Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

20/05/2019

Điểm báo Pháp - Vấn nạn đánh cắp tiền trợ cấp của Liên Hiệp Châu Âu

RFI tiếng Việt

Đông Âu : Vấn nạn đánh cắp tiền trợ cấp của Liên Hiệp Châu Âu

Trong những năm qua, ngày càng có nhiều vụ bê bối liên quan đến việc lãnh đạo nhiều nước Đông Âu đánh cắp tiền trợ cấp của Liên Hiệp Châu Âu dành cho các nước nghèo nhất Liên Âu.

dongau1

Thủ tướng Hungary Viktor Orban trong một cuộc họp báo tại Budapest, ngày 02/05/2019. Con rể thủ tướng Orban từng dính líu vào một vụ bê bối liên quan đến quỹ hỗ trợ của Liên Hiệp Châu Âu. Reuters/Bernadett Szabo

Trong bài viết "Đông Âu : Bê bối đánh cắp tiền trợ cấp của Liên Hiệp Châu Âu", Jean Baptiste Chastand, đặc phái viên của Le Monde tại Bruxelles, và Blaise Gauquelin, thông tín viên khu vực Đông Âu của báo Le Monde tại Vienna, nhận định tất cả các đảng phái chính trị ở các nước Đông Âu đều dính dáng theo cùng một cách : hoặc các lãnh đạo, hoặc người thân của họ, lợi dụng các quỹ Liên Hiệp Châu Âu hỗ trợ phát triển cho khu vực nghèo nhất Liên Âu, trong khi các nhân vật quyền thế này vẫn ra sức chỉ trích nặng nề các định chế của Liên Hiệp, chẳng hạn tại các nước Hungary, Cộng hòa Czech, Romania …

Một chuyên gia về ngân sách của Liên Âu dành cho các nước Đông Âu cho biết tại các nước này, tham nhũng xảy ra rất nhiều và 2/3 số tiền đầu tư của Nhà nước là từ quỹ hỗ trợ của Liên Âu nên vụ tham nhũng nào cũng có dính tới tiền công quỹ của Châu Âu thì không có gì mới lạ, nhưng điểm mới là Châu Âu lo ngại rằng tư pháp các nước này không nỗ lực đấu tranh chống tệ nạn đó.

Lãnh đạo Ủy ban kiểm tra ngân sách ở Nghị Viện Châu Âu tại Strasbourg nhấn mạnh, chẳng hạn, tại Slovakia, hồi tháng 04/2019, chưởng lý đã phải từ chức sau khi phe đối lập tiết lộ quan chức này đã trao đổi 428 tin nhắn với nghi phạm vụ sát hại một nhà báo đang điều tra về việc người này biển thủ công quỹ Châu Âu. Còn tư pháp Hungary hồi năm 2018 đã "xếp xó" hồ sơ về vụ tham nhũng của con rể thủ tướng Victor Orban, cho dù Cơ quan chống gian lận của Liên Hiệp đã thu thập được nhiều chứng cứ.

Lãnh đạo Ủy ban kiểm tra ngân sách ở Nghị Viện Châu Âu tại Strasbourg nhận định "một số kẻ tội phạm đã cố đánh bại Châu Âu bằng chính vũ khí của Châu Âu", ý nói những người này đã dùng tiền của Liên Hiệp để củng cố quyền lực, đồng thời có các phát biểu mang tính dân tộc chủ nghĩa, nhất là tại Hungary và Romania.

Để khắc phục những hạn chế của Châu Âu trong việc điều tra và xử lý các vi phạm, theo sáng kiến của Ủy Ban Châu Âu, 22 nước thành viên Liên Âu hồi năm 2017 đã đồng ý thành lập Viện Công Tố Châu Âu trước năm 2020, định chế có quyền điều tra ở các nước thành viên. Tuy nhiên, Hungary và Ba Lan, hai nước được hưởng nhiều trợ cấp của Châu Âu lại không nằm trong nhóm 22 nước nói trên.

Thế nhưng, Le Monde vẫn tỏ ra lạc quan về nhiều dấu hiệu đáng khích lệ tại các nước. Chẳng hạn, tân tổng thống Slovakia đã hướng đến cuộc chiến chống tham nhũng trong chương trình tranh cử. Tại Bulgaria, một vị vụ trưởng cũng mới phải từ chức sau khi bị báo chí phanh phui vụ tham nhũng tiền của Liên Hiệp. Không có tiết lộ của báo chí Bulgaria, Bruxelles đã không thể phát hiện ra vụ việc kéo dài trong suốt nhiều năm.

Dân Châu Âu gắn bó với đồng euro hơn là Liên Hiệp Châu Âu

Vẫn liên quan đến Liên Âu, trong bài viết "Dân Châu Âu gắn bó với đồng euro hơn là với Liên Hiệp", báo Le Figaro cho biết theo kết quả khảo sát mà Viện thăm dò ý kiến Eurobaromètre tiến hành gần đây nhất (mùa thu năm 2018), 75% số người sống trong khu vực đồng tiền chung Châu Âu ủng hộ "một liên minh kinh tế và tiền tệ với một đồng tiền duy nhất - đồng euro". Trái lại, chỉ có 42% số người được hỏi (trong tổng số 27.400 người) có niềm tin vào Liên Hiệp Châu Âu, tỉ lệ đánh giá tích cực đối với chính phủ các nước chỉ đạt 35%.

Tỉ lệ người tín nhiệm đồng euro như vậy đạt mức cao kỷ lục kể từ khi đồng tiền chung Châu Âu ra đời vào năm 1999, chủ yếu vì ba lý do. Thứ nhất, đồng euro có thể cầm nắm được. Ai cũng có thể giữ đồng euro trong túi. Thứ hai là người tiêu dùng thấy đồng euro là phương tiện trao đổi hữu ích ở tầm quốc tế, nhất là trong bối cảnh người Châu Âu ngày càng quan tâm đến phương thức mua sắm trên mạng. Ưu điểm thứ ba là đồng euro bảo đảm cho sự ổn định trong thời buổi rối ren, từ Brexit đến cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung.

Tỉ lệ tín nhiệm đồng euro cao nhất ở ba nước Bỉ (84%), Đức (81%) và Hà Lan (80%). Ý đứng cuối bảng với tỉ lệ 63%. Theo Le Monde, tỉ lệ ủng hộ đồng euro ở một số nước như Áo, Ý thấp là do sự trỗi dậy của các đảng dân túy trong các kỳ bầu cử gần đây.

Nạn quấy rối trên mạng : Thông điệp ảo, nỗi đau thật

Trong lĩnh vực xã hội, báo công giáo La Croix chạy tít "Nạn quấy rối trên mạng internet, những cuộc đời bị phá hủy". Nạn quấy rối trên mạng internet ngày càng lan rộng, nhưng ngày càng khó để tư pháp có thể trừng phạt những người ẩn danh để lăng mạ người khác.

Trong bài viết "Nạn quấy rối trên mạng : Thông điệp ảo, nỗi đau thật", La Croix trích dẫn kết quả một cuộc thăm dò ý kiến do Viện IFOF công bố hồi tháng 02/2019, theo đó 8% người Pháp cho biết đã từng bị "công kích" nhiều lần trên mạng internet. Tỉ lệ này đối với thanh niên 18-24 tuổi là 22%.

Luật pháp quy định kể từ năm 2014 là hành vi quấy rối trên mạng internet bị xử phạt 3 năm tù. Nhưng trên thực tế, việc xét xử không đơn giản. Trong cả năm 2017, tư pháp Pháp chỉ xét xử được 17 vụ, vì rất khó xác định được những người ẩn danh trên mạng internet để quấy rối người khác. Nếu các trang mạng liên quan không chịu cung cấp địa chỉ IP của người bị tình nghi, thì các cuộc điều tra bị bế tắc.

Các nạn nhân cũng có quyền báo cáo về những đăng tải trái pháp luật nhắm tới họ, để nhà quản trị mạng xã hội rút những tin nhắn đó. Tuy nhiên, không phải lúc nào yêu cầu của họ cũng được các trang mạng đáp ứng. Sau vụ khủng bố Christchurch, các tập đoàn GAFA đã chấp nhận xóa các nội dung "mang tính khủng bố và cực đoan bạo lực" mà không làm điều tương tự với các đăng tải mang tính thù hằn, điều đó có nghĩa là sẽ rất khó giải quyết vấn nạn quấy rối trên mạng xã hội.

Tại Pháp, dân biểu đảng Cộng Hòa Tiến Bước (LREM) của tổng thống Pháp Macron, bà Laetitia Avia, đề xuất dự luật với nhiều giải pháp được hy vọng là sẽ góp phần giải quyết nạn quấy rối trên mạng xã hội : Các mạng xã hội phải cung cấp cho các nhà điều tra danh tính cư dân mạng bị tình nghi, xóa mọi nội dung kích động thù hận trong vòng 24 tiếng đồng hồ, nếu không sẽ bị phạt. Dân biểu Avia cũng đề nghị thành lập một viện công tố đặc trách vấn đề này.

La Croix nhấn mạnh đến tầm quan trọng của công tác giáo dục, bởi vì "Internet là một cuộc sống thực. Những gì được nói trên mạng xã hội không chỉ trôi đi nhẹ nhàng, mà có thể phá hủy nhiều cuộc đời".

JFK8 - kho hàng tự động hóa hiện đại nhất của Amazon

Trong phóng sự "New York : Hàng chục ngàn rô bốt trong kho hàng của Amazon", phóng viên Vincent Fagot của báo Le Monde giới thiệu với độc giả JFK8, một trong những kho hàng hiện đại nhất của Amazon. Nằm ở New York, rộng 80.000m2, đây là nơi trung chuyển hàng trăm ngàn sản phẩm mà người dân New York đặt mua mỗi ngày. Nhân vật trung tâm tại kho hàng JFK8 là các rô bốt. JFK8 là 1 trong 126 kho hàng của Amazon đã được tự động hóa. Sắp tới, tại Pháp, Amazon cũng có một kho hàng tương tự tại vùng Essonne, ngoại ô Paris.

Các kho hàng tự động hóa giữ vai trò quan trọng trong chiến lược phát triển của Amazon, cho phép giao hàng cho khách nhanh nhất có thể. Việc sử dụng rô bốt trong các kho hàng của Amazon bắt đầu từ năm 2012 và ngày càng được mở rộng. Trái với phương thức truyền thống là các nhân viên làm việc tại kho phải tự đi đến từng kệ hàng để tìm sản phẩm đem đi đóng gói, dán nhãn, thì tại kho JFK8, rô bốt dịch chuyển cả kệ hàng đến tận chỗ viên ngồi, họ chỉ việc đóng gói và dán nhãn. Các rô bốt được lập trình để tìm ra con đường ngắn nhất để đi mà không va chạm vào nhau.

Hãng tin Reuters gần đây cho rằng việc sử dụng rô bốt trong các kho hàng của Amazon có thể khiến 13.000 nhân viên mất việc làm. Tuy nhiên, tập đoàn Mỹ khẳng định việc sử dụng công nghệ cho phép cải thiện điều kiện an toàn lao động cho nhân viên, rút ngắn thời gian giao hàng cho khách, giúp cho hệ thống của Amazon đạt hiệu quả hơn.

Một trong những lãnh đạo của Amazon Robotics còn cho biết nếu hồi năm 2012, Amazon chỉ sử dụng 300.000 lao động, thì nay con số này đã tăng lên thành 670.000 người, đông nhất thế giới. Trong tương lai, các rô bốt sẽ được sử dụng trong nhiều hoạt động khác của Amazon, chẳng hạn tập đoàn đã cho ra đời cửa hàng Amazon Go đầu tiên ở New York : cửa hàng đầu tiên không có nhân viên, tất cả mọi việc trong cửa hàng đều do rô bốt đảm nhiệm.

Trang nhất các báo Pháp

Nhiều tờ báo Pháp hôm nay hướng sự chú ý đến kỳ bầu cử Nghị Viện Châu Âu. Báo kinh tế Les Echos chạy tựa trang nhất : "Bầu cử Nghị Viện Châu Âu : Macron phản công những người có tư tưởng dân tộc". Le Monde ra sạp sớm từ chiều thứ Bảy 18/05 nói đến "34 danh sách, 34 chương trình. Hướng dẫn bầu chọn". Tại Pháp, bầu cử được tổ chức vào ngày 26/05, với tổng cộng 34 danh sách tham gia tranh cử để bầu 79 nghị sĩ cho Nghị Viện Châu Âu. Còn báo Libération quan tâm đến những nỗ lực của các đảng phái cánh tả nhằm thu hút cử tri qua hàng tựa "Các đảng cánh tả : Chiến dịch vì sự sống còn".

Báo Le Figaro trở lại với cuộc tranh luận gay gắt về việc duy trì tình trạng sống thực vật trong trạng thái "ý thức tối thiểu" của Vincent Lambert, sau khi người này rơi vào hôn mê sâu hồi năm 2008. Tờ báo chạy tựa : "Những cảm xúc trước khi ngưng hẳn việc chăm sóc cho Vincent Lambert".

Thùy Dương

Quay lại trang chủ
Read 499 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)