Bầu Nghị Viện Châu Âu : Macron và phe thân Châu Âu "thắng lớn"
Châu Âu "kháng chiến", Dân túy thắng nhỏ thua to, Trào lưu bảo vệ hành tinh lên điểm, Phe thân Châu Âu và tổng thống Pháp "là pháo đài" cản đường liên minh bài Châu Âu, "Mê hồn trận công nghệ" của Donald Trump trong thương chiến Mỹ-Trung là những chủ đề chính trên báo Pháp ngày 28/05/2019.
Một áp phích kêu gọi bầu cho đảng của tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Paris, 23/05/2019. Reuters/Charles Platiau
48 giờ sau kết quả bầu cử Nghị Viện Châu Âu, một luồng gió hưng phấn tràn ngập báo chí Pháp : một người đàn ông phanh ngực hãnh diện với lá cờ xanh dương 12 ngôi sao của Châu Âu, minh họa của Libération. Lá cờ này biến thành màu xanh lá cây trên La Croix. Macron muốn khai thác sức bật của bầu cử Châu Âu để tiếp tục cải cách, tựa của Le Figaro bên cạnh bức ảnh cặp lãnh đạo hành pháp thần sắc tươi tỉnh.
Châu Âu bật dậy
Theo nhật báo Libération, trái với những dự báo bi quan Châu Âu hấp hối, cuối cùng Châu lục này đã chiến thắng : tỷ lệ cử tri đi bầu tăng cao, phe công kích Châu Âu bị chận đứng, phong trào bảo vệ môi trường lên điểm… Liên Hiệp Châu Âu bị xem là thoái trào đã bật dậy. Một trong những điểm son là trào lưu bảo vệ môi trường, nương theo cuộc vận động toàn cầu, khởi đi từ giới trẻ và vùng Bắc Âu đã giúp cho các đảng Xanh ở Châu Âu đặc biệt là Pháp và Đức tăng gấp đôi số nghị sĩ.
Về phần phe bài Châu Âu, theo Libération, các đảng cực hữu không thắng như nhiều người lầm tưởng. Đúng là phe này có thêm đại biểu, từ 151 lên 171, nhưng đó là nhờ 20 ghế của đảng cực hữu Ý. Họ chinh phục một phần cử tri, sau khi chỉnh đổi cương lĩnh bỏ lập luận bài xích Liên Hiệp Châu Âu. Trong khi đó toàn thể 75% số nghị sĩ còn lại, dù tả hay hữu, dù bảo thủ (PPE) hay tự do đều thuộc lực lượng nòng cốt thân Châu Âu. Nhóm tự do mà tên gọi chính thức là Liên minh Dân chủ và Tự do Châu Âu (ALDE), từ 69 ghế lên hơn 100, là nhờ có thêm 20 đại biểu của đảng Cộng Hòa Tiến Bước.
Macron và một thế hệ mới
Điều khẳng định của báo chí từ tả đến hữu được Le Figaro và Le Monde phân tích trong phần xã luận, trong khi La Croix cho biết xu hướng tự do trong Liên Âu được củng cố là nhờ đảng Cộng Hòa Tiến Bước của tổng thống Macron trong đó tín đồ Công Giáo góp phần không ít.
Nhật báo công giáo thở phào nhẹ nhỏm với hai cột báo : Một làn gió sinh thái thổi qua Châu Âu. Ngọn sóng dân tộc chủ nghĩa mị dân không xảy ra. La Croix không ngần ngại bình luận thêm : tín đồ Công giáo thuần thành đã dồn phiếu cho liên minh tự do này, từ nay trở thành lực lượng mạnh thứ ba sau phe hữu bảo thủ và dân chủ xã hội trung tả. La Croix hài lòng và dự báo : từ trước đến nay, những người thuộc khuynh hướng tự do như tổng thống Macron luôn chủ trương tăng thu giảm chi để giới hạn thâm thủng ngân sách quốc gia dưới ngưỡng 3%. Nhưng trước mối đe dọa của phe dân túy bài xích Châu Âu, hy vọng từ nay chính sách ngân sách trong Liên Hiệp Châu Âu sẽ bớt nghiêm khắc hơn hầu xoa dịu nhân tâm.
Le Figaro, trong bài xã luận "Những ngày sau đó", thẩm định tổng thống Macron đã mất vị trí số một biểu tượng (tức đảng về đầu trong số các đảng tranh cử Nghị Viện Châu Âu), nhưng phần thắng thì rất nhiều. Từ nay, trận thế trở thành đơn giản. Chỉ còn một đối thủ duy nhất là Tập Hợp Quốc Gia, nhưng vì đảng này không có đồng minh nên không bao giờ chiếm được đa số trong các cuộc bầu cử tại Pháp theo lối hai vòng và nguyên tắc "được ăn cả ngã về không".
Phe hữu và phe tả truyền thống gần như vỡ trận, cho phép tổng thống Macron có thể dựa vào liên minh bảo vệ môi trường, đối thủ ở vòng một, nhưng lại là đồng minh ở vòng hai để củng cố đa số ở Quốc hội hay ở các chính quyền địa phương. Thủ tướng Edouard Philippe, có thể tự hào, thu hút ít nhất 20% số cử tri của phe hữu truyền thống dồn phiếu cho liên danh Cộng Hòa Tiến Bước hôm Chủ Nhật vừa qua.
Le Figaro không tiếc lời khen ngợi : năm 2019 bắt đầu với tai tiếng Benalla và phong trào Áo Vàng phẫn nộ, thế mà chủ nhân Điện Elysée thoát nạn một cách tuyệt vời. Trên nhật báo Le Figaro, nhà phân tích công luận Guillaume Perrault nhận định : Macron thành công thay đổi thành phần cử tri cơ bản và bóp nghẹt cánh hữu truyền thống. Bên tả, phe sinh thái "hút" cử tri của đảng "Nước Pháp bất khuất", những người bất bình thủ lĩnh Jean-Luc Melenchon ủng hộ phong trào Áo Vàng.
Nhìn rộng hơn đồng nghiệp thiên hữu, Le Monde trong bài "Một Châu Âu mới trỗi dậy", phấn khởi với tinh thần trách nhiệm của cử tri : tỷ lệ đi bầu lên cao là điểm bất ngờ thứ nhất trong bối cảnh đất nước bị ba cuộc khủng hoảng là bản sắc, xã hội và môi trường. Trong bối cảnh này, xảy ra một bất ngờ thứ hai là xu hướng thân Châu Âu "tiến mạnh" cùng với hiện tượng thứ ba không ai dự báo là phong trào bảo vệ môi trường tăng gấp đôi tỷ lệ phiếu tín nhiệm.
Lãnh đạo phong trào Yannick Jadot , nguyên là giám đốc Green Peace, đã hiểu là một trang sử đã được lật qua : làm chính trị không phải là thỏa hiệp với các guồng máy bầu cử mà là trực tiếp tìm hậu thuẫn ở mỗi hiệp hội phi chính phủ và với những cá nhân cùng tâm nguyện trong xã hội công dân. Nói cách khác, tương lai thuộc vào những người hành động và nỗ lực hành động để sáng tạo. Còn những kẻ chỉ biết nói và nói, cuối cùng sẽ bị tiêu diệt.
Trump : thương lượng với Bắc Kinh, nhưng phong tỏa Hoa Vi
Đương đầu với Trung Quốc, chiến thuật của Donald Trump tấn công vào Hoa Vi mang ý nghĩa gì và sẽ đi đến đâu ? Phản ứng của Trung Quốc sẽ như thế nào ? Le Monde và Le Figaro đưa ra các nhận định gần như nhau.
Trước hết, thông tin về chuyến viếng thăm Nhật Bản của tổng thống Mỹ, Les Echos lưu ý thái độ trầm tĩnh hiếm thấy ở Donald Trump. Chủ nhân Nhà Trắng tỏ ra hòa dịu với Iran và Bắc Triều Tiên. Sau khi hội kiến với thủ tướng Shinzo Abe, tổng thống Donald Trump tuyên bố không có ý đồ làm thay đổi chế độ Tehran và chấp nhận vai trò "trung gian hòa giải" của Tokyo. Đối với Bắc Triều Tiên, Donald Trump cũng rất trầm tĩnh : Kim Jong Un là một người thông minh, phóng tên lửa chắc để mọi người chú ý ông ta vậy thôi. Trong quan hệ với đồng minh Nhật Bản, Donald Trump để cho Tokyo thêm thời giờ đàm phán hiệp định thương mại. Còn đối với Trung Quốc, tổng thống Mỹ "tin rằng sẽ đạt được một hiệp định rất tốt" trong tương lai, nếu không " công ty quốc tế sẽ ồ ạt từ bỏ Trung Quốc" để tránh bị Mỹ trừng phạt.
Câu hỏi đặt ra là tổng thống Mỹ đang sử dụng chiến thuật gì với Trung Quốc và Bắc Kinh phản ứng ra sao ? Theo Le Monde, Donald Trump đánh cược bằng con dao hai lưỡi. Áp lực của Mỹ chỉ làm Trung Quốc chọn thái độ co cụm. Phản ứng đáp trả thứ nhất là tẩy chay hàng Mỹ. Điều này có thể thực hiện được, nếu bộ máy tuyên truyền tham dự. Tuy nhiên, cả hai bên đều cầm dao hai lưỡi. Linh cảm được hiểm họa này, đích thân sáng lập viên Hoa Vi Nhậm Chính Phi khẩn thiết kêu gọi dân Hoa lục : "Ủng hộ Hoa Vi trong hoàn cảnh khó khăn này không có nghĩa là quý vị chỉ mua điện thoại Hoa Vi. Thương mại không dính dáng gì với chính trị". Mặt khác, rõ ràng là Trung Quốc cũng thấy rõ là cần công nghệ nước ngoài. Do vậy, họ sẽ tăng tốc chương trình "Made in China" 2025. Viễn ảnh này, theo Le Monde làm Tây phương đổ mồ hôi lạnh. Bắc Kinh sẽ không cải cách kinh tế quốc doanh, vũ khí của chế độ chính trị, như Donald Trump hy vọng.
Bằng cớ là ngày 20/05 vừa qua, Hác Bằng, một cán bộ lãnh đạo thuộc loại tay sắt được bổ nhiệm đứng đầu Ủy ban điều hành 100 đại tập đoàn Nhà nước. Trong suốt 20 năm qua, Hác Bằng chưa bao giờ có kinh nghiệm làm kinh tế mà chỉ giữ các chức vụ chính trị ở những vùng nhạy cảm đối với Bắc Kinh như Tây Tạng và Thanh Hải. Theo Le Monde, đây là một tín hiệu chính trị cảnh báo Tây phương : Trung Quốc bế quan co cụm. Một tín hiệu nữa, theo báo chí Nhà nước, một quyết định "mới đây" của Trung ương Đảng, những đảng viên ở nước ngoài 5 năm liên tục sẽ bị "tạm ngưng" sinh hoạt đảng.
Le Monde kết luận dí dỏm : Ông Đặng Tiểu Bình mà nghe tin này chắc phải "đội mồ" đứng dậy. Cha đẻ của chính sách canh tân Trung Quốc ở Pháp gần 6 năm không một lần về Trung Quốc.
Hoa Vi rơi vào vùng sương mù
Về phần Hoa Vi, liệu tập đoàn điện thoại hàng đầu của Trung Quốc có khả năng thoát hiểm ?
Câu trả lời có thể tìm thấy trong bài "Phong tỏa công nghệ để cô lập nhóm điện thoại di động của Trung Quốc" trên Le Figaro. Chỉ cần một sắc lệnh, Donald Trump thiết lập một hành lang an toàn để cách ly Hoa Vi với các công ty cung cấp linh kiện. Sự kiện công ty ARM của Anh Quốc ủng hộ Mỹ làm cho tình thế của Hoa Vi phức tạp thêm và cho thấy sức công phá của quả bom Donald Trump. Rất nhiều công ty gia công cung cấp thiết bị cho Hoa Vi lại sử dụng bằng sáng chế của ARM, mà ARM giờ đây không cho các công ty này quyền sử dụng tác quyền. Hệ quả là Hoa Vi có nguy cơ không thể sản xuất điện thoại thông minh. Rồi nhiều khách hàng của Hoa Vi cũng ngưng mua sản phẩm.
Chiến thuật của Donald Trump bề ngoài rất lung tung, nhưng tỏ ra là một guồng máy chiến tranh công nghệ rất lợi hại đánh vào "trái tim" của Hoa Vi, ngăn chận phát triển hệ thống 5G. Cho dù Donald Trump nay thế này mai thế nọ, thay đổi như chong chóng nhưng mục tiêu đi tới không đổi : Để được thịnh vượng, công ty nào cũng cần một môi trường ổn định. Thế mà tập đoàn Hoa Vi bị tổng thống Mỹ đưa vào vùng sương mù.
Tình thế của tập đoàn điện thoại Trung Quốc ngày càng giống Iran.
Hôn nhân Renault-Fiat-Chrysler
Cũng trong lãnh vực công nghệ, dự án một đại tập đoàn xe hơi Pháp-Ý đang được chuẩn bị. Renault muốn kết hôn với Fiat, liệu Nissan có đồng ý hay không ? Libération đặt câu hỏi.
Les Echos và Le Figaro cho biết Fiat của Ý và Renault của Pháp xác nhận dự án nhập lại làm một để trở thành tập đoàn xe hơi số một thế giới. Vấn đề là còn chờ đèn xanh của Nissan, đối tác của Renault trong liên minh Pháp- Nhật.
25% dân Pháp còn nghiện thuốc
Trong lãnh vực y tế, Les Echos than phiền có đến 25% dân Pháp chưa bỏ thuốc lá theo báo cáo mới nhất.
Trong khi đó, Le Figaro báo động hay dọa (?) : dân ghiền hay đã bỏ thuốc lá có biết trong phổi còn có chất gì hay không ? Đó là bốn chữ BPCO hay là "viêm phổi và cuống phổi mãn tính làm tắc nghẽn khí quản". Tại Pháp, mỗi năm có 17.500 người thiệt mạng và 120.000 người phải thở dưỡng khí (oxy) tốn kém cho ngân sách an sinh xã hội 3,5 tỷ euro mỗi năm. Điều đáng lo là một trên năm người hút thuốc hoặc đã bỏ thuốc, mang bệnh viên khí quản "tiệm tiến", mà không biết sức khỏe đang gặp hiểm nguy.
Tú Anh