hỗ trợ cho chương trình sản xuất vũ khí hủy diệt hàng loạt và các chương trình quân sự của Iran, và như vậy đã vi phạm luật kiểm soát xuất khẩu của Hoa Kỳ.
Bộ Thương mại cho biết hai công ty Trung Quốc khác đã được thêm vào "Danh sách các thực thể" bị cấm xuất khẩu hoặc chuyển giao công nghệ, vì cung cấp hàng hóa cho các tổ chức liên kết với Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc.
Các doanh nghiệp Trung Quốc bị cấm là Avin Electronics Technology Co Ltd, có trụ sở tại Thâm Quyến ; Longkui Qu ở Lâm Hải, tỉnh Chiết Giang ; Công ty công nghệ điện tử Multi-Mart ở Nam Hải, tỉnh Quảng Đông ; Taizhou CBM- Future New Material Science and Technology Co Ltd ở Lâm Hải, tỉnh Chiết Giang ; Tenco Technology Co Ltd và Yutron Technology Co Ltd đều ở Thâm Quyến.
Theo Bộ Thương mại Mỹ, các công ty Avin, Mult-Mart, Tenco và Yutron đều có văn phòng tại Hong Kong.
Thông báo của Bộ trưởng Thương mại Wilbur Ross cho biết : "Chúng tôi sẽ thông báo cho các cá nhân, doanh nghiệp và tổ chức trên toàn thế giới biết rằng các thực thể này sẽ phải chịu trách nhiệm cho việc hỗ trợ các hoạt động vũ khí hủy diệt hàng loạt của Iran và các chương trình bất hợp pháp khác".
Thông cáo cho biết thêm : "Hơn nữa, chúng tôi không thể cho phép chiến lược hội nhập quân sự - dân sự của Trung Quốc phá hoại an ninh quốc gia của Hoa Kỳ thông qua các âm mưu chuyển giao công nghệ bị Mỹ cấm nhưng lại được các cơ quan nhà nước Trung Quốc dàn xếp".
*******************
Thương mại : Tổng thống Mỹ dọa Bắc Kinh tình hình sẽ "tồi tệ hơn nhiều" (RFI, 12/05/2019)
Sau vòng đàm phán thứ 11 thất bại, tổng thống Donald Trump lớn tiếng kêu gọi Trung Quốc mau chóng đúc kết một thỏa thuận thương mại với Mỹ. Ông Trump đe dọa, nếu bất đồng kéo dài đến nhiệm kỳ tổng thống mới, Bắc Kinh chắc chắn sẽ phải gánh chịu những hậu quả nặng nề gấp bội.
Tổng thống Mỹ Donald Trump cảnh báo Trung Quốc là tình hình sẽ "tồi tệ hơn nhiều", nếu để thương thuyết kéo dài. Ảnh minh họa Reuters/Kevin Lamarque
Trong một thông điệp trên Twitter hôm qua, 11/05/2019, tổng thống Trump khẳng định : "Tôi tin tưởng là phía Trung Quốc đã cảm thấy bị đòn đau trong vòng đàm phán vừa qua đến mức họ chỉ trông đợi đến kỳ bầu cử tới, năm 2020, với hy vọng họ sẽ gặp may, với chiến thắng của phe Dân Chủ, cho phép họ có thể tiếp tục cướp đi của nước Mỹ mỗi năm 500 tỉ đô la". Nhưng ông Trump cảnh cáo là, chắc chắn ông sẽ thắng cử, và lúc đó để đạt được một thỏa thuận với Mỹ, Bắc Kinh sẽ phải trả giá đắt nhiều hơn. Như vậy, theo tổng thống Mỹ, "khôn ngoan" hơn hết với Trung Quốc là nên nhân nhượng ngay từ bây giờ.
Tuy nhiên, theo AFP, phản ứng của phía Trung Quốc cũng cứng rắn không kém, người phát ngôn bộ Thương Mại Trung Quốc nhấn mạnh : Bắc Kinh "sẽ không bao giờ đầu hàng trước áp lực".
Tổng thống Mỹ đã khởi sự thủ tục áp đặt loạt tăng thuế mới với hơn 300 tỉ đô la hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc. Tuy nhiên, từ đây đến khi quyết định có hiệu lực còn nhiều tháng nữa. Trong suốt thời gian này, Washington coi đây là một trong các biện pháp chủ yếu để gây áp lực với Trung Quốc. Trong một thông điệp trên Twitter trước đó, tổng thống Trump hối thúc giới công nghiệp Mỹ chuyển sang đầu tư cho sản xuất ngay tại Hoa Kỳ, hơn là nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc.
Trên thực tế, một trong các nạn nhân đầu tiên của việc chính quyền Mỹ tăng thuế với hàng Trung Quốc là các doanh nghiệp nhập khẩu Mỹ, buộc phải gánh chịu mức giá tăng. Giới trung lưu Hoa Kỳ cũng có nguy cơ phải trả nhiều tiền hơn cho các mặt hàng tiêu thụ thông thường. Theo tổ chức Trade Partnership, việc tăng thuế nhập khẩu đối với hơn 200 tỉ đô la hàng Trung Quốc, từ 10% lên 25%, có hiệu lực từ thứ Sáu tuần trước, sẽ khiến một gia đình Mỹ bốn người thiệt hại trung bình khoảng 767 đô la/năm.
Sau vòng đàm phán thất bại, Washington và Bắc Kinh đều tuyên bố sẽ nối lại thương lượng. Tuy nhiên, trong hiện tại, chưa biết đến khi nào, các đàm phán được tổng thống Mỹ đánh giá là "thẳng thắn" và "mang tính xây dựng" sẽ tiếp tục.
Trọng Thành