Vì sao Nga đàn áp thô bạo biểu tình ở Moskva ?
Vụ đàn áp biểu tình tại Moskva được tất cả các báo Paris chú ý.
Một người biểu tình tại Moskva ngày 27/07/2019 bị cảnh sát bắt. Reuters/Tatyana Makeyeva
Les Echos nhận xét : "Chế độ Nga đang trong thế thủ", Libération dành hai trang báo để nói về "Đàn áp ở Nga : Moskva thô bạo trước đối lập". Trang web của Le Monde cho biết "Trên 1.000 người biểu tình ở Moskva bị bắt : Phản ứng phẫn nộ ở khắp nơi", còn La Croix có bài phóng sự mang tựa đề "Tại Moskva, đối lập là mục tiêu đàn áp tàn bạo".
Người biểu tình ôn hòa bị cảnh sát tấn công thô bạo
Thông tín viên của Libération mô tả, trên quảng trường Tverskaia gần Tòa đô chính Moskva, những người biểu tình cố trụ lại ở khoảng giữa hai bức tượng Lênin và và Yuri Dolgorukiy, người sáng lập thủ đô nước Nga. Lực lượng cảnh sát hùng hậu đẩy lùi họ bằng dùi cui, một thanh niên người đầy máu bị thô bạo bắt đi trong những tiếng la phẫn nộ của đám đông. Vài chiếc chai nhựa được quăng về phía cảnh sát – phương tiện đối phó trông thật tội nghiệp so với lực lượng an ninh vũ trang tận răng, được mệnh danh là "phi hành gia".
Thông tín viên La Croix tại Moskva nhìn thấy một cảnh khác : năm vệ binh quốc gia đeo mặt nạ, lao vào một nhóm 300 người biểu tình đang nghỉ mệt gần nhà hát Bolshoi, gần đó là hàng hàng lớp lớp cảnh sát chống bạo động. Vệ binh bất ngờ phang dùi cui tán loạn, một thanh niên đang ngồi nghỉ bị đánh ngã gục, ba phụ nữ cố gắng bảo vệ anh này cũng bị lôi về xe cảnh sát, đám đông la to "phát-xít". Anh thanh niên trên đây bị gãy xương sườn, chấn thương sọ não, nhưng bộ phận cấp cứu để mặc không chịu nhận…
Trong ngày hôm đó, theo trang web OVD-Info, có 1.373 người bị câu lưu, đây là một kỷ lục ! Có 77 người bị thương, ít nhất 17 nhà báo bị bắt trong đó có 10 người bị tóm đi một cách thô bạo, máy ảnh, máy quay phim và điện thoại bị đập vỡ. Cảnh sát không cho những người bị câu lưu ăn uống gì, trong khi họ phải ở trong xe bít bùng dưới nhiệt độ 40°C. Như thường lệ, người bị bắt không được tiếp xúc với luật sư, và cảnh sát cưỡng bức lấy dấu tay dù luật Nga cấm.
Trắng trợn gạt bỏ các ứng cử viên đối lập
Hầu hết những người xuống đường hôm thứ Bảy 27/7 đều dưới 35 tuổi, họ chống lại việc các ứng cử viên đối lập bị trắng trợn gạt bỏ khỏi cuộc bầu cử địa phương tháng Chín tới.
Nghị viện Moskva chỉ có quyền hành hạn chế, nhưng đối lập có thể nhờ đó kiểm tra việc phân bố thị trường công, đang bị tham nhũng hoành hành. Người dân vô cùng bất bình khi ủy ban bầu cử vô hiệu hóa hàng loạt chữ ký ủng hộ của các ứng viên đối lập, còn toàn bộ các ứng cử viên của chính quyền đều được nhanh chóng chấp nhận.
Trước đó, hôm thứ Tư, thủ lãnh đối lập Alexei Navalny đã bị kết án 30 ngày tù vì kêu gọi biểu tình. Hôm sau, nhà và văn phòng của nhiều khuôn mặt đối lập bị khám xét, tịch thu đồ đạc, đa số nhà đối lập bị câu lưu hôm thứ Sáu, số còn lại bị bắt vào sáng thứ Bảy, trước khi họ có thể đến được địa điểm biểu tình.
Vì sao đàn áp ?
Sau vụ đàn áp chưa từng có hôm thứ Bảy 27/7, nhiều nhà bình luận đặt câu hỏi, vì sao chính quyền lại ra tay thô bạo quá trớn như vậy ? Phải chăng đây là âm mưu ở bộ nội vụ để phá hoại hình ảnh của đô trưởng Moskva Sergey Sobyanin ? Lực lượng an ninh muốn nắm lại quyền lực trước tình hình, hoặc quyết tâm đè bẹp đối lập ? Hay chế độ muốn thẳng tay để làm gương, tránh phong trào phản kháng lây lan ?
Theo nhà chính trị học Tatiana Stanovaya, trung tâm Carnegie ở Moskva, "Điện Kremlin không biết phải làm gì với đối lập, nay đã có thể huy động đông đảo người dân xuống đường. Vụ đàn áp người biểu tình hôm thứ Bảy và sau đó là khởi tố các nhà hoạt động, cho thấy chính quyền đã chọn lựa biện pháp mạnh".
Tuy nhiên áp bức chỉ càng khiến dân chúng thêm phẫn nộ, đối lập tuyên bố tiếp tục biểu tình thứ Bảy 3/8 tới. Còn các ứng cử viên bị loại kêu gọi những người ủng hộ ở từng quận dồn phiếu cho người khác, để đánh bại ứng viên của đảng Nước Nga Thống Nhất cầm quyền.
Les Echos ghi nhận phong trào phản kháng lan rộng trong bối cảnh uy tín của ông Vladimir Putin xuống thấp, chỉ còn 32%, theo kết quả thăm dò dư luận mới nhất, đặc biệt là từ sau khi tăng tuổi về hưu. Không chỉ có tổng thống, mà quan chức lâu nay được lòng dân nhất là Sergey Shoygu, bộ trưởng quốc phòng, tỉ lệ tín nhiệm chỉ còn 15%.
Cuba vận động ngoại giao từ Nga, Trung Quốc đến Việt Nam
Nhìn sang Châu Mỹ la-tinh, Le Figaro nhận xét "Cuba đang là trung tâm của một liên minh khu vực mới". Trước thái độ cứng rắn của Washington, vùng vịnh Caribbean xem lại các đối tác, quay sang Bắc Kinh và Moskva.
Từ nhiều tuần qua, cứ sau chương trình tin tức lúc 20 giờ, truyền hình Cuba lại chiếu một video tố cáo chính sách của Mỹ và kết thúc bằng câu "Luật Helms-Burton là một trò chơi dơ bẩn". Luật này cấm công dân Mỹ làm ăn với Cuba.
Giống như thời Liên Xô cũ, một cuộc chiến tranh lạnh mới đã bắt đầu với việc tái phối trí địa chính trị khu vực. Nga ngày càng hợp tác nhiều hơn với Cuba, nhất là qua các thỏa thuận quốc phòng. Moskva vừa mới viện trợ quân sự 50 triệu đô la và đang dự tính mở căn cứ quân sự tại Cuba. Công ty Nga Sinara Transportnie Mashini (STM) cải tạo tuyến đường sắt La Havana-Santiago. Trung Quốc, đã trở thành đối tác thương mại hàng đầu, cung cấp các toa tàu và đầu máy.
Cuba tìm kiếm sự ủng hộ về ngoại giao ở khắp nơi. Ngoại trưởng Bruno Rodriguez thăm Trung Quốc vào cuối tháng Năm, cùng lúc đó tổng bí thư Raul Castro tiếp các nhà lãnh đạo Việt Nam. Tháng Sáu, ông Rodriguez đi thăm một vòng các nước vịnh Caribbean. Hoa Kỳ tăng cường cấm vận Cuba, đe dọa chế độ Maduro - hiện đang cung ứng dầu lửa cho đảo quốc cộng sản – và các cố vấn quân sự Cuba ở Venezuela, khiến La Havana phải cố gắng vận động thêm đồng minh.
La Havana buồn bã khi không còn những du khách Mỹ hào phóng
Le Figaro mô tả "La Havana u buồn sau khi những chuyến tàu du lịch Mỹ cuối cùng đã ra đi".
Những chàng "Yankee" ra khỏi các tàu du lịch được các hướng dẫn viên và tài xế taxi đón tiếp, trên những chiếc xe cổ đủ màu, đi dạo một vòng thành phố trước khi trở về tàu. Chuyến tàu cuối Empress of the Sea nhổ neo hôm 6/6, kết thúc thời kỳ tàu du lịch Mỹ đến thăm Cuba trong ba năm qua. Hòa giải đã trở thành quá khứ, với quyết định của tổng thống Donald Trump cấm các chuyến tàu du lịch tập thể lẫn cá nhân và tàu đánh cá đến Cuba.
Đây là cú đòn nặng nề cho nền kinh tế Cuba, đặc biệt đối với những người kinh doanh nhỏ. Hàng ngàn Cuentapropistas (doanh nghiệp tư nhân) có nguy cơ phá sản, kéo theo sự sút giảm thu nhập của nhiều công nhân viên nhà nước. Khu phố cổ La Havana trở nên buồn rầu, người dân Cuba đã quen với sự hào phóng của khách du lịch Mỹ so với các quốc tịch khác. Pablo, một nhạc sĩ trong khu phố cổ than thở : "Thế là chấm dứt những món pourboire. Chỉ có người Mỹ là cho chúng tôi tiền thôi, những nhóm khách khác ăn uống linh đình mà chẳng cho lấy một xu nhỏ". Theo con số của chính quyền, đã có 142.000 du khách Mỹ đến Cuba bằng tàu biển từ ngày 1/1 đến 30/4. Nay những con tàu du lịch vắng bóng, thành phố trở nên đìu hiu.
29/7 : Nhân loại bắt đầu "nợ nần" Trái Đất
Về sinh thái, Le Figaro báo động "29 tháng Bảy 2019 : Ngày mà nhân loại bắt đầu cuộc sống nợ nần", khi hệ sinh thái Trái Đất không còn có thể "tái sinh".
Điều này có nghĩa là kể từ hôm nay, loài người đã đánh bắt cá, đốn hạ cây và khai thác mặt đất quá mức mà Trái Đất cung cấp được trong cả năm. Cũng từ hôm nay, hệ sinh thái của hành tinh chúng ta (rừng, đất đai, đại dương, sông hồ) không còn có thể hấp thu lượng dioxyde carbone mà con người thải ra. Hồi đầu thập niên 70, thời điểm này trùng vào cuối năm, nhưng nay càng ngày càng sớm hơn.
Một số quốc gia như Hoa Kỳ cần đến 5 Trái Đất (hết "quota" từ ngày 15/3), Pháp ở mức trung bình của Châu Âu (ngày 14/5). Riêng nước Pháp đã có những nỗ lực đáng kể để hạn chế phá rừng, giới hạn việc sử dụng xe cá nhân, gần đây còn đánh thuế vào hàng không, nhưng theo Quỹ bảo vệ thiên nhiên, thì còn phải giảm phân nửa nạn lãng phí thực phẩm, để có thể giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính.
Tay đua trẻ Colombia đi vào huyền thoại Vòng đua nước Pháp
Tựa chính nhật báo Le Figaro hôm nay là "Những sở thích mới của người Pháp khi đi nghỉ hè". Nước Pháp là nơi thu hút du khách nhiều nhất thế giới, và chính người dân Pháp cũng chọn lựa các vùng miền đa dạng của nước mình để đi du lịch. Cùng một chủ đề này, Les Echos quan tâm đến việc "Các thành phố Châu Âu phải đối phó với tình trạng du khách tràn ngập", từ Venise cho tới Luân Đôn.
Về chính trị nước Pháp, La Croix ghi nhận "Gương mẫu, một đòi hỏi tập thể". Sau vụ bộ trưởng sinh thái François de Rugy từ chức do dư luận ồn ào về các bữa tiệc tùng, tờ báo công giáo xem xét lại khái niệm "gương mẫu", và nhận ra rằng điều này rất phức tạp. Le Monde nhìn sang Châu Phi, nói về "Morocco : Bí ẩn Mohamed VI". Ngày mai 30/7, quốc vương morocco mừng 20 năm trị vì một đất nước hiện đại hóa nhưng lại bất bình đẳng hơn bao giờ hết.
Trên lãnh vực thể thao, các báo đều nói đến tay đua người Colombia đầu tiên giành được chiếc áo vàng của Vòng đua nước Pháp. Libération đăng chân dung quán quân Tour de France 2019, chạy tựa "Egan Bernal, một thế giới mới". Tay đua Colombia đầu tiên giựt giải Vòng đua nước Pháp, cũng là cua-rơ trẻ nhất kể từ năm 1909 giành được giải thưởng danh giá này.
Libération nhấn mạnh, Colombia là một đất nước mà môn đua xe đạp cũng được hâm mộ như bóng đá. Les Echos cho biết những diễn biến kịch tính của Tour de France năm nay đã khiến lượng khán giả truyền hình tăng vọt, còn La Croix ca ngợi : "Một vòng đua nước Pháp đã đi vào huyền thoại". Theo nhật báo công giáo, thắng lợi của cua-rơ Egan Bernal hôm Chủ nhật 28/7 là một trong những chiến thắng kịch tính nhất trong lịch sử, đặc biệt là tay đua 22 tuổi chỉ mới làm quen với môn đua xe đạp cách đây 4 năm.
Thụy My