Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

17/05/2019

Điểm báo Pháp - Hoa Kỳ "tả xung hữu đột"

RFI tiếng Việt

Venezuela, Iran, Hoa Vi... : Hoa Kỳ "tả xung hữu đột"

Cuộc đối đầu với Iran, Sự can dự vào khủng hoảng chính trị Venezuela, Cuộc thương chiến với Trung Quốc liên quan đến số phận của Hoa Vi… Các bài viết trên các nhật báo lớn của Pháp số ra ngày 17/05/2019 mang đến cho độc giả hình ảnh một nước Mỹ thời Donald Trump đang "tả xung hữu đột" trên nhiều mặt trận.

us1

Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton (trái) và ngoại trưởng Mike Pompeo, hai "thầy dùi" ở Nhà Trắng ? Reuters/Leah Millis/

Ván cờ Venezuela : Hoa Kỳ ở thế bí ?

Thương chiến Mỹ - Trung đang hồi "bất phân thắng bại", nhưng hiện tại lợi thế nghiêng về phía Hoa Kỳ. Mặt trận Trung Đông căng thẳng leo thang rủi ro Hoa Kỳ gánh lấy thiệt hại không phải là nhỏ. Nhưng riêng tại bàn cờ Venezuela, rõ ràng "Hoa Kỳ đã rơi vào bế tắc", xã luận của Le Monde khẳng định.

"Bế tắc" là vì chính quyền Donald Trump, đặc biệt là ông John Bolton, cố vấn an ninh quốc gia đã sai lầm khi xem thường đối thủ Nicolas Maduro. Ông đánh giá thấp khả năng kháng cự của vị tổng thống bị nhiều nước phản đối. Sai lầm đó thể hiện rõ qua biến cố ngày 30/04/2019.

Lời kêu gọi nổi dậy, thực hiện "Cuộc phản công cuối cùng" của lãnh đạo đối lập Juan Guaido đã bị thất bại. Điều mỉa mai là ông Guaido – tổng thống tự phong của Venezuela – được hơn 50 nước trên thế giới, trong đó có Mỹ và nhiều nước Châu Âu công nhận tính chính đáng.

Những ai hứa hẹn bỏ rơi Nicolas Maduro mà ông Juan Guaido ngây thơ tin tưởng đã đổi ý vào giờ chót và quân đội thì vẫn trung thành với chế độ Maduro. Trong khi đó, gương mặt đối lập Leopoldo Lopez, được một số binh sĩ đào ngũ cứu thoát thì vội vã chạy vào đại sứ quán Tây Ban Nha xin tị nạn.

Ngày hôm sau, Maduro diễu hành cùng với quân đội trên đường phố, để rồi sau đó vài ngày cho bắt giam cánh tay đắc lực của Juan Guaido, phó chủ tịch Quốc hội Edgar Zambrano.

Nói tóm lại, Maduro vẫn "bình chân như vại". Còn John Bolton, vị cố vấn hiếu chiến của tổng thống Mỹ thì "như điên như dại", đã lần lượt đăng tên những nhân vật của chế độ Maduro từng có kế hoạch đào tẩu trên mạng Twitter. Ông còn khẳng định bản thân tổng thống Maduro đã có ý định chạy trốn sang Cuba trước khi được Nga thuyết phục ở lại.

Tuy nhiên, theo Washington Post được Le Monde trích dẫn, dường như tổng thống Mỹ không hài lòng về thái độ hung hăng này của ông John Bolton trong hồ sơ Venezuela, ông cho rằng đã không được cố vấn đúng đắn, dẫn đến việc đánh giá sai lầm về sự trường tồn của chế độ Maduro.

Nếu như "Nga không có nhu cầu can dự vào Venezuela" theo như khẳng định của tổng thống Mỹ Donald Trump sau cuộc nói chuyện qua điện thoại với đồng nhiệm Nga, thì Hoa Kỳ cũng không có ý định phiêu lưu quân sự vào đất nước Nam Mỹ, trong bối cảnh cuộc đối đầu Mỹ - Iran lớn chưa từng có đang diễn ra.

Do vậy, Le Monde cho rằng, giờ để thoát khỏi ngõ cụt, trong khi người dân rơi vào tình cảnh khốn cùng, phải bỏ xứ tha hương, đối lập và chế độ Maduro chỉ còn giải pháp duy nhất là nối lại đối thoại, tiến hành chuyển tiếp chính trị thông qua con đường bầu cử mới mà không cần đến sự can dự của nước ngoài.

Vùng Vịnh : Trò cược nguy hiểm của Donald Trump

Liên quan đến căng thẳng Mỹ - Iran, nhà bình luận Alain Franchon, trên báo Le Monde có bài cảnh báo đề tựa "Trump ở trong Vùng Vịnh : mối nguy hiểm". Theo ông thông thường, chiến tranh phát sinh là vì sự hiểu lầm.

Hiện nay, tại Vùng Vịnh, Mỹ và Iran đang có nguy cơ tiến gần đến sự hiểu lầm. Hồi đầu tuần, bốn tàu chở dầu, trong đó có hai tầu mang cờ Saudi Arabia, đã bị tấn công ở ngoài khơi Foujeyra, thuộc Các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất và nước này đã cáo buộc Iran. Chưa rõ ai thủ phạm, nhưng người ta biết rằng Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất là đồng minh của Saudi Arabia, Hoa Kỳ và cả ba nước này đều thù ghét Iran. Chính quyền Tehran bác bỏ mọi cáo buộc, nhưng phiến quân sắc tộc Houthi, Yemen, được Iran ủng hộ lại thừa nhận đã phá một đường ống dẫn dầu của Saudi Arabia.

Điều đáng chú ý là vài ngày trước đó, ngoại trưởng và bộ trưởng Quốc Phòng Hoa Kỳ cảnh báo là Washington sẽ đáp trả mọi hành động tấn công nhắm vào lực lượng Mỹ và đồng minh trong khu vực. Ngày 14/05, báo New York Times cho biết là trong một cuộc họp gần đây của Hội đồng An ninh Quốc gia, chính quyền Trump đã bàn tới việc đưa 120 ngàn binh sĩ sang Trung Đông. Chính quyền Tehran đe dọa sẵn sàng phong tỏa eo biển Hormuz, nằm trên tuyến đường cung ứng một khối lượng lớn nhiên liệu của thế giới.

Để thực hiện chiến lược gây sức ép với Iran, Donald Trump thắt chặt quan hệ với thủ tướng Israel Benyamin Netanyahou và thái tử kế vị Saudi Arabia Mohammed Bin Salman. Bộ ba này lại được bổ sung thêm hai "thầy dùi" hiếu chiến, nguy hiểm là ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo và cố vấn an ninh quốc gia John Bolton, không giấu diếm ý định thay đổi chế độ tại Tehran. Ý đồ này của ngoại trưởng và cố vấn an ninh Hoa Kỳ có thể đẩy Iran đi đến phạm sai lầm và làm bùng nổ chiến tranh.

Trump không muốn đối đầu quân sự với Iran vì ông được bầu lên với cam kết rút quân ra khỏi vùng Trung Đông, nhưng đáng ngại là hai "phò tá" hiếu chiến, Mike Pompeo và John Bolton. Iran cũng không muốn đối đầu quân sự với Hoa Kỳ, nhưng ai có thể bảo đảm là đồng minh của Tehran, lực lượng Houthi ở Yemen, có cùng quan điểm với nước này ?

Đối với Alain Franchon, tổng thống Donald Trump, tỉ phú địa ốc, người luôn tự vỗ ngực là nhà thương thuyết tài giỏi, đã đặt mức cá cược rất cao trong hồ sơ Iran. Có thể là cách làm này của Trump mang lại hiệu quả trên thị trường địa ốc New York nhưng không thể áp dụng trong chính trị quốc tế. Trong lĩnh vực này, tốt hơn hết là đừng để ai mất mặt, cho dù đó là Trung Quốc, Iran hay Bắc Triều Tiên.

Mỹ và Iran đối đầu, Iraq "đu dây"

Ngạn ngữ có câu "Trâu bò húc nhau, ruồi muỗi chết". Trong cuộc đọ sức giữa Iran và Mỹ này, bất hạnh thay Iraq phải đóng vai "ruồi muỗi". Báo Le Monde cho biết "Iraq, trong tâm bão cuộc đọ sức giữa hai nước đỡ đầu, Hoa Kỳ và Iran".

Sau khi ngầm hợp tác chống Daesh, Mỹ và Iran quay lại đối đầu nhau, lao vào một cuộc chiến khác : Tranh giành ảnh hưởng tại Iraq. Theo Le Monde, chính quyền Washington thực hiện chính sách "áp lực tối đa" với Iran còn vì hai mục tiêu khác : Thứ nhất là gây sức ép buộc Baghdad phải hạn chế giao thương với quốc gia láng giềng Iran, đối tác kinh tế không thể thiếu trong nhiều lĩnh vực chủ chốt của nước này. Thứ hai là nhằm giảm bớt tầm ảnh hưởng của phe dân quân tự vệ hệ phái Shia thân Iran ngay trong lòng bộ máy an ninh của Iraq.

Phe này đã gia tăng thế lực tại Nghị Viện trong kỳ bầu cử Quốc hội hồi tháng 5/2018 và liên tiếp có những lời lẽ khiêu khích chống lại Hoa Kỳ nhưng đã không thành lập được một liên minh đa số để buộc Mỹ phải rút hết số 5.200 quân ra khỏi lãnh thổ.

Làm thế nào giữ được thế cân bằng giữa hai cường quốc ? Đây sẽ là một bài toán khó cho thủ tướng Iraq, Adel Abdel Mahdi, vốn có chủ trương "ôn hòa". Bởi vì "phạm vi hoạt động của ông hạn hẹp. Ông không thể áp đặt phe dân quân tự vệ vì lợi ích của đất nước và giữ Iraq ở thế trung lập" như nhận định của ông Hosham Dawood, trường Ecole des hautes etudes en sciences sociales (EHESS) với báo Le Monde.

Hoa Vi : Quá mạnh để mà "đáng bị trừng phạt"

Cuộc thương chiến Mỹ - Trung đang đến hồi cao trào. Tổng thống Mỹ ngày 15/05/2019 ký sắc lệnh cấm các tập đoàn Mỹ trang bị các linh kiện viễn thông của những công ty nước ngoài nào "đe dọa an ninh" nước Mỹ. Bộ Thương mại Hoa Kỳ còn đưa Hoa Vi và 70 chi nhánh của tập đoàn viễn thông Trung Quốc này vào "danh sách đen".

Đây cũng là chủ đề thời sự quốc tế được các nhật báo Pháp bàn tán sôi nổi nhất. "Trump cấm Hoa Vi tại Hoa Kỳ", "Hoa Vi và Bắc Kinh trong tầm ngắm của Trump", hay "Donald Trump trừng phạt Hoa Vi và tái khởi động căng thẳng với Bắc Kinh" lần lượt là tựa các bài viết trên Le Monde, Libération Le Figaro.

Le Monde cho biết Bắc Kinh ngay sau đó đã có phản ứng. Tập đoàn viễn thông Trung Quốc lên án "quyết định cấm này là phi lý". Tuy nhiên, theo Hoa Vi, tác động của sắc lệnh này chỉ mang tính biểu tượng nhiều hơn là kinh tế. Doanh thu của tập đoàn chủ yếu được thực hiện ở Châu Á và Châu Âu. Thị trường Hoa Kỳ chỉ chiếm có 6,6% thị phần. Nhưng tập đoàn Trung Quốc này đang phải đối mặt với làn sóng nghi kỵ ngày càng lớn trong bối cảnh cuộc đua 5G đã khởi động tại nhiều nước Châu Âu.

Về điểm này, Le Figaro không có cùng quan điểm với Le Monde. Nhật báo thiên hữu lưu ý khi một tập đoàn nào bị đưa vào "danh sách đen", hay còn được biết đến dưới cái tên "danh sách án tử" do Văn phòng Công Nghiệp và An Toàn, thuộc bộ thương mại quản lý, chính phủ Mỹ trên nguyên tắc có thể bóp nghẹt tập đoàn này.

Chính quyền Washington còn có thẩm quyền ngăn chặn tập đoàn đó mua các linh kiện hay sử dụng các bằng sáng chế từ các nhà cung cấp thiết bị Mỹ. Không có công nghệ Intel, Qualcomm, Micron Technology hay như Google mà phần mềm Android cần đến để vận hành các điện thoại thông minh Hoa Vi, tập đoàn viễn thông Trung Quốc có nguy cơ không thể tồn tại.

Mỗi năm Hoa Vi mua khoảng 11 tỷ đô la trang thiết bị khác nhau từ 33 nhà cung cấp Mỹ. Do vậy, hậu quả của tình trạng tê liệt này có nguy cơ thêm trầm trọng cho các khách hàng của Hoa Vi trên toàn thế giới. Vì vậy, Hoa Vi đã có phản ứng mạnh mẽ khi cảnh báo rằng quyết định của ông Donald Trump có thể tác động đến "hàng chục ngàn việc làm tại Mỹ" và phá hoại niềm tin trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Minh Anh

Quay lại trang chủ
Read 493 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)