Chiến tranh thương mại : Ván bài nguy hiểm của Donald Trump
Căng thẳng Mỹ -Trung leo thang làm chứng khoán thế giới tuột dốc, nguy cơ Iran phong tỏa vùng Vịnh, Pháp soán ngôi Trung Quốc trong danh sách hấp dẫn đầu tư, tranh cãi về vòng xoáy bạo động - bạo lực tại Pháp, tranh cử Nghị Viện Châu Âu là những đề tài chung trên báo Pháp hôm nay.
Ông Donald Trump tại Nhà Trắng ngày 4/4/2019. Reuters/Kevin Lamarque
Trang nhất Le Figaro giành cho buổi lễ truy điệu hai chiến sĩ đặc nhiệm Pháp hy sinh trong trận giải cứu con tin ở Châu Phi, Le Monde giới thiệu bài điều tra về những sai sót trong guồng máy an ninh Pháp, đứng đầu trách nhiệm là bộ trưởng Nội vụ và tổng thống Macron. Nhưng thông tin nổi bật hơn hết là thương chiến Mỹ-Trung bước vào giai đoạn đáng ngại : hai bên cùng rút súng.
"Thương chiến, Trung Quốc trả đũa" bất chấp khuyến cáo của tổng thống
Mỹ "coi chừng làm tình hình xấu thêm". Le Figaro cho biết vài phút sau khi Bắc Kinh loan báo tăng thuế lên 60 tỷ đôla hàng hóa Mỹ, tổng thống Donald Trump "bắn" một loạt "tweet" đe dọa : tôi đã nói thẳng với chủ tịch Tập và những người bạn tại Trung Quốc là Trung Quốc sẽ bị thiệt hại nặng, nếu không thỏa thuận. Bởi vì giới công ty sẽ bỏ Trung Quốc.
Trước mắt, "Căng thẳng làm thị trường chứng khoán rơi rụng", "Giới đầu tư chuẩn bị kịch bản xấu nhất" "đồng tiền Trung Quốc mất giá kỷ lục kể từ đầu năm nay, Châu Á có nguy cơ bị chấn động", loạt bài của Les Echos.
Theo nhật báo kinh tế, ngày hôm qua, không một sàn giao dịch nào thoát hiểm, sau khi đoán lầm Donald Trump chỉ dọa Trung Quốc để gây sức ép. Cuối cùng căng thẳng thật sự leo thang với những hệ quả trước mắt : Wall Street mất giá 2%. Đồng nhân dân tệ giảm 0,8% so với đôla. Một loạt đồng tiền Châu Á, nhất là các nước đang trỗi dậy, buôn bán với Hoa lục chắc chắn sẽ bị lôi xuống theo.
Trong toàn cảnh này, bài xã luận của Les Echos cảnh báo "Lá bài nguy hiểm của Donald Trump". Biến động trên sàn giao dịch chỉ là bước thứ nhất, hệ quả kinh tế tiếp theo mới là chuyện đáng lo. Chắc chắn Trung Quốc bị thiệt hại nặng nhất, vì quá lệ thuộc vào thị trường Hoa Kỳ. Nhưng Donald Trump đánh ván bài nguy hiểm, vì làm tăng trưởng của nền kinh tế Mỹ mất trớn. Chiến tranh thương mại kéo dài sẽ tác động đến toàn thế giới, nhất là Châu Âu, đại cường xuất khẩu công nghệ. Les Echos nhìn nhận Donald Trump có lý khi buộc Trung Quốc mở cửa thị trường và tôn trọng tác quyền trí tuệ. Nhưng tổng thống Mỹ đã sai lầm khi sử dụng biện pháp trừng phạt đơn phương, thay vì qua Tổ Chức Thương Mại Thế Giới, gây ra phản ứng trả đũa từ phía Trung Quốc.
Gây căng thẳng với Trung Quốc và Iran để thu hút cử tri Mỹ trước bầu cử 2020, tổng thống Donald Trump đã đặt thế giới vào tình huống bất trắc, Les Echos phê phán.
Cũng cùng nhận định này, Le Figaro cảnh báo : Cách nay vài hôm, truyền thông một chiều ở Hoa lục nhìn nhận chiến tranh thương mại có hại cho Trung Quốc, nhưng giờ đây giọng lưỡi đã đổi khác : Trung Quốc sẵn sàng giao chiến.
Pháp vào "top 5" những quốc gia đầu tư hấp dẫn
Pháp vào "top 5" những quốc gia hấp dẫn đầu tư quốc tế. Đây là tin vui bất ngờ, vì cho dù phong trào Áo vàng xuống đường mỗi thứ bảy suốt 25 tuần liên tiếp, Pháp soán ngôi Trung Quốc trong danh sách "đất lành chim đậu". Le Monde và Les Echos đồng nhận định.
Trong bản xếp hạng của A.T. Kearney, công ty cố vấn Hoa Kỳ mà Les Echos trích dẫn, nước Mỹ vẫn dẫn đầu, nhưng lần đầu tiên nước Pháp tạo được tin tưởng mạnh trong giới đầu tư. Đó là nhờ "hiệu ứng Macron". Từ khi điện Elysée đổi chủ cách nay hai năm, nước Pháp nhanh chóng "leo thang" lên hạng 5, sau Mỹ, Đức, Canada và Anh Quốc. Phong trào biểu tình của Áo vàng không tác động gì. Trái lại, đây cũng là lần đầu tiên, Trung Quốc rơi xuống hạng thứ 7, sau hơn một chục năm đứng đầu bảng "do những bất cập bên trong, trong đó có nợ khó đòi và chiến tranh thương mại với Hoa Kỳ".
Trong bài xã luận "Khi Pháp lấy chỗ của Trung Quốc", Philippe Escande của Le Monde cho biết giới nhân viên Trung Quốc làm việc cho công ty nước ngoài rất lo âu cho tương lai. Điển hình là công ty điện toán Oracle của Mỹ thông báo hủy bỏ 900 việc làm tại Hoa lục. Chiến tranh thương mại Mỹ-Trung chỉ là hiện tượng nổi bật của làn gió bảo hộ thương mại mà hệ quả sẽ là tái phối trí bàn cờ thương mại thế giới.
Nghiên cứu của A.T. Kearney từ 20 năm nay, mỗi năm phỏng vấn 500 doanh nghiệp cho thấy sức hấp dẫn của một thị trường không phải là do nhân công rẻ. Trong danh sách 25 nước thuộc loại đất lành chim đậu, hầu hết là các nước tây phương, chỉ có ba nước đang trỗi dậy là Trung Quốc, Ấn Độ và Mexico lọt vào. Điển hình là Trung Quốc, đứng đầu bảng từ 2002 đến 2012, đến 2018 vẫn còn bám hạng 5, năm nay bị Pháp chiếm chỗ. Nói gì thì nói, Trung Quốc không có những lợi thế của các nước tây phương : thị trường tiềm năng lớn, thuế khóa hấp dẫn, trình độ công nghệ cao và cuối cùng là có một chế độ ổn định theo nghĩa biết thượng tôn pháp luật.
Căng thẳng tại Vịnh Ba Tư
Vịnh Ba Tư, một hồ sơ nóng khác có nguy cơ đưa đến xung đột giữa Mỹ và Iran. Ngoại trưởng Mỹ gây sức ép với Châu Âu, tựa của La Croix, trong khi Le Figaro báo động : Vịnh Ba Tư căng thẳng, sau khi bốn tàu chở dầu hỏa bị phá hoại, mà chưa rõ ai là thủ phạm.
Vào lúc Washington tố cáo Iran chuẩn bị tấn công vào quyền lợi của Mỹ tại Trung Đông, thì Châu Âu lo ngại xung khắc leo thang thành xung đột võ trang. Sự kiện ngoại trưởng Pompeo đến Bruxelles tham gia cuộc họp cấp ngoại trưởng của Liên Hiệp Châu Âu là một hình thức lôi kéo Anh, Pháp, Đức, ba nước trong lục cường ký hiệp định hạt nhân 2015 ủng hộ lập trường Mỹ. Theo Le Figaro, Bruxelles tiếp đón ngoại trưởng Mỹ một cách lạnh nhạt. Đại diện ngoại giao Federica Mogherini tuyên bố thẳng : lịch trình làm việc rất nặng. Không biết có thời giờ để thảo luận với ông ấy hay không. Còn theo La Croix, Hoa Kỳ vẫn nuôi hy vọng "làm thay đổi chế độ" tại Tehran, khi nói rằng "Mục tiêu của Mỹ không phải là chiến tranh, nhưng muốn giới lãnh đạo Iran thay đổi thái độ".
Trên thực địa, Hoa Kỳ đã đưa vào vịnh Ba Tư một hải đội tác chiến gồm hàng không mẫu hạm, khu trục hạm, tên lửa chống tên lửa Patriot và tăng cường không lực với nhiều pháo đài bay B52. Trong tình thế này, lại xảy ra vụ phá hoại bốn chiếc tàu chở dầu hỏa xuất khẩu : hai chiếc của Saudi Arabia, một chiếc của Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất và chiếc thứ tư của Na Uy. Không rõ ai là kẻ thủ lợi, nhưng Saudi Arabia và Iran bị nghi ngờ hơn cả. Theo giải thích của Le Figaro, Dubai cần hòa bình để khai mạc Triển Lãm Hoàn Vũ nên khó bị cáo buộc. Saudi Arabia có thể tạo cớ để Mỹ đánh kẻ thù Shia Iran và mua thêm vũ khí mới. Iran cũng có thể là thủ phạm, không phải vì hiếu chiến, nhưng do không còn giải pháp nào khác để thoát bế tắc nên đánh, để hy vọng lay chuyển cục diện.
Le Figaro ghi nhận thái độ thận trọng của Mỹ, cho đến tối thứ Hai, không cáo buộc một nước nào.
Tranh luận về vụ giải cứu con tin, khiến hai quân nhân hy sinh
Trở lại thời sự Pháp, vụ du khách Pháp đi du ngoạn ở Châu Phi bị bắt cóc, quân đội đi giải cứu bị hy sinh hai quân nhân gây ra một cuộc tranh luận tại Pháp. Cũng như các đồng nghiệp, Libération dành 6 trang để phân tích lập luận của những kẻ bênh người chống, cùng với bản đồ và các khuyến cáo an ninh của bộ Ngoại giao : "Điểm đến hiểm nguy" là tựa lớn trên trang bìa với ảnh minh họa là một bãi biển thơ mộng nằm trong tầm kính nhắm của một xạ thủ.
Tại Pháp, tổng thống Macron bị chỉ trích từ mọi phía. Ra tận phi tường đón hai con tin được giải cứu với giá hai biệt kích hy sinh, cũng bị chê trách. "Macron, tổng tư lệnh tối cao, bị hiểu lầm", tựa của Le Monde.
Châu Âu : Phe Brexit Anh bị trừng phạt, đảng Xanh Đức khởi sắc
Về chính trị Châu Âu, trong cuộc bầu cử Nghị Viện Châu Âu sắp tới, đảng Xanh ở Đức thuận buồm xuôi gió, thông tin của Le Monde. Trong khi tại Anh Quốc, đảng bảo thủ có nguy cơ bị cử tri trừng phạt xuống dưới 10% số phiếu bầu, theo hai kết quả thăm dò được trích dẫn trên Les Echos.
Liên hoan Cannes tràn ngập các báo
Trong lĩnh vực điện ảnh, tháng 5 là tháng của mùa Liên hoan Cannes. Tin chuẩn bị Liên hoan lần thứ 72 tràn ngập các báo. Nhiều phim có giá trị được chọn lọc, nhiều minh tinh màn bạc sẽ tham dự, Le Figaro quảng cáo và không quên một ngôi sao của Hollywood vừa tắt lịm ở tuổi 97: Doris Day. Hitchcok, nhà đạo diễn nổi tiếng với các bộ phim nghẹt thở và nhạc phẩm "Que sera, sera" đã đưa người nữ nghệ sĩ nhạc viện tóc vàng đi vào huyền thoại điện ảnh.
Tú Anh