Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

23/09/2019

Ý, Hồng Kông, người Uighurs, Philippines xa lánh Trung Quốc

RFI tiếng Việt

Tân chính phủ Ý lùi bước trên Con Đường Tơ Lụa Trung Quốc (RFI, 23/09/2019)

Vào tháng Ba 2019, liên minh cầm quyền tại Rôma dưới ảnh hưởng của lãnh đạo cực hữu Matteo Salvini đã khiến châu Âu và Mỹ hết sức bất bình khi biến Ý thành nước G7 đầu tiên tham gia đề án Con Đường Tơ Lụa Mới (BRI) của Trung Quốc.

xalanh1

Ảnh minh họa : Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (T) và thủ tướng Ý Giuseppe Conte (P) họp báo tại Roma, ngày 18/09/2019. Reuters/Remo Casilli

Thế nhưng tháng Tám vừa qua, một liên minh mới đã lên lãnh đạo nước Ý, và một trong những việc làm đầu tiên của tân chính phủ Ý là giữ khoảng cách với Trung Quốc để trở về với đường lối thân thiện châu Âu truyền thống.

Trong bài phân tích mang tựa đề "Tân chính phủ Ý đặt nền móng cho một chính sách Trung Quốc cân bằng hơn", đăng trên trang web của Viện Nghiên Cứu về Trung Quốc Mercator (MERICS - Mercator Institute for China Studies) tại Berlin (Đức), chuyên gia Lucrezia Poggetti cho rằng sẽ là một điều tốt nếu Rôma bổ sung những yếu tố chiến lược và giá trị căn bản của châu Âu vào chính sách mở cửa qua Trung Quốc thừa hưởng từ chính quyền tiền nhiệm.

Bước lùi trên vấn đề Con Đường Tơ Lụa

Ngay sau khi tuyên thệ hôm 04/09, chính quyền mới ở Ý đã lập tức cho thấy là sẽ không tiếp tục hợp tác vô tội vạ với Trung Quốc như chính quyền trước đã làm.

Trong cuộc họp đầu tiên, chính quyền mới của thủ tướng Conte, một liên minh giữa Phong Trào 5 Sao và đảng Dân Chủ Ý, đã viện đến các "Quyền Hạn Đặc Biệt" (tiếng Anh gọi là "Golden Power"), tức các đặc quyền được luật pháp cho phép để xem xét đầu tư trong các lãnh vực chiến lược và hạ tầng cơ sở nhạy cảm, để thẩm tra thật kỹ một loạt thỏa thuận cung cấp thiết bị cho mạng 5G, trong đó có cả 2 thỏa thuận với tập đoàn Hoa Vi và ZTE của Trung Quốc.

Khi làm như vậy, chính phủ Ý cho thấy quyết tâm của Roma trong những lãnh vực mà chính quyền trước còn do dự. Cựu bộ trưởng Nội Vụ kiêm phó thủ tướng Matteo Salvini, đã nêu quan ngại về an ninh, nhưng lại không hành động cùng với đối tác trong liên minh cầm quyền để thực sự sử dụng quyền hạn đặc biệt trong các thỏa thuận liên quan đến mạng lưới 5G.

Trong lúc đó chính quyền mới đã hành xử đặc quyền đó và áp đặt một số "điều kiện và yêu cầu" – chưa được tiết lộ - trên các hợp đồng. Việc đưa những quyết định có cân nhắc vào tiến trình hợp tác với các tác nhân Trung Quốc có thể giúp Ý tiếp tục có cơ hội kinh tế thuận lợi mà không phải chịu rủi ro quá đáng. Và Ý cũng có thể khôi phục uy tín đã bị sứt mẻ ở Mỹ và châu Âu.

Đặt châu Âu và Mỹ bên trên quan hệ với Trung Quốc

Chính quyền mới ở Roma đã đặt quan hệ với châu Âu và Hoa Kỳ vào vị trí trung tâm trong chính sách đối ngoại của mình. Đối với Trung Quốc, điều đó có nghĩa là hợp tác giữa Roma với Bắc Kinh sẽ bị giới hạn bởi quan hệ rộng lớn hơn giữa Ý với châu Âu và Mỹ.

Trong bối cảnh đó, sẽ không có những động thái quá đáng như việc Ý đơn phương ký Biên Bản Ghi Nhớ về Con Đường Tơ Lụa Mới với Trung Quốc vào tháng Ba vừa qua. Hành động nhanh chóng của tân chính phủ Ý về 5G cho thấy một sự cẩn trọng hơn đối với Trung Quốc, điều có thể trấn an Bruxelles cũng như Washington.

Đồng thời cũng phải thấy là Roma vẫn tiếp tục xu hướng thân thiện với Trung Quốc của chính phủ cũ. Lãnh đạo Phong Trào 5 Sao Luigi Di Maio, nguyên là bộ trưởng Kinh Tế và Lao Động, người đã ký kết Biên Bản Ghi Nhớ gây tranh cãi, hiện giữ chức ngoại trưởng. Ông đã chọn ông Ettore Sequi, đại sứ Ý ở Trung Quốc, làm chánh văn phòng bộ Ngoại Giao, mà ông Sequi là người đã nhiệt liệt cổ vũ cho Ý tham gia Con Đường Tơ Lụa. Đây chính là tín hiệu gởi đến Trung Quốc cho thấy là Ý vẫn muốn hợp tác.

Tuy nhiên, Phong Trào 5 Sao không còn có thể tự do hành động vì đối tác trong liên minh cầm quyền là đảng Dân Chủ. Ông Paolo Gentiloni của đảng này đã được cử làm Ủy Viên Châu Âu về Kinh Tế. Vào năm 2017, ông từng tham dự Diễn Đàn về Vành Đai và Con Đường tại Bắc Kinh với tư cách là thủ tướng Ý, và cũng là người cùng với Đức và Pháp tạo ra khuôn khổ sàng lọc đầu tư nước ngoài tại Liên Hiệp Châu Âu sẽ có hiệu lực trong năm nay.

Cách tiếp cận cân bằng hơn của ông trong việc hợp tác với Trung Quốc có thể truyền cảm hứng giúp tân chính phủ mới theo đuổi các cơ hội kinh tế với Trung Quốc mà không bị lệ thuộc về chính trị.

Yêu cầu bênh vực phong trào dân chủ Hồng Kông

Theo chuyên gia Lucrezia Poggetti, chính quyền mới tại Roma vừa có một động thái rất đáng chú ý để cho thấy thế đứng chính trị của mình trước Trung Quốc.

Trong một động thái chưa từng có, nữ nghị sĩ Ý Lia Quartapelle thuộc đảng Dân Chủ, đồng thời là chủ tịch Ủy Ban Đối Ngoại Quốc Hội, và ông Maurizio Lupi thuôc nhóm nghị sĩ Dân Chủ Thiên Chúa Giáo, đã đề xuất một phiên điều trần của Quốc Hội để lắng nghe những người biểu tình ở Hồng Kông, cho rằng Ý nên đứng cùng với Hồng Kông để giương cao ngọn cờ tự do và dân quyền.

Đề xuất này được đưa ra khi Bắc Kinh triệu tập đại sứ Đức tại Trung Quốc lên để phản đối cuộc gặp giữa nhà đấu tranh Hồng Kông Hoàng Chi Phong với ngoại trưởng Đức Heiko Maas.

Ý cứng rắn hơn, Trung Quốc tránh phản ứng mạnh

Theo Poggetti, trước các diễn biến không thuận lợi cho họ tại Ý, Bắc Kinh đang rất cẩn thận để không làm phật lòng các đối tác mới, với hy vọng rằng chính phủ mới sẽ tiếp tục theo đuổi các chính sách thân thiện với Trung Quốc.

Bắc Kinh đã hoan nghênh việc đề bạt hai ông Di Maio và Sequi. Tân Hoa Xã, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng Sản Trung Quốc đã nhanh chóng gỡ bỏ một bản tin cho rằng Di Maio là một lựa chọn bất thường cho chức vụ ngoại trưởng. Bản tin này đã chê bai một người mới 33 tuổi "không hề tốt nghiệp đại học, có trình độ ngoại ngữ rất hạn chế và không mấy quan tâm đến các vấn đề thế giới trong cuộc sống công cộng của mình".

Cũng trong chiều hướng tránh đụng chạm, quyết định mới của chính quyền Roma về việc xem xét kỹ lưỡng lại các thỏa thuận liên quan đến Hoa Vi và ZTE đã không gây ra phản ứng phẫn nộ thường thấy ở Bắc Kinh. Phát ngôn viên bộ ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng chỉ bày tỏ hy vọng rằng Ý sẽ xử sự công bằng với các doanh nghiệp Trung Quốc.

Hoài nghi gia tăng đối với Trung Quốc

Đối với chuyên gia Poggetti, Ý nên dựa vào cuộc tranh luận ngày càng tăng trong nội bộ chính phủ và trong công luận về vai trò của Trung Quốc.

Điểm tích cực mà chính phủ cũ đã để lại là mối quan tâm nhiều hơn đến Trung Quốc. Tuy nhiên, trong chính quyền cũ, chính sách Trung Quốc của Ý chủ yếu bị lợi ích kinh tế chi phối, với các bộ kinh tế và tài chính phụ trách phần lớn các khoản đầu tư Trung Quốc. Tuy nhiên, những động thái gần đây trên vấn đề 5G và Hồng Kông cho thấy là những quan tâm về chiến lược và về giá trị đang ngày càng được chú ý.

Ngoài ra, ngành công nghiệp Ý cũng đã bắt đầu tỉnh táo hơn về Trung Quốc. Tháng Tư vừa qua, Tổng Liên Đoàn Công Nghiệp Ý (Confindustria), đã công bố một bản tuyên bố lập trường ủng hộ một cách tiếp cận chiến lược và thuần nhất hơn ở cấp độ Liên Âu để đối phó với các thách thức kinh tế trong quan hệ với Bắc Kinh.

Giới lãnh đạo các hải cảng và các hiệp hội chủ tàu có liên quan đến các dự án trong sáng kiến Một Vành Đai Một Con Đường cũng ngày càng kêu gọi có đi có lại, và ủng hộ cách tiếp cận BRI của châu Âu vì họ thấy sáng kiến của Trung Quốc chủ yếu phục vụ lợi ích của Bắc Kinh.

Mai Vân

****************

Hồng Kông : Phong trào phản kháng đổi chiến thuật (RFI, 23/09/2019)

Hồng Kông vừa trải qua tuần lễ khủng hoảng thứ 16. Phong trào phản kháng tiếp tục tranh đấu cho dù luật dẫn độ đã bị hủy bỏ.

xalanh2

Lửa cháy trước một trụ sở cảnh sát ở khu Mongkok (Vượng Giác) Hồng Kông, ngày 22/09/2019. Reuters/Aly Song

Giới trẻ Hồng Kông vẫn kiên trì nhưng do lệnh cấm xuống đường, các cuộc biểu tình bỏ hình thức huy động hàng chục ngàn người. Họ phân ra từng nhóm vài trăm người, xuất hiện đồng loạt ở nhiều nơi. Đây là dấu hiệu cho thấy có rất nhiều tổ chức nổi dậy và hành động khó tiên đoán.

Từ Hồng Kông, thông tín viên Florence Changy tường thuật :

Tuen Mun, Yuen Long, Shatin, Tseung Kuang Ho, Tsing Yi… mỗi khu phố của Hồng Kông là một nơi có biểu tình và có xung đột với cảnh sát trong hai ngày cuối tuần.

Tại nhiều khu thương mại lớn, hàng ngàn người tập họp để tố cáo các cửa hàng thuộc các đại công ty bị xem là thân Bắc Kinh, để hô to các khẩu hiệu, và để hát những bài ca tranh đấu và bài hát chính thức đề cao Hồng Kông.

Tại Shatin (Sa Điền), một nhóm người biểu tình đứng thành vòng tròn, dẫm chân lên lá cờ đỏ của Trung Quốc và sau đó vứt lá cờ 5 sao vào thùng rác, rồi đem ném xuống một con sông gần đó.

Ngày hôm trước, một cô bé 13 tuổi bị cảnh sát bắt vì đốt một lá cờ của Hoa lục, cô được thả 24 giờ sau đó.

Để ghi dấu sự kiện hàng chục người biểu tình trên đường về nhà bị thành viên của các tổ chức xã hội đen tấn công trong trạm xe điện ngầm ở Yuen Lang (Nguyên Lãng) cách nay đúng hai tháng, một cuộc xuống đường huy động nhiều ngàn người diễn ra hôm thứ Bảy. Vì thái độ thụ động không can thiệp, cảnh sát Hồng Kông bị tố cáo bảo vệ côn đồ có tổ chức.

Cũng trong ngày thứ Bảy, một trụ sở cảnh sát bị tấn công bằng bom xăng.

Đến tối Chủ Nhật, cảnh sát đương đầu cùng lúc với nhiều cuộc xuống đường ở nhiều khu phố khác nhau. Tại khu đông dân Mongkok (Vượng Giác), người biểu tình bị đàn áp bằng lựu đạn cay.

Tú Anh

*********************

Mỹ kêu gọi không hồi hương người Duy Ngô Nhĩ theo yêu cầu của Bắc Kinh (RFI, 23/09/2019)

Ngoại trưởng Mỹ vào hôm qua, 22/09/2019 đã lên tiếng kêu gọi các nước chống lại yêu cầu của Trung Quốc, đòi hồi hương những người Duy Ngô Nhĩ, sắc dân thiểu số sinh sống tại vùng Tân Cương. Đối với ông Mike Pompeo, Bắc Kinh hiện đang tiến hành tại Tân Cương cả một chiến dịch nhằm "xóa bỏ công dân của chính họ".

xalanh3

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo phát biểu trong cuộc gặp các đồng nhiệm các quốc gia Trung Á, bên lề Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc, New York, ngày 22/09/2019 Reuters/Mark Kauzlarich

Phát biểu với các nhà báo sau một cuộc họp bên lề khóa họp của Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc tại New York, cùng với ngoại trưởng 5 quốc gia Trung Á là Turkmenistan, Kyrgyzstan, Uzbekistan, Kazakhstan và Tajikistan, ông Pompeo khẳng định : "Chiến dịch đàn áp mà Trung Quốc đang tiến hành tại Tân Cương không liên quan đến khủng bố. Đó là nỗ lực của Trung Quốc nhằm xóa bỏ công dân của chính họ. ... Chúng tôi kêu gọi tất cả các nước chống lại yêu cầu của Trung Quốc đòi hồi hương người Duy Ngô Nhĩ".

Theo giới chuyên gia Liên Hiệp Quốc và các nhà đấu tranh bảo vệ nhân quyền, đã có ít nhất 1 triệu người Duy Ngô Nhĩ, và thành viên nhiều nhóm thiểu số Hồi Giáo khác, đã bị chính quyền Trung Quốc giam giữ trong các trại cải tạo ở vùng Tân Cương.

Bắc Kinh đã phải công nhận sự tồn tại của các trại này, những cho rằng đó chỉ là những "trung tâm huấn nghệ" nhằm giúp bài trừ tệ nạn khủng bố.

Tuyên bố của ngoại trưởng Mỹ vào hôm qua dự báo cho những lời tố cáo sắp tới đây của Mỹ nhắm vào Trung Quốc trên vấn đề Tân Cương, ngay trước Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc.

Theo hãng tin Anh Reuters, một số nhà ngoại giao cho biết là thứ trưởng ngoại giao Mỹ John Sullivan vào ngày mai, 24/09, sẽ tổ chức một sự kiện về "cuộc khủng hoảng nhân quyền ở Tân Cương".

Kể từ năm ngoái 2018, chính quyền của tổng thống Mỹ Donald Trump từng xem xét các biện pháp trừng phạt đối với các quan chức Trung Quốc liên quan đến chiến dịch đàn áp ở Tân Cương. Tuy nhiên kế hoạch này chưa thực hiện trong bối cảnh Bắc Kinh dọa trả đũa.

Trước sự đàn áp của Bắc Kinh, nhiều người Duy Ngô Nhĩ đã chạy trốn ra bên ngoài, đặc biệt là tới Thổ Nhĩ Kỳ. Chính quyền Bắc Kinh đã nhiều lần yêu cầu các nước trao lại cho Trung Quốc những người này.

Trọng Nghĩa

Quay lại trang chủ
Read 395 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)