Trung Quốc triệu tập các hãng công nghệ nước ngoài sau lệnh cấm Huawei (VOA, 09/06/2019)
Trung Quốc tuần trước đã triệu tập các công ty công nghệ tới để trao đổi sau quyết định cấm của Mỹ về việc bán công nghệ cho tập đoàn Huawei của Trung Quốc, hai nguồn thạo tin nói với Reuters hôm 9/6.
Nhân viên tại một gian hàng triển lãm của Huawei ở Thái Lan tháng trước.
Việc đưa Huawei vào danh sách đen đồng nghĩa với chuyện cấm các công ty của Mỹ cung cấp các hàng hóa và dịch vụ cho tập đoàn sản xuất thiết bị mạng viễn thông lớn nhất thế giới, vì mối quan ngại về an ninh quốc gia của Washington.
Huawei đã bác bỏ cáo buộc nói rằng thiết bị của hãng gây ra mối đe dọa về an ninh.
Ngay sau đó, theo Reuters, Bắc Kinh thông báo rằng Trung Quốc sẽ công bố danh sách của nước này về các công ty nước ngoài "thiếu tin cậy". Trung Quốc cũng ám chỉ sẽ giới hạn việc cung cấp đất hiếm cho Mỹ.
Một nguồn tin tại tập đoàn phần mềm Microsoft của Mỹ nói rằng việc trao đổi với quan chức Trung Quốc không phải là một cảnh báo trực tiếp, nhưng họ đã được nói rõ rằng việc tuân thủ với lệnh cấm của Mỹ nhiều khả năng sẽ dẫn tới sự phức tạp thêm nữa đối với tất cả mọi bên.
Theo Reuters, Microsoft cũng được yêu cầu không có các bước đi vội vàng và thiếu cân nhắc trước khi hiểu rõ tình hình. Nguồn tin cũng nói rằng giọng điệu của phía Trung Quốc mang tính hòa giải.
Tờ New York Times đưa tin đầu tiên về cuộc gặp mà các công ty công nghệ lớn của nước ngoài bị cảnh báo về việc tuân thủ lệnh cấm của Mỹ về việc bán công nghệ của Hoa Kỳ cho các công ty Trung Quốc hoặc phải đối mặt với điều tờ báo này nói là các hệ quả thảm khốc.
*******************
Người Hong Kong tuần hành phản đối dự luật dẫn độ sang Trung Quốc (VOA, 09/06/2019)
Hàng trăm nghìn người hôm 9/6 đã đổ ra các đường phố ở Hong Kong trong nỗ lực cuối cùng nhằm phản đối một dự luật dẫn độ các nghi can sang Trung Quốc để đối mặt với việc bị xét xử.
Người biểu tình cầm dù vàng, biểu tượng của phong trào Chiếm Trung, hôm 9/6
Reuters đưa tin rằng đây là cuộc tuần hành lớn nhất ở Hong Kong trong vòng 15 năm qua và cảnh sát đã phải huy động hơn 2 nghìn nhân viên để xử lý cuộc phản đối dự kiến thu hút hơn nửa triệu người.
Hội đồng Lập pháp Hong Kong tuần trước đã bắt đầu các cuộc thảo luận về việc sửa đổi về dự luật. Theo Reuters, nó có thể được thông qua vào cuối tháng này.
Người biểu tình hô vang "không dẫn độ sang Trung Quốc, không có luật lệ xấu xa".
Trong khi đó, nhiều người cũng kêu gọi Trưởng đặc khu Carrie Lam từ chức.
Theo Reuters, những người phản đối dự luật lo ngại việc xói mòn thêm nữa các quyền của người dân và sự bảo vệ luật pháp tại trung tâm tài chính, vốn được bảo đảm theo thỏa thuận trao trả đặc khu từ Anh cho Trung Quốc năm 1997.
Một nhà hoạt động kỳ cựu và là cựu dân biểu Leung Kwok-hung nói rằng động thái của chính quyền sẽ khiến "người dân Hong Kong và các du khách tới Hong Kong sẽ bị mất đi quyền không bị trục xuất sang Trung Quốc đại lục".
"Họ sẽ phải đối mặt với một hệ thống pháp luật không công bằng ở đại lục", ông Leung nói.
****************
Hong Kong : Hàng vạn người biểu tình phản đối dự luật dẫn độ (BBC, 09/06/2019)
Hàng chục ngàn người xuống đường ở Hong Kong hôm 9/6 để tạo áp lực buộc chính quyền hủy bỏ đạo luật dẫn độ cho phép nghi phạm được dẫn giải đến đại lục để đối mặt với phiên tòa.
Cuộc tuần hành hôm 9/6.
Hơn 2.000 cảnh sát được huy động để giữ trật tự cho sự kiện quy tụ hơn 500.000 người.
Theo Reuters, một ủy ban của các nhóm ủng hộ dân chủ ước tính đây có thể là cuộc biểu tình một ngày lớn nhất kể từ năm 2003, khi đông đảo người biểu tình buộc chính quyền phải từ bỏ luật siết chặt an ninh quốc gia.
Các sinh viên tự xích họ lại với nhau khi yêu cầu chính quyền hủy bỏ dự luật dẫn độ tại Hong Kong ngày 8/6
Cuộc biểu tình sẽ kết thúc tại Hội đồng Lập pháp, nơi các cuộc tranh luận bắt đầu vào hôm 12/6 để tiến hành sửa đổi các sắc lệnh về nghi phạm bỏ trốn. Dự luật dẫn độ dự kiến được thông qua vào cuối tháng này.
Sau nhiều tuần gia tăng sức ép của địa phương và quốc tế, cuộc biểu tình dự kiến sẽ phản ánh phạm vi phản đối rộng rãi đối với dự luật. Nhiều người nói rằng họ chỉ đơn giản là không thể tin tưởng vào hệ thống tòa án hay bộ máy an ninh của đại lục.
Hệ thống pháp lý độc lập của Hong Kong được bảo đảm theo luật quản trị việc trung tâm tài chính này được Anh trao trả cho Trung Quốc 22 năm trước, và được các cộng đồng ngoại giao và kinh doanh xem là tài sản còn sót lại và chưa bị Bắc Kinh xâm phạm.
Mối lo ngại đã lan rộng từ các nhóm dân chủ và nhân quyền đến các học sinh trung học, các nhóm nhà thờ và các tổ chức truyền thông cũng như các luật sư của công ty và các doanh nhân vốn thường không muốn có mâu thuẫn với chính phủ.
Nhà lập pháp kỳ cựu của đảng Dân chủ James To nói với Reuters rằng ông tin rằng lượng người biểu tình đông đảo hôm 9/6 "có thể buộc chính quyền phải suy nghĩ lại một cách nghiêm túc về đạo luật và người dân cảm thấy đây là bước ngoặt đối với Hong Kong".
*****************
Dự kiến biểu tình lớn ở Hong Kong phản đối dự luật dẫn độ với Trung Quốc (VOA, 09/06/2019)
Ít nhất nửa triệu người ở Hong Kong dự kiến sẽ đổ ra đường vào Chủ nhật để biểu tình đòi chính phủ hủy bỏ một đạo luật dẫn độ được đề xuất cho phép nghi phạm được gửi tới Trung Quốc để đưa ra xét xử, những người tổ chức cuộc tuần hành nói.
Học sinh xiềng tay nhau biểu tình đòi nhà chức trách bãi bỏ luật dẫn độ được đề xuất với Trung Quốc, ở Hong Kong, ngày 8 tháng 6, 2019.
Một ủy ban của các nhóm ủng hộ dân chủ nâng ước tính số người tham gia và hiện đang dự kiến một cuộc tập hợp lớn nhất trong một ngày kể từ năm 2003, khi một số lượng người biểu tình tương tự buộc chính phủ phải từ bỏ luật an ninh quốc gia nghiêm ngặt hơn, Reuters đưa tin.
Cuộc tuần hành sẽ dừng lại tại Hội đồng Lập pháp của thành phố, nơi các cuộc tranh luận sẽ bắt đầu vào thứ Tư về những sửa đổi lớn đối với Sắc lệnh Đào phạm. Dự luật dẫn độ theo lịch trình sẽ được thông qua vào cuối tháng.
Sau nhiều tuần với sức ép địa phương và quốc tế gia tăng, cuộc biểu tình dự kiến sẽ phản ánh phạm vi phản đối rộng lớn đối với dự luật, với nhiều người nói rằng họ chỉ đơn giản không tin tưởng hệ thống tòa án hay bộ máy an ninh của Trung Quốc.
Hệ thống pháp lí độc lập của thành phố được bảo đảm theo các luật quản trị việc Hong Kong được Anh trao lại cho Trung Quốc cai trị 22 năm trước, và được các cộng đồng kinh doanh và ngoại giao của trung tâm tài chính này xem là tài sản vững mạnh còn lại của nó chưa bị Bắc Kinh xâm phạm, theo Reuters.
Mối lo ngại đã lan ra từ các nhóm dân chủ và nhân quyền của thành phố đến các học sinh cấp hai, các nhóm tôn giáo và các tổ chức vận động truyền thông cũng như các luật sư công ty và các nhân vật kinh doanh ủng hộ giới chính thống đương quyền, một số thường không thích mâu thuẫn với chính phủ.
Cuộc tuần hành sẽ khép lại một tuần lễ đậm màu sắc chính trị cho thành phố, với ước tính 180.000 người thắp nến vào ngày thứ Ba đánh dấu 30 năm kể từ vụ đàn áp Quảng trường Thiên An Môn và một cuộc biểu tình hiếm hoi của các luật sư của thành phố hôm thứ Năm.
Nó theo sau một cuộc biểu tình trước đó của hơn 100.000 người vào cuối tháng Năm.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo và các ngoại trưởng Anh và Đức đã lên tiếng phản đối dự luật, trong khi 11 đặc sứ của Liên minh Châu Âu đã gặp Trưởng quan Hành chính Hong Kong Carrie Lam để chính thức phản đối.
Ngày thứ bảy, một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Mỹ nhắc lại lo ngại của Mỹ.
"Hoa Kỳ đang theo dõi sát và lo ngại về những sửa đổi được đề xuất của chính phủ Hong Kong đối với luật này", bà nói. "Sự xói mòn liên tục khuôn khổ ‘Một quốc gia, Hai chế độ’ đề ra nguy cơ cho tư cách đặc biệt lâu nay của Hong Kong trong các sự vụ quốc tế".