Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

20/07/2019

Điểm báo Pháp - Chinh phục Mặt Trăng

RFI tiếng Việt

Chinh phục Mặt Trăng không còn là độc quyền của Mỹ

Cách nay đúng 50 năm, ngày 20/07/1969, phi hành gia Mỹ Neil Armstrong trở thành người đầu tiên từ Trái Đất đặt chân lên Mặt Trăng. Phi thuyền Mỹ Apollo 11 cùng phi hành đoàn gồm 3 người - Neil Armstrong, Buzz Aldrin và Michael Collins – đã đi vào huyền thoại. Sự kiện lịch sử này dĩ nhiên đã được báo chí hết sức quan tâm, với hai tuần báo Courrier International của Pháp và The Economist của Anh đều dành hồ sơ đặc biệt cho công cuộc chinh phục Mặt Trăng của loài người. Ôn cố tri tân, cả hai tờ báo đều thấy là cuộc chinh phục này không còn là độc quyền của Mỹ.

moon1

Bức hình lịch sử của Phi hành gia Neil Armstrong chụp Buzz Aldrin, ngày đầu tiên họ đặt chân lên mặt Trăng 20/07/1969. Neil Armstrong/NASA/REUTERS

Courrier International đã chạy tựa trang bìa : "Mặt Trăng đây", lấy ý từ câu nói đầu tiên của con người ở trên Mặt Trăng gọi về trái đất. "Allo Houston, Tranquility Base here. The Eagle has landed ! – A lô Houston, Căn cứ Tĩnh Lặng đây – Đại Bàng đã hạ cánh". Houston là thành phố ở bang Texas, nơi đặt bộ phận điều hành chuyến bay Appolo 11, Tranquility Base lấy từ tên Tranquility Sea (Biển Tĩnh Lặng), nơi phi thuyền đáp xuống trên Mặt Trăng, và The Eagle (Đại Bàng) là tên phương tiên cơ giới đã đưa các phi hành gia đổ bộ lên Mặt Trăng.

Theo tuần báo Pháp, vào lúc mọi người kỷ niệm 50 năm bước chân đầu tiên của con người trên mặt trăng, mọi con mắt lại một lần nữa chăm chú nhìn lên vệ tinh tự nhiên của Trái Đất : Vào tháng Giêng vừa qua, Trung Quốc đã thành công đưa được một thiết bị thăm dò lên mặt khuất của Chị Hằng, Ấn Độ thì dự định đưa lên một chiếc xe rover, trong lúc Hoa Kỳ đã thúc đẩy trở lại chương trình gởi con người trở lại Mặt Trăng.

Hồ sơ đặc biệt của Courrier International rất phong phú với nhiều bài báo lấy từ khắp nơi trên thế giới, trong đó có hai bài rất lý thú : Bài của chuyên san Nhật Bản The Diplomat : "Apollo đã qua rồi, chào mừng mọi người đến với thời đại Hằng Nga". Hằng Nga (Chang’e), là tên của chương trình thám hiểm mặt trăng của Trung Quốc, và bài "Tại sao lại đang có cơn sốt thám hiểm Mặt Trăng" của tờ báo Anh The Observer.

Ngoài ra, Courrier International cũng phỏng vấn viện sĩ hàn lâm Nga Lev Zeleny Ogoniok, giám đốc Viện Nghiên Cứu Không Gian Nga. Trong bài "Lục địa thứ Bảy", nhà nghiên cứu Nga đã phân tích thêm về tham vọng không gian của Nga trong thời đại đầy cạnh tranh hiện nay.

Courrier International cũng không quên ‘ôn cố’, với những bài chẳng khác gì tư liệu lịch sử như bài "Góc nhìn từ quá khứ. Ngày 21 tháng 7 năm 1969, bước chân đầu tiên của con người trên Mặt Trăng" trích lại tờ báo Mỹ New York Times, hay bài "Thông điệp của Buzz Aldrin gởi cư dân Trái Đất", đăng trên báo Mỹ Washington Post.

Chinh phục Mặt Trăng : Nhân tố thúc đẩy hợp tác giữa các đại cường

Trong bài xã luận "Tất cả đều muốn lên Mặt Trăng", Courrier International đã hy vọng rằng ước muốn chinh phục Hằng Nga hiện nay có thể thúc đẩy các nước hợp tác với nhau.

Ghi nhận đầu tiên của tạp chí Pháp là cuộc chạy đua lên Mặt Trăng hiện nay không còn giới hạn ở Nga và Mỹ. Trung Quốc vào tháng Giêng vừa qua đã đặt được một thiết bị trên mặt che khuất của Mặt Trăng, qua đó giành được vị trí hàng đầu về không gian trong tay Mỹ.

Nhưng Hoa Kỳ đâu đã chịu thua. Donald Trump, với các giấc mơ vĩ đại của ông, muốn con người bước đi trở lại trên Mặt Trăng vào năm 2024, thời điểm trùng hợp với năm cuối nhiệm kỳ của ông Trump nếu ông tái đắc cử. Vấn đề là cơ quan không gian Nasa không đủ phương tiện tài chính để đi theo lịch trình chính trị này. Hơn nữa, chỉ đặt chân trở lại trên Mặt Trăng mà thôi thì chưa đủ, giờ đây, những chuyến bay lên Mặt Trăng còn có nhiệm vụ để chuẩn bị cho những chuyến đi xa hơn, tức là chinh phục sao Hỏa.

Nhiều nước khác, như Ấn Độ, cũng tìm cách chen chân trong cuộc đua, cho dù họ thực sự không có phương tiện. Việc phóng phi thuyền thăm dò Chandrayaan-2 bị hủy bỏ vào giờ phút chót do sự cố kỹ thuật, đã bị châm biếm như là những chuyến bay giá rẻ low cost : Ấn Độ chỉ tốn kém 140 triệu đô la, trong khi Trung Quốc đã bỏ ra 8,4 tỷ đô la cho toàn bộ chương trình không gian của họ vào năm 2017.

Tuy nhiên, đối với Courrier International, có lẽ Ấn Độ sẽ tìm ra cách nhờ Nga để cải thiện chương trình không gian của mình, và đã có những cuộc thảo luận khá xa trong chiều hướng đó…

Liên tưởng đến thời sự chính trị hiện thời, Courrier International đã thấy rằng bất chấp tranh chấp thương mại hay địa chính trị, không gian dường như là một trong những lãnh vực mà Mỹ và Trung Quốc sẽ buộc phải hợp tác với nhau, để cho con người, bất kể là quốc tịch gì, có thể đi trên mặt trăng trở lại, và người đó rất có thể là phụ nữ đầu tiên.

Không gian cần được quản lý trong 50 năm tới

The Economist ngược lại, đã hướng tới tương lai, với tựa lớn trang bìa : "50 năm tới đây trên không gian". Đối với tạp chí Anh, 50 năm sau ngày con người đầu tiên đặt chân lên Mặt Trăng, môt thời đại thám hiểm không gian mới đang bắt đầu, đòi hỏi nhân loại phải đề ra một hệ thống luật lệ và kiểm soát vũ khí mới.

Đặc điểm của không gian mới đó, theo tuần báo Anh, bao gồm : Chi phí giảm, công nghệ mới, tham vọng của Trung Quốc và Ấn Độ, và một thế hệ doanh nhân mới.

Các hoạt động gần như chắc chắn sẽ liên quan đến du lịch không gian cho thiểu số giàu có và các mạng truyền thông phong phú và tốt hơn cho tất cả mọi người. Về lâu về dài, có thể có việc khai thác khoáng sản và thậm chí chuyên chở công cộng cho số đông.

The Economist cho rằng không gian sẽ trở thành một phần mở rộng của Trái Đất - một đấu trường dành cho các cá nhân và doanh nghiệp, không riêng gì cho các chính phủ. Trong tình hình đó, cần phải tạo ra một hệ thống luật lệ để điều hành "cõi thiên đàng", cả trong thời bình lẫn trong thời loạn, nếu chẳng may chiến tranh nổ ra.

Nỗi thất vọng của người thứ hai đặt chân lên Mặt Trăng

Hai tuần báo Pháp L’Express và L’Obs cũng quan tâm đến sự kiện lịch sử này, cho dù không xem đấy là hồ sơ quan trọng nhất.

Trong lúc L'Express ghi nhận "Năm 1969, con người đã bước đi trên Mặt Trăng : Hậu trường của một kỳ công" thì L’Obs, đã phân tích một số bức hình chụp vào thời điểm phi thuyền Apollo 11 đáp xuống Mặt Trăng để nói thêm về nỗi thất vọng của Buzz Aldrin, người thứ hai đã sãi bước trên bề mặt Chị Hằng.

Trong bài mang tựa : "A lô Houston, Căn cứ Tĩnh Lặng đây", L’Obs giải thích là Aldrin, một sĩ quan quân đội, đã rất thất vọng khi biết rằng ông sẽ không phải là người đầu tiên đặt chân lên Mặt Trăng vào ngày 20 tháng 7 năm 1969. Aldrin giải thích : "Họ đã quyết định rằng người đó sẽ là kỹ sư [Neil] Armstrong, một người không phải là quân nhân, đồng thời là chỉ huy của chiếc phi thuyền. Một người như vậy được đánh giá là có tính biểu tượng tốt hơn".

Theo lời kể của L’Obs, khi biết tin trên trước lúc đi thực hiện nhiệm vụ, Aldrin đã rất bàng hoàng. Và sau này, nhà phi hành gia không may mắn đó đã trở thành nghiện rượu và bị bệnh trầm cảm.

Tuy nhiên hiện nay, ông là người duy nhất kỷ niệm 50 năm ngày con người đặt chân lên Mặt Trăng, vì Armstrong đã qua đời vào năm 2012. Và ông luôn sẵn lòng kể lại cho bất kỳ ai muốn nghe khoảnh khắc kỳ diệu ở bên bờ Biển Tĩnh Lặng, khi ông cùng với người bạn đồng hành Armstrong chiêm ngưỡng hành tinh xanh tỏa sáng trong bóng tối.

Nhật - Hàn tương tranh, Trung - Triều đắc lợi

Về thời sự châu Á, quan hệ không mấy thuận thảo giữa Nhật Bản và Hàn Quốc đã thu hút sự chú ý của tuần báo Anh Quốc The Economist. Trong bài "Quan hệ Nhật-Hàn đang sứt mẻ một cách đáng báo động", The Economist cho rằng căng thẳng giữa hai bên rất có lợi cho Trung Quốc và Bắc Triều Tiên

Theo tuần báo Anh, Hàn Quốc và Nhật Bản là hai nền dân chủ thực thụ, một điều hiếm có ở khu vực này thế giới. Về mặt lịch sử và văn hóa, hai bên cũng có những điểm chung, và trong một khu vực đầy rủi ro, họ là những đồng minh quan trọng của Hoa Kỳ. Thế mà họ lại đối xử với nhau giống như kẻ thù hơn là bạn bè.

Trong tháng này, Nhật Bản đã hạn chế xuất khẩu một số hóa chất thiết yếu cho ngành công nghiệp bán dẫn và điện thoại thông minh Hàn Quốc, một bước leo thang quan trọng trong tranh chấp giữa hai bên. Mặc dù Hàn Quốc chỉ nhập khoảng 400 triệu đô la các mặt hàng này mỗi năm, nhưng rất khó kiếm được nguồn cung cấp, do đó tác động lên chuỗi cung ứng toàn cầu có thể rất lớn.

Hàn Quốc đã phản ứng một cách tức tối. Các nghệ sĩ nổi tiếng không ngần ngại khoe trên tài khoản Instagram những chiếc vé máy bay đi Nhật mà họ đã hủy bỏ. Xe hơi do Nhật sản xuất đã bị cố tình làm trầy xước. Chủ cửa hàng đã kêu gọi tẩy chay hàng hóa Nhật Bản. Các chính khách thì đòi dãn nhãn "do những tên tội phạm chiến tranh làm ra" trên các thương hiệu Nhật Bản…

Đối với The Economist, khủng hoảng Nhật-Hàn rất hợp ý Trung Quốc và Bắc Triều Tiên.

Các quan chức Nhật Bản nhấn mạnh rằng trong lãnh vực quốc phòng, an ninh và chia sẻ thông tin tình báo, quan hệ với Hàn Quốc vẫn thân thiện và hiệu quả. Thế nhưng khó có thể tin rằng các lãnh vực này không bị tác đông. Nước Mỹ có thể gõ đầu hai bên và khiến cả hai lùi bước, nhưng cho đến nay vẫn tránh không muốn can dự vào.

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in hiện đang bị suy yếu ở trong nước, cuộc khủng hoảng với Nhật đã giúp ông tăng cường uy tín. Còn tại Nhật, với cuộc bầu cử Thượng Viện sắp mở ra, thủ tướng Abe không được phép tỏ ra mềm yếu. Cả hai lãnh đạo đang phải đối mặt với tầng lớp công dân mà những hiểu lầm về đất nước đối diện càng lúc càng nặng thêm. Đối với hai người, xuống thang căng thẳng không phải dễ.

Một vòng ẩm thực Pháp

Nước Pháp đã vào mùa nghỉ hè, và điều đó được thấy trên các tạp chí. Số lượng trang bài có giảm bớt, trong lúc đề tài mang tính chất vui tươi thoải mái hơn.

Trang bìa L’Express tuần này chẳng hạn, được dành cho một cuộc du hành "Vòng quanh nước Pháp về ẩm thực".

Tạp chí đưa độc giả đi một vòng nước Pháp, nếm thử món ăn độc đáo của từng vùng miền, những xu hướng thời đại, những nơi nổi tiếng : từ bánh chiên welsh, và khoai tây chiên ở miền bắc nước Pháp, cho đến các món cá ở vùng Bretagne phía tây, rồi các món hàu vùng occitane miền nam, món ratatouille vùng Provence cũng miền nam đến những nhà hàng sân thượng gọi là rooftop, đang rất thời thượng ở thủ đô Paris.

Tạp chí cũng giới thiệu những nơi ăn kiểu "cây nhà lá vườn", với nguyên vật liệu lấy ngay từ vườn, trại, hay bánh nướng ngay tại chỗ trong lò.

Thế nhưng L’Express cũng lấy làm tiếc là chất lượng của một số sản phẩm khá được ưa thích với những quy định sản xuất chặt chẽ để duy trì chất lượng, thì giờ đây với những quy định mới thì sẽ không còn như trước.

Ví dụ như loại phô mát Camenbert được báo động là đang "lâm nguy" : Camembert chân chính phải được làm ra theo đúng tiêu chuẩn chặt chẽ của AOP, phải làm từ sữa gọi là sống (chưa khử trùng), lấy từ bò ở vùng Normandie, ăn cỏ ngoài trời hơn sáu tháng, phải được sản xuất tại một trong 5 tỉnh vùng Normandie. Nhưng quy định giờ đây đã giảm nhẹ nhiều, được phép dùng sữa đã khử trùng, và được phép chỉ sử dụng 30% sữa của bò vùng Normandie.

Ăn hạt nào tốt

Cũng chú ý đến ăn uống, tuần báo Pháp Le Point đã dành tựa lớn trang bìa và hồ sơ chính cho "Tác dụng tốt của các loại hạt".

Theo tờ báo, con người ngày càng được khuyến khích ăn những loại hạt, từ những loại hạt quen thuộc với người Việt như vừng mè hay bí, cho đến những thứ xa lạ hơn như hạt diêm mạch (quinoa) hoặc hạt chia, được cho là rất giàu chất Omega 3.

Người ta cho rằng các loại hạt này là "vũ khí tuyệt đối chống béo phì, chống mỡ trong máu cholestérol, chống bệnh tim mach…" với vô số tác dụng tốt khác. Tờ báo đã cố tìm hiểu xem y học nói gì về những loại hạt này, để giúp độc giả phân biệt thực hư.

Jean-Jacques Rousseau vẫn mang tính thời đại

Tuần báo L’Obs cũng ít nhiều rời xa thời sự nóng bỏng để giành trang bìa cho triết gia Pháp Jean-Jacques Rousseau, tác giả quyển "Khế ước xã hội", thế kỷ 18. Đối với L’Obs, dù đã ba thế kỷ, nhưng các vấn đề được Jean-Jacques Rousseau nêu lên như bất bình đẳng, dân chủ, khí hậu, vẫn mang đầy đủ tính chất thời đại.

Như để giải thích cho chọn lựa của mình, L’Obs nhắc lại vụ tai tiếng mấy ngày qua đã khiến bộ trưởng môi trường Pháp François de Rugy từ chức. Ông bị cáo buộc đã tổ chức những bữa tiệc xa hoa thời còn làm chủ tịch Quốc Hội.

Tờ báo đánh giá : Làm chủ tịch Quốc Hội mà lại tổ chức những bữa ăn tối với bạn bè đầy tai tiếng, Jean-Jacques Rousseau có lẽ sẽ không quá ngạc nhiên trước những việc làm của ông de Rugy. Chẳng phải là chính công dân nổi tiếng thành Genève (biệt danh của Rousseau) đã dạy cho người Pháp lòng yêu chuộng công bằng và thù ghét xa hoa hay sao ? Đáng tiếc cho cựu bộ trưởng sinh thái, ông đã quên đi những đức tính Rousseau truyền lai : ý thức công dân và sự thanh đạm.

Theo L’Obs, nhà tiên tri Jean-Jacques Rousseau, tác giả quyển "Tham luận về nguồn gốc và cơ sở của tình trạng bất bình đẳng giữa con người" không thể ngủ yên trong điện Panthéon, nơi thờ các danh nhân Pháp. Sau những năm tháng Voltaire, đối thủ của Rousseau, nhưng là láng giềng của ông trong điện Panthéon, tác giả quyển "Chuyên luận về lòng bao dung" vừa được tái bản để chống lại xu hướng Hồi Giáo cuồng tín, thì Rousseau rõ ràng đã quay trở lại.

Trọng Nghĩa

Quay lại trang chủ
Read 456 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)